Tin khắp nơi – 08/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 08/04/2018

Syria: Nghi tấn công hóa học làm hàng chục người chết

Ít nhất 70 người thiệt mạng trong một vụ tấn công được cho là bằng chất độc thần kinh Sarin ở Douma, Syria.

Lực lượng phòng vệ Syria, còn gọi là nhóm Những chiếc mũ bảo hiểm trắng (White Helmets) đăng trên Twitter những hình ảnh cho vài thi thể trong tầng hầm trú ẩn. Họ nói số người chết có thể gia tăng.

Hiện chưa có nguồn tin độc lập kiểm chứng vụ việc.

Chính phủ Syria gọi cáo buộc về vụ tấn công hóa học là ‘sự bịa đặt’.

VX trên mặt Kim Jong-nam ‘quá liều gây tử vong’

Cựu điệp viên Nga bị bất tỉnh do chất lạ tại Anh

Nga: Cơ quan giám sát vũ khí hóa học vào cuộc

Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Mỹ

Syria: Dân chạy trốn, chiến sự leo thang

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Nga – với “sự hỗ trợ vững chắc” cho chính phủ Syria – “chịu trách nhiệm cuối cùng” cho các cuộc tấn công bị cáo buộc.

Chúng ta biết gì về vụ tấn công?

Một vài tổ chức y tế, giám sát và các nhà hoạt động báo cáo chi tiết về một cuộc tấn công hóa học, nhưng số liệu thay đổi.

Raid al-Saleh, người đứng đầu nhóm Những chiếc mũ bảo hiểm trắng, nói: “Có bảy mươi người bị chết ngạt và hàng trăm người đang chết dần vì gạt thở.” Một tweet trước đó đã bị xóa, đưa con số lên hơn 150.

Tổ chức Ghouta Media Center tweet rằng có 75 người ‘chết ngạt’ và hơn 1.000 người khác bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công.

Tổ chức này cho rằng một trực thăng đã thả một quả bom thùng mang chất độc thần kinh Sarin.

Liên hiệp các tổ chức cứu trợ y tế, một tổ chức từ thiện của Mỹ làm việc với các bệnh viện Syria, nói với BBC rằng Bệnh viện Đa khoa Damascus Rural xác nhận 70 ca tử vong.

Một phát ngôn viên cho biết có khoảng 180 người thiệt mạng, nhưng rất khó để tiếp cận nạn nhân do pháo kích liên tục trong đêm.

Bà nói có báo cáo về những người đang điều trị các triệu chứng bao gồm co giật và sùi bọt mép, triệu chứng thần kinh khi bị phơi nhiễm với khí chlorine.

Chính phủ Syria từng sử dụng vũ khí hóa học?

Tháng 8/2013, tên lửa có chứa Sarin được bắn vào các khu vực phiến quân chiếm đóng ở đông Ghouta, giết chết hàng trăm người.

Liên Hiệp Quốc đã khẳng định việc Syria sử dụng Sarin, nhưng không nói ai chịu trách nhiệm. Các nước phương Tây nói chỉ có quan đội chính phủ Syria mới có thể tiến hành vụ tấn công.

Vào tháng 4/2017, hơn 80 người chết trong vụ tấn công bằng chất Sarin ở thị trấn Khan Sheikhoun của phe đối lập. Một cuộc điều tra chung của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) quy trách nhiệm cho chính phủ Syria.

Các nhà hoạt động, giới y học và Mỹ nói rằng quân đội chính phủ Syria đã bỏ bom có chứa chất độc chlorine vào các thị trấn bị quân nổi dậy chiếm đóng vào đầu năm 2018.

Đoàn công tác chung của Liên Hiệp Quốc và OPCW đang điều tra các báo cáo.

Trước đây hai tổ chức này phát hiện quân đội chính phủ đã sử dụng chlorine như một vũ khí ít nhất ba lần trong cuộc nội chiến kéo dài bảy năm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43687003

 

Đức: Chưa tìm ra động cơ vụ đâm xe chết người

Cảnh sát ở Đức nói vẫn chưa có “manh mối” về động cơ của cuộc tấn công bằng xe tải cỡ nhỏ hôm Thứ bảy ở thành phố Muenster, làm 3 người chết, trong đó có một nghi can.

Cảnh sát đang điều tra “tất cả các khả năng có thể”, Martin Botzenhardt, công tố viên cao cấp của thành phố ở tây bắc nước Đức, nói.

Hôm 07/4/2018, nghi can, một công dân Đức, đã tiến hành vụ tấn công và nổ súng tự sát.

Thủ tướng Merkel sẽ đến hiện trường vụ đâm xe tải

Cho tới nay không có dấu hiệu nào về nền tảng động cơ của tội phạm,” ông nói, “Các cuộc điều tra đang được tiến hành khẩn trương và trên mọi mặtMartin Botzenhardt, công tố viên cao cấp

Xe tải lao vào chợ ở Berlin, nhiều người chết

Cảnh sát cũng xác định hai nạn nhân bị giết trong vụ việc là một phụ nữ 51 tuổi và một người đàn ông 65 tuổi.

Người phụ nữ này đến từ gần Lueneburg ở mạn bắc đất nước, trong khi người đàn ông từ Borken gần Muenster.

Ông Botzenhardt nói cuộc điều tra cho thấy người lái chiếc xe gây ra vụ việc “có lẽ” là một người đàn ông 48 tuổi đến từ Munich.

“Cho tới nay không có dấu hiệu nào về nền tảng động cơ của tội phạm,” ông nói, “Các cuộc điều tra đang được tiến hành khẩn trương và trên mọi mặt.”

Mặc dù giới chức cung cấp ít chi tiết, tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức đưa tin cho hay người đàn ông sống cách nhà hàng chỉ 2 km.

Hãng truyền thông công cộng ZDF cho rằng người đàn ông này có liên hệ với những kẻ cực đoan cực hữu, nhưng nói rằng ông ta không được biết đến là một trong những người đó.

Tin cho hay cảnh sát đang lục soát căn hộ của nghi can.

Truyền thông Đức cũng đưa tin và nói người đàn ông có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

‘Rúng động sâu sắc’

Pháp bắn nghi phạm tấn công cảnh sát ở Paris

Tất cả mọi việc đang được làm để xác minh sự việc và hỗ trợ các nạn nhân và người thân của họThủ tướng Angela Merkel

Xe tải tông chết nhiều người ở New York

Một chiếc xe, được cho là chiếc VW màu xám, đã được lái vào một nhà hàng địa phương vào lúc 15:27 giờ địa phương hôm thứ Bảy, 07/4.

Các nhân chứng nói chiếc xe đã tăng tốc độ và những bức ảnh về hậu quả sau đó cho thấy các bàn ghế bị vung vãi khắp khu quảng trường du lịch đông người.

Một nhân viên tại một trong những quán cà phê nói với truyền thông địa phương rằng bà nghe thấy một tiếng động lớn và mọi người la hét.

“Tôi rất tức giận – thật hèn nhát khi làm một việc như thế này”, bà nói với kênh truyền hình N24 của Đức.

Daniel Kollenberg, người chứng kiến hậu quả vụ việc này, nói với BBC:

“Tôi nghĩ đó là một cuộc tấn công cố ý bởi vì xe hơi không được phép đi vào khu vực này.”

Ông nói thêm: “Mọi người bình tĩnh, nhưng thực sự bị sốc.”

Thành phố, ở phía tây bắc của Đức, có dân số khoảng 300.000 người.

‘Tấn công khủng bố’ ở Barcelona

Thủ tướng Angela Merkel nói trong một tuyên bố rằng bà “bị rúng động sâu sắc” bởi vụ việc.

“Tất cả mọi việc đang được làm để xác minh sự việc và hỗ trợ các nạn nhân và người thân của họ,” bà nói.

Vụ việc xảy ra gây quan ngại ở châu Âu và gợi nhớ các loạt tấn công bằng các phương tiện từ xe hơi, tới xe tải diễn ra ở nhiều nơi trong đó có Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi thông điệp trên Twitter bằng tiếng Pháp và tiếng Đức, nói rằng đất nước của ông đang chia sẻ nỗi đau với nước Đức.

Tại Đức, hồi tháng 12/2016 đã xảy ra một vụ đâm xe tại một khu chợ Giáng sinh tại Berlin gây thương vong và thương tích cho nhiều người trong đám đông công chúng và những người đi mua sắm dịp đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43689658

 

Công nhân Air France đình công

làm gián đoạn các chuyến bay đi và đến Paris

Roissy-En-France, Pháp. (Reuters)- Hôm nay 7 tháng 4, công nhân hãng hàng không Air France lại đình công lần nữa để đòi tăng lương, khiến nhiều chuyến bay đến và đi từ Paris bị huỷ bỏ, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của rất nhiều gia đình.

Air France cho biết dự tính thực hiện 70% chuyến bay theo kế hoạch của ngày hôm nay, khi các nghiệp đoàn kêu gọi công nhân tham dự cuộc đình công, để đòi tăng 6% mức lương hiện nay. Cuộc đình công của công nhân Air France bao gồm 10 nghiệp đoàn, hôm nay bước sang ngày thứ năm.

Ông Santosh Bageshwar, kỹ sư làm việc tại công ty Siemens ở Nuremberg đã cùng vợ và đứa con trai 4 tuổi đi đến Mumbai. Ông cho biết không hề được báo tin liên quan đến việc huỷ bỏ chuyến bay ở Paris, khi bay từ Đức để bay đến Paris. Ông phàn nàn về việc đã phải mất 3 tiếng đồng hồ để được cung cấp chỗ ở qua đêm để chờ chuyến bay khác.

Trong khi đó, Harinath Reddy thì bị lỡ chuyến bay nối từ Mumbai đến Hyderabad, vì chuyến bay của ông cất cánh từ Paris bị trễ mất một ngày rưỡi. Ông Harinath cho biết Air France không chịu trả tiền chiếc vé của chuyến bay bị lỡ.

Thông báo của hãng hàng không Air France công bố, hôm qua chỉ có khoảng 75% chuyến bay đường dài, và 65% chuyến bay ngắn hơn đi và đến phi trường Charles de Gaulle được tiến hành.

Air France kêu gọi nhân viên của họ tiếp tục tham gia đợt đình công mới vào các ngày 10, 11, 17, 18, 23 và 24 tháng 4. (Song Châu)

https://www.sbtn.tv/cong-nhan-air-france-dinh-cong-lam-gian-doan-cac-chuyen-bay-di-va-den-paris/

 

Cháy Trump Tower, 1 người bị thiệt mạng,

6 nhân viên cứu hỏa bị thương

New York, New York. (CBS) – Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở tầng thứ 50 tòa nhà Trump Tower tại New York vào chiều ngày 7 tháng 4, khiến một người thiệt mạng.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây hỏa hoạn. Giám đốc sở Cứu Hỏa New York cho biết căn chung cư gần như bị cháy hoàn toàn. Nhân viên cứu hỏa hành động dũng cảm dập tắt đám cháy. Sở Cứu Hỏa New York cho biết 6 nhân viên cứu hỏa bị thương. Hơn 44 đơn vị và khoảng 190 nhân viên cứu hỏa tham gia vào việc dập tắt hỏa hoạn.

Cảnh sát thành phố New York xác định được danh tính nạn nhân trong vụ hỏa hoạn gây chết người tại Trump Tower là ông Todd Brassner, 67 tuổi. Ông sống trên tầng 50 của tòa nhà 58 tầng này. Theo hồ sơ khai phá sản từ năm 2016, ông Brassner là một nhà sưu tập và bán tác phẩm nghệ thuật. Theo hồ sơ tòa án, ông suy yếu vì những vấn đề sức khỏe và khó hoạt động.

Theo hồ sơ mua bán, ông Brassner sống trong căn nhà này từ năm 1996. Trump Tower khai trương vào năm 1984. Ông Brassner mua căn chung cư rộng 1,137 sqf với giá là 575,000 Mỹ kim. Căn chung cư có trị giá 2,500,000 Mỹ kim vào tháng 6 năm 2016. (Nguyên Trân)

https://www.sbtn.tv/chay-trump-tower-1-nguoi-bi-thiet-mang-6-nhan-vien-cuu-hoa-bi-thuong/

 

ICE bao vây và bắt giữ 97 di dân bất hợp pháp

tại một nhà máy ở Tennessee

Bean Station, Tennessee. (ABC News) – Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng cuộc đột kích, bao vây và bắt giữ 97 người tại một nhà máy chế biến thịt ở Bean Station, Tennessee, là vụ trấn áp di dân bất hợp pháp lớn nhất dưới chính phủ Tổng Thống Trump.

Phát ngôn viên Tammy Spicer của cơ quan ICE cho biết trong số này có 11 người bị bắt vì tội hình sự, và 86 người bị giam giữ vì đang sống tại đây bất hợp pháp.

ABC News trích dẫn tuyên bố của luật sư Jessie Hahn, thành viên của Trung Tâm Pháp Lý Bảo Vệ Quyền Lợi cho Di Dân, nói rằng cuộc đột kích diễn ra tại nhà máy Southeastern Provision trong ngày Thứ Năm 5 tháng 4, là hoạt động thực thi pháp luật tại một nơi làm việc, và giam giữ nhiều người nhất từ trước tới nay.

Trong thời gian vận động tranh cử, cũng như sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng Thống Trump cam kết trấn áp cả người sử dụng lao động, thuê mướn di dân bất hợp pháp vào làm việc cho họ. Từ đó, nhiều cuộc đột kích diễn ra trên khắp đất nước. Cách đây 2 tháng, nhân viên ICE tấn công vào một số tiệm 7-11 trên toàn quốc, bắt giữ 21 người. Phát ngôn viên Tammy Spicer từ chối xác nhận đây là vụ đột kích có nhiều người bị bắt nhất dưới thời ông Trump, chỉ cho biết cuộc đột kích có sự kết hợp giữa nhân viên ICE với nhân viên Bộ Nội An, phòng điều tra tội phạm của Sở Thuế, và cảnh sát tiểu bang Tennessee. Trong số 86 người bị bắt giam, ICE thả 32 người đang trong thời gian chờ cấp tình trạng tị nạn. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/ice-bao-vay-va-bat-giu-97-di-dan-bat-hop-phap-tai-mot-nha-may-o-tennessee/

 

Ngoại trưởng Canada:

ít có tiến triển trong cuộc đàm phán NAFTA

(Reuters)- Tại buổi họp báo hôm qua 6 tháng 4, Ngoại Trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết Hoa Kỳ, Mexico và Canada vẫn phải giải quyết các vấn đề lớn chung quanh NAFTA. Bà tỏ ra nghi ngờ thỏa thuận mà Washington đang tìm kiếm sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bà Freeland đưa ra ý kiến trên sau khi gặp Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế Mexico Ildefonso Guajardo trong vài giờ, nhưng rõ ràng cuộc họp thiếu sự đồng thuận về Thỏa Thuận Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ- NAFTA. Bên ngoài một tòa nhà ở Washington DC, là nơi các cuộc đàm phán diễn ra, bà Freeland nói với giới báo chí rằng họ có những cuộc đối thoại mang tính xây dựng, trong các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày, với tốc độ làm việc căng thẳng. Họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán trong những ngày tới, cho tới khi đại diện của 3 nước tìm thấy những điểm chung trong thỏa thuận NAFTA.

Reuters trích lời ông Lighthizer, nói về sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận NAFTA trước cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào ngày 1 tháng 7. Ông muốn sớm có phác thảo của một thỏa thuận, để có thể cập nhật thỏa thuận thương mại khu vực. Một tuyên bố ngắn từ văn phòng của ông Lighthizer cho biết các cuộc đàm phán diễn ra rất tích cực, và họ sẽ tiếp tục làm việc để đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả ba nước.

Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế Mexico cũng nói rằng tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật trong những ngày tới, cố gắng tìm ra sự cân bằng để tiến trình đàm phán diễn ra trọn vẹn. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/ngoai-truong-canada-it-co-tien-trien-trong-cuoc-dam-phan-nafta/

 

Ông Trump vẫn coi chủ tịch Trung Quốc là ‘bạn’

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/4 viết trên Twitter rằng ông sẽ luôn coi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “bạn”, dù hai nước đang đối đầu về thương mại.

“Ông chủ” Nhà Trắng cũng đồng thời cho biết rằng Trung Quốc sẽ rỡ bỏ các rào cản thương mại, và rằng hai nước sẽ đạt một thỏa thuận về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Theo Reuters, ít ngày trước đó, ông Trump đã yêu cầu các quan chức phụ trách thương mại của Mỹ xem xét bổ xung việc đánh thuế vào 100 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc, gia tăng cuộc đối đầu thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Trump nói trong một tuyên bố của Nhà Trắng hôm 5/4 rằng các biện pháp áp thuế tiếp theo đang được cân nhắc vì “sự trả đũa thiếu công bằng của Trung Quốc” đối với các hành động thương mại của Mỹ trước đó, bao gồm kế hoạch đánh thuế đối với 50 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc.

Trong đoạn tweet hôm 8/4, ông Trump nói rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ luôn là bạn, bất chấp tranh cãi về thương mại.

Ông viết thêm: “Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các rào cản thuế quan vì đó là điều đúng đắn phải làm. Vấn đề thuế sẽ có đi có lại và một thỏa thuận sẽ đạt được về sở hữu trí tuệ. Thương lai tốt đẹp cho cả hai nước”.

Đầu tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ đã đề xuất áp thuế 25% đối với hơn 1.300 hàng hóa của Trung Quốc, từ TV màn hình phẳng cho tới các linh kiện điện tử.

11 giờ sau đó, theo Reuters, Trung Quốc đáp trả với danh sách hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỷ đôla sẽ bị đánh thuế, trong đó có đậu nành, máy bay, ôtô, thịt bò và hóa chất.

Ông Trump không nêu lý do ông viết đoạn tweet trên, hoặc liệu Trung Quốc đã đồng ý sẽ xóa bỏ việc đánh thuế hay chưa.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-van-coi-chu-tich-trung-quoc-la-ban/4337650.html

 

Vatican bắt nhà ngoại giao cũ

sau cuộc điều tra nội dung khiêu dâm trẻ em

Vatican hôm thứ Bảy cho biết cảnh sát đã bắt giữ một đức ông từng là một nhà ngoại giao tại tòa khâm sứ của Tòa thánh ở Washington và bị tình nghi sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em ở Mỹ và Canada.

Một thông cáo xác định bị cáo là Đức ông Carlo Alberto Capella và nói rằng ông đã bị bắt giữ trước đó trong ngày thứ Bảy tại Vatican sau khi một chánh thẩm phán của Tòa thánh ra trát vào cuối cuộc điều tra.

Thông cáo của Vatican cho biết ông Capella, người đã bị triệu hồi từ tòa khâm sứ Vatican ở Washington vào tháng 8 năm ngoái, bị bắt theo các điều của luật năm 2013 được Đức Giáo hoàng Phanxicô ký ban hành. Các điều luật dẫn ra trong thông cáo liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em.

Nếu bị truy tố, đức ông này sẽ bị đưa ra tòa xét xử ở Vatican và phải đối mặt với 12 năm tù giam.

Vụ bê bối này là cú giáng mới nhất đối với Giáo hội Công giáo trong khi Giáo hội đang chật vật vượt qua những vụ xâm hại tình dục lặp đi lặp lại trong giới giáo sĩ của mình.

Đức Giáo hoàng đã tuyên bố không dung thứ bất cứ ai liên quan tới các vụ tai tiếng xâm hại tình dục vốn đã đeo bám Giáo hội từ nhiều thập kỷ qua, nhưng những người chỉ trích nói rằng ông vẫn chưa làm đủ, đặc biệt là buộc các giám mục chịu trách nhiệm về việc xử lý không thỏa đáng hoặc bao che các vụ việc.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với Tòa thánh vào tháng 8 năm ngoái về một vụ vi phạm luật pháp liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em của một thành viên thuộc phái bộ ngoại giao của Tòa thánh tại Washington, Vatican nói vào tháng 9.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói vào tháng 9 rằng Mỹ đã yêu cầu bãi bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của ông này để mở đường cho việc có thể truy tố ở Mỹ nhưng Vatican đã từ chối.

Ông Capella trở thành nhà ngoại giao vào năm 2004 và trước khi phục vụ tại Washington, ông giữ các vị trí ngoại giao tại Hong Kong và Ý.

Vatican nói ông ta hiện đang bị câu lưu trong một buồng giam ở trại cảnh sát của Vatican.

Sau khi ông Capella được triệu hồi về Rome, cảnh sát ở Windsor, Canada cho biết họ đã ra lệnh bắt giữ ông vì nghi ngờ sở hữu và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em trên Internet.

Một thông cáo của cảnh sát Canada vào thời điểm đó cho biết những hành vi phạm tội bị tình nghi xảy ra trong khi ông ta đang thăm một “nơi thờ phượng” ở Canada.

https://www.voatiengviet.com/a/vatican-bat-nha-ngoai-gaiocu-sau-cuoc-dieu-tra-noi-dung-khieu-dam-tre-em/4337091.html

 

Cựu tổng thống Brazil đồng ý đầu thú

sau khi thách thức lệnh tòa

Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm thứ Bảy nói rằng ông sẽ ra đầu thú với cảnh sát, một ngày sau khi thách thức lệnh bắt giữ của một thẩm phán để bắt đầu thụ án tù 12 năm về tội tham nhũng, một diễn biến phá hỏng nỗ lực của ông quay trở lại nắm quyền trong năm nay.

Trong một bài diễn văn hùng hồn trước đám đông những người ủng hộ mặc áo đỏ bên ngoài trụ sở công đoàn công nhân thép, vị tổng thống thuộc tầng lớp lao động đầu tiên của Brazil khẳng định ông vô tội và gọi phán quyết khép tội nhận hối lộ là một tội ác chính trị, nhưng ông đã lùi bước sau khoảng gần 24 giờ đối đầu với chính quyền.

“Tôi sẽ tuân lệnh và tất cả các bạn sẽ trở thành Lula,” ông nói với đám đông hò reo. “Tôi không đứng trên luật pháp. Nếu tôi không tin vào luật pháp, tôi đã không bắt đầu một đảng chính trị. Tôi lẽ ra đã khơi đầu một cuộc cách mạng.”

Việc ông Lula đi tù đã loại bỏ nhân vật có ảnh hưởng nhất khỏi chính trường Brazil, và là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay, mở ra cơ hội cho các ứng cử viên khác và củng cố cơ may giành chiến thắng của một ứng cử viên có lập trường trung dung hơn, theo các nhà phân tích và đối thủ chính trị.

Nó cũng đánh dấu sự cáo chung không thể nhầm lẫn của một thời đại cho phe tả của Brazil, những người đã rầm rộ đổ ra đường bên ngoài trụ sở công đoàn ở khu đô thị Sao Paulo, nơi ông Lula cố thủ với các phụ tá và đồng minh trong khi cảnh sát chờ ông đầu hàng.

Những đám đông người ủng hộ, bắt đầu tụ tập khi ông đến vào tối ngày thứ Năm, đã ngăn không cho cảnh sát câu lưu ông và khơi lên lo ngại sẽ có một cuộc đối đầu bạo lực.

Ông Lula bị kết tội nhận hối lộ, bao gồm việc tân trang một căn hộ ba tầng bên bờ biển mà ông phủ nhận sở hữu, từ một công ty xây cất để đổi lấy các hợp đồng công vụ.

Một phán quyết của Tòa án Tối cao Brazil hôm thứ Bảy đã bác yêu cầu mới nhất của nhóm luật sư của ông Lula. Họ lập luận rằng vẫn chưa đệ trình hết các đề nghị phúc thẩm mang tính thủ tục khi thẩm phán ra lệnh cho ông đầu thú.

Theo luật bầu cử của Brazil, một ứng cử viên bị cấm không được tranh cử chức vụ công cử trong tám năm sau khi bị kết tội. Đã có các trường hợp ngoại lệ hiếm hoi trong quá khứ, và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi tòa án bầu cử tối cao nếu và khi ông Lula chính thức nộp đơn xin làm ứng cử viên.

Công đoàn nơi ông Lula, 72 tuổi, ẩn náu là bệ phóng cho sự nghiệp của ông cách đây gần bốn thập kỷ, khi ông lãnh đạo các cuộc đình công trên toàn quốc, giúp chấm dứt chế độ độc tài quân sự ở Brazil trong giai đoạn năm 1964-85.

Phong cách bình dân và những bài diễn văn không hoa mỹ của ông Lula đã lôi cuốn đông đảo người dân và cuối cùng giúp ông giành hai nhiệm kỳ tổng thống, từ năm 2003 đến năm 2011, thời kỳ mà Brazil chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự bất bình đẳng thu hẹp.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-tong-thong-brazil-dong-y-dau-thu-sau-khi-thach-thuc-lenh-toa/4337082.html

 

Pháp–Ả Rập Xê Út:

Hướng tới một thế “đối tác chiến lược mới”?

Hoàng tử kế vị Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane tiếp tục hành trình « quyến rũ » phương Tây. Sau chuyến thăm Mỹ – ba tuần – là chuyến thăm Pháp ba ngày. Paris và Ryiad trông đợi gì từ chuyến công du của vị hoàng tử được cho là có tư tưởng cải cách ? Kênh Truyền hình France 24 có bài nhận định về chuyến công du này của hoàng tử Ả Rập Xê Út.

Ở lại Pháp ba ngày, nhưng trên thực tế, chuyến viếng thăm chính thức của hoàng tử kế vị Mohammed ben Salmane, hay còn được gọi là MBS, chỉ kéo dài có hai ngày, bắt đầu từ ngày thứ Hai 09/04/2018. Với điện Elysée, số ngày thăm chính thức không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng của mối quan hệ song phương này.

Paris xem chuyến thăm này là một sự kiện ngoại giao quan trọng, dù rằng chuyến thăm Pháp chỉ được thực hiện sau chuyến công du ba tuần ở Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian đó, hoàng tử nối ngôi của quốc vương Salmane, đã thực hiện một chiến dịch « quyến rũ » bên cạnh các chính khách và các tác nhân chính của nền kinh tế Mỹ, với kết quả là nhiều hợp đồng được ký kết.

Thế nhưng phía Pháp khẳng định không cảm thấy quan ngại trong cách đối xử khác biệt của Ryiad giữa Washington và Paris. Bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố « không tự ái mà cũng không thất vọng », bởi vì chuyến viếng thăm này sẽ là cơ hội để tổng thống Emmanuel Macron và Mohammed ben Salmane cùng thông báo « một mô hình đối tác chiến lược » mới.

Một « tầm nhìn chung »

Cho đến hiện nay, tình trạng của mối quan hệ Pháp – Ả Rập Xê Út, vốn dĩ đã được thắt chặt trong suốt nhiệm kỳ của ông François Hollande, chỉ dừng ở mức số hợp đồng, thường là vũ khí, được ký kết với vương quốc dầu hỏa Hồi Giáo, theo hệ phái Wahhabit. Do đó, vẫn theo một nguồn tin ngoại giao với France 24, « giờ không có chuyện chạy theo từng hợp đồng như trước đây, mà phải đi theo một tầm nhìn chung xung quanh một phương pháp hợp tác mới dựa trên cơ sở phát triển kinh tế và công nghệ ».

Nước Pháp có ý định hỗ trợ Mohammed ben Salmane, người đang đi tìm cách đưa ra thế giới hình ảnh tự do hơn về vương quốc hà khắc của mình trong trong quá trình chuyển đổi và mở cửa kinh tế Ả Rập Xê Út, bị đánh giá là quá lệ thuộc vào nguồn thu dầu hỏa.

Một kế hoạch cải cách mang tên « Tầm nhìn 2030 » đã được đưa ra vào tháng 4/2016. Chương trình cải cách này đi kèm chung với việc hình thành quỹ đầu tư dồi dào nhất thế giới nhằm hiện đại hóa vương quốc, thích ứng với diện mạo năng lượng mới và thu hút đầu tư.

Nguồn tin ngoại giao Pháp cho rằng : « Trong khuôn khổ chương trình này, nước Pháp có rất nhiều thứ để cung cấp trong nhiều lĩnh vực. » Từ năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, giao thông, y tế, văn hóa, kỹ thuật số cho đến cả công nghệ mới.

« Chúng tôi hy vọng đầu tư trong tất cả các lĩnh vực với Ả Rập Xê Út, dẫu biết rằng kiểu hợp tác định hướng theo đầu tư tương lai đương nhiên sẽ có những hệ quả kinh tế quan trọng ».

Về điểm này, AFP trích dẫn một nguồn tin ngoại giao Ả Rập Xê Út khẳng định hơn một chục văn bản thỏa thuận liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ được ký kết.

Hạt nhân Iran : Điểm bất đồng giữa Paris và Riyad

Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Pháp và hoàng tử kế vị Salmane gặp nhau. Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Liban, đích thân Emmanuel Macron đã đến gặp hoàng tử Salmane tại Riyad.

Tuy cuộc gặp diễn ra ngắn ngủi, vụ bắt giữ thủ tướng Liban ông Saad Hariri đã được giải quyết êm thắm. Nhân cuộc gặp này cả hai nước đã đề cập đến một số hồ sơ quốc tế quan trọng khác như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến tại Yemen, tình hình tại Syria.

Thế nhưng, theo France 24, điểm bất đồng lớn nhất hiện nay giữa Pháp và Ả Rập Xê Út chính là hồ sơ hạt nhân Iran. Dù ý thức được mối bận tâm của Mỹ và Ả Rập Xê Út, nhưng quan điểm của Paris cũng rất rõ ràng : Duy trì thỏa thuận đã được ký vào năm 2015.

Do đó, trong cuộc gặp ngày thứ Ba, tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với hoàng tử một vương quốc vốn dĩ « ghét cay ghét đắng » nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Một hoàng tử có cùng « nhịp đàn » với tổng thống Mỹ, người đang đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và 6 cường quốc khác trước ngày 12/05 tới đây.

Đương nhiên, « chương trình đối tác với Ả Rập Xê Út không cản trở nước Pháp đối thoại với toàn bộ các nước và các cường quốc khác trong khu vực, kể cả với Iran ». Nhưng việc nước Pháp muốn xác định lại vai trò cường quốc trung gian tại Trung Đông cũng không mấy dễ dàng. Phạm vi hoạt động của tổng thống Macron có vẻ rất hạn chế. Những ý định hòa giải gần đây của Pháp, cho dù đó là trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước trong vùng Vịnh với Qatar, hay trong cuộc chiến Yemen, tất cả đều bị Ả Rập Xê Út gạt bỏ.

Tại chảo lửa Trung Đông này, nơi mà mỗi cường quốc chỉ thích đẩy quân cờ của mình hơn là nhượng bộ, quả thật, vai trò trung gian hòa giải của Pháp sẽ khó mà tìm được một chỗ đứng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180408-quan-he-phap-a-rap-xe-ut-doi-tac-chien-luoc

 

Bầu cử Hungary:

Kinh tế và chống nhập cư là chủ bài của Viktor Orban

Hôm nay 08/04/2018, gần 8 triệu cử tri tại Hungary được kêu gọi bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội. Thủ tướng mãn nhiệm, Viktor Orban, sau 8 năm cầm quyền, được cho là chiếm ưu thế với 40% ý định bỏ phiếu bất chấp những lời chỉ trích xu hướng chuyên quyền.

Thông tín viên RFI, Florence La Bruyère tại Budapest có bài phóng sự ngắn giải thích vì sao người dân vẫn ủng hộ ông Viktor Orban.

Franziska Csasar 57 tuổi, hiện sống gần bờ hồ Balaton. Bà chưa bao giờ nhìn thấy dân nhập cư, ngoại trừ trên vô tuyến truyền hình nhà nước, nói rằng những người tị nạn này đang trên đà xâm chiếm đất nước. Thế là Franziska Csasar bỏ phiếu cho Viktor Orban, người bảo vệ đất nước Hungary.

Bà nói : « Chính phủ Orban tiến hành một chính sách tốt. Người ta không thể tiếp nhận người nhập cư và cho mỗi người 9 triệu forints. Chúng tôi sẽ ra sao ? Một nửa người dân Hungary chỉ có được 50.000 forints, tức chưa tới 200 euro mỗi tháng để sống ».

Cùng một giọng điệu tại Gyongyos, một thành phố ở phía bắc Budapest. Tại khu quảng trường, hoa thủy tiên bung nở rực rỡ, mùa xuân cũng thế. Nụ cười trên môi, Zsolt Sos bán thịt gà nuôi vườn và xúc xích cho biết :

« Chúng tôi hài lòng về chính phủ hiện nay. Họ giúp chúng tôi thông qua các khoản trợ cấp và chúng tôi cũng nhận được tiền hỗ trợ từ châu Âu. Và chính phủ vừa cấp tiền quà những người về hưu, người dân có thêm tiền nên họ rất hài lòng ».

Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3% và tăng trưởng 4%, kinh tế Hungary vận hành khá tốt. Đây chính là lá chủ bài đối với Viktor Orban ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180408-hungary-bau-cu-quoc-hoi-nhap-cu-kinh-te-viktor-orban

 

Pháp: Xe lửa đình công đợt thứ hai yếu hơn đợt đầu

Tú Anh

Tại Pháp, giới công đoàn hỏa xa đình công đợt hai, kể từ Chủ Nhật 08/04 cho đến hết ngày thứ hai 09/04. Một chuyến xe lửa cao tốc TGV trên 5, một chuyến liên tỉnh và ở ngoại ô Paris trên 3 hoạt động, tuy không làm tê liệt ngành chuyên chở công cộng, nhưng đủ gây khó khăn cho người đi làm và du khách. Bắt đầu từ ngày 03/04, với nhịp độ 2 ngày đình công 3 ngày làm việc, cuộc đọ sức giữa nhân viên SNCF có nguy cơ kéo dài đến mùa hè.

Theo ban điều hành SNCF, đợt đình công thứ hai của giới công đoàn huy động khoảng 35% nhân viên của công ty: tài xế, kiểm soát viên và nhân viên kỹ thuật, sẽ gây nhiều xáo trộn.

Tổng công đoàn CGT, thân với đảng Cộng Sản Pháp, ngầm đe dọa là phong trào đình công có thể kéo dài đến sau ngày 28/06, điểm kết thúc theo thỏa thuận giữa các nghiệp đoàn công nhân.

Cho đến nay, chính phủ Pháp cương quyết không nhượng bộ trên các đề xuất cải cách chính yếu: tái tổ chức SNCF, mở cửa thị trường chuyên chở đường sắt cho cạnh tranh, chấm dứt quy chế đặc quyền cho nhân viên tân tuyển. Theo tuyên bố của thủ tướng Edouard Philippe, trên báo chí ngày chủ nhật, chính phủ chỉ thương lượng trên « thể thức thi hành ».

Tình trạng bế tắc hiện nay buộc tổng thống Pháp phải lên tiếng vào ngày thứ năm trong bản tin thời sự buổi trưa của đài TF1. Theo nhận định của điện Elysée, rất có thể một số biện pháp cải cách bị hiểu sai vì không được hành pháp giải thích tường tận.

Chính phủ Pháp dường như được thế thượng phong. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, 44% dân chúng ủng hộ cuộc tranh đấu nhưng tỷ lệ muốn cải cách SNCF chiếm đa số với 62%.

Tỷ lệ nhân viên tham gia đợt đình công thứ hai cũng giảm đi so với đợt một vào tuần trước từ 48% rơi xuống 35%.

http://vi.rfi.fr/phap/20180408-phap-xe-lua-dinh-cong-hoi-thu-hai-xh

 

Mỹ đồng ý

bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan

Trọng Nghĩa

Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận, bộ Ngoại Giao Mỹ đã phê chuẩn giấy phép bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan, qua đó bật đèn xanh cho giới công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ giúp Đài Bắc tự chế tạo tàu ngầm. Chính quyền Đài Bắc vào hôm nay, 08/04/2018 đã lên tiếng hoan nghênh một quyết định sẽ cho phép Đài Loan xây dựng được một hạm đội có sức chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Phủ tổng thống Đài Loan đã chuyển ngay thông điệp hết sức biết ơn tới Washington về việc phê duyệt giấy phép.

Trong một tuyên bố công bố hôm nay, văn phòng của bà Thái Anh Văn ghi nhận : « Quyết định của chính phủ Hoa Kỳ sẽ không chỉ giúp Đài Loan nâng cao năng lực phòng thủ, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho an ninh và ổn định trong khu vực ».

Trả lời hãng tin Pháp AFP, tướng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi), phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan, cho rằng quyết định của Mỹ là một « bước đột phá » trong cả một tiến trình mà Đài Loan sẽ « từng bước thực hiện ».

Phát ngôn viên Đài Loan không cho biết thêm chi tiết, nhưng theo AFP, từ năm ngoái, vào lúc quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc, Đài Loan đã đề ra một kế hoạch tự đóng tàu ngầm sau khi thấy rằng không thể mua được tàu ngầm đóng sẵn từ Mỹ.

Đài Loan đã tìm mua công nghệ chế tạo tàu ngầm của các tập đoàn vũ khí Mỹ, nhưng thương vụ này cần phải được bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phê duyệt, điều vừa được thực hiện.

Đối với AFP, quyết định của Mỹ rất có thể là sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, vì Trung Quốc luôn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và không loại trừ việc dùng võ lực để sát nhập.

Về phía Mỹ, việc cho phép chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan được đưa ra chỉ một tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật mới về Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao Hoa Kỳ sang thăm Đài Loan. Trung Quốc đã phản đối động thái đó, đòi Mỹ cắt đứt các trao đổi chính thức với Đài Loan để tránh « gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ ».

Đài Bắc từ lâu vất vả tìm mua thiết kế tầu ngầm mà không được. Tháng 4 năm 2001, tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush đã phê chuẩn việc bán 8 tàu ​​ngầm quy ước cho Đài Loan, nhưng hồ sơ không hề tiến triển, buộc Đài Loan phải nghĩ đến việc tự chế tạo.

Phải nói là từ hơn 40 năm nay, Mỹ đã không còn đóng tàu ngầm thông thường, Đài Loan cũng từng muốn mua thiết kế tàu ngầm của Đức và Tây Ban Nha, nhưng không thành công vì hai nước đó từ chối để khỏi đụng chạm Trung Quốc.

Hải Quân Đài Loan hiện đang điều hành một đội tàu ngầm gồm 4 chiếc, đều mua từ nước ngoài, nhưng chỉ có hai trong số này là có năng lực tác chiến, hai chiếc còn lại thuộc loại được Mỹ sản xuất từ những năm 1940, và chỉ được dùng để huấn luyện vì đã quá cũ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, thì phải chờ thêm 10 năm nữa thì Đài Loan mới có được chiếc tàu ngầm tự chế tạo đầu tiên.

Tư lệnh Mỹ: Biển Châu Á quan trọng với Mỹ

Động thái hỗ trợ Đài Loan cũng được Mỹ thể hiện cùng lúc với việc Hải Quân Hoa Kỳ cho hải đội tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông, cùng thao diễn trong hai ngày 06-07/04 với Hải Quân Singapore ở khu vực phía nam.

Phát biểu vào hôm qua, 07/08 với một số nhà báo trên tàu sân bay Theodore Roosevelt, chuẩn đô đốc Steve Koehler, tư lệnh Hải Đội Tác Chiến Tàu Sân Bay số 9 của Hải Quân Mỹ, đã khẳng định rằng hoạt động của Hoa Kỳ trên Biển Đông hay bất kỳ nơi nào trong vùng biển quốc tế, đều nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do thương mại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tư lệnh Mỹ không nói cụ thể đến các căng thẳng ở Biển Đông, nhưng cho rằng sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng để gởi đi thông điệp theo đó các « vùng biển chung » phải được rộng mở cho thương mại tự do.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180408-my-dong-y-ban-cong-nghe-che-tao-tau-ngam-cho-dai-loan

 

Afghanistan: Không lực Mỹ

tiêu diệt một thủ lãnh khủng bố Daech

Minh Anh

Một viên chỉ huy của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan đã bị giết chết ở phía bắc đất nước hôm thứ Sáu 06/04/2018 trong một chiến dịch phối hợp chung giữa lực lượng Afghanistan và Hoa Kỳ. Theo chính quyền Kabul, đây là một nhân vật quan trọng, từng thực hiện nhiều chiến dịch tấn công khủng bố ở phía đông Afghanistan vào năm 2015.

Từ Kabul, thông tín viên RFI, Sonia Ghezali cho biết thêm thông tin :

Theo chính quyền Kabul, Qari Hikmat, tác giả của nhiều vụ tàn sát và chém đầu, tổ chức nhiều vụ tấn công khủng bố, phụ trách tuyển mộ, từng là một nhân vật chủ chốt của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan.

Nổi tiếng là tàn bạo và độc ác, Qari Hikmat chính là người đã gầy dựng nhóm khủng bố tại thị trấn Darzab, tỉnh Jowzjan, phía bắc Afghanistan trong suốt mùa hè năm 2017. Đây là lãnh địa mới của Daech tại Afghanistan, sau khi đã từng cắm rễ ở tỉnh Nangahar, phía đông đất nước.

Qari Hikmat đã bị giết chết cùng với một chiến binh khác trong một đợt oanh kích của không quân Mỹ. Nếu như một số quan chức cảnh sát Afghanistan cho rằng đây là đòn đau cho quân khủng bố, người kế thừa Qari Hikmat cũng đã được chỉ định.

Theo tuyên bố của các cơ quan tình báo và bộ Quốc Phòng Afghanistan, chính tại tỉnh biên giới giáp với Ouzbekistan này mà một phụ nữ trẻ người Pháp trong hàng ngũ tổ chức khủng bố, đã bị bắt hồi cuối tháng Ba năm 2018.

Thông tin này không được bộ Quốc Phòng Pháp xác nhận. Hồi mùa thu năm 2017, người ta đã từng báo động về sự hiện diện của các chiến binh người nước ngoài trong đó có một nhóm nhỏ người Pháp tại vùng phía bắc Afghanistan.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180408-afghanistan-khong-luc-my-tieu-diet-mot-thu-lanh-khung-bo-daech