Tin Biển Đông – 07/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 07/04/2018

Singapore và Hoa Kỳ tập trận ở Biển Đông

Thùy Dương

Hai tàu chiến của Singapore hôm qua 06/04/2018 đã tham gia cuộc tập trận phối hợp vận động đội hình với Hải Quân Mỹ tại vùng nam Biển Đông, thuộc hải phận quốc tế. Nhật báo Straits Times hôm qua đưa tin như trên.

Hai chiến hạm Singapore – chiếc RSS Suprême thuộc lớp hộ tống hạm Formidable, và tàu hộ vệ tên lửa RSS Valiant – sẽ tham gia một cuộc thao diễn dự trù kéo dài hai ngày với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sampson và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill.

Trên Facebook, Hải quân Singapore thông báo cuộc tập trận còn bao gồm các bài tập như khai hỏa tấn công mục tiêu là một cái bong bóng, tập phòng không và đổ bộ trực thăng. Khu vực tiến hành tập trận phối hợp vận động đội hình là một vùng tập trận truyền thống của Hải Quân Singapore.

Bài tập phối hợp vận động đội hình cho phép hải quân hai nước tăng cường học hỏi, hiểu biết lẫn nhau, cải thiện khả năng tương tác. Hải quân Singapore và Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận chung, kể cả bài tập phối hợp vận động đội hình, từ những năm 1970.

Hải quân Singapore cũng thường xuyên tổ chức tập trận phối hợp vận động đội hình với tàu chiến của các nước tới thăm viếng Singapore. Trong những năm gần đây, Hải quân Singapore đã tập trận như vậy với một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Pháp. Đợt tập trận phối hợp vận động đội hình gần đây nhất được tiến hành với Hải Quân Hoàng Gia Úc khi cả tàu chiến của hai bên cùng đi qua eo biển Malacca hồi tháng 03/2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180407-singapore-va-hoa-ky-tap-tran-o-bien-dong

 

Mẫu Hạm Mỹ Và TQ

Sắp Làm Biển Đông Dậy Sóng

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Theodore Roosevelt và mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Cộng cùng lúc vào Biển Đông trong sự kiện chưa bao giờ xảy ra trước đây, theo bản tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) cho biết hôm 6 tháng 4.

Bản tin của Đài RFI cho biết rằng, “Vào đúng thời điểm Trung Quốc mở cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, với sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, một hải đội tác chiến tàu sân bay Mỹ đã tiến vào bên trong đường lưỡi bò ngày 05/04/2018. Cùng lúc, hai hải đội tàu sân bay khác của Mỹ cũng đang hoạt động trong các vùng biển gần Biển Đông.

“Hãng tin Mỹ UPI đã trích dẫn tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) của Hồng Kông cho biết, chiếc Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Sampson – cả hai đều được trang bị tên lửa hành trình – thuộc hải đội tác chiến tàu sân bay số 9 đã kết thúc chuyến thăm Singapore và hướng ra Biển Đông.

“Nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông đúng vào lúc tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh cùng một lực lượng hải quân hùng hậu đang hiện diện trong khu vực, để tiến hành tập trận bắn đạn thật.

“Theo UPI, giới chức tỉnh Hải Nam, phụ trách vùng Biển Đông, đã ra lệnh cấm tàu thuyền không phận sự tiến vào một vùng biển gần hòn đảo này do các hoạt động quân sự từ ngày 05/04 đến ngày 11/04.

“Vào cuối tháng Ba, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một lực lượng chiến hạm Trung Quốc đông đảo gồm khoảng 40 chiếc gần đảo Hải Nam, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) xác nhận một cuộc tập trận hải quân lớn trên Biển Đông.”

Bản tin RFI cũng cho biết thêm rằng, “Nhật báo New Zealand Herald ngày hôm nay còn ghi nhận thêm rằng hai hải đội tác chiến tàu sân bay khác của Mỹ cũng có mặt gần Biển Đông. Theo nguồn tin trên, nhóm tác chiến của chiếc USS Roosevelt rất có thể sẽ tiến hành diễn tập cùng với các hải đội của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hạm Đội 7 và USS Carl Vinson của Hạm Đội 3 cũng đang ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

“Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trích nhận định của một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh về sự hiện diện đông đảo của Hải Quân Mỹ trong khu vực, cho rằng điều đó phản ánh việc «Washington xem Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm không chỉ trên mặt trận kinh tế mà cả quân sự».

“Bộ Ngoại Giao Mỹ từng tuyên bố vấn đề Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington.”

https://vietbao.com/a279534/mau-ham-my-va-tq-sap-lam-bien-dong-day-song

 

Việt Nam tăng cường lực lượng ‘ngư dân tự vệ’

 để đối phó với Trung Quốc

Ralph Jennings

Việt Nam đang lặng lẽ tăng cường đội dân vệ trên các tàu đánh cá để đối phó với Trung Quốc, mặc dù 2 bên đã chính thức thương thảo về việc hạ giảm những tranh cãi chủ quyền, theo các chuyên gia về lĩnh vực này.

Quốc gia Đông Nam Á này đang khuyến khích ngư dân sử dụng tàu đánh cá tốt hơn và nên tuyển dụng những người được đào tạo trong quân đội ra biển đánh bắt, phòng khi có va chạm với Trung Quốc, theo các nhà phân tích theo dõi các vấn đề về Trung Quốc. Trung Quốc có đội dân quân đánh cá của họ trong cùng một vùng biển.

“Tôi nghĩ rằng đó là một chính sách tốt để tránh những xung đột trong tương lai,” theo ông Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngư dân tự vệ của Việt Nam được phát triển ít nhất là trước năm 2009, bất chấp những cuộc đàm thoại thường xuyên giữa hai chính phủ, với cuộc họp mới nhất diễn ra hồi đầu tuần này.

Tổng thư ký Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc tại Hà Nội hôm 2/4 để đề xuất “cùng gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển”, theo Tân Hoa Xã.

Theo giáo sư khoa Chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore, Eduardo Araral, Việt Nam có thể “giương oai” trong trường hợp các cuộc đàm phán không đi đến kết quả nào.

Ngư dân tự vệ

Lực lượng dân quân Việt Nam chưa bao giờ đối đầu với Trung Quốc, và nếu có thì họ đứng trước nguy cơ đối mặt với quân đội lớn thứ ba trên thế giới.

Nhưng các quân đội Việt Nam đang trang bị vũ khí cho các tàu đánh cá, theo giáo sư danh dự chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales của Úc, Carl Thayer.

Quy trình này tương tự như việc triển khai cựu chiến binh để giữ trật tự công cộng khi cần thiết trên đất liền ở Việt Nam, theo vị GS này. Việt Nam có chế độ tập quân sự bắt buộc (cho mọi người dân) vì vậy ngư dân đã có những kỹ năng quân sự cơ bản.

GS Thayer nói: “Đưa họ ra biển chỉ cần chọn người ở đúng độ tuổi và huấn luyện thêm cho họ. Tất cả những gì họ làm là áp dụng những gì họ làm trên đất liền, làm thế nào để bảo vệ các nhà máy v.v… và áp dụng nó trên biển, vì vậy tôi nghĩ nó giống nhau.”

Theo một nghiên cứu năm 2017 của các học giả thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, 13 đội “ngư quân” (của Việt Nam) đang yễm trợ hơn 3.000 ngư dân đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa, nhưng Việt Nam tuyên bố chuỗi đảo này là thuộc chủ quyền của mình.

Lực lượng ngư dân tự vệ được tăng cường trong năm 2009 khi Quốc hội Việt Nam thông qua một đạo luật cho phép ngư dân tự vệ hộ tống các tàu cá.

Hơn 10.000 ngư dân và khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa được cấp ống nhòm hồng ngoại, theo nghiên cứu của Singapore.

Việt Nam đã ban hành một nghị định vào năm 2014 để trợ giúp các ngư dân, những người có tàu “công suất lớn hiện đại” – thường là các tàu thép, mở rộng phạm vi hoạt động. Theo nghị định này, các ngân hàng Việt Nam đã cho các ngư dân vay 176 triệu USD để nâng cấp khoảng 400 tàu.

Xung đột

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% biển Đông bao phủ 3,5 triệu km2. Việt Nam nói họ kiểm soát vùng biển ngoài khơi bờ biển kéo dài từ bắc tới nam cùng các chuỗi đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiều thủy thủ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia này vào năm 1974 và 1988. Việc đặt một giàn khoan dầu của Trung Quốc trên biển Đông vào năm 2014 đã gây ra một vụ đâm chìm tàu trên biển và những cuộc biểu tình bạo loạn gây chết người ở Việt Nam để phản đối các yêu sách của Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu đã nuôi dưỡng lực lượng dân quân đánh cá của mình như một lực lượng “cơ sở” với sự hỗ trợ chính thức của quân đội và sự chú ý của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo các học giả thuộc Học viện Hàng hải Nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Hải quân Hoa Kỳ. Các tàu đánh cá có vũ trang giúp bảo vệ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc bằng cách “xua đuổi và chuyển hướng” các tàu nước ngoài, theo nhận định của công ty tình báo chính trị Stratfor đưa ra năm 2016.

Năm quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền tất cả hoặc một phần của Biển Đông. Họ phản đối việc bồi đắp đất của Trung Quốc để xây các đảo nhân tạo sử dụng cho các mục đích quân sự.

Ðảng Cộng sản và các giới chức cấp cao của hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết những bất đồng trên biển. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm không đi đến bất kỳ một thỏa thuận nào vì sự bất tín trong lịch sử, đặc biệt là về cách phân chia tài nguyên dầu khí dưới biển, theo GS của Đại học Singapore, Araral.

GS Araral nói: “Có thể đây là một kiểu biểu dương sức mạnh của phía Việt Nam để cho thấy rằng trong khi chúng ta đàm phán chúng tôi vẫn khẳng định quyền của chúng tôi”.

Đội ngư quân tự vệ của Việt Nam sẽ không thể tương xứng về khả năng và số lượng so với dân quân đánh cá của Trung Quốc, nhưng theo GS Araral, Việt Nam nhận thấy rằng bắt buộc phải thử làm điều này. “Vì vậy, họ phải xây dựng lực lượng địa phương của mình và họ sẽ thực hiện một cuộc du kích chiến chống Trung Quốc nếu cần thiết”, ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tang-cuong-luc-luong-ngu-dan-tu-ve-de-doi-pho-voi-trung-quoc/4335699.html