Tin khắp nơi – 07/04/2018
Đại sứ Nga ở London yêu cầu gặp Ngoại trưởng Anh
Đại sứ quán Nga tại London đã yêu cầu một cuộc họp giữa Đại sứ và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson về vụ đầu độc ở Salisbury.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại London nói rằng đây là “thời điểm cao trào” cho cuộc họp để thảo luận về cuộc điều tra cũng như “toàn bộ các vấn đề song phương”.
Tương tác hiện tại giữa Đại sứ quán Nga và Bộ Ngoại giao Anh là “hoàn toàn không đạt yêu cầu”, Tòa đại sứ Nga nói.
Cửa nhà và xe của ông Skripal ‘dính Novichok’
Chúng tôi tin rằng đã đến lúc cần sắp xếp một cuộc họp giữa Đại sứ Alexander Yakovenko và Ngoại trưởng Boris Johnson… Chúng tôi hy vọng phía Anh sẽ tham gia một cách xây dựng và cuộc họp đó sẽ được bố trí sớmĐại sứ quán Nga tại Anh
Nato trục xuất bảy nhà ngoại giao Nga
Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt 19 người Nga
Bộ Ngoại giao Anh xác nhận đã nhận được yêu cầu.
Sergei và Yulia Skripal đã bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh được gọi là Novichok ở Salisbury cách đây hơn một tháng.
Chính phủ Anh cho rằng Nga đứng đằng sau vụ tấn công, nhưng Moscow đã phủ nhận mọi sự dính líu.
Trong một tuyên bố gửi cho BBC một phát ngôn viên của sứ quán Nga nói:
“Chúng tôi tin rằng đã đến lúc cần sắp xếp một cuộc họp giữa Đại sứ Alexander Yakovenko và Ngoại trưởng Boris Johnson.”
Tuyên bố nói thêm rằng Đại sứ Nga đã gửi một công hàm tới Ngoại trưởng Johnson, và hy vọng “phía Anh sẽ tham gia một cách xây dựng và cuộc họp đó sẽ được bố trí sớm”.
Bộ Ngoại giao Anh nói sẽ hồi đáp kịp thời.
‘Che giấu công chúng?’
Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?
Nga phải ‘giải thích’ về vụ đánh độc Skripal
Đơn vị vũ khí hóa học tới Salisbury vì vụ Skripal
Yêu cầu này diễn ra tiếp theo sự chỉ trích của Tòa đại sứ Nga sau khi chính phủ Anh từ chối cấp visa cho người họ hàng, Viktoria Skripal, của cô Yulia Skripal đến thăm nước Anh.
Hôm thứ Sáu, Bộ Nội vụ nói đơn xin visa không đáp ứng các quy định nhập cư.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga nói Sergei và Yulia “bị che giấu khỏi công chúng”.
Sự khăng khăng từ chối hợp tác, từ chối sự minh bạch và trả lời hàng loạt câu hỏi có nghĩa là nước Anh có một thứ gì đó để che dấuPhát ngôn viên ĐSQ Nga
“Sự khăng khăng từ chối hợp tác, từ chối sự minh bạch và trả lời hàng loạt câu hỏi có nghĩa là nước Anh có một thứ gì đó để che dấu,” một phát ngôn viên Đại sứ quán Nga nói.
Viktoria Skripal sau đó nói với BBC rằng cô không có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng của mình để đáp ứng các yêu cầu thị thực.
Ông Skripal bị Nga giam vì tội làm gián điệp cho cơ quan tình báo nước Anh, nhưng đã được trả tự do như một phần của cuộc trao đổi gián điệp giữa Mỹ và Nga hồi năm 2010.
Con gái của ông, Yulia, đang đến thăm ông tại Anh thì cuộc tấn công xảy ra vào ngày 4/3/2018.
Bệnh viện quận Salisbury nói rằng ông Skripal đang đáp ứng tốt với điều trị và “cải thiện nhanh chóng”.
Con gái của ông Yulia đã tỉnh lại và có thể nói chuyện trong bệnh viện.
Một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và phương Tây đã xảy ra sau đó, với hơn 20 quốc gia trục xuất các nhà ngoại giao Nga để bày tỏ đoàn kết với nước Anh.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43681276
Mỹ: Texas và Arizona chuẩn bị
triển khai quân đội đến biên giới với Mêhicô
Hai tiểu bang miền Nam nước Mỹ là Texas và Arizona ngày hôm qua, 06/04/2018 đã loan báo ý định gửi lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đến vùng giáp giới với Mêhicô, một hôm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc cho triển khai hàng nghìn binh lính tại vùng biên giới với nước láng giềng miền Nam để chặn đứng nguồn di dân bất hợp pháp và nạn buôn lậu ma túy.
Lực lượng Vệ Binh Quốc Gia bang Texas, vốn đã gửi hai máy bay trực thăng Lakota tuần tra dọc theo biên giới với Mêhicô, cho biết là họ muốn phái 250 quân đến khu vực trong vòng 72 giờ. Tracy Norris, chỉ huy của lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Texas đã khẳng định như trên trong một cuộc họp báo..
Về phần mình, thống đốc bang Arizona Doug Ducey, trong một tin nhắn twitter, cũng cho biết là ông đã lên kế hoạch triển khai quân đội đến vùng biên giới vào tuần tới.
Thống đốc hai bang này đã mau chóng đáp ứng quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đã tuyên bố triển khai từ 2.000 đến 4.000 quân đội đến vùng lãnh thổ giáp giới với Mêhicô, và « rất có thể » sẽ duy trì « ít ra là một phần lớn » lực lượng này trong vùng, cho đến khi mà bức tường biên giới ông hứa sẽ cho xây được hoàn thành.
Quyết định của tổng thống Trump đã làm trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng với Mêhicô. Tổng thống nước này, ông Enrique Peña Nieto đã đả kích « thái độ thiếu tôn trọng hoặc đe doạ » của ông Donald Trump, coi đấy là những quyết định không có cơ sở.
TQ: Muốn hiến tinh trùng phải trung thành với Đảng
Một ngân hàng tinh trùng ở Bắc Kinh yêu cầu người hiến tinh trùng phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một tuyên bố trên trang web WeChat hôm 4/4, Bệnh viện Thứ ba của Đại học Bắc Kinh cho biết người hiến tinh trùng phải “yêu quê hương xã hội chủ nghĩa”.
Bản tuyên bố cũng hứa trả 5.500 nhân dân tệ (872 đôla) cho những cá nhân có sự nghiệp thành công vượt qua các cuộc thử nghiệm về thể chất và chất lượng tinh trùng.
Bản tuyên bố này sau đó đã bị xóa khỏi WeChat vào tối thứ Sáu.
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
Trung Quốc thu mua không khí sạch
Thương xót bao trùm bà mẹ TQ giết con
Trong bản tuyên bố, tất cả các ứng viên phải là nam giới tuổi từ 20 đến 45 và không có bệnh di truyền hoặc lây truyền, hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào về vấn đề cân nặng, mù màu hoặc rụng tóc.
Những người đàn ông cũng phải có “phẩm chất chính trị”.
Thêm vào đó, người hiến phải “ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trung thành với mục đích của đảng và là công dân tuân thủ luật pháp, không có vấn đề chính trị”.
Hiện không rõ là bệnh viện này có kế hoạch kiểm chứng sự trung thành ý thức hệ của người hiến tinh trùng như thế nào.
Một bác sĩ làm việc ở đường dây nóng của bệnh viện nói với tờ Bưu điện Hoa Nam: “Mọi thứ sẽ ổn nếu anh cho rằng mình đạt tiêu chuẩn”.
Các ngân hàng tinh trùng khác của Trung Quốc không yêu cầu sự trung thành với đảng từ những người hiến tinh trùng.
Bệnh viện Thứ ba của Đại học Bắc Kinh đã phát động đợt hiến tặng tinh trùng vào hôm 4/4, và dù bài đăng trên WeChat đã bị xóa, đợt hiến tinh trùng vẫn kéo dài đến ngày 23/5, theo hãng tin AFP.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, chỉ có 23 ngân hàng tinh trùng trên toàn quốc – và rất nhiều nơi thiếu nguồn hiến tinh trùng.
Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con vào năm 2015, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu tinh trùng hiến tặng.
Để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng tinh trùng, các gia đình phải chứng minh rằng người cha bị vô sinh hoặc mắc bệnh di truyền.
Chiến dịch này đã thu hút sự chế giễu từ người dùng mạng xã hội Trung Quốc, với một bài viết trên WeChat viết: “Tình yêu cho đảng bắt đầu từ một con tinh trùng.”
Một bài đăng khác trên trang blog Weibo, chỉ ra rằng: “Những phẩm chất yêu cầu đều không thể di truyền được”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43679479
Chọn đại học ở California
Bùi Văn Phú Gửi cho BBC từ California
Những ngày qua tôi đã gặp nhiều em sinh viên, học sinh báo tin vui, buồn sau khi nhận thư từ các đại học.
Buồn vì không được vào trường mong muốn nhất, vui vì cũng có vài trường khác nhận. Lúc này những học sinh giỏi sắp tốt nghiệp phổ thông thường có thư từ vài đại học báo nhận và các em có một tháng để quyết định chọn trường nào cho niên học tới.
Những sinh viên cao đẳng chuyển lên đại học bốn năm cũng thế, nếu được nhận sẽ phải chọn trường để hoàn tất chương trình cử nhân.
Thường những đại học gửi thư nhận số sinh viên nhiều hơn con số mà các em sẽ thực sự ghi danh theo học, vì những học sinh giỏi được nhiều trường nhận và chỉ chọn ghi danh học một trường.
Mỹ: đấu súng ở California, ‘ba con tin’ chết
Rút dự luật ‘đảng viên cộng sản được làm công chức California’
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
Nữ bác sỹ gốc Việt ‘thách thức dân biểu Cộng hòa’
Đối với học sinh của tiểu bang California, đa số sẽ vào đại học công lập. Nếu giỏi thì xin vào một trong 10 trường U.C. (University of California), khá thì xin học một trong 23 trường C.S.U. (California State University), ngoài ra cũng có gần hai trăm đại học tư với một số trường danh tiếng như Stanford, University of Southern California, Cal Tech, Loyola, Pepperdine, University of Santa Clara v.v…
Nếu không vào đại học bốn năm thì còn hệ thống đại học cộng đồng (California Community College) với 114 trường để học nghề, học lấy bằng cao đẳng hay học hai năm theo đúng qui trình thì cũng có cơ hội chuyển lên trường U.C. hay trường C.S.U. để hoàn tất học trình cho bằng cử nhân.
Tiến trình chuẩn bị vào đại học của học sinh kéo dài vài năm, từ ngày vào lớp 9 đã phải chú ý đến việc chọn đúng lớp trong nhóm lớp theo đề mục từ A tới G gồm ngữ văn, toán, khoa học, lịch sử, ngoại ngữ hợp với sở thích ngành nghề tương lai, dù là khoa học tự nhiên, nhân văn hay nghệ thuật.
Khi nộp đơn vào đại học, trường tính điểm các lớp đã học trong năm lớp 10 và 11, vì hạn chót nộp đơn là ngày 30/11, khi đó chưa có điểm cho lớp 12. Đến tháng Hai năm sau nhà trường nhận được điểm cho học kỳ 1 của năm lớp 12 cùng với điểm thi SAT hay ACT, khi đó học sinh cũng đã phải thi qua một đôi lần và chọn điểm cao nhất gửi cho trường. Các kỳ thi đó không có đậu rớt mà chỉ cho biết thí sinh đi thi được bao nhiêu điểm, SAT cao nhất là 1600, ACT là 36.
Để được vào các trường U.C. có tiếng, là U.C. Berkeley, U.C. Los Angeles hay U.C. San Diego, học sinh thường phải có điểm thi và điểm học bạ GPA thật cao và đã học các lớp có trong giáo trình từ A đến G và những lớp AP (Advance Placement).
Nhiều trường danh tiếng khi chọn sinh viên nhìn vào tổng thể, nghĩa là không hoàn toàn căn cứ vào GPA hay điểm thi mà còn xem đến các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt cộng đồng hay hoàn cảnh gia đình, môi trường sinh sống, ước mơ tương lai đóng góp gì cho xã hội, trải nghiệm cuộc đời là những điều được phản ánh trong bài luận văn các em viết về nhân thân khi xin nhập học.
Thí dụ ở khu vực nhà giàu, điểm API (Academic Performance Index) của trường thường rất cao và học sinh học giỏi nói chung, thi SAT hay ACT đều đạt điểm khá. Như thế có thể một học sinh giỏi ở đây sẽ khó được nhận vào đại học danh tiếng, vì đã có nhiều học sinh cùng đã được nhận rồi.
Trái lại một trường trong khu nhà nghèo với API thấp, điểm thi của học sinh thường không quá cao và ít có học sinh từ trường được nhận vào đại học danh tiếng, thì có thể với điểm thấp hơn học sinh khu vực nhà giầu, một học sinh ở khu nghèo vẫn được nhận.
Nếu chỉ căn cứ vào điểm thi và điểm học bạ GPA thì học sinh trong khu xóm nghèo, trường không tốt sẽ ít có cơ hội được vào đại học danh tiếng.
Theo số liệu của Đại học UCLA, trong niên học 2017 có 63,523 học sinh cư dân tiểu bang xin học, được nhận là 9,288 tức 15%. Một nửa số học sinh trong khoảng giữa được trường nhận có điểm GPA từ 4.13 đến 4.31, điểm ACT từ 30 đến 34 hay SAT từ 1280 đến 1500. Như thế có nghĩa là 25% sinh viên được nhận có điểm GPA dưới 4.13, ACT dưới 30 hay SAT dưới 1280.
Cùng năm, Đại học Berkeley có số đơn xin học từ cư dân tiểu bang là 49.280 với 9.715 được nhận, tức 19.7%. Sinh viên được nhận vào năm thứ nhất, 50% trong khoảng giữa có GPA từ 4.15 đến 4.30, ACT từ 30 đến 34 hay SAT từ 1290 đến 1480.
Đó là chỉ số điểm từ hai trường hàng đầu của hệ thống U.C., các trường khác như U.C. Irvine, Davis, Riverside, Santa Cruz, Merced có số điểm nhận thấp hơn.
Mạng admission.universityofcalifornia.edu có đầy đủ số liệu về điểm của học sinh được nhận vào các đại học U.C.
Các trường danh tiếng như U.C. Berkeley, UCLA có số đơn xin nhập học ngày một tăng. Cho niên học 2018, số đơn xin vào năm thứ nhất Đại học Berkeley nhận được là 108 nghìn.
Vấn đề chọn trường là một quyết định quan trọng của học sinh, sinh viên vì không hẳn phải là trường một trường thật danh tiếng, mà tùy theo ngành học.
Trên blog.prepscholar.com có ghi điểm SAT hay ACT của một số nhân vật nổi tiếng. Steve Jobs, ACT 32/36; Barack Obama 30, Lyndon Johnson 26, Marilyn Monroe 21, Bill Gates SAT 1590/1600, Al Gore 1355, John Kerry 1190, George W. Bush (con) 1206, Bill Clinton 1032, Amy Tan 1100s, Kobe Bryant 1080, Bill O’Reilley 1585.
Theo hiểu biết của tôi, học sinh nào học các lớp đúng qui trình A tới G để chuẩn bị vào đại học và có GPA 3.7 trở lên, điểm SAT chừng 1200 hay ACT khoảng 25 thì có nhiều hy vọng được một trong 10 trường U.C. nhận.
Để được nhận vào một trong 23 trường CSU thì cần GPA khoảng 3.3 và điểm SAT khoảng 1000, ACT khoảng 20.
Hệ thống U.C. nhận học sinh trong số 9% giỏi nhất lớp, nhưng đến nay không đủ cơ sở để tiếp nhận tất cả những học sinh hội đủ điều kiện nên năm ngoái có khoảng 10 nghìn đủ tiêu chí nhưng không được vào học.
Với trường tiên khởi là Đại học Berkeley, viện đại học U.C. được thành lập vừa đúng 150 năm và hiện có 238 nghìn sinh viên theo học tại 10 trường.
Là hệ thống đại học hàng đầu nên không chỉ sinh viên California mà nhiều vạn sinh viên trên toàn nước Mỹ và thế giới cũng muốn được vào học các trường như Berkeley, UCLA, U.C. San Diego, Irvine, Davis.
Dù học phí sinh viên ngoài tiểu bang hay hay nước ngoài phải đóng nhiều gấp ba, khoảng 42 nghìn đôla một năm, Đại học Berkeley vẫn có con số kỷ lục đơn xin nhập học từ các tiểu bang khác và trên thế giới. Năm ngoái có 20,326 đơn nhập học ngoài tiểu bang và nhận cho học 4,490 (22.1%). Sinh viên nước ngoài có 1,362 em được nhận trong số 15,448 đơn xin, tức 8.8%.
Tổng cộng năm 2017 trường đã nhận tất cả 85.054 hồ sơ xin học năm thứ nhất và gửi thư báo nhận cho 15.567 học sinh, cuối cùng có 6.382 em chọn ghi danh học ở đây.
Số sinh viên gốc Việt hiện theo học tại Đại học Berkeley là 1.068, với 932 trong bậc cử nhân và 136 bậc cao học và tiến sĩ, trong tổng số 41.910 sinh viên của trường. Con số sinh viên gốc Việt không có thay đổi nhiều trong những năm qua.
Học phí ngày nay cũng là một quan tâm cho phụ huynh và sinh viên. Theo học U.C. trong bốn năm, nếu là cư dân California một năm tốn khoảng 35 nghìn đôla, trong đó học phí là 15 nghìn. Bốn năm tất cả 144 nghìn. Còn tốn hơn nữa vì sinh viên ngày nay khó hoàn tất chương trình cử nhân trong 4 năm. Học phí đại học tư như Stanford hay USC ít ra cũng 50 nghìn đôla, thêm tiền ăn ở nữa là khoảng 65 nghìn đôla cho một năm học.
Nếu gia đình nghèo hẳn, với thu nhập của cha mẹ dưới 80 nghìn đôla một năm, đi học trường công được chính phủ trợ giúp tài chánh toàn phần cho bốn năm. Giầu hẳn thì cũng có tiền trả học phí và chi phí ăn ở cho con. Chỉ những gia đình với thu nhập của cha mẹ chừng 100 đến 150 nghìn đôla, cho con đi học là rất tốn kém mà không được trợ cấp gì từ chính phủ vì thế nhiều em thấy hệ thống U.C. không còn là chọn lựa hợp lý nữa, nên chọn C.S.U., hiện có 500 nghìn sinh viên theo học, với học phí hơn 10 nghìn đôla một năm.
Một chọn lựa khác là học đại học cộng đồng, hiện có hơn 2 triệu sinh viên, trả 46 đôla cho mỗi tín chỉ, sau hai năm hay khi đủ 60 tín chỉ rồi chuyển trường cho đỡ tốn kém.
Dù có khó khăn chọn lựa một đại học cho thích hợp với ngành nghề, hoàn cảnh và tình trạng tài chánh thì đầu tư vào việc học cũng sẽ đem lại những lợi ích lâu dài cho con em. Với 40 triệu dân và nếu đứng một mình California có nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới nên vùng đất này có nhiều việc làm với lương cao cho những người tốt nghiệp đại học.
Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43679478
Tai tiếng bủa vây,
quan chức môi trường hàng đầu của Trump cố bám chức
Đối mặt với nhiều cáo buộc và chỉ trích, Quản trị viên Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ, Scott Pruitt, đã gặp Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu để trình bày lý do tại sao ông nên được cho tại nhiệm giữa lúc ông đối mặt với hàng loạt câu hỏi về vấn đề đạo đức, AP đưa tin.
Ông Pruitt đến Nhà Trắng để thảo luận về các bước gần đây của cơ quan do ông lãnh đạo nhằm đảo ngược những tiêu chuẩn về hiệu năng nhiên liệu xe hơi được ban hành dưới thời Obama, nhưng ông cũng ra sức biện hộ để không bị mất chức trong cuộc gặp với tổng thống, AP dẫn lời hai quan chức chính quyền cho biết.
Theo AP, các phụ tá trong Nhà Trắng ngày càng chán nản với ông Pruitt và chánh văn phòng John Kelly đã ủng hộ sa thải ông ta, nhưng ông Trump vẫn chưa sẵn lòng đưa ra quyết định này. Ông Pruitt là một trong những thành viên hữu hiệu nhất trong nội các của ông Trump trong việc làm suy yếu chủ trương của chính quyền tiền nhiệm ban hành nhiều quy định, và ông Trump thích lối làm việc xông xáo của ông Pruitt.
Các quan chức phát biểu với AP trong điều kiện ẩn danh để mô tả nội dung các cuộc thảo luận nội bộ nhạy cảm.
Ông Kelly và các phụ tá khác của Nhà Trắng đang bất mãn vì các hàng tít báo tiêu cực về ông Pruitt cứ đều đặn xuất hiện trong mấy ngày qua. Những bài báo này phơi bày việc ông được do thuê một căn hộ dưới mức giá thị trường từ vợ của một người vận động hành lang hàng đầu, việc ông chỉ thị đội ngũ an ninh của ông gắn đèn và còi trên xe công vụ để vượt giao thông, và hệ quả kéo dài của việc ông đi công cán bằng máy bay riêng hoặc ngồi khoang hạng nhất vào năm ngoái.
Ông Pruitt kịch liệt phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và quy cho các đối thủ chính trị đánh phá ông vì những chính sách mà ông đang thi hành.
Trong lúc Nhà Trắng xem xét các cáo buộc nhắm vào ông Pruitt, các quan chức chính quyền nói với AP rằng họ cảm thấy bị bất ngờ về các bài báo và tin rằng ông Pruitt đã không “thành thật.”
“Chúng tôi vẫn tiếp tục xem xét bất kỳ mối lo ngại nào chúng tôi có,” Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói. Bà từ chối bình luận về những cáo buộc cụ thể nhắm vào ông Pruitt, gọi chúng là “những giả định.”
“Tổng thống cảm thấy quản trị viên đã làm tốt công việc của [Cơ quan Bảo vệ Môi trường],” bà nói thêm. “Ông ấy đã phục hồi cơ quan này về mục đích ban đầu là bảo vệ môi trường. Họ đã xóa bỏ các quy định không cần thiết.”
Sự săm soi nhắm vào ông Pruitt diễn ra chỉ một tuần sau khi một thành viên Nội các khác, Bộ trưởng Sự vụ Cựu chiến binh David Shulkin, bị sa thải liên quan tới các vấn đề về đạo đức. Một số bộ trưởng khác như Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị Ben Carson và Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cũng đang đối mặt với các câu hỏi về chi tiêu và hành vi của họ.
Trong Quốc hội, 64 nhà lập pháp Đảng Dân chủ và một số thuộc phe Cộng hòa đã yêu cầu sa thải ông Pruitt hoặc đòi ông từ chức. Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi nói ông Pruitt phải ra đi và rằng nhiệm quyền của ông là “một phần của tình trạng tham nhũng, bè phái thân hữu và yếu kém năng lực của chính quyền Trump.”
Facebook ủng hộ luật quảng cáo chính trị,
thắt chặt ‘quảng cáo vấn đề thời sự’
Facebook hôm thứ Sáu lần đầu tiên đề xuất luật bắt buộc các trang mạng xã hội phải tiết lộ danh tính của những người mua quảng cáo tranh cử chính trị trên mạng và giới thiệu một quá trình xác minh mới cho những người mua quảng cáo “vấn đề thời sự,” đã được sử dụng để gieo rắc bất hòa trên mạng.
Sự thay đổi lập trường này, công bố trong một bài viết của Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg đăng trên Facebook, được nêu ra vài ngày trước khi anh ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về cách thức mà Facebook xử lý dữ liệu của người dùng.
Các bước này được thiết kế để ngăn hình thức can thiệp bầu cử và chiến tranh thông tin trực tuyến mà nhà chức trách Mỹ cáo buộc Nga đã theo đuổi, anh Zuckerberg nói. Moscow đã bác bỏ các cáo buộc này.
“Can thiệp bầu cử là một vấn đề lớn hơn bất kỳ nền tảng nào, và đó là lý do vì sao chúng tôi ủng hộ Đạo luật Quảng cáo Trung thực,” anh Zuckerberg viết trong bài đăng của mình.
Dự luật này, được giới thiệu hồi tháng 10 năm ngoái nhưng vẫn chưa được thông qua, nhắm mục tiêu giải quyết những lo ngại về việc người nước ngoài sử dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ. Đây là một phần trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016.
Anh Zuckerberg nói rằng anh cũng muốn làm sáng tỏ “những quảng cáo vấn đề thời sự,” là những quảng cáo nói về một chủ đề chính trị như luật súng ống hoặc tình trạng kì thị chủng tộc nhưng không liên quan trực tiếp tới bầu cử hoặc một ứng cử viên, và sẽ bắt buộc mỗi đơn vị quảng cáo phải xác nhận danh tính và địa điểm của họ.
“Bất kỳ đơn vị quảng cáo nào không vượt qua được sẽ bị cấm đăng các quảng cáo chính trị hoặc quảng cáo vấn đề thời sự,” anh Zuckerberg viết.
Facebook tiết lộ vào tháng 9 năm ngoái rằng những người Nga lấy tên giả đã sử dụng mạng xã hội này để cố gắng gây ảnh hưởng tới cử tri Mỹ trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử năm 2016. Họ viết về các chủ đề khơi lên tranh cãi, lập ra những sự kiện tụ tập và mua quảng cáo.
Vào tháng 2, Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller đã buộc tội 13 người Nga và ba công ty Nga can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách gieo rắc bất hòa trên mạng xã hội.
Đạo luật Quảng cáo Trung thực sẽ mở rộng luật bầu cử, vốn bao gồm các đài truyền hình và đài phát thanh, để áp dụng cho quảng cáo trả tiền trên Internet và quảng cáo kỹ thuật số trên các nền tảng như Facebook, Twitter và Google.
Facebook trước đó đã không nói gì đến việc ủng hộ dự luật này, nói rằng họ muốn làm việc với các nhà lập pháp và loan báo các nỗ lực tự quản lý.
Những người bảo trợ dự luật nói họ hoan nghênh sự ủng hộ của Facebook. Họ tới giờ vẫn đang đối mặt với một nỗ lực đầy cam go vì phe Cộng hòa, thường tỏ ra ngờ vực các quy định về quảng cáo tranh cử, nắm đa số ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ.
Đạo luật ở Thượng viện có một người bảo trợ thuộc phe Cộng hòa là Thượng nghị sĩ John McCain.
Anh Zuckerberg dự kiến sẽ điều trần vào ngày thứ Ba trong một phiên điều trần chung của hai ủy ban Thượng viện, và vào ngày thứ Tư trước một ủy ban Hạ viện.
San Francisco kiện Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
Thành phố San Francisco đệ đơn kiện Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hôm 5/4, yêu cầu một tòa án liên bang đảo ngược quyết định của ông đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái trong đó ông cho thu hồi nhiều văn bản hướng dẫn luật nhằm bảo vệ các cộng đồng thiểu số, người nghèo và người khuyết tật.
Luật sư Dennis Herrera nói trong một thông cáo rằng đơn kiện mà ông đại diện cho thành phố nhắm vào 6 trong số 25 văn bản luật khác nhau mà ông Sessions cho thu hồi và tố cáo chính phủ Tổng thống Donald Trump “tìm cách phá hoại các phương tiện bảo vệ người nghèo, người da màu và người khuyết tật nhân danh “cải cách luật lệ.”
Một phát ngôn viên của Bộ Trưởng Sessions đã không đưa ra bất cứ bình luận nào ngay sau khi thành phố gửi đơn kiện tại Tòa sơ thẩm liên bang khu vực Bắc California.
Vào tháng 12/2017, khi đưa ra quyết định thu hồi các văn bản hướng dẫn luật, ông Sessions tuyên bố rằng ông cho là “những văn bản hướng dẫn này vô ích, không nhất quán với luật pháp hiện hành hay không thích hợp nữa.”
Ví dụ, một văn bản như vậy đưa ra chỉ dẫn cho các cấp chính quyền tiểu bang và địa phương cần phải làm như thế nào để tạo điều kiện cho những nhân viên bị tật nguyền hòa đồng tại nơi làm việc nhằm giúp bảo vệ họ không bị phân biệt đối xử tuân theo một quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ liên quan đến Đạo luật Người Mỹ Tàn tật.
Một văn bản hướng dẫn khác thì nhắc đến việc các viên chức phải thận trọng trước khi ấn định tiền phạt đối với những người ở tuổi vị thành niên, vì họ chưa đủ tài chính để trả phạt.
Đơn kiện này còn cho rằng ‘Bộ Tư Pháp đã sai lầm khi không chịu lấy ý kiến của quần chúng trước khi ra quyết định cho thu hồi các bản hướng dẫn luật, cũng như đã không đưa ra được một cơ sở hợp lý nào dựa trên đó để tiến hành thu hồi.’
https://www.voatiengviet.com/a/san-francisco-kien-bo-truong-tu-phap-my/4335895.html
Nhật kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên
kể từ Thế chiến II
Nhật Bản hôm thứ Bảy đã kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên của mình kể từ Thế chiến thứ hai để chống lại quân xâm lược chiếm đóng các đảo của Nhật Bản dọc rìa Biển Hoa Đông mà Tokyo lo sợ dễ bị Trung Quốc tấn công.
Trong một buổi lễ được tổ chức tại một căn cứ quân sự gần Sasebo trên đảo Kyushu ở tây nam, khoảng 1.500 thành viên của Lữ đoàn Cơ động Thủy Lục (ARDB) mặc đồ ngụy trang đứng xếp hàng bên ngoài giữa trời lạnh và gió, Reuters tường trình.
“Trong bối cảnh tình hình quốc phòng và an ninh ngày càng khó khăn xung quanh Nhật Bản, việc phòng vệ các đảo của chúng ta đã trở thành một nhiệm vụ trọng yếu,” Tomohiro Yamamoto, phó bộ trưởng quốc phòng, nói trong một bài phát biểu.
Các binh sĩ tiến hành một cuộc diễn tập giả chiếm lại một hòn đảo xa xôi từ quân xâm lược, diễn ra công khai trong 20 phút.
Việc thành lập lữ đoàn thủy quân lục chiến này gây nên tranh cãi bởi vì các đơn vị thủy lục có thể thể hiện sức mạnh quân sự và có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Nhật Bản, những người chỉ trích cảnh báo. Trong hiến pháp hậu Thế chiến thứ hai của mình, Nhật Bản từ bỏ quyền phát động chiến tranh.
Lữ đoàn này là thành phần mới nhất của một lực lượng thủy quân lục chiến đang phát triển, bao gồm các tàu chở máy bay trực thăng, tàu đổ bộ, máy bay chở lính cánh quạt nghiêng Osprey và xe tăng tấn công đổ bộ, nhằm răn đe Trung Quốc trong khi nước này ra sức giành quyền tiếp cận dễ dàng hơn đối với vùng Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang vượt qua Nhật Bản về chi tiêu quốc phòng. Năm 2018, Trung Quốc – nước có tuyên bố chủ quyền đối với một nhóm các đảo không người ở mà Tokyo kiểm soát trong vùng Biển Hoa Đông – sẽ chi 1,11 ngàn tỉ nhân dân tệ (176,56 tỉ đôla) cho lực lượng vũ trang của mình, hơn gấp ba lần Nhật Bản.
Việc kích hoạt 2.100 thủy quân lục chiến ARDB đưa Nhật Bản tiến gần hơn tới việc tạo nên một lực lượng tương tự như Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh Hoa Kỳ (MEU) có khả năng hoạch định và tiến hành các hoạt động trên biển cách xa căn cứ của mình.
Cựu điệp viên Nga bị đầu độc phục hồi nhanh
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal đã vượt qua tình trạng nguy kịch và sức khỏe của ông đang hồi phục nhanh sau hơn một tháng kể từ khi ông bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh, theo thông tin từ bệnh viện của Anh đang điều trị cho ông hôm 6/4.
Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh trên một chiếc ghế công viên ở thành phố Salisbury của Anh hôm 4/3.
Anh nói ông Skripal và con gái bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh được sử dụng trong quân đội do Liên Xô chế tạo đầu tiên. Nga đã phủ nhận không có bất kỳ liên quan gì tới việc chất độc này được sử dụng trên lãnh thổ châu Âu lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
“Tình trạng hồi phục của ông ấy đang tiến triển tốt với phương pháp chữa trị, phục hồi nhanh chóng và đã vượt qua tình trạng nguy kịch,” theo lời Giám đốc phụ trách y tế của Bệnh viện Quận Salisbury, Christine Blanshard, nói trong một thông cáo.
Bà Blanshard cho biết bà đã cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình sức khỏe (của ông Skripal) cho “việc đưa tin rộng rãi trên truyền thông ngày hôm qua.”
Hôm 5/4, truyền hình nhà nước Nga cho biết Yulia đã gọi điện cho chị họ và nói với cô ấy rằng cô và bố cô đều đang hồi phục và rằng cô sắp được ra viện.
Anh nói Nga đứng sau vụ tấn công này trong khi Moscow phủ nhận bất kỳ sự can dự nào. Vụ việc đã gây ra những chia rẽ lớn về ngoại giao. Các nước phương Tây và Nga đã trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-diep-vien-nga-bi-dau-doc-phuc-hoi-nhanh/4335855.html
Hungary: Kinh tế tăng mạnh
nhưng tham nhũng ngày càng trầm trọng
Bầu cử Quốc Hội Hungary sẽ diễn ra vào ngày mai 08/04/2018. Lên nắm quyền từ năm 2010, Viktor Orban đang hy vọng đảng của ông sẽ thắng cử, mang về cho ông nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba. Trong chiến dịch vận động cho kỳ bầu cử Quốc Hội, thủ tướng Viktor Orban luôn nhấn mạnh thành tựu kinh tế : nền kinh tế của đất nước có 9,8 triệu dân này tăng trưởng tốt cho dù đã từng bị ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng kinh tế 2009. Tuy nhiên, đối lập với bảng tổng kết kinh tế đó lại là vấn nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng dưới thời Viktor Orban.
Đặc phái viên RFI Anissa el-Jabri tại Budapest giải thích :
Đó là một thành quả hàng đầu. Trong 8 năm qua, ông Viktor Orban đã thực hiện chính sách kinh tế trái ngược với chính sách hà khắc hiện hành tại Liên Hiệp Châu Âu, và các biện pháp trên đã có kết quả.
Ông Gergely Tardos, trưởng kinh tế gia của OTP Bank nhấn mạnh : « Nếu chúng ta nhìn vào các con số trên giấy tờ, chúng ta thấy đây quả là một thành công. Kinh tế tăng trưởng mạnh, trung bình đạt 4%, thâm hụt chỉ ở mức 2% vào năm ngoái, và sẽ còn giảm trong năm nay. Vấn đề chính là thiếu nhân công. »
Mảng tối trong bảng thành tích trên là Hungary bị xếp là quốc gia tham nhũng hàng thứ hai ở Châu Âu.
Ông Josef Peter Martin, giám đốc điều hành của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, chi nhánh Hungary, giải thích : « Nạn tham nhũng đã mang tính tập trung, hệ thống và đôi khi là hợp pháp. Đó gần như chủ nghĩa thần thế và chính sách gia đình trị, trong khi hồi trước năm 2010 thì vấn đề là hệ thống chính trị vận hành không tốt. Ngày nay, họ tự do chuyển công quỹ cho bạn bè của các quan chức chính phủ làm ăn. Thậm chí, con rể của thủ tướng Orban cũng đã bị cáo buộc công khai là có dính líu đến những vụ như vậy. »
Ngay cả các khoản tiền đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu vào Hungary cũng góp phần khoét sâu tình trạng bất bình đẳng và nạn chảy máu chất xám từ Hung sang Tây Âu. Những điều này sẽ cản trở sự phát triển trong tương lai của Hungary.
Cựu đại sứ Mỹ Osius: Từ chức
vì chống việc trục xuất người tị nạn VN
Nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius mới đây đã tiết lộ rằng vào năm ngoái, 2017, ông đã từ chức sau khi bị chính quyền của tổng thống Donald Trump yêu cầu là phải gây sức ép trên chính quyền Việt Nam để Hà Nội tiếp nhận hơn 8.000 người Việt Nam tị nạn tại Mỹ mà Washington muốn trục xuất.
Theo báo Mercury News vào hôm qua, 06/04/2018, Ông Osius đã tiết lộ điều trên trong một bài viết đăng trên báo mạng của Hội American Foreign Service Association.
Trong bài mang tựa đề « Nói thẳng (Speak out) », cựu đại sứ Mỹ giải thích rằng đại đa số những người mà chính quyền Mỹ muốn trục xuất, đôi khi chỉ vì những tội lặt vặt, đều là những người tị nạn chiến tranh, đã sinh sống tại Mỹ sau khi bỏ trốn khỏi Việt Nam cách nay hơn 40 năm, do đó không thể đưa họ trở lại Việt Nam để họ trở thành ‘những trường hợp nhân quyền ».
Trong bối cảnh đó, đại sứ Osius đã kiến nghị phản đối quyết định từ Washington, và đã bị yêu cầu im lặng. Vì vậy, ông đã quyết định từ chức, vì không thể làm một việc ngược với lương tâm của minh.
Theo báo Mercury News, vào hôm qua bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin trên, trong lúc bộ An Ninh Nội địa chưa trả lời.
Đối với tờ báo, lời thừa nhận của ông Osius có tiếng vang đáng kể tại San Jose, nơi có hơn 100.000 người Mỹ gốc Việt cư ngụ, nhất là sau khi nhiều hội đoàn bảo vệ người tị nạn Việt Nam đã nêu bật mối quan ngại trước hiện tượng Cảnh Sát Di Trú Hoa Kỳ ICE truy bắt những người nhập cư gốc Việt không có giấy tờ hợp lệ với một số lượng lớn chưa từng thấy (khoảng hơn 100 người, riêng trong tháng 10 năm ngoái).
Mỹ: Có thể nổ ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin hôm qua 06/04/2018 tuyên bố cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể nổ ra, nhưng ông nhấn mạnh Washington có thiện chí thương lượng với Bắc Kinh.
Phát biểu trên CNBC – kênh truyền hình thông tin kinh tế và thị trường tài chính Mỹ, bộ trưởng Mnuchin cho biết một mặt, chính quyền Mỹ sẵn sàng thương lượng để không lao vào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng mặt khác tổng thống Donald Trump rất quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ nhắc lại là các biện pháp tăng thuế thêm trên sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốcmà tổng thống Donald Trump thông báo đang trong giai đoạn tham vấn trước khi có thể được áp dụng. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm : « Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận, nhưng có khả năng chiến tranh thương mại sẽ nổ ra ».
Theo bộ trưởng Mnuchin, ông Donald Trump yêu cầu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh phải « có đi, có lại ». Hiện Trung Quốc nhập 130 tỉ đô la hàng Mỹ, trong khi Mỹ mua tới 500 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc. Và theo ông Trump, đó không phải thương mại tự do và cân đối.
Trong khi đó, theo Reuters, cũng trong ngày hôm qua 06/04, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, khẳng định Mỹ không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc và xung đột thương mại giữa hai nước có thể chấm dứt trong vòng 3 tháng nữa. Theo Larry Kudlow, Nhà Trắng đang chờ đợi những thay đổi cụ thể từ phía Bắc Kinh.
Syria: Chiến sự bùng lên dữ dội trở lại ở Đông Ghouta
Sau vài ngày tặm lắng, chiến sự dữ dội trở lại ở Douma, đông Ghouta. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH , đã có ít nhất 32 thường dân thiệt mạng trong các trận không kích của không quân Syria và Nga vào thành phố phiến quân trấn giữ, trong lúc cũng có 2 người chết và 15 người bị thương tại thủ đô do đạn pháo của phe nổi dậy.
Với phóng viên của RFI trong khu vực, Paul Khalifeh:
Phương án quân sự được dùng trở lại sau khi đàm phán giữa Nga và phiến quân Hồi Giáo Jaych al-Islam thất bại. Vào hôm nay, khoảng 40 cuộc không kích đã được chính quyền Damas tung ra nhắm vào thành phố Douma và các vùng lân cận, trong lúc phe nổi dậy cũng bắn vài loạt pháo vào nhiều khu phố của thủ đô Syria, trong đó có quảng trường Umayyad nổi tiếng.
Sau trận pháo kích vào thủ đô, các đơn vị tinh nhuệ của quân đội chính phủ đã mở cuộc tấn công trên bộ, đánh vào những thôn ấp xung quanh căn cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy ở vùng Đông Ghouta. Truyền hình Nhà Nước Syria loan báo bước tiến của quân đội, trong lúc đài al-Ikhbariya thân chính quyền, khẳng định là các giờ phút sắp tới sẽ mang tính « quyết định », hàm ý rằng chiến dịch tấn công tối hậu sắp mở ra.
Tuy vậy, các nguồn tin thân cận với Damas vẫn cho rằng chiến dịch tấn công trên bộ từ hôm qua, chủ yếu nhằm gia tăng áp lực lên các phần tử chủ chiến của nhóm Jaych al-Islam, vốn dứt khoát không chịu rút khỏi thành phố. Damas vẫn muốn nhóm Hồi Giáo này trở lại bàn đàm phán để thực hiện thỏa thuận sơ tán. Hơn nữa, thời hạn năm ngày mà Nga đưa ra để phiến quân thực hiện thỏa thuận vẫn chưa hết hạn.
Mặt khác, quân đội Syria đang dồn quân, chuẩn bị một cuộc tổng tấn công đánh vào các nhóm thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, hiện vẫn kiểm soát các khu phố Qadam, Hajar al-Aswad và trại của người Palestine ở Yarmouk, phía Nam Damas.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180407-syria-chien-su-bung-len-du-doi-tro-lai-o-dong-ghouta
Mỹ trừng phạt 38 cá nhân và tập thể Nga,
gồm 7 tài phiệt thân Putin
Vào lúc cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc đang lên đến đỉnh cao, Hoa Kỳ lại mở thêm một mặt trận khác, lần này nhắm vào Nga : Vào hôm qua, 06/04/2018, bộ trưởng Tài Chính Mỹ đã loan báo quyết định trừng phạt 24 cá nhân và 14 thực thể Nga, trong đó có 7 nhà tài phiệt được biết đến là những người thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Mátxcơva đã lập tức đe dọa trả đũa mạnh mẽ.
Trong một thông báo, bộ trưởng Mỹ Steve Mnuchin cho biết là 24 người Nga, trong đó có các đại tài phiệt và quan chức chính quyền, cùng với 14 công ty và thực thể Nga sẽ bị các biện pháp trừng phạt bổ sung do các « hoạt động nguy hiểm » nhằm gây bất ổn định cho các nền dân chủ phương Tây, từ việc sát nhập bán đảo Crimée năm 2014, gây bất ổn tại miền Đông Ukraina, cho đến các hành vi lũng đoan các nền dân chủ phương Tây và can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016..
Theo hãng tin Pháp AFP, các biện pháp trừng phạt vừa loan báo thuộc diện mạnh nhất từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017 đến nay. Quyết định trừng phạt Nga dựa trên cơ sở một đạo luật do Quốc Hội Mỹ thông qua vào tháng 8 năm 2017 nhằm « Chống lại kẻ thù của nước Mỹ », một đạo luật mà bản thân ông Trump phải miễn cưỡng ban hành.
Một cách cụ thể, các cá nhân và thực thể Nga nằm trong danh sách đen của Mỹ sẽ bị cấm kinh doanh ở Mỹ, hoặc với người Mỹ. Trong số này, đáng chú ý nhất là Oleg Deripaska, chủ nhân đại tập đoàn nhôm Rusal Nga, đồng thời có phần hùn trong nhiều tập đoàn lớn của phương Tây. Còn trong số các quan chức cao cấp, có ông Alexei Miller, lãnh đạo Gazprom, Andrei Kostin, đứng đầu VTB, ngân hàng lớn thứ hai tại Nga, hay bộ trưởng Nội Vụ Vladimir Kolokoltsev hay thư ký Hội Đồng An Ninh Nga Nikolai Patrushev.
Trong số tập đoàn bị đưa vào sổ đen, có Rosoboronexport, chuyên xuất khẩu vũ khí. Công ty mẹ của Rosoboronexport là Rostec không ngần ngại tố cáo « một cái cớ để loại bỏ Nga ra khỏi thị trường vũ khí thế giới ».
Bộ Ngoại Giao Nga đã lập tức đả kích quyết định của Mỹ, và nhấn mạnh trong một thông báo rằng Mátxcơva sẽ đáp trả nghiêm khắc những biện pháp trừng phạt của Washington.
Cho dù vậy, thư ký Hội Đồng An Ninh Nga Nikolai Patrushev vẫn khẳng định rằng các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Mỹ sẽ không chấm dứt vì các lệnh trừng phạt mới. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cho là các lệnh trừng phạt mới đối với Nga không hàm ý là hai bên cắt đứt đối thoại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180407-my-trung-phat-38-ca-nhan-va-tap-the-nga-gom-7-tai-phiet-than-putin