Ký Thiệt: Chuyện hai ông “trùm” FBI Ký Thiệt: Chuyện hai ông “trùm” FBI

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ký Thiệt: Chuyện hai ông “trùm” FBI Ký Thiệt: Chuyện hai ông “trùm” FBI

Khi ông Donald Trump chưa đắc cử tổng thống thì ông James B. Comey làm giám đốc FBI (viết tắt, nhưng chắc chẳng ai không biết là Sở Điều tra Liên bang Mỹ: Federal Bureau of Investigation), và ông Andrew McCabe làm phó giám đốc.

Sau bầu cử, bà Hillary Clinton buộc tội ông Comey là nguyên nhân khiến bà thất cử quá đau trong khi TTDC (Truyền Thông Dòng Chính, hay Truyền Thông Dân Chủ) và TTTT (Truyền Thông Thiên Tả) tiên đoán chắc như bắp chuyện thắng cử của bà dễ như lấy đồ trong túi.
Ông James B. Comey và ông Andrew McCabe
Trong lúc mọi người yên chí là ông Comey sẽ được tân Tổng thống Donald Trump trọng thưởng thì đùng một cái, ngày 9.5.2017 ông Comey biết tin mình bị sa thải trong lúc đang xem ti-vi ở Los Angeles, California!
Ông Comey ngậm đắng nuốt cay trong khi ông phó McCabe được đôn lên làm “quyền giám đốc” và chờ đợi để chính thức ngồi vào chiếc ghế bỏ trống của ông Comey.  Nhưng người được TT Trump bổ nhiệm thay ông Comey lại không phải là McCabe mà là  Christopher A. Wray. Bất mãn, thất vọng, hay đoán thấy việc chẳng lành, McCabe cho biết sẽ xin về hưu.
Đầu năm nay, McCabe loan báo  nghỉ dài hạn có lương cho đến ngày ông ta đúng 50 tuổi sẽ về hưu non với đầy đủ tiền hưu (khoảng 1.8 triệu đô) và các quyền lợi khác. Nhưng, ông ta đã bị sa thải ngày 16 tháng 3 vừa qua, 48 tiếng đồng hồ trước ngày ông McCabe đúng 50 tuổi, và đủ 21 năm phục vụ FBI!
Ông Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions nói trong một bản tuyên bố khi sa thải ông McCabe: “FBI kỳ vọng mọi nhân viên với tiêu chuẩn cao nhất về sự thành thật, liêm chính, và  tinh thần trách nhiệm. Như Văn phòng Trách nhiệm Nghề nghiệp (Office of Professional Responsibility – OPR) của FBI nói trong bản đề nghị (sa thải McCabe), mọi nhân viên FBI đều biết rằng hậu quả của sự thiếu trung thực  sau khi tuyên thệ là sa thải, và rằng sự chính trực là nhãn hiệu của chúng ta.” Trong bản tuyên bố, ông Sessions cũng nói rằng ông McCabe còn tiết lộ tin tức nội bộ cho báo chí mà không được sự chấp thuận của cấp trên.
Ông McCabe đã bác bỏ cáo buộc ông ta thiếu trung thực. Trong bản tuyên bố được phổ biến sau khi bị đuổi sở, ông ta nói: “Sự tấn công vào uy tín của tôi là một phần của nỗ lực không chỉ nhắm lăng mạ cá nhân tôi, nhưng còn bôi bẩn FBI, các nhân viên công lực và tình báo nói chung. Đây là một phần trong trận chiến của chính quyền này chống FBI và chống cuộc điều tra của tham vấn đặc biệt (Mueller) đang tiếp tục cho đến hôm nay.”
Nhưng, có vẻ không phải như vậy, dù ngày hôm sau khi McCabe bị mất việc và mất tiền hưu, ông Trump đã tweet như sau: “Andrew McCabe ĐÃ BỊ SA THẢI, một ngày thật đẹp cho các nam và nữ nhân viên của FBI – Một ngày thật đẹp cho Dân Chủ. Gã giả vờ mộ đạo James Comey đã là boss của McCabe và đã làm cho ông ta trông giống như một đứa bé hát đồng ca trong nhà thờ. Ông ta biết tất cả những gian dối và thối nát đang diễn ra ở những cấp bực cao nhất của FBI!” (12:08 AM – Mar 17, 2018)
Người quyết định sa thải McCabe là Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp, dựa trên đề nghị của OPR. Chính cơ quan này đã đề nghị sa thải gấp McCabe, sau khi cứu xét bản phúc trình của tổng thanh tra Bộ Tư pháp. Cả tổng thanh tra Bộ Tư Pháp lẫn OPR của FBI đều không liên hệ gì đến Bạch Cung của ông Trump, và không có lý do gì để “lăng mạ” ông McCabe và “bôi bẩn” FBI, cũng như các nhân viên công lực và tình báo, như cáo buộc của McCabe.
Từ ngày được ông Trump bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng tư pháp, ông Sessions đã chứng tỏ là người không quen làm vui lòng chủ. Trước đây, ông Sessions đã hai lần làm ông Trump nổi giận khi ông quyết định “hồi tị” (recuse) tự đặt mình ra ngoài cuộc điều tra về sự thông đồng với người Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và khi ông chỉ định tổng thanh tra Bộ Tư Pháp để điều tra vụ lạm dụng luật FISA, thay vì bổ nhiệm một tham vấn đặc biệt (special counselor) thứ hai.
Ông McCabe cho biết sẽ kháng cáo quyết định của Bộ Tư pháp trong khi TTDC và một số ông bà lớn đảng Dân Chủ đã chỉ trích việc sa thải ông ta, và còn đề nghị cấp cho ông ta việc làm để khỏi mất tiền hưu. Ngược lại, có người lại nói rằng với những vi phạm mà McCabe đã làm và bị sa thải, ông ta còn có thể bị truy tố về hình sự.
Chưa biết tương lai ông McCabe sẽ đi về đâu thì có tin ông Comey đã viết một cuốn sách để trả đũa việc bị TT Trump sa thải mười tháng trước đây. Cuốn sách này có tựa đề là “A Higher Loyalty: Truth, Lies, and Leadership”, tuy tới ngày 17 tháng 4 mới chính thức ra mắt nhưng hiện đã được xếp hạng 1 trong các loại sách về luật pháp, lịch sử và khoa học chính trị của Amazon.
Cuốn sách này đã được cho là “cần phải đọc” và được quảng cáo rầm rộ trên Tạp chí Time. USA Today, Publisher’s Weekly và các cơ quan truyền thông khác. Ông Comey cho biết hai ngày trước khi cuốn sách được phát hành, ông ta sẽ dành cho George Stephanopoulos của hệ thống tuyền hình ABC một cuộc phỏng vấn đặc biệt, rồi sau đó sẽ lên đường ra mắt sách vòng quanh nước Mỹ trong tháng tư, để tới Washington, New York, Boston, Seattle, Los Angeles và năm thành phố khác. Trong lúc xuất hiện tại Thủ đô Washington, tác giả Comey cũng sẽ dành một cuộc phỏng vấn đặc biệt cho Mike Allen, kẻ đã gọi chuyến đi ra mắt sách kéo dài cả tháng của Comey là “Cuộc du hành của Comey chống lại Trump” (Comey vs.Trump tour). Allen nói: “Comey đã im lặng trong gần một năm – kể từ khi bị TT Trump sa thải ngày 9 tháng 5 (2017), tám ngày trước việc chỉ định tham vấn đặc biệt Bob Mueller. Ông ta đã nghe nhiều điều dối trá và những tuyên bố sai lầm về FBI mà ông ta có ‎ý định cải chánh. Ông ta không muốn ở trong tư thế này nhưng đã chấp nhận.”
Thật ra thì sự đối đầu giữa TT Trump và ông Comey đã diễn ra lâu nay trên Twitter và TTDC và TTTT Mỹ đã chơi xỏ, “cho điểm” ông Trump trong việc làm cho cuốn sách của Comey nổi đình nổi đám, như nhận định của CNN: “Một ‘best seller’ với sự trợ giúp của Trump.” Chờ xem.
Vụ này nhắc người ta nhớ lại cuốn “Fire and Fury: Inside the Trump White House” của Micheal Wolff vào đầu năm nay đã vọt lên đứng đầu bảng của Amazon ngày 3 tháng 01 sau khi một trích đoạn của cuốn sách được phổ biến trên online miễn phí với lời bàn của CNN: “Cuốn sách đầu tiên nói hết về nhiệm kỳ tổng thống của Trump.” Cuốn sách được phát hành hai ngày sau và đã là một “bestseller” của New York Times vào lúc ấy. Theo ước tính của các chuyên viên ngành xuất bản, ông Wolff này đã bỏ túi 7.9 triệu đô nội trong tháng giêng năm nay riêng về tiền bán sách. Trúng mối lớn! Chưa kể sau đó ông ta còn bán bản quyền cuốn sách để làm phim và ti-vi, rồi thì bán bản quyền dịch thuật trên 32 quốc gia. Nhưng rồi những tranh cãi chung quanh cuốn “Fire and Fury” (Lửa và Bão) khiến nó bị cháy và hiện nay được xếp hạng 49 trên Amazon. Bề nào thì tác giả của nó cũng đã bỏ túi khẳm. Khỏe re!
Trở lại với cuốn “A Higher Loyalty” của James Comey. Không biết tác giả sẽ kiếm được bao nhiêu triệu đô nhưng chắc cũng không phải là ít, và đúng như lời bàn của CNN. Không nhờ ông Trump thì làm gì có cuốn “Fire and Fury” để ông Wolff có thể bỏ túi gần 8 triệu đô tiền bán sách trong một tháng, và nếu không bị ông Trump đuổi việc thì ông Comey đâu có ngồi viết “A Higher Loyalty” và sắp sửa bỏ túi hàng chục triệu như chơi, bỏ xa tiền hưu của FBI? Đúng là chuyện “tái ông thất mã”.
Còn McCabe, ông ta đang nghĩ gì? Và, tại sao lại không viết sách nhỉ?
Theo tin hành lang ở Bộ Tư Pháp thì gần đến ngày về hưu (18.3.2018), ông McCabe này đã cuống cuồng chạy từ hết phòng này tới phòng khác ở Bộ Tư Pháp để bảo đảm được lãnh tiền hưu trước ngày ông ta rời nhiệm sở. Nhưng, quyết định sa thải McCabe đã được loan báo lúc 10 giờ đêm thứ sáu (16 tháng 3), khoảng 24 tiếng đồng hồ trước khi ông ta được chấp thuận rời FBI để về vườn với đầy đủ tiền hưu trí và các quyền lợi khác!
Giáo sư Jonathan Turley, dạy luật tại Trường Đại Học George Washington, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy ông McCabe có vẻ quan tâm tới vụ tiền hưu hơn là việc có thể bị truy tố về hình sự. Giáo sư Turley nói với Fox News rằng: “Điều kỳ lạ thực sự trong toàn thể vụ này là McCabe, cho tới  giờ này, đã lo lắng về tiền hưu (pension) hơn là nhà tù (prison).”
Thật vậy, ngoài tội nói dối với tổng thanh tra Bộ Tư Pháp, ông McCabe còn bị cáo buộc có những hành động vi phạm huấn lệnh của FBI trong khi giữ chức phó giám đốc FBI.
Nhiều người biết năm 2015, bà vợ ông McCabe, Jill McCabe, một đảng viên  Dân Chủ, ra ứng cử vào Thượng viện Tiểu bang Virginia do ông Terry McAuliffe (Dân Chủ) làm thống đốc. McCabe đã tham dự những cuộc vận động tranh cử và gây quỹ cho vợ, do Thống đốc McAuliffe giúp tổ chức, thu được hàng trăm ngàn đô-la, nhưng đã thất cử.
McAuliffe là người rất thân cận trung thành với cựu TT Bill Clinton và bà vợ Hillary, hiển nhiên vợ chồng McCabe cũng không phải là xa lạ gì với bà Hillary Clinton trong lúc ông McCabe đang nắm vai trò giám sát cuộc điều tra về vụ bà Ngoại trưởng Clinton lạm dụng emails của chính quyền, và như mọi người đều biết bà Clinton đã được FBI tha tào.
Cựu giám đốc FBI Mueller
Rõ ràng đây là một trường hợp xung khắc lợi ích (conflict of interest) trầm trọng mà đáng lẽ ông McCabe phải xin hồi tị, nhưng đã đặt lợi ích cá nhân và phe nhóm trên lợi ích quốc gia, đã vi phạm huấn lệnh FBI. Ông ta cũng đã là một phần của một nhóm cùng với các cựu giám đốc FBI Mueller và Comey, và những người khác đã không làm gì cả khi người Nga đổ tiền vào các tổ chức môi sinh tại Mỹ và sắp xếp các cuộc thương lượng trong vụ bán uranium cho Nga để ông bà Clinton hưởng lợi hàng chục triệu đô-la dưới danh nghĩa Clinton Foundation. Đó là lý‎ do vì sao ông giám đốc FBI hiện nay là Christopher A. Wray cũng đồng ý việc sa thải McCabe mà không thể bênh vực ông phó của mình, trong khi hai ông cựu giám đốc FBI Comey và Mueller cũng đang “có vấn đề”.
Một ông đã nói dối trong cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Hạ Viện về vụ người Nga xen vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà những đoạn phim tài liệu tại Hạ viện là bằng chứng khó chối cãi. Một ông thì làm tham vấn đặc biệt để điều tra về vụ ban vận động tranh cử của ông Trump bị tố giác “thông đồng” với người Nga mà sau một năm soi mói, truy lùng cũng vẫn là tay không, trong lúc chính ông “tham vấn đặc biệt” đang bị tố là phe đảng chỉ xài phí tiền của dân đóng thuế để đi “săn bắt phù thủy”. Các dân biểu Cộng Hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ Viện đã chính thức chấm dứt cuộc điều tra về việc người Nga lèo lái cuộc bầu cử năm 2016 vì chỉ phí thì giờ và phí công quỹ.
Hiện đang có áp lực gia tăng từ nhiều phía đòi hỏi Bộ Tư Pháp chấm dứt nhiệm vụ của tham vấn đặc biệt Bob Mueller và chỉ định một tham vấn đặc biệt khác để điều tra về những thối nát trong FBI và cả trong Bộ Tư Pháp, mà thủ phạm là những kẻ có quyền chức lớn đã mai phục, cấu kết với nhau lâu năm tạo thành một cái “đầm lầy ở Washington” mà ông Trump hứa sẽ vét sạch khi ra ứng cử tổng thống.
Với cái “đầm lầy” ấy, Hoa Kỳ tuy không bị coi là một nước đặc biệt thối nát, nhưng chỉ được xếp hạng khiêm tốn thứ 16 trong 180 nước trên danh sách có chính quyền trong sáng theo tiêu chuẩn của Tổ chức “Transparency International”.
TT Trump có thực hiện được lời hứa khi ra tranh cử hay không thì chưa biết, nhưng có phần chắc ông ấy sẽ còn giúp cho nhiều người trở thành triệu phú nhờ viết sách, kể cả những người viết sách trong tù.
Ký Thiệt
https://baotgm.net/ky-thiet-chuyen-hai-ong-trum-fbi/