Tin khắp nơi – 05/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/04/2018

Vụ điệp viên bị hạ độc:

hàng chục nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi Nga

Hàng chục nhà ngoại giao Mỹ cùng gia đình hôm thứ Năm 5/4 đã rời sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Moscow. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ trục xuất ‘ăn miếng trả miếng’ giữa Nga và Mỹ sau vụ một điệp viên hai mang người Nga bị hạ độc ở Anh mà London cho là do Moscow thực hiện.

Ba chiếc xe đã rời khuôn viên sứ quán Mỹ và chạy về hướng sân bay sau khi Moscow ấn định Thứ Năm 5/4 là hạn chót các nhà ngoại giao Mỹ phải ra khỏi Nga.

Các vụ trục xuất ngoại giao đã diễn ra kể từ khi điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc vào ngày 4/3. London quy lỗi cho Nga đã thực hiện cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh sử dụng trong quân đội và do Liên Xô chế tạo.

Ông Skripal, cựu điệp viên hai mang đã đào thoát sang Anh, và con gái của ông là Yulia, được phát hiện khi đang ngã gục trên một chiếc ghế công viên ở thị trấn Salibury. London nói “rất có khả năng” Moscow đứng đằng sau vụ mưu sát này, nhưng điện Kremlin nhất mực bác bỏ lời tố cáo đó.

Mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã tuột dốc từ sau vụ đầu độc hai cha con ông Skripal. Để phản đối và trừng phạt Moscow, các quốc gia như Hoa Kỳ, các thành viên EU, các quốc gia NATO cùng nhiều nước khác đã trục xuất tổng cộng hơn 150 nhà ngoại giao Nga. Moscow đã trả đũa bằng các biện pháp tương tự.

https://www.voatiengviet.com/a/4333619.html

 

Trump sắp ký lệnh điều Vệ binh

tới biên giới Mỹ-Mexico

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Tư sẽ ký một bản tuyên bố ra lệnh điều Vệ binh Quốc gia tới bảo vệ biên giới giữa Mỹ với Mexico, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen cho biết.

Các binh sĩ có thể sẽ được điều tới biên giới sớm nhất là tối thứ Tư, bà Nielsen cho biết, và nói rằng Vệ binh Quốc gia sẽ hỗ trợ lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ nhưng sẽ không tham gia vào việc chấp pháp.

Bà Nielsen loan báo trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng một ngày sau khi ông Trump đưa ra những lời lẽ cứng rắn hơn về vấn đề di trú rằng ông muốn điều lực lượng quân đội Mỹ cho đến khi bức tường biên giới mà ông hứa hẹn được xây dựng.

“Tổng thống đã chỉ thị Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa làm việc cùng với các thống đốc để triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia tới biên giới tây nam của chúng ta để hỗ trợ lực lượng Tuần tra Biên giới,” bà Nielsen nói. “Tổng thống sẽ ký một bản tuyên bố loan báo việc này ngày hôm nay.”

Bà nói rằng chính quyền đã soạn thảo luật và sẽ yêu cầu Quốc hội trao thẩm quyền pháp lý và các nguồn lực để giải quyết “cuộc khủng hoảng này ở biên giới của chúng ta.”

Bà không đưa ra số lượng binh sĩ sẽ được triển khai hoặc chi phí của hoạt động này.

Bà Nielsen cho biết mặc dù chính quyền đã ban hành một số biện pháp, mức độ buôn lậu ma túy, nhập cư bất hợp pháp và hoạt động băng đảng nguy hiểm xuyên biên giới là không thể chấp nhận được.

Ông Trump đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, bà Nielsen và các quan chức khác để thảo luận các vấn đề biên giới hôm thứ Ba.

“Cho tới khi chúng ta có thể có một bức tường và an ninh thỏa đáng, chúng ta sẽ cho quân đội canh gác biên giới,” ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm thứ Ba, than phiền về điều mà ông gọi là những luật “tồi tệ” của Mỹ khiến biên giới phía nam không được bảo vệ tốt.

Hôm thứ Tư, ông Trump nói trong một dòng tweet: “Luật Biên giới của chúng ta rất yếu trong khi luật biên giới của Mexico & Canada rất mạnh. Quốc hội phải thay đổi những luật từ thời Obama và các luật khác NGAY BÂY GIỜ!”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-sap-ky-lenh-dieu-ve-binh-toi-bien-gioi-my-mexico/4332905.html

 

Mỹ tịch thu hàng trăm căn nhà trồng cần sa

 liên quan tới tội phạm Trung Quốc

Hàng trăm cơ quan chấp pháp cấp liên bang và địa phương tịch thu gần 100 căn nhà ở miền Bắc California được một tổ chức tội phạm tại Trung Quốc chuyển tiền sang mua dùng để trồng cần sa bất hợp pháp, nhà chức trách Mỹ cho biết ngày 4/4.

Chiến dịch theo sau nhiều tháng điều tra tập trung vào hàng chục công dân Trung Quốc bỏ tiền ra mua nhà cửa tại 7 quận hạt trong bang. Đa số từ các tiểu bang xa xôi như Georgia, Illinois, New York, Ohio và Pennsylvania và tới Mỹ hợp pháp.

Hầu hết cần sa được chuyển ngược lại sang các tiểu bang này qua hướng Atlanta, Chicago và thành phố New York. Tại California, cần sa không bất hợp pháp nhưng phải có giấy phép mới được trồng và theo luật liên bang, chất này là bất hợp pháp.

Nhà chức trách tịch thu các căn nhà, nhưng những người đứng tên mua nhà chưa bị bắt. Công tố viên yêu cầu các thẩm phán chuyển giao quyền sở hữu các tài sản này sang cho chính quyền.

Giới hữu trách đang điều tra xem những người chủ nhà có phải được đưa sang Mỹ vì mục đích này hay không và liệu họ có mắc nợ tổ chức tội phạm vừa kể hay không.

Tiền đặt cọc mua nhà được chuyển ngân từ Trung Quốc. Những người mua dùng cùng các môi giới địa ốc giống nhau ở Sacramento, mượn tiền từ các ngân hàng tư nhân, và những người mua là đứng ra mua dùm nhân danh các chủ sở hữu thực thụ.

Hơn 500 nhân viên công lực triển khai chiến dịch truy quét trong vòng 2 ngày, lùng sục và tịch thu khoảng 75 căn nhà và hai doanh nghiệp buôn bán bất động sản. 25 ngôi nhà còn lại bị tịch thu trong đợt truy quét trước.

Theo AP

https://www.voatiengviet.com/a/my-tich-thu-hang-tram-can-nha-trong-can-sa-lien-quan-toi-toi-pham-trung-quoc-/4332894.html

 

Donald Trump có ý định gì

khi thông báo rút quân Mỹ khỏi Syria ?

Minh Anh

Ngày 29/03/2018 tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng rút quân khỏi Syria. Sự việc đã khiến các nước thành viên trong liên quân quốc tế và đồng minh khu vực lo âu. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra là : Phải chăng tuyên bố này là một « chiêu mặc cả » của tổng thống Mỹ với các nước đồng minh ? Liệu cách thức hành động này của Donald Trump có làm đảo lộn chiến lược của Mỹ tại Trung Đông ?

« Tôi muốn đưa các binh sĩ trở về nhà, chúng ta đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo », tổng thống Mỹ đã tuyên bố như trên trong bài phát biểu tại bang Ohio.

Đây chắc chắn không phải là một sự nhầm lẫn hay sai lầm, theo như nhận định của nhiều quan chức Mỹ với AFP. Bởi vì từ nhiều tuần nay, ông Donald Trump đã giận dữ phản đối việc duy trì lính Mỹ tại phía đông Syria trong trung hạn và dài hạn.

Tuyên bố của ông Trump khiến các đồng minh châu Âu lo lắng vì theo họ, việc Mỹ rút quân là đi ngược lại với chiến lược « bình ổn » Syria, và phương Tây chưa thể rời Syria chừng nào Daech chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước áp lực của các nước đồng minh, tổng thống Mỹ đã có một cử chỉ trấn an nhưng vẫn duy trì ý định rút quân, như tường thuật của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco.

« Thực vậy, có rất nhiều người nhắc lại rằng cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chưa giành được thắng lợi hoàn toàn. Do vậy, sau các tuyên bố rút quân, Donald Trump đã điện đàm với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron và theo thông báo của điện Elysée, hai đồng minh vẫn tỏ quyết tâm tiếp tục các hoạt động của mình trong liên minh chống quân thánh chiến.

Hôm qua, 04/04, Nhà Trắng đã khẳng định lại những phát biểu của Donald Trump và giải thích rằng hoạt động quân sự nhằm diệt trừ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo kết thúc. Thế nhưng, Washington lại không đưa ra lịch trình rút quân trong tương lai. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết là liên minh phải tiếp tục diệt trừ các nhóm tàn quân của Daech tại Syria. »

Theo nhận định của AFP, ngoài cuộc chiến chống Daech, sự hiện diện của lính Mỹ ở Syria còn nhằm mục đích ngăn cản đà bành trướng ảnh hưởng của Iran, như thông báo của ông Rex Tillerson hồi tháng Giêng năm 2018, khi còn là ngoại trưởng.

Việc Teheran có ý định thiết lập các cơ sở quân sự thường trực trên lãnh thổ Syria đã khiến cho Israel và Ả Rập Xê Út lo ngại. Cả hai quốc gia Trung Đông đồng minh này đều muốn Hoa Kỳ duy trì lính Mỹ tại Syria.

Theo quan điểm của tờ L’Orient-Le Jour, Hoa Kỳ giờ trong thế « tiến thoái lưỡng nan ». Nếu rút quân, xem như Mỹ sẽ tặng không cho Nga và Iran cả vùng phía đông Syria mà Hoa Kỳ đang kiểm soát. Nếu ở lại, Hoa Kỳ có nguy cơ sa lầy, đối đầu với Iran.

Tuy nhiên, tờ nhật báo Liban này có để ý đến một chi tiết trong bài phát biểu của ông Donald Trump khi có đề nghị với Riyad rằng : « Nếu quý vị muốn chúng tôi ở lại nên chăng quý vị phải chi thêm ? ».

Bởi vì theo báo Le Monde, nguyên thủ Mỹ đã từng phàn nàn là cuộc chiến ở Syria gây tốn kém đến 7.000 tỷ đô la cho Hoa Kỳ trong những năm gần đây, mà không mang lại lợi lộc gì, « ngoài chết chóc và tàn phá ».

Nếu như chuyện tiền nong được xem như là động lực chính của chiến tranh, thì đây có lẽ không phải là lần đầu tiên và là lần duy nhất tổng thống Mỹ có những đề xuất như vậy, mà NATO chính là ví dụ điển hình gần đây nhất.

Bên cạnh đó, còn có một chi tiết đáng suy nghĩ khác : vào lúc Hoa Kỳ và đồng minh tuyên bố đã đánh thắng khủng bố về mặt quân sự thì phải chăng đó cũng là thời điểm thuận lợi để rút quân trong chiến thắng vẻ vang, thay vì ở lại với nguy cơ bị sa lầy.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180405-donald-trump-co-y-dinh-gi-khi-thong-bao-rut-quan-my-khoi-syria

 

Trump đồng ý cho lính Mỹ lưu lại Syria ‘thêm chút nữa’

Trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tuần này, Tổng thống Donald Trump dù đồng ý giữ quân đội Mỹ ở Syria thêm chút nữa để đánh bại Nhà nước Hồi giáo, nhưng muốn sớm rút quân về nước, một quan chức cao cấp của chính quyền cho biết hôm thứ Tư.

Ông Trump không chuẩn thuận một kế hoạch rút quân cụ thể tại cuộc họp ngày thứ Ba, quan chức này cho biết. Ông muốn bảo đảm các chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại nhưng muốn các nước khác trong khu vực và Liên Hiệp Quốc tiến lên nhận lãnh trách nhiệm giúp đỡ bình ổn tình hình ở Syria.

“Chúng tôi sẽ không rút quân ngay lập tức nhưng Tổng thống cũng không sẵn lòng ủng hộ một cam kết lâu dài,” quan chức này nói.

Ông Trump trước đó đã bày tỏ mong muốn rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria trong một bài phát biểu vào thứ Năm tuần trước ở bang Ohio, và các quan chức nói ở nơi riêng tư ông đã thúc giục sớm rút quân trong các cuộc nói chuyện với các trợ lý an ninh quốc gia của ông.

Ông Trump nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba với các nhà lãnh đạo các nước vùng Baltic rằng Mỹ đã rất thành công trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, nhưng “đôi khi đến lúc phải trở về nhà.”

Các cố vấn của ông đã thúc giục ông duy trì ít nhất một lực lượng nhỏ ở Syria để đảm bảo những kẻ chủ chiến bị đánh bại và ngăn chặn Iran, đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, giành được một chỗ đứng quan trọng.

Mỹ đang tiến hành các cuộc không kích ở Syria và đã điều khoảng 2.000 binh sĩ tới thực địa, bao gồm các lực lượng đặc nhiệm đóng vai trò cố vấn giúp cho dân quân người Kurd và các chiến binh khác được Mỹ hậu thuẫn chiếm lại lãnh thổ từ Nhà nước Hồi giáo, còn gọi là ISIS.

Tướng Lục quân Mỹ Joseph Votel, người giám sát quân đội Mỹ ở Trung Đông trong vai trò chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm, hôm thứ Ba ước tính rằng hơn 90 phần trăm lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo tại Syria đã được chiếm lại kể từ năm 2014.

Brett McGurk, đặc phái viên của Mỹ cho liên minh toàn cầu chống lại Nhà nước Hồi giáo, hôm thứ Ba cho hay cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo của Mỹ vẫn chưa kết thúc.

“Chúng tôi đang ở Syria để chống lại ISIS. Đó là sứ mệnh của chúng tôi và sứ mệnh của chúng tôi vẫn chưa kết thúc và chúng tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh đó,” ông McGurk nói.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-dong-y-cho-linh-my-luu-lai-syria-them-chut-nua/4332884.html

 

Tên lửa Bắc Hàn ‘có thể tới bờ biển Anh trong vài tháng’

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bắc Hàn gần như chắc chắn có thể tiếp cận bờ biển Anh trong vòng sáu đến 18 tháng, nghị sỹ Quốc hội Anh (MPs) cho hay.

Tuy nhiên, một bản tường trình của Ủy ban Quốc phòng của Nghị Viện Anh cho rằng vẫn chưa có bằng chứng Bắc Hàn trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa.

Các nghị sỹ Anh đang điều tra mối đe doạ Bắc Hàn, nói thêm rằng một cuộc tấn công như vậy dường như ‘không có xác suất sẽ xảy ra’.

Họ mô tả nhà cầm quyền của Bắc Hàn, Kim Jong-un, là ‘tàn nhẫn nhưng có lý trí’.

Bản tường trình cho biết, ông Kim “tàn nhẫn, giống như các nhà độc tài cộng sản khác trước ông, nhưng ông có lý trí” và có thể ‘bị thuyết phục không sử dụng vũ khí hạt nhân, bằng chính sách ngăn chặn và kiểm soát”.

Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn

Bàn tròn thứ Năm: Tái cấu trúc Bộ Công An và ‘Hợp tác chung’ Việt – Trung trên Biển

Bắc Hàn: Vụ thử hạt nhân sẽ dẫn tới chiến tranh?

Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo

Bắc Hàn đã tiến hành 6 cuộc thử hạt nhân và có một tên lửa đạn đạo mà các chuyên gia tin rằng có thể đưa toàn bộ Hoa Kỳ vào tầm ngắm. Với khả năng này, Bình Nhưỡng cho biết họ đã đạt được sứ mệnh trở thành một quốc gia hạt nhân.

Tuy nhiên, tháng trước, sau thời gian thù địch, ông Kim được cho là “cam kết phi hạt nhân hoá” khi ông và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đồng ý đàm phán – một động thái chưa có tiền lệ.

Mặc dù đã có những tiến triển, các nghị sỹ Anh cho rằng Bắc Hàn không muốn từ bỏ chương trình vũ khí của mình và sẽ sớm đạt được mục tiêu đe dọa hạt nhân các đối thủ của mình.

Ủy ban này cho biết việc Bắc Hàn tấn công hạt nhân Anh Quốc dường như “không có xác suất sẽ xảy ra”, vì đe dọa Mỹ mới là trọng tâm của Bắc Hàn. Bắc Hàn bắn ba tên lửa ra biển

Kim Jong-un đi tàu thăm Bắc Kinh?

TQ, Bắc Hàn xác nhận chuyến thăm của ông Kim

“Rõ ràng việc Bắc Hàn tung ra những vũ khí như vậy có thể dẫn tới những hậu quả quân sự mang tính hủy diệt không thể tránh khỏi”, bản tường trình viết tiếp.

Nếu có xung đột trong khu vực, Anh sẽ không đứng ngoài mà sẵn sàng trợ giúp Hoa Kỳ.

Tường trình của MPs cũng đưa ra cảnh báo khác rằng Anh có thể là mục tiêu tấn công không gian mạng của Bắc Hàn.

Bắc Hàn được cho là đứng sau vụ tấn công WannaCry vào tháng 5/2015, ảnh hưởng tới các bệnh viện NHS, các doanh nghiệp và ngân hàng toàn cầu, gây thiệt hại hàng tỷ đôla.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43651218

 

Bê bối Facebook ‘ảnh hưởng 87 triệu người’

Facebook tin rằng dữ liệu của khoảng 87 triệu người đã bị chia sẻ với hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica – nhiều hơn số liệu được công bố trước đó.

Con số này trước được cho là 50 triệu theo người tiết lộ thông tin Christopher Wylie.

Trong một cuộc họp báo, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg nói “rõ ràng chúng tôi đáng lẽ phải làm nhiều hơn, và chúng tôi sẽ tiếp tục”.

Facebook có ‘gỡ tài khoản theo yêu cầu VN’?

Thay đổi của Facebook làm giảm số người dùng

Facebook sẽ thay đổi nội dung hiển thị tin

Ông nói từng cho rằng khi Facebook cung cấp cho một người lập trình các công cụ, thì đó là trách nhiệm sử dụng công cụ thuộc về người đó.

Nhưng ông nói “đã sai khi nhìn lại” vì có một cái nhìn hạn chế như thế.

Ông nói: “Hôm nay, theo những gì chúng tôi được biết … Tôi nghĩ chúng tôi cần có một cái nhìn rộng hơn về trách nhiệm của mình”.

“Chúng tôi không chỉ thiết lập các công cụ mà còn phải chịu trách nhiệm về hậu quả có thể xẩy ra cho những người sử dụng công cụ của mình.”

Ông Zuckerberg cũng tuyên bố là một cuộc điều tra nội bộ cho thấy có một vấn đề mới. Các nhân tố xấu đã lạm dụng một tính năng cho phép người dùng tìm kiếm nhau bằng cách nhập địa chỉ email hoặc số điện thoại vào hộp tìm kiếm của Facebook.

Facebook ‘điêu đứng’ vì vụ bảo mật dữ liệu

Facebook sẽ khảo sát để tăng nguồn tin ‘đáng tin cậy’

Elon Musk tham gia #DeleteFacebook

Kết quả là nhiều thông tin cá nhân đã bị “nạo” và khớp với các chi tiết liên lạc đã được thu thập từ những nơi khác.

Facebook giờ đã chặn hoạt động này.

Ông Zuckerberg nói: “Có thể cho rằng nếu bạn đã bật cài đặt mặc định, thì trong vài năm gần đây ai đó có thể đã truy cập thông tin công khai của bạn theo cách này.”

Những con số mới

Ước tính số người bị thu thập dữ liệu được tiết lộ trong blog của giám đốc công nghệ Mike Schroepfer.

BBC được biết rằng Facebook hiện ước tính có khoảng 305.000 người đã cài đặt ứng dựng This Is Your Digital Life quiz, điều này khiến việc thu thập dữ liệu trở nên khả thi. Con số dự báo trước đó là 270.000.

Khoảng 97% tài khoản cài đặt ứng dụng này ở Mỹ. Tuy nhiên, hơn 16 triệu tài khoác từ các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng.

Tranh cãi về điều gì?

Facebook đang phải đối mặt với chỉ trích sau khi có thông tin công ty này biết rõ nhiều năm qua Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng Facebook, nhưng lại để Cambridge Analytica tự xác nhận việc xóa dữ liệu.

Cambridge Analytica cho biết họ đã mua thông tin từ người thiết kế ứng dụng This Is Your Life quiz mà không biết rằng nó đã thu thập dữ liệu người dùng.

Hãng này nói đã xóa tất cả các dữ liệu ngay sau khi phát hiện ra vấn đề này.

Tuy nhiên, Channel 4 News cho biết ít nhất một số dữ liệu vẫn đang được lưu hành mặc dù Cambridge Analytica quả quyết đã phá hủy dữ liệu.

Khi cuộc họp báo của Facebook đang diễn ra, Cambridge Analytica đăng trên Twitter rằng hãng này chỉ thu thập dữ liệu từ 30 triệu người, chứ không phải 87 triệu – từ người phát triển ứng dụng, và một lần nữa khẳng định đã xóa tất cả các dữ liệu.

Những phát hiện mới nhất được đưa ra vài giờ sau khi Ủy ban Thương mại Hạ viên Hoa Kỳ thông báo rằng người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, sẽ ra làm chứng trước ngày 11/4.

Giá cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh trong vài tuần kể từ khi những cáo buộc xuất hiện.

Những động thái mới từ Facebook

Trong bài đăng trên blog Thứ Tư của mình, ông Schroepfer đã đưa ra những động thái mới của Facebook trong bối cảnh vụ bê bối.

Bao gồm:

quyết định không cho phép các ứng dụng của bên thứ ba xem danh sách khách mời của các trang Sự kiện và nội dung của các tin nhắn được đăng trong đó.

cam kết chỉ giữ nhật ký cuộc gọi và nhật ký tin nhắn trên Messenger trong một năm. Ngoài ra, Facebook sẽ không thông báo thời gian của cuộc gọi.

Facebook cho biết, vào tuần tới, một liên kết sẽ xuất hiện ở đầu News Feeds của người dùng hướng dẫn xem lại các ứng dụng của bên thứ ba mà họ đang sử dụng và thông tin nào đã bị chia sẻ qua các ứng dụng đó.

Tin giả

Vụ tai tiếng Cambridge Analytica xảy ra sau những cuộc tranh cãi về “tin giả” và bằng chứng cho thấy Nga đã cố gắng ảnh hưởng đến cử tri Mỹ qua Facebook.

Zuckerberg nói ông đã phạm sai lầm vào năm 2016 khi bác bỏ ý kiến rằng tin giả đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Ông nói thêm: “Mọi người sẽ phân tích tác động thực sự của việc này trong một thời gian dài.”

Nhưng ông nói thêm rằng giờ ông nuối tiếc vì đã cho rằng tin giả trên Facebook có thể đã giúp Donald Trump trở thành tổng thống là “một điều điên rồ”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43651107

 

Philippines đóng cửa khu du lịch vì ô nhiễm

Hòn đảo Boracay của Philippines sẽ đóng cửa đối với khách du lịch trong sáu tháng vì những lo ngại về sự tàn phá ở bờ biển từng rất nguyên sơ này.

Phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte nói việc đóng cửa sẽ bắt đầu vào ngày 26/4.

Hòn đảo nổi tiếng với những bãi biển cát trắng đã thu hút gần 2 triệu du khách vào năm ngoái.

Đề xuất đổ thêm bùn xuống biển Bình Thuận

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM ‘báo động’

Các thành phố lớn nhất chống ô nhiễm không khí thế nào?

Động thái này xảy ra sau khi mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng môi trường sinh thái của hòn đảo.

Giới chức đã cảnh báo các doanh nghiệp về việc xả nước thải vào vùng biển.

Vào tháng Hai, ông Duterte đã chỉ trích các khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp du lịch, buộc tội họ đổ chất thải vào biển.

“Tôi sẽ buộc tội các anh vì đã vô cùng vô trách nhiệm khiến cho Boracay trở thành một cái ao cá hay bể cống,” ông Duterte nói khi đó.

“Hoặc là anh dọn sạch nó đi hoặc là tôi sẽ đóng cửa nó vĩnh viễn. Và có thể sẽ không có một người nước ngoài nào được đến đó nữa.”

Quyết định này đã gây ra mối lo ngại cho hàng ngàn người làm việc trong ngành du lịch sôi động của Boracay.

Hòn đảo này có khoảng 500 doanh nghiệp liên quan đến du lịch, đem lại doanh thu hàng năm 1,07 tỷ đôla.

Chính phủ cho biết các công ty bị ảnh hưởng sẽ nhận được hỗ trợ tài chính.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43651108

 

Nguyên thủ các nước dọc sông Mekong

kêu gọi hành động

Các quốc gia trong lưu vực sông Mekong nên xem lại mô hình phát triển của mình.

Đó là nội dung trong tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy Hội Sông Mekong đưa ra ngày 5 tháng tư tại Siem Reap, Kampuchia.

Nội dung này muốn nói đến việc xây dựng quá nhiều các đập thủy điện trên dòng chính và các chi lưu quan trọng của sông Mekong.

Tuyên bố chung này dựa trên ngiên cứu của Ủy Hội Sông Mekong về tác động môi trường của các đập nước lên nguồn nước, nguồn hải sản dọc theo sông Mekong.

Mặc dù nội dung của tuyên bố chung được cho là rõ ràng và trung lập, tuy nhiên tuyên bố của các quốc gia tham dự hội nghị cũng có khác nhau, ngoài Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia tham gia nhiều vào tài liệu nghiên cứu của Ủy Hội Sông Mekong, Lào nói rằng mình luôn tuân thủ những qui trình của Ủy Hội Sông Mekong, Trung Quốc thì nói rằng Bắc Kinh hiểu những quan ngại hợp lý của các quốc gia dọc sông Mekong về những đập nước thủy điện.

Lào và Trung Quốc là những quốc gia có nhiều đập thủy điện lớn chận ngang dòng chính sống Mekong, được cho là gây tác động nghiêm trọng đến nguồn cá, nguồn nước trên Sông Mekong, đặc biệt là gây hạn hán, nhiễm mạn nặng nề tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.

Trung Quốc là quốc gia cung cấp vốn nhiều nhất cho các đập thủy điện như thế.

Tổ chức có tên Các Dòng Sông Quốc Tế ra kêu gọi nhân Hội Nghị Cấp Cao lần thứ ba Ủy Hội Sông Mê kong Quốc tế (MRC) tại Siem Reap, Cam pu chia vào ngày 5 tháng tư.

Theo Tổ chức Các Dòng Sông Quốc Tế thì mặc dù có những tác động đáng kể đối với an ninh lương thực và sinh kế của người dân sống dọc sông Mê Kong khi xây dựng hệ thống đập thủy điện trên dòng chính cũng như chi lưu của con sông này, qui trình ra kế hoạch và đi đến quyết định thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu sự minh bạch cũng như giải trình trách nhiệm.

Tính đến nay, quyết định xây dựng những dự án thủy điện trên sông Mê kong chỉ do chính phủ của những nước thành viên thuộc Ủy Hội Sông Mê Kong trên cơ sở từng dự án một mà không hề xem xét đến tác động toàn lưu vực.

Tổ chức Các Dòng Sông Quốc Tế nêu rõ công tác tham vấn tất cả những đối tượng liên quan khi tiến hành dự án đập thủy điện là thiết yếu cho những cuộc đàm phán được thành công và đạt được giải pháp bảo tồn sự phong phú, đa dạng môi trường của lưu vực Sông Mê Kong trong khi vẫn hỗ trợ được cho sinh kế của cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế của các nước dọc sông Mê Kong.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mekong-leaders-urge-to-act-04052018084643.html

 

Máy bay Singapore phải quay đầu vì bị dọa bom

Hai chiến đấu cơ của không quân Singapore đã hộ tống một máy bay dân sự quay trở lại đảo quốc này sau khi một hành khách dọa có mang theo bom.

Hãng tin Reuters cho biết một chuyến bay của hàng không Singapore hôm 5/4 bị dọa đánh bom khi đang trên đường bay đến Thái Lan.

Theo nguồn tin này, 3 hành khách đã giúp cảnh sát lấy lời khai điều tra, nhưng một trong 3 người, một người đàn ông 41 tuổi, bị bắt giữ vì đã hù dọa sẽ cho nổ bom.

Tuy nhiên, theo tờ The Malay Mail Online, sau khi lục soát cabin và hành lý của người này và hai người đi cùng, cảnh sát không phát hiện điều gì khả nghi.

Hãng hàng không giá rẻ Scoot xác nhận chuyến bay đến thành phố Hat Yai, Thái Lan, đã trở về sân bay Changi của Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho hay hai máy bay quân sự F-15SG đã được điều động ngay sau khi nhận được thông tin từ phi công trên chuyến bay TR634.

Ông Ng nói:

“Các phi công của không lực Singapore luôn sẵn sàng trực chiến 24/7, mọi đe dọa đều được xem là thật cho đến khi được chứng minh ngược lại.”

https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-singapore-phai-quay-dau-vi-bi-doa-bom/4333892.html

 

Hai miền Triều Tiên họp bàn

chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh

Các giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc hôm thứ Năm 5/4 mở các cuộc thảo luận sơ khởi để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào cuối tháng này trong một nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những căng thẳng liên quan chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cuộc họp của các viên chức cấp cao ở làng biên giới Bàn Môn Điếm xoay quanh các vấn đề về an ninh, lễ tân và truyền thông nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được ấn định diễn ra vào ngày 27/4. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hai bên đã đồng ý không tiết lộ nội dung các cuộc gặp cho tới khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Một cuộc họp khác để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sẽ bàn các chi tiết như ông Kim sẽ tới Bàn Môn Điếm như thế nào. Báo chí dự báo việc lãnh tụ Triều Tiên bước qua ranh giới quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên sẽ là một hình ảnh đầy tính biểu tượng. Các giới chức hai bên cũng cần xác định ông Kim và ông Moon sẽ gặp nhau bao nhiêu lần trong ngày 27/4, và liệu các cuộc tiếp xúc đó sẽ được truyền hình trực tiếp hay không.

Sau cuộc họp cấp cao hồi tuần trước, hai bên đã thống nhất và ấn định thời gian cho cuộc họp thượng đỉnh. Các giới chức tại Seoul nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ tập trung vào nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng chưa xác nhận thông tin này trên truyền thông nhà nước.

Trong khi đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5.

Kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 cho đến nay, hai miền Triều Tiên chỉ tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-mien-trieu-tien-hop-ban-chuan-bi-cho-cuoc-gap-thuong-dinh/4333703.html

 

Nga tập trận trên Biển Baltic, Latvia báo động

Nga ngày 4/4/ bắt đầu thử phi đạn bằng các loạt đạn thật trên Biển Baltic, khiến Latvia báo động.

Latvia, một thành viên của NATO, nói cuộc diễn tập của Nga khiến Latvia đóng cửa một phần không phận thương mại ở Baltic.

Bộ Quốc phòng Nga đầu tuần này loan báo Hạm đội Baltic diễn tập định kỳ ở Biển Baltic bao gồm 5 cuộc thao dượt bắn đạn thật tập bắn trúng các mục tiêu trên không và trên biển.

Thủ tướng Latvia, Maris Kucinskis, nói với Reuters rằng đây là sự phô diễn sức mạnh và cho biết đã bày tỏ quan ngại với phía Nga vì sự kiện này diễn ra quá gần lãnh thổ Latvia.

Các cuộc diễn tập được thực hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Latvia, theo các giới chức.

Latvia đóng cửa một phần không phận trong 3 ngày Nga diễn tập. Thụy Điển cũng ra khuyến cáo cho tàu bè dân sự và thông báo các đường bay dân sự có thể bị gián đoạn hoặc trì hoãn.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho hay liên minh này sẽ theo dõi sát các cuộc tập trận của Nga và tăng cường khả năng sẵn sàng lực lượng đặc biệt trong vùng Baltic.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/nga-tap-tran-tren-bien-baltic-latvia-bao-dong-/4332881.html

 

Lãnh đạo NATO nói

liên minh không tìm cách cô lập Nga

NATO không nhắm mục tiêu cô lập Nga sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhắm vào một cựu điệp viên người Nga và con gái ông ta ở Anh hồi tháng trước, nhưng phải mạnh tay để cho thấy sự bất mãn của mình đối với Moscow, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 4/4.

Liên minh tuần trước đã trục xuất bảy nhà ngoại giao khỏi phái bộ Nga ở NATO và cắt giảm số lượng nhân viên tối đa của phái bộ từ 30 xuống còn 20 người, sau vụ tấn công mà phương Tây quy trách cho Moscow dù Điện Kremlin phủ nhận.

“Chúng tôi tiếp tục phấn đấu để có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga vì Nga là nước láng giềng của chúng tôi, Nga sẽ vẫn mãi ở đó. Chúng tôi không nhắm mục tiêu cô lập Nga,” ông Stoltenberg nói trong phần phát biểu tại Đại học Ottawa ở Canada.

Ông Stoltenberg nói NATO lo ngại về một nước Nga quyết đoán hơn mà ông nói là đã sát nhập Crimea, gây bất ổn ở miền đông Ukraine, hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

“Đó là lý do vì sao các đồng minh và đối tác NATO lại phản ứng như vậy sau vụ tấn công ở Salisbury. Bởi vì đó không phải là một sự kiện duy nhất,” ông nói. “Đó là một vụ tấn công đã diễn ra giữa bối cảnh là một kiểu hành vi từ Nga mà chúng ta đã chứng kiến từ nhiều năm qua.”

Hơn 100 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước phương Tây trục xuất để trừng phạt Điện Kremlin trong vụ tấn công ngày 4 tháng 3 tại Salisbury, Anh.

NATO đình chỉ mọi sự hợp tác quân sự và dân sự thực tiễn với Nga sau khi Nga sát nhập Crimea năm 2014.

Ông Stoltenberg sau đó đã hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Chính phủ của ông Trudeau đã trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga sau vụ tấn công Salisbury.

Ông Trudeau, phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội kiến, nói rằng Nga đang lan tỏa một “làn sóng can thiệp và tuyên truyền” chống lại khoảng 450 binh sĩ Canada đóng quân tại Latvia trong khuôn khổ sứ mệnh của NATO.

Ông Trudeau cũng cho biết Canada sẽ “tiếp tục cân nhắc tác động và tính hữu hiệu của các chế tài” và sẵn sàng thảo luận về những điều khác mà Canada có thể làm.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-nato-noi-lien-minh-khong-tim-canh-co-lap-nga/4332872.html

 

Quan chức Nga: Phương Tây

đang khơi mào Chiến tranh Lạnh mới

Các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu của Nga hôm thứ Tư đọc những bài diễn thuyết đả kích phương Tây, cáo buộc phương Tây khơi mào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong nỗ lực nhằm níu giữ ảnh hưởng đang suy yếu trong các vấn đề toàn cầu.

Moscow đã sử dụng một hội nghị an ninh hàng năm với sự tham dự của các quan chức quốc phòng hàng đầu từ các nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh để đả kích Mỹ và các đồng minh, cáo buộc họ gây nguy hại cho sự ổn định toàn cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO của Mỹ sử dụng “mối đe dọa không hiện hữu từ Nga để từng bước tăng cường tiềm lực quân sự của họ” và củng cố lực lượng của họ gần biên giới Nga.

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng chương trình phòng thủ phi đạn do Mỹ dẫn đầu đã trở thành “yếu tố gây bất ổn chính khơi mào cuộc đua vũ trang.”

Ông chỉ ra số lượng ngày càng nhiều các chuyến bay tình báo của NATO gần biên giới của Nga và tần suất tập trận quân sự ngày càng tăng của NATO, lưu ý rằng chúng mang “bản chất chống Nga rõ ràng.”

“Sự nguy hiểm của những vụ khiêu khích và những sự cố quân sự đã gia tăng đáng kể,” ông Shoigu nói.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014 và hậu thuẫn thành phần ly khai thân Nga ở đông Ukraine, cùng với những bất đồng về cuộc chiến ở Syria và các cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Shoigu nói rằng NATO đã lờ đi những nỗ lực của Moscow tiến hành đối thoại, nhấn mạnh “chúng tôi sẽ không gõ những cánh cửa đóng kín, nhưng sẽ không mặc kệ những nỗ lực gây áp lực lên chúng tôi.”

Ông cảnh báo Moscow sẽ đáp lại những hành động của NATO bằng cách tăng cường năng lực phòng thủ để “đảm bảo an ninh quân sự của Nga và các đồng minh của Nga.”

Căng thẳng Nga và phương Tây tiếp tục leo thang trong tháng này sau vụ một cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh, dẫn đến việc trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao của phương Tây và của Nga. Anh quy trách Nga về vụ hạ độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông, những cáo buộc mà Nga bác bỏ.

Sergei Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, nói tại hội nghị rằng vụ tấn công hai cha con Skripal là một “hành động khiêu khích hèn hạ do các cơ quan tình báo Anh và Mỹ dàn dựng.” Các quan chức Anh và Mỹ trước đây đã bác bỏ các cáo buộc tương tự của Nga.

“Washington ngày càng bị ám ảnh trong việc phải chống lại mối đe dọa không hiện hữu từ Nga, và cuộc chiến đó đã đạt tới quy mô lớn như vậy và mang những đặc thù ngớ ngẩn khiến chúng tôi không thể không nói tới sự trở lại của thời Chiến tranh Lạnh ảm đạm,” ông Naryshkin nói.

Ông nói rằng Mỹ và các đồng minh của Mỹ không thể thích ứng với những thay đổi toàn cầu, bao gồm vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc, Nga và các nước khác.

“Mỹ và một phần Châu Âu đã không thể chuẩn bị cho những thay đổi như vậy, họ không thể chấp nhận được sự suy yếu không thể tránh khỏi của tầm ảnh hưởng vốn từng sâu rộng của họ,” ông nói. “Bị bủa vây bởi nỗi sợ hãi về sự thay đổi, phương Tây sẵn sàng bao quanh mình bằng một Bức màn Sắt mới.”

https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-nga-phuong-tay-dang-khoi-mao-chien-tranh-lanh-moi/4332868.html

 

Vụ đầu độc cựu điệp viên: Anh nói

Nga đề xuất điều tra chung là ‘quá quắt’

Đề xuất của Nga muốn tham gia điều tra chung trong vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga tại Anh là “quá đáng”, theo phái đoàn Anh tại tổ chức theo dõi vũ khí hóa học toàn cầu cho biết hôm 4/4 trong một buổi họp khẩn theo yêu cầu của Moscow.

Moscow triệu tập cuộc họp ban điều hành cơ quan theo dõi vũ khí hoá học này để phản bác các cáo buộc của Anh cho rằng Moscow đứng đằng sau vụ đầu độc ông Sergei Skripal và con gái Yulia hôm 4/3 tại thành phố Salisbury của Anh bằng một chất độc thần kinh dùng trong quân đội.

Trong một tin nhắn trên Twitter, phái đoàn Anh nói đề xuất của Moscow là “quá quắt…, một chiến thuật nghi binh, và hơn nữa là một sự đánh lạc hướng để lảng tránh các câu hỏi mà các quan chức Nga cần phải trả lời.”

Liên minh châu Âu cũng gạt bỏ đề xuất này và các nhà ngoại giao nói nhiều khả năng nó sẽ không được thông qua vì yêu cầu phải có 2/3 tổng số thành viên ban điều hành của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) gồm 41 quốc gia thành viên.

Nga nói họ có sự ủng hộ của 14 quốc gia thành viên. “Chúng tôi tin rằng điều này là cần thiết để đảm bảo rằng vấn đề ngày được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý bằng việc sử dụng toàn bộ các khả năng của OPCW,” một đại diện của Nga tại tổ chức này, Aleksandr Shulgin, nói qua phần trích dẫn của hãng thông tấn Nga TASS tại buổi họp hôm 4/4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 3/4 rằng OPCW cần phải cho thấy rằng vụ việc này đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong các mối quan hệ giữa phương Tây và phương Đông kể từ Chiến tranh Lạnh với việc trục xuất trả đũa rất nhiều quan chức ngoại giao.

Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm vũ khí sinh học và hóa học Porton Down ở Anh đã đi đến kết luận rằng chất độc này nằm trong số những chất độc thần kinh được sử dụng trong thời Soviet có tên Novichok mặc dù chưa thể xác định được liệu nó có được sản xuất ở Nga hay không.

Moscow phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào tới vụ tấn công và cáo buộc Anh khuấy động thêm chứng cuồng loạn chống Nga ở phương Tây.

OPCW, một tổ chức theo dõi việc thi hành Công ước Vũ khí Hóa học 1997, đã lấy các mẫu tại hiện trường vụ tấn công ở Salisbury và dự kiến sẽ đưa ra kết quả từ 2 phòng thử nghiệm được chỉ định vào tuần tới.

Shulgin, người đại diện cho Nga tại tổ chức này, trước đây cho biết nếu Moscow bị ngăn không được tham dự vào việc thí nghiệm các mẫu chất độc từ Salisbury, thì họ sẽ phủ nhận kết quả thử nghiệm của OPCW.

Các nhà ngoại giao nói đề xuất của Nga yêu cầu một cuộc điều tra thứ 2 sẽ không nhận được thông qua từ hội đồng điều hành của OPCW gồm những thành viên được bầu từ 192 quốc gia thành viên của OPCW trong đó bao gồm các cường quốc như Nga, Anh và Mỹ.

Hội đồng này bắt đầu họp kín vào lúc 9 giờ GMT.

Yêu cầu của Nga nhằm mở một cuộc điều tra chung và song song giữa Nga và Anh được các cường quốc phương Tây xem như là một nỗ lực nhằm làm suy yếu cuộc điều tra đang diễn ra của các chuyên gia kỹ thuật của OPCW.

Liên minh châu Âu nói họ rất quan ngại khi Moscow dự định bác bỏ những kết quả thí nghiệm của OPCW.

“Liên bang Nga cần khẩn cấp trả lời những câu hỏi pháp lý của chính phủ Anh, bắt đầu hợp tác với Ban thư ký của OPCW và cung cấp thông tin đầy đủ cho OPCW về bất kỳ chương trình nào có liên quan đến vụ việc này,” theo một thông cáo của EU được đọc tại phiên họp của hội đồng.

Thông cáo này cho biết, thay vì hợp tác với OPCW, Nga lại tung ra “một loạt các lời bóng gió nhắm vào các quốc gia thành viên của EU. Điều này là không thể chấp nhận được.”

Bệnh tình của cựu điệp viên bị đầu độc Skripal hiện vẫn nguy kịch nhưng trong tình trạng ổn định trong khi con gái ông đã cho thấy những dấu hiệu tiến triển hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-dau-doc-cuu-diep-vien-anh-noi-nga-de-xuat-dieu-tra-chung-la-qua-quat/4332537.html

 

WTO có sống nổi với chính quyền Trump ?

Trọng Thành

Chủ trương của Washington tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng thép, nhôm tháng 3/2018, đe dọa tăng thuế với hàng chục tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, rồi các đe dọa trả đũa qua lại, khiến thế giới lo ngại chiến tranh thương mại toàn cầu bùng nổ. Đe dọa trả đũa thương mại bất chấp Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) của tổng thống Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi : Liệu định chế quốc tế được coi là nền tảng của « mậu dịch tự do » toàn cầu có tồn tại nổi trước các tấn công từ phía chính quyền Donald Trump ?

1 – TT Trump có thể phá hủy tổ chức OMC như thế nào ?

Ngay từ khi tranh cử tổng thống Mỹ hồi 2016, Donald Trump đã rầm rộ tuyên bố chống lại « mậu dịch tự do », đề cao « chủ nghĩa bảo hộ » và khẳng định nước Mỹ trên hết. Từ khi vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ liên tục lên án WTO, tổ chức quốc tế với 164 thành viên, bất chấp các kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia khác. Donald Trump chủ trương thay thế cơ chế mậu dịch đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương, mà Washington muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Trả lời Le Figaro, chuyên gia kinh tế Pháp Jean-Marc Siroen nhận định Hoa Kỳ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác để họ cũng phải làm tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này, cho dù có bị WTO trừng phạt. Lý do để ra khỏi WTO, mà Mỹ có thể nêu ra, là tổ chức này bất lực trong việc giúp Mỹ bảo vệ được quyền lợi của mình.

Để nói về uy lực của Mỹ với WTO, chuyên gia kinh tế Pháp dùng hình ảnh ví von « Trump có khả năng đưa Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào tình trạng chết não ».

Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Washington viện dẫn đến điều khoản về « an ninh quốc gia », để biện minh cho việc đưa ra các sắc thuế mới. Tổng thống Mỹ dựa vào một điều khoản rất hiếm khi được chính quyền Hoa Kỳ sử dụng. Đó là điều 232 trong bộ luật về thương mại Trade Expansion Act năm 1962.

WTO cũng có điều khoản tương tự. Điều 21 trong thỏa thuận GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch), vẫn có hiệu lực với WTO, quy định là không quốc gia nào có thể bị ngăn cản đưa ra các quyết định « cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chủ yếu ».

Nhiều chuyên gia gọi đây là « chiếc hộp Pandore » – sự tích trong thần thoại Hy Lạp nói về một chiếc hộp bí hiểm, một khi đã mở ra thì tai họa tràn ngập, không có cách vãn hồi. Cho đến nay, chưa bao giờ cơ quan trọng tài của WTO ra phán quyết về một vụ kiện tụng liên quan đến điều 21, được ví với chiếc hộp Pandore này. Nỗi lo sợ của nhiều quốc gia là, một khi quan điểm « an ninh quốc gia » của tổng thống Mỹ được chấp nhận, thì đây là cú hích đầu tiên đẩy các quốc gia đi vào con đường chạy đua mỗi người vì mình, với hệ quả là đủ loại sắc thuế mới mọc lên, làm tan vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay.

Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden, viện tư vấn Mỹ Council on Foreign Relations, ngày nào Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm, ngày đó là ngày báo tử của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì định chế này ắt hẳn cũng chỉ còn là một chiếc vỏ không hồn.

2 – Việc chính quyền Trump vừa tấn công WTO, lại vừa đưa các tranh chấp ra WTO phân xử, có mâu thuẫn không ?

Trong hiện tại, tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành nhiều mũi tấn công nhắm vào WTO. Một mặt, đe dọa sử dụng điều khoản « an ninh quốc gia » như đã nói trên, hành động có thể khiến WTO tan vỡ, nhưng mặt khác cũng sử dụng kênh truyền thống là đưa các quốc gia đối thủ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Body/Organe de règlements des différends), với các khiếu nại, được coi là không thách thức sự tồn tại của định chế quốc tế này.

Cụ thể là ngày 23/03, Washington quyết định khởi sự thủ tục kiện Trung Quốc lên WTO, với lý do Bắc Kinh « xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ ». Washington tố cáo Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài, làm ăn tại Trung Quốc, buộc phải chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.

Việc chính quyền Mỹ vừa tấn công vào tính hợp pháp của WTO, lại vừa nhờ cậy đến WTO trong các tranh chấp không mâu thuẫn, cho dù hiện nay rất khó nhìn ra  « tính nhất quán » trong chính sách của Mỹ, như nhận định của ông Peter Ungphakorn, cựu phát ngôn viên của WTO, người từng làm việc tại định chế này trong hai thập niên. Cựu chuyên gia WTO khẳng định chính quyền Trump « đang sử dụng bất cứ vũ khí nào cho phép họ giành thắng lợi », Washington rất có thể, một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ WTO, nhưng mặt khác sẵn sàng lờ đi các quy tắc của WTO, nếu cần. Nói một cách khác Trump vừa chống, vừa sử dụng WTO.

Vấn đề là, việc Mỹ quyết định đưa tranh chấp ra cơ quan phán xử của WTO diễn ra đúng vào lúc cơ quan này đang đứng trước viễn cảnh tê liệt hoàn toàn, do chủ trương của Mỹ.

Để hoạt động phán xử được tiến hành đúng thủ tục, cần tối thiểu 4 thẩm phán. Hiện tại, trong số 7 thẩm phán, chỉ còn đúng 4 người đang làm việc. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2018, sẽ có thêm một thẩm phán mãn nhiệm. Từ nhiều tháng nay, Washington đã cố tình ngăn cản việc bổ nhiệm ba ghế thẩm phán bị thiếu. Nguyên tắc đồng thuận buộc việc bổ nhiệm một thẩm phán phải được sự chấp thuận của toàn bộ 164 thành viên WTO.

3 – Trump ngăn cản « cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp » của WTO. Cơ chế này có ý nghĩa gì với WTO ?

Cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp được coi là linh hồn của WTO. Theo tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, « nếu cơ chế này bị xâm phạm, thì toàn bộ hệ thống sẽ bị đe dọa » (Financial Times, 1/10/2017).

Kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay, với cơ chế trọng tài nói trên, định chế thương mại quốc tế đa phương WTO đã xử lý hơn 500 vụ kiện tụng giữa các quốc gia thành viên. Hoa Kỳ đã kiện lên WTO hơn 100 lần và đã giành thắng lợi khoảng « 90% ». Ngược lại, Washington cũng đã thua kiện trong 75% trường hợp đơn kiện chống lại Mỹ (Le Figaro).

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cho phép các quốc gia giải quyết một cách hòa bình các mâu thuẫn, tránh không rơi vào các chiến tranh thương mại huynh đệ tương tàn.

4 – Vậy Hoa Kỳ được lợi gì khi tấn công vào cơ chế trụ cột này của WTO ? Về WTO, chính quyền Trump thực sự muốn gì ?

Theo một số nhà quan sát, ẩn đằng sau các lời đe dọa chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump, chống lại WTO, là nỗ lực của Washington nhằm « cải tổ » WTO để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ. Cuối tháng 3/2018, Washington bổ nhiệm đại diện mới tại WTO, sau một thời gian dài ghế này bị bỏ trống : Luật sư Robert Lighthizer, 69 tuổi, người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, giống như bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro.

Theo nhiều nhà quan sát, bên ngoài các cải tổ mang tính kỹ thuật mà Washington đề xuất, cái đích chính mà chính quyền của Donald Trump nhắm đến là Trung Quốc. Trong báo cáo về chính sách thương mại thường niên của Hoa Kỳ năm 2018, được công bố hồi tháng 3,Trung Quốc bị lên án « cho dù là thành viên WTO từ hơn 16 năm nay, nhưng vẫn chưa áp dụng hệ thống kinh tế thị trường mà tất cả các thành viên WTO mong đợi. Và trên thực tế, Trung Quốc ngày càng xa rời với các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây ».

Theo chính quyền Mỹ, chừng nào Trung Quốc vẫn cứ tự phát triển theo cách riêng của họ, thì chừng ấy Washington phải có nghĩa vụ tự vệ để bảo vệ lợi ích của mình. WTO trong thời gian tới, như vậy, rất có thể sẽ trở thành một sàn đấu chính của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180405-wto-co-song-noi-voi-chinh-quyen-trump

 

Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran hợp tác

vì “hưu chiến bền vững” tại Syria

Minh Anh

Trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày hôm qua, 04/04/2018, tại Ankara, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã tái khẳng định quyết tâm tích cực hợp tác trong hồ sơ Syria nhằm đạt được hưu chiến bền vững giữa các bên tham chiến.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Alexandre Billette tổng kết cuộc gặp thượng đỉnh ba bên này :

« Nguyên thủ ba nước nhấn mạnh đến những điểm mà họ đạt được đồng thuận. Cuộc thượng đỉnh ngắn hơn dự kiến, chỉ kéo dài có 1 giờ 40 phút. Bộ ba Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, nói đến việc triển khai viện trợ nhân đạo, theo đề nghị của Ankara, cho vùng Ghouta, với sự hỗ trợ của Nga.

Bản thông cáo cuối cùng nhấn mạnh đến quyết tâm đạt được hưu chiến bền vững ở Syria, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria, và chống các lực lượng ly khai, chống khủng bố.

Điểm cuối cùng trong tuyên bố nói trên có thể nói là một cử chỉ thiện chí đối với Recep Erdogan. Về hồ sơ này, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa, khẳng định và nhấn mạnh, trong cuộc họp báo, là Ankara sẽ tiếp tục các chiến dịch quân sự tại Syria, dọc theo đường biên giới chung, cho đến khi đánh đuổi đến kẻ khủng bố cuối cùng.

Tổng thống Erdogan cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến đánh đến tận Manbij, nơi hiện nay có lực lượng dân quân Kurdistan, với sự hỗ trợ của các đơn vị Mỹ và Pháp ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180405-tho-nhi-ky-nga-va-iran-hop-tac-vi-huu-chien-ben-vung-tai-syria

 

Mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ

Thụy My

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, bắt đầu có những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Mỹ, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc từ hôm qua 04/04/2018 đã dấn thêm một bước, qua việc tuyên bố đánh thuế hải quan lẫn nhau trên nhiều mặt hàng có tổng trị giá lên đến 100 tỉ đô la.

Chỉ 11 tiếng đồng hồ sau khi Hoa Kỳ loan báo đánh thuế hải quan trên 1.300 mặt hàng Trung Quốc, Bắc Kinh đã trả đũa mạnh mẽ qua việc áp thuế 25% trên 106 chủng loại hàng của Mỹ.

Hiện nay tuy chưa có chiến dịch « bài Mỹ » chính thức nào được tung ra, nhưng trên các mạng xã hội Trung Quốc, đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Mỹ. Biện pháp này đã từng được tiến hành một cách hiệu quả đối với Hàn Quốc, một khi người tiêu dùng bị kích thích bởi chủ nghĩa dân tộc.

Chẳng hạn trên mạng Vi Bác, có người đã đăng tin : « Công dân Trung Quốc phải đoàn kết lại và tẩy chay hàng Mỹ. Cuộc chiến tranh hiện đại được nhân dân tiến hành ». Một số người khác cho biết sẽ không mua  mua cả hàng Mỹ lẫn sản phẩm của Hàn Quốc.

Về phía báo chí nhà nước, một bài xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định : « Nếu chống lại hàng Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ không tìm được nguồn thay thế. Nhưng nếu chúng ta tẩy chay hàng Mỹ, các sản phẩm nội địa có thể dễ dàng lấp được khoảng trống ».

Hôm qua, tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: « Chúng tôi không tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Cuộc chiến này đã thất bại từ nhiều năm qua, do những kẻ ngu xuẩn hoặc bất tài đã đại diện cho nước Mỹ ».

Năm ngoái, tập đoàn Hàn Quốc Lotte Group đã trở thành nạn nhân của Bắc Kinh, do chấp nhận dành một khu đất ở ngoại ô Seoul để bố trí hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ. Nhiều cửa hàng của Lotte bị đóng, nhiều cuộc biểu tình diễn ra và vô số lời kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay. Ước tính chiến dịch tẩy chay do Trung Quốc phát động đã khiến tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bị giảm 0,4% trong năm 2017.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180405-mang-xa-hoi-trung-quoc-keu-goi-tay-chay-hang-my