Kiến Trúc Sư Ánh Nguyễn thuộc nhóm KTS đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác không gian
Từ trái, cô Ánh Nguyễn trong ngày nhận giải thưởng. (Hình: Ánh Nguyễn cung cấp)
RIVERSIDE, California (NV) – Nhóm IDAS, Inc., có nữ kiến trúc sư Ánh Nguyễn là thành viên, vừa đoạt giải nhất Joan B. Calambokidis Innovation trong cuộc thi sáng tạo do công ty International Mansonry Institute tổ chức có chủ đề “thuộc địa hóa các hành tinh không gian” (space colonization).
Cuộc thi quốc tế này nhằm khuyến khích sáng tạo gạch xây dựng, một đơn vị nhỏ nhất trong bất cứ công trình nào.
Cô Ánh giải thích: “Có ba giải nhất, một giải cho sinh viên, một giải cho kiến trúc sư trẻ (dưới 40 tuổi) và một giải cho nhóm kỹ sư hay kiến trúc sư. Chúng tôi thuộc giải thứ ba.”
“Chúng tôi vô cùng vinh dự được nhận phần thưởng này. Đối với kiến trúc sư, giải thưởng này rất quan trọng,” cô nói thêm.
Trong bản vẽ dự thi, nhóm IDAS, Inc. của cô Ánh đệ trình sáng tác về một trạm nạp năng lượng mặt trời cho các loại xe không gian. Trạm nạp năng lượng này được xây bằng những viên gạch lục giác do nhóm đề nghị trong bài dự thi.
Cô Ánh rất vui vì được nhận giải nhất có nghĩa là ý tưởng của nhóm cô sẽ được nhiều người biết đến và những khái niệm cấp tiến và đầy sáng tạo sẽ gần thực tế hơn.
Với ý tưởng độc đáo là dùng những viên gạch hình lục giác rỗng làm bằng vật liệu ngay tại hành tinh làm đơn vị xây cất, nhóm IDAS, Inc. của cô Ánh đã làm cho việc xây dựng các công trình kiến trúc hạ tầng cơ sở tại các hành tinh trở thành khả dĩ.
Sơ đồ trạm năng lượng không gian của nhóm IDAS, Inc.. (Hình: Ánh Nguyễn cung cấp)
“Những viên gạch lục giác này có gờ để dễ dàng ăn khớp vào nhau, nhanh chóng tạo thành bức tường hay nền nhà,” cô Ánh nói với phóng viên Người Việt. “Chúng tôi nghĩ tận dụng nguyên liệu xây cất ngay tại chỗ sẽ giảm thiểu rất nhiều thời giờ và tiền bạc so với vận chuyển vật liệu xây dựng từ trái đất.”
Ngoài ra, khái niệm của nhóm IDAS, Inc. là, để mau chóng trong việc xây dựng, người ta chỉ cần gắn những viên gạch này với nhau bằng dụng cụ tối thiểu, cần đến đâu thì gắn đến đấy. “Và nếu làm bằng đất cát địa phương thì những viên gạch này sẽ có sức chịu đựng khí hậu ở đó nên chắc chắn sẽ có độ bền tốt hơn,” cô suy luận.
Sau khi NASA ngưng chương trình “Space Shuttle Program” năm 2011 và năm 2012, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đảm nhận việc chuyển vận hàng hóa, nguyên liệu cũng như lương thực cho các phi thuyền trong không gian, việc loài người sống tại các hành tinh khác trong tương lai trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
Sự kiện này khiến các khoa học gia, kỹ sư và kiến trúc sư đầu tư rất nhiều suy nghĩ và nghiên cứu vào việc xây dựng trên hành tinh.
Đây cũng là sự thôi thúc để nhóm IDAS, Inc. tham dự cuộc thi về những sáng tạo trong việc xây dựng cơ sở trên hành tinh không gian.
Cô Ánh cho biết cô chọn ngành kiến trúc vì một kiến trúc sư phải có kiến thức trong nhiều lãnh vực và dù cô đã gặp nhiều trở ngại khi chọn ngành này, cô chưa bao giờ muốn tìm ngành nghề khác.
“Tôi rất hãnh diện được là một kiến trúc sư. Công việc tôi làm có ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người khác,” cô nói.
Sang Mỹ từ khi còn trẻ, cô mong mỏi tìm được sự quân bình trong con người mình. Cô chia sẻ: “Trong đời sống hàng ngày, tôi là người Mỹ vì tôi suy nghĩ và nằm mơ bằng tiếng Anh.”
Tuy nhiên, trong thâm tâm cô, cái phần Việt Nam luôn luôn còn đó. “Tôi biết chắc rằng tôi vẫn là người Việt Nam. Tôi nói chút ít tiếng Việt và tôi thích thức ăn Việt Nam,” cô cười.
Là người thích đương đầu với thử thách, cô Ánh không ngừng tâm niệm là mình phải cố vượt qua sự máy móc trong công việc để khái niệm và bản vẽ của cô luôn bao gồm tính nghệ thuật, bền vững và thiết thực.
Cô nói: “Nếu không đặt trọn tâm hồn vào công việc thì kiến trúc chỉ như là ngành thủ công thôi.”
Nói về ước mơ trong công việc, cô bộc lộ: “Tôi muốn có tự do sáng tạo và chủ quyền để có thể thực hiện những công trình lâu bền và hữu dụng.”