Tin khắp nơi – 04/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 04/04/2018

Nga: Cơ quan giám sát vũ khí hóa học vào cuộc

Tổ chức giám sát vũ khí hóa học của thế giới sẽ nhóm họp tại Hague để thảo luận về vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga và con gái ông ta tại Anh.

Cuộc họp khẩn cấp do Nga đề xuất sau khi nước này phủ nhận đứng sau vụ đầu độc. Nga cũng muốn Anh chia sẻ bằng chứng.

Là một thành viên của Tổ chức Ngăn ngừa Vũ khí Hóa học (OPCW), Nga có quyền yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp như vậy.

Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ

Nato trục xuất bảy nhà ngoại giao Nga

Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?

Mục đích cuộc họp

Nga muốn biết Anh đã cung cấp chứng cứ nào cho OPCW, nhân viên điều tra nào đã tới khảo sát tại địa điểm vụ tấn công ở Salisbury, họ đã gặp ai và các mẫu đang được phân tích ở đâu.

Phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng mặc dù Moscow mong muốn khép lại sự việc, nhưng Nga vẫn đóng một vai trò trong việc điều tra vụ tấn công.

Tuy nhiên, Văn phòng Ngoại giao Anh gọi cuộc họp là “chiến thuật dàn trận, nhằm làm suy yếu việc OPCW đạt được một kết luận”.

Phát ngôn viên Văn phòng Ngoại giao Anh cho biết: “Không có quy định nào trong các thỏa ước vũ khí hóa học yêu cầu nạn nhân một vụ tấn công vũ khí hóa học tham gia vào một cuộc điều tra chung với người có thể là thủ phạm”.

Kho vũ khí Liên Xô cũ có thể bị kiểm tra

OPCW trông đợi sẽ nhận được kết quả kiểm tra từ các phòng thí nghiệm độc lập trong tuần tới.

Những kết quả này có thể không đủ nặng để buộc tội Nga, nhưng có thể buộc Kremlin cho phép các điều tra viên của OPCW tiếp cận các cơ sở sản xuất của Liên Xô cũ để kiểm tra tất cả các kho vũ khí hóa học đã bị phá hủy.

Rạn nứt ngoại giao

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga đã gây ra rạn nứt ngoại giao sâu sắc.

Chính phủ Anh nói ‘giải thích hợp lý duy nhất’ là Nga chịu trách nhiệm.

Hôm thứ Ba 3/4, phòng thí nghiệm Porton Down của Anh Quốc cho biết không thể xác minh nguồn gốc chính xác của các chất độc thần kinh được sử dụng đầu độc ông Sergei Skripal và Yulia, con gái ông.

Phòng thí nghiệm này trước đây xác định đó là chất độc thần Novichok được sử dụng trong quân đội, rằng nó có thể do chính phủ triển khai trong vụ đầu độc, nhưng nói rằng họ không có chức năng phát ngôn về nơi chất độc này được sản xuất.

Giám đốc điều hành Porton Down Gary, Aitkenhead, bác bỏ khẳng định của Nga rằng chất độc này có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm quân sự tại Anh.

Anh Quốc cho hay thông tin tình báo củng cố niềm tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43637555

 

TQ ‘sẽ áp thuế quan 25% với một số sản phẩm Mỹ’

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ càng trở nên quyết liệt sau khi Bắc Kinh đáp trả các kế hoạch trừng phạt của Washington.

Trung Quốc nói sẽ áp thuế quan 25% đối với 106 mặt hàng của Mỹ, trong đó có đậu tương, xe hơi và nước cam.

Hành động ăn miếng trả miếng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Washington nêu chi tiết 1.300 sản phẩm Trung Quốc dự kiến sẽ bị áp mức thuế mới, cũng ở mức 25%.

TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ

Trung Quốc làm gì nếu có cuộc chiến thương mại với Mỹ?TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’

Nhà Trắng nói việc áp thêm thuế nhập khẩu là nhằm đáp trả cách hành xử không công bằng của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ.

Danh sách dài của những sản phẩm phải đóng thêm thuế gồm đủ loại mặt hàng trong đó sản phẩm y tế, ti vi và xe máy.

Bắc Kinh nói họ “mạnh mẽ lên án và kiên quyết chống lại” thuế nhập khẩu này.

“Hành động đơn phương và bảo hộ này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc và giá trị cơ bản của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới),” Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

Bắc Kinh nói hành động của Mỹ không vì lợi ích của hai nước và “thậm chí còn phục vụ ít hơn nữa cho nền kinh tế toàn cầu”.

“Theo cách nói của người Trung Quốc, chúng tôi phải lịch sự đáp trả,” tuyên bố này nói thêm.

“Phía Trung Quốc sẽ sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và áp dụng các biện pháp quy mô và có sức mạnh tương đương với các sản phẩm của Hoa Kỳ theo luật pháp Trung Quốc.”

Sợ chiến tranh thương mại

Giới phân tích kinh tế trước đây đã cảnh báo là hành động tấn công Trung Quốc của chính quyền Trump bằng thuế nhập cảng có thể khiến Bắc Kinh phải trả đũa, dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ phải chi trả cao hơn cho các mặt hàng từ Trung Quốc.

Việc công bố danh sách 1.300 sản phẩm này xuất hiện sau khi Trung Quốc áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa với thuế thép và nhôm mà Mỹ đã áp đặt lên Trung Quốc.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nơi điều hành các cuộc đàm phán thương mại, cho biết số tiền này “phù hợp với ước tính độ tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, và mong xóa bỏ các hành động, chính sách và thông lệ có hại của Trung Quốc”.

Một danh sách hàng hóa cuối cùng sẽ được xác định sau một thời gian nhận xét và đánh giá của công chúng, dự kiến kéo dài khoảng hai tháng.

Kế hoạch đánh thêm thuế nhập cảng là kết quả của cuộc điều tra mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh xúc tiến năm ngoái về thói quen ‘đánh cắp sở hữu trí tuệ’ của Trung Quốc.

Tháng trước, ông Trump cho biết cuộc điều tra cho thấy có bằng chứng về vấn đề này, chẳng hạn như các biện pháp gây áp lực để buộc các công ty Hoa Kỳ phải chia sẻ công nghệ với các công ty Trung Quốc.

Mong có một giải pháp

Khi tuyên bố ý định trả đũa Mỹ hôm thứ Tư, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho biết họ hy vọng rằng Mỹ “với tầm nhìn dài hạn và ý thức, sẽ không đi theo con đường sai lầm”.

Các nhóm kinh doanh của Hoa Kỳ cũng kêu gọi hai bên cố gắng giải quyết vấn đề qua đàm phán, thể hiện mối quan tâm rằng đe dọa thuế quan có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ nói: “Chính quyền đang tập trung rất đúng vào việc khôi phục lại sự công bằng và hợp lý trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, áp thuế đối với các sản phẩm hàng ngày của người tiêu dùng Mỹ và người tạo ra công ăn việc làm không phải là cách để đạt những mục tiêu đó.”

Theo các nhà phân tích của S&P Global Ratings, kinh tế Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu trong những năm gần đây, điều này có thể làm giảm tác động của thuế quan.

Họ nói Mỹ là điểm đến của chỉ khoảng 15% hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43637543

 

Ông chủ Facebook điều trần trước ủy ban Hạ viện

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg sẽ điều trần trước Ủy ban Thương mại thuộc Hạ viện Hoa Kỳ về việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu người dùng của công ty.

Facebook đã vấp phải những lời chỉ trích sau khi có tin công ty này đã biết từ nhiều năm nay rằng Cambridge Analytica thu thập dữ liệu từ khoảng 50 triệu người dùng Facebook và đã dùng các dữ liệu này để gay ẩnh hưởng tới kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

Zuckerberg ‘rất tiếc’ vụ bảo mật dữ liệu

Zuckerberg bác bỏ ý kiến của Trump

Ông chủ Facebook muốn con gái tự do vui chơi

Zuckerberg ra kế hoạch chống tin giả

Mark sẽ điều trần trước Ủy ban vào hôm thứ Tư, 11/4.

Chủ tịch Ủy ban Greg Walden và Frank Pallone, Jr, thành viên Ủy ban hoan nghênh quyết định này của ông Zuckerberg.

“Cuộc điều trần sẽ là cơ hội quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng và giúp người Mỹ hiểu rõ hơn những gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng”, hai ông cho biết.

Cambridge Analytica là một công ty tư vấn chính trị đã hoạt động trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Hãng được tài trợ một phần bởi một ủng hộ viên của ông Trump, tỷ phú tài phiệt Robert Mercer, đã sử dụng biện pháp so sánh dữ liệu người tiêu dùng với thông tin cử tri.

‘Phá vỡ lòng tin’

Facebook, với hơn 2 tỷ người dùng, là một trong những kênh chính để các chính trị gia kết nối với cử tri. Người ta đang trông chờ mạng xã hội này sẽ khôi phục được hình ảnh và lấy lại lòng tin của người dùng.

Tháng trước, Facebook nói rằng họ đã thuê kiểm toán viên điều tra xem liệu Cambridge Analytica vẫn đang nắm giữ dữ liệu người dùng hay không.

VN không hài lòng vì Facebook thiếu hợp tác

Facebook có ‘gỡ tài khoản theo yêu cầu VN’?

Facebook sẽ khảo sát để tăng nguồn tin ‘đáng tin cậy’

Chia sẻ Facebook tiết lộ gì về bạn?

Ông Zuckerberg xin lỗi vì đã “phá vỡ lòng tin”. Lời xin lỗi của ông đã được đăng toàn trang trên các tờ báo của Anh và Mỹ hôm Chủ nhật 1/4.

Ông nói việc có thêm các quy định là điều tốt.

Ủy ban Thương mại và Tư pháp của Thượng viện Hoa Kỳ cũng yêu cầu ông Zuckerberg ra điều trần.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang điều tra liệu Facebook có dính líu vào các hoạt động không công bằng gây ra thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng hay không.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43640507

 

Mỹ: Xả súng chết người tại trụ sở YouTube

Một phụ nữ bắn bị thương ba người trước khi tự sát tại trụ sở chính của YouTube ở California.

Một nam giới 36 tuổi trong tình trạng nguy kịch tại hiện trường được cho là bạn trai của người phụ nữ bị tình nghi xả súng, theo đài CBS. Hai nữ nạn nhân còn lại 32 và 27 tuổi.

Cảnh sát vẫn chưa xác định được nghi can, người trang bị súng ngắn, và động cơ tấn công.

Mỹ: Xả súng ở trường trung học, 17 người chết

Kẻ xả súng ở Las Vegas là ‘tay cờ bạc’

Xả súng ở Mỹ: Tay súng đặt camera trong khách sạn

Xả súng ở Las Vegas: Phụ nữ gốc Việt thiệt mạng

Nghi phạm đến gần một khu ngoài ăn uống ngoài trời vào lúc gần giờ ăn trưa và nổ súng, đài NBC tường thuật.

Cảnh sát trưởng tại San Bruno, ông Ed Barberini cho biết các nhân viên đến văn phòng và chứng kiến cảnh ‘náo loạn’ với nhiều người bỏ chạy vào khoảng 12:48 (19:48 GMT) giờ địa phương.

Hình ảnh phát trên các đài truyền hình địa phương cho thấy nhân viên rời văn phòng với hai tay giơ cao. Các cảnh quay khác cho thấy nhiều người xếp hàng đợi trước khi cảnh sát khám xét từng người.

Một người bị thương được phát hiện trước trụ sở công ty. Vài phút sau cảnh sát tìm thấy một người phụ nữ có vẻ đã tự sát bằng súng.

Hai nạn nhân khác được phát hiện tại khu vực gần văn phòng.

Một nhân viên tại một nhà hàng ăn nhanh gần đó nói với đài Fox KTVU rằng ông đã băng bó cho một phụ nữ trẻ bị đạn bắn vào chân.

Ba người bị thương được đưa tới bệnh viện đa khoa Zuckerberg San Francisco.

Tình trạng của người phụ nữ 32 tuổi được cho là rất nghiêm trọng trong khi người 27 tuổi tương đối ổn định.

Khoảng 1.700 người làm việc tại trụ sở chính của YouTube. Công ty này thuộc sở hữu của Google và là trụ sở Youtube lớn nhất trong khu vực.

Những vụ xả súng như vậy chủ yếu do nam giới thực hiện – một báo cáo của FBI cho thấy trong số 160 vụ việc trong giai đoạn 2000-2013 chỉ có 6 vụ do nữ thực hiện.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43637554

 

Moscow dọa trừng phạt Riga do ‘chỉ dạy chữ Latvia’

Các dân biểu Nga kêu gọi chính phủ áp lệnh trừng phạt kinh tế lên Latvia, nơi tiếng Latvia sẽ trở thành ngôn ngữ bắt buộc trong tất cả các trường trung học.

Việc cải cách ngôn ngữ đang được tiến hành theo từng giai đoạn; đến tháng 09/2021, tất cả thiếu niên tuổi từ 16 đến 18 sẽ chỉ được dạy học bằng tiếng Latvia.

Hơn một phần tư trong số 2,2 triệu người Latvia là người sắc tộc Nga, phần lớn được dạy bằng tiếng Nga. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức duy nhất ở nước này là tiếng Latvia.

Lithuania ‘cảnh báo nguy cơ Nga tấn công’

Trump kêu gọi Nga ngừng “làm mất ổn định” Ukraine

Hoa Kỳ ‘có thể cấp vũ khí’ cho Ukraine

Nga từ lâu cáo buộc Latvia, thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), là làm suy yếu quyền của những người thiểu số.

Căng thẳng giữa hai nước đã âm ỉ từ nhiều năm, một phần do Latvia và các nước láng giềng Baltic là Estonia và Lithuania là thành viên của Nato.

Trong thời Chiến tranh Lạnh những nước này nằm chung dưới chế độ Cộng Sản do Moscow lãnh đạo.

Việc thúc đẩy tiếng Latvia thành ngôn ngữ duy nhất trong giáo dục trung học sẽ bắt đầu vào năm sau.

Giảng dạy song ngữ hoặc bằng tiếng Nga sẽ tiếp tục áp dụng cho trẻ dưới 16 tuổi có tiếng mẹ đẻ là tiếng Nga.

Theo số liệu năm 2016 của chính phủ Latvia, 811 trường học ở nước này được nhà nước tài trợ, trong đó có 94 trường giảng dạy bằng tiếng Nga hoặc song ngữ.

Tổng thống Latvia Raimonds Vejonis nói rằng cải cách ngôn ngữ sẽ thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả công dân. Ông nói, “nó sẽ làm cho xã hội gắn kết hơn và nhà nước mạnh hơn.”

Đáp lại, nghị quyết của Hạ viện Nga gọi đó là sự vi phạm các quyền được quốc tế công nhận.

Các dân biểu, phần lớn là những người ủng hộ Tổng thống Valadimir Putin, cho biết các lệnh trừng phạt lên Latvia có thể bao gồm hạn chế thương mại và hoạt động tài chính, tẩy chay hàng hóa và các biện pháp nhắm vào các chính trị gia Latvia.

Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm và đồ uống từ các nước EU để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến sự can thiệp của Nga vào Ukraine.

Nga sản xuất hỏa tiễn ‘Quỷ Sa Tăng 2’

Veishnoria là nước nào mà ‘bị Nga đánh’?

Nato ‘không muốn Chiến tranh Lạnh mới’

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga gọi việc cải cách tiếng Latvia là “ghê tởm” và là “một phần của chính sách đồng hóa mạnh mẽ mang tính phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga đã được tiến hành trong 25 năm qua”.

Chính phủ Latvia nói những người dân tộc thiểu số vẫn có thể học văn hóa của họ và học bằng tiếng mẹ đẻ ở bậc tiểu học.

Nhóm sắc tộc thiểu số người Nga đông hơn nhiều so với các sắc tộc khác ở Latvia như người Ba Lan.

Khoảng 300.000 người nói tiếng Nga, chiếm 13% dân số Latvia, được gọi là “những người không phải là công dân”. Việc nói lưu loát tiếng Latvia là một trong các yêu cầu để có quốc tịch Latvia.

Năm 2014, ở Ukraine, những người nói tiếng Nga lo sợ rằng quyền ngôn ngữ của họ có nguy cơ gây ra xung đột sắc tộc, khi mà Nga sáp nhập Crimea và giúp các phần tử nổi dậy trong khu vực Donbass.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43627336

 

WaPo: Mueller tháng trước nói

Trump không là mục tiêu hình sự ‘vào lúc này’

Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller nói với các luật sư của Tổng thống Donald Trump hồi tháng trước rằng ông vẫn tiếp tục điều tra tổng thống nhưng không xem ông Trump là một mục tiêu hình sự trong cuộc điều tra Nga “vào lúc này,” báo The Washing Post loan tin hôm thứ Ba.

Ông Mueller, trong các cuộc thương lượng riêng tư vào đầu tháng 3 về một cuộc phỏng vấn khả dĩ với tổng thống, mô tả ông Trump là một đối tượng trong cuộc điều tra của ông về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tờ Post cho biết, dẫn lời ba người không nêu danh tính nắm rõ các cuộc nói chuyện này.

Luật sư Jay Sekulow của ông Trump và cựu luật sư John Dowd của ông không phản hồi ngay tức thì về yêu cầu bình luận.

Tờ Post cho biết ông Mueller cũng nói với các luật sư của ông Trump rằng ông đang chuẩn bị một bản báo cáo về các hành động của vị tổng thống Cộng hòa trong khi tại nhiệm và về việc có thể là cản trở công lý.

“Ông Mueller nhắc lại ông cần phải phỏng vấn Trump — để hiểu liệu ông có bất kỳ ý định hủ bại nào nhằm ngăn trở cuộc điều tra Nga hay không và để hoàn tất phần này của cuộc điều tra của ông,” tờ báo cho biết.

Ông Trump và một số người trong nội bộ thân tín của ông diễn giải lời của ông Mueller là một sự bảo đảm rằng nguy cơ ông gặp nguy hiểm hình sự là thấp, trong khi các cố vấn khác cảnh báo rằng ông Mueller đang nhử ông Trump vào một cuộc phỏng vấn mà có thể khiến ông gặp nguy hiểm pháp lý lớn hơn.

Ông Mueller cũng đang điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump với Nga cũng như việc liệu ông Trump có cản trở công lý hay không bằng việc tìm cách ngăn cản cuộc điều tra Nga.

Ông Trump đã phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào với Nga và đã gọi cuộc điều tra của ông Mueller là một chiến dịch “săn phù thủy” (hàm ý ông bị bức hại chính trị).

https://www.voatiengviet.com/a/washington-post-mieller-thang-truoc-noi-trump-khong-la-muc-tieu-hinh-su-vao-luc-nay/4332176.html

 

Mỹ công bố danh sách hàng TQ chịu thuế 25%

Chính quyền Mỹ ngày 3/4 loan báo thuế suất 25% đối với khoảng 1300 sản phẩm kỹ nghệ công nghiệp, vận tải, và y tế để tìm cách buộc Trung Quốc phải thay đổi những tập tục về quyền sở hữu trí tuệ.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố danh sách chủ yếu là các sản phẩm không dành cho người tiêu dùng chiếm khoảng 50 tỷ đô la nhập khẩu thường niên, những mặt hàng ảnh hưởng tới dây chuyền cung ứng đối với nhiều nhà sản xuất tại Mỹ. Danh sách đi từ các hóa chất cho tới xe gắn máy và thiết bị nha khoa.

Đại diện Thương mại Mỹ nói thuế quan được đề xuất nhằm đáp lại các chính sách của Trung Quốc buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho các công ty Trung Quốc.

Bắc Kinh nói luật của họ không yêu cầu chuyển giao công nghệ, đồng thời đe dọa trả đũa cân xứng nhắm vào các mặt hàng như đậu nành, máy bay hay trang cụ nặng của Mỹ.

Danh sách áp thuế Mỹ vừa công bố nhắm mục tiêu tới các sản phẩm công nghệ tiên tiến hưởng lợi từ chương trình “Made in China 2025” của Bắc Kinh. Chương trình này của nhà nước Trung Quốc muốn thay thế các mặt hàng công nghệ tiên tiến nhập khẩu bằng hàng nội địa và gầy dựng vị thế áp đảo trong các ngành công nghiệp tương lai như công nghệ thông tin tiên tiến, robot, máy bay, xe cộ chạy bằng năng lượng mới, dược phẩm, thiết bị năng lượng điện, máy móc nông nghiệp, đóng tàu.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/my-cong-bo-danh-sach-hang-trung-quoc-chiu-thue-25-phan-tram-/4331105.html

 

Trump tin có thể xây dựng quan hệ hữu hảo với Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump, đứng cạnh các nhà lãnh đạo của ba nước quan ngại nhất ở vùng Baltic về khả năng Moscow gây hấn, nói ông nghĩ rằng ông có thể có một mối quan hệ hữu hảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Trump, tại một cuộc họp báo sau khi hội kiến Tổng thống các nước Estonia, Lithuania và Latvia, nói với các phóng viên “rất có thể tôi sẽ có một mối quan hệ hữu hảo” với ông Putin, nhưng thừa nhận đó không phải là điều chắc chắn.

“Có quan hệ hữu hảo với Nga là điều tốt,” ông Trump nói. “Tôi nghĩ rằng tôi có thể có một mối quan hệ rất tốt với Nga và với Tổng thống Putin, và nếu được như vậy, đó sẽ là một điều tuyệt vời. Và cũng rất có thể điều đó sẽ không xảy ra. Ai biết được?”

Ông Trump tái khẳng định niềm tin của ông rằng “không có ai cứng rắn với Nga hơn tôi,” lưu ý rằng ông đã thúc đẩy gia tăng chi tiêu quốc phòng để củng cố quân đội Mỹ và đã quyết liệt đẩy mạnh sản xuất năng lượng, cho phép Mỹ trở thành một nước xuất khẩu cạnh tranh với Nga.

“Về cơ bản chúng ta đang độc lập về năng lượng. Chúng ta là nước xuất khẩu năng lượng. Đó không phải là điều tích cực đối với Nga,” ông Trump nói với các phóng viên.

“Chúng ta sẽ có một quân đội hùng mạnh hơn bao giờ hết,” ông nói thêm. “Đó không hề là một điều tốt đẹp đối với Nga.”

Ông Trump cũng nói ông đã thúc giục các thành viên NATO thi hành cam kết chi tiêu quốc phòng của mình, tạo nên “hàng tỉ đôla” chi tiêu quân sự bổ sung của các đồng minh NATO.

Ông ca ngợi ba vị Tổng thống Baltic vì cam kết của nước họ đáp ứng mục tiêu của NATO là chi 2 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng trong năm nay. Estonia đã đạt được mục tiêu đó vào năm 2017, nhưng Latvia và Lithuania còn kém một chút, tương ứng ở mức 1,75 phần trăm và 1,73 phần trăm, theo số liệu của NATO công bố hồi tháng trước.

Lãnh đạo các nước Baltic bày tỏ tin tưởng vào những cam kết an ninh của ông Trump.

Mỹ dự định cấp 100 triệu đôla mua đạn cỡ lớn cho các nước Baltic và 70 triệu đôla cho huấn luyện và trang thiết bị, Tòa Bạch Ốc cho hay. Mỹ cũng đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng và năng lượng của khu vực này.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-tin-co-the-xay-dug-quan-he-huu-hao-voi-putin/4331093.html

 

Trump: Điều quân tới biên giới Mexico

trước khi có tường biên giới

Tổng thống Donald Trump đưa ra thêm những lời lẽ cứng rắn về vấn đề nhập cư hôm thứ Ba, nói rằng ông muốn điều lực lượng quân đội Mỹ để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới với Mexico cho đến khi bức tường mà ông đã hứa hẹn từ lâu được hoàn tất và “an ninh thỏa đáng” được giữ vững.

Ông Trump, trước đó đã đe dọa sẽ đình chỉ viện trợ nước ngoài cho Honduras và các nước khác trừ phi họ dừng một “đoàn xe” chở người nhập cư Trung Mỹ tiến về phía Mỹ, gọi việc sử dụng quân đội ở biên giới phía nam là “một bước tiến lớn.”

Ông Trump đả kích hơn 1.200 người di dân Trung Mỹ đang thực hiện một hành trình dài 3.200 km khởi hành từ biên giới Mexico-Guatemala, và nhắc lại lời đe dọa phá ngang Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu những người này không bị chặn lại.

“Chúng ta sẽ phải đưa vấn đề an ninh vào NAFTA,” ông Trump nói với báo giới tại Tòa Bạch Ốc. Ông phàn nàn về điều mà ông gọi là những luật “tồi tệ” của Mỹ khiến biên giới phía nam không được bảo vệ nghiêm ngặt.

“Cho đến khi chúng tôi có được một bức tường và an ninh thỏa đáng, chúng tôi sẽ phải cho quân đội canh gác biên giới,” ông Trump nói. Ông cho biết ông sẽ sớm gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và những người khác để thảo luận về ý tưởng này.

Trong dòng tin đăng trên Twitter trước đó trong ngày thứ Ba, ông Trump nói đoàn xe “đang hướng về Biên giới vì ‘Luật Yếu kém'” của chúng ta nên bị chặn lại trước khi nó đến đây. Phải coi lại NAFTA cũng như viện trợ nước ngoài cho Honduras và các nước cho phép điều này xảy ra. Quốc hội PHẢI HÀNH ĐỘNG NGAY!”

Các quan chức Mexico đã tăng cường nỗ lực làm thủ tục cho nhóm người đang ngày càng bị thu hẹp này và xác định xem họ có quyền lưu lại Mexico hay không, hay phải bị trả về nguyên quán của họ. Mexico đã nói rằng “những đoàn xe” chở phần lớn là người Trung Mỹ này, bao gồm nhiều người trốn thoát bạo lực ở Honduras, đã diễn ra từ năm 2010.

Ông Trump nói ông nghĩ rằng Mexico đã có một số thành công trong việc ngăn chặn đoàn xe này. “Tính tới 12 phút trước, nó đang được giải tán. Chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra,” ông nói.

Việc sử dụng lực lượng quân sự ở biên giới Mexico không phải là một ý tưởng mới. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được sử dụng từ năm 2006 đến 2008 cho những việc như phân tích tình báo liên quan đến biên giới nhưng không có vai trò chấp pháp trực tiếp, theo Ngũ Giác Đài.

Trong năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã gửi một số vệ binh quốc gia đến biên giới Mỹ-Mexico để cung cấp sự hỗ trợ về tình báo, do thám và trinh sát cho các nhân viên tuần tra biên giới.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-dieu-quan-toibien-gioi-mexico-truoc-khi-co-tuong-bien-gioi/4331087.html

 

Chính quyền Trump bị kiện

về câu hỏi quốc tịch khi điều tra dân số

Một nhóm các bang và các thành phố của Mỹ kiện chính quyền Trump nhằm ngăn việc đưa một câu hỏi vào các mẫu đơn điều tra dân số năm 2020 yêu cầu người được khảo sát phải cho biết họ có quốc tịch Mỹ hay không.

Đơn kiện của 17 bang, thủ đô Washington, và 6 thành phố thách thức điều mà họ gọi là một quyết định “vi hiến và tùy tiện” vào tuần trước của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cơ quan giám sát Cục Điều tra Dân số, khi đưa ra câu hỏi về quốc tịch vào cuộc khảo sát.

Đây cũng là một thách thức mới đối với điều mà Tổng Chưởng lý Bang New York Eric Schneiderman gọi là “sự thù ghét chống người nhập cư” của chính quyền, tại một cuộc họp báo công bố vụ kiện.

Tất cả các bang đệ đơn kiện đều có Tổng chưởng lý theo Đảng Dân chủ.

Tham gia cùng các bang có các thành phố New York, Chicago, Philadelphia, San Francisco, Seattle và Providence của bang Rhode Island, tất cả đều có thị trưởng theo Đảng Dân chủ, cùng Liên hội Các Thị trưởng Hoa Kỳ. Một bang khác, California, đã đệ đơn kiện tương tự vào tuần trước.

Khi được yêu cầu bình luận, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong một email gửi cho Reuters nhắc tới phát biểu của Bộ trưởng Jeff Sessions vào ngày 2 tháng 4 nói rằng vụ kiện “không có giá trị” của California đã buộc Bộ phải tranh tụng về việc liệu chính phủ có xứng đáng có được một cuộc “kiểm đếm chính xác những người có thể bỏ phiếu hợp pháp trong các cuộc bầu cử liên bang” hay không.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, cuộc điều tra dân số mười năm một lần được sử dụng để xác định việc vẽ ranh giới chính trị, việc phân bổ số ghế trong Quốc hội ở cấp bang và cấp địa phương, và việc phân phối hàng năm khoảng 700 tỉ đôla ngân quỹ liên bang.

Những người chỉ trích câu hỏi về quốc tịch nói rằng nó có thể khiến người nhập cư, và có lẽ nhiều công dân, không muốn hồi đáp và do đó dẫn đến việc đếm sót, với ảnh hưởng bất cân xứng đối với các bang theo Đảng Dân chủ.

Những người ủng hộ câu hỏi này, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, nói rằng nó sẽ giúp đất nước thi hành Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 mang tính dấu mốc.

Câu hỏi về quốc tịch đã không xuất hiện trong cuộc điều tra dân số kể từ năm 1950.

Vụ kiện cáo buộc chính quyền Trump vi phạm quy định của Hiến pháp rằng chính phủ phải tiến hành một cuộc “kiểm đếm thực sự” đối với “toàn bộ số người” mỗi 10 năm một lần.

Tại cuộc họp báo, ông Schneiderman gọi câu hỏi về quốc tịch là một “nỗ lực trắng trợn” của chính quyền nhằm ngăn chặn Cục Điều tra Dân số thi hành công tác của mình.

“Đây là một sự sỉ nhục đối với các lý tưởng quốc gia của chúng ta,” ông Schneiderman nói. “Đây là một sự sỉ nhục đối với Hiến pháp.”

Vụ kiện nói bổ sung thêm câu hỏi này đặc biệt có thể làm trầm trọng hơn việc đếm sót cộng đồng sắc dân gốc Mỹ Latin đang tăng trưởng nhanh chóng, sau khi ước tính có khoảng 1,54 phần trăm số người bị đếm sót hồi năm 2010.

Đơn kiện cũng nói câu hỏi này cùng sẽ càng củng cố lời đe dọa được đưa ra trong một phiên điều trần Quốc hội vào tháng 6 năm ngoái bởi Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ.

Đơn kiện dẫn lời ông Homan nói với Quốc hội rằng những người nhập cư không có giấy tờ “nên cảm thấy không thoải mái. Họ nên dòm trước ngó sau. Họ cần liệu hồn.”

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-bi-kien-ve-cau-hoi-quoc-tich-khi-dieu-tra-dan-so/4331081.html

 

Luật sư liên hệ tới cựu phụ tá của Trump lãnh án

Con rể của một trong những người đàn ông giàu nhất Nga hôm thứ Ba bị tuyên án tù 30 ngày và bị phạt 20.000 đôla vì nói dối với các điều tra viên của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về những liên lạc với một quan chức trong ban vận động tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.

Alex van der Zwaan người Hà Lan, một luật sư từng làm việc chặt chẽ với cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, còn bị Thẩm phán Tòa án Khu vực liên bang Amy Berman Jackson tuyên phạt thêm hai tháng quản chế sau khi phóng thích. Tại tòa, bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải về hành động của mình.

Luật sư này nhận tội vào ngày 20 tháng 2 trong khi ông Mueller tăng cường cuộc điều tra về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử Tổng thống Trump với Nga. Đây là bản án đầu tiên trong cuộc điều tra đang tiếp diễn của ông Mueller.

Khi nhận có tội, bị cáo thừa nhận đã nói dối các đặc vụ FBI về những liên lạc trước đó với Rick Gates, một cộng sự của ông Manafort và là người giữ một vị trí cao cấp trong ban vận động Trump, và rằng anh ta cũng ém nhẹm và xóa email.

“Điều tôi làm là sai trái. Tôi xin lỗi tòa án này, và tôi xin lỗi vợ tôi,” van der Zwaan nói tại phiên tòa tuyên án.

Luật sư của Van der Zwaan, William Jay Schwartz, yêu cầu thẩm phán chỉ phạt tiền và cho phép thân chủ của ông rời Mỹ, nói rằng anh ta đã bị trừng phạt đủ và nên được ghi nhận thành tâm vì đã quay trở lại Mỹ để đính chính vào năm ngoái sau khi nói dối các điều tra viên của ông Mueller.

Kể từ khi trở lại vào tháng 12 năm 2017, luật sư nói van der Zwaan đã bị giữ lại trong một khách sạn ở Washington và không thể trở về London, nơi vợ anh ta đang mang thai khó đứa con đầu lòng.

“Anh ấy lâm vào cảnh bất định chẳng biết làm gì,” ông Schwartz nói.

Van der Zwaan, 33 tuổi, kết hôn với con gái của tỉ phú người Nga German Khan, người sáng lập Ngân hàng Alfa. Van der Zwaan từng làm việc cho công ty luật Skadden Arps, Slate, Meagher và Flom.

Nhưng lời xin lỗi của Van der Zwaan và lời giải thích của luật sư biện hộ dường như không thuyết phục được thẩm phán.

“Việc ông ấy làm không đơn thuần là lỗi lầm, mà hơn cả sự thiếu suy xét hay nông nổi,” bà Jackson nói.

Thẩm phán nói thêm rằng bà thất vọng vì ông ấy đã không tự mình viết một bức thư bày tỏ sự ân hận, và nói rằng nếu bà chỉ đơn thuần để anh ta “viết một tờ séc và bỏ đi” thì sẽ không có tác dụng răn đe những người khác.

Van der Zwaan trước đây làm việc chặt chẽ với ông Manafort và ông Gates vào năm 2012 khi họ tư vấn chính trị cho cựu Tổng thống Viktor Yanukovych của Ukraine trong một báo cáo về cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko.

Ông Mueller đã đưa ra hai cáo trạng nhắm vào ông Manafort phát sinh từ công việc vận động hành lang của ông cho Đảng Các Khu vực có đường lối thân Nga của Ukraine. Các cáo buộc bao gồm không đăng ký làm đại diện nước ngoài và âm mưu rửa tiền, cho tới gian lận ngân hàng và khai khống thuế. Ông Manafort đã tuyên không có tội.

Ông Gates đã tuyên có tội vào ngày 23 tháng 2 về cáo buộc âm mưu lừa đảo Hoa Kỳ và khai man với các nhà điều tra của ông Mueller, và hiện đang hợp tác với cuộc điều tra.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-lien-he-toi-cuu-phu-ta-cua-trump-lanh-an/4331076.html

 

Nhật ngày càng bị cô lập

giữa lúc đàm phán ngoại giao Triều Tiên tiến triển

Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ tìm kiếm một sự tái đảm bảo khi ông họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong tháng này, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Nhật đã bị đặt bên ngoài các tiếp xúc ngoại giao đang tiến triển nhanh chóng hướng đến các cuộc họp thượng đỉnh nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano của Đại học Sophia ở Tokyo nói:

“Nhật Bản có vẻ bị đặt ra bên ngoài và không có vai trò gì đặc biệt, ngoài việc có thể phải đóng góp một ngân khoản lớn, khi ông Trump đạt được thỏa thuận”.

Chia sẻ nguy cơ

Thủ tướng Abe sẽ họp với ông Trump tại câu lạc bộ golf Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở Florida vào ngày 17 và 18/4. Đây sẽ là cuộc họp thượng đỉnh thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo.

Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào các chế tài đối với Triều Tiên, cuộc gặp gỡ sắp tới của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các vấn đề thương mại “công bằng và tương hỗ”.

Ông Abe có lẽ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất ở châu Á cho chiến dịch “Áp lực tối đa” của ông Trump trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Triều Tiên, ủng hộ đe dọa hành động quân sự, buộc chính phủ Kim phải ngừng chương trình hạt nhân.

Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên. Năm ngoái, Triều Tiên đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay qua không phận Nhật Bản trong nỗ lực tăng tốc phát triển một ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới đại lục Hoa Kỳ.

Nhưng ông Abe gần đây rất bất ngờ trước quyết định gặp lãnh đạo Triều Tiên của ông Trump. Ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó về cuộc họp gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh tụ Kim.

Nhà lãnh đạo cứng rắn của Nhật Bản có vẻ hoài nghi về cách tiếp cận qua Olympic của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới miền Bắc, nơi đã tạm dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đầy khiêu khích, hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4 và cam kết của Kim Jong Un về việc tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nhật theo trông đợi sẽ cảnh báo ông Trump chớ mất cảnh giác trước các diễn biến ngoại giao đang tiến nhanh tới thỏa thuận nhằm giảm chế tài để đổi lấy việc vô hiệu hoá hoặc giảm một phần khả năng hạt nhân của Triều Tiên.

Giáo sư Hosaka Yuji, một nhà phân tích tại Đại học Sejong, Seoul nhận định:

“Tôi nghĩ rằng ông Abe sẽ tiếp tục thúc giục Hoa Kỳ đi theo hướng không nên nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên”.

Thủ tướng Abe cũng có thể sẽ đưa vấn đề hàng trăm người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980 ra trong cuộc họp với ông Trump.

Quá phụ thuộc Hoa Kỳ

Một thỏa thuận phi hạt nhân hóa một phần sẽ vẫn đặt Nhật Bản vào nguy cơ bị Triều Tiên tấn công hạt nhân. Mối quan hệ được cải thiện giữa Triều Tiên với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có thể đẩy Tokyo vào tình trạng căng thẳng khu vực trong các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ và những hành động tàn bạo của quân phiệt Nhật trong Thế chiến thứ hai.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng vẫn tiếp tục căng thẳng vì những tranh cãi xung quanh vấn đề úy phụ, khi hàng ngàn phụ nữ châu Á bị quân đội Nhật cưỡng ép làm nô lệ tình dục trong thời chiến. Thỏa thuận năm 2015 giữa Tokyo và Seoul đã không giải quyết được vấn đề.

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc hoàn toàn của ông Abe vào liên minh Mỹ về vấn đề an ninh, và không chú ý đến việc thắt chặt các mối quan hệ khác trong khu vực có thể khiến Nhật Bản bị bỏ rơi bên lề ngoại giao khu vực.

Về thương mại, trong khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật Bản và các quốc gia Thái Bình Dương khác, Thủ tướng Abe đã chủ động lên tiếng ủng hộ việc cải thiện thương mại song phương với Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Trump gần đây vẫn để Nhật Bản nằm trong danh sách các nước bị áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Là một đồng minh quan trọng của Mỹ, ông Abe có thể sẽ yêu cầu được miễn thuế tương tự như Hàn Quốc.

Mức ủng hộ đối với ông Abe tại Nhật cũng giảm sút vì vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến cáo buộc cho rằng ông đã lợi dụng chức vụ để giúp đỡ bạn bè và gia đình.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ngay-cang-bi-co-lap-giua-luc-dam-phan-ngoai-giao-trieu-tien-tien-trien/4332033.html

 

Đài Loan, Trung Quốc khẩu chiến

về phát biểu của thủ tướng Đài Loan

Chính phủ Đài Loan hôm thứ Ba nói rằng Trung Quốc đang khuấy động truyền thông của mình để đe dọa hòn đảo tự trị này sau khi một tờ báo nhà nước lớn nói rằng Trung Quốc nên phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với thủ tướng của Đài Loan vì phát biểu của ông về sự độc lập.

Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ thiêng liêng của mình và Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để quy phục Đài Loan, nơi mà họ xem là một tỉnh li khai, về dưới quyền kiểm soát của mình.

Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã tăng lên kể từ khi bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của Đảng Dân Tiến có chủ trương ủng hộ độc lập, đắc cử tổng thống Đài Loan vào năm 2016. Trung Quốc lo sợ bà muốn thúc đẩy độc lập chính thức, dù bà Thái nói bà muốn duy trì hiện trạng và theo đuổi hòa bình.

Sau khi Thủ tướng Đài Loan Lại Thanh Đức nói với viện lập pháp hôm thứ Sáu rằng ông là một “Đài Độc công tác giả” (người làm việc vì sự độc lập của Đài Loan) và rằng lập trường của ông là Đài Loan là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có lượng độc giả lớn của Trung Quốc nói rằng ông nên bị truy tố theo Luật Chống Chia cắt Quốc gia năm 2005 của Trung Quốc.

“Nếu có bằng chứng đanh thép về những tội ác của ông ta, thì một lệnh truy nã toàn cầu có thể được phát đi đối với ông ta,” tờ báo, được ấn hành bởi tờ Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói hôm thứ Bảy.

Cuối ngày thứ Hai, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc lên tiếng, nói rằng những phát biểu của ông Lại là “nguy hiểm và táo tợn,” gây nguy hại đến hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan và rằng Đài Loan sẽ không bao giờ bị phân li khỏi Trung Quốc.

Ủy hội Đại lục, cơ quan của Đài Loan đặc trách các chính sách về Trung Quốc, nói rằng các phát biểu của Hoàn Cầu Thời Báo và của chính phủ Trung Quốc “có tính hăm dọa và phi lý.”

“Đài Loan là một xã hội dân chủ, đa nguyên,” ủy hội nói, và nói thêm rằng ông Lại vẫn nhất quán tuân theo chính sách duy trì hòa bình và ổn định của tổng thống xuyên Eo biển Đài Loan.

Trung Quốc “đã nhiều lần thao túng giới truyền thông và cái gọi là ‘người sử dụng internet’ để đe dọa và đàn áp chính phủ và người dân Đài Loan, tìm cách sử dụng các đòn quân sự và các mối đe dọa pháp lý để xâm phạm nhân phẩm và lợi ích của chúng tôi,” ủy hội nói.

“Đây không phải là điều mà một bên có trách nhiệm nên làm. Nó chỉ làm tăng thêm sự chống đối xuyên eo biển và gây tổn hại cho mối quan hệ,” ủy hội nói thêm.

“Suốt hai năm qua, chính phủ của chúng tôi vẫn không ‘cảm thấy oán hận Trung Quốc,'” ủy hội nói. “Nhưng Trung Quốc đại lục phải đối mặt với thực tế là có hai chính phủ riêng biệt ở hai bờ Eo biển Đài Loan và tôn trọng nền dân chủ và ý nguyện của người dân Đài Loan.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước nói rằng Đài Loan sẽ đối mặt với “hình phạt lịch sử” về bất kỳ nỗ lực li khai nào, đưa ra lời cảnh cáo mạnh nhất từ trước tới giờ đối với hòn đảo này.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-trung-quoc-khau-chien-ve-phat-bieu-cua-thu-tuong-dai-loan/4330472.html

 

Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ họp thượng đỉnh tại Ankara,

bàn về Syria

Trọng Thành

Hôm nay, 04/04/2018, lãnh đạo ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gặp nhau tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, với chủ đề chính là Syria. Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhân cuộc thượng đỉnh để thuyết phục Nga và Iran về chiến dịch tấn công các vùng do lực lượng Kurdistan kiểm soát, dọc biên giới đông bắc, được liên quân quốc tế chống Daech hậu thuẫn.

Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :

« Nếu như người ta ít trông đợi là thượng đỉnh thứ Tư này ở Ankara sẽ đưa ra các tuyên bố quan trọng, thì đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đây là một cuộc họp có ý nghĩa biểu tượng cao. Sau chiến dịch tiến chiếm thị xã Afrin, miền tây bắc Syria, giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn được thừa nhận là một tác nhân chủ chốt tại Syria.

Điều mà chắc chắn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga và Iran chấp nhận, đó là để Ankara tiếp tục chiến dịch quân sự nhắm vào lực lượng dân quân người Kurdistan ở vùng biên giới đông bắc, đặc biệt tại thị xã Manjib, nơi nhiều đơn vị đặc nhiệm Pháp và Mỹ đang đồn trú.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn đã phù hợp với lợi ích của Nga và Iran, các đồng minh của chế độ Assad. Ngược lại, Matxcơva và Teheran ắt hẳn không cảm thấy khó chịu khi thấy các đồng minh NATO không tìm được thỏa hiệp. Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh như Mỹ và Pháp có thể sẽ đối đầu nhau tại thị xã đông bắc Manbij.

Trong ván cờ phức tạp đang diễn ra này, cần chờ xem tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận đánh đổi gì trong thượng đỉnh hôm nay, nếu chiến dịch quân sự tại Syria của Ankara được Nga và Iran bật đèn xanh ».

Như một dấu hiệu tỏ thiện chí với Thổ Nhĩ Kỳ trước thượng đỉnh, hôm qua, 03/04, Matxcơva thông báo sẽ cung cấp một hệ thống tên lửa chống tên lửa S-400, « nhanh chóng hơn » dự kiến, cụ thể là ngay vào năm tới, thay vì vào năm 2020. Khối NATO – mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên – phản đối hợp đồng mua bán tên lửa nói trên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180404-thuong-dinh-ve-syria-ankara-muon-nga-ung-ho-chien-dich-tan-cong-nguoi-kurdistan-ok

 

Tương lai vùng đông bắc Syria :

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khó đạt đồng thuận

Trọng Thành

Nga và Iran – hai đồng minh chủ yếu của chế độ Syria Bachar al-Assad – và Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia ủng hộ nhiều nhóm nổi dậy Syria chống Damas – có cuộc họp thượng đỉnh ở Ankara, hôm nay, 04/04/2018. Tuy khác biệt rất lớn trong lập trường với chế độ Damas, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hy vọng tìm được thỏa hiệp để khẳng định vị thế thống lĩnh cuộc chơi tại Syria, trong bối cảnh vai trò của Hoa Kỳ và các đồng minh tại Syria ngày càng mờ nhạt.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Ankara và Matxcơva khó đạt đồng thuận về tương lai vùng đông bắc Syria, khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan – được phương Tây hậu thuẫn – mà Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị mở chiến dịch tấn công.

Trước hết cần nhấn mạnh : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là ba quốc gia chủ xướng tiến trình Astana, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, bên ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Tiến trình được khởi sự từ tháng Giêng năm 2017. Tiến trình này đã đạt được một thỏa thuận ban đầu về việc lập « bốn vùng giảm căng thẳng » cho phép xuống thang quân sự tại một số khu vực, nhưng việc tìm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria hiện vẫn dậm chân tại chỗ.

Tiến trình Astana bế tắc

Cuộc thượng đỉnh ba bên gần nhất, ngày 22/11/2017, tại Sotchi, Nga, thất bại. Sáng kiến tổ chức hội nghị giữa chính quyền Syria và đối lập tại Sotchi, hồi tháng Giêng 2018, được Nga bảo trợ, bị đối lập Syria – được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn – tẩy chay. Tình trạng dậm chân tại chỗ bắt nguồn từ các lợi ích mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.

Trong lúc ảnh hưởng của phương Tây trên chiến trường Syria ngày càng thu hẹp, Nga-Iran cũng như Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự, để giành vị thế thượng phong. Cho đến nay, với sự hậu thuẫn của Matxcơva và Teheran, chế độ Bachar al-Assad đã chiếm lại được hơn một nửa lãnh thổ Syria. Về phần mình, Ankara khẳng định, với sự hậu thuẫn của lực lượng nổi dậy, đã « bình định » được 2.000 km² tại vùng biên giới miền bắc Syria, trong thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017.

Theo nhà phân tích Elisabeth Teoman, Institute for study of war (ISW), có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong thế trận tại Syria, dù có yếu hơn Nga và Iran, việc Ankara mở rộng khu vực kiểm soát tại miền bắc Syria sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vị thế trong liên minh tình thế tay ba với Nga và Iran.

Sau khi chiếm được thị xã Afrin, miền tây bắc Syria, từ tay lực lượng Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng chiến dịch tấn công sang khu vực đông bắc, trước hết là thị xã Manjib, đang được các lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Pháp trấn giữ. Trong cuộc thượng đỉnh Nga-Thổ-Iran hôm nay, đây sẽ là một chủ đề trọng tâm.

« Xâm phạm lãnh thổ Syria » : Điều không thể biện minh

Theo bà Jana Jabbour, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện Chính Trị Paris Sciences PO, để đánh đổi việc chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tại miền đông bắc, Nga và Iran chắc chắn sẽ đòi Ankara sử dụng ảnh hưởng đối với nhiều nhóm đối lập, để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Syria.

Đàm phán hứa hẹn không dễ dàng. Theo hãng thông tấn Nhà nước Iran, trước cuộc họp này, tối hôm qua tại Ankara, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Jarif đã nhấn mạnh là « không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho việc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria ». Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận tính hợp pháp của chiến dịch quân sự dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Nga và Iran khai thác các căng thẳng trong nội bộ giữa hai thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, có thể dẫn đến một số thỏa hiệp nhất định, nhưng thượng đỉnh tay ba Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran hôm nay khó đi đến được « các kết quả cụ thể ». Theo ông Aron Lund, chuyên gia viện tư vấn Mỹ Century Foundation, Nga chắc chắn sẽ « hướng sự giận dữ » của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào phía Mỹ. Nga và Iran cũng có thể khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ « ưu tiên các chiến dịch gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ », như « cắt đường tiếp liệu cho quân Mỹ ». Nhưng ba bên sẽ khó đi xa hơn.

Điểm nóng Idleb

Chuyên gia Aron Lund lưu ý là « tình hình Syria hiện tại rất phức tạp », cho dù Thổ, Mỹ, Nga có nỗ lực rất nhiều, đồng thuận thực sự giữa ba bên là khó. Bên cạnh vấn đề đông bắc Syria, số phận của Idleb, tỉnh tây bắc Syria, cũng là một chủ đề gai góc khác trong quan hệ liên minh tay ba tình thế Thổ-Nga-Iran.

Phần lớn tỉnh Idleb hiện nay do quân thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát. Theo chuyên gia Elisabeth Teoman, Institut for study of war, bất cứ một cuộc tấn công nào của quân chính phủ Damas vào tỉnh này cũng sẽ gây căng thẳng cho quan hệ Matxcơva- Ankara, thậm chí « chặn đứng » quan hệ hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180404-tuong-lai-vung-dong-bac-kurdistan-tho-nhi-ky-va-nga-kho-dat-dong-thuan

 

Giao thông tiếp tục hỗn loạn

trong ngày thứ hai đình công ở Pháp

Thụy My

Hôm nay, 04/04/2018, ngày thứ hai đình công tại Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp SNCF, giao thông đường sắt tiếp tục rối loạn và tình trạng kẹt xe tăng lên gấp đôi. Chính phủ dự báo « những ngày khó khăn » sắp tới đối với người sử dụng phương tiện công cộng.

Ban giám đốc SNCF ước tính trung bình có 1/7 tàu cao tốc (TGV) và 1/5 tàu nội vùng hoạt động, tương đương với ngày hôm qua. Tỉ lệ tham gia đình công là gần 34%, nhưng đối với những công nhân cần thiết cho việc vận hành xe lửa, số đình công rất cao : có đến 77% người lái tàu không đến làm việc, kiểm soát viên 69% và công nhân bẻ ghi 39%.

Trên các tuyến đường bộ Paris và vùng phụ cận, sáng nay nạn kẹt xe kéo dài tổng cộng 350 cây số, cao gấp đôi so với mức bình thường.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố lắng nghe cả những người đình công cũng như những người dân cần đến nơi làm việc, khích lệ « các hành khách của SNCF, với những ngày khó khăn trước mặt ». Ông cho rằng cách thức cứ hai ngày đình công ba ngày làm việc là « phiền phức » nhất đối với người sử dụng giao thông công cộng.

Phương thức này được các nghiệp đoàn CGT, UNSA và CFDT chọn lựa, còn SUD-Rail thì kêu gọi đình công vô thời hạn. Các nghiệp đoàn phản đối việc cải cách « nhằm phá hủy dịch vụ đường sắt công do suy nghĩ giáo điều ». Cụ thể là việc hủy bỏ các ưu tiên về chế độ nghỉ hưu lâu nay đối với các nhân viên hỏa xa tương lai, mở cửa cho cạnh tranh và chuyển đổi SNCF thành công ty nặc danh mà theo các nghiệp đoàn là bước đầu của việc tư nhân hóa.

Hôm qua tại Paris khoảng 2.700 người, theo con số của cảnh sát, đã xuống đường ủng hộ cuộc đình công, trong đó có « một nhóm 100 đối tượng bạo động mặc áo trùm đầu », gây một số sự cố và năm người đã bị câu lưu. Hiệp hội những người sử dụng giao thông công cộng tại Paris và vùng phụ cận (AUT) hôm nay đòi chính phủ và các nghiệp đoàn mở ra « những cuộc thương lượng thực sự » để nhanh chóng kết thúc đình công. Nhiều tờ báo cho rằng công luận sẽ đóng vai trò trọng tài trong cuộc đọ sức này.

Khác với cuộc tổng đình công năm 1995 từng gây rối loạn trên toàn nước Pháp, lần này internet và điện thoại di động đã làm thay đổi phần nào cục diện, với các ứng dụng để đi chung xe cũng như giải pháp làm việc tại nhà.

http://vi.rfi.fr/phap/20180404-giao-thong-tiep-tuc-hon-loan-trong-ngay-thu-hai-dinh-cong-o-phap