Tin Việt Nam – 03/04/2018
Cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm
bước sang cục diện mới.
Nguyễn Tường Thụy
Nhận được thông tin Lữ đoàn 28 Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân đào rãnh phân địa giới đất đơn vị quản lý với đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, chúng tôi tổ chức một đoàn về Đồng Tâm để tìm hiểu tình hình.
Đoàn chúng tôi có 8 người, trong đó đã từng đến Đồng Tâm có Trịnh Bá Phương, Lễ Ngọc, chị Nguyễn Nguyên Bình. Còn tôi, đây là lần đầu tiên tôi về với Đồng Tâm. Thời kỳ giữa tháng 4 năm 2017, khi nhân dân Đồng Tâm bắt giữ 38 con tin để đáp trả hành động tương ứng của chính quyền, tôi liên tục bị canh chặn, không thể đi được.
Từ ngày ấy, đã có rất nhiều đoàn hoặc cá nhân đã tới Đồng Tâm để tìm hiểu tình hình nên tôi không dám chắc đoàn đến muộn sẽ được đáp ứng những gì cần tìm hiểu. Tôi chỉ ngại nhận được những câu trả lời chung chung rồi bảo, còn chi tiết cụ thể, các anh tìm hiểu thêm trên mạng.
Quanh nhà cụ Kình vẫn có những kẻ không được hoan nghênh nhưng lảng vảng xung quanh ghi hình rồi bám theo khi xe lăn bánh
Thấy chúng tôi đến, bà con thôn Hoành kéo nhau đến chật nhà cụ Lê Đình Kình. Bà con niềm nở đón tiếp chúng tôi, mời nước, têm cả trầu mời. Có lẽ, giờ hiếm những làng quê còn giữ tục lệ mời trầu khách. Chúng tôi có nhiều chương trình trong ngày nên không thể ở lại ăn bữa cơm thân mật theo lời mời bà con. Ra về, chúng tôi được nhận quà, đó là những túi chè tươi hái trong vườn thôn Hoành. Quanh nhà cụ Kình vẫn có những kẻ không được hoan nghênh nhưng lảng vảng xung quanh ghi hình rồi bám theo khi xe lăn bánh. Bà con vây kín xe, bịn rịn chia tay và chúng tôi nói với nhau những lời bày tỏ tình đoàn kết. 6 thanh niên thôn Hoành đi 3 xe máy tiễn chúng tôi một đoạn xa mới quay về, có lẽ còn có cả ý bảo vệ an toàn cho khách.
Tấm lòng hiếu khách, thái độ tiếp đón nồng nhiệt, ân cần và chu đáo của bà con Đồng Tâm làm chúng tôi thấy vui và ấm áp trong lòng như thể chúng tôi là người thân của bà con đã từ lâu.
Cụ Lê Đình Kình nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm năm nay 83 tuổi nhưng còn rất mẫn tiệp. Đặc biệt trí nhớ của cụ thật tuyệt vời. Cụ nói vanh vách từng số văn bản, ngày ký văn bản, ai ký, nội dung là gì, thậm chí còn nhớ cả số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp của người mà cụ nhắc đến. Trong hơn 1 giờ, chúng tôi nói đến nhiều chuyện về cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm. Trong tố cáo của nhân dân Đồng Tâm đề cập tới 49 nội dung nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề 59 ha Đồng Sênh. Đây là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bắt giữ con tin giữa Tháng 4 năm 2017.
Nhân dân khẳng định 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm, còn Thanh tra Hà Nội lại khẳng định dân Đồng Tâm chiếm đất quốc phòng, đơn vị bộ đội thì buông lỏng quản lý.
Cụ Kình nói kết luận như vậy là nói xấu cả dân Đồng Tâm, nói xấu cả quân đội.
Có chém đầu tôi đi thì Đồng Sênh vẫn là đất nông nghiệp.
Cái lý của nhân dân Đồng Tâm khá đơn giản. Ngày 14/4/1980, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng đợt 1 sân bay quân sự Miếu Môn với diện tích 208 ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.
Như vậy, đất quốc phòng nằm trong địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha. Ngoài diện tích ấy, nếu trên địa giới hành chính của Đồng Tâm phải là đất nông nghiệp của Đồng Tâm.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Thanh tra HN ngày 24/7/2017 thì hiện có 64,03 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, dôi ra 16,37 ha. Như vậy, 16,37 ha này chưa có quyết định thu hồi, chưa đền bù thì vẫn là đất nông nghiệp của Đồng Tâm mà quân đội quản lý “nhầm”? Như vậy, trừ đi hơn 3 ha của xí nghiệp vôi đá thì khu đồng Sênh không chỉ là 59 ha mà là 72 ha.
Tôi chỉ yêu cầu có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng đúng pháp luật thì chúng tôi giao đất thôi, không cản trở – Cụ Lê Đình Kình
Quan điểm của nhân dân Đồng Tâm là phần 47,36 ha của Đồng Tâm giao cho quân đội đã nhận tiền đền bù, không nói gì đến nữa. Nhưng phần đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp, chưa hề có quyết định thu hồi. “Có chém đầu tôi đi, tôi vẫn nói thế” – cụ Kình nói.
Thanh tra và cả công an về Đồng Tâm, cứ nói là thu hồi đợt 2 nhưng đợt 1 đang qui hoạch treo thì sao lại thu hồi đợt 2. Mà nếu có thu hồi đợt 2 thì đương nhiên phải có quyết định thu hồi. “Tôi chỉ yêu cầu có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng đúng pháp luật thì chúng tôi giao đất thôi, không cản trở”. Thế nhưng yêu cầu đơn giản ấy của nhân dân Đồng Tâm, chính quyền lại không chịu đáp ứng. Phải chăng họ muốn lấy không đất nông nghiệp của dân mà không mất đồng đền bù nào.
Chính quyền Hà nội nói một đằng quân đội xác nhận khác
Ngày 20/10/2014 ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ký Quyết định số 5383/QĐ- UBNDTP về việc tiếp tục giao 236 ha đất sân bay Miếu Môn cho lữ Đoàn 28. Như đã nói ở trên, Quân chủng PKKQ được giao 208 ha từ năm 1980.
Nhưng chỉ 3 ngày sau, ngày 23/10 Đại tá Trịnh Văn Truyền lữ trưởng Lữ đoàn 28 ký thông báo số 961A/TB-LĐ gửi ông Lê Đình Kình nói hiện nay lữ đoàn quản lý đủ 208 ha (chứ không phải 236)
Cụ Lê Đình Kình cho rằng, thông báo của Đại tá Trịnh Văn Truyền không khác gì cái tát vào mồm ông Vũ Hồng Khanh.
Tuy nhiên, về việc này, kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội nói thông báo của Lữ 28 nói hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208 ha được thể hiện trên đường bao 16 mốc giới là thiếu chính xác. Nhưng đó cũng chỉ là lời của… thanh tra.
Giao đất một nơi, đòi nhận một nơi
Tôi hỏi họ giao đất cho Viettel như thế nào, cụ Kình nói, cái nút thắt là ở chỗ ấy.
Ngày 27/3/2015 Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng ra Quyết Định số 551/QĐTM về việc thu hồi 50,03 ha đất Quốc phòng hiện do tiểu đoàn 31 thuộc Lữ đoàn 28 đang quản lý.
Thế nhưng Viettel lại không lấy ở phần đất 208 ha. Quân chủng PKKQ giao cho họ không nhận mà Ủy ban huyện Mỹ Đức lại bàn giao phần đất nông nghiệp ở Đồng Sênh cho Viettel. Cụ Kình nói đây là cướp đất của dân bán lấy tiền. Quyết định Quân chủng PHKQ phải giao đất cho Viettel vẫn chưa thực hiện, vì UB huyện Mỹ Đức và Viettel vẫn nhăm nhe lấy đất nông nghiệp của Đồng Tâm. Như vậy nhất định 1 bên hoặc cả 2 bên (Viettel và UB Mỹ Đức) có lợi ích nhóm ở đây.
Cụ Kình cho rằng cứ tay nọ nó đập tay kia, tay phải vả mép trái tay trái vả mép bên phải, rất lung tung lộn xộn không theo qui định nào cả.
Nhận xét về cách thực hiện bàn giao đất cho Viettel, cụ Kình nói, trên thì nói Bộ QP giao cho Quân chủng PKKQ bàn giao, dưới lại nói UB Hà Nội giao cho UB Mỹ Đức thu hồi giải phóng mặt bằng đền bù bố trí tái định cư rồi tiền đến bù lại do Viettel chi trả. Cụ Kình cho rằng cứ tay nọ nó đập tay kia, tay phải vả mép trái tay trái vả mép bên phải, rất lung tung lộn xộn không theo qui định nào cả.
Mọi sự đã rõ ràng
Như vậy, lý lẽ của nhân dân Đồng Tâm thật đơn giản. Thế nhưng nó trở thành tranh chấp mà đỉnh điểm là vụ bắt 38 con tin ngày 15/4/2017
Cho đến lúc này (cuối tháng 3/2018) mọi sự đã minh bạch. Theo cụ Kình thì mốc giới đông tây nam bắc rõ ràng, chỗ nào là 47,36 héc ta của quốc phòng, chỗ nào là 59 héc ta của Đồng Tâm. Trước đây, theo như dân đề nghị cũng như thanh tra yêu cầu cử các cơ quan chức năng về khảo sát đo đạc lại. Bây giờ không phải khảo sát cũng không phải đo lại, xác định vị trí đâu vào đấy hết.
Hơn một tuần nay, Lữ đoàn 28 đã cho đào rãnh để phân biệt ranh giới giữa khu đất quân đội quản lý với đất nông nghiệp của Đồng Tâm. Rãnh được đào về phần đất quốc phòng và đất cũng được hất lên về phía ấy. Bằng động thái này, phía quân chủng PHKQ đã công nhận khu đất 59 ha ở Đồng Sênh là của Đồng Tâm.
Đây là diễn biến có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm. Tuy nhiên về phía chính quyền, họ vẫn im lặng. Không hiểu chính quyền Hà Nội sẽ nói như thế nào về động thái này của phía quân đội. Không dễ dàng gì họ chịu thua dân. Để họ công nhận cần phải có thời gian do bản tính bảo thủ cố hữu của họ.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dong-tam-land-dispute-enters-new-phase-04032018094458.html
Phụ nữ Việt tự sát tại Sứ quán ở Malaysia
Một phụ nữ Việt dùng dao tự sát ngay tại Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpua, Malaysia vào ngày 2 tháng 4 và tử vong.
Báo The Star Online của Malaysia loan tin vừa nêu trong cùng ngày, dẫn lời của đại diện Cảnh sát quận Dang Wangi, ông Shaharuddin Abdullah, cho biết nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam thông báo cho cảnh sát vụ việc này.
Theo điều tra của Cảnh sát quận Dang Wangi, người phụ nữ, tên Trần Thị Mai, 37 tuổi, đã đến Đại sứ quán Việt Nam để làm giấy tờ liên quan đến việc đi lại của bà. Theo kết luận, trong lúc lời qua tiếng lại với nhân viên của Đại sứ quán, bà Mai rút dao từ trong túi xách ra và tự đâm vào mình. Vụ việc xảy ra vào tầm 11 giờ 30 sáng, ngày 2 tháng 4. Sau đó, bà Mai được một người Việt Nam có mặt tại Đại sứ quán đưa đến bệnh viện Kuala Lumpua nhưng bà đã tử vong vì vết thương quá nặng.
Trong những năm qua, cộng đồng người Việt tại Malaysia thường xuyên lên tiếng phản đối nạn lạm thu trong các thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước này. Họ nói rằng nạn lạm thu lãnh sự không chỉ ăn chặn tiền mà còn hành hạ người dân cực khổ để thực hiện các thủ tục đó, dẫn đến hậu quả khôn lường, như qua trường hợp uất ức của bà Trần Thị Mai đến mức bị thiệt mạng.
Tình trạng này bị cộng đồng người Việt cũng như người bản xứ ở nhiều nơi trên khắp thế giới than phiền, chứ không riêng gì ở Malaysia như vừa nêu.
Vợ của những tù chính trị sẽ ra tòa đòi quyền tham dự
Vợ của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và vợ bốn cựu tù chính trị: Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức bị chính quyền làm khó dễ trước phiên xử nhóm này dự kiến diễn ra ngày vào ngày 5 tháng 4 năm 2018.
Bà Vũ Minh Khanh, vợ của Luật sự nhân quyền Nguyễn Văn Đài lên tiếng cho biết vào sáng ngày 2 tháng 4, chị điện thoại cho thư ký phiên tòa hỏi về các thủ tục để được vào tham dự phiên tòa của chồng thì người thư ký này đã tỏ thái độ được nói rằng khiếm nhã và vô trách nhiệm.
Sáng ngày 3 tháng 4, cả năm người gồm vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài và vợ các tù nhân lương tâm nói trên đã cùng nhau đến tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội để đòi gặp thẩm phán Ngô Thị Ánh. Đến 11 giờ 30 phút, phòng tiếp dân của tòa án yêu cầu các chị phải làm đơn trình bày nguyện vọng. Tòa án sau đã xác nhận đã nhận hai văn Đơn xin cấp giấy phép tham dự phiên tòa và Đơn khiếu nại.
Một trong năm người là bà Nguyễn thị Huyền Trang, vợ tù nhân chính trị Phạm Văn Trội, vào chiều tối ngày 3 tháng tư cho RFA biết:
“Hôm nay chúng tôi có 5 chị em: gồm vợ anh Nguyễn Bắc Truyển, vợ anh Trương Minh Đức, chị Lành vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn, cùng tôi đến trực tiếp Tòa Án Nhân Dân Tp Hà Nội tại Khu tiếp Công Dân.
Chúng tôi viết rất nhiều đơn trong ngày hôm nay: đơn khiếu nại, đề nghị cấp giấy phiên tòa, đơn được cán bộ ra trực tiếp giải quyết; nhưng họ chỉ nhận mà không trả lời.”
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang nêu ra thực tế về các vụ xử án chính trị tại Việt Nam trong thời gian qua là mặc dù thông báo công khai nhưng thân nhân rất hiếm khi được vào dự phiên tòa:
“Luật như thế nhưng tại Việt Nam không diễn ra như vậy. Trong thực tế điều này (cấm đoán) từng xảy ra đối với các phiên xử những tù nhân lương tâm khác rồi; nên chúng tôi rất lo ngại điều này sẽ xảy ra.”
Cũng tin liên quan, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Khối Tự do Dân chủ 8406, và Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền vào ngày 2 tháng 4 đã lập ‘Bản lên tiếng bênh vực cho các nhà hoạt động xã hội dân sự trong vụ án Hội Anh Em Dân Chủ.’
Văn bản lên tiếng tố cáo việc thực hiện giám sát thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước không đầy đủ mà còn là một cánh tay nối dài thụ động và lười nhác của Cơ quan An ninh Điều tra. Đồng thời, văn bản chỉ trích các bản cáo trạng, cho rằng đây là sự mô tả đầy kỳ thị, ác ý và lệch lạc về các hành động để bỏ tù và tuyên án những công dân đang thực thi quyền con người và quyền công dân một cách bình thường. Ngoài ra, văn bản còn phản bác các cáo buộc quy tội cho Hội Anh Em Dân Chủ trong việc nhận tài trợ từ bên ngoài.
Các thành viên của hội yêu cầu Tòa án Hà Nội phải xem xét đình chỉ vụ án Hội Anh Em Dân Chủ và trả tự do ngay tại phiên tòa cho các nhà hoạt động. Đồng thời, họ nhận định là cần và đòi hỏi một tòa án của nhà nước phải bảo vệ công lý và Quyền Công Dân.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm, và là người sáng lập tổ chức dân sự Hội Anh Em Dân Chủ. Ông bị bắt lần đầu hồi năm 2007 và bị án 4 năm tù giam về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt lần thứ hai, vào ngày 16 tháng 12 năm 2015, cùng với người cộng sự là cô Lê Thu Hà với tội danh theo Điều 88. Tuy nhiên, sau đó tội danh bị chuyển sang Điều 79.
Bốn nhân vật bị đưa ra xét xử chung với Luật sư Nguyễn Văn Đài đều là thành viên hay từng tham gia Hội Anh Em Dân Chủ. Kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển và Ký giả Trương Minh Đức cùng bị bắt hồi cuối tháng Bảy năm 2017.
Phiên tòa xử Hội AEDC:
tòa chưa cấp giấy cho người nhà tham dự
Gia đình của các nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, và Nguyễn Văn Đài hôm 3/4 đến tòa án Hà Nội yêu cầu cấp giấy phép tham dự phiên tòa, dự kiến diễn ra vào ngày 5/4, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tìm cách tham dự phiên tòa, bà Bùi Kim Phương, vợ của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển nói với VOA:
“Tôi và các chị đến tòa án yêu cầu cấp giấy để tôi tham dự phiên tòa xử chồng tôi. Họ bảo chúng tôi làm đơn, chúng tôi làm đơn 3 lần nhưng cũng không giải quyết. Ngày mai chúng tôi tiếp tục lên tòa để khiếu nại.”
Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của nhà báo tự do Trương Minh Đức nói với VOA vào chiều ngày 3/4 từ Phòng tiếp dân Tòa án Hà Nội:
“Đến từ 2 giờ chiều tới giờ mà chưa giải quyết. Ban tiếp dân đã trình lên thẩm phán Ngô Thị Ánh nhưng bà này không trả lời. Chúng tôi đang nộp một lá đơn khác và sáng ngày mai chúng tôi lại đến ngồi đây chờ đến khi nào cấp phép tham dự phiên tòa.”
Bà Vũ Minh Khánh, vợ của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã viết trên Facebook: “Tinh thần các chị em cương quyết đấu tranh đòi gặp thẩm phán Ngô Thị Ánh, mãi đến 11h30 thì phòng tiếp dân của toà án nói là phải làm đơn trình bày nguyện vọng.”
Một phụ nữ ủng hộ nhóm các bà vợ yêu cầu được tham gia phiên tòa nói với VOA:
“Tôi đồng hành cùng năm người vợ của các tù nhân lương tâm từ sáng đến giờ, yêu cầu tòa án cho gia đình tham dự phiên tòa vì đó là quyền của họ. Đến ngày 5/4 là xử án mà ngày hôm nay 3/4 mà chưa có giấy báo, giấy mời nào. Mang tiếng là phiên tòa công khai mà không có tờ giấy nào báo cho gia đình cả.”
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ của tù nhân Phạm Văn Trội viết trên Facebook: “Tôi vô cùng bất bình trước sự việc này từ tòa án, cơ quan quyền lực thưc thi luật pháp. nhưng họ đang coi thường, chà đạp nên pháp luật.”
Một người ủng hộ khác hôm 3/4 trích lời bà Nguyễn Thị Lành, vợ của mục sư Nguyễn Trung Tôn viết trên Facebook: “Sao mà đến ngày chồng chúng tôi chuẩn bị ra tòa mà họ đang còn phải nghiên cứu mọi thủ tục, không biết có cho chúng tôi giấy mời để vào dự phiên tòa không đây, mong mọi người quan tâm và theo dõi.”
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nhận định trên Facebook: “Đã là phiên toà, mà lại xét xử công khai thì bất kể ai cũng có thể vào tham dự, quan sát, kể cả chiếu theo luật hiện hành. Một phiên toà mà người thân của “bị cáo” còn phải chầu chực, khổ sở với hy vọng có tấm giấy cho phép tham dự thì bản thân sự việc này đã khẳng định tính chất vô pháp của không chỉ hệ thống toà án, mà của cả cái nhà nước này rồi.”
Theo thông báo của Tòa án thành phố Hà Nội, sáu bị cáo gồm ông Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự là bà Lê Thu Hà, và các ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức sẽ bị xét xử vào ngày 5/4 về tội “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo khoản 1, Điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Theo điều khoản trên, các bị cáo, phần lớn là các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, phải đối mặt với mức phạt “từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.”
Quanh việc Việt Nam xoá nợ cho Cuba
Việc Việt Nam xóa nợ cho Cuba được các chuyên gia kinh tế cho hay chỉ là quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, trong khi đó có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Tuyên bố xóa nợ này được đưa ra trong chuyến thăm Cuba cuối tháng 3/2018 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo truyền thông Việt Nam.
‘Chỉ là quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản’
Trả lời BBC từ Hà Nội ngày 3/4, tiến sỹ Nguyễn Quang A nhắc lại rằng Việt Nam đã được nhiều chính phủ xóa nợ từ trước tới nay.
“Thời trước là từ các nước xã hội chủ nghĩa, rồi một loạt các nước khác thông qua các cuộc đàm phán ở Câu lạc bộ Paris hoặc Câu lạc bộ London, tùy khoản nợ, có khoản của nhà nước, khoản của doanh nghiệp. Thực sự Việt Nam từ trước đến nay có thể nói là một nước nợ nhiều hơn là cho người khác nợ.”
Về việc Việt Nam lần này đóng vai ‘người xóa nợ’, ông Quang A cho rằng đây “hoàn toàn là vấn đề quan hệ chính trị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba.”
‘Kinh tế thị trường không thể hủy hoại XHCN’
Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’
Cuba: Con trai của Fidel Castro tự sát
“Không có vấn đề về lợi ích kinh tế hoặc đòi hỏi có đi có lại hay điều kiện gì cả. Chỉ thuần túy là vấn đề tình cảm giữa các ông ấy với nhau và vấn đề chính trị của hai đảng cộng sản”, ông Quang A nói.
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng nắm quyền, bất luận là nó nắm quyền chính đáng hay không, được người dân đồng ý hay không. Có thể về mặt hình thức, đây là một quyết định của chính phủ chứ không phải quyết định của đảng. Tôi nghĩ không có gì lạ trong chuyện xóa nợ cho Cuba này cả.”
Liên quan đến các điều kiện mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thường đặt ra khi xóa nợ cho một nước, tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
“Cần hết sức lưu ý rằng IMF và chính phủ Việt Nam là hai thiết chế hoàn toàn khác nhau.”
“IMF luôn đặt vấn đề xóa nợ, giãn nợ, hoặc cung cấp các khoản nợ tiếp với các điều kiện về cải cách kinh tế. Những điều kiện này thường theo học thuyết Tân tự do một thời người ta gọi là Đồng thuận Washington.”
“Còn chính sách của chính phủ Việt Nam tôi cho là hoàn toàn khác. Khoản xóa nợ cho Cuba mang tính chất chính trị, tình cảm hơn.”
“Tất nhiên Việt Nam cũng khuyên Cuba cải cách kinh tế từ lâu rồi, chí ít từ thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng. Nhưng giữa Việt Nam và Cuba thì hoàn toàn không có chuyện đặt điều kiện trong việc cho vay hay xóa nợ.”
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng có cùng ý kiến.
Ông cho BBC hay ông tin rằng hành động này “thể hiện tình hữu nghị và sự biết ơn của Việt Nam đối với sự giúp đỡ của Cuba và giúp Cuba vượt qua tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”.
Cần thông qua ai?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng theo thông lệ quốc tế, việc xóa nợ phải được thảo luận trong một câu lạc bộ, ví dụ Câu lạc bộ Paris, về các điều khoản và điều kiện giữa chủ nợ và con nợ.
Nhưng trong trường hợp Việt Nam và Cuba thì ‘đây là quan hệ đặc biệt’.
“Tôi không được biết chi tiết của thủ tục cũng như tờ trình như thế nào về việc xóa nợ này và nó được thực hiện qua quốc hội hay qua các cơ quan có thẩm quyền như thế nào”, ông Doanh nói.
“Theo tôi trước hết phải thông qua quốc hội vì đây là cơ quan giám sát tối cao về việc thông qua ngân sách này. Tôi không có thông tin về việc này.”
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói thường chính phủ bao giờ cũng là người lo chuyện này, trong khi Bộ Tài chính lo khâu tính toán, cân đối, rồi khuyến nghị.
“Nói chung cơ quan hành pháp là nơi người ta quyết định về việc vay nợ hoặc xóa nợ cho các con nợ”, ông Quang A nói với BBC từ Hà Nội.
“Tôi nghĩ không có nước nào trên thế giới trưng cầu dân ý về việc xóa nợ cho một con nợ của nước đó. Có thể là họ sẽ phải cân nhắc khi quyết định xem ý kiến như thế nào, dư luận ra sao. Còn bảo lấy ý kiến người dân rồi bỏ phiếu quyết định thì chuyện đấy tôi nghĩ rằng tôi chưa từng nghe thấy ở nơi nào.”
‘Lạm quyền’?
Thông tin ‘xóa nợ’ cũng làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong cộng đồng người Việt Nam.
Tác giả Trần Thành của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng “ngay cả trong trường hợp Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng ngân sách của Đảng để cho Cuba vay qua hình thức viện trợ hoàn lại, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không được trao quyền tùy nghi sử dụng khoản tiền này, mà nó chịu sự quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước.”
“Ông Nguyễn Phú Trọng phải có tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xóa nợ viện trợ cho Cuba”.
“Việc đơn phương tuyên bố xóa nợ với Cuba… sẽ không có giá trị thi hành. Thậm chí, nếu thực sự thượng tôn pháp luật, việc tuyên bố xóa nợ này của ông Tổng Bí thư mang dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 18.1 về “Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước”, là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước”.
Cuba: Một nơi đầy mâu thuẫn nhưng quyến rũ
Cuba: khách sạn tình yêu mở cửa trở lại
Tác giả Trần Thành cho rằng đây là hành vi ‘lạm quyền’, vì với nợ chính phủ, cần có sự phê chuẩn của quốc hội bằng một văn bản minh bạch gọi là ‘Nghị quyết xóa nợ’.
Ông Thành lấy ví dụ năm 2014, Nga xóa 90% trong tổng số nợ 35,3 tỷ đôla của Cuba ‘với những ràng buộc được công khai cho dân chúng’.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng “không thông báo là nợ cụ thể bao nhiêu, xóa như thế nào và đánh đổi những vấn đề gì trong chuyện xóa nợ ấy.”
“Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc Tổng Bí thư tuyên bố “xóa nợ Chính phủ cho Cuba” là một tuyên bố vô hiệu vì trái thẩm quyền, không có giá trị thực hiện, kể cả khi viện dẫn thỏa thuận về các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”, ông Trần Thành lập luận.
“Nôm na, với tuyên bố “xóa nợ Chính phủ cho Cuba”, ông Tổng Bí thư đã vi phạm về chính điều khoản mà ông từng đưa ra là không “tham vọng quyền lực” tại Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.”
Facebooker Nguyễn Lương Anh Tuấn thì đặt câu hỏi về vai trò của người ra quyết định xóa nợ: “Với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì đảng của ông làm gì cho ra tiền để giúp Cuba xóa nợ?”
‘Chấp nhận được’
Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ quyết định này.
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cho hay ‘không đồng ý’ với các ý kiến bất bình việc ông Trọng xóa nợ cho Cuba, đồng thời đưa ra ba lý do:
Thứ nhất, chắc đây “không phải là quyết định mang tính bột phát cá nhân mà phải có sự bàn bạc trước chuyến đi rồi”.
Thứ hai, “Việt Nam đã nhận trợ cấp kể từ 1945 tới nay”, “từ lương thực thực phẩm, thuốc men y tế; từ lĩnh vực dân sự tới lĩnh vực quốc phòng. Ai trong chúng ta ngồi đây không từng ăn mì ép, bo bo, bột mì” tới “sử dụng những công trình từ nguồn viện trợ”. Mới đây nhất Việt Nam nhận viện trợ gạo từ Nam Hàn.
“Đời có vay, có trả; nên sẽ đến lúc Việt Nam cần viện trợ hoặc giúp đỡ các quốc gia nghèo khó hơn, châu Phi chẳng hạn”, nhà báo Việt Hồng bình luận.
Thứ ba, ” Việt Nam cũng từng được nhiều nước xóa nợ” và “Cuba là quốc gia nhiều ân tình với Việt Nam hay nói đúng ra là với chính quyền Cộng sản, nên việc hành xử này, theo mình là chấp nhận được.”
Facebooker Trần Thủy Tiên thì nhắc lại thời khó khăn, Cuba đã có những hành động ‘không tiền nào mua được’ như gửi máu, thuốc kháng sinh và bác sĩ sang chiến trường miền Nam Việt Nam.
“Cuba cũng là một trong những nước tích cực vận động cho Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc, bỏ phiếu chống lại cấm vận Việt Nam do Mỹ và Trung Quốc phát động”, tài khoản Trần Thủy Tiên viết.
Do đó, hành động Việt Nam xóa nợ cho Cuba là ‘điều tất yếu’, facebooker này nhận định.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43624964
Rút tác phẩm, trả thù nhà văn
Mỹ Lan RFA
Nhà văn Nguyên Ngọc là một tên tuổi quen thuộc đối với nhiều người tại Việt Nam. Học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam từng được học những tác phẩm của ông như Rừng Xà Nu, Đất Nước Đứng Lên.
Bình luận về biện pháp của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đối với một tiếng nói bất đồng như Nhà Văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, thành viên của Văn đoàn độc lập cho biết đây chính là đề xuất từ phía Hội Nhà văn Việt Nam.
“Họ cho rằng ông Nguyên Ngọc ở trong Ban vận động Văn đoàn độc lập rồi những ai có dính dáng vào đấy, thì cho dù bây giờ họ vẫn là công dân tự do, họ vẫn là nhà văn tự do và không có bị xử lý gì về pháp luật cả thế nhưng lại bị cấm thì đó là hành động rất đáng buồn, thậm chí là đáng khinh nữa”.
Họ cho rằng ông Nguyên Ngọc ở trong Ban vận động Văn đoàn độc lập rồi những ai có dính dáng vào đấy, thì cho dù bây giờ họ vẫn là công dân tự do, họ vẫn là nhà văn tự do và không có bị xử lý gì về pháp luật cả thế nhưng lại bị cấm thì đó là hành động rất đáng buồn, thậm chí là đáng khinh nữa – Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Những nhân vật như anh hùng Núp hay Tnú trong các tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc đã trở nên quen thuộc rất nhiều thế hệ học trò ở Việt Nam. Tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm này cũng hoàn toàn theo đường lối chủ trương mà Ban Tuyên giáo đưa ra là giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như truyền tải những ý nghĩa nhân văn cao cả. Tuy nhiên, Hội nhà văn Việt Nam cùng Ban Tuyên giáo TW lại không hề đưa ra bất kỳ lý do để giải thích cho hành động loại bỏ các tác phẩm này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói tiếp:
“Những tác phẩm của các tác giả miền Nam trước đây một thời dù hay cũng không được xuất bản hay nói đến là vì họ đi lính, họ chống Cộng, họ thế này thế khác thuộc phía bên kia. Bây giờ đang hoà hợp dần rồi thì chính những nhà văn phía Cách mạng lại bị những lãnh đạo của Hội nhà văn đề nghị loại trừ. Bản thân tôi, tôi rất phản đối chuyện này”
Một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội chia sẻ việc loại bỏ những tác phẩm như của Nhà Văn Nguyên Ngọc sẽ là một thiệt thòi không nhỏ đối với cả giáo viên lẫn học sinh bởi chương trình giảng dạy Ngữ văn chính thức hiện nay không còn nhiều các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.:
“Tôi thấy là Rừng xà nu hay Đất nước đứng lên là những tác phẩm nói lên được những sự kiện lịch sử của đất nước. Nếu bỏ đi thì tôi sợ các con sẽ không còn nhớ gì về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc”
Trên thực tế, ngoài những tác phẩm kể trên của Nguyên Ngọc, những tác phẩm mang giá trị văn học nghệ thuật cao, giúp học sinh nâng cao được khả năng cảm thụ văn học như các sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hàn Mạc Tử… cũng dần bị loại bỏ khỏi chương trình Ngữ văn hoặc còn giữ lại rất ít, chỉ còn từ 1 đến 2 bài bao gồm cả bài đọc thêm. Thay vào đó là những tác phẩm mang nặng tính tuyên truyền cách mạng như thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên hay tác giả Hồ Chí Minh.
Bọn em bây giờ thực sự quan tâm đến những cái mà tăng tính cảm xúc cho bọn em nhiều hơn chứ không phải là học những cái mà ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi lòng dũng cảm và nó như kiểu là một sự bắt buộc – Học sinh
Rừng Xà Nu và Đất Nước Đứng Lên mặc dù không phải quá xuất sắc nhưng so với những tác phẩm văn học cùng thời kháng chiến vẫn được xem là tác phẩm tiêu biểu mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc. Do đó, nếu tiếp tục loại bỏ những tác phẩm này, trong chương trình Ngữ văn cấp phổ thông sẽ chỉ còn lại những tác phẩm mang tính định hướng chính trị, rất khó để cảm thụ đối với các em học sinh lứa tuổi này. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chán học văn hay tiếp thu văn học một cách thụ động ở một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay. Điều này được chính một học sinh thú nhận:
“Bọn em bây giờ thực sự quan tâm đến những cái mà tăng tính cảm xúc cho bọn em nhiều hơn chứ không phải là học những cái mà ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi lòng dũng cảm và nó như kiểu là một sự bắt buộc. Giáo viên đọc cho chép như thế nào bọn em sẽ chép vào vở y như thế, bọn em sẽ học thuộc lòng rồi trả bài, viết văn nó cũng sẽ cứng ngắt như thế và quả thực bọn em rất không thích điều đó”
Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập được thành lập vào tháng 03 năm 2014 quy tụ những tên tuổi như nhà văn Nguyên Ngọc, Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Dương Tường, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Hảo… Mục đích của Văn Đoàn Độc Lập được nêu rõ là đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước, tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp và bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm.
Tuy nhiên, ngay từ ngày thành lập, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập đã bị vu là tổ chức phản động, do các thế lực thù địch giật dây; đồng thời các thành viên Ban Vận Động Văn đoàn độc lập bị Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam gạch tên không cho tham dự đại hội Hội Nhà Văn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rut-tac-pham-tra-thu-nha-van-04022018152811.html
Vì sao thanh niên Việt Nam
không quan tâm đời sống chính trị?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Việt Nam được xếp hạng 152/183 quốc gia về thanh niên tham gia vào đời sống chính trị, theo Báo cáo đánh gia chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu năm 2016. Vì sao thanh niên Việt Nam không quan tâm đến lãnh vực này và họ mong muốn gì để được phát triển trong xu hướng chung của thế giới?
Mơ hồ-Không quan tâm
“Chính trị à? Kiểu của Nhà nước…thì liên quan đến Nhà nước thôi.”
“Em không hiểu lắm về chính trị đâu ạ!”
“Ở nơi em sinh sống, thực tế thì ngay cả tên Chủ tịch nước hay tên Thủ tướng họ còn không biết. Tại quê Long An của em, mà hỏi họ về Formosa thì họ cũng không biết, không quan tâm luôn. Bản thân em nhận thức được nhờ vào tìm hiểu và đọc tin, chứ ngày trước cũng không biết gì hết.”
Trên đây là một vài chia sẻ của các bạn thanh niên tại Việt Nam về đời sống sinh hoạt chính trị ở trong nước, cho thấy phần nào phản ảnh Báo cáo đánh giá chỉ số phát triển thanh niên năm 2016 (2016 Global Youth Development Index), là báo cáo mới nhất về sự phát triển thanh niên toàn cầu do Ban thư ký Thịnh vượng chung thực hiện và công bố.
Báo cáo này đo lường sự tiến bộ của phát triển thanh niên trong 5 lãnh vực quan trọng trong đời sống; bao gồm Giáo dục, Sức khỏe và Hạnh phúc, Việc làm và Cơ hội, Sự tham gia đời sống Chính trị, Sự tham gia đời sống Công dân. Việt Nam được xếp hạng 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị. Trong 4 lãnh vực còn lại, Việt Nam đều được xếp hạng trên thứ 100 trong số 183 quốc gia.
Qua tiếp xúc với thanh niên tại Việt Nam, đa số cho biết khái niệm chính trị là điều gì đó liên hệ đến học thuyết Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây là những điều họ được học trong hệ thống giáo dục. Và khi được nghe đến sinh hoạt chính trị hay đời sống chính trị thì họ liên tưởng chỉ có cấp lãnh đạo, quản lý nhà nước mới liên quan lãnh vực này.
Ở nơi em sinh sống, thực tế thì ngay cả tên Chủ tịch nước hay tên Thủ tướng họ còn không biết. Tại quê Long An của em, mà hỏi họ về Formosa thì họ cũng không biết, không quan tâm luôn. Bản thân em nhận thức được nhờ vào tìm hiểu và đọc tin, chứ ngày trước cũng không biết gì hết
-Võ Phương Thuận
Đài RFA cũng liên lạc và trao đổi với những bạn thanh niên là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam vì chúng tôi cho rằng họ là những người trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị, và chúng tôi được cho biết qua sinh hoạt tại các chi bộ Đảng ở cơ quan, hay ở công ty quốc doanh thì họ tiếp cận những chủ trương, định hướng về chính trị-xã hội do từ trên đưa xuống. Một đảng viên nói với RFA:
“Văn bản của Đảng cấp trên gửi về thì đọc cho tất cả đảng viên nghe để biết. Còn để bàn luận nội dung trong cuộc họp chi bộ thì chủ yếu là tình hình hoạt động của tại đơn vị mình. Chỗ em là một cơ sở nhỏ thì thông báo về tình hình kinh tế-chính-trị xã hội của địa phương trong tỉnh. Thường họp chi bộ Đảng thì chỉ bàn về chuyên môn công việc mình làm thôi.”
Nữ đảng viên này cho biết thêm, các đảng viên phải chấp hành theo những thông báo từ trung ương và họ không không thể thảo luận hay đóng góp ý kiến về các vấn đề chính trị tại cấp cơ sở.
Bị cản trở vì tham gia
Trong khi không ít thanh niên tỏ ra bàng quan đối với tình hình chính trị tại Việt Nam, những bạn trẻ nhờ vào theo dõi, cập nhật thông tin qua báo đài và qua truyền thông mạng xã hội, nhiều bạn dần nhận thức được chính trị gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội như là giá cả hàng hóa leo thang, thuế má gia tăng, các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm bẩn tràn lan, những dự án BOT quá nhiều bất cập hay nhân viên các cơ quan nhà nước lạm quyền…Những bạn trẻ này khi nhận thấy thông tin liên quan các vấn đề vừa nêu, thì các bạn nghĩ rằng họ phải có trách nhiệm chia sẻ những thông tin đó để nhiều người hơn nữa biết đến nhằm góp phần chung sức cải thiện những tiêu cực để xã hội được thay đổi tốt hơn. Thế nhưng, việc làm của các bạn gặp phải sự cản trở từ chính quyền.
Bạn Võ Phương Thuận, một nữ thanh niên thế hệ 8X thường xuyên chia sẻ thông tin mà bạn đọc và xem được trên báo chí, truyền thông chính thống của nhà nước lên tài khỏan Facebook của mình đã bị An ninh và Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Long An mời làm việc 8 lần. Bạn kể lại với RFA về nội dung các buổi làm việc:
“Họ nói mình lo làm ăn buôn bán, bớt quan tâm các vấn đề này chút xíu, và kêu em chuyển qua chia sẻ thông tin về làm từ thiện. Nói chung, họ yêu cầu như vậy. Nhưng em nói là những điều tốt thì tốt rồi, nên em chỉ muốn nói về những điều xấu còn tồn tại để sửa đổi được tốt hơn thôi. Em trả lời họ như thế.”
Không những vậy, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong những năm vừa qua, ngày càng có nhiều thanh niên bị bắt bớ, cầm tù với các bản án nặng nề khi họ cất lên tiếng nói phản biện ôn hòa về hiện tình quốc gia như Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Hoàng Đức Bình, Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…Hay một trường hợp mới nhất, có thể kể đến là nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị câu lưu và thẩm vấn về quyển sách “Chính Trị Bình dân” của cô được xuất bản và lưu hành hồi năm ngoái.
Mong muốn gì?
Báo Thanh Niên Online dẫn lời của Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, Trưởng Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên đưa ra nhận định của ông tại Hội thảo về Luật Thanh Niên sửa đổi, do Ủy ban Quốc gia về Thanh niên và Trung ương Đoàn tổ chức vào chiều vào ngày 28 tháng 3 rằng sự tham gia của thanh niên Việt Nam vào đời sống chính trị vẫn còn hạn chế.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, anh Hùynh Chí Trung, một cựu đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định Luật Thanh Niên ra đời hồi năm 2005, có những quy định liên quan đến đời sống chính trị của thanh niên nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Người cựu đảng viên này nêu lên ví dụ, Luật Thanh Niên quy định về lực lượng thanh niên là thanh phần xung kích trong an ninh quốc gia. Tuy nhiên, anh và các bạn trẻ đi thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma lại bị cản trở, hay:
“Tôi muốn nói một điều nữa là Khoản 3, Điều 12, Chương 2 trong Luật Thanh Niên đề cập đến bảo vệ môi trường. Tôi nói rõ ràng Formosa là họ hủy hoại môi trường Việt Nam, nhưng các trường đại học ở Việt Nam ra văn bản cấm sinh viên đi biểu tình, cấm thanh niên bày tỏ nguyện vọng chính đáng hợp pháp của họ, nếu sinh viên đi biểu tình sẽ bị đuổi học. Trong Hiến pháp 2013, Điều 25 quy định công dân được phép lập hội, được phép biểu tình, nhưng thực tế không xảy ra như vậy.”
Khoản 3, Điều 12, Chương 2 trong Luật Thanh Niên đề cập đến bảo vệ môi trường. Tôi nói rõ ràng Formosa là họ hủy hoại môi trường Việt Nam, nhưng các trường đại học ở Việt Nam ra văn bản cấm sinh viên đi biểu tình, cấm thanh niên bày tỏ nguyện vọng chính đáng hợp pháp của họ, nếu sinh viên đi biểu tình sẽ bị đuổi học. Trong Hiến pháp 2013, Điều 25 quy định công dân được phép lập hội, được phép biểu tình, nhưng thực tế không xảy ra như vậy
-Huỳnh Chí Trung
Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu và Nhóm nghiên cứu của Viện Thanh Niên, tại buổi Hội thảo về Luật Thanh Niên sửa đổi, đưa ra đề xuất mục tiêu hàng đầu của Bộ luật này cần phải được tiếp cận theo hướng phát triển thanh niên cùng với xu thế chung toàn cầu. Còn nguyện vọng của thanh niên về Luật Thanh Niên sửa đổi sẽ như thế nào? Các bạn bày tỏ với RFA:
“Em nghĩ Nhà nước nên hỗ trợ cho sinh viên những cơ hội để được tiếp xúc, học hỏi và giao lưu với tri thức toàn cầu.”
“Theo em thì hỗ trợ về pháp luật, như những thông tin pháp luật cần thiết để người ta có trang bị đầy đủ giúp thanh niên có thể bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ khi hòa nhập vào đời sống xã hội và có thể hỗ trợ thêm trong tư vấn, định hướng tương lai.”
“Theo tôi nếu có ra Luật Sửa đổi Thanh Niên thì điều cốt yếu nhất là thanh niên phải được tiếp cận thông tin một cách trung thực, khách quan, không được bóp méo, không được che đậy, không được định hướng. Thanh niên là sức mạnh quốc gia, từ đó thì thanh niên mới đóng góp sức mình cho quốc gia được.”
Đài Á Châu Tự Do cũng được nghe một số bạn trẻ nói rằng họ không hề biết có sự tồn tại của đạo luật về thanh niên ở Việt Nam, nên đạo luật này sửa đổi ra sao thì đã có “Đảng và Nhà nước lo”.
Mỹ điều tra chống bán phá giá túi nylon
nhập từ Việt Nam
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra thông báo bắt đầu điều tra thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm bao nylon đóng hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Mạng Vietnam News loan tin vào ngày 3 tháng tư, cụ thể có tổng cộng 11 mã hàng là bao túi đóng hàng nhập khẩu từ Việt Nam bị điều tra.
Các cuộc điều tra dựa trên kiến nghị của Tập đoàn Polytex Fibers và ProAmpac Holdings Inc vào ngày 7 tháng 3 năm 2018. Các công ty này cáo buộc các sản phẩm bao túi nhựa nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng trợ cấp và được bán tại Mỹ với mức giá thấp hơn giá trị thông thường, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ.
Theo kế hoạch, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ ra quyết định sơ bộ về thiệt hại của ngành sản xuất nước này chậm nhất là ngày 23 tháng 4.
Nếu ITC xác định có dấu hiệu cho thấy bao túi nylon nhập khẩu từ Việt Nam gây tổn hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ, thì các cuộc điều tra sẽ tiếp tục và DOC sẽ đưa ra quyết định thuế chống trợ cấp bắt đầu vào tháng 6 năm 2018 và quyết định thuế chống bán phá giá bắt đầu vào tháng 8 năm 2018. Tuy nhiên thời hạn này có thể được kéo dài.
Nếu ITC phủ nhận cáo buộc này, thì các cuộc điều tra sẽ được chấm dứt.
Năm 2017, mặt hàng bao túi nhựa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt mức 21,1 triệu USD.
Căng thẳng với Mỹ và TQ đẩy Hàn Quốc gần Việt Nam?
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đẩy Hàn Quốc lại gần Việt Nam, Bloomberg nhận định hôm 2/4.
Phóng viên của hãng này cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á để các tập đoàn như Samsung có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nơi sản xuất.
Bài báo của Bloomberg cho rằng chính quyền của ông Moon thấy rằng Hoa Kỳ dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump ngày càng “khó đoán định” và “đòi hỏi”, trong khi căng thẳng với Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt ở Hàn Quốc đã “kéo dài hơn một năm”.
Phóng viên Jiyeun Lee dẫn lời Kim Ill-san, giám đốc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ở TP HCM, nói rằng các công ty Hàn Quốc lâu nay đã xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nhưng tranh cãi về hệ thống phòng thủ tên lửa trên đã giúp Việt Nam trở thành một địa điểm đặt nơi sản xuất và xuất khẩu hấp dẫn hơn.
Bloomberg trích lời ông Moon nói trong cuộc họp hôm 2/4 về chuyến thăm Việt Nam tháng trước rằng chính sách bảo hộ và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn hại tới nền kinh tế Hàn Quốc, và thúc giục các cơ quan liên quan của Hàn Quốc phải sẵn sàng đối phó.
Phát biểu tại Hà Nội tháng trước, ông Moon cho rằng đôi bên cùng hưởng lợi từ mối quan hệ đang nảy nở giữa hai nước.
Nguyên thủ Hàn Quốc được trích lời nói rằng “khoảng 5.500 công ty Hàn Quốc đang làm ăn ở Việt Nam”, giúp cho “một triệu công nhân Việt Nam có công ăn việc làm tốt và các công ty Hàn Quốc phát triển nhanh nhờ các công nhân Việt Nam chịu khó và có tay nghề”.
Theo Bloomberg, quan hệ thương mại giữa Seoul và Hà Nội sẽ còn “sâu đậm” hơn nữa.
Trong bài viết có tựa đề “Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc hướng tới tương lai”, Đài Truyền hình Việt Nam hôm 24/3 đưa tin rằng ông Moon “giới thiệu về Chính sách hướng Nam mới của chính phủ Hàn Quốc với tầm nhìn hợp tác trọng tâm là thịnh vượng chung, con người làm trung tâm; và trong khuôn khổ đó, Hàn Quốc sẽ nỗ lực để phát triển quan hệ với Việt Nam – một nước quan trọng trong ASEAN”.
Theo VTV, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang “hoan nghênh” chính sách này, và “sẵn sàng đóng vai trò tích cực thúc đẩy quan hệ ASEAN – Hàn Quốc”.
Tờ The Straits Times của Singapore cũng như Nhịp cầu đầu tư ở Việt Nam đã đăng lại bài viết của Bloomberg.