Tin khắp nơi – 03/04/2018
Phóng thành công vệ tinh châu Âu dọn rác vũ trụ
Một thiết bị dọn rác vũ trụ mới đây đã được phóng lên thành công, chỉ chưa đầy một ngày sau khi trạm vũ trụ Thiên cung 1 của Trung Quốc vỡ vụn bên trên Thái Bình Dương.
Thiết bị vừa được phóng thuộc về một chương trình do Anh đứng đầu nhằm thể hiện cách thu dọn rác nguy hiểm tiềm tàng trên quỹ đạo trái đất
Vệ tinh RemoveDEBRIS, có nghĩa là dọn mảnh vỡ, sẽ được triển khai từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nó mang theo một tấm lưới để bắt lấy các mảnh rác trên vũ trụ. Nó cũng cómột chiếc lao móc có thể bắn vào và kéo các vật thể lớn hơn.
Tên lửa Space X Falcon 9 mang theo thiết bị hình hộp đã phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, vào lúc 4h30 chiều ngày 2/4.
RemoveDEBRIS hiện đang ở trong một khoang nhỏ trên đường đến ISS, dự kiến sẽ đến nơi vào sáng 4/4.
Thiết kế và chế tạo thiết bị này là một tập đoàn do trường Đại học Surrey đứng đầu, và chương trình được Ủy ban châu Âu tài trợ. Đây là nỗ lực thực tế đầu tiên để thử nghiệm kỹ thuật dọn sạch rác vũ trụ.
NASA theo dõi hơn 20.000 mảnh vỡ có kích thước lớn hơn quả bóng cricket (đường kính trong khoảng 22-23 cm) bay quanh trái đất với tốc độ lên đến hơn 28.000 km/h.
Có khoảng 500.000 mảnh vụn có kích thước bằng viên bi ve (đường kính 1 cm) hoặc lớn hơn.
Mặc dù có xác suất thấp, nếu xảy ra va chạm giữa một vật thể dù là nhỏ với một tàu vũ trụ mang theo những thiết bị có giá trị hoặc một nhà du hành, điều đó sẽ là một tai hoạ.
(Clacton Gazette, Tân Hoa Xã)
https://www.voatiengviet.com/a/phong-thanh-cong-ve-tinh-chau-au-don-rac-vu-tru/4330190.html
Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc áp thuế mới
Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa đối với một loạt hàng hóa Mỹ, bao gồm thịt lợn và rượu vang.
Bắc Kinh áp thuế lên tới 25% đối với 128 mặt hàng nhập khẩu Mỹ sau việc Tổng thống Donald Trump tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hồi tháng Ba vừa qua.
Trung Quốc cho biết động thái này nhằm đảm bảo lợi ích của mình và cân bằng các tổn thất do mức thuế mới của Mỹ gây ra.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh và chứng khoán Châu Á giao dịch thấp hơn do lo ngại về chiến tranh thương mại sau lệnh áp thuế mới của Trung Quốc.
Trump áp thuế nhập thép, đối tác nổi giận
TQ áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ
Tại Phố Wall, chỉ số Index S&P 500 giảm 2,2%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 1,9%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm khoảng 1,5% khi mở phiên giao dịch vào thứ Ba (03/04) nhưng phục hồi một chút, xuống dưới 0,45% vào lúc đóng cửa.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm còn mạnh hơn, xuống 0,84%, tuy nhiên chỉ số Hang Seng của Hong Kong sau khi xuống giá buổi sáng đã tăng trở lại với mức 0,29% vào cuối phiên giao dịch.
Nhà Trắng đã phản ứng giận dữ.
Người phát ngôn Lindsay Walters nói rằng: “Thay vì nhắm vào hàng hoá xuất khẩu của Mỹ vốn được giao dịch thương mại một cách công bằng, Trung Quốc cần phải ngừng các hoạt động kinh doanh bất bình đẳng vốn làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và bóp méo thị trường toàn cầu.”
Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc
Mỹ: Phe Cộng hòa ‘rất lo’ về kế hoạch của Trump
Mỹ áp thuế pin mặt trời và máy giặt Trung-Hàn
Bà nói thêm: “Việc trợ giá và tiếp tục sản xuất dư hàng của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng thép.”
Việc “ăn miếng trả miếng” này phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nước bị Tổng thống Trump đã miêu tả là “kẻ thù kinh tế”.
Hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế mới
Nhôm và thịt lợn đông lạnh sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 25% lên thêm mức thuế hiện hành.
Một số thực phẩm khác của Mỹ bao gồm ngũ cốc, trái cây tươi và khô, nhân sâm và rượu vang sẽ bị áp mức thuế mới tăng 15%.
Thép cán có thể cũng bị đánh thuế tăng 15%.
Diễn biến
Đầu tháng Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Theo đó, nhập khẩu thép sẽ phải đối mặt với mức thuế 25%, và nhôm là 10%.
Ông Trump đăng trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã bị “thiệt hại bởi các phi vụ thương mại không công bằng và các chính sách tồi tệ”.
Trung Quốc là nước sản xuất hơn một nửa lượng thép trên thế giới.
Canada, EU, Mexico, Trung Quốc và Brazil đã cho biết sẽ có các “biện pháp đáp trả” với quyết định này của Mỹ.
Ngày 22/3, Hoa Kỳ cho biết họ đang có kế hoạch áp mức thuế mới lên tới 60 tỷ đôla đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và hạn chế đầu tư vào Mỹ, nhằm trả đũa Trung Quốc nhiều năm ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-43627333
Zambia buộc Cuba triệu hồi đại sứ
Chính phủ Zambia ra tối hậu thư, yêu cầu Đại sứ Cuba, Nelson Pages Vilas, phải rời khỏi nước này trong vòng bảy ngày, phóng viên BBC Kennedy Gondwe từ thủ đô Lusaka tường thuật.
Ông Vilas đã khiến chính quyền nước chủ nhà giận dữ khi tới dự buổi ra mắt Đảng Xã hội đối lập do Fred M’membe, một phóng viên chuyển sang làm chính trị gia, đứng đầu.
Quanh việc Việt Nam xoá nợ cho Cuba
Đôi nét Cuba nhân chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng
Cuba: Con trai của Fidel Castro tự sát
Ông Vilas được chụp hình có mặt tại buổi lễ ra mắt hôm thứ Bảy, thậm chí còn phát biểu tại đó, Reuters tường thuật.
Cính phủ Zambia nói rằng việc này đi ngược lại với các nghi thức ứng xử ngoại giao.
Tổng thống Edgar Lungu hôm Chủ Nhật ra lệnh cho ông đại sứ phải ra đi do đã tham gia vào các hoạt động chính trị tại Zambia.
Ngoại trưởng Joe Malanji xác nhận ông Vilas đã bị Bộ này triệu lên và trong cuộc gặp mặt ông đã tỏ ý hối hân.
Tuy vẫn tiếp tục tỏ ra lạc quan rằng quan hệ giữa Zambia và Cuba sẽ tiếp tục vững mạnh, nhưng ông Malanji nói ông đại sứ được lệnh phải rời khỏi nước này trong vòng bảy ngày.
Tin về vụ trục xuất đại sứ Cuba được đăng tràn ngập trên báo chí Zambia hôm thứ Ba.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43632059
Lượng du khách Mỹ đến Nga có tăng trong 2017?
Tin đồn: Số khách du lịch Mỹ đến Nga tăng 25% trong ba quý đầu năm 2017.
Sự thật: Dựa trên những con số của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, điều này đúng. Số khách du lịch từ Mỹ đến Nga đã tăng dần đều từ 2014.
Việc tuyên truyền chống Nga là lý do chính khiến cho lượng khách Mỹ tăng trong năm ngoái, ông Oleg Safonov, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Liên bang Nga cho biết. Ông nói những thông tin về Nga trên truyền thông khiến người Mỹ muốn đến để tận mắt thấy nước Nga.
Nga xuất hiện rất dày đặc trên các kênh truyền thông Mỹ trong những năm qua. Các cơ quan an ninh Mỹ kết luận rằng Moscow đã thực hiện kế hoạch can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ và mới đây Tổng thống Trump trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga sau vụ tấn công chất độc ở Salisbury, Anh. Nga phủ nhận có bất kỳ liên quan nào tới vụ này.
Moscow: ‘Phương Tây cố phủ nhận World Cup ở Nga’
Nga trục xuất thêm nhân viên ngoại giao Anh
Cửa nhà và xe của ông Skripal ‘dính Novichok’
Theo báo Nga bằng tiếng Anh the Moscow Times, ông Safonov được tờ Izvestia dẫn lời nói số khách du lịch từ Mỹ đã tăng 25% từ tháng 1 đến tháng 9/2017. Chương trình Reality Check xem xét các con số này và đánh giá liệu “tuyên truyền” có thực sự ảnh hưởng đến lượng khách du lịch hay không.
Theo số liệu của Lực lượng An ninh Liên bang Nga thì số lượt người nước ngoài vào Nga đã tăng 25% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2017 so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 tháng năm 2017, mức tăng là 26%.
Khi tính tất cả các hình thức đi lại, như đi với mục đích kinh doanh, số người vào Nga từ Mỹ tăng khoảng 18%.
Điều này phản ánh đà tăng trưởng bắt đầu từ 2015, là năm tiếp sau vụ xung đột ở Crimea giữa các lực lượng ủng hộ Nga và phía Ukraine. Khi đó, cơ quan du lịch Nga nói căng thẳng chính trị làm giảm số người vào Nga từ Mỹ và châu Âu.
Số khách du lịch giờ đây đã vượt quá mức trước khi có xung đột, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ nên xem xét lại các chuyến đi Nga “do khủng bố và sách nhiễu”. Bộ này khuyên công dân Mỹ không đến Crimea và vùng Bắc Caucasus.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc chưa công bố số liệu về các chuyến đi từ Mỹ tới Nga năm 2017. Năm 2016, số liệu của tổ chức này cho thấy có độ tăng – nhưng chưa đến 1%.
Sau vụ đầu độc ở Salisbury, Sứ quán Nga tại London viết trên Twitter một tin nhắn khuyến khích người Anh đến Nga.
Giống như Mỹ, có nhiều khách du lịch Anh tới Nga hơn trong 2017. Tuy nhiên, mức độ phục hồi là chậm hơn ở Anh, với lượng khách du lịch tới Nga giảm trong năm thứ hai liên tiếp vào 2015, theo con số của chính phủ Nga.
Mức tăng của du khách từ Anh kể từ 2015 là rất nhỏ, và vẫn ở vào khoảng 190.000 lượt.
Bà Andrea Godfrey, một chuyên gia du lịch Nga tại hãng Regent Holidays, nói bà đã thấy lượng người tìm hiểu cũng như đặt tour đi Nga giảm nhẹ sau vụ việc ở Salisbury.
TQ lần đầu tiên đưa du khách bay tới Nam Cực
Lệnh cấm của TQ tổn thương du lịch Nam Hàn
Giá tham quan Angkor Wat tăng vọt
Hiện chưa có con số của chính phủ Nga.
Cũng chưa rõ tình hình chính trị sẽ ảnh hưởng đến số người đi Nga dự World Cup mùa hè này ra sao.
Bà Godfrey nói lượng đặt chỗ của công ty bà đã tăng kể từ 2015, sau “mức hạ cực điểm” khi máy bay của hãng Malaysian Airlines bị bắn hạ khi đang bay qua vùng trời Ukraine.
Tuyến đường sắt xuyên Siberia và thành phố St Petersburg vẫn là “điểm đến truyền cảm hứng” cho khách du lịch Anh và Mỹ, và bà trông đợi nếu lượng khách có giảm thì cũng sẽ tăng trở lại vào năm sau.
“Tuyên truyền chống Nga”
Khó mà nói liệu chính trị có phải là động cơ thúc đẩy ai đó đi du lịch hay không, nhưng một số người trong ngành du lịch Nga tin rằng việc truyền thông đưa tin Nga nhiều hơn thu hút nhiều người Mỹ hơn.
Pavel Rumyantsev, phó giám đốc Công đoàn Ngành Du lịch Nga, nói rằng ngành du lịch nước này đang hưởng lợi từ truyền thông, thậm chí cả tuyên truyền tiêu cực. Khách du lịch không vì thế mà nản đi Nga, thay vào đó họ vẫn đi để cố hiểu nước Nga hiện đại, ông nói
“Có hai hình ảnh nước Nga cho khách du lịch Mỹ: về mặt chính trị, hai quốc gia (Mỹ – Nga) có thể phần nào trái ngược và cạnh tranh quyền lực trên trường quốc tế, nhưng người dân Nga được cho là rất thân thiện, hiếu khách, thú vị và tốt bụng.”
Lượng khách tăng, theo ông Rumyantsev, cũng còn nhờ tỷ giá đồng đô la so với đồng rouble, và chi phí đi lại và ăn ở trong nước Nga rất phải chăng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43617797
Thẩm phán di trú Mỹ
phải giải quyết 700 hồ sơ một năm
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ áp đặt thẩm phán di trú phải đạt chỉ tiêu trong một nỗ lực giải quyết các hồ sơ nhập cư nhanh chóng hơn, theo truyền thông Hoa Kỳ.
Các thẩm phán sẽ được yêu cầu phải giải quyết ít nhất 700 hồ sơ một năm để được đánh giá là “đạt yêu cầu”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo quyết định này có thể khiến những hồ sơ di trú chỉ được xem xét qua loa mà không theo đúng những thủ tục hợp pháp.
Ước tính khoảng 600.000 người đang chờ hồ sơ nhập cư được cứu xét tại các tòa án Hoa Kỳ.
Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’
Trump ký lệnh mới về nhập cư
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Hôm Chủ Nhật, Tổng thống Donald Trump giục các dân biểu Cộng Hoà tại Quốc hội mau thông qua luật chống di dân mới “cứng rắn” hơn.
Ông cũng khẳng định sự phản đối của ông với việc hợp pháp hoá tình trạng của hàng trăm ngàn người nhập cư đến Hoa Kỳ không có giấy tờ lúc còn bé.
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chỉ tiêu sẽ đảm bảo các hồ sơ di trú được giải quyết một cách “kịp thời, hiệu quả và hiệu quả”.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp, ông Devin O’Malley nói rằng các vị thẩm phán đã hoàn tất trung bình 678 hồ sơ một năm, nhưng một số thẩm phán đã duyệt được hơn 1.000 hồ sơ, tờ Washington Post đưa tin.
Nhưng Hiệp hội Thẩm phán Di trú Quốc gia (NAIJ) nói với tờ Washington Post rằng hệ thống áp đặt chỉ tiêu có thể dẫn đến những thách thức pháp lý.
“Tính toàn vẹn và công bằng của tòa án có thể bị đặt vấn đề, nếu quyết định của thẩm phán bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài sự kiện của hồ sơ , hoặc nếu các thỉnh cầu bị từ chối bởi vì thẩm phán quan tâm đến việc giữ công việc của mình”, Chủ tịch NAIJ, bà Ashley Tabaddor nói.
Hiệp hội Luật sư Nhập cư Hoa Kỳ (AILA) nói với trang The Daily Beast rằng các thẩm phán không nên bị đặt dưới áp lực không cần thiết để mau chóng giải quyết tình trạng hồ sơ ứ đọng.
“Chúng tôi rất quan ngại rằng các hồ sơ sẽ bị đẩy nhanh qua hệ thống và thủ tục pháp lý cần có sẽ bị phá vỡ bởi những chỉ tiêu mới này”, Laura Lynch, luật sư của AILA, nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43626513
Ai nói ‘Tứ đại phát minh’ là của Trung Quốc?
Trung Quốc khẳng định phát minh ra đường tàu cao tốc, thanh toán di động, thương mại điện tử và xe đạp công cộng nhưng thực ra chúng bắt nguồn nhiều thập kỷ trước từ các nước khác.
Khẳng định: Trung Quốc phát minh ra đường tàu cao tốc, thanh toán di động, thương mại điện tử và xe đạp công cộng.
Thực tế: Trung Quốc không phát minh ra bất cứ công nghệ nào kể trên – nhưng đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai rộng rãi các phát minh này.
Đây là ‘bốn phát minh’ được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông Trung Quốc từ 5/2017.
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
Tập Cận Bình nói TQ không được tự mãn
Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc
Mô hình đặc khu kinh tế đã lỗi thời?
Nhưng những công nghệ này không bắt nguồn từ Trung Quốc mà được phát minh từ nhiều thập kỷ trước.
Khẳng định này đến từ đâu?
Khẳng định này dường như có xuất xứ từ cuộc khảo sát của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh 5/2017, yêu cầu những người trẻ tuổi đến từ 20 quốc gia liệt kê công nghệ mà họ ‘muốn mang về’ cho đất nước họ từ Trung Quốc.
Câu trả lời được nhiều người chọn nhất là đường sắt cao tốc, thanh toán di động, xe đạp công cộng và thương mại điện tử.
Kể từ đó, truyền thông và giới chức Trung Quốc đã nỗ lực quảng bá các công nghệ này như ‘bốn phát minh vĩ đại mới của Trung Quốc’ thời hiện đại.
Tại sao vẫn tiếp tục khẳng định?
Thuật ngữ ‘tứ đại phát minh’ tương tự như ‘bốn phát minh vĩ đại’ của Trung Quốc cổ đại – làm giấy, thuốc súng, in và la bàn.
Trung Quốc tập trung vào phát triển công nghệ mới vì muốn trở thành ‘quốc gia sáng tạo’ vào năm 2020.
“Sau nhiều năm phụ thuộc vào quyền lực tối cao về công nghệ của các nước phát triển ở phương Tây, Trung Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ cốt lõi của riêng mình, vì chỉ làm như vậy mới có thể giành được độc lập và sự tôn trọng từ cả đối tác lẫn đối thủ”, Tân Hoa Xã nói.
Trung Quốc là nước có thu nhập lớn thứ hai trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sau Hoa Kỳ, chiếm 21% trong tổng số gần 2000 tỷ đôla vào năm 2015, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Đường sắt cao tốc
Không có định nghĩa chuẩn về ‘đường sắt cao tốc’. Liên minh châu Âu định nghĩa ‘tốc độ cao’ ít nhất 250km / h trên đường ray mới và 200km / h trên đường ray cũ.
Theo Tổ chức Đường sắt Toàn cầu (UIC), dịch vụ tàu cao tốc đầu tiên bắt đầu vào năm 1964 – tàu Shinkansen cao tốc của Nhật Bản.
Trung Quốc mở đường sắt cao tốc đầu tiên năm 2008, từ Bắc Kinh đến Thiên Tân, ngay trước Thế vận hội Olympic.
Thanh toán di động
Một số thanh toán đầu tiên qua thiết bị di động được thực hiện vào năm 1997 tại Phần Lan, với máy hát tự động và máy bán hàng tự động – bao gồm một máy bán Coca-Cola tại sân bay Helsinki.
Tuy nhiên, một số người cho rằng công nghệ thanh toán di động thật sự bắt đầu khi Apple Pay ra mắt lần đầu năm 2014.
Thương mại điện tử
Michael Aldrich, người Anh, được cho là đã sáng tạo ra khái niệm mua sắm trực tuyến năm 1979.
Sử dụng công nghệ có tên là Videotex, ông Aldrich kết nối một chiếc TV thông thường với máy tính qua đường dây điện thoại.
Nhưng mãi cho đến những năm 1990 thương mại điện tử mới trở nên phổ biến, khi Amazon và eBay ra đời trang web của mình năm 1995.
Xe đạp công cộng
Cuối cùng, khái niệm chia sẻ xe đạp đầu tiên – được gọi là “kế hoạch xe đạp trắng” – được giới thiệu tại Amsterdam vào những năm 1960 bởi phong trào phản văn hóa Provo của Hà Lan.
Các chương trình xe đạp công cộng quy mô lớn đầu tiên bắt đầu vào những năm 1990 ở các thành phố châu Âu – Copenhagen được cho là thực hiện đầu tiên.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc như Mobike và Ofo là những người tiên phong trong việc xe đạp công cộng ‘không bến đỗ’. Đây là một hệ thống mới giúp người dùng định vị xe đạp bằng điện thoại thông minh và để chúng ở bất cứ đâu mà không cần phải gửi ở bến cụ thể.
‘Người chơi chính’
Trung Quốc đã vượt qua các nước khác trong việc áp dụng rộng rãi và thích nghi với tất cả bốn công nghệ.
Trung Quốc hiện có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới – khoảng 25.000 km – và mục đích mở rộng gấp đôi năm 2030.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, tổng thanh toán di động nước này trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 12,7 nghìn tỷ đôla, doanh thu lớn nhất thế giới.
Theo thống kê năm 2017 của PricewaterhouseCoopers, với hơn 700 triệu người sử dụng internet, Trung Quốc cũng là thị trường thương mại điện tử lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Tháng 2/2017, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, có 400 triệu người đăng ký sử dụng xe đạp công cộng và 23 triệu xe đạp công cộng được sử dụng ở Trung Quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43624963
Trẻ uống kháng sinh sớm dễ bị dị ứng
Trẻ em được cho uống thuốc làm giảm acid trong dạ dày như Zantac hay Pepcid dễ bị dị ứng khi còn nhỏ, có lẽ vì thuốc có thể làm thay đổi vi khuẩn trong ruột, theo một cuộc nghiên cứu mới.
Dùng kháng sinh sớm cũng tăng khả năng bị dị ứng trong một cuộc nghiên cứu trên gần 800.000 trẻ em.
Các nhà nghiên cứu theo dõi hồ sơ y tế của các trẻ sinh từ 2001 đến 2013.
9% số này được cho uống thuốc làm giảm acid trong dạ dày, chứng tỏ việc điều trị chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em ngày càng phổ biến.
Trong khoảng 4 năm, hơn phân nửa số trẻ bị dị ứng với thức ăn hay thuốc men, bị ngứa, hen suyễn, hay nóng sốt hoặc những bệnh dị ứng khác. Cuộc nghiên cứu không thể chứng minh được nguyên nhân, nhưng sự liên hệ với thuốc làm giảm acid trong dạ dày và thuốc kháng sinh rất rõ ràng.
Đối với trẻ em uống thuốc làm giảm acid dạ dày trong 6 tháng tuổi đầu tiên, nguy cơ dị ứng với thực phẩm tăng gấp đôi; nguy cơ bị dị ứng phấn hoa cao hơn 50%. Đối với trẻ em đã uống thuốc kháng sinh, nguy cơ bị suyễn cao gấp đôi và nguy cơ bị dị ứng phấn hoa cao ít nhất gấp đôi.
Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 2/4 trên tạp san JAMA Pediatrics.
https://www.voatiengviet.com/a/tre-uong-khang-sinh-som-de-bi-di-ung/4329421.html
Những điều cần biêt về cà phê và nguy cơ ung thư
Thẩm phán tòa Tối cao Los Angeles ngày 28/3 ra lệnh các công ty kinh doanh cà phê phải ghi khuyến cáo về bệnh ung thư trên sản phẩm tiêu thụ ở tiểu bang California.
Tuy nhiên, các quan ngại khoa học về cà phê trong những năm gần đây có phần giảm bớt và nhiều cuộc nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng loại thức uống này có thể có lợi cho sức khỏe.
“Dùng ở mức tối thiểu, cà phê không có lợi cũng không có hại. Có chăng là bằng chứng khá tốt cho thấy ích lợi của cà phê đối với bệnh ung thư,” bác sĩ Edward Giovannucci, một chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Y tế Cộng đồng Harvard.
Hai năm trước, cơ quan chuyên trách ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới bỏ tên cà phê ra khỏi danh sách “chất có thể sinh ung thư” dù họ nói rằng bằng chứng chưa đủ để nói rằng cà phê không có vai trò gì trong vấn đề ung thư.
Phán quyết mới nhất của tòa không phải nhắm mục tiêu cà phê mà là nhắm vào chất acrylamide phát sinh khi hạt cà phê được rang lên. Các cơ quan chính phủ gọi chất này có thể hoặc có phần chắc là chất sinh ung thư, dựa vào nghiên cứu trên động vật. Một nhóm hoạt động đâm đơn kiện đòi các nhà kinh doanh cà phê phải khuyến cáo về chất này, chiếu theo luật ở California được thông qua hồi năm 1986.
Vấn đề là không ai biết được ở mức độ nào thì nguy hiểm, mức độ nào thì an toàn. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đề ra giới hạn về chất acrylamide trong nước uống nhưng không quy định cho thức ăn.
“Mỗi ngày một tách cà phê, mức độ phơi nhiễm với chất này không cao mấy,” và có lẽ cũng không nên thay đổi thói quen, theo lời bác sĩ Bruce Y. Lee thuộc Đại học Y tế Cộng đồng Johns Hopkins. “Nếu quý vị uống nhiều tách cà phê mỗi ngày, đó là một trong những lý do khiến quý vị có thể phải coi lại và bớt giảm.”
Sau đây là các nguy cơ được nhắc tơi nhiều.
Hóa chất
Yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư mà mọi người biết đến là hút thuốc, vốn tạo ra chất acrylamide . Về thức ăn, khoai tây chiên, bánh mặn, bánh ngọt, ngũ cốc chế biến và các loại thực phẩm giàu carbohydrate có chứa chất acrylamide như một phó phẩm của các hoạt động chế biến từ rang, nung, nướng, tới chiên.
Thậm chí một số thực phẩm trẻ em cũng có chứa chất acrylamide như các loại bánh bích-quy cho trẻ ăn dặm.
Nguy cơ thế nào?
Các nhà khoa học dán nhãn chất có khả năng hay có phần chắc sinh ung thư dựa trên các cuộc nghiên cứu các loài động vật được cho uống nước chứa nhiều chất acrylamide. Tuy nhiên, tỷ lệ con người và động vật hấp thu hóa chất này cũng như trao đổi chất cũng khác nhau. Cho nên vẫn chưa rõ sự tương quan của chất này đối với sức khỏe con người.
Một nhóm 23 nhà khoa học, do cơ quan chuyên trách ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới triệu tập, nghiên cứu cà phê, không phải nghiên cứu trực tiếp chất acrylamide, và quyết định rằng cà phê có phần chắc không gây ung thư vú, tiền liệt tuyến, hay tuyến tụy và rằng dường như còn góp phầ hạ giảm nguy cơ bị ung thư gan và tử cung. Các bằng chứng không thích hợp để xác định tác động của cà phê đối với hàng chục loại ung thư khác.
Luật California
Kể từ năm 1986, các doanh nghiệp được yêu cầu phải đăng khuyến cáo về các hóa chất gây ung thư hay gây rủi ro cho sức khỏe.
Bác sĩ Otis Brawley thuộc Hội ung thư Mỹ nói “Vấn đề ở đây là liều lượng, và mức độ acrylamide có trong cà phê, vốn rất nhỏ, so với việc hút thuốc lá. Tôi cho rằng chúng ta không nên lo lắng về một tách cà phê.”
Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Amy Trenton-Dietz tại Đại học Wisconsin-Madison nói luật của California trái với những gì các khoa học gia đã tìm thấy.
“Các cuộc nghiên cứu trên người cho thấy có chăng đi nữa, cà phê bảo vệ chúng ta trước một số loại ung thư. Miễn là người ta đừng bỏ quá nhiều chất làm ngọt hay nhiều đường vào cà phê, trà và nước thì đây là những loại nước giải khát tuyệt vời nhất cho chúng ta.”
Theo AP
https://www.voatiengviet.com/a/nhung-dieu-can-biet-ve-ca-phe-va-nguy-co-ung-thu-/4329409.html
Vụ kiện Trump quấy nhiễu tình dục:
bên bị đơn kháng cáo
Các luật sư của Tổng thống Donald Trump yêu cầu một Tòa án Phúc thẩm tiểu bang New York bác hay ngưng vụ kiện về tội phỉ báng do một cựu thí sinh chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” (Nhân viên Tập sự) đệ trình, cáo buộc ông Trump hôn hít và sờ mó không có sự đồng ý của đương đơn.
Đơn kháng cáo được gởi lên Tòa án ngày Chủ Nhật 1/4.
Các luật sư ông Trump thách thức phán quyết của một thẩm phán Manhattan hồi tháng trước, qua đó, thẩm phán từ chối ngưng vụ kiện của cựu thí sinh “The Apprentice” Summer Zervos.
Các luật sư của ông Trump muốn Tòa Phúc thẩm ngưng vụ kiện trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
Ông Trump phủ nhận có những tiếp xúc tình dục với cô Zervos. Cô Zervos kiện ông Trump vì đã gọi cô là một người nói dối và đòi ông phải xin lỗi và bồi thường ít nhất 2.914 đô la.
Các luật sư của Tổng thống nói bình luận của ông Trump là “quan điểm không có tính cách phỉ báng.”
Luật sư của cô Zervos, Mariann Wang, nói cô tin là phán quyết của tòa dưới có “lý lẽ vững chắc” sẽ được giữ nguyên.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-kien-trump-quay-nhieu-tinh-duc-ben-bi-don-khang-cao/4329388.html
Mỹ sắp công bố
danh sách hàng Trung Quốc bị áp thuế
Chính quyền Mỹ trong tuần này sẽ công bố một danh sách các mặt hàng công nghệ tiên tiến Trung Quốc chịu thuế nhập khẩu để trừng phạt Bắc Kinh về chính sách chuyển giao công nghệ, một động thái sẽ gây căng thẳng trong thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thuế quan Mỹ đánh vào các mặt hàng nhập khẩu hàng năm trị giá từ 50 đến 60 tỉ đô la dự kiến nhắm vào các sản phẩm hưởng lợi từ chương trình phát triển công nghiệp của Bắc Kinh mang tên ‘Made in China 2025” . Tuy nhiên, có thể phải mất trên hai tháng trước khi chính sách thuế nhập khẩu có hiệu lực, các giới chức chính quyền Trump cho biết.
Trước ngày 6/4, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phải công bố danh sách các sản phẩm của Trung Quốc theo tuyên bố về thuế quan của Tổng thống Trump ký ngày 22/3.
Các mức thuế này nhằm buộc chính phủ Trung Quốc phải thay đổi những chính sách mà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói là kết quả của việc chuyển giao “phi kinh tế” tài sản trí tuệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Cuộc điều tra “Điều khoản 301” của cơ quan vừa kể cho phép đánh thuế với những cáo buộc rằng Trung Quốc đã mưu tìm một cách có hệ thống thủ đắc tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp qua những đòi hỏi về liên doanh, những qui định cấp phép không công bằng, các thương vụ mua lại các công ty công nghệ Mỹ bằng tiền tài trợ của nhà nước và đánh cắp một cách lộ liễu.
Trung Quốc phủ nhận việc luật lệ của nước này đòi hỏi chuyển giao công nghệ và đe dọa trả đũa chống lại bất cứ thuế quan nào của Mỹ bằng những chế tài thương mại của riêng họ, có thể nhằm vào các mặt hàng của Mỹ như đậu nành, máy bay hay trang cụ nặng.
Ngày Chủ Nhật 1/4, Bắc Kinh áp đặt thêm thuế quan lên đến 25% lên 128 sản phẩm Hoa Kỳ trong đó có thịt heo đông lạnh, cũng như rượu vang và một vài loại trái cây và hạt để đáp trả thuế quan cao đối với nhôm và thép nhập khẩu được chính quyền ông Trump loan báo trong tháng qua.
Càng ngày càng có nhiều quan ngại rằng hai nước có thể lâm vào một cuộc chiến tranh thương mại phá hoại sự tăng trưởng toàn cầu.
Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc, Peter Navarro, tuần trước tuyên bố là thuế quan theo Điều khoản 301 sẽ chú trọng vào những ngành công nghiệp Trung Quốc hưởng lợi từ kế hoạch “Made in China 2015” vốn muốn thay thế hàng nhập khẩu công nghệ hiện đại bằng các sản phẩm trong nước.
Chương trình 2025 do nhà nước chỉ đạo nhắm vào 10 ngành công nghiệp chiến lược: công nghệ thông tin tiên tiến, rô-bốt, máy bay, đóng tàu và kỹ thuật biển, trang bị đường ray tiên tiến, xe năng lượng mới, trang bị phát điện, máy móc nông nghiệp, dược phẩm và các chất liệu tiên tiến.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer khẳng định gìn giữ công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ là “tương lai kinh tế Mỹ.”
Danh sách thuế quan dành cho hàng Trung Quốc có thể bao gồm hàng hóa tiêu dùng như vải vóc, giày dép đã khiến cho những tổ chức doanh nghiệp Mỹ phản đối mạnh mẽ vì cho rằng sẽ làm cho giá cả hàng hóa gia tăng đối với người tiêu dùng Mỹ.
Dù có những tiếp xúc giữa các thành viên cao cấp của chính quyền ông Trump với những đối tác Trung Quốc kể từ khi ông Trump loan báo ý định áp đặt thuế quan, nhưng ít có bằng chứng về những cuộc thảo luận tích cực ngăn chặn việc này.
https://www.voatiengviet.com/a/my-sap-cong-bo-danh-sach-hang-trung-quoc-bi-ap-thue/4329343.html
Trump mời Putin thăm Tòa Bạch Ốc
Tổng thống Donald Trump đề nghị Tòa Bạch Ốc là nơi họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân cuộc điện đàm tháng trước khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về khả năng họp với nhau, theo loan báo của một phụ tá Điện Kremlin ngày 2/4.
Kể từ cuộc điện đàm hôm 20/3 tới nay, tiến trình chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh không tiến triển vì xích mích ngoại giao, ông Yuri Ushakov, phụ tá tại Điện Kremlin cho biết.
“Khi hai Tổng thống nói chuyện qua điện thoại, ông Trump đề nghị tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Washington, trong Tòa Bạch Ốc,” ông Ushakov tiết lộ trong cuộc họp báo.
“Ông Trump gọi ông Putin hồi tháng rồi để chức mừng ông Putin đắc cử.” Ông Ushakov nói ông tin rằng ông Trump và ông Putin sẽ gặp nhau một ngày không xa.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders không xác nhận Tổng thống Trump có lời mời tới ông Putin, nhưng cho biết hai ông đã thảo luận một số nơi họp thượng đỉnh trong đó có Tòa Bạch Ốc.
Tiếp đón ông Putin tại Tòa Bạch Ốc thay vì một địa điểm trung lập khác, có thể khơi bùng lên những chỉ trích nội địa, những người tố cáo Nga có hành động thù nghịch chống các nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ.
Kể từ cuộc điện đàm ngày 20/3, Washington đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa một tòa lãnh sự Nga vì cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga cùng con gái ông này tại Anh.
Nga phủ nhận sự dính líu và trả đũa bằng các biện pháp tương tự.
Ông Ushakov nói “Trước tình trạng này, khó thảo luận về khả năng họp thượng đỉnh.”
“Chúng tôi muốn hy vọng là một ngày nào đó, vào một thời điểm nào đó, chúng ta có thể đạt tới khởi điểm một cuộc đối thoại nghiêm túc và xây dựng,” ông Ushakov nhấn mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-moi-putin-tham-toa-bach-oc/4329254.html
TT Trump: ‘người vượt biên đánh cắp nước Mỹ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai 2/4, trong hai ngày liên tiếp, đã lên tiếng phản đối việc người nhập cư bất hợp pháp từ ngỏ Mexico vào Mỹ, và cho rằng nước Mỹ đang bị người di cư “đánh cắp.”
Ông than phiền về một con số khoảng 1.100 người từ Mexico đang vượt biên vào Mỹ nhằm trốn nạn đói nghèo và bạo lực ở Trung Mỹ để sau này xin qui chế tị nạn tại Hoa Kỳ.
Ông Trump viết trên Twitter: “Mexico hoàn toàn có quyền ngăn những ‘đoàn người’ này, không cho vào Mexico.”
Theo Tổ chức Người không biên giới, những người vượt biên này chủ yếu đến từ Honduras, họ có kế hoạch đi dọc từ nam lên bắc Mexico và vượt biên giới vào Hoa Kỳ.
Vào năm ngoái hai nhóm nhỏ đi đến Hoa Kỳ. Cho đến nay, có ba người trong số 200 người xin tị nạn đã thành công, phần còn lại vẫn chưa được quyết định.
Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống Trump nói: “Quốc hội phải ngay lập tức thông qua Luật Biên giới… để ngăn chặn đường dây ma túy và người vượt biên.”
Hôm 1/4 ông Trump viết trên Twitter rằng sẽ không có một thỏa thuận về việc hợp pháp hóa tình trạng của các của các di dân trẻ được cha mẹ bất hợp pháp đưa tới Mỹ khi còn nhỏ (còn gọi là DACA), và tuyên bố thêm rằng biên giới Mỹ và Mexico ngày càng nguy hiểm.
Sau khi gửi lời chúc mừng lễ Phục sinh, ông Trump viết sẽ “không có thỏa thuận về DACA”, đồng thời đổ lỗi cho phe Dân chủ về sự nguy hiểm gia tăng ở biên giới Mỹ và Mexico.
Ông Trump từng tuyên bố để ngỏ việc đàm phán một thỏa thuận với các nhà lập pháp Dân chủ muốn bảo vệ chương trình DACA để đổi lấy khoản ngân sách dành cho việc xây dựng tường ngăn trên biên giới với Mexico.
Trên Twitter, ông Trump hôm 1/4 cũng viết rằng Mexico làm “rất ít, nếu không nói là không làm gì” để ngăn chặn dòng người vượt biên giới phía nam.”
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-nguoi-vuot-bien-danh-cap-nuoc-my/4328953.html
Philippines theo chân Singapore,
điều tra vụ Grab thâu tóm Uber
Cơ quan chống độc quyền của Philippines hôm 3/4 bắt đầu xem xét vụ Grab mua lại hoạt động kinh doanh của đối thủ Uber ở Đông Nam Á vì cho rằng thỏa thuận này có thể gây tổn hại tới việc cạnh tranh lành mạnh.
Grab và Uber thông báo quyết định mua bán một tuần trước, đánh dấu cuộc “triệt thoái” thứ hai của công ty Mỹ khỏi thị trường châu Á. Theo Reuters, trước đó, Uber đã bán chi nhánh ở Trung Quốc.
Quyết định của Philippines tiếp sau một động thái tương tự của Singapore tuần trước.
Một nước Đông Nam Á khác là Malaysia cũng cho biết sẽ điều tra xem liệu vụ mua bán này có cản trở việc cạnh tranh hay không.
Reuters dẫn lại tuyên bố của Ủy ban chống độc quyền của Philippines nói rằng công chúng và các tài xế có thể bị ảnh hưởng vì tác động của vụ thâu tóm này.
Hãng tin Anh dẫn lời một nữ phát ngôn viên của Grab nói rằng công ty sẽ bình luận về vấn đề trên sau khi nhận được thông báo chính thức từ cơ quan chống độc quyền của Philippines.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Uber nói rằng Grab sẽ là công ty phát ngôn về chuyện này.
Hoạt động của Uber ở Philippines sẽ chấm dứt vào ngày 8/4.
Cơ quan phụ trách về giao thông vận tải của Philippines khống chế con số xe tham gia dịch vụ vận chuyển hành khách của mọi hãng ở mức 65 nghìn xe và xét lại con số này ba tháng một lần.
Vụ mua bán giữa Grab và Uber cũng dẫn tới ảnh hưởng ở Việt Nam và theo báo chí trong nước, ứng dụng của Uber sẽ “biến mất” tại thị trường trong nước từ ngày 8/4 tới.
Tờ Dân Trí còn dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết rằng lo ngại độc quyền khi Grab mua Uber có thể “chỉ đúng một phần”.
Quan chức này được trích lời nói nói rằng “việc cạnh tranh của Uber, Grab không còn nữa nhưng vẫn còn các đơn vị khác cạnh tranh với Grab và tuân theo luật cạnh tranh…”
Hiện chưa rõ Việt Nam có sẽ theo chân các nước Đông Nam Á khác, điều tra vụ mua bán giữa Grab và Uber hay không.
TQ khẳng định nỗ lực thiết lập quan hệ với Vatican
Trung Quốc có những nỗ lực thực sự hướng tới thiết lập quan hệ với Vatican, một quan chức Trung Quốc phát biểu hôm 3/4, vào lúc kỳ vọng gia tăng về việc Tòa thánh và Bắc Kinh sẽ đạt được thỏa thuận lịch sử về việc bổ nhiệm các giám mục.
Người Công giáo Trung Quốc bị chia thành những người đi lễ ở các nhà thờ có các giám mục quản xứ được chính quyền phê chuẩn, và những người đi lễ ở các nhà thờ bị coi là bất hợp pháp trên giấy tờ, phần lớn các nhà thờ đó trung thành với Vatican.
Mối quan hệ đầy đủ sẽ mang lại cho Giáo hội khuôn khổ pháp lý để chăm sóc tất cả 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc và tiếp đến là tập trung vào sự phát triển Công giáo ở một quốc gia nơi các nhà thờ Tin Lành đang phát triển nhanh chóng.
Một phái đoàn Vatican đã thăm Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Khi đó, các chi tiết của một thỏa thuận khung đã được bàn bạc. Thỏa thuận này rốt cuộc có thể dẫn đến quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Bắc Kinh.
“Từ góc nhìn của chính phủ chúng tôi, chúng tôi luôn duy trì một mong muốn chân thành về cải thiện mối quan hệ, và chính phủ Trung Quốc đã luôn có nỗ lực thật sự (theo hướng này)”, ông Chen Zongrong, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tôn giáo, phát biểu tại một cuộc họp báo.
Lời phát biểu hôm 3/4 được đưa ra sau tuyên bố của Vatican hôm 29/3 rằng mặc dù đối thoại giữa hai bên vẫn tiếp tục, song không phải là thoả thuận sắp được kí kết, sau khi có tin cho rằng thỏa thuận có thể hoàn tất vào tháng 3.
Theo thỏa thuận chính thức được trông đợi, Vatican sẽ có tiếng nói trong các cuộc đàm phán về bổ nhiệm các giám mục trong tương lai.
Một vấn đề khác cần được giải quyết là Đài Loan tự trị. Đài Loan duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican. Tuy nhiên, Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh phản nghịch, không có quyền hưởng quan hệ cấp nhà nước.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-khang-dinh-no-luc-thiet-lap-quan-he-voi-vatican/4330257.html
Mexico ngỏ ý cấp quy chế tị nạn
cho di dân từ Trung Mỹ
Chính phủ Mexico thông báo cấp quy chế tị nạn cho những ai hội đủ điều kiện trong đoàn người di dân vừa tới từ các nước Trung Mỹ, vốn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lo ngại trước đó.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ hôm 2/4 cho biết rằng đoàn xe chở phần lớn di dân từ các nước Guatemala, Honduras và El Salvador từng thực hiện các chuyến đi tương tự từ năm 2010 để trốn chạy hiểm nguy ở quê nhà.
Các bộ trên tuyên bố rằng chính sách nhập cư của Mexico tôn trọng quyền của các di dân, và không thúc đẩy việc di cư trái phép.
Hai bộ cũng cho biết rằng, chiếu theo luật Mexico, chính quyền nước này đã trả 400 người về nước.
Nhóm “Người dân không biên giới” tổ chức chuyến đi của đoàn xe gồm khoảng 1.100 người.
Cơ quan này hôm 2/4 đã lên án truy trình xét duyệt tị nạn ở Mỹ và Mexico “bất công” và “mang tính trừng phạt”.
“Người dân không biên giới” cho rằng nhiều di dân Honduras trong đoàn xe phải bỏ nước ra đi vì các cuộc khủng hoảng chính trị trong khu vực do “các chính sách của chính phủ Mỹ” gây ra.
Hôm 2/4, ông Trump viết trên Twitter rằng an ninh trên biên giới Mỹ yếu kém và kêu gọi Mexico hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dòng người tràn qua.
https://www.voatiengviet.com/a/mexico-ngo-y-cap-quy-che-ti-nan-cho-di-dan-tu-trung-my/4330129.html
TQ đánh giá cao nỗ lực của Triều Tiên
về phi hạt nhân hoá
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Triều Tiên hôm 3/4 rằng Trung Quốc đánh giá cao “những nỗ lực quan trọng” của Triều Tiên nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Vương, cũng là một Ủy viên Quốc vụ viện, nói với Ngoại trưởng Ri Yong Ho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã đạt được đồng thuận quan trọng về việc đi đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo trong chuyến thăm của ông Kim ở Bắc Kinh.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương nói: “Trung Quốc đánh giá cao quan điểm của Triều Tiên hướng tới việc phi hạt nhân hoá bán đảo và những nỗ lực quan trọng của họ nhằm giảm bớt tình hình căng thẳng trên bán đảo, và ủng hộ các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Ri nói rằng Triều Tiên sẽ “duy trì liên lạc chiến lược một cách chặt chẽ” với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến bán đảo, và cuộc họp Kim-Tập là một “nút giao quan trọng” trong việc phát triển quan hệ song phương.
Cơ quan thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cho hay phái đoàn do ông Ri đứng đầu đã lên đường hôm 3/4 để gặp các bộ trưởng ngoại giao khác ở Azerbaijan và tới thăm Nga, nhưng không đề cập đến Trung Quốc.
Trước đó, trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis, ông Vương nói ông hy vọng cuộc gặp theo kế hoạch vào tháng 5 giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau”.
Ông Vương nói thêm: “Nhưng kinh nghiệm từ lịch sử mách bảo chúng ta rằng vào thời điểm tình hình căng thẳng trên bán đảo giảm bớt và vào lúc lóe lên ánh bình minh hòa bình và đối thoại, cũng thường xuất hiện các nhân tố gây xáo trộn”.
“Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên duy trì sự tập trung, loại bỏ những nhiễu loạn, và kiên định đi theo con đường đúng đắn là đối thoại và đàm phán,” ông nói.
Ông Cassis cho hay rằng ông sẽ thảo luận với ông Vương về vai trò mà Thụy Sĩ có thể nắm trong các cuộc gặp gỡ chiến lược giữa ông Kim và “một số đối tác quan trọng ở cấp quốc tế”, nhưng ông không đi vào chi tiết.
Vẫn chưa rõ thời gian và địa điểm của cuộc họp Trump-Kim để thảo luận về phi hạt nhân hóa. Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ vào ngày 27/4, theo thông tin từ Hàn Quốc.
Zuckerberg :
Facebook cần vài năm để giải quyết vấn đề
Sau vụ tai tiếng Cambridge Analytica khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng mạng xã hội Facebook, tổng giám đốc Mark Zuckerberg tiếp tục xuất hiện trên truyền thông để « chữa cháy ». Trả lời kênh truyền thông Vox của Mỹ ngày 02/04/2018, nhà sáng lập Facebook đã yêu cầu cần có thời gian, thậm chí là nhiều năm, để giải quyết vấn đề của mạng xã hội có 2 tỉ người sử dụng.
Thông tín viên RFI Eric de Salve tường trình từ California :
« Để có được một mạng Facebook thật sự bảo vệ đời tư, thì còn phải kiên nhẫn thêm vài năm nữa.
Trong buổi phỏng vấn dài 40 phút với trang thông tin Mỹ Vox, ông Mark Zuckerberg thú thực : Tôi mong giải quyết mọi chuyện trong vòng ba hoặc sáu tháng, nhưng trên thực tế, việc này sẽ cần nhiều thời gian hơn. Chúng tôi sẽ thoát khỏi những vấn đề này, nhưng cần đến vài năm.
Sau vụ tai tiếng công ty Cambridge Analytica, từng làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump và phe chống Brexit ở Anh Quốc, sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng Facebook, nhà tỉ phú 33 tuổi Zuckerberg, thường rất kín đáo, đã không ngừng xin lỗi trên các phương tiện truyền thông.
Ông nói Facebook đã phạm lỗi vì lý tưởng hóa, chỉ nhận thấy sự gần gũi giữa con người mà không tính đến mối nguy hiểm. Nhà sáng lập mạng xã hội có hơn 2 tỉ người dùng phải thừa nhận : Chúng tôi đã không dành nhiều thời gian để nghiên cứu và suy nghĩ về mặt xấu trong cách dùng của nhiều công cụ, vậy mà trước đó, ông thường bác bỏ những vấn đề này.
Zuckerberg cũng đáp lại những lời chỉ trích của Tim Cook. Đối với tổng giám đốc tập đoàn Apple, vấn đề của Facebook thực ra là theo một mô hình kinh tế dựa trên việc kiếm tiền từ dữ liệu của người sử dụng. Zuckerberg đáp lại rằng chắc mô hình dựa trên quảng cáo là mô hình duy nhất hợp lý ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180403-zuckerberg-facebook-can-vai-nam-de-giai-quyet-van-de
Công nhân ngành hỏa xa Pháp
khởi sự đợt đình công kéo dài 3 tháng
Ngày 03/04/2018, những ai sử dụng xe lửa tại Pháp đều phải trải qua một « Thứ Ba Đen Tối », với ngày đầu tiên của phong trào đình công trong ngành đường sắt, đã được lên kế hoạch kéo dài trong ba tháng. Cuộc đình công có dấu hiệu rất được hưởng ứng, với ba phần tư giới tài xế xe lửa tham gia.
Theo ban giám đốc Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp – SNCF, có đến 7 trên 8 các chuyến tàu cao tốc TGV bị hủy bỏ, trong lúc chỉ có 1/5 các chuyến tàu liên tỉnh TER và Intercités là được bảo đảm. Một cách cụ thể, nếu tàu cao tốc Thalys đến Bỉ và Hà Lan vẫn hoạt động gần như bình thường, và 3 trên 4 chuyến Eurostar đến Luân Đôn vẫn chạy, thì hầu như toàn bộ các chuyến TGV đi Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Ý đều bị hủy bỏ.
Tại khu vực Paris và vùng phụ cận, hệ thống tàu Transilien và RER cũng bị tác động đáng kể, có những tuyến hầu như phải đóng 100%.
Theo số liệu của cơ quan đường sắt, có đến 48% nhân viên hỏa xa đình công, một tỷ lệ lên đến 77% trong giới tài xế xe lửa. Tỷ lệ người tham gia đình công như vậy đã cao hơn mức của ngày 22/03 vừa qua.
Vấn đề là cuộc đình công lần này có thể kéo dài ba tháng vì 4 công đoàn chính của ngành đường sắt là CGT, Unsa, SUD, CFDT đã quyết định đình công 2 ngày trên 5, cho đến ngày 28/06, tác hại đến khoảng cho 4,5 triệu hành khách sử dụng xe lửa tại Pháp.
Phong trào đình công này được coi là thách thức nghiêm trọng nhất đối với các cải cách ngành đường sắt của tổng thống Emmanuel Macron, được giới doanh nghiệp và đối tác của Pháp hoan nghênh, nhưng lại vấp phải sự phản đối của các công đoàn và người lao động.
Hôm nay, không chỉ có ngành xe lửa đình công. Nhân viên của hãng hàng không Pháp Air France cũng đình công đòi tăng 6% lương, cùng với công nhân vệ sinh, nhân viên một số ngành năng lượng của Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20180403-cong-nhan-nganh-hoa-xa-phap-khoi-su-dot-dinh-cong-keo-dai-3-thangokkk
Hàn Quốc : TT Moon Jae In xin lỗi quốc dân
về vụ thảm sát 1948-1949
Tổng thống Hàn Quốc đến đảo Jeju ngày 03/04/2018, đại diện Nhà nước xin lỗi người dân về một cuộc thảm sát diễn ra vào giữa những năm 1948-1949, và bắt đầu đúng vào ngày 03/04/1948, cách đây 70 năm : 10% dân chúng tại Jeju đã bị quân đội chính phủ tàn sát với lý do diệt trừ Cộng Sản.
Đây là một vết đen của lịch sử Hàn Quốc, từng bị cấm nhắc đến trong một thời gian dài nên ít người biết đến. Tổng thống Moon Jae In là nguyên thủ đầu tiên tham gia lễ tưởng niệm nạn nhân tại Jeju từ 10 năm nay.
Thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tường thuật :
« Với tư cách là tổng thống, một lần nữa tôi bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc về những nỗi đau do bạo lực Nhà nước gây ra ». Ông Moon Jae In tuyên bố như trên với người dân và hứa sẽ tiếp tục điều tra về thảm kịch này.
Vào thời điểm giữa năm 1948 và 1949, trong lúc mà Hàn Quốc vẫn do quân đội Mỹ quản lý, chính quyền độc tài Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman) đã thẳng tay đàn áp một cuộc nổi dậy của người dân trên đảo bị tố là Cộng Sản.
Phụ nữ, trẻ em, người già đã bị hành quyết, làng mạc bị đốt cháy. Khoảng 30.000 người đã bị giết chết, tức khoảng 10% dân chúng trên đảo. Vụ thảm sát này trong một thời gian dài là điều cấm kỵ : Các chế độ độc tài kế tiếp nhau ở Seoul đã che đậy vụ thảm sát và cấm nạn nhân ra làm chứng.
Chỉ đến tháng Giêng năm 2000 một ủy ban điều tra mới được thành lập. Năm 2003, tổng thống Roh Moo Hyun đưa ra những lời xin lỗi chính thức đầu tiên, nhưng cánh bảo thủ Hàn Quốc vẫn phủ nhận vụ thảm sát này.
Với những lời xin lỗi lập lại hôm nay, tổng thống Moon Jae In buộc đất nước ông phải đối diện với một trong những trang sách đen tối nhất trong lịch sử của chính nước này.
Truyền hình trực tiếp buổi tuyên án cựu TT Park Geun Hye
Phán quyết của tòa án trong vụ án liên quan đến cựu tổng thống Park Geun Hye, sẽ được truyền hình trực tiếp.
Theo hãng tin Yonhap vào hôm nay, 03/04/2018, phiên tòa tuyên án đối với cựu tổng thống Park Geun Hye về tội tham nhũng sẽ được truyền hình trực tiếp cho dân chúng xem.
Tòa án Seoul đã chấp nhận cho truyền hình buổi ra phán quyết dự kiến vào ngày 06/04/2018. Quyết định này theo hãng tin Hàn Quốc xuất phát từ mối quan tâm đặc biệt của dân chúng.
Bà Park Geun Hye đã bị truất phế tháng 3/2017, do vụ tai tiếng lạm quyền, tham nhũng, dân chúng đã rầm rộ biểu tình đòi bà ra đi. Bà Park Geun Hye đã bị tạm giam từ gần một năm nay và có thể bị kết án đến 30 năm tù.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180403-han-quoc-tt-moon-jae-in-xin-loi-quoc-dan-ve-vu-tham-sat-1948-1949
Miến Điện chấp nhận đón đại diện Hội Đồng Bảo An
Trích lời chủ tịch Hội Đồng Bảo An, hãng tin Pháp AFP ngày 02/03/2018 cho biết : Miến Điện đã chấp nhận cho Hội Đồng Bảo An đến thăm sau nhiều tháng khước từ. Chưa rõ là các đại sứ Liên Hiệp Quốc có được đến bang Rakhine của người Rohingya hay không.
Hội Đồng Bảo An đã đề nghị đến thăm Miến Điện vào tháng Hai, nhưng được trả lời là thời điểm không thuận lợi.
Đại sứ Peru Gustavo Meza-Cuadra, chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, cho biết cần phải hoàn tất chi tiết chuyến đi, nhất là vấn đề đến bang Rakhine, vì cần đến hiện trường để nắm rõ tình hình.
Đoàn đại sứ Liên Hiệp Quốc cũng dự kiến đến thăm trại tị nạn người Rohingya tại Cox Bazar ở Bangladesh, nhưng chưa ấn định thời điểm.
Hiện có gần 700.000 người Rohingya sống ở bang Rakhine đã chạy lánh nạn sang Bangladesh từ tháng 8 năm ngoái.
Liên Hiệp Quốc từng tố cáo Miến Điện thanh lọc chủng tộc, phía Miến Điện luôn phản bác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180403-mien-dien-chap-nhan-don-dai-dien-hoi-dong-bao-an
Hai miền Triều Tiên diễu hành chung tại ASIAD 2018
Hai miền Triều Tiên đã nhất trí thúc đẩy lập một đoàn vận động viên hai miền để diễu hành chung tại lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 2018, được tổ chức tại Indonesia.
Thông tin được hãng tin Yonhap công bố ngày 03/04/2018 sau buổi họp tại Bình Nhưỡng giữa bộ trưởng Thể Thao Bắc Triều Tiên Kim Il Guk và bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Do Jong Whan.
Hai miền từng diễu hành chung dưới là cờ thống nhất tại lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội Mùa Đông và Thế Vận Hội dành cho người tàn tật Pyeongchang. Vì vậy, bộ trưởng hai miền tỏ ra lạc quan có thể làm tương tự tại Đại Hội Thể Thao Châu Á diễn ra vào tháng 08 và 09/2018 tại Jakarta và Palembang, Indonesia.
Theo hãng tin Yonhap, được Reuters trích dẫn, hai bộ trưởng sẽ hoàn thiện mọi chi tiết sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền Nam-Bắc diễn ra vào cuối tháng Tư. Trả lời báo giới, bộ trưởng Hàn Quốc Do Jong Whan hy vọng « thể thao có thể mở ra con đường hòa giải Liên Triều ».
Bộ trưởng Do Jong Whan được cử làm trưởng đoàn nghệ thuật Hàn Quốc sang biểu diễn tại Bắc Triều Tiên từ ngày 31/03. Đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc có buổi trình diễn thứ hai và cũng là buổi cuối cùng vào tối 03/04 cùng với các đồng nghiệp Bắc Triều Tiên.
Trên lĩnh vực đối ngoại, ngoại trưởng bắc Triều Tiên Ri Yong Ho, đang công du Bắc Kinh và hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị và sẽ đến Nga trong khuôn khổ vòng công du nước ngoài. Thông tin được đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng công bố hôm nay trên trang Facebook.
Còn theo hãng tin Nhật Kyodo, sau Nga, bộ trưởng Bắc Triều Tiên sẽ thăm nhiều nước thuộc khối Xô Viết cũ. Ông cũng có thể tham gia một cuộc họp của Phong trào các nước không liên kết tại Azerbaïdjan. Khối này hiện có khoảng 120 thành viên không muốn liên kết với bất kỳ cường quốc nào trên thế giới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180403-hai-mien-trieu-tien-dieu-hanh-chung-tai-asiad-2018-0
Nga hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ về hạt nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm nay, 03/04/2018, bắt đầu chuyến công du 2 ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày mai, ông sẽ họp với hai đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về Syria, nhưng riêng hôm nay, ông đã gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về quan hệ song phương với hồ sơ chủ yếu là hạt nhân.
Theo kế hoạch, tổng thống Putin và đồng nhiệm Erdogan khai trương công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ mà tổng thống Erdogan mong muốn từ nhiều năm qua.
Thông tín viên RFI, Alexandre Billette, từ Istanbul cho biết thêm chi tiết :
Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hạt nhân là một biểu tượng mạnh mẽ, một phương thức để phát triển công nghiệp năng lượng riêng của mình… Có điều là trước mắt, nhà máy điện hạt nhân sẽ do Nga xây dựng, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhập uranium cho các lò phản ứng…
Đối với Mehmet Öğütçü, một cựu cán bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một nghịch lý: Đã từ lâu lắm rồi, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có một nhà máy điện hạt nhân. Đó là một biểu tượng, nhưng cũng tăng thêm sự lệ thuộc vào Nga ! Thổ Nhĩ Kỳ đã lệ thuộc vào Nga, vì mua của Nga đến 55% khí đốt, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác ngoại trừ Bulgari. Mục tiêu của chính quyền Ankara là giảm sự lệ thuộc về khí đốt này, nhưng lại một lần nữa quay sang Nga về hạt nhân. Nhưng phải nói là không có sự lựa chọn nào khác ! Những quốc gia khác không muốn giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh vực này.
Thổ Nhĩ Kỳ như thế là đánh cược vào hạt nhân để từ đây đến 2023 trở thành hội viên của câu lạc bộ năng lượng hạt nhân … Đây là một dự án vô cùng nhạy cảm, có khả năng bảo đảm, trong trường hợp tốt nhất, dưới 5% sản lượng điện quốc gia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180403-nga-ho-tro-tho-nhi-ky-ve-hat-nhan
NATO : Các nước Baltic
yêu cầu Mỹ tăng viện quân và phòng không
Lãnh đạo các nước vùng Baltic sẽ yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thêm quân đến Baltic và tăng cường phòng không ở sườn đông của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO. Đây là một trong những chủ đề nghị sự trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 03/04/2018 nhằm thể hiện lập trường cứng rắn đối với Nga.
Theo một quan chức cấp cao Litva, xin ẩn danh, tổng thống ba nước Litva Dalia Grybauskaite, Estonia Kersti Kaljulaid và Latvia Raimonds Vejonis sẽ yêu cầu Hoa Kỳ đưa các hệ thống phòng chống tên lửa Patriot thường xuyên đến nơi đây hơn để các nước có thể cùng tập trận.
Ngoài ra, ba nước Baltic còn muốn được tham gia vào hệ thống lá chắn tên lửa của NATO tại châu Âu vì, theo nữ tổng thống Litva Grybauskaite, phát biểu trên đài phát thanh LRT, « không phận của các nước Baltic cần phải được bảo vệ và phòng thủ tốt hơn ». Ba nước Baltic đã tôn trọng nguyên tắc của NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh Mỹ và các nước vùng Baltic còn có một diễn đàn kinh tế. Litva dự kiến ký nhiều hợp đồng nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ, với khối lượng lớn hơn, để tránh bị phụ thuộc vào tập đoàn Gazprom của Nga.
Ba nước Baltic, với tổng dân số là 6 triệu người, từng bị chiếm đóng và sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết trong Thế Chiến II. Cả ba nước giành lại độc lập vào năm 1991, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO vào năm 2004.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180403-nato-cac-nuoc-baltic-yeu-cau-my-tang-vien-quan-va-phong-khong