Quan ngại thượng đỉnh liên Triều bỏ qua nhân quyền

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan ngại thượng đỉnh liên Triều bỏ qua nhân quyền

SEOUL — Các quan chức cao cấp của Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức hội đàm tại một làng đình chiến ở biên giới hôm thứ Năm và nhất trí ngày 27 tháng 4 sẽ là ngày họp hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Các cuộc thảo luận này là diễn biến mới nhất trong một loạt các sáng kiến ngoại giao của Bình Nhưỡng nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong Un trong tuần này tới TC và cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5.

 

Tuy nhiên, những người đào tị Triều Tiên đang bày tỏ lo ngại rằng sự đàn áp và những vụ vi phạm nhân quyền lâu nay do giới lãnh đạo Bình Nhưỡng thực hiện sẽ bị lãng quên trong chiến dịch “lấy lòng” của Triều Tiên.

Các nhà hoạt động nhân quyền ở Seoul gần đây đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ trước Dinh Ngói Xanh của Tổng thống để đòi các hội nghị thượng đỉnh hạt nhân sắp tới với Triều Tiên cũng phải bàn về những hành động tàn bạo gây ra bởi chính quyền chuyên chế ở Bình Nhưỡng.

Ông Kim Tae-Hoon, thuộc tổ chức Luật sư vì Nhân quyền và Thống nhất Triều Tiên, nói:

“Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba về giải trừ hạt nhân, một hội nghị sẽ quyết định vận mệnh của bán đảo Triều Tiên, không thể tiến hành mà phớt lờ nhân quyền của người dân Triều Tiên.”

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã xác nhận có kế hoạch tham gia các cuộc hội đàm giải trừ hạt nhân, trong chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh, nơi ông hội kiến Chủ tịch TC Tập Cận Bình.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 27/4. Lần gần đây nhất mà các nhà lãnh đạo hai miền Nam, Bắc gặp nhau là vào năm 2007.

Chấm dứt chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên sẽ là trọng tâm chính của cả hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4, và cuộc hội kiến giữa Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5.

Vấn đề có phần chắc sẽ không nằm trong nghị trình là sự đàn áp rộng khắp mà nhà nước chuyên quyền này cố tìm cách che giấu. Liên Hiệp Quốc đã thu thập tư liệu về các nhà tù chính trị bí mật ở Triều Tiên và các trường hợp bị tra tấn, hãm hiếp và sát nhân được nhà nước bảo trợ.

Một số người ủng hộ nỗ lực giao tiếp của Hàn Quốc nói rằng tập trung vào những vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên vào lúc này sẽ làm suy yếu cơ hội đạt được một thỏa thuận hạt nhân.

Đó là lập luận làm nhiều người đào tị và những người ủng hộ nhân quyền bất bình.

“Tôi nghĩ thật là đau lòng vì làm như vậy là phớt lờ nỗi đau đớn của người dân Triều Tiên,” Lee Han-byeol, một người Triều Tiên đào tị, phát biểu.

Jung Kwang-il, một trong số những người đào tị Triều Tiên đầu năm nay đã gặp gỡ ông Trump trong Tòa Bạch Ốc, thoạt tiên cảm thấy được khích lệ vì Tổng thống Mỹ quan tâm tới những hành vi tàn bạo đang diễn ra ở Triều Tiên.

“Ông ấy nói rằng ông ấy biết tình hình nhân quyền ở Triều Tiên rất tệ, nhưng không biết lại tệ đến vậy,” anh nói.

Nhưng giờ anh lo ngại Mỹ cũng có vẻ sẵn sàng gạt nhân quyền sang một bên để đạt được thỏa thuận hạt nhân.

Theo https://www.voatiengviet.com/a/quan-ngai-thuong-dinh-lien-trieu-bo-qua-nhan-quyen/4323116.html