Kim Chính Ân thân chinh đến Bắc Kinh!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kim Chính Ân thân chinh đến Bắc Kinh!

Cuối cùng Bắc Kinh đã phải “công khai” sự kiện lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân (Kim Jong Un) đã thân chinh đến Bắc Kinh, hội kiến cùng với lãnh tụ Tập Cận Bình trong chuyến đi ngắn ngủi từ 25 đến 28 tháng 3 vừa qua.

Việc giữ kín chuyến đi là “truyền thống” của các lãnh tụ Bắc Hàn vì sợ… ám sát. Tuy nhiên, việc anh Ân đã phải thân chinh đến Bắc Kinh kể từ khi lên nối ngôi cha là ông Kim Chính Nhật bị đột tử vào ngày 19 tháng 12 năm 2011 là một sự kiện lạ.

Nói một cách khác là trong hơn 6 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền lực thống trị ở Bắc Triều Tiên, Kim Chính Ân không hề đi ra nước ngoài, kể cả việc không bao giờ thân chinh đến Bắc Kinh để gặp các lãnh tụ Trung Quốc như ông nội (Kim Nhật Thành) và cha ruột (Kim Chính Nhật) đã từng làm.  Kim Chính Ân viện lý do bận rộn công việc, nhưng trong thực tế là anh Ân rất sợ bị thích khách ám sát do cung cách hành xử quái đản và nhất là đã gây ra quá nhiều nợ máu đối với thuộc cấp trong quá trình củng cố quyền lực độc tôn của mình.

Việc Kim Chính Ân thân chinh đến Bắc Kinh lần này đã tạo ra nhiều dấu hỏi lớn, trong đó phía nào – Bắc Kinh hay Bình Nhưỡng – đưa đề nghị tổ chức cuộc hội kiến giữa ông Tập và họ Kim lần này?

Lý do là nhìn vào phía nào đề nghị người ta sẽ thấy phần nào nội dung và nhất là lý do vì sao có cuộc hội kiến xảy ra vào lúc này khi mà đại diện Bắc Triều Tiên, Nam Hàn và Hoa Kỳ đang có những hội nghị nhằm chuẩn bị các cuộc gặp giữa Tổng thống Moon với lãnh tụ Un (vào ngày 27 tháng 4) và giữa Tổng thống Trump với lãnh tụ Un (dự trù giữa tháng 5).

Cuộc gặp này đa phần là do Bắc Kinh chủ động và đương nhiên Bắc Triều Tiên cũng thấy đây là lúc phải gặp để không làm phật lòng họ Tập, dù trong lòng họ Kim không mấy hài lòng khi Bắc Kinh đứng về phía Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc phong tỏa kinh tế Bình Nhưỡng trong hơn 1 năm vừa qua.

Thứ nhất, Bắc Kinh rất sợ bị mất vai trò “đầu nậu” trong hồ sơ Bắc Triều Tiên đối với Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây. Từ nhiều thập niên qua, Bắc Kinh luôn luôn là kẻ đỡ đầu cho Bình Nhưỡng và vì thế mà mọi sự liên lạc, đàm phán của Hoa Kỳ hay Nhật Bản đều phải đi qua Bắc Kinh trước khi tiếp xúc với Bình Nhưỡng. Do đó, việc Kim Chính Ân đề nghị gặp trực tiếp Tổng thống Donald Trump đã khiến cho họ Tập lo ngại là Trung Quốc sẽ không còn ảnh hưởng lớn lên tình hình bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, khi Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản trực tiếp liên lạc và đàm phán với Bắc Triều Tiên vô hình chung làm cho tư thế chính trị của Trung Quốc ở Á Châu suy thoái và điều đó sẽ tác động vô cùng tiêu cực trong nội bộ của Trung Quốc, trong lúc mà họ Tập đang muốn củng cố vị trí độc tôn của mình. Tức là nội bộ đảng không thấy họ Tập được Thế giới tôn vinh và các ảnh hưởng chính trị bị soi mòn, khi Bắc Kinh không còn là nơi điều phối các biến chuyển tại Bắc Triều Tiên như trước đây nữa.

Thứ ba, then chốt của bài toán Bắc Triều Tiên là bãi bỏ hay tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân. Do đó khi Kim Chính Ân tuyên bố không còn theo đuổi nghiên cứu vũ khí hạt nhân là cú sốc không chỉ cho Hoa Kỳ mà cho cả Bắc Kinh. Vì thế, Bắc Kinh phải gặp Kim Chính Ân để biết rõ ý đồ của Bình Nhưỡng, đồng thời muốn chứng tỏ với thế giới về vai trò “đầu nậu” trong những thương thảo giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ, Nam Hàn sau cuộc gặp sắp tới đây.

Nói tóm lại, việc Bắc Kinh cho phổ biến những hình ảnh đón tiếp linh đình, kể cả những bữa ăn do hai vợ chồng Tập Cận Bình tiếp đãi vợ chồng Kim Chính Ân cho thấy là Bắc Kinh đang muốn cho dư luận thế giới thấy Bình Nhưỡng vẫn còn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc dù Kim Chính Ân có những cuộc gặp song phương với Tổng thống Moon và Tổng thống Trump.

Chuyến đi Bắc Kinh của Kim Chính Ân quả là nước cờ của Bắc Kinh chứ không phải Bình Nhưỡng.

https://chantroimoimedia.com/2018/03/31/kim-chinh-an-than-chinh-den-bac-kinh/