Tin Việt Nam – 29/03/2018
Biểu tình chống Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
tại Paris
Tường An
Theo lời mời của Tổng Thống Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một phái đoàn gồm nhiều viên chức cao cấp đến Pháp nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ Pháp-Việt và 5 năm đối tác chiến lược. Chuyện viếng thăm kéo dài từ ngày 25-28/3. Sáng ngày 26/3, người Việt tại Pháp đã biểu tình để phản đối chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng.
Sáng thứ hai 26/3, từ 6 giờ sáng, dọc từ tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp ở đường Miromenil cho đến Phủ Tổng Thống ở điện Elysée, cảnh sát canh chừng nghiêm ngặt. Trong khi đó, tại Place du Perou, góc đường Miromenil và Messine, Người Việt tại Paris đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình để phản đối sự hiện diện của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp từ ngày 25-28/3 theo lời mời của Tổng Thống Pháp Emanuel Macron nhân dịp kỷ niệm 45 quan hệ Pháp-Việt và 5 năm đối tác chiến lược.
Tổng thống Pháp cần phải phân biệt giữa người dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. – Ông Nguyễn Trọng Nghĩa
Từ 3 giờ sáng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã lái xe từ Rennes lên Paris để tham dự cuộc biểu tình. Ông Nghĩa cho biết tại sao ông nhất quyết vượt đoạn đường trên 400 cây số để có mặt ở đây :
« Chúng ta biết là người tị nạn không thể nào nói chuyện với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, cho nên chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với vị Tổng Thống của nước Pháp: Mỗi sự bang giao, nhất là vấn đề thương mại, những người cộng sản Việt Nam luôn luôn tìm những nguồn lợi cho cá nhân họ và cho đảng phái của họ chứ họ không vì người dân. Và điểm thứ nhì mà quan trọng nhất: Tổng thống Pháp cần phải phân biệt giữa người dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thì lợi dụng lòng yêu nước của người dân cũng như dùng mọi phương thức để bóc lột người dân và hiện nay người dân đang là nạn nhân thì họ đang cố gắng để chống lại »
Là một ngày thứ hai trong tuần, dù bận đi làm, nhưng anh Phan Lâm Khanh cũng lấy ngày nghỉ để :
« Phản đối những hành động phản Nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với những người yêu nước, phản đối sự đàn áp dã man những người dân đòi hỏi nhân quyền, công quyền và công lý tại Việt Nam, để cho Trung cộng tàn phá môi trường Việt Nam »
Đoàn biểu tình đưa cao hình ảnh của các Tù Nhân Lương Tâm cũng như những biểu ngữ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt nói lên chính kiến của mình. Những khẩu hiệu đòi Nhân quyền, Tự Do, Dân Chủ cho Việt Nam cũng được hô vang.
Dù bệnh, Bà góa phụ Đoàn văn Linh cũng đến để góp tiếng nói :
« Hôm nay chị có bệnh hoạn gì chị cũng phải tới. Họ dâng đất cho Tàu, họ dâng nước Việt Nam cho Tàu, họ làm tay sai cho Tàu. Cho nên bổn phận người Việt Nam ngày hôm nay là phải tố cáo bọn bán nước cộng sản Việt nam. Chị nói thật ngày hôm nay chị bệnh nhưng chị ráng chị bò tới đây… »
Một người mới đến Pháp được 3 năm, tình cờ thấy biểu tình, sau khi hỏi lý do và được giải thích, cô cũng đồng ý về việc lên tiếng nói này :
« Hay quá hả cô ? Tự nhiên cháu vô tình lên cháu thấy, nếu mà lát cháu có thời gian cháu đi với cô ! Con thấy bên đây mình có tự do nên mình phải tận dụng nó để mình làm chứ ở Việt Nam bị cái này, cái kia…Ở Việt Nam thì vì Nhân quyền, vì môi trường, tất cả các thứ đều không có. Con bên công giáo thì con thấy công giáo bị chèn ép nhiều quá »
Trước đó, 3 Tổ chức Nhân Quyền tại Pháp, các Hội đoàn người Việt tại Pháp và Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã gửi 2 thư ngỏ và Thông cáo báo chí với nội dung yêu cầu Tổng Thống Macron áp lực Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các người hoạt động xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống-nhân-quyền, yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng đầy đủ Hiệp Ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế.
Bổn phận của tất cả người Việt Nam đã bỏ xứ ra đi vì 2 chữ tự do phải có mặt tại buổi biểu tình này để lên tiếng cho những người Pháp biết là chúng tôi phản đối Nguyễn Phú Trọng tại Pháp. – Chị Dung Nghi
Chị Dung Nghi bày tỏ cho biết lý do tham gia cuộc biểu tình này :
« Bổn phận của tất cả người Việt Nam đã bỏ xứ ra đi vì 2 chữ tự do phải có mặt tại buổi biểu tình này để lên tiếng cho những người Pháp biết là chúng tôi phản đối Nguyễn Phú Trọng tại Pháp. Chúng tôi luôn nghĩ về những người trong nước và cùng đồng hành với các anh em Dân chủ trong nước »
Trước đó, Văn Phòng Liên Lạc các Hội đoàn tại Paris đã gửi thư yêu cầu được gửi một Thư Ngỏ đên tận tay Tổng Thống Pháp và Quốc Hội. Đúng 9.20 giờ, một nhân viên của Bộ Nội Vụ đã tiếp xúc với đại diện của đoàn biểu tình là ông Nguyễn Quốc Nam. Người đại diện đã được dẫn đến điện Elysée và trao tận tay văn phòng thư ký của Phủ Tổng Thống Thư Ngỏ của các Hội đoàn tại Pháp.
« Khi đến cửa Elysée thì có người ra mở cửa vì mình đã xin phép đem Thỉnh nguyện thư đó đến. chúng tôi đã trảo Thư đó lại cho văn phòng của Phủ Tổng Thống »
Ông Nguyễn Quốc Nam cho đài RFA biết nội dung của Thư Ngỏ gửi lên Phủ Tổng Thống và Quốc Hội :
« Đây có lẽ là Thỉnh nguyện Thư số 4. Thỉnh nguyện thư gồm có nhiều phần : Phần thứ nhất là mình thông tin cho phủ Tổng Thống biết Nguyễn Phú Trọng là ai. Nước Việt Nam có 4 người đứng đầu trong nước nhưng Nguyễn Phú Trọng là người cầm quyền. Thứ hai : Đảng Cộng sản đã làm gì trong nước Việt Nam ? Mình đưa ra những chứng cớ từ những vụ đàn áp nhân quyền, có những người chỉ vì viết một bài báo mà có thể ở tù từ 9-10 năm. Bên cạnh đó, họ đã cấu kết với hiểm họa phương Bắc mà ai cũng biêt đó là Trung Cộng. Sau nữa là vấn đề ô nhiểm môi trường lớn nhất của nước Việt Nam là Formosa. Vì đảng Cộng sản Việt Nam không cho biết nên chúng ta phải báo động với thế giới mà nước Pháp là một trong những quốc gia đã ký kết hiệp định về khí hậu tại Paris thì nước Pháp cần phải biết những thông tin đó. Kết luận của mình là khi quý vị biết những thảm trạng đó đối với nước Việt Nam của chúng tôi thì mỗi khi trao đổi bất kỳ về phương diện gì, từ thương mại, kinh tế cho đến khoa học với Việt Nam thì quý vị quan tâm đến vấn đề Nhân quyền cho đất nước của chúng tôi vì Biển Đông là nơi mà quý vị cũng có quyền lợi ở đó. Hy vọng rằng những thông tin đó sẽ hữu ích cho họ khi họ trao đổi với chính quyền Việt Nam hiện nay »
Được biết phái đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng đã không đi trên đoạn đường từ tòa đại sứ đến Phủ Tổng Thống ngang qua đoàn biểu tình mà đã dùng một con đường khác. Cuộc biểu tình chấm dứt lúc 10.30 giờ cùng ngày.
Đinh La Thăng bị tuyên thêm 18 năm tù
Tin cho hay ông Đinh La Thăng nhận thêm bản án 18 năm tù trong phiên tòa kết thúc hôm 29/3 liên quan đến vụ PVN góp vốn vào Oceanbank.
Trong phán quyết vụ xử ông Đinh La Thăng và sáu “đồng phạm” vụ thiệt hại 800 tỷ đồng góp vốn của PVN vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN) nhận án 18 năm tù, ngoài ra phải bồi thường 600 tỷ đồng, vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Cùng tội danh, các bị cáo khác trong vụ này, ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN) bị phạt 30 tháng tù, Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng) 7 năm tù… Riêng ông Quỳnh còn bị phạt 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
VN: Luật sư ‘chia rẽ’ vì phiên tòa ông Thăng?
Ông Đinh La Thăng ra tòa lần hai
Vụ xử ông Thăng ‘càng nhanh càng không hay’?
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù
Ông Đinh La Thăng: ‘Muốn làm ma tự do’
Phán quyết của tòa nêu: “Ông Thăng biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng này phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng. Tuy nhiên, cựu chủ tịch PVN đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước.”
‘Điều tất yếu’
Hôm 29/3, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật sư cùng tên, bình luận: “Thời gian vừa qua tình trạng thất thoát, thua lỗ các công ty quốc doanh khá nhiều, làm thất thoát tài sản khá lớn.”
“Với chức vụ chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Thăng là người chịu trách nhiệm chính, để thất thoát một số tiền 800 tỷ là quá lớn. Số tiền này có thể xây được cả ngàn cây cầu cho đồng bào miền núi.”
“Ông phải bị đưa ra xét xử là điều tất yếu.”
“Theo quy định pháp luật về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì mức hình phạt chung sẽ bằng hình phạt các bản án cộng lại.”
“Đối với hình phạt tù có thời hạn, thì mức tối đa khi cộng lại không được vượt quá 30 năm, trường hợp này nếu các phiên tòa phúc thẩm sắp đến không thay đổi, thì tổng hình phạt ông Thăng phải chịu là 30 năm (cho dù tổng cộng 13 năm của bản án trước và 18 năm của bản án mới tuyên là 31 năm).”
Ông Đinh La Thăng lại ra tòa ‘sau Tết’
VN: Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội ‘cố ý làm trái’
Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?
PVN: Sau Phùng Đình Thực và Đinh La Thăng đến ai?
Trước đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói với BBC: “Việc một quan chức cao cấp nguyên là ủy viên Bộ Chính trị phải ra tòa là sự kiện lớn gây chú ý với công chúng, nhất là nội dung vụ án phơi bày sự thất thoát lớn về tài sản của người dân đóng thuế nằm dưới sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của các doanh nghiệp nhà nước.”
“Ông Thăng bị truy tố ra tòa lần này vẫn với tội danh “Cố ý làm trái…” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 đã không còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 là điều đáng nói nhất trong vụ án.”
“Đương nhiên, Viện Kiểm sát truy tố căn cứ vào Nghị quyết số 41 do Quốc hội ban hành cho phép tiếp tục truy tố, xét xử nếu tội danh này đã bị khởi tố trước thời điểm Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực thi hành.”
“Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc phải áp dụng điều luật có lợi cho đương sự. Nguyên tắc này được hầu hết các quốc gia trên thế giới có luật thành văn đã thừa nhận.”
“Luật Hình sự Việt Nam cũng thừa nhận và quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ luật Hình sự, thì trong trường hợp Bộ luật Hình sự quy định bãi bỏ một tội danh (như tội danh Điều 165 Bộ luật Hình sự cũ), thì điều luật đó phải được áp dụng ngay cho đương sự, theo đó, đương sự được miễn truy tố.”
“Làm thất thoát tài sản lớn của dân thì tôi tin việc truy tố ông Thăng là chính đáng, nhưng việc áp dụng điều luật không còn hiệu lực pháp luật để truy tố là không ổn. Không bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc pháp luật cơ bản mà thế giới và Việt Nam đã thừa nhận và điển chế thành quy định pháp luật.”
‘Làm đúng chỉ đạo’
Khi phiên tòa lần hai này bắt đầu hôm 19/3, ông Đinh La Thăng khai: “Tiền đề của việc góp vốn là sự đồng ý của Thủ tướng”, khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông được dẫn lời nói sự việc đã diễn ra hơn 10 năm nên không nhớ hết song khẳng định “làm đúng chỉ đạo của Đảng, có sự đồng ý của Thủ tướng”.
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Thăng tại tòa: “Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ.”
“Xuất phát từ chủ trương của Đảng nên thực hiện việc chủ trương đi đầu, kiềm chế lạm phát nên PVN góp vốn vào OceanBank,” ông Thăng nói, theo Tuổi Trẻ.
Trước đó, ngày 22/1, ông Thăng đã bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy tại PVN và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43541036
VN chỉ đủ sức đánh ‘dập mũi’ TQ nếu xung đột
Quân đội Việt Nam thoạt đầu có thể khiến Trung Quốc ‘dập mũi’ trong đụng độ ngắn trên Biển Đông, nhưng sẽ thất bại nếu lâm vào xung đột cường độ cao và kéo dài.
Đó là nhận định của ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên cao cấp của The Diplomat, tạp chí chuyên về an ninh và chính sách đối ngoại châu Á – Thái Bình Dương.
Trong email trả lời BBC hôm 28/3, ông Parameswaran cho rằng với tiềm lực quân sự quá khiêm tốn trước Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể cầm giữ trong cuộc đối đầu ngắn.
Thế nhưng, theo ông, xác suất một cuộc xung đột quân sự cường độ cao kéo dài là rất khó xảy ra giữa hai nước.
Thay vào đó, có thể chỉ là một cuộc đối đầu trên biển tương tự như hồi tháng 5/2014 sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu HD 981.
TQ rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông
VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
Đồng tình với quan điểm này, Derek Grossman, nhà nghiên cứu quốc phòng của Rand Corporation, nói với BBC hôm 29/3:
“Có lẽ kịch bản có khả năng xảy ra nhất là một sự đụng độ giữa thuyền đánh cá dẫn đến sự can thiệp của cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam, và có thể leo thang từ đó,”
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết định tăng sức ép, Việt Nam sẽ gặp rắc rối khi phải tiến hành và duy trì tác chiến trên Biển Đông.
Lý do là Việt Nam có quá ít, thậm chí không có kinh nghiệm, hoạt động trong khu vực cả trên không và trên biển, ông Grossman, người từng phụ trách thông tin về an ninh châu Á Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc, nhận định.
Quân đội Việt Nam có những đặc điểm gì?
Trong bài viết với tiêu đề “Quân đội Việt Nam có thể chống chọi trước Trung Quốc trên Biển Đông?” hồi 1/2018, ông Grossman phân tích cụ thể những điểm mạnh và yếu của Việt Nam, trước khả năng xung đột quân sự với Trung Quốc.
Đầu tiên, các tướng lĩnh Việt Nam vẫn muốn đem chiến lược chiến tranh du kích và khái niệm “cuộc chiến toàn dân” trên đất liền áp dụng vào chiến lược tác chiến trên không và trên biển, Grossman phân tích.
Tuy chiến lược này có một số điểm mạnh vì lợi thế địa lý bờ biển Việt Nam, chiến lược tác chiến trên không và ngoài biển khơi lại còn rất sơ sài, chưa có tiến bộ gì.
Thứ hai, nguồn quân lực của quân đội còn tập trung quá nhiều vào lục quân.
Hải quân Việt Nam chỉ có 40 nghìn quân, và binh chủng Phòng không và Không quân ở con số 30 nghìn, kể từ 2009.
Trong khi đó, lục quân vẫn đông nhất, khoảng 400.000 người, theo một báo cáo năm 2017.
Cuối cùng là khả năng Nhận thức Vấn đề Vùng Biển (Maritime Domain Awareness) và tương tác giữa các hệ thống quân sự tương đối thấp. Khả năng tình báo và khai thác thông tin trên biển của Việt Nam vẫn còn kém.
Thêm vào đó, vì khoản ngân sách khiêm tốn, Việt Nam sở hữu một hệ thống vũ khí “đa chủng loại” từ nhiều quốc gia khác nhau, dẫn đến tương tác giữa các thiết bị không hiệu quả.
Tuy nhiên, Derek Grossman đánh giá Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể và đúng hướng trong việc hiện đại hóa quân sự trong nhiều năm qua.
Theo ông, việc Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng từ khoảng 4 tỷ đô la lên 6,2 tỷ đô la vào 2020, và đây là chỉ dấu họ nỗ lực tập trung hiện đại hóa quân sự.
Thêm vào đó, việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và một phi cơ chiến đấu đa năng Sukhoi và xây dựng hệ thống tên lửa đối hạm (ASCM), và nhiều thiết bị phòng thủ khác, Việt Nam cho thấy có thể gây ra thiệt hại không nhỏ cho Trung quốc nếu xảy ra đụng độ.
“Tôi thực sự nghĩ rằng Việt Nam đang có tất cả các bước đi đúng đắn trong việc hiện đại hóa quân sự,” Derek Grossman nói với BBC Tiếng Việt.
“Thực tế khắc nghiệt là Việt Nam không thể làm được nhiều, một quyền lực hạng trung, so với nguồn lực khổng lồ của Trung Quốc. Và Việt Nam tất nhiên hiểu rất rõ điều này.”
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam, ước tính khoảng 5-6 tỷ đôla, chỉ là “chú lùn” so với ngân sách ước tính 175 tỷ đôla của Trung Quốc, theo ông Grossman.
Còn ông Prashanth Parameswaran thì cho rằng:
Thách thức chính đối với Việt Nam bây giờ là sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông đang diễn ra nhanh hơnPrashanth Parameswaran
“Thách thức chính đối với Việt Nam bây giờ là sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nỗ lực xây dựng năng lực phòng thủ bằng quân sự của các nước còn lại.”
Cả Grossman và Parameswaran cho rằng phương án tốt nhất mà Việt Nam vẫn đang nỗ lực làm là xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc phòng với các quốc gia có thể hỗ trợ Việt Nam.
TQ ‘không vui’ với chuyến thăm VN của USS Carl Vinson?
Quan hệ quân sự Mỹ – Việt đang ‘trưởng thành’
Có thể không nhất thiết phải hỗ trợ về mặt quân sự nhưng ít nhất về mặt ngoại giao, tạo vị thế cho Việt Nam thuyết phục Trung Quốc thoái trào.
Việt Nam cũng tìm cách gia tăng mối quan hệ đối tác với các nước thành viên thuộc nhóm Tứ Cường (Quad), bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Derek Grossman cũng đưa ra một số đề nghị mà Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam tuy nhiên, cảnh báo Việt Nam sẽ không sẵn sàng tiếp nhận, vì Hà Nội vẫn còn thái độ ngờ vực đối với Hoa Kỳ và luôn lưỡng lự không muốn có những hành động khiêu khích Trung Quốc.
Trung Quốc tung ra các ảnh chụp đợt diễn tập gồm không quân và hải quân ở Biển Đông vào cuối tháng 3/2018, khiến có nhà quan sát bình luận rằng Trung Quốc sẽ diễn tập ‘hàng tháng’ tại vùng biển này, chứ không chỉ hàng năm như trước.
Báo Anh cũng đưa tin về ‘cuộc diễn tập lớn chưa từng có’ của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Gavin Williamson tuyên bố chiến hạm HMS Sutherland của Anh có kế hoạch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển này.
Các sự kiện này xảy ra sau khi Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào thăm Đà Nẵng đầu tháng 3 năm nay như một dấu hiệu quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt tiến triển hơn trước.
Xem thêm chủ đề biển đảo:
TQ-VN sẽ ‘kiểm soát bất đồng ở Biển Đông’
Chiến lược của VN ở Biển Đông là gì?
Asean lo ngại về TQ ở Biển Đông
Vì sao quốc tế khó dùng tên ‘Biển Đông’?
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43579469
Hội Cờ Đỏ: Mối đe dọa
nhắm vào các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam
Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) hôm 27/3 đã trao cho Đại sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback của Bộ Ngoại Giao Mỹ một tài liệu cáo buộc các Hội Cờ Đỏ là mối đe dọa cho các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam.
Tài liệu dài 18 trang trình bày quá trình hình thành các nhóm Cờ Đỏ từ Nghệ An, lan dần ra Hà Nội và tỉnh Đồng Nai ở miền Nam.
BPSOS nhận định “Các Hội Cờ Đỏ là một hiện tượng mới tại Việt Nam: nhân tố không thuộc chính quyền đang vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt là nhắm vào các cộng đồng Công Giáo nào đặt vấn đề về cách chính quyền giải quyết thảm họa do nhà máy Gang Thép Formosa gây ra”
Theo BPSOS, hôm 29/10 năm ngoái, Hội Cờ Đỏ đã tụ tập để ra mắt “Liên Minh Hội Cờ Đỏ” ngay cạnh nhà thờ Văn Thai, một giáo họ thuộc giáo hội Công Giáo ở Nghệ An. Đây cũng chính là giáo họ bị các thành viên Hội Cờ Đỏ khủng bố về tinh thần trong năm vừa qua.
BPSOS tố cáo công an Việt Nam thường dùng các thành phần xã hội đen hay thành viên của các đoàn thể ngoại vi của Đảng Cộng Sản để đàn áp tôn giáo. Chính quyền Việt Nam thường nói đây là quần chúng tự phát.
3 mục tiêu chính của các Hội Cờ Đỏ được BPSOS nêu ra trong tài liệu bao gồm:
– Ngăn chặn nạn nhân của thảm họa môi trường do Formosa gây ra nộp đơn kiện hay biểu tình phản đối.
– Gây chia rẽ giữa người Công Giáo và người không theo Công Giáo.
– Hăm dọa các giáo dân, tấn công các người có uy tín trong cộng đồng Công Giáo, nói xấu họ, và xâm phạm chỗ ở, nơi thờ phượng của họ.
Kết luận điều tra: Chủ đầu tư và người dân
đã vô hiệu hóa cửa thoát hiểm trong vụ cháy chung cư Carina
Vụ cháy Chung cư Carina đêm 22/3 rạng sáng ngày 23/3 khiến 13 người thiệt mạng được kết luận có phần trách nhiệm của chủ đầu tư và người dân đã làm vô hiệu hệ thống cửa chống cháy và thoát hiểm.
Đại tá Phạm Văn Băng, Phó Giám đốc cơ quan Phòng cháy chữa cháy của Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói như vậy với báo chí trong một cuộc họp báo hôm 29/3 ở Sài Gòn.
Theo ông Băng, hệ thống báo cháy đã không hoạt động, cửa thoát nạn bị bịt kín. Trong lần kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy gần đây nhất, vào tháng 12/2017, có hai máy bơm phát hiện đã bị hỏng.
Ông Băng cũng cho biết cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra chung cư Carina Plaza tổng cộng 22 lần, xử lý 4 lần với 7 lỗi, bao gồm 23 lỗi hệ thống phòng cháy chữa cháy và 3 lỗi hệ thống thoát nạn.
Đại diện cơ quan phòng cháy chữa cháy cho biết không có việc kỷ luật, xử lý trách nhiệm phòng cháy chữa cháy như tin đồn.
Theo cơ quan điều tra thì lửa bắt đầu từ một tia lửa điện của một chiếc xe gắn máy ở tầng hầm, nhưng hệ thống phun nước tự động, hệ thống báo động đều không hoạt động, các nhân viên bảo vệ tòa nhà bằng camera cũng không phát hiện được cháy.
Đại tá Phạm Văn Băng cũng nói rằng lực lượng cảnh sát phòng cháy đã nhanh chóng triển khai sau khi đám cháy bùng phát chỉ có 12 phút.
Nói về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn do vụ cháy, ông Băng cho biết là do báo cháy chậm, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động và trách nhiệm của chủ đầu tư và người dân đã vô hiệu hóa hệ thống thoát nạn.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ công ty Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Caria hiện đang nằm bệnh viện, nên lấy lý do đó từ chối trả lời các nhân viên điều tra.
Chung cư Carina nằm ở quận Tám, Thành phố Hồ Chí Minh gồm 3 tòa nhà cao từ 14 đến 21 tầng, bị bốc cháy vào giữa đêm 22/3 và rạng sáng ngày 23/3. Đám cháy được dập tắt sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Cho đến nay, theo thông tin từ cơ quan chức năng có 13 người chết và nhiều người bị thương. Những gia đình bị nạn đang được chăm lo chỗ ở tạm.
Những người thiệt mạng phần nhiều là do ngạt khói bốc lên từ tầng hầm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện khẩn yêu cầu điều tra vụ cháy này.
Cơ quan công an Thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm thời gian để xác định cụ thể sai phạm trong vụ cháy, nhưng chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm và sẽ phải chịu xử lý nghiêm theo pháp luật.
Tập Đoàn Điện Lực Pháp EDF
đầu tư dự án điện khí Sơn Mỹ
Việt Nam, vào ngày 27 tháng 3, xác nhận đã chấp thuận cho Tập Đoàn Điện Lực Pháp EDF đóng vai trò chủ chốt trong tổ hợp quốc tế tham gia xây dựng dự án điện khí Sơn Mỹ ở tỉnh Bình Thuận.
Động thái vừa nêu được thực hiện trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa qua.
EDF cho biết trong viễn ảnh nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh ở miền Nam Việt Nam, EDF sẽ xây dựng nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 với công suất 2 gigawatt, dự kiến hoàn thành vào năm 2023-2024.
Trong dự án này, EDF sẽ đóng góp 37, 5% cổ phần, phía Việt Nam là Tập đoàn Pacific Corporation góp 25% vốn và phần còn lại do 2 công ty của Nhật, bao gồm Sojitz góp 18,75% và Kyushu góp 18,75%.
EDF nói rằng Chính phủ Việt Nam đã có một quyết đúng đắn trong việc phát triển xây dựng các nhà máy điện ở Sơn Mỹ, đáp ứng được nhu cầu “chuyển đổi năng lượng” của Việt Nam cùng với mục tiêu kinh doanh quốc tế của EDF gia tăng gấp ba vào năm 2030.
EDF, một tập đoàn năng lượng của Pháp từng đầu tư vào Việt Nam, với công ty con là Mekong Energy Company, hoạt động ở Phú Mỹ với tỷ lệ góp vốn 56, 25%.
Việt Nam cam kết mở rộng quan hệ thương mại,
đầu tư với Hoa Kỳ
Nhân chuyến thăm của đoàn các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/3 cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với phía Hoa Kỳ.
Phát biểu trong cuộc gặp với đoàn các doanh nghiệp do Hội đồng Kinh Doanh Mỹ – ASEAN tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chính phủ Việt Nam ủng hộ việc xây dựng các chính sách hỗ trợ kinh doanh, đặt ưu tiên vào tính minh bạch và đối thoại mở với cộng đồng các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài để điều chỉnh chính sách thích hợp và cải thiện công tác thực thi chính sách.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói chính phủ Việt Nam quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh.
Phía đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ gồm 33 đại diện các công ty hàng đầu của Mỹ, cũng bày tỏ mong muốn chính phủ Việt Nam rỡ bỏ các rào cản đối với các dự án của Mỹ tại Việt Nam trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo, máy móc, điện, đồ uống, công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt nam Michael Michalak cùng đi với đoàn nói rằng chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam lần này cho thấy mối quan tâm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam được Hội đồng Kinh doanh Mỹ ASEAN tổ chức định kỳ hàng năm giúp tạo điều kiện trao đổi giữa chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, các doanh nghiệp Mỹ đã gặp lãnh đạo chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các bộ ngành quan trọng, các doanh nghiệp nhà nước.
Hoa Kỳ hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 53 tỷ đô la.
Mỹ tưởng niệm
Ngày Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam đầu tiên
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa loan báo sẽ cử hành lễ đặt vòng hoa với Bộ Cựu chiến binh Sự vụ tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam vào ngày 29 tháng 3 tới đây, lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc lễ Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump năm ngoái ký ban hành Đạo luật Công nhận Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam năm 2017. Theo đó, Ngày Quốc lễ Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam sẽ được kỷ niệm ngày 29 tháng 3 hàng năm.
Ngày này năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ hỗ trợ hàng trăm sự kiện ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ để công nhận, tôn vinh và cảm tạ các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam cùng gia đình họ vì sự phụng sự và hy sinh, thông cáo của Bộ cho biết.
Thông cáo nói thêm Thứ trưởng Quốc phòng Patrick M. Shanahan sẽ chủ trì buổi lễ tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, tham dự cùng ông có Bộ trưởng Cựu chiến binh Sự vụ, David Shulkin.
Được Quốc hội phê chuẩn, được Bộ trưởng Quốc phòng xác lập, và được Tổng thống khởi xướng vào tháng 5 năm 2012, Hoạt động Kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam vinh danh tất cả những quân nhân nam nữ từng phục vụ chính quy trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ từ ngày 1 tháng 11 năm 1955 đến ngày 15 tháng 5 năm 1975. Chín triệu người Mỹ, khoảng 7 triệu người còn sống tới ngày nay, đã phục vụ trong thời kỳ đó.
Tuyên bố của Tổng thống ban hành vào ngày 25 tháng 5 năm 2012 xác lập Hoạt động Kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam kéo dài từ sự kiện đầu tiên vào Ngày Chiến sĩ Trận vong năm 2012 cho đến Ngày Cựu chiến binh năm 2025.
VN phản bác phúc trình
của chuyên gia nhân quyền LHQ
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam, Dương Chí Dũng, ngày 28/3 lên tiếng phản bác “mạnh mẽ” một phúc trình của các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc về điều kiện làm việc tồi tệ của các nữ công nhân công ty Samsung tại Việt Nam.
“Thông cáo thể hiện sự không chuyên nghiệp, thiếu thiện chí, không khách quan, vô tư, không tuân thủ Quy tắc ứng xử sự và Quy chế hoạt động của các thủ tục đặc biết khi đưa những thông tin và quan ngại không có cơ sở, cũng như đánh giá tiêu cực về việc cơ quan chức năng Việt Nam trao đổi với một số cá nhân về vụ việc”, TTXVN dẫn lời Đại sứ Dương Chí Dũng trả lời phỏng vấn báo chí về thông cáo được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa ra ngày 20/3.
Phúc trình dài 46 trang của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển IPEN, được công bố vào tháng 11/2017, cho biết có khoảng 80% công nhân làm việc tại Samsung là phụ nữ.
Các nữ công nhân phải làm việc trong điều kiện bị chèn ép và thiếu an toàn. Họ bị buộc phải tăng ca với mức lương rẻ mạt. Nhiều công nhân đã kiệt sức khi phải đứng suốt ca làm việc kéo dài từ 9-12 giờ, thường xuyên bị đổi ca làm sáng, tối. Thậm chí, ngay cả nữ công nhân mang thai cũng phải đứng làm việc nhiều giờ và không dám nghỉ giữa ca vì sợ bị cắt lương. Sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, phóng xạ, sóng điện từ… mà không hề được bảo vệ bằng các quy định cụ thể về an toàn lao động, dẫn đến nguy cơ bị ung thư hay mắc các bệnh về tim mạch, mắt, bao tử, xương khớp…
Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện tử, ngành công nghiệp đóng góp đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng điều này đã gây nguy hại cho môi trường cũng như sức khỏe của công nhân tại Việt Nam.
Samsung hiện sản xuất tới 50% điện thoại tại Việt Nam. Chỉ có 8% sản phẩm của tập đoàn này được sản xuất ở Hàn Quốc.
Lợi nhuận của các nhà máy Samsung tại Việt Nam năm 2016 đạt 36 tỷ đôla và sản phẩm được xuất đi 78 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau khi phúc trình được công bố, Samsung đã lên tiếng phản đối với lý do các cuộc phỏng vấn chỉ dựa trên 45 công nhân, trong khi có tới hơn 100.000 người làm việc cho tập đoàn này tại Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-phan-bac-phuc-trinh-cua-chuyen-gia-nhan-quyen-lhq/4322267.html
HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do
cho nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 27/3 kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Viết Dũng ngay lập tức.
HRW đưa ra lời kêu gọi trên một ngày trước khi dự kiến diễn ra phiên tòa xét xử nhà hoạt động 32 tuổi về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước.’
Ông Nguyễn Viết Hùng, cha của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, nói với VOA rằng Dũng đã xuất hiện tại tòa án tỉnh Nghệ An hôm 28/3, nhưng phiên tòa đã hoãn lại đến 12/4 do luật sư bận việc gia đình nên không thể có mặt theo lịch làm việc của quan tòa.
“Lúc sáng nay chưa xảy ra phiên tòa. Bản cáo trạng Viện Kiểm sát cũng chưa công bố. Phiên tòa bị hoãn lại cho đến này 12/4.”
Ông Hùng nói ông chân thành cảm ơn những tiếng nói của cộng đồng quốc tế bênh vực cho những người tranh đấu vì quyền con người tại Việt Nam.
Cả Nguyễn Viết Dũng lẫn những người đang kêu gọi cải cách khác đều không hề biểu lộ ý định chịu khuất phục trước sức ép mạnh tay kiểu này của chính quyền.
Brad Adams, HRW
Trong một tuyên bố, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Việc Việt Nam vẫn cứ sử dụng tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ đã mất hết sức thuyết phục để dập tắt tiếng nói của những người bất đồng chính kiến chỉ làm uổng phí thời gian mà thôi.”
“Cả Nguyễn Viết Dũng lẫn những người đang kêu gọi cải cách khác đều không hề biểu lộ ý định chịu khuất phục trước sức ép mạnh tay kiểu này của chính quyền. Tất cả những gì Việt Nam đang làm chỉ gây sự chú ý tới chính sách lố bịch, không chấp nhận bất đồng chính kiến của mình,” ông Adams nói tiếp.
Từ ngày Nguyễn Viết Dũng bị công an bắt hồi tháng 9 năm 2017 cho đến sáng 28/3 ông Hùng mới có dịp gặp con trai mình tại tòa án.
Ông Hùng nói ông ủng hộ các hoạt động của con trai, dù biết rằng những tiếng nói chỉ trích chính quyền đều bị con là ‘phản động’:
“Nhiều hoạt động trước đây của Dũng là nói lên sự thật, nói lên những điều sai trái, bất công trong xã hội hiện thời. Tôi rất ủng hộ Dũng, như việc lên tiếng bảo vệ môi trường, nhưng với xã hội Việt Nam thì những người nói lên sự thật bị coi là phản động.”
Nhiều hoạt động trước đây của Dũng là nói lên sự thật, nói lên những điều sai trái, bất công trong xã hội hiện thời.
Nguyễn Viết Hùng, cha của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng.
Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam hôm 28/3 nói rằng “Dũng là thủ khoa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, thông minh và dũng cảm. Bạn bè và cộng đồng cho rằng Dũng vô tội.”
Trước khi bị bắt, Dũng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc gây ra thảm họa môi trường biển lan rộng dọc bờ biển miền Trung Việt Nam.
Công an tỉnh Nghệ An hôm 27/9/2017 ra thông báo cho biết đã chính thức bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng, vì có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước,” sau khi lan truyền tin nhà tranh đấu này đã bị một nhóm người mặc thường phục bắt cóc khi Dũng đến khu vực giáo xứ Song Ngoc, tỉnh Nghệ An.
Hãng tin Reuters trích lời các nhân chứng cho biết ông Nguyễn Viết Dũng bị bắt trong khi đang ngồi trong một quán ăn.
Nguyễn Viết Dũng, với biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, từng bị tuyên 12 tháng tù hồi năm 2015 vì tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.
Trên mạng xã hội có tin nói rằng Nguyễn Viết Dũng đã thành lập Đảng Cộng Hòa và ‘Hội những người yêu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa’.