Con đường nào cho Việt Nam để gỡ thế bí?
Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, ngày 11/5/2014.
Nguyễn Hưng Quốc – Theo blog Nguyễn Hưng Quốc
Trong bài phát biểu tại Philippines mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu đích danh Trung Quốc là kẻ “vi phạm luật pháp quốc tế”, “xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển”, “đe doạ nghiêm trọng hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.” Sau đó, trong cuộc tiếp xúc với báo chí, ông khẳng định: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”
Nghe những lời tuyên bố hùng hồn ấy, rất nhiều người ở Việt Nam cảm thấy an tâm, và nhiều người đặt hết sự tin tưởng vào Nguyễn Tấn Dũng; họ hy vọng, qua ông, đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua những thách thức hiểm nghèo trong hiện tại.
Tôi cũng hy vọng vậy, nhưng tiếc, tôi lại không thể tin tưởng và an tâm. Tôi không thể không nhớ giữa năm 2011, lúc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên tiến sâu vào hải phận Việt Nam, cắt dây cáp ngầm của tàu thăm dò dầu khí được hải quân Việt Nam bảo vệ, giới lãnh đạo Việt Nam cũng lên tiếng một cách cứng rắn như vậy.
Tàu hải giám Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Phú Yên hôm 26/5/2011
Ngày 7/6, khi đến thăm huyện đảo Cô Tô, Chủ tịch nước (lúc ấy) Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Ngày 8/6, tại Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Đồng thời, ông khẳng định: “Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.”
Rồi sao nữa? Sau đó, chả có gì xảy ra cả. Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên con đường lưỡi bò của họ; tiếp tục sách nhiễu các tàu đánh cá Việt Nam; tiếp tục bắt nạt chính quyền Việt Nam; và mới đây nhất, đưa giàn khoan HD-981 vào ngay thềm lục địa Việt Nam. Trong suốt thời gian ấy, dân chúng vẫn tiếp tục bị cấm biểu tình, những người tiếp tục kiên cường lên tiếng chống Trung Quốc vẫn bị bôi nhọ, hơn nữa, còn bị bắt bớ và bỏ tù. Không có gì thay đổi, từ cả hai phía: sự hung hãn và ngang ngược của Trung Quốc cũng như sự bất động đầy nhu nhược của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Bây giờ Nguyễn Tấn Dũng cũng lặp lại những gì chính ông đã nói và Trương Tấn Sang cũng lặp lại những gì người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Minh Triết, đã nói. Xin lưu ý một điều: trong cả biến cố tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp vào ngày 26 tháng 5 và ngày 9 tháng 6 năm 2011 cũng như hiện nay, Nguyễn Phú Trọng vẫn im thin thít. Ông không hề phát biểu bất cứ điều gì cả. Chỉ có tin đồn là ông xin qua Trung Quốc để gặp Tập Cận Bình hai lần nhưng không được. Vậy thôi. Không ai nghe được từ ông bất cứ một lời phát biểu nào. Trong khi đó, trên nguyên tắc, chính ông, với tư cách Tổng bí thư đảng, có quyền lực hơn hẳn cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Vậy mà ông lại im lặng.
Mai này, nếu có ai đó hỏi Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang tại sao Việt Nam không chịu kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế hoặc không tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước khác trong thế trận đương đầu với Trung Quốc, không chừng lúc ấy, cả ông Sang và ông Dũng sẽ lại than thở: Đảng chưa cho phép!
Rồi thôi. Đâu lại vẫn vào đó. Việt Nam lại để mặc cho Trung Quốc lấn từ từ. Từ từ. Hơn nữa, nếu chính quyền Việt Nam làm thật những điều họ nói thì họ có thể làm được gì?
Trước hết, về phương diện quân sự, với ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1 phần 60 của Trung Quốc, người ta dễ dàng nhận thấy Việt Nam hoàn toàn không phải là đối thủ của Trung Quốc. Không nên dùng cuộc chiến biên giới năm 1979 để vớt vát niềm tin. Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc lúc ấy và Việt Nam bây giờ cũng khác hẳn những năm sau 1975, lúc lực lượng phòng không còn rất mạnh khiến Trung Quốc phải e dè không dám sử dụng không quân và cũng là lúc từ bộ đội đến tướng lĩnh đều dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Bây giờ thì về mọi mặt, Việt Nam đều ở thế yếu. Nếu chiến tranh bùng nổ, liệu có nước nào sẵn sàng ra tay để cứu Việt Nam? Nước duy nhất Việt Nam có thể hy vọng là Mỹ. Nhưng Mỹ chả có lý do gì để giúp Việt Nam khi Việt Nam chưa phải là một người bạn thân thiết của Mỹ. Hơn nữa, nếu chính phủ Mỹ muốn giúp, Quốc hội Mỹ chưa chắc đã đồng ý. Nếu Quốc hội đồng ý, dân chúng Mỹ chưa chắc đã đồng tình. Nếu dân chúng Mỹ không đồng tình, chính phủ Mỹ cũng đành thúc thủ.
Về phương diện pháp lý, gần đây, một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam úp úp mở mở về việc họ có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc. Trên các diễn đàn mạng, hầu như mọi người đều hoan nghênh sáng kiến ấy. Nhưng theo tôi, đó là một công việc phức tạp mà chính quyền Việt Nam cần phải cân nhắc thật kỹ.
Lý do, rất đơn giản:
- Nếu Trung Quốc thua kiện và bị tòa ra án lệnh phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam, hoặc xa hơn, rút quân ra khỏi đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa và không được cho các tàu hải giám quấy nhiễu các tàu đánh cá Việt Nam thì chắc chắn Trung Quốc sẽ phớt lờ án lệnh ấy, và, cũng chắc chắn, sẽ chả có ai dám làm gì Trung Quốc.
- Nhưng nếu vì lý do nào đó, ví dụ vì cái công hàm do Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, toà án ra phán quyết Việt Nam thua thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải tuân theo án lệnh ấy, ngay cả việc thừa nhận con đường lưỡi bò ngang ngược của Trung Quốc. Nếu Việt Nam kháng cự lại án lệnh ấy, Trung Quốc càng có thêm lý do chính đáng để tấn công Việt Nam. Lúc ấy, sẽ chả có ai dám bênh vực Việt Nam cả.
Trong trường hợp thứ nhất, thắng trước tòa, nhưng thật ra, Việt Nam chỉ thắng về phương diện tuyên truyền. Trong trường hợp thứ hai, Việt Nam thua trắng tay.
Như vậy, Việt Nam có thể làm điều gì?
Chính quyền Việt Nam hay nói đến biện pháp giải quyết xung đột bằng ngoại giao. Ừ, thì cũng được. Nhưng nên nhớ điều này: Trên bàn hội nghị, một nhà ngoại giao giỏi là người có một thứ vũ khí gì đó mạnh hơn đối phương. Đừng hy vọng gì Việt Nam có thể dùng ngoại giao để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông khi Việt Nam rõ ràng là đang ở thế yếu, rất yếu. Đừng hy vọng. Vô ích.
Cuối cùng, biện pháp duy nhất Việt Nam có thể làm được là chuẩn bị chiến tranh để chiến tranh không xảy ra. Bằng cách nào? Chỉ có một cách: Sử dụng sức mạnh của quần chúng. Bằng cách nào? Chỉ có một cách: Cho phép dân chúng bày tỏ lòng yêu nước và sự căm ghét ngoại xâm của họ, và tạo nên sự đoàn kết thực sự giữa chính quyền và dân chúng để Trung Quốc thấy là họ không thể khuất phục dân tộc Việt Nam bằng các biện pháp quân sự.
Điều duy nhất khiến Trung Quốc có thể e dè trước Việt Nam không phải là tài trí của giới lãnh đạo, sự tối tân của vũ khí hay sự thiện chiến của quân đội Việt Nam (thật ra, hầu hết bộ đội Việt Nam, từ lính đến tướng, đều không có hoặc có rất ít kinh nghiệm chiến trường!) mà chính là con người Việt Nam vốn nổi tiếng bất khuất.
Bởi vậy, đàn áp dân chúng, không cho dân chúng biểu tình là một cách giấu giếm sức mạnh lớn nhất của mình: Đó là một quyết định dại dột.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.