Tin tức ngày – 24/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin tức ngày – 24/03/2018

Hiến binh Pháp qua đời vì bị bắn

sau khi tự nguyện thế chỗ con tin

Nước Pháp hôm thứ Bảy tiếc thương một sĩ quan an ninh người qua đời vì những vết thương do trúng đạn sau khi tự nguyện thế chỗ một con tin nữ trong vụ cầm giữ con tin của một kẻ chủ chiến Hồi giáo.

Arnaud Beltrame, 44 tuổi, một hiến binh từng phục vụ tại Iraq, đã được tức tốc đưa tới bệnh viện giành giật sự sống sau khi bị tay súng bắn trong vụ bao vây tại siêu thị Super U ở thị trấn Trèbes gần dãy núi Pyrénées, miền nam nước Pháp.

“Anh ấy ngã xuống như một anh hùng, hy sinh thân mình để chặn đứng vụ sát nhân của một kẻ cực đoan khủng bố,” Tổng thống Emmanuel Macron nói trong một tuyên bố ngắn trước khi bình minh sáng thứ Bảy.

Kẻ tấn công hôm thứ Sáu được nhà chức trách xác định danh tính là Redouane Lakdim, một công dân Pháp gốc Morocco, 25 tuổi, sống ở thành phố Carcassonne, không xa thị trấn Trèbes yên bình với khoảng 5.000 người, nơi anh ta thực hiện vụ tấn công chiều thứ Sáu.

Lakdim đã được nhà chức trách biết tới vì buôn ma túy và về các tội vặt khác, nhưng cũng bị cơ quan an ninh theo dõi trong năm 2016-2017 vì những liên hệ tới phong trào Salafist cực đoan, công tố viên Paris François Molins cho hay.

Vụ tấn công bắt đầu khi Lakdim nổ súng vào một nhóm cảnh sát chạy bộ và cũng bắn những người ngồi trong chiếc xe mà anh ta cướp, giết chết ba người và làm 16 người khác bị thương ngày thứ Sáu, theo thông cáo của chính phủ.

Cái chết của anh Beltrame nâng số người bị hạ sát lên tới 4 người.

Anh là một thành viên của đội hiến binh, những người đầu tiên đến hiện trường tại siêu thị. Hầu hết những người trong siêu thị thoát thân sau khi trốn trong phòng trữ lạnh và sau đó chạy qua lối thoát hiểm.

Anh đã đề nghị đổi chỗ với một con tin mà kẻ tấn công cầm giữ, sau đó anh thế chỗ con tin này và đặt điện thoại di động của mình lên bàn, để mở đường dây. Khi tiếng súng vang lên, cảnh sát đặc nhiệm xông vào tòa nhà để hạ sát kẻ tấn công. Các nguồn tin cảnh sát cho hay anh Beltrame bị bắn ba lần.

Anh Beltrame đã kết hôn và có vợ. Anh là lính nhảy dù đủ tiêu chuẩn từng phục vụ ở Iraq vào năm 2005. Anh cũng từng phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Cộng hòa ưu tú bảo vệ văn phòng và tư dinh của tổng thống tại Điện Élysée ở Paris, ông Macron cho biết.

Vụ tấn công hôm thứ Sáu là vụ tấn công khủng bố Hồi giáo chết người đầu tiên ở Pháp kể từ tháng 10 năm 2017, khi một người đàn ông đâm chết hai người phụ nữ trẻ ở thành phố cảng Marseille trước khi binh sĩ giết chết anh ta.

Hơn 240 người đã thiệt mạng ở Pháp trong các vụ tấn công kể từ năm 2015 được thực hiện bởi những người tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo hoặc lấy cảm hứng từ nhóm này. Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm thứ Sáu nhưng không đưa ra chi tiết.

https://www.voatiengviet.com/a/hien-binh-phap-qua-doi-vi-bi-ban-sau-khi-tu-nguyen-the-cho-con-tin/4314453.html

 

Khủng bố tại miền nam nước Pháp :

Điều tra nguyên nhân vụ tấn công

Thùy Dương

Ngày 24/03/2018, cơ quan chống khủng bố Pháp tích cực điều tra nguyên nhân khiến Radouane Ladkim tiến hành vụ tấn công khủng bố tại siêu thị Super U ở thành phố Trèbes, vùng Aude, miền nam nước Pháp. Đêm 23/03, một người bạn của Radouane Ladkim đã bị tạm giữ để thẩm vấn về tội hỗ trợ khủng bố. Trung tá hiến binh Arnaud Beltrame, người thay thế một con tin, đã qua đời do vết thương quá nặng.

Radouane Ladkim, 25 tuổi, sinh tại Maroc và sống tại Carcassonne. Từ năm 2014, Radouane Ladkim bị tình báo Pháp theo dõi và bị chưởng lý Paris François Molins xếp vào hồ sơ “S”, tức là “nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Nhưng sau đó, dường như Ladkim không còn là đối tượng bị nhà chức trách coi là “mối đe dọa”, chưởng lý Paris đã loại Ladkim khỏi danh sách “S”. Vào tháng 08/2016, Ladkim bị kết án 1 tháng tù vì “sở hữu vũ khí trái phép”, “sử dụng chất gây nghiện”“bất tuân lệnh” cảnh sát.

Theo AFP, trong hai năm 2016-2017, tình báo Pháp lại tiếp tục theo dõi Radouane Ladkim nhưng không phát hiện ra dấu hiệu khả nghi nào cho thấy người này sẽ có thể tiến hành tấn công khủng bố. Việc theo dõi tạm ngưng.

Ngày 23/03, khi bước vào siêu thị bắt cóc con tin, Radouane Ladkim đã hô “Allah Akbar” (Thượng đế vĩ đại). Theo một nguồn tin thân cận với giới điều tra, Radouane Ladkim cũng đã yêu cầu “trả tự do cho những người anh em”, trong đó có Salah Abdeslam, thủ phạm duy nhất còn sống sau vụ khủng bố 13/11/2015 tại Paris khiến 130 người thiệt mạng. Salah Adeslam hiện đang bị giam giữ tại Paris.

Trong khi đó, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận Radouane Ladkim là một trong các chiến binh hưởng ứng lời kêu gọi tấn công các nước thành viên liên minh quốc tế chống Daech, trong đó có Pháp.

Ngày 24/03, bộ trưởng Nội Vụ Pháp thông báo là sĩ quan cảnh sát, trung tá Arnaud Beltrame – người bị Radouane Ladkim bắn nhiều phát đạn – đã qua đời vì vết thương quá nặng. Trung tá Arnaud Beltrame, 45 tuổi, là người đã dũng cảm tự nguyện làm con tin cho Lakdim với điều kiện hắn thả một phụ nữ đang bị bắt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ lòng tiếc thương sĩ quan Arnaud Beltrame, người đã “hy sinh anh dũng”, “xứng đáng được cả dân tộc tôn trọng và cảm phục”. Nhiều sở cảnh sát trên toàn nước Pháp đã treo cờ rủ để tưởng niệm trung tá Arnaud Beltrame.

http://vi.rfi.fr/phap/20180324-khung-bo-tai-mien-nam-nuoc-phap-dieu-tra-ve-nguyen-nhan-vu-tan-cong

 

Trung Quốc kiểm duyệt video ‘châm biếm’

Cơ quan kiểm duyệt truyền thông của Trung Quốc tuyên bố tiến hành một cuộc truy xét các video hài hước ‘châm biếm’.

Cục Báo chí, Xuất bản, Đài phát thanh, Phim và Truyền hình Trung Quốc vừa tuyên bố không cho phép phổ biến các loại video “đã được chỉnh sửa để làm sai lệch ý nghĩa ban đầu”.

Các trang web video sẽ bị cấm đăng các video “làm sai lệch hoặc đánh lừa” nội dung các tác phẩm văn học cổ điển hoặc nghệ thuật và các video cắt ra đài phát thanh, TV và trực tuyến.

“Gần đây một số video trực tuyến có một số vấn đề rất nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến xã hội,” cơ quan này tuyên bố.

TQ: Xôn xao vụ phóng viên ‘nhìn bất mãn’

‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?

Sinh viên TQ chăng áp phích phản đối Tập Cận Bình

Tuần trước, một nữ phóng viên trên truyền hình đã ‘lừ’ mắt khi một phóng viên khác hỏi một câu hỏi, được cho là đã được sàng lọc trước, tại một cuộc họp báo ở Quốc hội Nhân dân Trung Quốc.

Trương Tuệ Quân, nhà báo American Multimedia TV (Đài Truyền hình Toàn Hoa Kỳ) – được cho là có mối quan hệ khăng khít với Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) – đặt câu hỏi cho ông Tiêu Á Khánh, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước bằng giọng hết sức sôi nổi:

“Trung Quốc ngày càng có nhiều sở hữu nhà nước ở nước ngoài nhờ sáng kiến Vành đai Con đường. Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ được những tài sản này?”

Câu hỏi này có thể ‘quá sức chịu đựng’ đối với phóng viên Lương Tương Nghi từ kênh tin tài chính Yicai, người mặc áo xanh cạnh bên.

Cái nhướng mắt của cô Lương trước câu hỏi mang tính ‘bợ đỡ’ của đồng nghiệp được phát trên truyền hình và được xem hàng ngàn lần trên điện thoại.

Biểu cảm của Lương Tương Nghi ngay lập tức trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều video nhái lại hành động này.

Nhưng sau đó, tên nữ phóng viên Lương Tương Nghi này nhanh chóng bị kiểm duyệt trên Internet.

Người dùng Internet Trung Quốc thường hay sản xuất video nhái lại, bao gồm cả một số video châm chọc truyền thông nhà nước và thời sự.

Vào năm 2013, truyền thông nhà nước cho biết chính phủ tuyển dụng hơn hai triệu người để giám sát và kiểm duyệt nội dung trực tuyến.

Các phóng viên nói rằng các cuộc thảo luận công khai ngày càng bị kiểm duyệt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43524922

 

Tân cố vấn an ninh Mỹ rắn đến đâu?

John Bolton, một người thuộc phe bảo thủ với những chính sách đối ngoại hiếu chiến, nổi lên từ thời chính quyền cựu Tổng thống George W Bush, sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump.

Một nhà bảo vệ cứng rắn cho quyền lực của Hoa Kỳ và ủng hộ củng cố sức mạnh Mỹ ở nước ngoài , ông Bolton chưa từng ngại bày tỏ quan điểm cá nhân – dù là với tư cách nhân viên chính phủ, trên các trang báo hay bàn phỏng vấn của Fox News.

Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA

Ông Trump ‘lường trước rủi ro’ khi gặp ông Kim

Dưới đây là năm điều ông tin tưởng.

1. Tấn công phủ đầu Bắc Hàn là hoàn toàn thỏa đáng

Quan điểm của ông Bolton về vấn đề Bắc Hàn sẽ được quan tâm nhiều sau khi ông vào Tòa Bạch Ốc, trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Kim Jong-un được trông đợi sẽ diễn ra vào tháng Năm.

Ông Bolton khẳng định Bắc Hàn và chương trình hạt nhân của nước này mang đến một ”mối đe dọa trông thấy” cho Mỹ, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Washington vẫn còn thời gian cho đàm phán ngoại giao.

”Với những lỗ hổng của tình báo Hoa Kỳ về Bắc Hàn, chúng ta không nên chờ đợi đến những giây phút cuối cùng,” ông viết trên tờ Wall Street Journal hồi tháng Hai về khả năng tấn công phủ đầu có thể xảy ra.

”Sẽ hoàn toàn hợp pháp nếu Mỹ sử dụng tấn công phủ đầu để đáp trả lại mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.”

2. Đánh bom Iran có lẽ cũng ổn

Tổng thống Donald Trump đã sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson do những quan điểm trái ngược về thỏa thuận hạt nhân tại Iran, điều mà ông Trump đặc biệt quan tâm.

Với John Bolton, ông Trump sẽ tìm được một người có quan điểm tương đồng hơn với ông.

Ông Bolton đã chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama khi đồng ý thỏa thuận chương trình vũ khí hạt nhân Iran hồi năm 2015.

Năm ngoái, ông Bolton viết rằng ngôn từ của thỏa thuận ”tạo ra những lỗ hổng lớn, và Iran giờ đây lái các chương trình tên lửa và hạt nhân bay thẳng qua những lỗ hổng này.”

Tháng 3/2015, một vài tháng trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran được k‎ý kết, ông Bolton lập luận trên tờ Thời báo New York rằng chỉ có hành động quân sự mới đủ.

”Thời gian rất ngắn, nhưng đánh bom vẫn có thể thành công,” ông viết để bày tỏ hậu thuẫn cho hành động của Israel.

”Một cuộc tấn công như vậy phải đi cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cho phe đối lập của Iran, nhằm mục đích thay đổi chế độ ở Tehran.”

Thượng đỉnh Mỹ – Triều: Trump không ‘tham khảo’ ngoại trưởng?

Chính phủ Mỹ mở cửa lại

Bắc Hàn ra phim bộ truyền hình về lòng ái quốc

Mỹ: Quốc hội đạt thỏa thuận trừng phạt Nga

3. Không là người ủng hộ Liên Hợp Quốc

”Không có Liên Hợp Quốc,” ông Bolton tuyên bố trong bài phát biểu năm 1994. “Có một cộng đồng quốc tế mà đôi khi có thể được lãnh đạo bởi quốc gia quyền lực thực sự duy nhất còn lại trên thế giới, và đó là nước Mỹ, khi điều đó phù hợp với lợi ích của chúng ta và chúng ta có thể thuyết phục các nước khác nghe theo”.

Phát ngôn này đã được đưa ra cách đây hơn một thập kỷ, trước khi ông được chính quyền Tổng thống George W Bush bổ nhiệm là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Nhưng ông Bolton vẫn hoài nghi về một cơ quan toàn cầu không chịu trách nhiệm về bất cứ chủ quyền của quốc gia nào.

Tờ The Economist gọi ông là ”đại sứ gây tranh cãi nhất mà Hoa Kỳ gửi đến Liên Hợp Quốc”, nhưng ông cũng giành được một số lời khen ngợi, khi mạnh mẽ thúc đẩy việc cải tổ tổ chức quốc tế này.

4. Chiến tranh Iraq không phải là một sai lầm

Chỉ vài tuần trước, ông Trump gọi cuộc tấn công Iraq năm 2003 là ”quyết định tồi tệ nhất được đưa ra”. Cùng thời điểm 2003, ông John Bolton, người từng ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến Iraq, từ chối lên án nó.

”Khi anh cho rằng lật đổ Saddam Hussein là một sai lầm, nói thế đơn giản quá,” ông nói trong một lần xuất hiện trên kênh tin tức Fox News.

Năm 2016, khi đang cân nhắc liệu có ra tranh cử chức ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Bolton dè dặt hơn.

”Nếu bạn biết mọi thứ bạn làm hôm nay, chắc hẳn bạn sẽ đưa ra những lựa chọn khác, nhưng tôi vẫn sẽ lật đổ Saddam Hussein vì ông ta là một mối đe dọa với hòa bình và sự ổn định trong khu vực,” tờ Washington Post dẫn lời ông nói.

Câu hỏi về sức khoẻ tâm thần của ông Trump

Trump phủ nhận kỳ thị chủng tộc

Tổng thống Trump: Cuốn sách mới là ‘hư cấu’ và ‘lừa đảo’

Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc

5. Nga cần phải được xử lý mạnh tay

Ông Bolton miêu tả sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 là một ”hành động chiến tranh thực sự, và Washington sẽ không bao giờ dung thứ’.

Tháng 7 năm 2017, khi ông Trump gặp ông Putin và nhà lãnh đạo Nga bác bỏ sự can thiệp của Nga, ông Bolton viết rằng ông Putin “nói dối sau khi đã qua các khóa huấn luyện tốt nhất của KGB.”

Gần đây, sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripial tại Anh- một cuộc tấn công được cho là do Nga gây ra – ông Bolton cho rằng phương Tây nên đáp trả lại với ”một câu trả lời cứng rắn”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43514557

 

Trump ra chính sách hạn chế người chuyển giới tính

phục vụ trong quân đội

Tổng thống Donald Trump đã ký một bản thông tri hôm thứ Sáu cấm một số người chuyển đổi giới tính phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, nhưng cho phép lực lượng vũ trang toàn quyền thi hành chính sách này.

Bản thông tri nói những người chuyển giới tính có bệnh sử rối loạn định dạng giới tính (gender dysphoria), được định nghĩa là “những người có thể phải cần điều trị y tế đáng kể, bao gồm thông qua thuốc men hoặc phẫu thuật,” đều không đủ tiêu chuẩn phục vụ trong quân đội “ngoại trừ trong một số trường hợp nhất định.”

Thông tri nói thêm rằng bộ trưởng quốc phòng và an ninh nội địa “có thể thực thi thẩm quyền của mình để thi hành bất kỳ chính sách thích hợp nào liên quan đến việc phục vụ trong quân đội của các cá nhân chuyển đổi giới tính.”

Nhà Trắng nói Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã kết luận rằng những cá nhân có bệnh sử hay được chẩn đoán rối loạn định dạng giới tính đề ra nguy cơ cho tính hữu hiệu của quân đội.

“Chính sách mới này sẽ cho phép quân đội áp dụng các tiêu chuẩn sức khỏe tâm thần và thể chất đã được xác lập vững chắc một cách bình đẳng cho tất cả những ai muốn gia nhập và chiến đấu cho lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất mà thế giới từng chứng kiến.”

Quyết định của ông Trump ít mang tính hạn chế hơn những phát biểu ban đầu của ông trong một thông báo trên Twitter vào tháng 7 năm ngoái, nói rằng ông sẽ cấm những người chuyển giới tính phục vụ trong quân đội. Lệnh cấm toàn diện này đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama.

Vào thời điểm đó, ông Trump nói trên Twitter rằng quân đội “không thể chịu gánh nặng chi phí y tế và sự gián đoạn hết sức to lớn mà những người chuyển giới tính trong quân đội sẽ gây ra.”

Tuy nhiên, một số thẩm phán liên bang đã ra phán quyết chặn lệnh cấm của ông Trump, nói rằng nó có thể vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng dưới luật pháp, theo Hiến pháp Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu, Lầu Năm Góc tái khẳng định họ sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp liên bang.

Một hồ sơ tòa án do chính quyền Trump đệ trình cho biết 8.980 quân nhân được xác định là người chuyển giới tính nhưng chỉ có 937 quân nhân hiện dịch được chẩn đoán rối loạn định dạng giới tính kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2016.

Ít nhất một tân binh chuyển giới tính đã ký hợp đồng gia nhập quân đội Mỹ kể từ khi tòa án liên bang phán quyết cuối năm ngoái rằng quân đội sẽ phải chấp nhận các cá nhân chuyển giới tính.

Bộ Tư pháp cho biết họ sẽ tiếp tục bênh vực thẩm quyền của Bộ Quốc phòng trong định ra và thi hành các chính sách về quân nhân.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ra-chinh-sach-han-che-nguoi-chuyen-gioi-tinh-phuc-vu-trong-quan-doi/4314387.html

 

Mỹ-Trung đụng độ tại diễn đàn nhân quyền LHQ

Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu với nhau hôm 23/3 tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nơi phái đoàn Mỹ bác bỏ một nghị quyết do Bắc Kinh đưa ra, nói rằng nghị quyết này nhằm mục đích tôn vinh cách tiếp cận gọi là “hai bên cùng có lợi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Reuters, nhà ngoại giao Mỹ Jason Mack kêu gọi biểu quyết văn bản về “hợp tác cùng có lợi” của Trung Quốc, sau đó đã được thông qua dễ dàng ở diễn đàn gồm 47 thành viên. Phái đoàn Hoa Kỳ là thành viên duy nhất bỏ phiếu “không”, trong khi Anh, Nhật Bản và Úc bỏ phiếu trắng.

Ông Mack nói: “Những ngôn hoa mỹ về ‘hợp tác cùng có lợi’ chỉ nhắm làm lợi cho các nước độc tài trong khi phương hại tới các quyền làm người và các quyền tự do căn bản của người dân, mà tất cả các nước có nghĩa vụ phải tôn trọng”.

Đề cập đến những người phát ngôn của Trung Quốc, nhà ngoại giao Mỹ nói thêm: “Họ đã nêu lên rõ ý định của họ muốn tôn vinh chủ tịch Trung Quốc bằng cách đưa tư tưởng của ông Tâp vào ngôn ngữ của tổ chức nhân quyền quốc tế”.

https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-dung-do-tai-dien-dan-nhan-quyen-lhq/4314195.html

 

Mỹ tố Trung Quốc

đánh cắp sáng chế trong vụ kiện ở WTO

Hoa Kỳ đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 23/3, một phần trong một loạt biện pháp thương mại do Tổng thống Donald Trump công bố một ngày trước với cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

Bản ghi nhớ được tổng thống Trump ký nhắm mục tiêu đánh thuế tới 60 tỉ đôla hàng hóa của Trung Quốc.

Vụ kiện lên WTO không nằm ngoài dự kiến vì các khoản thuế theo luật của Hoa Kỳ đòi hỏi phải có đối đầu pháp lý cùng lúc tại cơ quan thương mại toàn cầu.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của ông Trump, và tuyên bố sẵn sàng trả đũa chống hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Reuters dẫn thông báo của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nói: “Trung Quốc hình như đang vi phạm các quy tắc của WTO khi khước từ, không cho chủ sở hữu các bằng sáng chế nước ngoài, kể cả các công ty Mỹ, hưởng các quyền sáng chế căn bản để ngăn chặn một tổ chức hoặc công ty Trung Quốc sử dụng công nghệ sau khi kết thúc hợp đồng cấp phép.”

“Trung Quốc hình như cũng vi phạm các quy tắc WTO khi áp đặt các điều khoản hợp đồng bất lợi, phân biệt đối xử và gây bất lợi cho công nghệ từ nước ngoài”.

Các chính sách như thế này cản trở khả năng của chủ sở hữu công nghệ nước ngoài đặt ra các điều kiện dựa trên thị trường trong việc cấp phép và lập hợp đồng công nghệ khác.

Ngày 22/3, Đại sứ Trung Quốc tại WTO nói với Reuters rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đối phó với các động thái của Mỹ, và sẽ thách thức Mỹ tại WTO.

Hoa Kỳ tung các khoản thuế mới nhắm vào chính sách của Trung Quốc về quyền sở hữu tài sản trí tuệ sau hai động thái thương mại quan trọng của ông Trump: áp thuế các tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu và trên nhôm và thép.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/3 cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho các biện pháp trả đũa trị giá tới 3 tỷ đôla nhắm vào hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ để cân đối với thuế đánh trên nhôm và thép, với một danh sách gồm 128 sản phẩm của Mỹ có thể bị nhắm mục tiêu.

https://www.voatiengviet.com/a/my-to-trung-quoc-danh-cap-sang-che-trong-vu-kien-o-wto/4314192.html

 

Tân cố vấn an ninh của Trump

gây lo ngại từ Âu sang Á

Việc ông John Bolton được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn làm tân cố vấn an ninh quốc gia khơi dậy phản ứng mạnh mẽ khắp thế giới hôm 23/3. Phần lớn các nhà quan sát lo ngại rằng lập trường diều hâu của ông Bolton sẽ gây khó khăn hoặc làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề đối ngoại mà Mỹ đang đối mặt, đặc biệt là vấn đề Iran và Triều Tiên.

Ít có nơi nào mà phản ứng đó lại mạnh mẽ như ở vùng Trung Đông vốn bị chia rẽ gay gắt.

Một số nhà bình luận nhận định quyết định bổ nhiệm ông Bolton là một cái đinh nữa đóng vào cỗ quan tài thỏa thuận hạt nhân thời Obama giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran, vốn đã bị ông Trump nghi vấn.

Những người khác thì cho rằng ông Bolton sẽ càng làm suy yếu bất kỳ hy vọng mong manh nào còn sót lại về một “giải pháp hai nhà nước” cho xung đột giữa Israel và người Palestine đang nổi lên trong tương lai gần.

Ông Bolton, trong những tháng gần đây, hoan nghênh kế hoạch của ông Trump dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel về Jerusalem. Naftali Bennett, một thành viên trong nội các an ninh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, gọi ông Bolton là “một chuyên gia an ninh xuất sắc, một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm và là một người bạn trung thành của Israel.”

Haaretz, website tin tức thiên tả ở Israel, tỏ ra ít nhiệt tình hơn. Họ dẫn lại phát biểu năm 2016 của ông Bolton rằng ý tưởng về hai nhà nước Israel và Palestine tồn tại song song đã “chết từ lâu.”

Thay vào đó ông Bolton cho rằng lãnh thổ của Palestine nên được đặt dưới chủ quyền của Ai Cập và Jordan.

Ellie Geranmayeh, nhà nghiên cứu chính sách cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, nói với Reuters rằng việc bổ nhiệm ông Bolton, cùng với việc bổ nhiệm ông Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ hồi tuần trước, làm giảm đi đáng kể xác suất ông Trump sẽ theo đuổi thỏa thuận hạt nhân kể từ tháng 5 trở đi.

“Cả hai nhân vật này đều lớn tiếng chống đối thỏa thuận hạt nhân, ủng hộ thay đổi chế độ ở Iran và ông Bolton đã nhiều lần kêu gọi ném bom thay vì ngoại giao như là cách để giải quyết vấn đề hạt nhân.”

Ông Trump bao quanh mình bằng “những cố vấn cùng chí hướng,” bà Geranmayeh nói, và “thanh trừng những người bất đồng.”

Nhưng bà lưu ý lập trường của ông Bolton về thỏa thuận Iran sẽ gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và các cường quốc Châu Âu đồng ký kết.

Các quan chức Châu Âu bày tỏ lo ngại về những thay đổi nhân sự tại Washington. “Từng nhân tố điều hòa trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng lần lượt ra đi. Chúng tôi đã hy vọng ‘những người chín chắn trong gian phòng đó’ sẽ thuyết phục được Trump, nhưng bây giờ họ đang lần lượt bỏ đi,” một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.

Một số nhà quan sát Iran và khu vực nhìn thấy mây đen bão tố đang tụ hội. “Tổng thống Trump đã chọn một nội các chiến tranh,”Ali Alfoneh, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Atlantic, nói với Reuters.

Ông Bolton là người ủng hộ hàng đầu cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 và kêu gọi thay đổi chính quyền ở Triều Tiên.

Lời kêu gọi tấn công phủ đầu Triều Tiên của ông từng khiến quốc gia cộng sản sở hữu vũ khí hạt nhân này phẫn nộ gọi ông là “cặn bã loài người.”

“Đây là tin tức đáng lo ngại,” Kim Hack-yong, nhà lập pháp bảo thủ và là người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Hàn Quốc, phản ứng về việc bổ nhiệm ông Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia. “Triều Tiên và Mỹ cần có đối thoại nhưng điều này chỉ thổi bùng lên lo ngại liệu các cuộc hội đàm có diễn ra được hay không.”

Ông Bolton đã mô tả kế hoạch của ông Trump hội kiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “cú sốc ngoại giao” và nói rằng đó sẽ là một cơ hội dẫn tới một mối đe dọa hành động quân sự.

“Tôi nghĩ rằng cuộc gặp này giữa hai nhà lãnh đạo có thể là một cuộc gặp khá ngắn ngủi, nơi mà ông Trump nói, ‘Nói cho tôi nghe là quý vị đã bắt đầu giải trừ hạt nhân hoàn toàn, vì chúng tôi sẽ không đàm phán kéo dài. Quý vị có thể cho tôi biết ngay bây giờ hoặc chúng tôi sẽ bắt đầu nghĩ về điều gì đó khác,” ông nói với đài phát thanh WMAL của Washington.

Cựu quan chức tình báo Hàn Quốc Nam Sung-wook nhận định ông Trump thậm chí có thể còn không có cơ hội đưa ra thông điệp đó.

“Việc ông Bolton được bổ nhiệm vào vị trí này khiến cho tình hình rất khó khăn mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều thậm chí có thể không diễn ra,” ông nói với Reuters. “Đường đi sẽ rất chông gai ngay cả trước hội nghị thượng đỉnh.”

https://www.voatiengviet.com/a/tan-co-van-an-ninh-cua-trump-gay-lo-ngai-tu-au-sang-a/4313884.html

 

Mỹ chế tài tin tặc Iran

Mỹ ngày 23/3 cáo buộc và chế tài 9 cá nhân và một công ty Iran về tội thay mặt chính phủ Tehran tấn công tin tặc nhắm vào hàng trăm trường đại học trên toàn thế giới, hàng chục công ty và một số cơ quan của chính phủ Mỹ, bao gồm cơ quan quản lý năng lượng chính.

Các vụ tấn công mạng, bắt đầu ít nhất là từ năm 2013, đã đánh cắp hơn 31 terabyte dữ liệu học thuật và tài sản trí tuệ từ 144 trường đại học ở Mỹ và 176 trường đại học ở 21 nước khác, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, mô tả chiến dịch này là một trong những vụ tấn công tin tặc được nhà nước bảo trợ lớn nhất từng bị truy tố.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang áp đặt chế tài lên 9 người và Viện Mabna, một công ty mà các công tố viên Mỹ mô tả là được thiết kế để giúp các tổ chức nghiên cứu của Iran đánh cắp thông tin.

Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói rằng chín người Iran được coi là những kẻ đào tẩu có thể bị dẫn độ ở hơn 100 quốc gia nếu họ du hành ngoài Iran.

Nhà chức trách “sẽ quyết liệt điều tra và truy tố những tác nhân thù địch tìm cách thu lợi từ những ý tưởng của Mỹ bằng cách thâm nhập hệ thống máy tính của chúng ta và đánh cắp tài sản trí tuệ,” ông Rosenstein nói tại một cuộc họp báo.

Ông nói vụ việc “sẽ gây gián đoạn hoạt động tấn công tin tặc của các bị cáo và răn đe các vụ phạm tội tương tự.”

Các tin tặc này không bị cáo buộc làm việc trực tiếp cho chính phủ Iran. Thay vào đó, họ bị cáo buộc về hành vi hình sự chủ yếu thông qua Viện Mabna thay mặt cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, lực lượng quân sự ưu tú có nhiệm vụ bảo vệ chế độ thần quyền Shia của Iran khỏi các mối đe dọa trong và ngoài nước.

Không có phản ứng tức thì về các cáo buộc và chế tài từ truyền thông nhà nước Iran.

Hành động hôm thứ Sáu là một phần trong nỗ lực của các quan chức an ninh mạng cao cấp tại Nhà Trắng và khắp chính phủ Mỹ nhằm quy trách các nước về những vụ tấn công tin tặc độc hại.

https://www.voatiengviet.com/a/my-che-tai-tin-tac-iran/4313856.html

 

Điều tra về Nga kéo dài,

 liệu CTV Mueller có bị sa thải?

Ông John Dowd, luật sư chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điều tra về can thiệp của Nga, đã từ chức hôm 22/3, diễn biến gay cấn mới nhất trong cuộc điều tra tiếp tục phủ bóng đen lên bộ máy Tòa Bạch Ốc dưới quyền ông Trump.

Ông Dowd ra đi sau một ‘trận bão twitter’ kéo dài mấy ngày liên tiếp của tổng thống Trump, công kích cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga và trực tiếp nêu đích danh công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Các đồng minh của ông Trump nói tổng thống đang bực dọc về cuộc điều tra kéo dài như vô tận.

Các lãnh đạo đảng Cộng hòa nói họ đã được đảm bảo rằng chuyện sa thải ông Mueller ít có khả năng xảy ra. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số, phát biểu:

“Ông ấy [Mueller] sẽ đi tới chốn, bất cứ nơi nào các dữ kiện dẫn ông ấy. Tôi nghĩ ông Mueller sẽ được người dân Mỹ tin tưởng khi ông ấy đi đến kết luận về cuộc điều tra này”.

Cho dù ông Mueller bị sa thải, hậu quả chính trị sẽ rất khó lường, theo ông John Hudak thuộc Viện nghiên cứu Brookings:

“Tôi nghĩ sẽ có nhiều đảng viên Cộng hòa giờ đã vẽ ra bức tranh, và họ đã chấp nhận ý kiến cho rằng cuộc điều tra của ông Mueller bị tha hóa và cần phải chấm dứt. Tôi nghĩ rằng nhiều đảng viên Cộng hòa sẽ không chỉ ngồi yên trong khi tổng thống sa thải công tố viên Mueller, mà họ còn hoan nghênh động thái đó”.

Các đảng viên đảng Dân chủ phản biện rằng việc đó sẽ làm suy yếu nền pháp quyền ở Hoa Kỳ và có thể chấm dứt một cuộc điều tra mà cho đến nay đã khiến 5 nhân vật liên quan tuyên bố nhận tội, truy tố 13 công dân Nga cũng như viên cựu quản lý chiến dịch bầu cử của ông Trump, là Paul Manafort.

https://www.voatiengviet.com/a/dieu-tra-ve-nga-keo-dai-lieu-ctv-mueller-co-bi-sa-thai/4313425.html

 

Vụ lũng đoạn thông tin khách hàng,

Facebook phải ra điều trần

Giới lập pháp Mỹ ngày 23/3 chính thức yêu cầu giám đốc điều hành của Facebook, ông Mark Zuckerberg, giải thích trước Quốc hội lý do vì sao dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook rơi vào tay công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang bị áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ, nhà đầu tư và các nhà quảng cáo sau khi có tố giác rằng công ty tư vấn chính trị ở Anh, Cambridge Analytica, tiếp cận trái phép thông tin người sử dụng để lập nên các tài liệu mô tả về cử tri Mỹ mà sau đó được dùng để giúp cho Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016.

“Buổi điều trần sẽ điều nghiên về cách thức thu thập và mua bán thông tin cá nhân của trên 50 triệu người sử dụng Facebook mà chủ nhân không hề hay biết hay đồng ý, vi phạm chính sách của Facebook,” dân biểu Greg Walden, người chủ tọa ban điều trần cùng dân biểu Frank Pallone và các lãnh đạo trong ủy ban cho biết.

Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện không tiết lộ thời điểm diễn ra buổi điều trần nhưng ít nhất sẽ phải chờ Quốc hội tái nhóm sau kỳ nghỉ 2 tuần.

Trong tuần này, ông Zuckerberg tuyên bố sẵn sàng ra trình bày trước các nhà lập pháp Mỹ.

Một phát ngôn nhân của Facebook xác nhận rằng công ty đã nhận được thư mời từ Hạ viện và đang xem xét.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ cũng yêu cầu ông Zuckerberg ra điều trần và cho biết đang chọn thời điểm thích hợp trong vài tuần tới.

Hôm thứ tư, ông Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi vì sai phạm của công ty và hứa sẽ giới hạn tiếp cận thông tin người sử dụng nhằm bảo vệ quyền riêng tư.

Sau khi vụ này bị phơi bày ra ánh sáng, Facebook tới nay đã mất hơn 50 tỷ đô la giá trị thị trường.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/vu-lung-doan-thong-tin-khach-hang-facebook-bi-quoc-hoi-my-keu-ra-dieu-tran-/4313871.html

Mỹ điều thủy quân lục chiến đông kỷ lục

sang Úc huấn luyện

Mỹ sẽ điều động số lượng Thủy quân lục chiến đông kỷ lục sang huấn luyện tại Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết hôm thứ Sáu, trong khi Washington tìm cách chống lại điều mà họ mô tả là hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

Bà Marise Payne cho biết 1.587 Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ trải qua sáu tháng huấn luyện ở khu vực hẻo lánh phía bắc của Úc, tăng gần 27 phần trăm so với đợt luân chuyển năm 2017 cho chương trình được gọi là Force Posture Initiatives.

“Quân đội Mỹ đóng một vai trò trọng yếu trong việc bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Force Posture Initiatives sẽ là một cấu phần thiết yếu trong việc bảo vệ ổn định và an ninh trong những thập kỷ tới,” bà Payne nói trong một phát biểu.

Sự triển khai này, lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2011 như một phần trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ về Châu Á, đã nổi lên như là một chỉ dấu quan trọng cho cam kết của Washington đối với khu vực dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự sẵn sàng của ông chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong một khu vực mà căng thẳng đã tăng mạnh giữa những tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, một tuyến đường thương mại quan trọng được cho là chứa trữ lượng lớn dầu mỏ và khí thiên nhiên, và Bắc Kinh vẫn đang xây cất các đảo nhân tạo trên các bãi san hô, một số đảo có hải cảng và đường băng.

Trong một hành động có phần chắc sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ huấn luyện với binh sĩ từ Úc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, một số trong các nước này cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Thủy quân lục chiến Mỹ cũng sẽ mang tới thêm các thiết bị quân sự, bao gồm máy bay trực thăng và máy bay phản lực F-18, bà Payne cho hay.

Sự triển khai quân đội này cũng đe dọa làm suy yếu hơn nữa quan hệ giữa Úc và Trung Quốc.

Úc, một đồng minh trung thành của Mỹ và không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, từ lâu đã duy trì sự trung lập trong tranh chấp để bảo vệ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Nhưng quan hệ song phương đã xấu đi trong những tháng gần đây sau khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói rằng Trung Quốc đã can thiệp không đúng mực vào công việc nội bộ của Canberra, một cáo buộc khơi ra phản đối hiếm hoi từ Bắc Kinh.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-thuy-quan-luc-chien-dong-ky-luc-sang-uc-huan-luyen/4313854.html

 

Đài Loan giáo dục thanh niên về ‘mối nguy’ Trung Quốc

Cơ quan Đài Loan phụ trách về chính sách đối với Trung Quốc ngày 23/3 nói Đài Loan nên giáo dục giới trẻ về những rủi ro do Trung Quốc đặt ra, nơi “không có tự do và cũng không dân chủ”.

Bản tin của Reuters tường thuật rằng Trung Quốc gần đây đã tăng cường nỗ lực mua chuộc giới trẻ Đài Loan, một thành phần dân số quan trọng nên tiếp cận trong bối cảnh quan hệ chính trị giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang xấu đi, trong đó có các biện pháp khuyến khích thành lập doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là thuộc lãnh thổ của họ, và xem người dân ở đảo tự trị Đài Loan là công dân Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp thảo luận về phiên họp Quốc hội mới đây của Trung Quốc, Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan nói chính phủ ở Đài Bắc nên chống lại nỗ lực của Trung Quốc tìm cách thu hút tài năng từ Đài Loan chẳng hạn như sinh viên và giáo viên.

Hội đồng của Đài Loan nói:

“Một số thành viên trong hội đồng nói rằng những người trẻ ở Đài Loan tin vào dân chủ và tự do, là môi trường mà xã hội Trung Quốc đại lục không thể cung cấp”.

Hội đồng nói thêm:

“Chính phủ có thể củng cố và nêu bật những lợi thế của Đài Loan, để giúp thanh niên thấu hiểu những rủi ro tiềm tàng”.

Chính phủ hiện tại của Đài Loan đã giành được quyền lực với sự trợ giúp của Phong trào Hướng Dương của thanh niên, phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc, điều mà chính phủ Đài Loan cho là đã khiến Trung Quốc chú ý, và là lý do vì sao Bắc Kinh đang tập trung vào thanh niên Đài Loan.

Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc. Thái độ thù địch của Bắc Kinh đối với hòn đảo này đã tăng từ khi bà Thái Anh Văn – thuộc Đảng Dân Tiến, đắc cử tổng thống Đài Loan vào năm 2016.

Trung Quốc lo ngại Bà Thái muốn thúc đẩy giải pháp độc lập chính thức cho Đài Loan, mặc dù bà Thái nói bà muốn duy trì hiện trạng và hòa bình.

Hôm thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo Đài Loan rằng nước này sẽ phải đối mặt với “hình phạt lịch sử” nếu phát động bất kỳ nỗ lực ly khai nào. Đây là cảnh báo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đối với đảo quốc này.

Trung Quốc cũng bày tỏ phẫn nộ đối với luật mới của Hoa Kỳ, khuyến khích liên lạc và trao đổi giữa các giới chức Mỹ và Đài Loan, mặc dù hai bên không có quan hệ chính thức.

Cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan chưa bao giờ mạnh hơn và hòn đảo này là cảm hứng cho cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói tại Đài Loan trong tuần này.

Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan lưu ý rằng các quan chức Trung Quốc gần đây đã sử dụng từ “nghiêm trọng” khi đề cập đến mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-giao-duc-thanh-nien-ve-moi-nguy-trung-quoc/4313430.html

 

Mỹ: Hàng trăm ngàn học sinh

tuần hành đòi kiểm soát súng đạn

Trọng Nghĩa

Trên nguyên tắc, trong ngày 24/03/2018, có hàng trăm ngàn học sinh xuống đường tuần hành trên toàn nước Mỹ để đòi chính quyền kiểm soát súng đạn. Cuộc biểu tình mang tên « Tuần hành vì sinh mạng của chúng ta » diễn ra tại Washington và nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ban tổ chức hy vọng có đến 500.000 học sinh và phụ huynh đổ về thủ đô Washington để tham gia sự kiện với khẩu hiệu « Không bao giờ như vậy nữa ». Bên cạnh đó, hơn 800 cuộc tuần hành lớn nhỏ khác sẽ diễn ra khắp nước Mỹ.

Các cuộc biểu tình tuần hành được tổ chức trong bối cảnh dư luận Mỹ chưa hết chấn động trước các vụ xả súng liên tiếp trong các trường học, nhất là sau thảm kịch đẫm máu ngày 14/02 tại một trường trung học ở Parkland, bang Florida, khiến 17 người thiệt mạng.

Mỹ chính thức đề xuất cấm hoàn toàn thiết bị cải biến súng

Trong tình hình đó, ngày 23/03, chính quyền Donald Trump đã chính thức đề xuất cấm hoàn toàn loại thiết bị gọi là cải biến súng, cho phép chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng tự động có khả năng bắn lien thanh (tiếng Mỹ gọi là “bump stock”).

Quy định của bộ Tư Pháp được đưa ra tham khảo ý kiến của dân (có thể dẫn tới sửa đổi quy định) trong vòng 90 ngày, sau đó sẽ trở thành luật tại Mỹ, buộc người sở hữu súng giao nộp, phá hủy hoặc hoàn trả các thiết bị cải biến súng.

Bộ Tư Pháp Mỹ ước lượng có khoảng 520.000 thiết bị loại này được lưu hành tại Mỹ kể từ khi được tung ra thị trường khoảng năm 2008.

Tổng thống Mỹ ký luật ngân sách, chính phủ không bị đóng cửa lần thứ ba

Trong một lãnh vực hoàn toàn khác, vài tiếng đồng hồ sau khi đe dọa sẽ phủ quyết dự luật vì không chi cho việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mêhicô, tổng thống Trump đã ký ban hành luật ngân sách mới, tránh việc chính phủ phải đóng cửa.

Dự luật này cung cấp 1,3 nghìn tỷ đô la cho chính phủ liên bang cho đến ngày 30/9/2018, chi 700 tỷ đô la cho quân đội và 591 tỷ cho các cơ quan trong nước. So với mức năm 2017, chi tiêu cho quân sự tăng 66 tỷ, và chi tiêu phi quốc phòng là 52 tỷ.

Tổng thống Donald Trump mong muốn có 25 tỷ đô la chi cho bức tường biên giới Mỹ-Mêhicô mà ông đề xuất, nhưng đã không toại nguyện. Ông chỉ nhận được 1,6 tỷ đô la chi cho vấn đề an ninh biên giới trong năm 2018, bao gồm việc thay thế và sửa chữa các hàng rào dọc theo biên giới phía nam nước Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180324-my-hang-tram-ngan-hoc-sinh-tuan-hanh-doi-kiem-soat-sung-dan

 

Thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh sẽ “làm tất cả”

 để bảo vệ quyền lợi

Trọng Nghĩa

Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo kế hoạch đánh thuế trên hành chục tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh vừa chuẩn bị biện pháp trả đũa, vừa tỏ ý sẵn sàng đàm phán. Trong cuộc điện đàm ngày 24/03/2018 với bộ trưởng Tài Chánh Mỹ Steven Mnuchin, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, đã khẳng định rằng Bắc Kinh “sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để bảo vệ lợi ích của mình”.

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc nói chuyện, ông Lưu Hạc tố cáo Mỹ là đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, một điều không hề có lợi cho Trung Quốc, Hoa Kỳ, cũng như toàn thế giới.

Người vừa được cử lãnh đạo nền kinh tế Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị và có đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, nhân vật này vẫn hy vọng là hai bên sẽ hành động theo lý trí và cùng nhau duy trì quan hệ thương mại song phương ổn định. Theo Tân Hoa Xã, hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán.

Cuộc điện đàm Lưu Hạc – Steven Mnuchin là cuộc đối thoại ở cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và Washington sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp dụng gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ đô la nhắm vào các loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã phản đối, đồng thời tuyên bố xem xét áp đặt các mức thuế trị giá 3 tỷ đô la đối với hàng hóa nhập từ Mỹ, từ trái cây cho đến thịt heo và các loại mặt hàng khác.

Đồng thời Trung Quốc cũng kêu gọi Hoa Kỳ tránh để xẩy ra « thảm họa ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng Trung Quốc « không mong muốn, nhưng không hề hãi sợ » một cuộc chiến tranh thương mại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180324-thuong-mai-my-trung-bac-kinh-se-lam-tat-ca-de-bao-ve-quyen-loi

 

Vụ Cambridge Analytica:

Trụ sở công ty tại Luân Đôn bị khám xét

Thùy Dương

Các nhà điều tra Anh Quốc ngày 23/03/2018 đã khám xét trụ sở ở Luân Đôn của công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica. Doanh nghiệp này bị tố cáo đã thu thập trái phép các dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook ở Hoa Kỳ.

Theo AFP, khoảng 20 nhân viên của ICO, cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của Anh Quốc, đã tới khám xét trụ sở của công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica tại trung tâm thủ đô Luân Đôn, sau khi được phép của một thẩm phán Tòa án Tối cao.

Nhà chức trách Anh đang điều tra để xác định liệu Facebook, mạng xã hội Facebook lớn nhất toàn cầu, có các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng hay không.

Ngày 23/03, các dân biểu Mỹ cũng đã yêu cầu Mark Zuckerberg, chủ tập đoàn Facebook, điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ để giải thích tại sao dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người sử dụng tại Mỹ lại lọt vào tay công ty Cambridge Analytica.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180324-vu-cambridge-analytica-tru-so-cong-ty-tai-luan-don-bi-kham-xet

 

Vụ Skripal :

Liên Hiệp Châu Âu sắp trừng phạt Nga

Nhiều quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã tỏ lòng đoàn kết với Luân Đôn trong vụ Nga bị cáo buộc đầu độc cựu điệp viên nhị trùng Serguei Skripal và con gái Ioulia trên lãnh thổ Anh Quốc. Ngày 23/03/2018, tại thượng đỉnh Liên Âu ở Bruxelles, nhiều thành viên thông báo sẽ đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt, có thể là ngay từ thứ Hai 26/03, nhắm vào Nga bị Luân Đôn tố cáo là đứng sau vụ đầu độc.

Đặc phái viên RFI Tudor Tépénéag tường trình từ Bruxelles :

« Quá trình đưa ra quyết định trừng phạt Nga diễn ra theo nhiều chặng. Trước hết là cuộc họp ba bên vào tối thứ Năm 22/03 giữa thủ tướng Anh Theresa May, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cả ba nhà lãnh đạo dĩ nhiên đã xem xét lại những yếu tố nhạy cảm của cuộc điều tra, chứng minh Matxcơva có dính líu vào vụ đầu độc Serguei Skripal và cô con gái Ioulia.

Tiếp theo đó, đến lượt chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, bất chấp thái độ lưỡng lự của một số thành viên Liên Hiệp, đã tuyên bố rằng chính Nga đứng sau vụ đầu độc ở Salisburry và không thể có những lời giải thích khác được.

Ngay sau đó, Liên Hiệp Châu Âu đã thông báo triệu hồi đại sứ của mình ở Matxcơva để tham vấn. Thứ Sáu 23/03, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ rõ lập trường về vụ việc. Ông cho rằng cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ Anh « cần phải có một lời đáp trả phối hợp và kiên quyết từ phía Liên Hiệp Châu Âu và các thành viên ». Ông cam kết sát cánh cùng với thủ tướng Đức Angela Merkel trong vụ việc này.

Các nước Latvia, Lítva, Cộng Hòa Séc và Đan Mạch thông báo đã chuẩn bị các biện pháp nhắm vào Matxcơva, trong đó có thể bao gồm cả việc trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga có liên quan đến hoạt động tình báo ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180324-vu-skripal-lien-hiep-chau-au-sap-trung-phat

 

Thượng đỉnh Liên Triều:

Bình Nhưỡng đồng ý đối thoại cấp cao với Seoul

Thùy Dương

Ngày 24/03/2018, Bắc Triều Tiên đã chấp nhận tổ chức đối thoại cấp cao với Seoul vào tuần tới để bàn về công tác tổ chức thượng đỉnh liên Triều. Trên đây là thông báo của bộ Thống Nhất của Hàn Quốc.

Theo AFP, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ cử mỗi bên một phái đoàn gồm 3 thành viên tới làng Bàn Môn Điếm ở biên giới hai miền Nam – Bắc vào thứ Năm 29/03 để thảo luận về công tác tổ chức thượng đỉnh Liên Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 04/2018.

Seoul gợi ý là các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức tại Tòa nhà Đoàn kết ở phía bắc làng Bàn Môn Điếm.

Trong khi đó, trong khuôn khổ các cuộc thảo thuận ba bên về quốc phòng (DTT) lần thứ 10, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc ngày 23/03 thông báo là Séoul, Washington và Tokyo cam kết hợp tác chặt chẽ, không lơ là đấu tranh để ngăn chặn Bình Nhưỡng vi phạm các lệnh cấm quốc tế trong các hoạt động thương mại, nhất là xuất khẩu qua đường hàng hải.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180324-thuong-dinh-lien-trieu-binh-nhuong-dong-y-doi-thoai-cap-cao-voi-seoul

 

Catalunya: Biểu tình đòi trả tự do

cho lãnh đạo phong trào độc lập

Thùy Dương

Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ngày 23/03/2018 khẳng định tạm giam 5 thủ lĩnh của phong trào đòi độc lập cho vùng Catalunya. Trong số đó, có 3 cựu bộ trưởng vùng này, bà Carme Forcadell – cựu chủ tịch Nghị Viện vùng và ông Jordi Turull – ứng cử viên cho chức chủ tịch vùng Catalunya.

Ngay tối 23/03, người dân đã xuống đường tuần hành ở Catalunya để đòi chính quyền Tây Ban Nha trả tự do cho các thủ lĩnh phong trào ly khai mà họ gọi là « các tù nhân chính trị ».

Thông tín viên RFI Leticia Farine tường thuật từ Barcelona :

Xoong nồi trong tay, cờ xứ Catalunya choàng trên lưng hay cổ quấn khăn màu vàng biểu trưng cho phong trào đòi độc lập, gần 10.000 người đã tụ tập vào khoảng 20h tại quảng trường Catalunya ở Barcelona, theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức như Hiệp hội Quốc gia Catalunya và Omnium Cultural. Người biểu tình yêu cầu chính quyền trả tự do cho 5 lãnh đạo mới của phong trào ly khai bị bắt giữ hôm thứ Sáu, cũng như 4 người khác vốn bị cầm tù từ nhiều tháng nay.

Đối với nhiều người biểu tình, như cô Anna Garriga, 23 tuổi, Tư Pháp Tây Ban Nha đã thoái hóa, biến chất. Cô chia sẻ : « Tư pháp thông đồng với chính phủ. Tất cả mọi người đều biết việc này. Điều đó làm chúng tôi phẫn nộ, vì điều duy nhất chúng tôi muốn là có một nền dân chủ thực thụ. Việc mà họ đang làm là áp đặt luật của họ, thứ luật lệ của kẻ mạnh. Như thế là không công bằng. Đó là điều đã xảy ra dưới thời nhà độc tài Franco, mà chúng tôi thì không muốn quay trở lại chế độ độc tài ».

Ông Jaume, 52 tuổi, tỏ ra bi quan. Ông nói : « Rủi thay là chúng tôi lại chẳng còn cảm thấy ngạc nhiên. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy tư pháp chỉ là khoa học viễn tưởng tại đất nước này. Đây cũng là nỗi thất vọng vì Tây Ban Nha vốn thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Là thành viên Liên Hiệp cũng chẳng để làm gì, lẽ ra chính quyền phải tôn trọng hòa bình và dân chủ, nhưng họ lại không làm thế. »

Trong một văn bản có tiêu đề « Đoàn kết chống đàn áp », các nhà tổ chức cuộc tuần hành đã cáo buộc chính phủ Tây Ban Nha « muốn trấn áp mong muốn của dân chúng » và « bỏ tù trái phép các đại diện chính trị hợp pháp » và « tất cả những ai yêu hòa bình ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180324-catalunya-bieu-tinh-doi-tra-tu-do-cho-lanh-dao-phong-trao-doc-lap