Học đường csvn: Bài văn bị cô giáo cho điểm 0!
Đề bài:
Có người cho rằng: “Sự trung thực và lòng tự trọng chính là 2 yếu tố tiên quyết để dẫn đến thành công”. Bằng vốn kiến thức hiểu biết xã hội của mình, em hãy nghị luận về vấn đề này.
BÀI LÀM:
Khi đọc xong đề bài, em dụi mắt một vài lần, thật sự ngỡ rằng mình đang mơ vậy. Có thể cô sẽ ngạc nhiên, nhưng mà có thể do quan điểm “thành công” của em hơi khác biệt.
Em không biết bây giờ sự thành công chính xác là như thế nào nữa. Song với vốn kiến thức hạn hẹp của mình, trộm nghĩ trở thành một người “quyền cao chức trọng” hay “tiền tiêu không phải nghĩ” – chí ít đó đã là biểu hiện của thành công, thành đạt rồi. Chỉ có điều em thấy phần lớn những người như vậy, thứ thiếu nhất ở họ chính là “sự trung thực” và “lòng tự trọng”.
Thế nào là trung thực, khi xã hội vốn có rất nhiều điều rất thiếu minh bạch? Em có đọc một bài báo, nói về siêu biệt thự của Giám đốc sở tài nguyên tỉnh Yên Bái trị giá hàng trăm tỷ đồng, có xây cả cầu đi-văng ở trong… Đang giật mình, thì sau lại được biết nó còn chưa ăn nhằm gì so với khu dinh cơ của Giám đốc công an tỉnh… Là một người có hiểu biết, làm phép toán đơn giản em có thể tính rằng với mức lương hiện tại, các vị quan chức này phải mất cả ngàn năm phấn đấu mới có thể sở hữu khối tài sản lớn nhường ấy.
Mà không riêng gì Yên Bái, hầu như vị “quan chức” nào, dẫu chỉ là cấp nho nhỏ như phường, xã, ở khắp cả nước, hầu như ai cũng có vài cái nhà bé bé ở thành phố. Mà khi, số ít trong các quan chức được “yêu cầu kê khai nguồn gốc” số tài sản thì có những chuyện cười ra nước mắt. Khi mà tất cả những thanh niên có hoài bão và giầu nghị lực còn đang trăn trở, vật lộn mưu sinh thì các quan chức “người thì xe ôm tích lũy, kẻ lại bán chổi làm giầu” đủ kiếm tiền tỷ. Thiết nghĩ nếu điều này là sự thật, thì mấy vị này đủ giỏi để viết sách dạy làm giầu được. Vậy minh bạch ở đâu??? Vì nếu không có sự minh bạch, lấy gì làm thước đo của lòng tự trọng? ………….
Sự trung thực và lòng tự trọng ở đâu trong xã hội này, và thật sự nó có quan trọng hay không? Từ nhỏ, em đã được dạy rằng con người ta sinh ra phải có tự trọng, có lương tri, biết suy nghĩ về người khác. Thế nhưng, đọc qua câu chuyện về thực phẩm bẩn, về thuốc rởm hay câu chuyện ông chủ tập đoàn y dược nào đó bán hàng ngàn viên thuốc chống ung thư giả mà chỉ bị kết tội buôn lậu, em chợt giật mình. Vẫn nghĩ rằng, chúng ta đang được sống trong một xã hội “công bằng – dân chủ – văn minh” thì chí ít, đó phải là xã hội “quan chức sống có lương tri”, “công an giao thông không nhận mãi lộ”, “bác sĩ không vòi phong bì”, “nhà báo không hoạch họe doanh nghiệp” hay chân dài không đi sextour với đại gia… Nói chung, khi mà văn hóa xã hội đã xuống cấp và mục ruỗng, nhiều người trong giới trẻ chạy theo thị hiếu đồng tiền thì hai chữ “nhân phẩm” càng được đặt trong báo động đỏ. Vì thế, chúng ta nói đến sự trung thực và lòng tự trọng để làm gì?
Liệu cô có tin rằng “kỳ tích sông Hàn” sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam? Đất nước chúng ta có hóa rồng như Hàn Quốc hay chỉ vĩnh viễn là con giun cong mình hình chữ S. Từ nhỏ, em đã được học về những điều Bác Hồ dạy, thấy thấm nhất là câu: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Nhưng Bác ơi, lời Bác dạy năm nào cho “các cháu ngày ấy” có vẻ như ngày nay các cháu đã không áp dụng, đã không cố công học tập rồi, phải không cô?
Thôi thì, tranh thủ sót lại một chút lương tri, sự trung thực và lòng tự trọng tối thiểu thì em cũng chỉ xin được một lần nói thật như thế, mong cô hãy giơ cao đánh khẽ, đừng cho em điểm 0 mà tội nghiệp. Đây chỉ là những điều tâm sự từ tâm can phế phủ của em, về những bức xúc và nỗi đau về một xã hội đã bị nát bét về mọi mặt, mà không biết tỏ cùng ai. Trân trọng cảm ơn cô giáo!