Tin Việt Nam – 23/03/2018
TPHCM: Cháy chung cư Carina làm 13 người chết
13 người đã chết vì ngạt khói và hàng chục người khác bị thương trong đám cháy chung cư Carina tại Quận 8, TP HCM.
Cháy Carina Plaza: ‘Tôi cứ tưởng là đã chết’
Đám cháy bùng phát từ lúc nửa đêm, sáng 23/3 tại tầng hầm chung cư Carina.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra đám cháy, một quan chức địa phương ẩn danh cho AFP biết.
“Hầu hết nạn nhân chết vì ngạt khói, nhưng chúng tôi cũng phát hiện một số người chết vì nhảy khỏi cửa sổ,” một quan chức Phòng cháy chữa cháy cho Reuters biết.
Báo Việt Nam cho hay trong số 13 người tử vong có cả một phụ nữ là chủ tịch ủy ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
Bà đã đu dây từ tầng 14 xuống để thoát thân nhưng bị ngã và tử vong, theo VietnamNet.
Báo Việt Nam cũng đăng ảnh những đoạn dây người sống trong chung cư cao cấp này nối lại để đánh đu xuống nhằm thoát hiểm.
Cháy chung cư Carina Plaza: Đu dây tuyệt vọng chạy trốn lửatựa đề trên VietnamNet
Trang VietnamNet chạy tựa đề: “Cháy chung cư Carina Plaza: Đu dây tuyệt vọng chạy trốn lửa”.
Đang tìm hiểu nguyên nhân
Còn theo cơ quan Phòng cháy chữa cháy TPHCM, có khoảng 39 người bị thương.
“Những người bị thương đã ở trong tình trạng ổn định và chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm quanh tòa nhà để đảm bảo không có ai vẫn bị kẹt trong đó,” Reuters dẫn lời quan chức này.
Hàng chục xe máy và ô tô được phát hiện đã cháy rụi khi lực lượng phòng cháy chữa cháy dập tắt ngọn lửa hoàn toàn vài giờ sau đó.
Hậu vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội
Điều tra vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội
Làm sao dập lửa trên các tòa cao ốc?
Theo báo Tuổi Trẻ, lực lượng PCCC tổ chức cứu nạn hơn 1.000 người. Hơn 30 xe chữa cháy và 200 lính cứu hỏa đã được điều động đến tòa nhà.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong được báo này dẫn lời rằng:
“Việc đầu tiên bây giờ là chăm lo cho các nạn nhân, lo xử lý tất cả các vấn đề phát sinh sau vụ cháy và trấn an bảo đảm an toàn cho các hộ dân trong chung cư.”
Ông Phong khẳng định “khẳng định sẽ khẩn trương rà soát và có biện pháp chấn chỉnh tổng thể để không tiếp diễn những sự việc tương tự.”
Chung cư Carina được xây dựng vào 2012 và nằm trong khu chung cư phức hợp gồm các tòa chung cư 15-22 tầng với 736 căn hộ.
Đây là vụ hỏa hoạn gây nhiều thương vong nhất kể từ đám cháy ở quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội năm 2016 cũng khiến 13 người chết.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43511447
Cháy Carina Plaza: ‘Tôi cứ tưởng là đã chết’
Thùy LinhBBC Tiếng Việt
“Mọi người ai cũng khóc. Cứ tưởng là đã chết, cứ nghĩ hôm nay là ngày tận thế,” bà Lê Thị Mai nhớ lại giây phút đoàn tụ với gia đình sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi trong căng thẳng.
1:20 sáng, không một tiếng chuông báo cháy, không còi hụ, hàng trăm cư dân ở ba khu nhà chung cư Carina vẫn chìm trong giấc ngủ sâu, thì bà Mai đột ngột nhận được một cú điện thoại:
Tòa nhà A nơi anh chị và cháu bà sinh sống đang bốc cháy!
Từ tòa C, bà Mai chạy ngược lại với dòng người đang ùa ra sân trước khu căn hộ, và thấy căn hộ anh trai mình nằm ngay tâm khói dâng lửa.
“Gia đình anh chị tôi nằm ở lô A, ngay tầng 2, ngay trung tâm chỗ cháy. Anh trai tôi thử mở cửa, để ra hành lang thoát hiểm, nhưng vừa mở cửa ra khói xộc vào, đen kịt. Anh tôi ngất xỉu, cháu trai tôi 32 tuổi mới phải kéo anh tôi vào, rồi cả nhà kẹt bên trong.”
Cháy Carina Plaza: 13 người chết và 39 người bị thương
Điều tra vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội
Làm sao dập lửa trên các tòa cao ốc?
‘Có thể không nhận dạng được nạn nhân’
Đứng từ dưới, bà hét vọng lên, dặn cả gia đình phải tẩm ướt sàn nhà, chăn màn để thở, đóng kín cửa, trong khi bà gọi cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
“Cháu tôi làm ở phòng cháy chữa cháy và tôi biết nó đang trực đêm ấy nên gọi thẳng cho nó. Tôi gọi là nó điều xe qua luôn,” bà Mai kể.
Cũng từ dưới đó, bà cũng chứng kiến bao nhiêu người hoảng loạn, tìm cách thoát khỏi cơn bão khói bủa vây cả ba tòa nhà khu chung cư.
“Cái lượng khói này không phải khói cháy bình thường, mà cháy hầm xe, cháy xe nên đồ nhựa, dầu nhớt bốc mùi rất hôi.”
Đám cháy xảy ra ở tầng hầm gửi xe tòa nhà A, nhưng khói nhanh chóng lan ra hai tòa nhà B và C ở sát bên cạnh, khiến người dân cả ba khu đều bỏ chạy, ùa ra trước sân ngay cổng vào khu chung cư. Có người còn lái xe đưa cả gia đình đi tránh nạn.
“Những người thoát được từ thang bộ thì người ta đen từ đầu đến đuôi. Một số người không chịu nổi để chờ xe cứu hoả thì người ta cột mền, cột rèm trèo xuống.”
“Lúc đưa thang cứu gia đình anh chị tôi, vì thang cũng nhỏ, chỉ cứu được cho anh chị và một cháu gái và phải cứu một người khác, phải cứu cháu trai tôi đợt sau.
“Lúc đó tim tôi như rớt ra. Nhìn nó đứng trơ trọi, rất sợ. Lúc đưa được nó xuống thì mọi người ai cũng khóc. Khóc không còn biết thế giới xung quanh là gì nữa. Cứ tưởng đã chết, cứ nghĩ hôm nay là ngày tận thế, không nghĩ là sẽ còn sống!”
“Bây giờ, tâm lý gia đình tôi vẫn cực kỳ hoảng loạn. Chị tôi bị thương, và khóc từ hồi đêm đến giờ vì mất mát tài sản rồi. Anh chị tôi là công chức bình thường vừa về hưu. Nhà 4 người có 3 chiếc xe máy mà cháy rụi hết,” bà Mai nói.
Thấy xác người bên đường, nhất là xác em bé, tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Cứ nghĩ đến vai trò của những người chủ đầu tư, những người quản lý, họ đang ở đâu, đang làm gì với số tiền người dân đã bỏ ra?Ông Bùi Văn Hảo, Cư dân tòa nhà C, chung cư Carina
Ông Bùi Văn Hảo, người cũng sống ở tòa nhà C thì cho biết:
“Đêm hôm qua lúc 1:47 giờ sáng, vợ tôi nhận được một cuộc gọi nói có cháy. Tôi nửa tỉnh nửa mê không nghĩ cháy lớn cho đến khi nghe tiếng còi [xe cứu hoả] hụ, mới bế con đưa vợ và gọi người thân đi thôi, không kịp mang theo gì hết.”
“Lô A, B, C không có tiếng còi báo cháy nào hết, không có sự can thiệp của hệ thống chữa cháy tự động. Đó là lý do mà khi mở cửa ra tôi không tin là có cháy.
“Tôi ở khu chung cư này từ đó đến nay chưa bao giờ có thực tập phòng cháy chữa cháy, nhưng may có kiến thức từ các khóa ở công ty, nên biết dùng thang đi bộ, khăn ướt che miệng,” ông Hảo, người đã sống ở Carina Plaza 3 năm qua cho biết.
Ông Hảo kể lại ông thấy nhiều xác người, và xác trẻ em nằm trên đường. Ông nói ông vẫn ám ảnh khi nhớ lại khuôn mặt quen thuộc của người phụ nữ hàng xóm đáng mến, bị ám kịt bởi khói đen, với những miếng da trên thi thể phồng rộp.
Bà Mai và ông Hảo kể cả hai bắt gặp không ít người quá hoảng loạn, đã tìm cách nhảy xuống trước khi thang cứu hỏa kịp đến để giải cứu.
“Lúc tôi đứng ở mặt sau của lô C, thì có một chị leo thang mà bị rơi từ thang, chỉ nghe ‘Bịch’ một tiếng là tôi quay mặt đi luôn…,” ông Hảo nhớ lại.
“Thấy xác người bên đường, nhất là xác em bé, tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Cứ nghĩ đến vai trò của những người chủ đầu tư, những người quản lý, họ đang ở đâu, đang làm gì với số tiền người dân đã bỏ ra?”
“Tôi rất mong muốn người dân mình đồng lòng làm một đơn kiện chủ đầu tư. Yêu cầu họ phải khắc phục hậu quả, và phải đền bù hết,” bà Mai nói.
Còn ông Hảo thì nhắc nhở, “Đừng có nghĩ là hoả hoạn tai nạn sẽ chừa mình ra. Tôi hi vọng nó sẽ là một bài học rất đắt giá cho tất cả, vì đã phải trả bằng mạng người.”
Phóng viên BBC đã liên hệ được với ông Đoàn Tường Triệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (577 Corp), chủ sở hữu của khu chung cư Carina, nhưng ông Triệu nói “bận” nên không thể trả lời báo chí.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43511448
Liệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ra tòa?
Kính Hòa RFA
Chỉ trong vòng vài ngày của tháng 3/2018, người ta thấy có đến hai vụ án kinh tế, hình sự lớn có dính dáng đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là vụ công ty Mobifone của nhà nước mua công ty truyền hình An Viên (AVG), vụ ông Đinh La Thăng đầu tư vào ngân hàng Đại Dương.
Liệu vị cựu Thủ tướng này sẽ bị dính dáng đến pháp luật Việt Nam trong thời gian sắp tới hay không?
Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị dính đến pháp luật
Đầu tháng 3/2018, trước khi các vụ án, phiên xử này diễn ra, nhà bình luận chính trị nội bộ Việt Nam tại Sài Gòn là nhà báo Phạm Chí Dũng bình luận với đài RFA như sau:
Người ta đồn từ khá lâu nay là ông Dũng trong thời gian gần đây đã bị gọi là thiết lập biện pháp ngăn chận đặc biệt.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
“Rất nhiều người đang nói tới ông Nguyễn Tấn Dũng, bất chấp cái chuyện trong Tết nguyên đán vừa rồi, Bí thư thành ủy Sài Gòn là ông Nguyễn Thiện Nhân có đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí tri ân ông Nguyễn Tấn Dũng, rồi sau đó là mời Nguyễn Tấn Dũng tham dự một hội nghị gọi là tìm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Bất chấp những chuyện đó, vẫn có những nghi ngại đồn đoán rất lớn về số phận không an lành của ông Nguyễn Tấn Dũng. Người ta đồn từ khá lâu nay là ông Dũng trong thời gian gần đây đã bị gọi là thiết lập biện pháp ngăn chận đặc biệt.”
Tin ông Nguyễn Thiện Nhân chúc Tết ông Nguyễn Tấn Dũng được một số báo đưa tin, cũng như đăng trên trang web của cơ quan đảng Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 9/2/2018.
Ngày 14/3/2018, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng bản kết luận của Thanh tra chính phủ Việt Nam về sai phạm của việc công ty Mobifone mua công ty tư nhân AVG, trong đó AVG đã được nâng giá quá cao làm tổn thất vốn của nhà nước do Mobifone quản lý.
Ông Phạm Chí Dũng bình luận về bản kết luận này:
“Trong cái vụ Mobiphone mua AVG, hoàn toàn không thấy nhắc tới bóng dáng công ty VCSC (Bản Việt) của bà Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, trong bốn công ty tư vấn, trong khi trước đó có nhiều đồn đoán, dư luận là công ty của bà Phượng đã trực tiếp tư vấn cho Mobilefone mua AVG, và nâng giá lên rất cao. Thế nhưng mà gần đây lại xuất hiện một thông tin đáng chú ý là trong bốn công ty tư vấn đó có một công ty tên là AMAX, một công ty rất nhỏ, đưa ra cái giá khả thi nhất, giá mua thấp nhất, khoảng tám ngàn mấy trăm tỉ, thì đó chính là công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng.”
Ngày 20/3/2018, trong phiên xử ông Đinh La Thăng liên quan đến Ngân hàng Đại Dương, theo báo chí Việt Nam tường thuật, ông Thăng nói rằng ông không làm gì sai mà chỉ tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ngày 22/3/2018, từ Sài Gòn ông Phạm Chí Dũng nhắc lại quan điểm của ông rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đang có nguy cơ phải dính dáng đến pháp luật:
“Tôi vẫn còn giữ quan điểm nhận định đó, vấn đề là thời điểm mà thôi. Tại thời điểm này tôi cho là Nguyễn Tấn Dũng tạm thời yên ổn. Bây giờ có quá nhiều vụ việc mà ông Dũng để lại dấu vết. Sờ vào vụ nào cũng thấy bóng dáng ông ấy, chẳng hạn vụ bên công an, vụ Mobifone mua AVG, vụ Đinh La Thăng, tất cả những vụ như vậy đều thấy ông ấy. Chẳng qua ổng là Thủ tướng, phải ký duyệt, phải chỉ đạo, bút phê nhiều vấn đề. Tôi cho là bản thân ông ấy cũng không nhớ mình bút phê, chỉ đạo cái gì liên quan.”
Một số nhà bình luận chính trị khác cũng đồng quan điểm với ông Phạm Chí Dũng. Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm từ Hawaii trả lời cho chúng tôi rằng không loại trừ khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị đụng đến.
Blogger Trương Duy Nhất thì nêu quan điểm rằng với tất cả những lời khai của các bị cáo như ông Đinh La Thăng, có đề cập đến vị cựu Thủ tướng thì ít nhất việc ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa làm nhân chứng là một việc làm hợp lý. Luật sư Lê Công Định cũng cho rằng đứng về khía cạnh pháp luật thuần túy thì ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa làm nhân chứng.
Không chắc ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ dính đến pháp luật
Tuy nhiên cũng có ý kiến thận trọng hơn cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, trong một lần bình luận với chúng tôi trước đây nói với chúng tôi rằng có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Tổng Bí thư, sẽ không nặng tay với người trên danh nghĩa là đồng chí của ông, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Người ta không làm được việc đấy (kết tội tham nhũng) mà chỉ kết tội cố ý làm trái, thế này thế kia, mà bản thân cái điều cố ý làm trái ấy đã bị bỏ đi rồi.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Dù không loại trừ khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa, sau phiên xử ông Thăng vào ngày 20/3/2018, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với chúng tôi:
“Đồng chí của họ thì họ có thể giết như chơi, nhưng vấn đề ở chổ là nó rắm rối, nó ràng buộc chằng chịt lẫn nhau. Ông đánh tôi thì tôi cũng có thể thò ra chuyện khác là ông toi. Họ phải cân nhắc là vì nó có thể đụng tới mình.”
Theo quan điểm từ trước đến nay của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những vụ án lớn tại Việt Nam có liên quan đến các viên chức cao cấp đều mang tính chính trị, dù vấn đề tham nhũng, liên quan đến luật pháp cũng là một chuyện thực tế. Ngay sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt hồi năm ngoái, 2017, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với chúng tôi rằng vụ án này thực chất là Đảng Cộng sản Việt Nam xử ông Đinh La Thăng, chứ không phải luật pháp xử ông Đinh La Thăng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận với chúng tôi về hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng đằng sau việc xử các vụ án lớn đang diễn ra:
“Đối với ông Tấn Dũng thì chỉ là vấn đề chính trị. Ngay cả đối với ông Thăng, người ta không nói cái chuyện là ông tham nhũng, ông cầm ngần này tiền, từ ai, có chứng cứ vật chứng hẳn hoi, người ta không làm được việc đấy mà chỉ kết tội cố ý làm trái, thế này thế kia, mà bản thân cái điều cố ý làm trái ấy đã bị bỏ đi rồi.”
Nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một điều đáng chú ý vì theo báo chí Việt Nam, tội danh cố ý làm trái đã bị loại khỏi luật hình sự Việt Nam từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên trong bản tin truyền hình của báo Thanh Niên ngày 20/3/2018 vẫn đề cập đến tội danh này.
Chúng tôi hỏi ông Phạm Chí Dũng về bình luận của Tiến sĩ Nguyễn Quang A về tính chính trị trong các vụ án có hình bóng ông cựu Thủ tướng, ông nói rằng dù quan điểm của ông là ông NguyễnTấn Dũng sẽ bị dính đến pháp luật, nhưng ông đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vì rằng nền chính trị Việt Nam dựa quá nhiều vào những thỏa thuận chính trị, ngầm hay công khai giữa các phe nhóm khác nhau, cho nên chuyện pháp luật chỉ là thứ yếu.
Tràng An, Kong và nô lệ kiểu mới
‘Tràng An, Kong và nô lệ kiểu mới’ đó là cách nói hài hước dở khóc dở cười của nhiều nông dân ở Tràng An, Ninh Bình sau khi phim bom tấn Kong quay tại đây và đất Hoa Lư. Kể từ khi Tràng An được UNESSCO công nhận là di sản thế giới, cộng thêm phim bom tấn Kong trình chiếu thì du lịch ở Tràng An, Ninh Bình đã phát triển một cách dữ dội, kéo theo không ít vấn đề bất cập và hệ lụy. Người nông dân Ninh Bình từ chỗ tuy khó khăn, vất vả nhưng có mảnh ruộng, mảnh vườn cũng như tình làng nghĩa xóm để sống, giờ họ bị trưng thu, đền bù đất ruộng với giá rẻ mạt và sau đó lại quay sang đi làm thuê với mức lương rất thấp cho những ông chủ, bà chủ từng tới mua ruộng của họ.
Thu hồi đền bù hay lừa đảo?
Có một vấn đề hết sức lạ đối với người nông dân nơi đây và kể cả chúng tôi, bởi theo luật đất đai năm 2013 cùng các thông tư, văn bản dưới luật của nó thì mức đền bù một sào ruộng ở miền Bắc không thể nào có giá 10 ngàn đồng trên một mét vuông. Bởi mức giá này chỉ mới đạt chưa được 10% yêu cầu. Nhưng đa số các diện tích đất vàng làm du lịch tại Tràng An đều là đất bị thu hồi đền bù với giá rẻ mạt.
Câu chuyện thâu tóm đất và ép người nông dân trở thành loại nô lệ kiểu mới tại Ninh Bình là một câu chuyện của một con bạch tuộc khổng lồ.
Ông Nguyễn Văn Hốc, nông dân bị thu hồi đất với giá 3,6 triệu đồng/sào, chia sẻ: “Lấy ruộng của chúng tôi ra mà có bao nhiêu, có ba triệu sáu, bốn triệu một sào. Có đền bù đó nhưng mà đền bù chưa thỏa đáng”.
Đồng cảm với những nông dân khó khăn, bị bắt chẹt trong câu chuyện thu hồi, đền bù tại Ninh Bình, nhiều cán bộ về hưu tỏ ra bức xúc nhưng họ không thể nói giúp gì được cho người nông dân. Bởi câu chuyện thâu tóm đất và ép người nông dân trở thành loại nô lệ kiểu mới tại Ninh Bình là một câu chuyện của một con bạch tuộc khổng lồ.
Ông Lý Tùng Binh, cựu công chức ngành địa chính Ninh Bình, chia sẻ: “Mức giá đền bù ba triệu rưỡi tới bốn triệu đồng một sào thì không gọi là đền bù được, bởi nó quá thấp!”.
Một sào đất ở miền Nam có tổng diện tích 1000 mét vuông, tại miền Trung, mỗi sào tương ứng với 500 mét vuông diện tích, tại miền Bắc, mỗi sào tương ứng 360 mét vuông diện tích. Điều đó chứng tỏ quĩ đất phía bắc rất hạn hẹp và giá trị trao đổi, mua bán hay thu hồi đền bù cũng cao hơn các vùng khác rất nhiều. Bởi mỗi sào đất ăn lúa, ăn ruộng của người nông dân là máu thịt gắn liền. Nó được chia từ những năm 1995 theo Khoán 10. Những đứa trẻ sinh sau 1995 đến nay không được chia đất nữa và cũng không có đợt chia đất nào nữa, chúng chỉ được thuê hoặc mua từ nhà nước với giá rất cao dưới hình thức “đầu tư nông nghiệp”.
Chính vì vậy, việc mất đi một sào ruộng đối với người nông dân miền Bắc là xem như mất đi phần sinh kế rất căn bản, thậm chí mất cả tương lai học hành. Và với giá đền bù 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng trên một sào đất, cũng tương đương với 9 hoặc 10 ngàn đồng trên một mét vuông. Số tiền này có thể mua được một gói mì ăn liền loại vừa, hoặc một ổ bánh mì thịt tạm bợ ở quán ven đường. Và khi nhận tiền đền bù xong, dường như người nông dân lâm vào bế tắc.
Nô lệ kiểu mới thời kinh tế du lịch phát triển?
Ông Nguyễn Văn Hốc chia sẻ thêm là với giá ba triệu sáu một sào, ông và bà con ở đây chẳng thể làm gì hết. Bởi nhà nông thì có đôi ba đồng, loay hoay đôi ba bữa không đủ để mua cho con mấy cái đồ chơi hiện đại. Ông khẳng định vị trí đất gia đình ông và hàng trăm gia đình khác bị thu hồi, đền bù với giá rẻ mạt chính là đất bến đò Tràng An, một vùng nóng nhất, sôi động nhất trong bản đồ du lịch Tràng An, Ninh Bình hiện nay.
Và mức lượng chèo đò ở Tràng An chưa có người nào có được 3 triệu đồng trên một tháng cho dù họ phải vừa chèo đò, khi rảnh thì quét rác, dọn vệ sinh…
Bà Nguyễn Thị Nêm, người chèo đò trên bến đò Tràng An, chia sẻ: “Giờ thì khách nước ngoài nó sang nhiều đấy, sang nhiều thì chuyến nó tăng nhiều hơn. Tháng nào họ sang nhiều thì mình kiếm được chục chuyến trở lên, còn ít thì chẳng bao nhiêu. Chủ yếu là đi chèo đò, đi làm thêm và mỗi tháng kiếm chừng hai triệu đồng…”.
Bà Nêm cho biết thêm là hầu hết nông dân mất đất, thất nghiệp và cũng chẳng còn biết làm gì hơn là đi chèo đò thuê, đàn ông đàn bà ở Tràng An đi chèo đò thuê cho công ty du lịch. Mỗi tháng, người nào làm được cao lắm thì hai triệu đến hai triệu rưỡi đồng, công việc chèo đò khá vất vả, mệt mỏi và người lao động được chi trả với mức tiền chiết khấu 10% trên mỗi tấm vé hoặc theo chuyến đi nhưng cách tính của giới chủ hoàn toàn không rõ ràng, người lao động chỉ ngậm bồ hòn nhận tiền, nếu lên tiếng thì bị đuổi việc.
Nhiều người lái đò mà chúng tôi tiếp xúc tại bến đò Tràng An vui vẻ kể cho chúng tôi nghe nỗi khổ của họ, kể từ chi tiết họ bị giới chủ ép quét rác cả một con đường dài lên bến đò như thế nào và họ được trả thù lao nhỏ tẹo. Và ai cũng phải quét, nếu từ chối quét thì ngày đó không có phiên đi chèo đò. Và mức lượng chèo đò ở Tràng An chưa có người nào có được 3 triệu đồng trên một tháng cho dù họ phải vừa chèo đò, khi rảnh thì quét rác, dọn vệ sinh… Nhưng khi chúng tôi có ý định quay phim, chụp hình thì họ xua tay, nói thôi đừng chụp, đừng ghi, như vậy mất công ăn việc làm của họ, và nguy hiểm cho họ.
Hầu hết nông dân nơi đây mất đất để sống, ngoài việc đi chèo đò thuê, nhiều người trong số họ chuyển sang giết mổ, mang thịt dê ra đường đứng bán cho khách du lịch. Các cô gái trẻ, các thiếu nữ đang độ tuổi ăn học thì bỏ học, vào làm việc trong các nhà nghỉ, tiệm massage, quán nhậu… Hình ảnh các cô gái mặc váy, đeo tất đen và ngồi chở hai, ba cô mắt xanh mỏ đỏ trên một chiếc xe giống như xe ôm nhưng ai cũng thừa biết đây là loại ma cô dắt gái dường như đầy rẫy đất Tràng An. Ngay cả những ông xe ôm ở đây cũng hay gợi ý rằng nếu muốn vui vẻ, ông sẽ chở đến cho một em chân dài… “Bởi nó đầy rẫy, mà toàn là gái quê, các cháu chỉ mới biết việc vài năm thôi!”.
Có thể nói rằng tại Tràng An, Ninh Bình, một kiểu nô lệ mới đã ra đời cùng du lịch tuy rằng giới chủ nô hiện chưa rõ hình lắm!
Hàng ngàn công nhân Pouchen Vina đình công
phản đối chính sách lương mới
Hàng ngàn công nhân công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Pouchen Vina ở Hoá An, Tp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vào ngày 23 tháng 3 tiến hành đình công để phản đối chính sách lương năm 2019 của doanh nghiệp này.
Công ty Pouchen Vina lên kế hoạch triển khai tuyên truyền cơ chế cải cách thang, bảng lương 2019 cho cán bộ quản lý và công nhân lao động theo các đợt khác nhau. Từ ngày 1 đến 15-3, công ty đã tổ chức triển khai cho gần 1.600 cán bộ công đoàn, quản lý các xưởng; đợt 2 từ ngày 19 đến 31-3 sẽ triển khai cho gần 17.000 người lao động.
Tuy nhiên, trong thời gian triển khai từ ngày 19 đến 23-3, thống kê cho biết có khoảng 60% công nhân đồng thuận, còn lại 40% chưa đồng thuận và yêu cầu không thực hiện cải cách thang lương hiện đang áp dụng từ 24 bậc giảm xuống còn 10 – 15 bậc.
Khi vụ đình công xảy ra, Liên Đoàn Lao Động tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với sở Lao động-Thương bình và Xã hội cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Về phía công ty, Ban Giám đốc cho biết đây chỉ là bước lấy ý kiến tham khảo từ người lao động trong công ty. Các chính sách về lương hiện tại của người lao động vẫn giữ nguyên và thực hiện đến hết năm 2018.
Vào tháng 2 năm 2016, hơn 20 ngàn công nhân của Pouchen Vina cũng đã từng đình công phản đối chính sách lương thưởng quá khắt khe của doanh nghiệp này.
Kêu gọi về nhân quyền
trước chuyến thăm Pháp của ông Trọng
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vào ngày 23 tháng 3 ra thông cáo nêu những câu hỏi, yêu cầu chính phủ Pháp đặt ra với người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, sẽ đến Paris vào ngày 25 tháng 3 trong chuyến công du nước Pháp kéo dài đến 27 tháng 3.
Ba câu hỏi mà Phóng Viên Không Biên Giới cho là cấm kỵ ở Việt Nam được nêu ra gồm : Khi nào Việt Nam có kế hoạch chấm dứt loạt bắt bớ và những vụ án giả tạo được tiến hành từ cuối năm 2016 đối với những bloggers?; Việt Nam đánh giá thế nào về những điều kiện ghê sợ mà những nhà báo công dân phải chịu đựng trong nhà tù của chế độ Hà Nội?; Phản ứng của Việt Nam là gì đối với kêu gọi của Nghị Viện Châu Âu ngăn không cho phê chuẩn thỏa ước mậu dịch tự do với Việt Nam?
Phóng Viên Không Biên Giới nêu ra thực trạng cho những câu hỏi vừa nêu. Kể từ đầu năm 2017, hơn 20 nhà báo công dân đã bị bắt, trục xuất, hay bị kết án tù từ 9,10 đến 14 năm tù giam chỉ vì họ muốn đưa thông tin đến cho công chúng. Những phiên xử chỉ kéo dài chưa quá 4 tiếng đồng hồ. Hoạt động bào chữa bị loại trừ một cách có hệ thống. Đây bị cho là đợt bách hạn tự do thông in tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua.
Phóng Viên Không Biên Giới dẫn lời từ gia đình những tù chính trị cho biết là họ phải chịu đựng những điều kiện cực sốc gồm lao động cưỡng bức và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Sức khỏe của những người bị giam cầm như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xấu đi một cách nghiêm trọng. Họ bị biệt giam khiến tinh thần suy sụp. Tù nhân chính trị thường bị đày đến nhà tù xa quê của họ.
Một thông cáo chung do các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam trong đó có Phóng Viên Không Biên Giới nêu rõ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn ai hết về thành tích nhân quyền đáng sợ suốt 15 tháng qua ở Việt Nam.
Truy tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 22 tháng 3 đã tống đạt cáo trạng truy tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Đặng Thanh Bình và các đồng phạm với cáo buộc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân Hàng Đại Tín, mà sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng VNCB.
Theo cáo trạng, vào năm 2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình chính phủ về biện pháp tái cơ cấu Ngân Hàng Xây dựng và được chính phủ chấp thuận. Sau đó ông Bình đã ký quyết định thành lập tổ giám sát hoạt động của VNCB nhằm cơ cấu lại ngân hàng này.
Quá trình tái cơ cấu có bao gồm việc chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm đại diện.
Tuy nhiên cáo trạng cho biết ông Bình đã không thực hiện việc kiểm tra nặng lực tài chính của nhóm Thiên Thanh này, tạo điều kiện cho họ điều hành ngân hàng và sử dụng ngân hàng Xây dựng như một phương tiện phạm tội.
Kể từ khi nhóm Thiên Thanh lên điều hành, Ngân Hàng Xây Dựng liên tục làm ăn thua lỗ và đến thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh năm 2014 thì Ngân hàng Xây dựng đã âm hơn 18.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, gấp 4 lần lúc chưa tái cơ cấu. Ngoài ra, nợ phải trả lên đến 38.000 tỷ đồng.
Ngoài ông Bình, một nhóm đồng phạm cũng trong tổ giám sát do ông Bình thành lập cũng được xác định có hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho ngân hàng này. Trong đó có ông Hà Phước Tấn- nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, ông Phạm Thế Tuân-nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM, ông Lê Văn Thanh- nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An và ông Ngô Văn Thanh, nguyên Phó phòng kiểm tra giám sát tuân thủ Vietcombank Long An.
Nguyễn Văn Đài
và thành viên Hội Anh em Dân chủ sắp ra tòa
Một tòa án ở Hà Nội sẽ xét xử vụ án Nguyễn Văn Đài và các thành viên của Hội Anh em Dân chủ (AEDC) vào ngày 5/4 tới đây, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với VOA – Việt ngữ.
Là người nhận lời bào chữa cho hai nhà hoạt động Nguyễn Văn Trội và Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết ông đã vào trại giam gặp hai thân chủ và đã được tòa án thông báo về lịch xét xử.
“Theo thông báo của tòa mà tôi nhận được thì vụ án sẽ được xét xử vào ngày 5 và 6 tháng 4.”
Sáu bị cáo gồm luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự là bà Lê Thu Hà, và các cựu tù chính trị Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức.
Thông báo của Tòa án thành phố Hà Nội, ký ngày 20/3, cho biết sẽ đưa ra xét xử vụ án hình sự đối với 5 bị cáo về tội “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo khoản 1, Điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Theo điều khoản trên, các bị cáo phải đối mặt với mức phạt “từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.”
Thông báo của tòa nói đây là vụ án được “xét xử công khai.”
Trước đó, Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA rằng Luật sư Đài bị bắt vào cuối năm 2015 theo Điều 88 – tức “tuyên truyền chống phá nhà nước,” nhưng vào tháng 8/2017, ông bị khởi tố với tội danh nặng hơn là Điều 79 – “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo một thông báo mà văn phòng của ông nhận được từ Viện Kiểm sát Tối cao.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ, vợ của Luật sư Đài, bà Vũ Minh Khánh, nói chồng bà vô tội:
“Họ cố tình gán ghép chồng tôi vào tội danh như vậy. Tôi biết chắc chắn một điều rằng chồng tôi vô tội, chồng tôi hoàn toàn đấu tranh cho tiếng nói của người dân. Chồng tôi không làm gì vi phạm luật pháp, hay Hiến pháp của Việt Nam.”
Cuối tháng 7 năm ngoái, Hà Nội bắt giữ các nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội, gọi họ là “các bị can” trong vụ án “Nguyễn Văn Đài và đồng bọn.”
Bà Minh Khánh phản đối việc chính quyền Việt Nam bắt giam những nhà tranh đấu:
“Họ cố tình trù dập và bắt bớ những người lên tiếng cho tiếng nói của công lý, lương tâm và nhân quyền. Chồng tôi và những người khác không hề có vũ khí hay lực lượng làm sao có thể gọi là ‘lật đổ chính quyền. Họ cố tình rất dã man và đưa tội danh đó vào. Tôi kịch liệt phản đối cách hành xử của nhà nước cộng sản.”
Tính từ ngày bị bắt vào tháng 12/2015 cho đến nay, luật sư Đài và cộng sự Lê Thu Hà đã bị giam hơn 800 ngày mà không được xét xử.
Vào năm 2017, trong thời gian bị chính quyền Hà Nội giam cầm, luật sư Nguyễn Văn Đài được trao tặng vắng mặt hai giải thưởng quốc tế về nhân quyền: một do Liên đoàn Thẩm phán Cộng hoà Liên bang Đức trao tặng, và lần thứ nhì Luật sư Đài được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ vinh danh.
Trang web của Hội AEDC cho biết hội này là một tổ chức phi chính phủ được thành lập trên không gian mạng quốc tế, không có trụ sở tại Việt Nam, chuyên đấu tranh bảo vệ các quyền con người nhằm xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.