Tin Biển Đông – 23/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 23/03/2018

Việt Nam ngưng khai thác dầu ở biển Đông

do sức ép của Trung Quốc

PetroVietnam vừa yêu cầu công ty Repsol của Tây  Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam do sức ép từ Bắc Kinh. Hãng tin BBC loan tin này hôm thứ sáu ngày 23/3.

Theo BBC, quyết định ngưng khai thác đưa ra vào đúng lúc Repsol đang làm những bước chuẩn bị cuối cùng để khoan khai thác. Giàn khoan Ensco 8504 dự kiến sẽ rời Singapore để đến mỏ khoan vào thứ năm tuần này. Quyết định ngưng đột ngột có thể khiến Repsol và các đối tác của công ty này mất 200 triệu đô la đầu tư.

Repsol trước đó đã ước tính lô 07/03 có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối ga.

Hiện Repsol và các công ty đối tác là PetroVietnam và Mubadala Petroleum chưa đưa ra bình luận nào về quyết định mới này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa có bình luận gì về thông tin mới. Tuy nhiên tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà không biết gì về thông tin Trung Quốc gây sức ép lên phía Việt Nam hay Repsol.

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm qua, Việt Nam phải yêu cầu công ty nước ngoài ngưng dự án khai thác dầu khí ở biển Đông do sức ép từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03. BBC cho biết, vào lúc đó, chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch là những người kiên quyết yêu cầu Repsol ngưng khai thác để tránh đối đầu với Trung Quốc.

Lô 136/03 được cho là nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông, đòi chủ quyền đến 90% diện tích khu vực này. Tòa Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Lô 07/03 được cho là cũng nằm rất gần với đường đứt khúc 9 đoạn.

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hồi năm ngoái đã có lúc căng thẳng do Việt Nam muốn khai thác dầu tại hai lô này. Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái, và một giao lưu quốc phòng giữa hai nước cũng bị hủy bỏ vì Trung Quốc phản đối Việt Nam khai thác dầu.

Trung Quốc lúc đó cũng đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Việt Nam nếu Việt Nam không cho ngừng khoan thăm dò tại lô 136/03.

Việt Nam sau đó đã gửi đoàn làm việc sang Bắc Kinh, và quyết định ngưng khai thác được đưa ra sau chuyến thăm này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-scraps-another-scs-oil-drilling-project-under-beijing-s-pressure-03232018080552.html

 

Trung Quốc sẽ ‘diễn tập hải quân ở Biển Đông’

Trung Quốc hôm 23/03/2018, nói Hải quân Quân Giải phóng ‘sẽ có cuộc diễn tập thường niên ở Nam Hải’ nhưng không nói cụ thể thời gian và địa điểm.

Tuy nhiên, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, mục tiêu của cuộc diễn tập này được nói rõ là để “thử thách và nâng cao khả năng chiến thắng” cho Hải quân Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.

Tân Hoa Xã nói diễn tập “không nhằm vào một quốc gia hay mục tiêu cụ thể”.

Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã viết: “Hải quân sẽ thực thiện cuộc diễn tập quân sự trong điều kiện tác chiến tại các vùng nước của Biển Nam Trung Hoa”.

VN muốn trấn an TQ về chuyến thăm của USS Carl Vinson

TQ: Tổng đài toàn nữ phục vụ đường dây đỏ

Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm Trung Quốc

Putin: ‘Tập trận với TQ không để lập khối quân sự’

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc mạnh cỡ nào?

Động tác này sẽ được các nước trong vùng quan sát kỹ vì nó xảy ra sau khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch nước “vô thời hạn” sau kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Liên quan đến quan hệ Trung – Việt, hôm 22/03, báo chí Việt Nam trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “phản đối quy chế của Trung Quốc về đánh bắt cá tại Biển Đông”.

Trang South China Morning Post hôm 03/03/2018 bình luận rằng, riêng về vấn đề Biển Đông, “nhiệm kỳ 5 năm nữa của ông Tập, và có thể lâu hơn nữa, có nghĩa là các nước Đông Nam Á sẽ phải điều chỉnh để quen đi với “sự hiện diện chủ động hơn của Trung Quốc trong vùng”.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Tập cũng cho tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lên hơn trước.

Các phát biểu cứng rắn chống lại “chủ nghĩa ly khai” ở Hong Kong và Đài Loan là thông điệp gửi đến các nước khác rằng Trung Quốc sẽ không khoan nhượng trong các vấn đề đó.

Gần đây, Hoa Kỳ đã gửi một số quan chức cấp thấp trong chính quyền sang thăm Đài Loan, điều Trung Quốc luôn phản đối.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43514156

 

Tàu hải quân Mỹ đi gần đá Vành Khăn

 thách thức Trung Quốc

Một tàu của hải quân Hoa Kỳ vừa đi qua đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở biển Đông vào hôm thứ sáu ngày 23/3. Reuters trích lời của những giới chức giấu tên của Mỹ cho biết như vậy vào cùng ngày.

Theo nguồn tin của Reuters, tàu USS Mustin đã thực hiện hoạt động trong chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã thực hiện từ vài năm qua ở biển Đông.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, tàu của hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra tại khu vực có tranh chấp ở biển Đông.

Hôm 17 tháng 1 vừa qua, tàu khu trục USS Hopper của hải quân Mỹ cũng đã đi vào vùng 12 hải lý của bãi Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng gì trước thông tin tàu Mỹ đi qua vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên trong các lần trước, Trung Quốc đều lên tiếng phản đối.

Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn duy trì lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông, nhưng đồng thời vẫn duy trì quan điểm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này.

Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc xây lấp các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực biển Đông vì cho rằng những hoạt động này sẽ làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-warship-sails-near-disputed-islands-in-south-china-sea-official-say-03232018085610.html