Tin Việt Nam – 22/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/03/2018

Ngư dân Quảng Nam bị “tàu lạ” tấn công

phá hoại ngư cụ khi ở Hoàng Sa

Một tàu cá ở tỉnh Quảng Nam vừa trình báo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc bị tàu lạ (theo cách gọi của báo chí trong nước) phá hoại ngư cụ khi đang ở ngư trường Hoàng Sa.

Anh Nguyễn Tấn Sơn chủ tàu cá QNa 90822 TS, cư ngụ tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, vào ngày 22 tháng 3 cho truyền thông Việt Nam biết, tàu cá của ông bị một số người trên tàu lạ tấn công, cướp phá ngư lưới cụ khi đang hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa.

Ngư dân Nguyễn Tấn Sơn trình bày cụ thể tàu anh xuất bến tại cảng Kỳ Hà vào ngày 11/3. Đến 2 giờ 30 phút, ngày 18/3, khi các thuyền viên trên tàu cá QNa 90822 TS đang thả lưới hành nghề tại vùng biển cách Bắc Tây Bắc đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 16 hải lý, thì bất ngờ một tàu lớn không rõ số hiệu xuất hiện đuổi theo, rọi đèn và thả ca nô chở theo 8 người áp sát mạn tàu, 6 người nhảy lên tàu và cầm theo 1 khẩu súng dài và 5 dùi cui điện, khống chế Anh Sơn và các thuyền viên.

Anh Sơn cho biết những người này nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ gì không rõ, chỉ nghe được hai chữ “Việt Nam, Việt Nam”. Sau đó những người này lên ca nô bỏ đi khoảng 15 phút, rồi  quay lại bẻ gãy cột ăng ten bộ đàm và đập phá tài sản.

Anh Sơn cũng cho biết tổng thiệt hại khoảng 60 triệu đồng gồm 3 bóng đèn cao áp và 30 tấm lưới cụ bị hư hại.

Đại diện Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cũng đã xác nhận với báo chí trong nước về vụ việc và cho biết đã trình báo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-fishermen-claim-to-meet-stranger-sabotage-their-equipment-03222018095214.html

 

Nữ tù chính trị Trần Thị Nga bị chuyển trại giam

Nữ tù chính trị Trần Thị Nga, người bị kết án 9 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà Nước, vừa qua bị chuyển từ Hà Nam lên Dak Trung, tỉnh Dak Lak. Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 3, người phối ngẫu của tù chính trị Trần Thị Nga và hai con nhỏ đến Dak Trung thăm nuôi thì được biết bà này bị chuyển sang trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Vào chiều ngày 21 tháng 3, ông Phan Văn Phong, người phối ngẫu của tù chính trị Trần Thị Nga, cho Đài Á Châu Tự Do biết về tình hình thực tế như sau:

“Tỉnh Hà Nam viết giấy cho biết chuyển lên Dak Trung. Tôi đến tận Dak Trung rồi; tuy nhiên họ nói họ không đủ điều kiện để quản lý tù chính trị nên họ không nhận. Cuối cùng hai bên họ thống nhất với nhau nên chuyển sang Gia Trung- nơi giam giữ Cô Hằng, Cô Thêu trước đây.

Tôi sang đó họ cũng tiếp đón đàng hoàng, lịch sự, tốt! Họ thông báo Trần Thị Nga đến đó rồi, sức khỏe tốt, chỗ ở sạch sẽ, tốt. Họ nói đến chừng 1 tháng và tăng lên 3 cân (ký). Tôi nghe thế cũng mừng; nhưng họ nói Trần Thị Nga không hợp tác nên chưa được gặp gỡ thân nhân. Cho nên cũng hơi buồn phải về không!”

Bà Trần Thị Nga, 41 tuổi có hai con còn nhỏ, là một nhà hoạt động nhân quyền và cho người lao động. Bà bị lực lượng chức năng đến nhà bắt vào ngày 21 tháng giêng năm 2017 ngay trước Tết Âm Lịch Đinh Dậu với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Đến ngày 25 tháng 7 năm 2017 bà bị tòa tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào ngày 22 tháng 12 cùng năm giữ nguyên án sơ thẩm.

Tuy nhiên bản thân bà Trần Thị Nga và các luật sư bào chữa đều cho rằng bà thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa chứ không vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trước phiên xử bà Trần Thị Nga, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho bà.  Sau khi bà Trần Thị Nga bị bắt có cả ngàn cá nhân và hơn 30 tổ chức xã hội dân sự độc lập cũng ký kiến nghị kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-female-political-prisoner-tran-thi-nga-situation-03212018145724.html

 

Người dân Đà Nẵng phản đối vì bị chặn lối ra biển

Hằng trăm người dân sống quanh khu vực ven biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng vào hai ngày 19 và 20 tháng 3 tập trung phản đối tại khu vực rào chắn của dự án du lịch sinh thái do Tập Đoàn Trung Thủy dựng lên.

Lý do phản đối mà người dân đưa ra là vì tập đoàn này bít lối xuống biển từ bao lâu nay của người dân địa phương. Chiều dài đoạn bị chặm với rào cao gần 2 mét kéo dài đến chừng 2 kilomet.

Truyền thông trong nước dẫn lời cư dân địa phương là ngay cả sân đá banh mà thanh niên trong khu vực lâu nay sinh hoạt cũng bị rào lại không còn chỗ vui chơi, giải trí.

Vào ngày 21 tháng 3, chính quyền quận Liên Chiểu xuống tại khu vực dân chúng phản đối kêu gọi họ về nhà với lập luận không tổ chức tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng.

Chính quyền địa phương cho biết Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Đà Nẵng đã giao đất cho chủ đầu tư. Tuy vậy dự án chưa có phương án khai thác nên chưa thể biết sẽ dành những lối nào để dân xuống biển.

Ông bí thư Quận Liên Chiểu, Võ Công Chánh, được truyền thông dẫn lời là lãnh đạo quận có quan điểm là doanh nghiệp không được đóng lối đi mà phải cho người dân tiếp cận với biển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/local-people-protest-fence-preventing-them-to-have-sea-access-03212018144408.html

 

Mobifone -AVG: Khi nhà nước là bên mua

LS Ngô Ngọc TraiGửi đến BBC từ Hà Nội

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua AVG, đã chỉ ra một loạt sai phạm.

Kết luận cho biết giá trị của công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu gọi tắt là AVG được định giá cao hơn giá trị thực, khiến cho việc mua nó dự toán gây thiệt hại cho nhà nước lên đến hơn 7000 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một loạt lầm lỗi của cán bộ các ban ngành thuộc Bộ thông tin và truyền thông, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an.

Rốt cuộc Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an xem xét khởi tố điều tra vụ án.

Bàn tròn BBC: Phải chăng xu thế tập quyền đang trở lại?

Việt Nam: Chỉ đạo án không hẳn là xấu?

Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’

Khởi tố hay không vụ Mobifone-AVG?

Ụ nổi Vinalines có là án lệ cho Mobifone-AVG?

Nhà nước và tư nhân

Kết luận thanh tra vụ việc này được dư luận chờ đợi từ lâu, đến nay mới được công bố đã phần nào thỏa mãn được tâm lý chờ đợi của công chúng.

Tuy vậy thay vì hả hê trước viễn cảnh một màn kịch hay, quần chúng cần nhận ra lợi ích của mình bị xâm hại trong đó và nên quan tâm làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tôi cho rằng vụ việc này là một điển hình về khuyết tật của một nền kinh tế còn kém tính thị trường.

Vì rõ ràng đây là thương vụ được thực hiện giữa một doanh nghiệp tư nhân và một doanh nghiệp nhà nước, trong đó Mobifone là doanh nghiệp trực thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nếu giả sử việc mua bán được thực hiện giữa hai doanh nghiệp tư nhân thì sự thể đã hoàn toàn khác.

Với cơ chế quản lý sử dụng đồng tiền gắn chặt với trách nhiệm, doanh nghiệp tư nhân sẽ nỗ lực đảm bảo quyền lợi của họ một cách chặt chẽ.

Sẽ không bao giờ có việc bên mua chấp nhận mức giá cao hơn mấy lần so với giá trị thực của tài sản, điều đã được chỉ ra trong vụ việc này.

Nếu thương vụ AVG – Mobifone được thực hiện bởi các doanh nghiệp tư nhân, thì họ cũng sẽ không phải thực hiện theo một loạt quy trình thủ tục rối rắm được áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước.

Họ sẽ không phải lập đề án báo cáo xin phê chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để rồi từ đó bị đánh giá là báo cáo có trung thực hay không.

Họ cũng sẽ tránh được rắc rối trong việc xác định rốt cuộc thì ai là người có quyền quyết định việc mua bán, và ai là người có thể cản trở việc này.

Ví như trong trường hợp này với mức đầu tư 8,9 nghìn tỷ đồng thì theo Luật đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Thủ tướng Chính phủ sẽ không quyết định ngay mà lại yêu cầu các bộ có liên quan cho ý kiến về lĩnh vực quản lý ngành.

Những rối rắm phức tạp đó sẽ không xảy ra giữa các đơn vị tư nhân trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Dự liệu vẫn không xong

Nhà nước, mặc dù đã dự liệu về thói vô trách nhiệm của những kẻ được giao quyền quản lý khối tài sản doanh nghiệp nhà nước, cho nên đã ban hành ra một loạt quy định về trình tự thủ tục, thẩm quyền trách nhiệm nhằm kiểm soát quản lý.

Đó là những luật như Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Biết bao quy định được đưa ra, nhưng thực tế thì sao?

Hóa ra tất cả các quy định pháp luật này vẫn không đủ, và sai phạm vẫn rất nghiêm trọng.

Chính những người có trách nhiệm trực tiếp nhất lại là những người sai phạm nhiều nhất.

Không chỉ một đơn vị mà một loạt cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an đều bị quy cho sai phạm.

Điều này cho thấy đúng như một mệnh đề người ta đã nói, đó là không có cách làm đúng cho một việc làm sai.

Khi đã sai về bản chất như giao tài sản vào tay những người thiếu động lực trách nhiệm, thì cho dù có cố cách đến mấy cũng chẳng trông mong gì được vào hiệu quả sử dụng.

Cho nên mặc dù nhà nước đã kỹ lưỡng dự phòng rồi nhưng vẫn nhận lấy thất bại trước những thủ đoạn cố ý nơi con người.

Kinh tế thị trường bảo hiểm cho doanh nhân

Một nền kinh tế thị trường sẽ là môi trường kinh tế lành mạnh bảo vệ, bảo hiểm cho chính cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, giảm tránh đi những lầm lỗi vào một lúc nào đó mà sự dễ dãi ngon ăn của cơ hội dễ làm mờ mắt con người.

Trong một nền kinh tế thị trường, những yếu tố thuộc về bản chất nơi con người đều được thừa nhận và phát huy.

Nguyên tắc thị trường sẽ trao cho những người tham lam nhất cơ hội phát huy khả năng tạo ra nhiều của cải nhất cho xã hội.

Để tránh đi lòng tham được đặt sai chỗ, để tránh đi những vụ AVG – Mobifone thì phải gia tăng thuộc tính thị trường cho nền kinh tế. Phải trả lại cho thị trường quyền năng điều tiết các nguồn lực kinh tế và năng lực con người.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, một trong các việc phải làm là tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách khẩn trương dứt khoát.

Đây là chính sách đúng đắn sẽ giúp gia tăng hiệu quả trên một đơn vị của cải, và giúp nền kinh tế Việt Nam vận hành tiệm cận với kinh tế thị trường.

Cộng đồng doanh nhân cần thúc đẩy chính sách này, nhưng không phải bằng mọi cách trục lợi từ đó, làm giàu từ việc gây thiệt hại cho nhà nước và người dân.

Các doanh nhân cần phải xác định rõ làm kinh tế là tạo ra sự sinh sôi nảy nở cho của cải, đây là phần việc của các doanh nghiệp chứ không phải của Chính phủ đi kinh doanh.

Cùng với đó nhiều triết lý nền tảng về kinh tế cần được định hình lại để xác lập khung khổ cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Trong đó lãnh đạo những doanh nghiệp lớn sẽ có vai trò lãnh đạo tự nhiên đối với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.

Họ cần ý thức về vai trò sứ mệnh của mình và tiên phong đi đầu, thúc đẩy và cũng để thụ hưởng dài lâu cho chính họ, về một môi trường an toàn trong kinh doanh trong không gian của một nền kinh tế thị trường.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, người đang là Giám đốc Công ty luật Công chính tại quận Hà Đông, Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43484772

 

Kẹt xe và kẹt chính trị

Tình trạng ngập ngụa và kẹt xe triền miên ở các thành phố lớn, có vẻ như chưa đủ với các nhà quản lý, lãnh đạo. Thế nên họ mới quyết định chia sẻ thêm một phần kẹt xe của người anh em “bốn tốt mười sáu vàng” của họ. Kể từ những ngày đầu năm 2017, xe của khách du lịch Trung Quốc có thể tự do ra vào các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh trong bán kính 100km (có tính ước định, thực ra không ít xe mang biển Trung Quốc chạy thẳng xuống Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên…). Đầu năm 2018, lại nghe tin xe của người Trung Quốc được chạy sang Việt Nam, tôi lấy hơi làm lạ vì chuyện này đã xảy ra một năm rồi, sao bây giờ mới thông tin chính thức?!

Nhưng lần này có phần khác, nghĩa là không có bán kính giới hạn (ước định) cho xe của khách du lịch Trung Quốc khi sang Việt Nam, chỉ có giới hạn số lượng 100 xe trên một ngày và cũng không qui định xe đó được lưu trú bao nhiêu ngày. Bởi chắc chắn không có chuyện một xe hơi đi từ quốc gia này sang quốc gia khác để du lịch rồi quay về trong ngày mà kịp. Vả lại, nếu đi – về trong ngày thì các khách sạn, nhà nghỉ phía Bắc phải đóng cửa sớm!

Thử tưởng tượng một ngày có 100 xe sang Việt Nam, bủa đi khắp nơi để thăm thú và họ ở lại chừng 3 ngày, theo cấp số nhân, mười ngày thì đã có hơn 1000 xe Trung Quốc lưu hành tại Việt Nam (bởi họ không bị giới hạn thời gian ở lại Việt Nam trong ba ngày hay nửa tháng). Với đà này, đường sá Việt Nam đã kẹt càng thêm kẹt, bởi kiểu lái xe lớ ngớ của các tài xế nước khác. Mà theo thông lệ thì tài xế Việt Nam phải nhường đường cho tài xế nước ngoài theo phép ngoại giao… Hệ quả của điều này là đường sá Việt nam vốn đã chật càng thêm kẹt cứng!

Không lẽ nào các ông lãnh đạo, các bà quản lý chưa nhìn thấy môi trường Việt Nam xuống cấp trầm trọng, chưa nhìn thấy đường sá Việt Nam ngày một chật chội, ổ gà ổ voi, kẹt đường, tai nạn… có hàng trăm thứ vấn nạn đường sá… hay sao mà còn rước thêm mối tai họa đường sá, tai họa môi trường? Bởi tăng 100 chiếc xe hơi thải khói vào môi trường Việt Nam mỗi ngày cũng có nghĩa là đang rước đồ tể về làng.

Hay là để cứu các BOT một khi không thể tận thu được của nhà xe người Việt, đưa nhà xe Trung Quốc vào để họ “làm gương” đóng phí BOT?

Bởi hiện tại, không có bất kỳ lý do nào để tăng thêm số lượng xe lưu thông cũng như khói thải trên đất nước này! Một khối độc do Formosa thải ra ở biển miền Trung, bùn đỏ thải ra ở Tây Nguyên, khói bụi thải ra ở các khu điện than… Người Việt Nam tiến đến tỉ lệ và số lượng bệnh ung thư cao nhất thế giới, bệnh tật càng ngày càng nhiều, bệnh viện ngày càng chật chội, khủng hoảng giường bệnh… Giờ còn thêm nạn thải khói độc và rau cải độc…

Thử hỏi có thứ gì đó trục trặc ở đây khi mà xe cộ, đường sá, khói bụi tại Việt Nam đang gây ngộp thở, rau củ quả của nông dân Việt Nam phải mang đi đổ thì nhà nước là thản nhiên để cho mỗi ngày 100 xe đi vào Việt Nam thải khói, hàng chục ngàn tấn rau củ quả Trung Quốc vào Việt Nam để phá giá nông dân Việt Nam? Rõ ràng, đã có một thứ gì đó rất trục trặc và với đà này thì bên cạnh cái lò chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đốt lên để tiêu diệt một số quan tham (mà theo đồn đoán là phe đối thủ của ông Trọng), còn một cái lò khác cũng nhen nhóm để đốt sạch sức khỏe của người dân!?

Như vậy thì nên vui hay nên buồn khi mà Việt Nam trở thành một Hỏa Diệm Sơn từ chính trị đến an sinh xã hội? Vì chắc chắn một điều là hiện nay, cuộc chống tham nhũng sẽ đi vào cao trào, sẽ có hàng trăm cái tên xộ khám. Và con số hàng tỉ đô la thất thoát sẽ thòi ra. Nhưng vấn đề mấu chốt là khi con số thòi ra thì nó có được trả về cho ngân sách nhà nước, cho toàn dân? Hay chỉ là trò chơi hạ bệ vô thưởng vô phạt giữa các phe nhóm. Một khi chỉ là trò chơi hạ bệ thì phỏng ích gì?

Và hiện tại, vấn đề sức khỏe của người dân Việt Nam, hơn bao giờ hết, nó phải được bảo vệ từ mọi góc, đặc biệt là từ góc chính trị, sức khỏe của người dân phải đặt lên hàng đầu. Đằng này chính trị nắm thóp kinh tế, y tế, và để đạt mục tiêu chính trị, không ít lần kinh tế, y tế và giáo dục trở thành con rối ăn hại, giết dân ngấm ngầm, đẩy vào chỗ u mê, chết dần chết mòn trong băng hoại.

Trách nhiệm này thuộc về ai? Và nếu thực sự có trách nhiệm, thiết nghĩ ngay từ giây phút này, đảng, chính phủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam phải dừng ngay ba cái trò mua rau, cho xe lượn lờ trên lãnh thổ như vậy. Người dân mãi mãi là một đám đông, là nhân dân của một quốc gia độc tài, để kiếm được chén cơm manh áo phải rỏ nước mắt, chảy máu linh hồn như Việt Nam… Thì chắc chắc khi thấy tiền, họ phải thích, không ít kẻ bất chấp để có tiền.

Nhưng nhà lãnh đạo thì khác, cho dù anh như thế nào nhưng khi ngồi ghế lãnh đạo, nắm quyền lãnh đạo, anh phải có trách nhiệm điều chỉnh, chấn chỉnh mọi sai lầm xã hội bằng cách ngăn cấm những mối nguy từ bên ngoài mang vào quốc gia, đặc biệt là ngăn chặn những cơn gió độc đánh thẳng vào tính thực dụng của nhân dân. Nhưng có vẻ như kẻ nắm quyền còn tham hơn cả đám đông nhân dân gấp nhiều lần!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/traffic-congestion-political-jam-03222018112708.html

Thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội:

Bộ Ngoại giao lên tiếng

Sau những đồn đoán về việc Hà Nội là một trong những địa điểm được xem xét cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được các trang mạng trong nước trích lời nói Việt Nam “sẵng sàng có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại duy trì hòa bình an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.”

Việt Nam ngỏ ý muốn đón ông Kim và Tổng thống Trump

Hà Nội là địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp Trump-Kim?

Tổng thống Mỹ bất ngời nhận lời gặp mặt lãnh tụ Triều Tiên để đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia cộng sản này, theo công bố của chính phủ Mỹ hôm 8/3.

Người phát ngôn BNG trong cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 22/3 tại Hà Nội còn cho biết rằng “Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực mang tính xây dựng, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và thế giới nói chung.”

Triều Tiên đang phải chịu nhiều chế tài của Liên Hiệp Quốc và và Mỹ về chương trình hạt nhân và các cuộc thử nghiệp vũ khí đạn đạo của họ trong những năm gần đây. Phía Triều Tiên chưa chính thức lên tiếng khẳng định về cuộc gặp thượng đỉnh đang được truyền thông quốc tế nói tới rất nhiều.

Mặc dù địa điểm và ngày giờ cụ thể của cuộc gặp mặt cho tới nay chưa được công bố nhưng chính phủ Mỹ cho biết 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào cuối tháng 5.

Những đồn đoán về khả năng Hà Nội là một trong những địa điểm được xem xét tới rộ lên gần đây khi Reuters đưa ra danh sách những nơi có thể được chọn để tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên gặp nhau. Ngoài Hà Nội còn có Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, làng Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên, một nước trung lập ở châu Âu hoặc thủ đô Washington của Mỹ.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh nói với đài truyền hình SBS Australia hôm 18/3 rằng Việt Nam sẵng sàng hoan nghênh đối thoại Trump-Kim “nếu họ chọn Hà Nội hay bất cứ nơi nào ở Việt Nam. Ông Minh nói “Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả 2 nước.”

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định với VOA rằng Hà Nội được đưa ra là một lựa chọn vì “Hà Nội có quan hệ hữu nghị với Bắc Triều Tiên và có quan hệ ngày càng tốt với Washington. Hà Nội có thể tạo được sự tin cậy của cả 2 phía.”

Trước đó một giáo sư người Việt ở Singapore, Vũ Minh Khương, trong 1 bài viết trên East Asia Forum cho rằng Hà Nội là nơi “lý tưởng” cho cuộc gặp mặt Trump-Kim và rằng Việt Nam là một “ví dụ điển hình” cho Triều Tiên noi theo trong việc “áp dụng chiến lược bình thường hóa quan hệ với Mỹ.”

Người được cho là thành công trong việc “mối lái” cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện đang thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày từ 22-24/3.

Tại cuộc họp báo của BNG, phóng viên cũng đã hỏi người phát ngôn về việc liệu tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Hà Nội có bàn thảo vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như khả năng tổ chức cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên tại Việt Nam hay không. Bà Hằng không đưa ra câu trả lời cụ thể mà chỉ cho biết rằng “hai bên sẽ trao đổi về vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.” Mục tiêu chính của chuyến thăm đang diễn ra của tổng thống Hàn Quốc, theo người phát ngôn BNG, “là thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.”

Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam nhận định với VOA rằng “một quyết định tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội sẽ làm nổi bật vị thế đang lên của Việt Nam trên trường quốc tế.”

https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-trump-kim-tai-ha-noi-bo-ngoai-giao-len-tieng/4310253.html

 

Sau nghi vấn ‘lọt tội phạm’, Bộ Y tế đề nghị

xử ‘khách quan’ vụ chạy thận chết 8 người

Khánh An-VOA

Sau phản ứng khá mạnh từ dư luận và giới y khoa về dấu hiệu “bỏ lọt tội phạm” trong vụ truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 người khác liên quan đến vụ chạy thận gây chết người ở tỉnh Hòa Bình, ngày 21/3, Bộ Y tế lần đầu tiên lên tiếng nói rằng Bộ này mong việc điều tra, truy tố “đảm bảo khách quan, minh bạch” và “không bao che cho đối tượng nào”.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình ngày 22/2, bác sĩ Hoàng Công Lương, 34 tuổi bị truy tố về tội “vô ý làm chết người” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai người khác bị cáo buộc tội danh tương tự là Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và Trần Văn Sơn – Cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Vẫn theo cáo trạng, bác sĩ Lương, người được Trưởng khoa giao phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện, đã thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, được sử dụng trong quy trình chạy máy lọc thận, vào ngày 20/4/2017.

Rõ ràng việc chấp nhận sử dụng hóa chất nguy hại trong việc xử lý thiết bị mà không bao gồm thêm quy trình kiểm soát chặt chẽ thì đó là một thiếu sót ở góc độ quản lý.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Cáo trạng cho rằng “với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa”.

“Nhưng sáng ngày 29/5/2017, khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì Hoàng Công Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận – BVĐK Hoà Bình diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 08 người tử vong”, cáo trạng nêu.

Sau khi bản cáo trạng được đưa ra, rất nhiều người trong giới y khoa Việt Nam đã lên tiếng bênh vực bác sĩ Hoàng Công Lương, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong việc điều tra, truy tố.

Từ Hà Nội, Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhận định với VOA-Việt ngữ:

“Bản thân quy trình xử lý thiết bị đó là không phù hợp, không đảm bảo chất lượng. Nếu có tồn dư thì sẽ có nguy cơ gây tử vong cho bệnh nhân. Rõ ràng việc chấp nhận sử dụng hóa chất nguy hại trong việc xử lý thiết bị mà không bao gồm thêm quy trình kiểm soát chặt chẽ thì đó là một thiếu sót ở góc độ quản lý. Bác sĩ Hoàng Công Lương hay bất cứ ai khác nếu rơi vào hoàn cảnh đó thì đều là nạn nhân. Thảm họa vẫn luôn xảy ra”.

Cùng với chuỗi phản ứng của dư luận, tuần rồi mạng xã hội lan truyền tin về việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bác sĩ Hoàng Công Lương, dẫn dến thông báo của Bộ Y tế hôm 20/3 “cảnh báo” người dân rằng đây là “tin giả” và họ “cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ tin tức trên mạng”, theo Tuổi Trẻ.

Nếu tôi là người có cương vị trong Bộ Y tế, tôi sẽ đề nghị xem xét lại trách nhiệm của tất cả những người có liên quan, chứ không thể chỉ truy tố 3 người như thế này được. Vì nếu chỉ đưa ra truy tố 3 người, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, thì rõ ràng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Trước “cảnh báo” này, Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói ông không ngạc nhiên vì đã thấy bản tin không ổn ngay từ đầu.

“Trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì rõ ràng tin đó không đúng. Bản thân một người làm trong bộ máy nhà nước thì không thể có một đề nghị trái pháp luật như thế được”.

Nhưng điều quan trọng hơn mà ông và giới y khoa băn khoăn là trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ này và quy trình điều tra, xét xử của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:

“Nếu tôi là người có cương vị trong Bộ Y tế, tôi sẽ đề nghị xem xét lại trách nhiệm của tất cả những người có liên quan, chứ không thể chỉ truy tố 3 người như thế này được. Vì nếu chỉ đưa ra truy tố 3 người, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, thì rõ ràng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.

Trả lời trong cuộc họp báo ngày 21/3, một tháng sau khi VKS đưa ra cáo trạng, đại diện Bộ Y tế, TS. Nguyễn Huy Quang-Vụ trưởng Vụ Pháp chế, mới nói rằng Bộ này “mong cơ quan bảo vệ pháp luật, khi xem xét điều tra, truy tố vụ án này, cần bảo đảm tính khách quan, minh mạch, đúng người đúng tội, không bao che cho đối tượng nào kể cả lãnh đạo, cán bộ làm trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình”, theo Dân Trí.

Theo ông Quang, các bác sĩ chỉ được đào tạo kỹ năng thực hành y khoa cấp cứu cho người bệnh, còn việc mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị do bộ phận quản lý trang thiết bị quản lý.

“Do đó, bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị”, quan chức của Bộ Y tế nói.

Kết luận của Bộ Công An cho biết nguyên nhân dẫn đến tai biến gây tử vong cho 8 bệnh nhân là do tồn dư hóa chất độc hại trong nguồn nước chạy thận cao gấp hàng trăm lần mức cho phép.

Việc truy tố 3 bị can diễn ra sau khi gia đình của 8 nạn nhân đâm đơn kiện Bệnh viện Hòa Bình và đòi bồi thường 2 tỷ đồng. Các gia đình cho rằng bệnh viện đã không tuân thủ quy trình lọc thận và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

https://www.voatiengviet.com/a/sau-nghi-van-lot-toi-pham-bo-y-te-de-nghi-xu-khach-quan-vu-chay-than-chet-nguoi/4310084.html

 

Ngoại trưởng Nga thăm Việt Nam

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm Việt Nam trong hai ngày 22 và ngày 23/3, sau khi bộ ngoại giao hai nước nói chuyến thăm Hà Nội của nhà ngoại Nga bị hủy vào hồi đầu tuần.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22/3 đến 23/3 theo lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tại Hà Nội, ngoài cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam, Ngoại trưởng Nga dự kiến gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hai bên sẽ thảo luận về hiện trạng và triển vọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, theo truyền thông trong nước.

Theo bản tin của hãng Sputnik, ngày 22/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam. Hai bên cũng sẽ thảo luận về một số vấn đề quốc tế, đặc biệt là tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến công tác của ông Lavrov đến Việt Nam diễn ra ngay sau khi Nga vừa bầu cử tổng thống lần thứ 7 với chiến thắng thuộc về ông Putin.

Theo Japan Times, Ngoại trưởng Lavrov vừa có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 20 đến ngày 22/3. Ông đã rời Tokyo để bay sang Hà Nội chiều 22/3.

Trước đó, chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nga bị hủy vào phút chót. Trong thông báo ngắn trên trang web, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/3 cho biết rằng ông Lavrov không tới Việt Nam “vì lý do đột xuất”. Còn Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo, nói rằng chuyến thăm bị dời lại do “thay đổi về lịch trình làm việc” của ông Lavrov.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-nga-tham-vietnam/4310061.html