Tin Việt Nam – 21/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/03/2018

Tổng thống Thiệu qua phim tư liệu BBC năm 1973

Không mấy người trong giới chính trị bị chê thường xuyên như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – người bị mang tiếng là ‘lãnh đạo bù nhìn’ của chính thể tham nhũng – nhưng ông hóa ra lại là một chính khách rất thân thiện, theo một chương trình phát hôm 02 tháng 4 năm 1973 ở Anh của BBC.

Chương trình Panorama của BBC khi đó nhận xét rằng Tổng thống Thiệu có cách ứng xử thoải mái, tự tin, cho dù ông là một nhà lãnh đạo không được lòng dân tại một quốc gia vốn có truyền thống độc tài.

Ông đã lãnh đạo Nam Việt Nam kể từ 1966.

Khởi đầu chỉ là một trong số các quân nhân ngang hàng nhau trong chính quyền quân sự, nhưng về sau, quyền lực của ông đã được khẳng định rõ ràng.

Lúc ông mới lên nắm quyền, đã từng có những cuộc công kích, coi ông là bù nhìn của Hoa Kỳ.

Thế nhưng trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, ông đã giành được sự kính trọng mới, BBC tường thuật, do sự quả cảm và tự tin trong cuộc chiến, khi ông dám phản đối người Mỹ, không chấp nhận dự thảo đầu tiên hiệp định hòa bình phía Mỹ đưa ra với Hà Nội.

BBC giới thiệu với quý vị phần chuyện trò giữa phóng viên chương trình Panorama với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc lập hồi 1973.

Toán làm phim của Michael Charlton, BBC đã vào phòng làm việc của Tổng thống Thiệu và được ông tiếp đón, nói chuyện bằng tiếng Anh.

Các phần khác từ chương trình sẽ được chuyển tải trong những ngày tới qua phụ đề tiếng Việt.

Xem thêm:

Di sản cự̣u Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Thăm quê cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Việt Nam Cộng Hòa và những định mệnh xui xẻo

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43458965

 

LHQ: ‘Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa’

Các chuyên gia nhân quyền LHQ ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước tin công nhân nữ ở hai nhà máy Samsung ở Việt Nam, và các nhà hoạt động về quyền của người lao động, bị “hăm dọa và sách nhiễu” sau khi họ nêu lo ngại về tình trạng lao động ở các nhà máy.

LHQ nghe tin tác giả chính của báo cáo, bà Phạm Thị Minh Hằng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) đã được yêu cầu đến gặp giới chức ngày 19/3 sau khi trở về từ một cuộc họp ở Thụy Điển, theo thông cáo.

“Chúng tôi rất lo âu khi biết các nhà nghiên cứu biên soạn bản báo cáo bị giới chức chính quyền yêu cầu tới gặp để nói chuyện,” các chuyên gia của LHQ viết trong bản thông cáo.

Tuy nhiên, BBC được biết cuộc gặp trên là để nhằm ‘làm rõ thông tin’.

Đây không phải là lần đầu tiên đại diện của CGFED được mời làm việc.

Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, CDFED trong tháng 11/2017 đã hai lần được yêu cầu tới dự họp cùng một số ban ngành của tỉnh Bắc Ninh và đại diện Samsung “để giải quyết kiến nghị của Samsung”.

CGFED cho biết họ sau đó được yêu cầu không công bố bản báo cáo bằng tiếng Việt, tuy bản tiếng Anh và tiếng Hàn đã được loan tải trên trang web của IPEN.

“Chúng tôi đã ‘được tư vấn’ là ‘không được công bố’ do ‘báo cáo này ảnh hưởng đến hình ảnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam’. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn chưa được phép công bố báo cáo,” bà Minh Hằng nói với BBC hồi đầu tháng 12/2017.

‘Không thể chấp nhận hăm dọa công nhân và nhà hoạt động’

Bản thông cáo báo chí hôm 20/3 của LHQ viết rằng “không thể chấp nhận được khi các nhà nghiên cứu và các công nhân báo cáo tình trạng lao động mà họ cho là không đảm bảo, bị đe dọa bởi giới chức tư hay công.”

“Giới chức chính quyền và các công ty liên quan phải đảm bảo một không gian xã hội dân sự để đảm bảo môi trường lao động phù hợp cho các lao động nữ tại các nhà máy.”

Các chuyên gia LHQ còn cho biết: “Chúng tôi cũng đã yêu cầu Samsung minh xác về cáo buộc rằng các công nhân trong các nhà máy cũng bị đe dọa kiện tụng nếu họ nói chuyện với người bên ngoài nhà máy về tình trạng lao động theo sau việc báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái.”

Thông cáo ghi, việc hăm dọa các nhà hoạt động và các công nhân không chỉ vi phạm về quyền tự do ngôn luận mà còn dung dưỡng cho hành vi của những kẻ lạm quyền và vi phạm quyền lợi người lao động.

“Những vi phạm làm giảm uy tín trách nhiệm và nghĩa vụ của chính phủ và các công ty trong việc tôn trọng nhân quyền phù hợp với Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Nhân quyền,” các chuyên gia nói.

Các chuyên gia của LHQ ở đây bao gồm các báo cáo viên đặc biệt, ông Baskit Tuncak và David Kaye và bà Anita Ramasastry, chủ tịch Nhóm Công tác của LHQ về nhân quyền và các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp.

Thông cáo của LHQ cũng cho biết họ nghe tin giới chức về lao động Việt Nam đang điều tra về các phát hiện nêu trong bản báo cáo về Samsung.

Bản báo cáo của IPEN viết gì?

Hôm 6/11/2017, mạng lưới tổ chức phi chính phủ IPEN công bố báo cáo về tình trạng lao động khắc nghiệt của công nhân nữ tại các nhà máy của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh và Phổ Yên, Thái Nguyên.

Báo cáo của IPEN nói rằng các công nhân nêu ra tình trạng cực kỳ mệt mỏi, ngất xỉu và chóng mặt tại nơi làm, và tình trạng sảy thai xảy ra rất phổ biến.

Công nhân phải đứng suốt ca làm việc từ 8 đến 12 giờ, làm việc thay phiên theo ca ngày đêm, bất kể cuối tuần. Thậm chí, những công nhân có thai thường đứng suốt ca làm việc để tránh bị công ty trừ lương vì nghỉ nhiều.

IPEN kêu gọi Samsung hãy “công bố báo cáo của bên tư vấn để vấn đề này có thể được đánh giá độc lập.”

IPEN cũng dẫn một nghiên cứu trước đó có tên “tổng quan ngành công nghiệp điện tử và vấn đề với công nhân Samsung ở Việt Nam” năm 2014, theo đó nói trong năm 2013 tại xưởng sản xuất của Samsung đã xảy ra sáu vụ sẩy thai, trong đó có một trường hợp thai nhi bảy tháng tuổi chết lưu.

IPEN yêu cầu Samsung “minh bạch công bố danh sách đầy đủ các hóa chất sử dụng tại các cơ sở sản xuất và mô tả việc kiểm soát hóa chất”, và nói rằng “Ở Hàn Quốc, Samsung thường xuyên từ chối cung cấp thông tin về hóa chất sử dụng để tránh các công nhân bị bệnh đòi bồi thường.”

Samsung bác bỏ báo cáo

Ngay sau khi báo cáo được công bố, Samsung nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.

“Báo cáo này chưa có cơ sở khoa học mà mang tính quy chụp, bởi chỉ phỏng vấn 45 người trong số 160.000 lao động tại Samsung VN rồi đưa ra kết luận,” ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics VN được báo chí trong nước trích lời.

Ông cũng nói nhiều nội dung trong báo cáo “đều sai sự thật” và “tùy tiện”.

Đại diện Samsung nói rằng IPEN đã “không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam”, theo báo Dân Trí hôm 23/11/2017.

Samsung khẳng định rằng các nữ công nhân có thai không bị đối xử tệ, và môi trường làm việc đảm bảo an toàn về mặt hóa chất.

Vào cuối năm 2017, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam là 1 trong 10 doanh nghiệp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen trong Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017 vì có chế độ đặc biệt cho nhân viên nữ mang thai; ký túc xá sạch đẹp với trang thiết bị tiện nghi, hiện đại.

Ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói công ty này có nhiều chế độ ưu đãi các nữ lao động đang mang thai bao gồm chế độ ăn đặc biệt, nhiều ngày nghỉ thai sản và các cơ sở tiện nghi cho việc nuôi chăm sóc con tại nhà máy.

Ông còn nói với báo Lao động Thủ đô rằng công ty vẫn chi trả 70% lương cơ bản cho nữ lao động và 6 tháng nghỉ thai sản.

“Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục có chính sách ưu tiên và hỗ trợ tốt hơn cho LĐ nữ mang thai và nuôi con nhỏ,” ông Bang Hyun Woo nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43482421

 

PVEP chuyển nhượng

quyền lợi lô ngoài khơi cho Murphy Oil

Vào ngày 15 tháng 3 vừa qua, Tổng Công Ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí- PVEP thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam ký thỏa thuận chuyển nhượng 5% quyền lợi lô 15-1/05 tại vùng trũng Cửu Long cho hãng Murphy Oil, Hoa Kỳ.

Reuters loan tin này ngày 19 tháng 3 dẫn thông cáo của PVEP. Theo Reuters, với sự chấp thuận của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, sau thời gian đàm phán, trao đổi, PVEP và một chi nhánh của Murphy là Murphy Cuu Long Bac Oil Co. LTD thống nhất với nội dung Thỏa Thuận chuyển nhượng 5% quyền lợi tham gia và quyền điều hành của PVEP tại Hợp Đồng Phân Chia Sản Phẩm Dầu Khí lô 15-1/05 bể Cửu Long, Việt Nam cho Murphy Oil.

Hợp đồng Phân chia sản phẩm lô 15-1/05 được ký vào tháng tư năm 2007 giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam và tổ hợp nhà thầu gồm Công ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí và SK Corporation.

Thông báo của PVEP không cho biết giá trị của thỏa thuận vừa ký kết. Ngoài ra PVEP bày tỏ hy vọng hợp tác với Murphy Oil sẽ giúp phát triển những giếng dầu cỡ nhỏ một cách hữu hiệu hơn trong tình hình giá dầu xuống thấp.

Murphy Oil cũng có những dự án đầu tư vào một số lô khác ngoài khơi Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-oil-firm-sells-5-percent-interest-in-offshore-block-to-murphy-oil-03212018093122.html

 

Vi phạm xây dựng ở Tràng An:

liệu có bị UNESCO thu hồi danh hiệu?

Vừa qua tại Khu di tích lịch sử Tràng An tại tỉnh Ninh Bình, một công trình xây dựng hình thành ngay tại vùng lõi và cơ quan chức năng nói không biết gì.

Hoạt động này bị cho là vi phạm luật khu di sản của Việt Nam cũng như của UNESCO vì tổ chức này công nhận Khu di tích lịch sử Tràng An là di sản thế giới vào ngày 23 tháng 6 năm 2014.

Liệu có biện pháp gì đối với công trình vi phạm đó?

Vi phạm Luật di sản Văn hóa

Trước hết, trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế định nghĩa về di sản thế giới như sau:

Tất cả những cái này đều có văn bản đình chỉ, nhưng tất cả chỉ là hình thức, và có sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. 

– PGS – TS. Lương Hồng Quang

“Những di tích thuộc về di sản cấp quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là di sản quốc tế được UNESCO công nhận, về nguyên tắc phải giữ nguyên trạng khi nó được công nhận là di tích.”

Trong buổi trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định rằng việc Công ty Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Huyền Vũ thuộc khu di tích lịch sử Tràng An với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc lên xuống là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản.

Theo đó, trong Luật di sản Văn hóa do Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương ký vào ngày 12 tháng 7 năm 2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2002, khoản 3 điều 13 có ghi rõ nghiêm cấm xây dựng trái phép trong phạm vi thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng vi phạm của Công ty Du lịch Tràng An là điều rất rõ ràng:

“Trong Luật di sản có quy định rõ những di tích quốc gia đặc biệt thì tất cả các công trình trong lõi di tích khu vực 1 lúc làm không được xâm phạm, và khi làm bất cứ điều gì đều phải xin phép, luận chứng kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về mặt văn hóa, vấn đề môi trường và rất nhiều các vấn đề khác.”

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dưới sự chỉ đạo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Trường Yên đã gửi tổng cộng 5 văn bản đến Công ty Du lịch Tràng An đề nghị ngưng thi công, thu dọn nguyên liệu và trả lại nguyên trạng di tích Tràng An. Tuy nhiên đơn vị thi công đã phớt lờ, tiếp tục thực hiện công trình và đưa vào sử dụng.

Quản lý về mặt chính quyền cũng như cơ quan văn hóa có trách nhiệm rất lớn trong việc này, không thể đổ thừa chỉ có một công ty xây dựng. 

– TS. Nguyễn Thị Hậu

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, công trình này đã được chính quyền địa phương làm ngơ:

“Tất cả những cái này đều có văn bản đình chỉ, nhưng tất cả chỉ là hình thức, và có sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Không thì một công trình sờ sờ như thế làm từ năm 2017 đến giờ mới phát hiện ra. Theo tôi nghĩ không phải làm lén lút.”

Ngoài ra, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kết luận thanh tra, ý kiến, nhưng việc này thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh trong vấn đề ra quyết định thanh tra:

Phải ra lệnh và thi hành cưỡng chế chứ không thể để người ta kéo dài xong cản như vậy. Đứng về phương diện xã hội mất vào đấy rất nhiều tiền, phí nguồn lực xã hội.

Nếu được ngăn cản ngay từ đầu thì nguồn lực không bị tiêu tán.”

Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 33 Luật di sản Văn hóa có ghi rằng: Bộ Văn hóa – Thông tin khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về mỗi Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình:

Quản lý về mặt chính quyền cũng như cơ quan văn hóa có trách nhiệm rất lớn trong việc này, không thể đổ thừa chỉ có một công ty xây dựng. Việc quản lý nhà nước của Việt Nam sai phạm rất lớn.”

Theo Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Lương Hồng Quang, vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng. Đồng thời đưa ra một góc nhìn khác:

“Ở đây, có sự thỏa hiệp để ngầm ẩn bên trong chia sẻ lợi ích hay không thì phải đặt vấn đề như vậy.”

Phục hồi nguyên trạng

Hiện tại, công trình đường lên núi Cái Hạ được yêu cầu tháo dỡ khẩn cấp dưới sự giám sát, thanh tra của Ủy ban nhân dân tỉnh và thanh tra của Sở Văn hóa Du lịch, quản lý nhà nước vì theo Luật Luật di sản Văn hóa có quy định rõ bên nào làm ra thì bên đó phải chịu trách nhiệm dỡ bỏ. Đồng thời đơn vị thi công phải di dời tất cả các thứ và trả lại gần như nguyên vẹn hiện trạng cũ.

Tuy vậy để khu di tích Tràng An trở lại trạng thái ban đầu một cách hoàn toàn là điều không thể. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, cây cối đã bị chặt, phần đá bị phạt đi để làm cự cho cầu đều không thể phục hồi. Ông nói thêm:

Mức độ trầm trọng hoặc khuyến cáo nhiều lần không được phía quản lý nhà nước Việt Nam coi trọng và nguy hại nhiều đến cảnh quan thì có thể bị tước danh hiệu di sản văn hóa của Thế giới.

– TS. Nguyễn Thị Hậu

Theo tôi nghĩ sau khi dỡ xong phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chứ không phải dỡ xong rồi bỏ đấy được.”

Liệu Tràng An sẽ bị UNESCO thu hồi danh hiệu?

Nói với truyền thông trong nước, Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết Tràng An là di sản được UNESCO công nhận, nên về mặt quản lý còn phải chịu sự điều tiết của công ước quốc tế. Nếu không xử lý triệt để, khả năng UNESCO có ý kiến và xem xét lại danh hiệu đã công nhận với Tràng An là khó tránh khỏi.

Nhận định trên được bà Bích Liên đưa ra hoàn toàn có căn cứ vì trước đây, Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định bỏ tên thung lũng Dresden Elbe của Đức khỏi danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 2008. Lý do được đưa ra vì một tòa án Đức cho phép xây dựng cây cầu bốn làn xe nằm ngay trung tâm của Thung lũng Dresden Elbe. Việc này có khả năng dẫn đến việc xóa bỏ cảnh quan văn hoá của Dresden.

Liên hệ vấn đề này với tình trạng của khu di tích Tràng An hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu Tràng An sẽ bị UNESCO thu hồi danh hiệu như thung lũng Dresden Elbe của Đức?

Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu giải thích rằng việc này tùy thuộc mức độ vi phạm về diện tích bao nhiêu, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, sinh thái thế nào… Sau khi có thẩm định thì UNESCO sẽ đưa ra các hình thức đối với Việt Nam. Trong đó, bà đưa ra trường hợp tệ nhất:

“Mức độ trầm trọng hoặc khuyến cáo nhiều lần không được phía quản lý nhà nước Việt Nam coi trọng và nguy hại nhiều đến cảnh quan thì có thể bị tước danh hiệu di sản văn hóa của Thế giới.”

Trên thực tế, tiếng nói của UNESCO đối với chính quyền Việt Nam sẽ có giá trị giúp đẩy nhanh tiến độ ngăn chặn những công trình ảnh hưởng đến các di tích lịch sử hay du lịch sinh thái. Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật nêu ra những ví dụ trong trường hợp này:

“UNESCO đã đề nghị chính thức với chính phủ dừng lại dự án cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng, hay không cho thực hiện cáp treo ở động Sơn Doong . Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.”

Những du khách đã từng tham quan Tràng An trước khi công trình đường lên núi Huyền Vũ được khởi công đều bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp sẽ phối hợp cùng nhau để trả lại một di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam một cách sớm nhất và hoàn thiện nhất.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/violation-at-trang-an-heritage-site-will-the-title-be-withdrawn-03202018150432.html

 

“Đụng độ” trong vụ MobiFone mua AVG?

Mỹ Lan RFA

Bộ Thông tin – Truyền thông “cãi” Thanh tra Chính phủ

Vụ việc Mobifone mua lại 95% cổ phần Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG bị khơi lại vào ngày 8 tháng 3 khi Văn Phòng Trung Ương Đảng có công văn thông báo Ban Bí Thư họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban Cán Sự Đảng Thanh Tra Chính Phủ báo cáo vụ việc. Sau khi nghe xong, Ban Bí Thư nhận định đó là một vụ việc rất nghiêm trọng.

Bốn ngày sau khi có Chỉ đạo của Ban Bí thư về vụ việc trên, ngày 12/3, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn cùng lãnh đạo của Mobifone và AVG đã tổ chức một cuộc họp thống nhất huỷ bỏ Hợp đồng mua cổ phần của Mobifone với AVG với trị giá hợp đồng lên đến 9.000 tỷ đồng.

Đến ngày 14/3/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận điều tra vụ việc MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG. Theo đó, đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng với nguy cơ thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng của nhà nước do mua phải nợ phải trả hơn 1100 tỷ đồng của AVG. Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ sai phạm của 4 bộ ngành là Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an trong quá trình từ khâu thẩm định dự án, tham mưu phê duyệt và phê duyệt dự án.

Phản bác của Bộ TT-TT cho thấy rõ ông Tuấn giờ chỉ còn con đường là…chiến đấu! – Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà

Cùng ngày 14/3, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone gửi đơn đến các lãnh đạo Đảng, nhà nước và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại trách nhiệm của cá nhân ông này trong thương vụ MobiFone mua lại AVG. Trong đơn đề nghị nêu rõ: ý tưởng chào bán cổ phần của AVG và chủ trương không bán cổ phần AVG cho cổ đông AVG mà chỉ bán cho đối tác trong nước là do Bộ TT-TT quyết định, sau khi đã thống nhất với Bộ Công An. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng là đơn vị đưa quyết định đưa giao dịch mua cổ phần AVG vào danh mục bí mật Nhà nước và chỉ đạo MobiFone thực hiện. MobiFone đã tuân thủ chỉ đạo của Bộ TT-TT, toàn bộ quá trình sau này từ thuê tư vấn (thực hiện chỉ định thầu) và quá trình đàm phán, lập dự án, ký kết trao đổi thông tin đều phải bảo mật thông tin.

Sang chiều ngày 15/3, Bộ Thông Tin- Truyền thông, cơ quan đại diện chủ sở hữu của Mobifone lại ra thông cáo báo chí phản bác lại các sai phạm liên quan đến bộ này mà Thanh tra Chính phủ đã nêu ra. Theo đó, việc thanh tra chưa thực sự khách quan, chính xác và chưa đúng pháp luật theo chỉ đạo của Ban Bí thư.

Bộ này cũng phản ánh việc Thanh tra Chính phủ không xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà tự ý diễn giải pháp luật theo cách của mình. Thêm vào đó, Bộ Thông tin Truyền thông còn tố cáo Thanh tra Chính phủ không đề cập đến việc MobiFone và AVG trước đó đã chính thức hủy hợp đồng.

Vì sao ông Trương Minh Tuấn “phản ứng”?

Đánh giá về phản ứng của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong trường hợp này, nhiều nhà quan sát bình luận rằng, ông Tuấn dường như đã bị dồn vào đường cùng và trở nên “hoảng loạn” khi bị đích danh nhiều đơn vị truyền thông dưới cấp “vạch tội”. Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà trên Facebook cá nhân cho rằng: “Phản bác của Bộ TT-TT cho thấy rõ ông Tuấn giờ chỉ còn con đường là…chiến đấu!” Nhà báo Ngô Nhật Đăng thì cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy bộ máy chính quyền bắt đầu có dấu hiện trục trặc khi nó động chạm đến quyền lợi và gây ra nhiều nguy hiểm đối với một số cá nhân.

“Đây thực sự là việc chưa từng có tiền lệ khi lần đầu tiên một đơn vị bị thanh tra lại đi phản ứng lại cơ quan kiểm tra của chính phủ, điều đó cho thấy họ đã bỏ hết chuyện tình đồng chí hoặc xử lý trong nội bộ rồi. Ở đây sự gắn kết của hệ thống chính trị đang trở nên lỏng lẻo và nó đang bị “rã” ra chứ không còn là một khối thống nhất nữa”

Trong khi đó, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng, việc phản bác giữa Bộ Thông tin -Truyền thông đối với những đánh giá của Thanh Tra Chính Phủ, vốn là một cơ quan ngang bộ, về mặt lý thuyết là một hành động bình thường. Theo ông này thì trên thực tế, các cơ quan ngang bộ có quyền được công bố ý kiến lẫn nhau và Thủ tướng chính phủ sẽ là nhân vật đưa ra quyết định sau cùng. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên dư luận được chứng kiến sự phản bác công khai giữa các cơ quan ngang cấp liên quan đến những cáo buộc về trách nhiệm trong một vụ án kinh tế nghiêm trọng.

Đây thực sự là việc chưa từng có tiền lệ khi lần đầu tiên một đơn vị bị thanh tra lại đi phản ứng lại cơ quan kiểm tra của chính phủ, điều đó cho thấy họ đã bỏ hết chuyện tình đồng chí hoặc xử lý trong nội bộ rồi. Ở đây sự gắn kết của hệ thống chính trị đang trở nên lỏng lẻo và nó đang bị “rã” ra chứ không còn là một khối thống nhất nữa – Nhà báo Ngô Nhật Đăng

Và Bộ Thông Tin- Truyền Thông cho báo chí lấy xuống toàn bộ nội dung phản bác chỉ vài giờ sau khi đăng tải trên truyền thông trong nước. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét về động thái này:

Bởi vì có thể phản bác đó có thể thiếu cơ sở hoặc phản bác đó có thể dẫn đến những dấu hiệu vi phạm khác hoặc có cấp trên cho rằng anh nói như thế là không đúng… nên họ tự rút lui ý kiến

Nhà báo Ngô Nhật Đăng lại cho rằng đây là động tác của các lãnh đạo trong Đảng nhằm đo phản ứng của dư luận đối với vụ án này mà thôi.

Họ sợ rằng họ chưa đo được phản ứng từ dư luận hay thậm chí trong nội bộ nên hành động gỡ bài cũng giống như là việc rút củi đáy nồi, họ làm để đo phản ứng của dư luận như thế nào”.

Trở lại với bản Kết luận của Thanh tra Chính phủ vụ Mobifone mua AVG, Bộ TT & TT mà ông Trương Minh Tuấn lúc đó nắm vai trò Thứ trưởng, đã mắc bốn sai phạm: Làm trái và thiếu trách nhiệm trong đề xuất dự án, lựa chọn thẩm định giá, lập trình dự án và vi phạm thỏa thuận ký kết, thanh toán mua cổ phần… Với vai trò là người đứng đầu Bộ TTTT hiện nay, ông Trương Minh Tuấn hiện được xem là “đạo diễn chính” và sẽ là nhân vật chịu trách nhiệm lớn nhất trong đại án tham nhũng MobiFone mua AVG với số vốn rút ruột ngân sách nhà nước lên tới hơn 7000 tỷ đồng, một con số lớn gấp gần chục lần so với số tiền gần 800 tỷ đồng thất thoát trong vụ Đinh La Thăng tại Tập đoàn dầu khí PVN. Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, một khi bị định tội, với tội danh “cố ý làm trái pháp luật”, ông Trương Minh Tuấn chắc chắn sẽ không thoát được mức án tử hình.

Chúng tôi đã tìm cách liên lạc với Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn tuy nhiên đã không thể liên lạc được.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dung-do-trong-vu-mobifone-mua-avg-03202018143345.html

 

Mở rộng đầu vào hay thả nổi chất lượng?

Việc vào đại học từng được ví như “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, thể hiện nghị lực, sự cố gắng của các thí sinh trong cuộc đua với nhiều bạn đồng trang lứa để chọn ra những thành phần ưu tú nhất bước vào bậc học cuối cùng.

Tuy nhiên năm 2018 Bộ Giáo dục Đào tạo chính thức bỏ quy định điểm sàn tuyển sinh. Điều này gây lo ngại các trường sẽ “vơ bèo, vạt tép”; liệu việc giáo dục từ tiểu học đến phổ thông trung học đã được chuẩn bị đủ cho việc bỏ điểm sàn như thế chưa?

Lợi bất cập hại?

Bộ Giáo dục Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy và tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên trong năm 2018. Trong đó đáng chú ý là việc chính thức bỏ điểm sàn đầu vào, hạ điểm ưu tiên, chỉ giữ điểm sàn sư phạm, thay đổi cách làm tròn điểm, bắt buộc công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm…

Thời gian qua, việc giữ hay bỏ điểm sàn đã gây nhiều tranh cãi. Các trường đại học dân lập thì đề nghị bỏ điểm sàn vì thiếu sinh viên theo học. Trong khi các trường đại học công lập có uy tín lại vẫn muốn giữ việc giới hạn chất lượng đầu vào vì cho rằng điểm sàn sẽ là “bộ lọc” cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Tuy còn nhiều tranh cãi nhưng vào trung tuần tháng ba, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chính thức bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tức bỏ điểm sàn. Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Trần Thành Nam – Giảng viên chuyên ngành giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:

Tôi nghĩ việc bỏ cái chuẩn đầu vào có thể cũng có những điểm lợi. Vì nó tạo điều kiện cho tất cả các em có cơ hội để tham gia vào cái hệ thống học tập.

-TS Trần Thành Nam

“Việt Nam hiện nay đang đối sánh với các nước trong khu vực ASEAN và Việt Nam hiện cũng rất quan tâm chuẩn đầu ra thì tôi nghĩ việc bỏ cái chuẩn đầu vào có thể cũng có những điểm lợi. Vì nó tạo điều kiện cho tất cả các em có cơ hội để tham gia vào cái hệ thống học tập.”

Tuy nhiên từ Hà Nội, Nhà giáo Phạm Toàn lại không đồng tình với giải pháp bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học:

“Những giải pháp bây giờ thì người ta luôn luôn đưa ra giải pháp khiên cưỡng, một trường đại học thì nó phải xếp hàng ngang với thời đại, chứ không thể như trường trung học hay tiểu học được. Một nền trung học hay tiểu học phải có tầm tư tưởng để rèn luyện đào tạo con người lâu dài. Còn nền đại học thì nó đào tạo con người tức khắc, vì thế nếu cái gì cũng hạ, cái gì cũng bớt thì là một cách để gật đầu, nháy mắt với nhau nói ‘tạm thế, tạm thế’…”

Cùng quan điểm với nhà giáo Phạm Toàn, thầy Đỗ Việt Khoa, một giáo viên tâm huyết có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại các trường trung học phổ thông tại Hà Nội cho rằng việc bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học thể hiện sự bất lực trong chuyện nâng cao chất lượng đầu vào đại học. Ông nói thêm:

“Việc bỏ điểm sàn đại học có hai mặt, mặt trái nó thể hiện sự bất lực trong chuyện nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tức là chất lượng học sinh phổ thông có vấn đề khi mà trung bình chỉ hơn 3 điểm một môn mà đỗ đại học thì đó là chuyện lạ của thế giới, chứng tỏ học sinh phổ thông được đào tạo không tốt. Mặc khác, nó lại giải quyết được công ăn việc làm, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng của thời kỳ bùng nổ các trường đại học kéo dài chừng hơn chục năm nay, dẫn đến nhiều trường đại học được xây dựng, thành lập mà không có sinh viên vào.”

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, tình trạng tuyển sinh vô tôi vạ không phải là mới, mà nhiều năm trước nó đã âm ỉ diễn ra, nhiều trường đại học, nhất là đại học dân lập vì thiếu nguồn sinh viên nên không còn căn cứ vào điểm sàn nữa, điểm thấp họ cũng gởi giấy mời thí sinh nhập học. Nhiều khi học sinh không đăng ký cũng nhận được vài giấy mời nhập học của các trường đại học dân lập. Ông bày tỏ lo ngại khi bỏ điểm sàn đại học:

“Dự kiến trong thời gian tới người ta sẽ ‘vơ bèo vạt tép’, những em học sinh học lực yếu sẽ được rất nhiều trường đại học lấy.”

Còn nhiều thách thức

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trong một lần trả lời VNExpress  cho rằng khi không có quy định điểm sàn tuyển sinh sẽ xảy ra tình trạng thí sinh không đạt được chuẩn ở trường trung học phổ thông khi vào đại học sẽ không thể theo nổi.

Tiến sĩ Trần Thành Nam dù thừa nhận bỏ điểm sàn tuy có điểm lợi nhưng cũng còn nhiều thách thức về chuẩn mực của các cấp học. Ông đưa ra nhận xét:

“Tôi nghĩ rằng đối với các em thì bỏ điểm sàn hay không cũng là một thách thức, vì bây giờ chúng ta muốn đào tạo theo chuẩn năng lực đầu ra. Ví dụ như là hết một cấp nào đấy thì các em yêu cầu phải đạt được một năng lực nhất định nào đấy. Từ bậc tiểu học cho đến cao đẳng nghề, rồi bậc đại học, sau đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thì nó đều phải có cái mức và các bậc năng lực khác nhau theo tiêu chuẩn.”

Việt Nam hiện đã phổ cập tiểu học và đang chuẩn bị phổ cập phổ thông cơ sở. Tuy nhiên hiện nay chuẩn mực của các trường của các vùng miền vẫn không đồng đều, gây lo ngại về bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học quốc gia. Nhận xét về việc này thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết:

Theo tôi nghĩ thì cứ như cái nền giáo dục bây giờ thì chả cái cấp nào đạt cả, nói luôn thế cho nó gọn, cứ dạy và học như bây giờ thì chả cấp nào đạt cả. Có mấy trường đỗ này đỗ kia nhưng nó vẫn không phải là sản phẩm học sinh mà mình mong muốn.

-Nhà giáo Phạm Toàn

“Những trường gần đô thị thì tôi nghĩ đạt chuẩn, nhưng vùng sâu vùng xa thì tôi nghĩ không đạt. Tôi cũng đi miền núi khá nhiều, tôi biết chất lượng (học tập) của các cháu thấp lắm. Mỗi lần thi tốt nghiệp các cháu phải sử dụng đủ mưu mẹo, quay cóp, thậm chí thầy cô phải làm bài đưa cho chép không thì rớt hết. Đây là tình trạng cực kỳ nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa.”

Nhà giáo Phạm Toàn thẳng thắn chia sẻ:

“Theo tôi nghĩ thì cứ như cái nền giáo dục bây giờ thì chả cái cấp nào đạt cả, nói luôn thế cho nó gọn, cứ dạy và học như bây giờ thì chả cấp nào đạt cả. Có mấy trường đỗ này đỗ kia nhưng nó vẫn không phải là sản phẩm học sinh mà mình mong muốn.”

Với bậc đại học, điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nói cách khác đó là mức mà các thí sinh phải đạt được mới có thể tiếp thu kiến thức. Việc bỏ điểm sàn sẽ khiến ngành Giáo dục quay trở lại gần giống những năm 2000, khi đó thí sinh thi 3 môn chỉ 7, 8 điểm vẫn trúng tuyển đại học và hậu quả là học không nổi, sản phẩm đầu ra không đảm bảo chất lượng…

Theo lời nhà giáo Phạm Toàn, một nền đại học không được phép tạm bợ, cũng như một nền giáo dục là phải làm gì đó cho muôn đời muôn kiếp.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/college-admissions-quantity-without-quality-tk-03202018135126.html

 

Cánh cửa đầu tư-định cư Mỹ hẹp lại với người Việt

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam mới đây thông báo từ ngày 23/3 Mỹ sẽ tạm dừng cấp các thị thực I5, R5 và SR cho công dân Việt Nam.

Việc dừng cấp có hiệu lực trên toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam, lý do là các chương trình liên quan đến các thị thực kể trên sắp hết hạn. Liệu chúng có được nối lại hay không còn tùy thuộc vào sự cho phép của quốc hội Mỹ.

I5 và R5 là hai trong số bốn hạng mục thị thực thuộc chương trình đầu tư tạo việc làm ở Mỹ EB-5 có thể dẫn đến quyền định cư lâu dài ở Mỹ.

SR là thị thực định cư dành cho những cá nhân nộp hồ sơ đi Mỹ làm việc trong lĩnh vực tôn giáo.

Thông báo của ĐSQ Mỹ khuyến cáo công dân Việt Nam đã có lịch hẹn phỏng vấn thị thực diện SR, I5 hay R5 không đổi ngày phỏng vấn sang các thời điểm sau ngày 23/3/2018. Họ cũng cần chuẩn bị tất cả giấy tờ được liệt kê trong bộ hồ sơ cho phỏng vấn visa định cư và mang tới buổi phỏng vấn để đảm bảo có thể được cấp thị thực trước ngày 23/3.

Chương trình EB-5 quy định một nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào Mỹ tối thiểu 1 triệu đôla (hoặc 500.000 đôla ở vùng nông thôn, tỉ lệ thất nghiệp cao) và tạo việc làm cho 10 người lao động trở lên trong mỗi dự án ở Mỹ.

Các cơ quan chính phủ Mỹ cho hay tới 10.000 thị thực thuộc diện EB-5 có thể được cấp cho công dân nước ngoài mỗi năm. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong tài khóa 2017, 665 thị thực diện EB-5 đã được cấp cho người Việt.

Bốn hạng mục visa thuộc EB-5 gồm C5, T5, R5 và I5. Một số nhà tư vấn cho VOA biết R5 và I5 là visa cấp cho các nhà đầu tư bỏ tiền gián tiếp qua hình thức mua cổ phần. Nhưng cách đầu tư này không tạo việc làm trực tiếp cho người Mỹ, nên chính phủ Mỹ không khuyến khích, theo các nhà tư vấn.

Visa C5 và T5 cho những nhà đầu tư trực tiếp lập doanh nghiệp và tuyển dụng lao động ở Mỹ vẫn được duy trì, các nhà tư vấn cho hay.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-cua-dau-tu-dinh-cu-my-hep-lai-voi-nguoi-viet/4308418.html

 

Vụ đánh bạc triệu đô: Ngân hàng Singapore lên tiếng

Ngân hàng Singapore (Bank of Singapore) mới trả lời VOA Việt Ngữ, sau khi chính quyền Việt Nam tiết lộ rằng ông Phan Sào Nam, một trong các nghi can chủ mưu “đường dây đánh bạc nghìn tỷ”, “rửa tiền” và “gửi 3,5 triệu đôla” vào ngân hàng này.

Bộ Công An cuối tuần trước đã chính thức công bố các thông tin liên quan tới vụ án sử dụng mạng Internet để “chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành khác.

Theo Bộ này, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng, và nhóm của ông Nam được hưởng gần 1.900 tỷ đồng.

Tình tiết mới trong ‘vụ đánh bạc triệu đô’

Việt Nam bắt tướng công an vì ‘tổ chức đánh bạc’

Tướng Vĩnh bị ‘xác minh trách nhiệm’

Các nghi can được cho là đã hợp thức hóa các khoản tiền này bằng cách đầu tư vào các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, và chuyển tiền ra nước ngoài.

Bộ Công an cho biết rằng ông Nam đã “gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore”.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 20/3, đại diện ngân hàng tư nhân này, ông Adriel Loh, người đứng đầu Bộ phận chuyên trách về Tuân thủ luật lệ Toàn cầu, không phủ nhận hay bác bỏ thông tin của Bộ Công an Việt Nam.

Nếu cần, chúng tôi sẽ thông báo với cơ quan chức năng liên quan và làm việc chặt chẽ với họ về các hành động thích hợp.

Ông Adriel Loh nói.

Ông Loh chỉ cho biết rằng Ngân hàng Singapore “luôn theo dõi các tài khoản của khách hàng để xem có các giao dịch đáng ngờ hay không”.

Ông nói thêm rằng ngân hàng này “luôn cảnh giác” và nếu phát hiện thấy điều gì bất thường thì “sẽ thông báo với cơ quan chức năng liên quan và làm việc chặt chẽ với họ về các hành động thích hợp”.

Trên trang web của mình, Bank of Singapore, hiện chưa có chi nhánh ở Việt Nam, nói rằng “các khách hàng của chúng tôi được bảo đảm về độ ổn định và an toàn không ai sánh được”.

Theo Bộ Công an Việt Nam, tới nay, cơ quan điều tra “đã khởi tố 83 bị can, tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 2 bị can, và hiện truy nã 8 bị can đang bỏ trốn”.

Vụ việc gây chấn động dư luận Việt Nam vì dính líu tới cả các cựu quan chức trong Bộ Công an.

Ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao, hôm 11/3 bị “khởi tố và bắt tạm giam” vì tội “Tổ chức đánh bạc”.

Ít ngày sau đó, cơ quan điều tra cũng “đã làm việc” với trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để “làm rõ thông tin trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng”.

Hồi đầu năm nay, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Vĩnh và ông Hóa bị bắt nhưng chính quyền Việt Nam nhanh chóng bác bỏ thông tin này.

https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-singapore-len-tieng-trong-vu-danh-bac-trieu-do/4308532.html

 

Việt Nam xích lại gần Úc để kiềm hãm Trung Quốc

Ralph Jennings

Việt Nam đang xích lại gần nước Úc giữa lúc Hà nội mưu tìm sự hỗ trợ rộng rãi hơn của quốc tế trong một nỗ lực nhằm kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Canberra và Hà nội hôm 15 tháng 3 ký hiệp định hợp tác chiến lược nhằm tăng cường đối thoại cấp cao, đánh dấu việc nâng cấp các quan hệ đối tác khác đã có hiệu lực từ năm 2009, theo Bộ Ngoại giao Úc. Quan hệ đối tác này bao gồm các cam kết sẽ giải quyết các “mối đe dọa về an ninh” và cùng hợp tác để “hoạch định chính sách hàng hải”.

Úc và Việt Nam ký kết hiệp định trong bối cảnh Hà nội đang mưu tìm sự giúp đỡ rộng rãi hơn để kiểm soát một nước Trung Quốc hùng mạnh hơn trên Biển Đông. Về phần minh, Úc cũng đang tìm kiếm những hướng tiếp cận hầu có thể xâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á, khu vực nơi nước Úc có những lợi ích an ninh và kinh doanh.

Luật sư Frederick Burke thuộc công ty luật Baker McKenzie ở tp. HCM nói:”Trong chừng mực hai nước đặc biệt quan tâm tới tự do hàng hải và vụ tranh chấp Biển Đông, cả hai nước chia sẻ chung những lợi ích của việc duy trì các tuyến hàng hải khu vực rộng mở cho giao thương quốc tế.”

Lợi ích biển hội tụ

Trung Quốc và Việt Nam tranh giành chủ quyền của một số khu vực trong vùng biển giàu tài nguyên trải dài hơn 3,5 triệu km vuông từ Hồng Kông cho đến Borneo. Đài Loan và ba quốc gia Đông Nam Á khác cũng tuyên bố chủ quyền một phần vùng biển này.

Các nhà phân tích nói Việt Nam đang xây dựng quan hệ hữu nghị với nhiều nước để bảo vệ tàu đánh cá, thăm dò năng lượng ở ngoài khơi và đòi chủ quyền.

Theo ông Termak Chalermpalanupap, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore (ISEAS), Việt Nam đang tìm kiếm các nước bạn và sự hỗ trợ ở khắp mọi nơi. “Việt Nam đã đa dạng hóa.”

Australia, đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, cũng đang đối mặt với một số vấn đề riêng với Trung Quốc. Úc có chân trong một liên minh 4 quốc gia quy tụ các nước liên kết với phương Tây gồm: Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Các nguyên thủ quốc gia của Bộ Tứ này đã gặp nhau tại Manila hồi tháng 11 năm 2017 để thảo luận cách duy trì vùng biển mở cho tàu bè quốc tế qua lại tự do. Úc và Nhật Bản lúc đó kêu gọi thiết lập một “trật tự dựa trên luật pháp” và yêu cầu tất cả các bên “tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Năm ngoái, Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2014, Nhật Bản đồng ý cung cấp 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam. Năm nay trong tháng này Hoa Kỳ phái tàu sân bay USS Vinson cùng nhóm tàu hộ tống tới Đà Nẵng, lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam sau chiến tranh.

Tranh chấp Biển Đông

Nhiều binh sĩ hải quân Việt Nam đã thiệt mạng trong trận hải chiến năm 1974 giữa Việt Nam Cộng Hoà với Trung Quốc, và trận đụng độ giữa hải quân Việt Nam với Trung Quốc năm 1988. Năm 2014, tàu Trung Quốc và Việt Nam đâm vào nhau sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Úc không phải là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Giáo sư Stuart Orr, giảng dạy môn nghiên cứu chiến lược tại Đại học Deakin, nói Australia có thể giúp liên minh bốn bên giám sát Biển Đông.

Ông nói quan hệ đối tác với Việt Nam “giúp nước Úc hiện diện gần khu vực hơn và Việt Nam cung cấp môt nguồn thông tin phụ trội về các vấn đề khu vực.”

“Tôi không nghĩ Úc sẽ điều tàu sân bay vào Biển Đông như Mỹ đã làm mới đây.”

Chuyên gia khu vực

Tuy nhiên cả Úc và Việt Nam đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của mình, thực trạng này có nghĩa là hai nước sẽ tìm mọi cách để tránh đối đầu với Trung Quốc trên biển. Chuyên gia khu vực Burke nói: “Tôi không nghĩ Úc sẽ điều tàu sân bay vào Biển Đông như Mỹ đã làm mới đây.”

Yếu tố Mỹ: Vai trò không chắc chắn của Mỹ

Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến Australia vì không chắc Hoa Kỳ sẽ làm gì trong vụ tranh chấp Biển Đông, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tp.Hồ Chí Minh nói. Các học giả trong khu vực lưu ý rằng cho tới giờ, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa minh định một chính sách kinh tế và chính trị cho châu Á,

Ông Nguyễn Thành Trung nói: “Với chính sách ngoại giao đa phương, Việt Nam có thể xây dựng một lực đối trọng chống Trung Quốc trong trường hợp Mỹ không duy trì một sự hiện diện trong khu vực”. Ông nói mặc dù Úc là một cường quốc hạng trung, nhưng trong một số tình huống, nước này có thể bù đắp cho sự vắng mặt của Hoa Kỳ về một số khía cạnh trong bối cảnh Hoa Kỳ trở lại với chính sách “Nước Mỹ trên Hết.”

Lợi ích kinh doanh của Úc

Các nhà phân tích cho rằng Úc đã ký kết quan hệ đối tác với Việt Nam để mưu tìm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Canberra cho rằng nhóm 10 nước ASEAN, kể cả Việt Nam, là chìa khoá cho an ninh khu vực, và cũng là một thị trường quan trọng cho các công ty Úc.

Ước lượng Khối ASEAN có dân số tổng cộng lên tới 630 triệu người, bao gồm các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Việt Nam có thể tạo điều kiện để Australia nối kết với ASEAN.

Kim ngạch thương mại Úc- Việt Nam trong năm 2016 và 2017 đạt 9 tỉ USD, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của Úc.

Ngày 17 và 18 tháng 3 vừa rồi, Australia tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên với ASEAN nhắm ứng phó với “những thách thức an ninh chung” và thăng tiến các cơ hội kinh doanh của Úc.

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-xich-lai-gan-uc-de-kiem-ham-trung-quoc/4308480.html