Tin Biển Đông – 21/03/2018
Vì sao tàu sân bay Mỹ
tập trận ở Biển Đông sau khi rời VN?
Một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ cho VOA Việt Ngữ biết rằng việc tàu sân bay USS Carl Vinson tập trận với hải quân Nhật ở Biển Đông ít lâu sau khi rời Việt Nam để “thể hiện cam kết với các đồng minh và đối tác”.
Thiếu tá Tim Hawkins, quân nhân phụ trách truyền thông trên tàu USS Carl Vinson, cho biết rằng hàng không mẫu hạm này tiến hành các cuộc diễn tập chung với các tàu của hải quân Nhật hôm 11/3 khi lực lượng của đôi bên cùng quá cảnh ở Biển Đông.
“Cuộc diễn tập cho thấy cam kết hợp tác của chúng tôi với các đồng minh và đối tác ở khu vực. Một trong các khu trục hạm của chúng tôi, USS Michael Murphy, tiến hành một cuộc diễn tập tránh nhau với tàu chiến FNS Vendémiaire của Pháp hồi tháng Một và tháng Hai. Carl Vinson từng phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật năm ngoái, và năm nay chúng tôi lại thực hiện như vậy”, sĩ quan hải quân Mỹ nói.
Tâm sự quân nhân Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Ai ‘mua sạch’ bật lửa Zippo khi tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam?
Ông McCain nhắc tới TQ trong tuyên bố về USS Carl Vinson
Khi được hỏi liệu hoạt động này có nhắm vào Trung Quốc hay không, ông Hawkins nói “không”, đồng thời tuyên bố rằng “việc phối hợp với các đối tác hàng hải ở các vùng biển rộng mở là cách chúng tôi duy trì an ninh, thịnh vượng và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua”.
Việc phối hợp với các đối tác hàng hải ở các vùng biển rộng mở là cách chúng tôi duy trì an ninh, thịnh vượng và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua.
Thiếu tá Tim Hawkins nói.
“Thành phố nổi của Mỹ” với hàng nghìn quân nhân và thủy thủ thực hiện chuyến thăm lịch sử tới cảng Đà Nẵng từ ngày 5 tới 9/3.
Tất cả báo chí nước ngoài cùng các chuyên ra đều cho rằng chuyến cập cảng đầu tiên ở Việt Nam của tàu sân bay Mỹ kể từ những năm 70 phát thông điệp cho Trung Quốc giữa bối cảnh Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.
VOA Việt Ngữ hỏi Thiếu tá Tim Hawkins về tần suất chủ đề Biển Đông xuất hiện trong các cuộc trao đổi với các quan chức Việt Nam, và ông trả lời: “Các cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo trong các cuộc gặp chính thức tập trung chủ yếu vào chuyến thăm, vốn là cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước”.
Theo hãng tin Reuters, nhiều tháng trước khi USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, các nhà ngoại giao Việt Nam đã tìm cách giảm bớt quan ngại của nước láng giềng Trung Quốc về chuyến thăm này, cũng như về triển vọng quan hệ hợp tác an ninh sâu rộng hơn với Washington.
Hôm 7/3, tờ Hoàn cầu Thời báo, ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn nhiều lần chỉ trích quan hệ Việt – Mỹ, viết rằng “việc Trung Quốc cảnh giác và không vui là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng chuyến thăm Việt Nam của USS Carl Vinson có thể khuấy động bất ổn ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]” cũng như “sẽ không tạo ra bất kỳ công cụ đặc biệt nào để gây áp lực với Trung Quốc”.
Liên quan tới các nhận định cho rằng Việt Nam “đu dây” trong mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington, Tiến sĩ Phan Kim Nga, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với VOA tiếng Việt rằng “Việt Nam là nước nhỏ, khó có thể chủ động trong quan hệ” và “thường là con cờ của các nước lớn” nên “khi xử lý quan hệ với các nước lớn, Việt Nam phải làm rất khéo léo”.
Máy bay Philippines bị cảnh cáo
khi bay ngang các đảo Trung Cộng tuyên bố chủ quyền
Manila, Philippines. (Reuters) – Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm Thứ Ba 20/03 cho biết, các máy bay của nước này liên tục bị Trung Cộng cảnh cáo, mỗi khi bay gần các đảo bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Theo lời ông Lorenzana, nhân viên Trung Cộng sẽ luôn nói rằng máy bay Philippines đang đi vào không phận của họ, và phía Philippines trả lời lại rằng họ đang đi qua không phận quốc gia. Ông Lorenzana cho biết, những lời trao đổi này luôn xảy ra mỗi khi máy bay Philippines thực hiện tuần tra trên biển. Trung Cộng đã biến một số rặng san hô tại quần đảo Trường Sa, vốn được Philippines tuyên bố chủ quyền, thành các đảo nhân tạo có đặt cơ sở quân sự. Ba trong 7 đảo nhân tạo này có phi đạo dài 3 cây số, có thể được sử dụng làm nơi cất cánh hoặc hạ cánh cho máy bay quân sự của Trung Cộng trong tương lai. Các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự này đã khiến nhiều quốc gia lo ngại.
Bộ Trưởng Lorenzana nói, Philippines luôn thực hiện các chuyến tuần tra, cả trên không và trên biển, tại lãnh hải của họ ở biển Đông và vùng bình nguyên ngầm Phillippine Rise, trước đây gọi là Benham Rise. Philippines mới đây đã nhận 6 máy bay không người lái, trị giá 13.76 triệu Mỹ kim, từ một chương trình tài trợ của Hoa Kỳ. Ông Lorenzana nói, các máy bay không người lái có thể sẽ được dùng cho việc tuần tra biển Đông, Philippines Rise, và cả vùng biển Sulu ở phía nam.
Trung Cộng tuyên bố sở hữu phần lớn khu vực biển Đông, tranh chấp chủ quyền với các nước Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam. (Ngô Bảo)
Biển Đông :
Philippines bàn các dự án phát triển chung với Trung Quốc
Ngoại trưởng Philippines hôm nay, 21/03/2018, bắt đầu công du Trung Quốc trong bốn ngày. Mục tiêu chính là đàm phán về các dự án phát triển chung ở Biển Đông. Trong chính giới Philippines, nhiều người lo ngại chính phủ Duterte nhân nhượng với Bắc Kinh trong các đàm phán bí mật.
Theo AP, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) chiều hôm nay, 21/03/2018, và dự kiến gặp tân phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của lãnh đạo Tập Cận Bình trong, ngày thứ Sáu, 23/03. Trước chuyến đi, trả lời báo giới, lãnh đạo ngoại giao Philippines cho biết các tranh chấp chủ quyền sẽ là vấn đề được thảo luận, và hai bên sẽ cố gắng tìm kiếm các khuôn khổ pháp lý cho phép « phối hợp khai thác, thậm chí trong khi vẫn bất đồng » về chủ quyền.
Ngoài Biển Đông, ngoại trưởng Philippines cũng sẽ thảo luận với Bắc Kinh về xuất khẩu nông sản, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tình hình chống Hồi Giáo cực đoan ở miền nam đảo quốc. Đây là chuyến công du Trung Quốc thứ hai của ông Cayetano kể từ khi nhậm chức.
Dự án của chính quyền của tổng thống Duterte là phối hợp với Trung Quốc khai thác dầu khí chung tại một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines), gây rất nhiều lo ngại trong chính giới nước này.
Đầu tháng này, quyền chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines, ông Antonio Carpio, cảnh báo thỏa hiệp hiện nay của Manila với Trung Quốc – theo phương thức đồng sở hữu (co-ownership) – có thể dẫn đến việc Philippines mất « một nửa khu vực đặc quyền kinh tế » vào tay Bắc Kinh.
Philippines tuần tra tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh kiểm soát
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng thông báo phi cơ Philippines thường xuyên tuần tra tại nhiều khu vực do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông.
Theo bộ trưởng Delfin Lorenzana, mỗi lần máy bay Philippines đi vào những khu vực này, họ đều nhận được cảnh báo « đã đi vào không phận Trung Quốc ». Ông Delfin Lorenzana khẳng định không quân Philippines tiếp tục thi hành phận sự, bất chấp các cảnh báo. Cũng nhân dịp này, lãnh đạo quốc phòng Philippines thông báo quân đội nước này bắt đầu sử dụng các máy bay Cessna và phi cơ không người lái ScanEagle, do Hoa Kỳ viện trợ mới đây, trong hoạt động tuần tra trên biển.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180321-bien-dong-ngoai-truong-philippines-di-bac-kinh-dam-phan-ve-dau-khi
Hacker Trung Quốc tấn công ‘chiến lược’
vào tranh chấp Biển Đông
Chiến thuật của nhóm tin tặc Trung Quốc nhắm vào thông tin liên quan đến tranh chấp Biển Đông “có tính chiến lược hơn” so với trước, một chuyên gia của FireEye nói với VOA sau khi công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ công bố báo cáo về các cuộc tấn công của nhóm TEMP.Periscope vào các nhà thầu và tổ chức của Mỹ gần đây.
Theo báo cáo này, nhóm tin tặc Trung Quốc có tên TEMP.Periscope lại xuất hiện hồi gần đây sau một thời gian dài vắng bóng. Chuyên gia Fred Plan, một nhà phân tích cấp cao của FireEye ở Los Angeles, nói với VOA-Việt ngữ:
“Nhóm [hacker] bị phát hiện, TEMP.Periscope, đã im tiếng khá lâu và bây giờ mới xuất hiện trở lại. Sau thỏa thuận giữa Tổng thống Barack Obama mà Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm 2016, nhiều nhóm hacker Trung Quốc không còn xuất hiện. Nhóm TEMP.Periscope tái xuất vào mùa hè năm ngoái. Và kể từ đó, chúng hoạt động rất tích cực. Nhóm này chuyên tấn công vào các hoạt động hàng hải. Chúng tấn công vào các tổ chức, các công ty kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu… có liên quan đến hàng hải, và đặc biệt đến tranh chấp Biển Đông”.
Theo chuyên gia Fred Plan, những công ty, tổ chức Mỹ bị tấn công trong đợt này đều có liên hệ trực tiếp đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc công nghệ đang được phát triển để ứng dụng trong quốc phòng hoặc với các chính phủ trong khu vực.
“Chúng tôi đã từng phát hiện nhiều nhóm tin tặc Trung Quốc tấn công vào các quốc gia xung quanh Biển Đông, nhưng điều khác biệt của nhóm TEMP.Periscope là chúng có vẻ như chỉ tập trung vào thông tin về kỹ thuật. Chúng tôi cho rằng loại thông tin này có tính chiến lược hơn so với các hoạt động khác trước đây”, ông Fred Plan cho biết thêm.
Dữ liệu mà nhóm TEMP.Periscope nhắm tới chủ yếu là các thông tin kỹ thuật, như dữ liệu về radar và công nghệ năng lượng mặt trời do các công ty Mỹ phát triển.
Theo chuyên gia của FireEye, các thông tin kỹ thuật này sẽ rất hữu ích trong việc định hình hay đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến tranh chấp Biển Đông và những hoạt động trong khu vực. Chẳng hạn, thông tin kỹ thuật từ các công ty, các Viện nghiên cứu về khu vực có thể giúp tìm ra những khu vực nào chịu ảnh hưởng của hệ thống radar hàng hải, hoặc nguyên tắc phát hiện các hoạt động ở Biển Đông của một hệ thống mới đang được phát triển v.v…
Theo ông Fred Plan, mặc dù FireEye chưa tìm ra chứng cứ cụ thể về mối liên hệ giữa nhóm tin tặc này với chính quyền Trung Quốc như trong những đợt trước, nhưng những thông tin về kỹ thuật mà nhóm hacker nhắm tới “rất có lợi” cho chính quyền ở Bắc Kinh khi cung cấp một cái nhìn “từ bên trong rất giá trị”.
Công ty chuyên cung cấp dịch vụ thông tin về an ninh, tình báo từng nhiều lần phát hiện các đợt tấn công của tin tặc Trung Quốc nhắm vào các nước xung quanh khu vực Biển Đông.
Các báo cáo trước đây của FireEye cho thấy các cuộc tấn công tập trung vào những thời điểm có biến động hay căng thẳng chính trị ở Biển Đông. Chẳng hạn, chỉ một ngày trước khi Tòa án Trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, tin tặc Trung Quốc đã tấn công vào hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan khi tàu này đang di chuyển trong khu vực vào ngày 11/7/2016.
Tuy nhiên theo ông Fred Plan, loạt tấn công lần này lại theo hướng ngược lại, “tranh thủ” vào thời điểm thế giới ít chú ý đến vấn đề Biển Đông. Ông nói:
“Tiến triển của hoạt động gián điệp Trung Quốc ở Biển Đông đã không được chú ý mấy trên truyền thông, mà lẽ ra cần phải được chú ý. Có lẽ do có quá nhiều vấn đề xảy ra trên thế giới, nên tranh chấp Biển Đông đã bị gạt ra khỏi tâm điểm chú ý của thế giới. Điều này khiến cho Trung Quốc dễ dàng tiến hành các hoạt động như vừa kể mà không bị soi mói hoặc bị thế giới gâp áp lực”.
Ngoài các mục tiêu chính bị tấn công là các nhà thầu, tổ chức của Mỹ, tin tặc Trung Quốc còn nhắm tới một số tổ chức ở châu Âu và Hồng Kông.
Mặc dù hiệp định về an ninh mạng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2015 khẳng định Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không tiến hành hay hỗ trợ các hoạt động đánh cắp thông tin trên mạng, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn tồn tại lỗ hổng đối với các mục tiêu gián điệp bình thường, như các doanh nghiệp có liên quan tới an ninh quốc gia, hoặc các mối quan hệ của chính phủ.
Trả lời tại cuộc họp báo ngay sau khi FireEye công bố báo cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng chỉ nói nước ông phản đối tất cả các vụ tấn công trên mạng và “sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận quan trọng về an ninh mạng đã đạt được vào năm 2015”.