Tin Việt Nam – 20/03/2018
Liên Hiệp Quốc: Chính phủ Việt Nam và Samsung
đe dọa những nhà hoạt động và công nhân
Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc hôm 20/3 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về điều kiện làm việc của công nhân nữ ở các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, và việc các nhà hoạt động về quyền của người lao động bị xách nhiễu vì điều tra tình trạng làm việc ở Samsung.
Hồi tháng 11 năm ngoái, một tổ chức phi chính phủ về môi trường và sức khỏe (IPEN) kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) công bố báo cáo cho biết các nữ công nhân Việt Nam làm việc cho những nhà máy của Samsung tại Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe vì điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Samsung Điện Tử Việt Nam sau đó đã đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc được đưa ra trong báo cáo.
Tuy nhiên, theo thông báo mới của UN, giới chức Việt Nam đang tiến hành điều tra về báo cáo này.
Các chuyên gia của UN cho biết họ rất quan ngại khi biết rằng một số những người tham gia nghiên cứu cho báo cáo đã bị giới chức chính quyền triệu tập. Cụ thể là bà Phạm Thị Minh Hằng, người đứng đầu báo cáo, đã bị yêu cầu phải đến gặp giới chức chính quyền vào hôm 19/3 sau khi trở về từ một cuộc họp về các biện pháp bảo vệ tránh hóa chất độc tại Stockholm, Thụy Điển.
Các chuyên gia của UN yêu cầu Samsung phải làm rõ những cáo buộc cho biết các công nhân của công ty này bị đe dọa sẽ bị kiện nếu nói chuyện với người ngoài về tình trạng làm việc của họ, sau khi báo cáo hồi năm ngoái được công bố.
Tuyên bố của UN cũng khẳng định việc đe dọa những nhà hoạt động về quyền của người lao động và của công nhân không chỉ vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến mà còn đóng góp vào việc giúp cho những người vi phạm quyền của người lao động không bị trừng phạt. Những vi phạm như vậy làm ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của chính phủ và các công ty liên quan đến các vấn đề nhân quyền theo Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền.
Mỹ tạm dừng cấp thị thực SR, I5 và R5 tại Việt Nam
Hoa Kỳ sẽ tạm dừng việc cấp thị thực (visa) định cư theo diện đầu tư ER5 (bao gồm I5 và R5) và làm việc cho tôn giáo SR đối với công dân Việt Nam từ ngày 23 tháng 3 năm 2018.
Thông tin này được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thông báo và được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 20 tháng 3.
Theo đó, những người đã có lịch phỏng vấn I5, R5 hoặc SR không được dời ngày phỏng vấn sau ngày 23 tháng 3.
Theo thông báo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc tạm dừng chương trình cấp thị thực này là không thời hạn và chỉ được hoạt động lại khi Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ý duyệt tiếp chương trình.
Visa định cư theo diện đầu tư ER5 được nhiều người Việt tham gia trong những năm qua. Theo đó, chỉ cần đầu tư và tạo công ăn việc làm với 500.000 hoặc 1 triệu đô la Mỹ tùy theo vùng kinh tế sẽ được cấp thị thực I5 hoặc R5.
Số liệu thống kê cho thấy trong năm tài khóa 2017, số lượng thị thực EB5 cấp cho Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Sở Di trú Hoa Kỳ cũng cho biết tính đến ngày 5 tháng 3 năm 2018, có tổng cộng 919 người được duyệt visa EB5 trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.
Thêm người trẻ ra tòa vì quan điểm đối lập
Diễm Thi, RFA
Tòa án Việt Nam gần đây tuyên những bản án tù nặng nề cho những tiếng nói đối lập. Theo lịch thì vào ngày 28 tháng 3, thanh niên Nguyễn Viết Dũng, người được biết đến với một số hoạt động liên quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây sẽ ra tòa. Vì sao nhiều người trẻ tại Việt Nam hiện nay không sợ tù tội khi bày tỏ chính kiến khác biệt của họ như anh Nguyễn Viết Dũng?
Tin cho biết anh Nguyễn Viết Dũng từng đoạt giải nhất một kỳ thi tháng của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2004. Trong kỳ thi đại học cùng năm, Dũng đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, người thanh niên này sẽ ra tòa vào ngày 28 tháng 3 sắp tới đây với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ mà Công An tỉnh Nghệ An đưa ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2017 trong thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng.
Ngay sau khi Dũng bị bắt, Hội sinh viên Nhân quyền Việt Nam ra thông báo trong đó có đoạn viết: “Khoảng 10 tay an ninh đã lôi Dũng lên xe và đưa đi đâu không rõ. Họ không đọc lệnh bắt hay có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc bắt. Lúc bắt Dũng, họ không có bất cứ ai mặc sắc phục hay giấy tờ gì chứng minh họ là công an. Họ còn đánh đập xô xát với mấy em đi cùng.”
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Viết Dũng bị bắt và đưa ra tòa. Trước đây anh từng bị bắt khi tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015. Khi đó Nguyễn Viết Dũng mặc chiếc áo thun đen có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và dòng chữ tiếng Anh có nghĩa ‘dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân’. Lần đó anh bị án tù 12 tháng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong hai luật sư nhận bào chữa vụ này cho chúng tôi biết ông mới gửi thủ tục bào chữa vào Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, ông sẽ sắp xếp vào sao chụp hồ sơ vụ án làm cơ sở bào chữa cho thân chủ của mình.
Trả lời câu hỏi vì sao ông lại nhận bào chữa cho một vụ án chính trị như vậy, ông trả lời:
“Luật sư ở Việt Nam không thiếu, nhưng những người có đủ trí tuệ, dũng khí và bản lĩnh để bảo vệ những người bất đồng chính kiến thì không nhiều, chỉ trên dưới 10 người, và họ thường bị cô lập trong các hoạt động hàng ngày, cho nên tôi muốn tham gia để thắp lên ngọn lửa dũng khí cho chính những đồng nghiệp của mình, và hơn hết là góp phần bảo vệ cho những người có tư tưởng tiến bộ nhưng theo tư tưởng, theo chế độ hiện tại thì họ bị xem là không phù hợp nên họ bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh trên chính quê hương của mình.”
Theo ông, các bản án đối với những người bất đồng chính kiến chủ yếu xét xử dựa vào thái độ nhiều hơn là phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Ông nhận định Nguyễn Viết Dũng không phạm tội. Ông nói thêm:
“Thực tế các phiên xử những người bất đồng chính kiến mà tôi tham gia khoảng trên một chục vụ thì thái độ của người bị xét xử trước phiên tòa quan trọng hơn nội dung những lời biện hộ của luật sư trước tòa. Trường hợp của Nguyễn Viết Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Theo nhận định của tôi thì thái độ của Dũng trước phiên tòa sẽ quyết định nhiều đến mức án của Dũng hơn là những gì mà tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành bào chữa cho Dũng.”
Nhận thức, đấu tranh…
Một nhà hoạt động tại Việt Nam hiện nay, anh Dương Đại Triều Lâm. Lý giải lý do vì sao Nguyễn Viết Dũng lại chọn con đường công khai chính kiến để rồi lâm cảnh tù tội:
“Nhờ sự tác động của internet, sự mở mang tiếp cận mọi ngóc ngách của cuộc sống nên Dũng tìm thấy nền giáo dục cũ Việt Nam Cộng Hòa có những giá trị về nhân văn, về tự do dân chủ rất tốt đẹp, trái ngược hẳn với những gì Dũng được nhồi sọ trên ghế nhà trường. Từ đó Dũng bắt tay vào hành động để mang lại những giá trị tốt đẹp của nền Việt Nam Công Hòa cũ trở lại với người dân Việt Nam hiện tại. Đó là những điều Dũng làm.”
Trả lời câu hỏi liệu khi tham gia những hoạt động như vậy thì các bạn trẻ có lo sợ rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ bị bắt, cũng sẽ bị tù tội hay không, anh Dương Đại Triều Lâm thừa nhận:
“Bản thân mình cũng lo ngại khi tham gia các sự kiện về chính trị hay ủng hộ các tù nhân lương tâm, mình cũng bị đánh đập, bị bắt, bị nhốt. Không thể nói là không lo sợ, nhưng mình phải làm sao để đồng hành với nỗi lo sợ đó. Khi mình đồng hành được thì mình mới hoạt động được. Còn việc bị bắt thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những người hoạt động trong nước. Quan trọng là mình hoạt động như thế nào để mang lại giá trị cao nhất mà mình muốn đóng góp cho xã hội này.”
… tù tội
Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại về những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên cho những người bất đồng chính kiến, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng đây là một chủ trương trong thế cùng bởi chính quyền đang muốn dập tắt phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ bằng những bản án nặng nề. Nhưng theo ông thì đây là suy nghĩ sai lầm, bởi những người thực sự tâm huyết với đất nước thì dù có tử hình người ta cũng đấu tranh chứ không chỉ án tù mười mấy năm.
Xin được nhắc lại, trong thời gian qua, chính phủ Hà Nội tuyên những bản án nặng nề cho các bạn trẻ tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước, như Trần Hoàng Phúc, thành viên trẻ của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á- YSEAL; sinh viên Phan Kim Khánh, nhà hoạt động sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam. Tất cả đều với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nhận định về việc này, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng:
“Năm ngoái đến năm nay thì mọi người quan sát đều thấy rằng thay vì khép vào tội 258 thì bây giờ họ khép vào tội 88 hay 79. Chỉ là bày tỏ bất đồng chính kiến thôi nhưng lùa vào những tội có khung án rất nặng. Cho nên không chỉ dành cho người trẻ mà dành cho bất kỳ ai.”
Công an điều tra vụ lãnh đạo Thanh Hóa có “bồ nhí”
UBND Thanh Hóa yêu cầu công an điều tra vụ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa – ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí Thư thường trực tỉnh – có “bồ nhí” được lan truyền trên mạng xã hội từ chiều 19/3/2018.
Đến tối cùng ngày, một lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa trao đổi với báo Thanh Niên rằng ông đã được báo cáo vụ việc và có nhiều khả năng đây là thông tin ngụy tạo nhằm bôi nhọ lãnh đạo. Ông cho biết lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa phải nhanh chóng điều tra, làm rõ các thông tin nêu trên.
Cô Nguyễn Thị Trang, cô gái được cho là “bồ nhí” của ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cũng đang làm đơn đề nghị cơ quan công an điều tra vụ việc. Cô nói với phóng viên báo Thanh Niên rằng cô chưa từng gặp ông Hưng, cô chỉ biết ông qua thông tin đại chúng.
Các thông tin trên mạng xã hội facebook hôm 19/3 cho thấy nhiều hình ảnh của cô Trang cùng những dòng tin nhắn trên điện thoại được cho là gửi cho ông Hưng với những lời lẽ thân mật. Ngoài ra tin nhắn cũng có những thông tin liên quan đến nhân sự nội bộ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Hồi tháng 9/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin -Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí bác bỏ thông tin “vu khống, bịa đặt, bôi nhọ” lãnh đạo tỉnh này.
Công văn do ông Đỗ Trọng Hưng ký ngày 19/9 nêu rõ: “Thời gian gần đây, một số trang blog cá nhân, mạng xã hội đã đăng những tin, bài phản ánh không đúng về tình hình tỉnh Thanh Hóa”.
Vụ việc có liên quan đến những thông tin lan truyền trên mạng về Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có “bồ nhí” là một Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa. Lãnh đạo Thanh Hóa đã bác bỏ tin ông Chiến có “bồ nhí”.
Thanh Hóa ‘bác bỏ tin nhảm nhí’ về phó bí thư
Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ truy tìm đối tượng “tung tin nhảm nhí” về phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa trên mạng xã hội, theo báo Việt Nam hôm 20/3.
Bắt tướng Nguyễn Thanh Hóa vì vụ ‘đánh bạc’
Thanh Hóa: Bí thư phường nói về ảnh đi bè
Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh
Trên Facebook đang loan đi các hình ảnh với cáo buộc đây là tin nhắn điện thoại giữa một người được cho là phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng và một cô gái.
Các hình ảnh này do một tài khoản được lên, sau đó không còn nữa nhưng đã nhanh chóng được chia sẻ qua Facebook, gây bàn tán.
‘Bịa đặt’
Nhưng theo báo Tuổi Trẻ ngày 20/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định thông tin “hot girl” nhắn tin với phó bí thư tỉnh Thanh Hóa với nội dung liên quan tới công tác nhân sự chỉ là bịa đặt.
Tuổi Trẻ Online trích một lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định:
“Những thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ tối 19-3 đến nay được cho là có liên quan đến phó bí thư thường trực tỉnh ủy là hoàn toàn nhảm nhí, bịa đặt nhằm nói xấu lãnh đạo tỉnh. Những thông tin trên mạng xã hội đó đều là cắt ghép hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội đều rất lộ liễu, thô và không phải sự thật.”
“Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc và truy tìm đối tượng tung tin nhảm nhí, vu khống lãnh đạo lên mạng xã hội để xử lý nghiêm theo pháp luật,” vị này nói thêm.
Còn báo Thanh Niên đưa tin cô gái bị đưa hình lên mạng đã công khai tên mình là Nguyễn Thị Trang, 26 tuổi.
‘Choáng váng’
Báo Thanh Niên nói họ đã phỏng vấn được cô Nguyễn Thị Trang ngày 20/3, người nói rằng cô “choáng váng” trước tin “dựng chuyện, vu khống”.
“Họ đã lấy ảnh của tôi trên trang Facebook cá nhân, sau đó lồng ghép với nội dung tin nhắn mà họ tự tạo ra để vu khống tôi. Không thể tin được họ lại có thể ác độc đến thế.”
Cô Trang nhấn mạnh cô chưa từng gặp ông Hưng.
“Hiện tôi đang làm đơn gửi đến các quan chức năng và cơ quan công an đề nghị vào cuộc điều tra, truy tìm kẻ xấu tung tin thất thiệt để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tôi,” cô Trang được báo Thanh Niên dẫn lời.
‘Nổi tiếng tỉnh Thanh’
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Thanh Hóa phải lên tiếng phản bác lại những tin lưu truyền trên mạng xã hội.
Cuối năm 2017, Ban Bí thư Đảng Cộng sản kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Khi còn là Giám đốc Sở Xây dựng, ông Tuấn bị kết luận đã “ưu ái, nâng đỡ” bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn, rồi bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng và đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở.
Theo VietnamNet tháng 4/2017, dù còn rất trẻ, bà Trần Vũ Quỳnh Anh “không chỉ sở hữu nhiều ngôi nhà trị giá hàng chục tỷ đồng” tính đến năm 2015, mà còn làm chủ một chiếc Cadillac Escalade ESV Platinum, có trị giá 6 tỷ VND.
Trước đó, vào tháng 9/2016, báo chí Việt Nam rộ lên việc Bí thứ Tỉnh Trị́nh Văn Chiến yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra và “kịp thời ngăn chặn việc đưa các thông tin không chính xác nêu trên; bảo vệ uy tín, hình ảnh của các lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói chung và Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nói riêng”.
Theo Tỉnh uỷ Thanh Hóa, các tin “bịa đặt” này, mà dư luận tin rằng có liên quan đến bà Quỳnh Anh, đã tạo ảnh hưởng xấu đến “tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư, hình ảnh, vị thế của tỉnh Thanh Hoá và uy tín, hình ảnh của các lãnh đạo” của tỉnh.
Ông Ngô Văn Tuấn sau đó bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng cảnh cáo ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa còn thu hút dư luận vì điều mà một số ý kiến trên mạng xã hội Việt Nam cho là hành vi phản cảm của quan chức tỉnh.
Trong trận lụt lớn tháng 10/2017, câu chuyện bức ảnh hai nữ cán bộ địa phương ở Thanh Hóa đứng trên bè được kéo đi để ‘thăm dân bị mưa lũ’ đã gây ra nhiều phản ứng trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó một trong hai cán bộ, bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư Đảng phường Đông Thọ, đã giải thích với báo chí về chuyện “họ không kịp thay quần áo và chỉ muốn nhanh chóng đi thăm dân”.
Thanh Hóa đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh, thành có số lượng hộ nghèo lớn nhất Việt Nam năm 2016.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43472067
Từ Vinalines đến AVG, quyết tâm ‘sẽ tạo địa chấn’?
Năm 2007, lãnh đạo Vinalines mua khống giá một ‘ụ nổi sắt vụn’ làm thất thoát 366 tỷ và nay, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cũng nêu ra vấn đề về thương vụ Mobifone dùng tiền nhà nước mua AVG.
Nhưng hai vụ việc có gì tương tự?
Trả lời BBC hôm 20/3, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng so sánh vụ Mobifone-AVG với vụ đại án Vinalines mua ụ nổi 83M của Nga hồi 2007.
“Vụ Vinalines và vụ Mobifone AVG đều là rút rửa ngân sách nhà nước.
“Dương Chí Dũng liên quan đến quan chức nhưng ở một cấp trung, nhưng chưa phải đến mức cao cấp như Mobifone-AVG…”
Vào năm 2007, Tổng công ty Hàng Hải Vinalines mua ụ nổi 83M của Nga, vốn có giá gốc là 2,3 triệu đô la, nhưng đã được mua với giá 19 triệu đô la, bao gồm phí kéo về và sửa chữa, theo các cáo trạng nêu ra trong vụ xử sau đó.
Chống tham nhũng ‘vào giai đoạn khó khăn’
Khởi tố hay không vụ Mobifone-AVG?
Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’
Y án tử hình trong vụ xử Vinalines
Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?
Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam kiêm cựu chủ tịch HĐQT Vinalines, Dương Chí Dũng bị cho là có dấu hiệu nâng giá vật tư, quyết toán khống, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 366 tỷ đồng.
Năm 2014, ông Dũng và cựu TGĐ Vinalines, Mai Văn Phúc, bị kết án tử hình vì tội ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái các quy định nhà nước’, còn các đồng phạm khác bị kết án từ 4 đến 22 năm tù giam.
một khi bản thân ông Trọng đã quyết tâm rồi, thì mọi chuyện có thể thay đổi lớn lắm, có thể tạo ra những địa chấn và đảo lộnTS Phạm Chí Dũng
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, bình luận với BBC hôm 20/3 rằng:
“Theo bộ luật hình sự Việt Nam, nếu sai phạm lên đến 500 triệu trở lên thì đã có thể có mức án là 20 năm, chung thân, tử hình rồi.”
“Còn tội này [vụ Mobifone-AVG] lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ thì mức án [tử hình] có nhiều khả năng xảy ra.”
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, thì cho rằng dù hình thức giống nhau, nhưng các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý khác nhau.
“Tôi nghĩ nền tư pháp Việt Nam, người ta muốn nó thế nào thì nó ra thế ấy. Có người có thể vi phạm vài trăm tỷ thì tử hình, có người vi phạm vài ngàn tỷ thì chỉ kiểm điểm thôi.”
‘Quyết tâm có thể tạo ra địa chấn’
Ông Phạm Chí Dũng nhận xét thêm rằng, “Vinalines diễn ra trong bối cảnh khi chưa thực sự có một cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, lúc đó còn có bưng bít bao che quá nhiều,”
“Hiện nay thì tình hình khác hẳn. Ba tháng vừa qua cho thể hiện quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ chống tham nhũng một phe, mà còn chống tham nhũng cả phe ta.”
Vụ mua AVG: ‘Cần xử lý nếu có gian dối’
Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook
Xử lý vụ Mobifone-AVG ‘không thể duy ý chí’
“Điều đó cho thấy, một khi bản thân ông Trọng đã quyết tâm rồi, thì mọi chuyện có thể thay đổi lớn lắm, có thể tạo ra những địa chấn và đảo lộn.”
Ông Dũng cũng cho rằng tiến độ tố tụng hình sự của vụ Mobifone-AGV cũng đang được đẩy nhanh hơn.
“Tôi cho rằng trong 10 ngày cuối tháng Ba, hoặc tuần đầu tiên tháng Tư, Bộ Công An sẽ có thông tin chính thức khởi tố vụ án.
“Ủy ban Kiểm tra Trung Ương sẽ công bố một phần hoặc toàn bộ vụ điều tra Mobifone-AVG, lấy đó để làm cơ sở xử lý cán bộ đặc biệt là xử lý một vài ủy viên trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 7 trong thời gian tới.”
Hôm 19/3, các báo Việt Nam đưa tin Thủ trướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận thanh tra về thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG với giá 8.900 tỷ đồng, theo truyền thông Việt Nam.
Hồ sơ vụ việc đã được chuyển giao cơ quan điều tra để xem xét khởi tố.
Thanh tra chính phủ công bố kết luận điều tra hôm 14/3 cho thấy sự thiếu trách nhiệm của Mobifone và Bộ Thông Tin Truyền Thông, trong thương vụ mua cổ phần của AVG.
TTCP kết luận AVG liên tục thua lỗ, với giá trị vốn sở hữu chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng nhưng được Bộ TT-TT chấp thuận cho Mobifone mua với giá 8.900 tỷ đồng, làm thất thoát ngân sách nhà nước 7.006 tỷ đồng, chưa tính thêm khoản lỗ lũy kế của AVG là 1.982,7 tỷ tính tới thời điểm 31/12/2017.
Kết luận thanh tra chỉ ra một loạt sai phạm của các bộ ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công an.
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, ông Trần Quốc Thuận kết luận:
“Việc tấn công vào nhóm lợi ích, bắt bớ, xử tù, thậm chí tử hình một số người chỉ là bước khởi đầu,”
“Khi tội phạm xảy ra ở tầm cao như thế thì phải làm rõ nét việc mà Bộ Chính Trị gọi là cải cách thể chế thì may ra mới ngăn chặn các sai phạm như thế này được.”
Cũng liên quan đến các vụ việc gần đây, Phó GS, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Hà Nội có viết trên BBC Tiếng Việt:
“Đảng Cộng sản Việt Nam quyết liệt chống tham nhũng để lấy lại niềm tin dân chúng, nhưng quá trình này nay đã dần sang giai đoạn khó khăn.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43467567
Bạo lực sắc tộc tại Việt Nam
trong tình hình giới hạn tự do tôn giáo
Bốn gia đình người sắc tộc Hmong tại Việt Nam bị tấn công vì không chịu từ bỏ niềm tin Thiên Chúa Giáo của họ.
Tổ chức Nhân Dân Và Các Quốc Gia Không Có Được Đại Diện- UNPO vào ngày 19 tháng 3 loan tin vừa nêu dẫn nguồn từ World Watch Monitor. Theo đó vụ tấn công xảy ra vào ngày 1 tháng 3 khiến 4 người phải nhập viện để điều trị các vết thương trên đầu và tay do bị tấn công.
Bốn gia đình người Hmong có tổng cộng 24 thành viên được cho biết vừa cải đạo sang Thiên Chúa Giáo.
Bản tin của UNPO cho biết có những báo cáo nói rõ chính quyền địa phương Việt Nam nơi những tín đồ Thiên Chúa Giáo Hmong cư ngụ thường yêu cầu họ phải bỏ đạo; nếu không sẽ bị buộc phải rời làng quê của họ.
Ước tính có chừng 400 ngàn người trong tổng số 1 triệu người sắc tộc thiểu số Hmong tại Việt Nam là tín đồ Thiên Chúa Giáo, hoặc theo các giáo phái Tin Lành hoặc Công Giáo La Mã.
Tổ chức có tên Open Doors trong Danh Sách Theo Dõi năm 2018 xếp Việt Nam vào hạng 18 những quốc gia nơi mà tín hữu Thiên Chúa Giáo phải đối diện với tình trạng bách hại nhất trên thế giới.
Án tù cho cán bộ Ngân Hàng Navibank
Tòa Án Nhân Dân TP.HCM vào chiều ngày 19 tháng 3 vừa tuyên tổng mức án 120 năm tù cho 10 bị cáo là cán bộ ngân hàng Navibank về cáo buộc “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lỷ kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các mức án được tuyên sau gần ba tuần xét xử và người chịu án cao nhất là bị cáo Lê Quang Trí nguyên Tổng giám đốc Navibank với mức án 13 năm tù.
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Huỳnh Vĩnh Phát, Đoàn Đăng Luật lĩnh mức án 11 – 12 năm tù, bốn bị cáo còn lại nhận mức án từ 7 – 10 năm tù.
Trong quá trình thẩm vấn, các bị cáo thừa nhận hành vi sai trái nhưng không thừa nhận tội danh. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, HDXX nhận định hành vi sai trái đem tiền đi gửi ở Ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao, các bị cáo là thành viên Hội đồng tín dụng Navibank đã cấp 1.543 tỷ đồng cho 14 nhân viên để gửi vào Vietinbank để lấy lãi suất chênh lệch. Nhưng trong lời khai của các nhân viên Navibank đều xác nhận không có nhu cầu vay tiền và cũng không nhận bất cứ tiền lãi suất nào.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã khẳng định không có căn cứ chấp nhận quan điểm bào chữa và tự bào chữa của các luật sư và cho rằng cáo trạng của VKSNDTC truy tố đối với nguyên 10 cán bộ của Ngân hàng Navibank về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoảng 3 điều 165 BLHS 1999 là hoàn toàn có cơ sở.
Tướng Phan Văn Vĩnh vẫn bị
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát thuộc Bộ Công an bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập liên quan đến vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.
Cho đến ngày 20/3, ông Vĩnh vẫn đang làm việc với cơ quan này.
Báo Dân Trí dẫn nguồn tin riêng nói ông Phan Văn Vĩnh bị triệu tập từ ngày 13/3 về vấn đề ‘sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.’
Tuy nhiên, báo này cũng cho biết việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập ông Vĩnh là chuyện bình thường vì muốn làm rõ trách nhiệm quản lý của ông này trong thời điểm còn đang công tác.
Tướng Phan Văn Vĩnh từng là giám đốc Công an tỉnh Nam Định, và sau đó được nói có thành tích trong vai trò làm lãnh đạo ở Tổng Cục Cảnh Sát với việc chỉ đạo phá các chuyên án được cho là lớn như vụ án Lê Văn Luyện, thảm án ở Bình Dương hay bắt bầu Kiên. Tháng 04/2017, ông Phan Văn Vĩnh thôi giữ chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát để nghỉ chế độ.
Liên quan đến vụ án đánh bạc xuyên quốc gia quy mô hàng nghìn tỷ đồng này, trước đó công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với cựu Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (thuộc Bộ Công an) về tội ‘Tổ chức đánh bạc.’
Các bị can Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương được cho rằng là hai đối tượng cầm đầu điều hành đường dây đánh bạc qua mạng Internet có quy mô hàng nghìn tỷ, với hàng nghìn người trong và ngoài nước tham gia.
Ngày 16/3, Cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 83 bị can gồm 41 bị can bị buộc tội tổ chức đánh bạc, 38 bị can tội đánh bạc, 4 bị can tội mua bán hóa đơn trái phép, 2 bị can tội rửa tiền, và 1 bị can tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong đó, một số bị can bị khởi tố 2 tội danh.
Theo tờ Dân Trí, điều tra bước đầu xác định tổng số tiền đánh bạc trong vụ án này là hơn 9.500 tỷ đồng.
Ý kiến của chuyên gia
về giải pháp nước sạch tại Việt Nam
Liên Hiệp Quốc vào ngày 19 tháng Ba, năm 2018 công bố báo cáo về phát triển nước trên thế giới và các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho nước. Việt Nam có thể áp dụng hiệu quả theo những phương pháp được đưa ra trong báo cáo vừa nêu hay không?
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc
Với chủ đề “Nước với Thiên Nhiên” cho “Ngày Thế Giới Nước” năm nay, 22 tháng Ba năm 2018, Liên Hiệp Quốc vừa công bố một báo cáo, dài 154 trang về tình hình phát triển nước toàn cầu có tên “Các Giải pháp dựa vào Thiên nhiên cho Nguồn nước”.
Báo cáo nêu rõ chất lượng nước trên thế giới bị đe dọa bởi sự tương quan lớn với dân số và các khu vực phát triển kinh tế và sự tương quan này sẽ còn kéo dài trong tương lai. Kể từ thập niên 90 cho đến nay, tình trạng nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở tất cả các con sông tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ La-tinh. Chất lượng nước không sạch được dự báo ngày càng tệ đi trong những thập niên tới và sẽ gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường lẫn phát triển bền vững toàn cầu.
Báo cáo năm 2018 của Liên Hiệp Quốc cũng nêu lên số liệu ước tính có 80% lượng nước thải công nghiệp và đô thị được xả thải ra môi trường mà không qua xử lý, làm cho chất lượng nước bị suy giảm, tạo ra ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái.
Báo cáo này còn đề cập chất lượng nước bị ảnh hưởng bằng nhiều cách bởi khí hậu thay đổi. Đồng thời, báo cáo nhấn mạnh đến xu hướng bên cạnh việc đối phó với lũ lụt và hạn hán thì cũng tận dụng từ những hiện tượng thiên nhiên này để cải thiện nước, do đó tích trữ nước từ thiên nhiên (cơ sở hạ tầng xanh) phải là một phần trong các giải pháp của địa phương cụ thể.
Giải pháp tại Việt Nam
Việt Nam, một quốc gia thường xuyên bị lũ lụt trong mùa mưa có thể áp dụng giải pháp tích trữ nước từ nguồn lũ để sử dụng trong mùa khô thiếu nước hay không? Đài RFA đặt vấn đề với Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải và được ông cho biết:
Tất cả các giải pháp đó, người Việt Nam biết và có thể làm được hết. Người Việt Nam đủ trí thông minh, người Việt Nam đủ tiền, người Việt Nam đủ nhân lực để làm chuyện ấy; nhưng cái chính là có được làm hay không
-Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải
“Rõ ràng phải tận dụng nguồn lũ. Nhưng do ý thức hệ, do nền giáo dục cho nên người Việt Nam bây giờ lấp hồ, lấp sông, chặt rừng; tức là ‘ăn xổi ở thì’. Hậu quả là khi mưa thì lũ chảy tràn, chưa kể đến sự ích kỷ của các đập thủy điện; đó là lấy cớ xây đập thủy điện để chặt cây và bán gỗ, lấy cớ khai thác khoáng sản, đào đất làm hỏng hết…Cho nên, môi trường bị tàn phá không giữ được nước. Không có chỗ giữ nước thì không thể hưởng được lợi của lũ lụt, cũng giống như không thể làm nước có thể quay lại từ biển thành mây, từ mây dội xuống tưới cây.”
Về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam, giới khoa học trong nước cũng lưu tâm, cảnh báo đến các cấp quản lý, đồng thời cũng hỗ trợ chính quyền về chuyên môn để giúp cho người dân thích ứng với hiện tượng thiên nhiên này, được cho là diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về sông Mekong, cho RFA biết về các biện pháp hiện đang được áp dụng tại đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam trong những năm vừa qua:
“Một số nơi chọn giải pháp tăng cường các công trình thủy lợi, tăng cường hệ thống đê ngăn mặn, tăng cường hệ thống cống đập… Một số nơi áp dụng các biện pháp như chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, thay đổi giống… Một số nơi cũng có chủ trương giảm diện tích lúa, đẩy diện tích những loại cây trồng cạn như đậu, mè… lên để giảm bớt lượng nước tiêu thụ. Trong phần lớn các giải pháp đó, thì vẫn mang tính giải pháp đối phó nhiều hơn giải pháp lâu dài.”
Trong báo cáo năm 2018 về giải pháp dựa vào thiên nhiên cho nguồn nước, Liên Hiệp Quốc nhắc đến sự thay đổi các mô hình mưa trong tương lai sẽ làm thay đổi tình trạng hạn hán và dẫn đến kết quả đất được ẩm giúp cho thực vật ở nhiều nơi trên thế giới. Liên quan đến những giải pháp mà Liên Hiệp Quốc nêu ra, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định:
“Tất cả các giải pháp đó, người Việt Nam biết và có thể làm được hết. Người Việt Nam đủ trí thông minh, người Việt Nam đủ tiền, người Việt Nam đủ nhân lực để làm chuyện ấy; nhưng cái chính là có được làm hay không?”
Dân trí
Một số nhà khoa học Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng dân trí đóng vai trò quan trọng nhất trong vấn đề bảo vệ môi trường tại Việt Nam nói chung, trong đó có bảo vệ nguồn nước. Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, các nhà khoa học này nói với chúng tôi rằng vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý của nhà nước liên quan đến môi trường. Điển hình là tệ nạn quan liêu và tham nhũng gây bất lợi rất lớn đến những công trình, dự án bảo vệ nước và môi trường tại Việt Nam.
Một yếu tố không kém phần quan trọng liên quan đến quy trình, luật bảo vệ môi trường, luật chuyển giao công nghệ…vẫn chưa đáp ứng kịp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Trong đó, vấn đề nước thải công nghiệp, hầu như giới khoa học đánh giá là vượt xa tầm kiểm soát của Nhà nước.
Chúng ta cũng đã hình dung rằng việc bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ nguồn nước, thì không phải là công việc của riêng ai, cho nên là mỗi một người đều chung tay góp sức vào đó. Với sự quan tâm như thế của cộng đồng, cũng gây áp lực ngược trở lại đối với những người có trách nhiệm trong việc này
-Giáo sư Nguyễn Ngọc Sinh
Trong một lần trao đổi với RFA, Giáo sư Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam, cho rằng việc bảo vệ môi trường không chỉ riêng cơ quan chức năng, mà cộng đồng cần phải ý thức và tham gia:
“Chúng ta cũng đã hình dung rằng việc bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ nguồn nước, thì không phải là công việc của riêng ai, cho nên là mỗi một người đều chung tay góp sức vào đó. Với sự quan tâm như thế của cộng đồng, cũng gây áp lực ngược trở lại đối với những người có trách nhiệm trong việc này.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường ở khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016, do nhà máy Formosa xả thải có độc tố ra biển, người dân Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống và cũng cũng chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường, như cùng lên tiếng tập thể với chính quyền địa phương để phản đối các dự án gây ô nhiễm môi trường. Mới đây nhất có thể kể đến trường hợp dân chúng ở Đà Nẵng, vào đầu tháng Ba yêu cầu chính quyền thành phố di dời, giải tỏa hai nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường và Chính quyền Đà Nẵng đã ra quyết định tạm dừng hoạt động 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc.
Giới chuyên gia và những người quan tâm đến môi trường thiên nhiên ở Việt Nam cho là chính quyền có biểu hiện tích cực khi lắng nghe và giải quyết theo nguyện vọng của người dân trong lãnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường tại Việt Nam cáo buộc Chính quyền Hà Nội đối xử bất công với những tiếng nói vì môi trường sống trong lành của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, qua các bản án tù nặng nề tuyên cho Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa…
Vẫn có thể lách quy định ghi âm, ghi hình hỏi cung?
Bốn cơ quan nhà nước Việt Nam mới đây ban hành thông tư quy định việc ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, thẩm vấn. Một luật sư bình luận với VOA rằng đây là một bước tiến tích cực, song không loại trừ vẫn xảy ra việc “lách luật”.
Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện “ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/3 năm nay cũng chứa đựng các quy định về sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.
Tôi nghĩ rằng nó sẽ giảm thiểu vấn đề bức cung, mớm cung, nhục hình … Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tích cực đảm bảo cho quá trình điều tra được khách quan hơn
Luật sư Trần Thu Nam
Theo thông tư, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện việc này khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình. Việc ghi âm hoặc ghi hình phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hìnhthì không được tiến hành hỏi cung, thông tư nêu rõ.
Kết quả ghi âm hoặc ghi hình được sử dụng để phục vụ truy tố và làm cơ sở “xác định tính khách quan trong hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai”, theo báo chí Việt Nam, dẫn lại quy định trong thông tư.
Vẫn theo thông tư, điểm đặc biệt nữa là kết quả ghi âm, ghi hình còn có thể được sử dụng “để kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra”.
Luật sư Trần Thu Nam đưa ra ý kiến với VOA về các quy định mới này:
“Tôi nghĩ rằng nó sẽ giảm thiểu vấn đề bức cung, mớm cung, nhục hình. Nó giảm thiểu được vấn đề về cắt xén lời khai rồi là các thủ thuật khác. Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tích cực đảm bảo cho quá trình điều tra được khách quan hơn”.
… họ đánh trước, họ dằn mặt trước, họ ép trước khi ghi âm, ghi hình, ép cung, rồi dọa nạt, chẳng hạn như thế. Sau đó họ hướng dẫn người đó khai như thế nào. Sau đó họ ghi lời khai và ghi âm lại. Những tình huống như vậy sẽ bất lợi cho bị can.
Luật sư Trần Thu Nam
Tuy thông tư liên tịch đã có hiệu lực nhưng nó cũng quy định rằng chậm nhất đến ngày 1/1/2020, việc ghi âm hoặc ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử mới được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Thành Công thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh nói với báo Tuổi Trẻ rằng điều này đồng nghĩa là trong vòng gần 2 năm, từ nay đến hết năm 2019, nếu luật sư phát hiện điều tra viên không ghi âm, ghi hình khi động hỏi cung thì không thể kiến nghị đó là sai phạm. Ông đề nghị việc ghi âm, ghi hình hỏi cung “cần được áp dụng sớm hơn”.
Trong khi đó, luật sư Trần Thu Nam lưu ý rằng dù quy định mới là một tiến bộ song những người thực hiện hỏi cung vẫn có thể “lách luật”:
“Tôi có thể lấy ví dụ một số trường hợp đã xảy ra là họ đánh trước, họ dằn mặt trước, họ ép trước khi ghi âm, ghi hình, ép cung, rồi dọa nạt, chẳng hạn như thế. Sau đó họ hướng dẫn người đó khai như thế nào. Sau đó họ ghi lời khai và ghi âm lại. Những tình huống như vậy sẽ bất lợi cho bị can”.
Trên báo Tuổi Trẻ, một giảng viên Học viện Tư pháp không muốn nêu tên cũng tỏ ý hoài nghi. Người này được báo trích dẫn nói rằng “Khi bị can chịu sự quản lý của anh, anh muốn hỏi cung lúc nào cũng được. Việc hỏi cung được tiến hành 20 lần nhưng anh chỉ ghi âm, ghi hình có 10 lần. Việc này không ai có thể kiểm soát được”.
Vị giảng viên nói thêm việc kiểm soát càng khó khi “cơ quan có trách nhiệm điều tra được quyền quản lý hết các tư liệu ghi âm, ghi hình”.
Thông tư liên tịch vừa có hiệu lực được xem là bước cụ thể hóa điều khoản trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều khoản đó có mục đích chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự.
Báo chí Việt Nam hồi tháng 3/2015 nói trong vòng 3 năm kể từ thời điểm đó về trước, đã có 226 người chết trong các nhà tạm giam, tam giữ vì “bệnh lý và tự sát”. Kể từ đó đến nay, không có thông tin thêm về số người chết trong các nhà tạm giam, tam giữ ở Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/van-co-the-lach-quy-dinh-ghi-am-ghi-hinh-hoi-cung/4305583.html
Tỉnh Thái Bình xin 20 triệu USD
để dỡ bỏ trạm thu phí BOT
Quốc sách chặn đường đòi mãi lộ khắp nước của nhà cầm quyền CSVN đã gặp một bước lùi hôm Thứ Ba 20/03.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa đề nghị Bộ Giao Thông Vận Tải xin thủ tướng chuẩn chi 460 tỉ đồng (gần 20 triệu Mỹ kim), để hỗ trợ tỉnh này thanh toán một lần cho nhà đầu tư dỡ bỏ trạm thu phí BOT trên quốc lộ 39B. Số tiền vừa nêu là tổng kinh phí của dự án BOT nâng cấp quốc lộ 39B. Đoạn quốc lộ nâng cấp hoàn thành hồi đầu năm nay, và có thời gian thu phí hoàn vốn là 18 năm.
Trong bối cảnh các trạm thu phí trên toàn quốc bị người dân địa phương và giới tài xế chống đối dữ dội, nhà cầm quyền tỉnh Thái Bình quyết định giảm mức lộ phí cho các gia đình và doanh nghiệp trong hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải. Theo chủ đầu tư là công ty Tasco, việc giảm lộ phí khiến doanh thu hoàn vốn dự án BOT của họ sẽ chỉ còn khoảng 14.6 tỉ đồng một năm, thấp hơn nhiều lần so với doanh thu theo hợp đồng đã ký là 55.6 tỉ đồng một năm.
Sự việc tỉnh Thái Bình xin chính phủ cấp tiền trả hết một lần cho nhà đầu tư, là một dấu hiệu cho thấy các chính quyền địa phương đã bắt đầu chán nản đi theo “quốc sách” thu tiền mãi lộ bất cứ nơi đâu của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Một điểm nóng thu phí là trạm BOT Cai Lậy đến nay vẫn chưa có kế hoạch giải quyết.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/tinh-thai-binh-xin-20-trieu-usd-de-do-bo-tram-thu-phi-bot/