Tin Việt Nam – 19/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 19/03/2018

Trà Vinh khám phá hiện tượng

công an cầm cố ‘thẻ ngành’ để vay tiền

Hiện tượng hàng loạt cảnh sát và viên chức ngành công an CSVN cầm cố giấy chứng minh công an nhân dân, thường gọi nôm na là “thẻ ngành”, để vay tiền người dân, đang khiến cho các giới chức ngành này lo ngại.

Báo mạng Zing hôm Thứ Bảy 17/03 dẫn lời trưởng công an thị xã Duyên Hải là đại tá CSVN Nguyễn Phấn Khởi cho biết, ông đang vận động những cảnh sát và viên chức vay tiền của người dân phải sớm có kế hoạch trả nợ. Đối với những cán bộ và công an viên dùng thẻ ngành để vay tiền, ông Khởi cho biết công an thị xã sẽ kỷ luật theo quy định của ngành.

Báo mạng Zing dẫn lời một chủ nợ được nêu tên là Phi cho biết, ông đang giữ thẻ ngành của nhiều cán bộ và công an viên đang làm việc tại thị xã Duyên Hải, phòng xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh Trà Vinh và trại giam Bến Giá, thuộc tổng cục VIII Bộ Công An đóng tại Duyên Hải. Ông Phi cho biết những người này có “quan hệ tín dụng” với ông, hàm ý từng vay nợ nhiều lần, và họ đưa thẻ ngành cho chủ nợ để làm tín vật. Theo báo mạng Zing, ngoài thẻ công an, một số người còn dùng cả thẻ đảng để vay tiền.

Theo một quy định do bộ chính trị đảng CSVN đưa ra hồi tháng 12 năm 2017, việc dùng thẻ đảng viên đi thế chấp để vay tiền sẽ bị kỷ luật nặng. Xem ra suốt 80 năm từ ngày thành lập đảng cộng sản cho tới khi có quy định vừa nêu, thẻ đảng viên cộng sản dường như cũng có chút giá trị cầm cố.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/tra-vinh-kham-pha-hien-tuong-cong-an-cam-co-the-nganh-de-vay-tien/

 

Nữ thương gia mất hơn $10 triệu

định kiện Eximbank vì vu khống

Nữ thương gia bị đánh cắp hơn 10.6 triệu Mỹ kim gửi tại Eximbank đang xem xét kiện ngân hàng, vì một đại diện của Eximbank mới đây đưa ra một phát ngôn có tính vu khống.

Báo mạng BizLive hôm Thứ Sáu 16/03 đưa tin, bà Chu Thị Bình thông qua luật sư Đinh Ánh Tuyết thuộc văn phòng luật sư IDVN cho biết, bà rất thất vọng về tuyên bố trên báo chí mới đây của ông Ngô Thanh Tùng, luật sư trưởng và cũng là thành viên hội đồng quản trị Eximbank. Ông Tùng nói rằng “có sự tiếp sức và thông đồng” để tạo điều kiện cho ông Lê Nguyên Hưng, cựu phó giám đốc Eximbank chi nhánh Sài Gòn, đánh cắp tiền trong các trương mục của bà Bình.

Bà Bình cho rằng tuyên bố đó “không đúng, suy diễn chủ quan, một chiều và thể hiện sự thiếu tôn trọng với khách hàng”.

Theo BizLive, cả công an và ngân hàng Eximbank đều có dấu hiệu làm ngơ quyền lợi của nữ thương gia. Trong quyết định khởi tố vụ án ngày 4 tháng 12 năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra xác định “Eximbank là người bị hại, bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, hàm ý Eximbank mới là phía chủ động trong mọi hoạt động khiếu tố sau này. Theo báo mạng VnExpress, luật sư đại diện cho bà Bình nói rằng đến nay Eximbank vẫn chưa có hành động giải quyết nào mới liên quan đến số tiền bà Bình bị mất.

Hiện chưa rõ ý đồ của Eximbank khi đưa ra cáo buộc hàm hồ là “có sự tiếp sức và thông đồng”. Theo bà Bình, rõ ràng lỗ hổng trong việc quản trị và kiểm soát tại Eximbank đã tạo điều kiện cho ông Hưng thao túng toàn bộ hoạt động ủy quyền và rút tiền từ Eximbank, để chiếm đoạt tiền của khách hàng mà không có sổ tiết kiệm hay chứng từ gốc của khách hàng. Ông Hưng đã đánh cắp tiền của bà Bình trong một thời gian dài là từ trước năm 2014 đến tháng 3 năm 2017 mới bị phát giác. Ông này được cho là đang lẩn trốn ở Hoa Kỳ.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nu-thuong-gia-mat-hon-10-trieu-dinh-kien-eximbank-vi-vu-khong/

 

Ông Đinh La Thăng:

 ‘Góp vốn Oceanbank đúng chủ trương của Đảng’

Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, ra tòa lần hai hôm 19/3, lần này là vụ xử liên quan việc ông quyết định việc góp 800 tỷ vốn của PVN vào Oceanbank.

Ông Thăng bị cáo buộc đã góp vốn trong khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank; ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, theo báo điện tử VnExpress.

Hậu quả, 800 tỷ đồng của PVN bị mất khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.

Theo VnExpress, khi ra tòa hôm 19/3, ông Thăng khai: “Tiền đề của việc góp vốn là sự đồng ý của Thủ tướng”, khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ông được dẫn lời nói sự việc đã diễn ra hơn 10 năm nên không nhớ hết song khẳng định “làm đúng chỉ đạo của Đảng, có sự đồng ý của Thủ tướng”.

Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Thăng tại tòa: “Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ.”

“Xuất phát từ chủ trương của Đảng nên thực hiện việc chủ trương đi đầu, kiềm chế lạm phát nên PVN góp vốn vào OceanBank,” ông Thăng nói, theo Tuổi Trẻ.

Ông Thăng đối mặt với khung án cao nhất là 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 29/3.

Ông Đinh La Thăng lại ra tòa ‘sau Tết’

VN: Luật sư ‘chia rẽ’ vì phiên tòa ông Thăng?

Vụ xử ông Thăng ‘càng nhanh càng không hay’?

‘Luật sư có tiếng’ bào chữa cho ông Đinh La Thăng

‘Không ổn’?

Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh hôm 19/3, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói: “Việc một quan chức cao cấp nguyên là ủy viên Bộ Chính trị phải ra tòa là sự kiện lớn gây chú ý với công chúng, nhất là nội dung vụ án phơi bày sự thất thoát lớn về tài sản của người dân đóng thuế nằm dưới sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của các doanh nghiệp nhà nước.”

“Dưới góc nhìn của luật sư, tôi chú ý nhiều về khía cạnh pháp lý của vụ án.”

Làm thất thoát tài sản lớn của dân thì tôi tin việc truy tố ông Thăng là chính đáng, nhưng việc áp dụng điều luật không còn hiệu lực pháp luật để truy tố là không ổn. Không bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc pháp luật cơ bản mà thế giới và Việt Nam đã thừa nhận và điển chế thành quy định pháp luật.luật sư Đặng Đình Mạnh

“Do tầm vóc của ông Thăng, tôi tin rằng việc xét xử đã được sắp xếp chu đáo với mức cao nhất. Diễn tiến khó có khả năng xảy ra các điều bất ngờ.”

“Theo tôi, ông Thăng bị truy tố ra tòa lần này vẫn với tội danh “Cố ý làm trái…” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 đã không còn hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 là điều đáng nói nhất trong vụ án.”

“Đương nhiên, Viện Kiểm sát truy tố căn cứ vào Nghị quyết số 41 do Quốc hội ban hành cho phép tiếp tục truy tố, xét xử nếu tội danh này đã bị khởi tố trước thời điểm Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực thi hành.”

“Điều này hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc phải áp dụng điều luật có lợi cho đương sự. Nguyên tắc này được hầu hết các quốc gia trên thế giới có luật thành văn đã thừa nhận.”

“Luật Hình sự Việt Nam cũng thừa nhận và quy định tại khoản 3 điều 7 Bộ luật Hình sự, thì trong trường hợp Bộ luật Hình sự quy định bãi bỏ một tội danh (như tội danh Điều 165 Bộ luật Hình sự cũ), thì điều luật đó phải được áp dụng ngay cho đương sự, theo đó, đương sự được miễn truy tố.”

Luật sư Mạnh bình luận thêm: “Làm thất thoát tài sản lớn của dân thì tôi tin việc truy tố ông Thăng là chính đáng, nhưng việc áp dụng điều luật không còn hiệu lực pháp luật để truy tố là không ổn. Không bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc pháp luật cơ bản mà thế giới và Việt Nam đã thừa nhận và điển chế thành quy định pháp luật.”

VN trả giá mô hình qua vụ Thăng – Thanh?

Xử ông Thăng nhưng có ‘xử được cơ chế’?

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù

PVN: Sau Phùng Đình Thực và Đinh La Thăng đến ai?

Các báo Việt Nam hôm 19/3 dẫn cáo trạng nói ông Thăng, cựu Chủ tịch PVN, “có vai trò lớn nhất trong việc làm thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN, ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank) không thông qua Hội đồng Quản trị PVN.”

Trước đó, ngày 22/1, ông Thăng đã bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy tại PVN và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43396066

 

Ngoại trưởng Nga hủy thăm Việt Nam phút chót

Một nguồn từ giới nghiên cứu Nga nói với BBC rằng việc Ngoại trưởng Nga hoãn chuyến thăm Việt Nam có thể là để tránh Quốc tang Thủ tướng Phan Văn Khải ở Việt Nam.

Theo lịch cũ trước đây, ông Sergey Lavrov thăm Việt Nam ngày 19 và 20/3, nhưng Việt Nam vừa loan báo tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày 20 và 21/3.

Phía Việt Nam cho biết chuyến thăm bị hủy vì “những lý do không lường trước” chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử.

Moscow nói chuyến thăm bị hủy do có lịch làm việc không thu xếp được.

“Do có thay đổi trong lịch làm việc của bộ trưởng [Lavrov], ngày cho chuyến đi thăm Việt Nam của ông đang được xếp lại,” các hãng tin trích nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga.

Giải thích với BBC, một nguồn từ Nga nói chuyến đi của ông Lavrov phải thay đổi do có Quốc tang ông Phan Văn Khải.

Theo nguồn này, theo lịch đã sắp xếp trước, ông Lavrov thăm Việt Nam ngày 19, 20 và thăm Nhật ngày 21 và 22/3.

Điều này để ngỏ khả năng Ngoại trưởng Lavrov có thể thăm Nhật xong theo đúng lịch, sau đó đi thăm Việt Nam.

Nguồn từ phía Nga nói cuộc bầu cử tổng thống Nga không phải là lý do, vì lịch thăm Việt Nam đã được hai nước sắp xếp trước đó.

Hôm thứ Hai 19/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố chuyến thăm bị hủy trong một email gửi cho báo giới chỉ vài giờ trước khi ông Lavrov dự kiến gặp Chủ tịch Trần Đại Quang.

Trang web của Bộ Ngoại giao cập nhật hôm 19/3:

“Bộ Ngoại giao xin trân trọng thông báo: Vì lý do đột xuất chuyến thăm VN của BTNG Nga sẽ không diễn ra như dự kiến. Chúng tôi sẽ thông báo thời gian cụ thể của chuyến thăm tới các cơ quan báo chí sau.”

Nga: Putin tái đắc cử với hơn 76% phiếu

Ngoại trưởng Anh: Nga ‘tích trữ các chất độc thần kinh’

Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt 19 người Nga

Hôm 17/3, Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam đăng bài phỏng vấn ông Lavrov về mục đích của chuyến đi thăm Việt Nam lần này.

“Mối quan hệ của chúng tôi với những người bạn Việt Nam rất chặt chẽ. Đây là mối quan hệ đối tác chiến lược. Lãnh đạo hai nước thường xuyên tiếp xúc với nhau.”

“Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tiếp xúc rất chặt chẽ với nhau, cũng như lãnh đạo các bộ, ngành khác như Bộ Công nghiệp và Thương mại, Bộ phát triển Kinh tế, Tài chính, Giao thông, Thông tin…”, ông Lavrov được VOV dẫn lời.

“Một trong những sự kiện mà chúng tôi sẽ thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần này là công tác chuẩn bị tổ chức “Năm chéo”: Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam, dự kiến vào năm 2019, khi chúng ta kỷ niệm 25 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa LB Nga và Việt Nam,” ông Lavrov nói thêm trong bài phỏng vấn với VOV.

Dự kiến có nhiều cuộc gặp quan trọng

Ngoài cuộc gặp với Chủ tịch Trần Đại Quang, ông Sergei Lavrov dự tính có cuộc họp với người đồng nhiệm Phạm Bình Minh cũng như lãnh đạo Đảng Cộng sản, TBT Nguyễn Phú Trọng và họp báo sau đó.

Nga là một trong những đồng minh lâu năm của Việt Nam. Thiết lập quan hệ với Việt Nam từ năm 1950, Nga nay là một trong những đối tác thương mại hàng đầu với Việt Nam, và là nước cung cấp thiết bị quân sự hàng đầu cho nước này.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43457494

 

Thứ trưởng hoặc cao hơn có thể bị truy tố vì Mobifone-AVG

Thanh tra Chính phủ Việt Nam hôm 19/3 cho báo chí trong nước biết thủ tướng đồng ý với kết luận của thanh tra về vụ Mobifone mua AVG. Một cựu quan chức quốc hội nói với VOA rằng động thái này đồng nghĩa là một số quan chức tầm thứ trưởng trở lên nay đối mặt với nguy cơ bị kỷ luật, truy tố.

…những người của bộ liên quan là Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, và một số bộ ngành khác, thì những người chức vụ có thể ký trong đó tôi nghĩ cỡ phải thứ trưởng hoặc hàm thứ trưởng trở lên.

Cựu phó chủ nhiệm VPQH Trần Quốc Thuận

Báo chí dẫn nguồn tin thuộc Thanh tra Chính phủ cho hay Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản tới cơ quan này, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Mobifone và các cơ quan liên quan, trong đó nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đồng ý với kết luận thanh tra về việc Mobifone mua 95% cổ phần AVG”.

Kết quả thanh tra công bố hôm 14/3 chỉ ra nhiều sai phạm “đặc biệt nghiêm trọng” của thương vụ Mobifone mua AVG và đề nghị khởi tố điều tra.

Cơ quan thanh tra đánh giá rằng tình trạng tài chính của công ty tư nhân AVG “rất xấu” tại thời điểm đầu năm 2016, khi Mobifone, doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông, mua đại đa số cổ phần. Theo thanh tra, vi phạm của Mobifone đã gây “nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước” hơn 7.000 tỷ đồng.

Theo báo chí Việt Nam, bước tiếp theo của việc thủ tướng đồng ý bằng văn bản với kết luận của Thanh tra Chính phủ là cơ quan này “hoàn tất thủ tục để chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, làm rõ”.

Thanh tra Chính phủ cũng chuyển bản kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản để xem xét, xử lý đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu trong bản kết luận.

Ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định về những quan chức có nguy cơ bị kỷ luật, truy tố:

“Theo văn bản của Tổng Thanh tra Chính phủ, những người của bộ liên quan là Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, và một số bộ ngành khác, thì những người chức vụ có thể ký trong đó tôi nghĩ cỡ phải thứ trưởng hoặc hàm thứ trưởng trở lên”.

Vụ này liên quan đến nhiều bộ ngành … nó cũng đánh vào thành trì của đúng nghĩa gọi là nhóm lợi ích

Cựu phó chủ nhiệm VPQH Trần Quốc Thuận

Theo hệ thống chính trị Việt Nam, các quan chức cấp thứ trưởng trở lên do Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng Cộng sản quản lý. Khi các quan chức này mắc sai phạm, hai cơ quan đảng kể trên phải tiến hành “xử lý về mặt đảng” như khai trừ, hoặc đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ chức vụ của các quan chức, sau đó các cơ quan hành pháp và tư pháp mới có thể truy tố, xét xử.

Giữa lúc một loạt các vụ chống tham nhũng đình đám khác đang diễn ra, vụ Mobifone-AVG có sức thu hút đặc biệt đối với công luận. Cựu Phó Chủ nhiệm VPQH Trần Quốc Thuận nói về ý nghĩa của vụ này:

“Vụ này liên quan đến nhiều bộ ngành. Nó cũng biểu hiện tội phạm của nhóm lợi ích. Và nó có thể đụng chạm đến những nơi nhạy cảm. Có cái chữ nhạy cảm làm cho người ta suy nghĩ là nó liên quan đến những người có chức vụ rất cao. Mà nó cũng đánh vào thành trì của đúng nghĩa gọi là nhóm lợi ích”.

Thanh tra Chính phủ nói trong bản kết luận hôm 14/3 rằng việc Mobifone mắc một loạt sai phạm khi “đầu tư” vào AVG đã “trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực” đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo.

Bản kết luận chỉ ra rằng lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 của Mobifone đã giảm so với năm 2015 là gần 322 tỷ đồng, số lỗ lũy kế đến hết năm 2017 là gần 2.000 tỷ đồng. Thương vụ tồi liên quan đến AVG còn “ảnh hưởng tiêu cực” đến việc cổ phần hóa Mobifone, theo Thanh tra Chính phủ.

Bộ Thông tin-Truyền thông hôm 15/3 mạnh mẽ phản bác kết luận của Thanh tra Chính phủ, nói rằng cơ quan này đã đưa ra các nhận định “không có căn cứ pháp lý”, “sai về chuyên môn”, “sai về thẩm quyền”, “suy diễn”, “có tính dẫn dắt để hiểu sai mục đích”.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đăng tin về báo cáo phản bác này, các trang tin trong nước đã đồng loạt gỡ bài.

Một số nhà quan sát thời sự cho đây là phản ứng “giãy chết” và “không còn đường lùi” của các quan chức liên quan.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-truong-hoac-cao-hon-co-the-bi-truy-to-vi-mobifone-avg/4305198.html

 

Bộ Công An sẽ tham gia điều tra vụ MobiFone mua AVG

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chính thức đồng ý để cơ quan điều tra có thẩm quyền Bộ Công An tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty nghe nhìn Toàn cầu(AVG). Mạng báo Thanhnien Online dẫn nguồn tin riêng từ thành viên ban Thanh Tra Chính Phủ và loan tin ngày 19 tháng 3.

Theo đó, Văn Phòng Chính Phủ đã có văn bản số 2398/VPCP-VI truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về kết luận của Thanh tra chính phủ cũng như các kiến nghị có liên quan đến vụ việc nêu trên. Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền Bộ Công an xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật; đồng thời, chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý các sai phạm về kinh tế, bao gồm các khoản tiền đã chi trái quy định dẫn tới nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỉ đồng.

Trước đó, vào ngày 150/3, Bộ Thông Tin -Truyền Thông, cơ quan đại diện chủ sở hữu của Mobifone, ra thông cáo báo chí phản bác lại các sai phạm liên quan đến bộ này mà Thanh tra Chính phủ nêu ra. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thanh tra chưa khách quan, chính xác và chưa đúng pháp luật theo chỉ đạo của Ban Bí thư.

Bộ này cũng phản ánh việc Thanh tra Chính phủ không xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà tự ý diễn giải pháp luật theo cách của mình. Thêm vào đó, Bộ Thông tin Truyền thông còn tố cáo Thanh tra Chính phủ không đề cập đến việc MobiFone và AVG trước đó đã chính thức hủy hợp đồng.

Tuy nhiên sau đó thông cáo báo chí được một số cơ quan báo chí trong nước loan đi đã bị lấy xuống.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Bo-cong-an-se-tham-gia-dieu-tra-vu-MobiFone-mua-VG-03192018093606.html

 

Doanh nghiệp và chính quyền bất nhất

về vụ vỡ đập bãi thải vàng Bồng Miêu

Một đoạn đập thải của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666 tại sông Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị vỡ làm hàng trăm mét khối chất thải chảy ra sông từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3.

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 18 tháng 3 cho biết một số người dân báo với chính quyền địa phương sau khi xảy ra vụ vỡ đập xuất hiện nhiều cá chết tại khu vực sông Bồng Miêu và sông Quế Phương.

Nguyên nhân cá chết được ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh xác nhận là do vỡ đập khiến nguồn nước sông Bồng Miêu nhiễm chất thải chứa quặng vàng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Sỹ, Giám đốc Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666 trả lời mạng báo Dân Việt trong nước phản bác cáo buộc từ phía chính quyền.

Ông Sỹ nói không hề có chuyện vỡ đập mà là do xe múc của công ty san ủi gần bãi thải để trồng cây khiến bờ đê bị sụt lún làm tràn vài khối nước mưa ra sông chứ không phải nước độc. Ông cũng cho biết đã mời các đơn vị lên lấy mẫu nước sông Bồng Miêu để xét nghiệm xem có phải chất độc do vỡ đập thải gây ra hay không.

Ông Giám đốc Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666 dự đoán nguyên nhân khiến cá chết là do nước thải từ các bãi vàng trái phép dọc hai bờ sông và từ khu vực trên núi chảy xuống.

Bất bình trước sự việc, rất đông người dân xã Tam Lãnh đã kéo đến nhà máy tuyển vàng của công ty này phản đối và yêu cầu ngừng hoạt động khai thác vàng.

Trước đây, chính quyền huyện Phú Ninh đã nhiều lần yêu cầu công ty này ngừng hoạt động khai thác vàng vì chưa đáp ứng những quy định về môi trường. Công ty này khai thác vàng bằng cách khai thác lại đập thải của nhà máy vàng Bồng Miêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/broken-dam-at-gold-mine-disposal-site-causes-fish-death-in-quang-nam-03192018094706.html

 

Việt Nam ngỏ ý muốn đón ông Kim Jong Un và TT Trump

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mới cho biết rằng Việt Nam “hoan nghênh” khả năng Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un gặp nhau ở Hà Nội, nơi chính quyền từng có quan hệ nồng ấm với Bình Nhưỡng.

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên sau khi xuất hiện bình luận cho rằng Hà Nội có thể là địa điểm “lý tưởng” cho hội nghị thượng định dự kiến diễn ra vào tháng Năm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn.

Theo báo chí Việt Nam, trả lời đài SBS Australia hôm 18/3 trong khi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Úc tham dự hội nghị giữa nước này và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Minh nói rằng “nếu họ chọn Hà Nội hay bất cứ nơi nào ở Việt Nam thì chúng tôi đều hoan nghênh”.

Nhà ngoại giao kiêm nhiệm chức phó thủ tướng Việt Nam còn “hoan nghênh động thái hòa giải” giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Ít ngày trước đó, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, hiện giảng dạy về chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore, nêu lý do vì sao Hà Nội nên được chọn làm địa điểm của cuộc gặp.

VOA tiếng Việt đã liên hệ phỏng vấn với học giả gốc Việt, nhưng ông cho biết đang đi công tác nên “không thể bố trí trả lời ngay”.

Đối với Việt Nam, một quyết định tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội sẽ làm nổi bật vị thế mạnh hơn của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu Hà Nội cảm thấy hấp dẫn vì điều đó, họ có thể tiếp cận cả hai bên thông qua các kênh ngoại giao mật để nhấn mạnh tới việc sẵn sàng đảm nhiệm vai trò một nước chủ nhà ân cần và kín đáo.

Chuyên gia David Brown nói.

Ông David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, đồng quan điểm với nhận định của ông Khương về biểu tượng mang tính hòa giải giữa hai quốc gia cựu thù, và nói thêm rằng sự chọn lựa Hà Nội “gián tiếp cho thấy Bắc Hàn có thể hưởng lợi từ chính sách đổi mới” như Việt Nam.

“Đối với Việt Nam, một quyết định tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội sẽ làm nổi bật vị thế mạnh hơn của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu Hà Nội cảm thấy hấp dẫn vì điều đó, họ có thể tiếp cận cả hai bên thông qua các kênh ngoại giao mật để nhấn mạnh tới việc sẵn sàng đảm nhiệm vai trò một nước chủ nhà ân cần và kín đáo”, ông Brown nói với VOA tiếng Việt.

Hiện phía Mỹ và Bắc Hàn chưa thống nhất nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh, trong khi truyền thông cũng như các chuyên gia nêu lên một số nơi như Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng minh lớn còn sót lại của Bình Nhưỡng, hay làng Bàn Môn Điếm trên vùng phi quân sự phân chia hai miền bán đảo Triều Tiên.

Những ngày qua, Việt Nam được nhắc tới nhiều trên truyền thông quốc tế trong khi diễn ra dồn dập các nỗ lực ngoại giao quốc tế về Bắc Hàn ở nhiều nơi như Thụy Điển hay Phần Lan.

Theo dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tới Việt Nam vào ngày 22/3 trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, với trọng tâm trong nghị trình dự kiến sẽ là Bắc Hàn.

Trước đó, nữ ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung-wha, tới Việt Nam và đã có các cuộc gặp với ông Minh cũng như chào xã giao Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Năm ngoái, theo báo chí Hàn Quốc, người tiền nhiệm của bà Kyung-wha đã tới Hà Nội để tìm cách “ghìm cương” Bắc Hàn sau khi nước này thực hiện các vụ thử tên lửa.

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã bày tỏ sự “trân trọng” và “cám ơn” đối với Hà Nội vì “sự hậu thuẫn đối với vấn đề Bắc Hàn”.

Bình Nhưỡng từng hỗ trợ vật chất cho “quốc gia anh em cộng sản” trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.

Ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, năm ngoái từng cho VOA Việt Ngữ biết rằng quan hệ Việt Nam – Bắc Hàn ở trong tình thế “tế nhị” và “mọi liên hệ sẽ cố gắng hạn chế”, nhất là sau khi Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Hiện chưa rõ mối quan hệ này đã được cải thiện hay chưa.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-ngo-y-muon-don-ong-kim-jong-un-va-tong-thong-donald-trump/4305214.html