Tin khắp nơi – 19/03/2018
Nga: Vladimir Putin tái đắc cử với hơn 76% phiếu
Vladimir Putin vừa tái đắc cử Tổng thống Liên bang Nga sau 20 năm ở đỉnh cao quyền lực không nghỉ.
Ông Putin được hơn 76% phiếu để tiếp tục nắm quyền cao nhất tại Liên bang Nga thêm một nhiệm kỳ sáu năm, ủy ban bầu cử trung ương cho biết.
Lãnh đạo phe đối lập, ông Alexei Navalny, bị cấm tranh cử.
Kremlin đòi điều tra lời kêu gọi tẩy chay bầu cử
Người dân Nga đi bầu tổng thống
Khodorkovsky: ‘Putin là tù nhân của quyền lực’
Lãnh đạo đối lập Nga bị tạm giữ
Ứng viên tổng thống về nhì, Pavel Grudinin, được 12% phiếu.
Ông Putin đã nắm quyền hoặc làm tổng thống hoặc thủ tướng 20 năm qua ở Nga.
Phát biểu tại cuộc tập hợp ở Moscow sau khi kết quả sơ bộ được công bố, ông Putin nói cử tri đã “công nhận những thành tựu trong các năm qua”.
Trước các phóng viên, ông mỉm cười thay cho câu trả lời về việc liệu ông có tiếp tục tranh cử thêm một nhiệm kỳ khác.
“Những gì anh nói là hơi buồn cười, anh có nghĩ rằng tôi sẽ ở đây cho đến khi tôi 100 tuổi? Không!” ông nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43396063
Ai đã gửi lời nồng ấm tới Putin?
Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo nước láng giềng lớn của Nga đầu tiên gửi điện chúc ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga.
Theo sau ông Tập là lãnh đạo một số quốc gia khác như Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Thái tử Ả Rập Saudi, và Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela.
Tổng thống thiên tả của Bolivia, ông Evo Morales gọi ông Putin là “người anh em” và chúc mừng ông Putin thắng cử.
Cũng từ châu Á, Nhật Bản gửi điện chúc mừng ông Putin nhưng nhắc rằng Tokyo “muốn tiếp tục đàm phán về Lãnh thổ phía Bắc” tức chuỗi đảo ngoài khơi Hokkaido.
Đây là vùng mà Nga gọi là Nam Kurils, do Liên Xô chiếm từ sau Thế Chiến 2.
Nhưng các nước châu Âu khác thì còn dè dặt.
Quốc hội Mỹ yêu cầu FBI nộp hồ sơ vụ Comey-Trump
Ngoại trưởng Nga hủy thăm Việt Nam phút chót
Anh Quốc vẫn chưa nói gì, còn từ Đức, phát ngôn viên chính phủ nói Thủ tướng Angela Merkel sẽ gửi điện chúc mừng ông Putin cùng thư nêu ra “các thách thức trong quan hệ Nga – Đức”.
Liên quan đến quan hệ Nga – Việt, các báo quốc tế đồng loạt đưa tin hôm Thứ Hai rằng chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, dự tính diễn ra từ ngày 19-20/3, đã bị hủy vào phút chót.
AFP nói phía Việt Nam cho biết chuyến thăm bị hủy vì “những lý do không lường trước” chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử.
Hôm thứ Hai 19/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố chuyến thăm bị hủy trong một email gửi cho báo giới chỉ vài giờ trước khi ông Lavrov dự kiến gặp Chủ tịch Trần Đại Quang.
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cập nhật hôm 19/3:
“Bộ Ngoại giao xin trân trọng thông báo: Vì lý do đột xuất chuyến thăm VN của BTNG Nga sẽ không diễn ra như dự kiến. Chúng tôi sẽ thông báo thời gian cụ thể của chuyến thăm tới các cơ quan báo chí sau.”
Vì sao thắng cử?
Trang Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc tìm cách lý giải vì sao ông Putin thắng cử.
Tờ báo của Đảng CS TQ cho rằng “Người dân Nga kết luận là ông Putin sẽ bảo vệ tốt cho quyền lợi của họ và thiếu ông thì tình hình sẽ tệ hơn”.
Hoàn cầu Thời báo cũng cho rằng “các lệnh trừng phạt của Phương Tây đã thất bại, và chỉ làm người Nga thêm đoàn kết”.
Từ Việt Nam, có vẻ như các báo nhà nước cho đến chiều tối ngày 19/03 vẫn chưa đăng tải các điện chúc mừng của lãnh đạo nước này gửi sang cho ông Putin.
Mạng xã hội Việt Nam nói gì?
Trên mạng xã hội thì có nhiều ý kiến khác nhau.
Trên Facebook của BBC Tiếng Việt, bạn ‘Khanh Nguyen’ viết: “Chúc mừng Putin. Ngày nào ông còn làm tổng thống, thế giới còn được bình yên.”
Không có đối thủ chính trị nào ở nước Nga có thể cạnh tranh với PutinDo Thanh Long
Đinh Thanh Tùng viết:
“Tôi nói thật lòng là tôi không phải người mấy quan tâm nhiều đến chính trị trong cũng như ngoài nước, thỉnh thoảng tôi có nghe, có xem thời sự. Hôm nay tôi thấy các bạn bình luận ở bên dưới đây, ai cũng nói Putin là độc tài này nọ, mình thấy rất nực cười, các bạn không sống ở Nga không phải là người dân Nga sao các bạn biết họ muốn gì khi cầm lá phiếu của mình đi bầu cử.
“Họ đi bầu cử có ai dí súng vào đầu bảo họ phải bầu cho ông Putin, nên nhớ rằng trong cuộc bầu cử tại Nga còn có các quan sat viên quốc tế đến giám sát nữa. Ai khi tranh cử chả muốn đắc cử nhưng cái quan trọng là người dân có bầu cho bạn không, các bạn đừng suy nghĩ khi còn mang trong mình tư tưởng về bầu cử của nước nhà nhé.”
Nhưng bạn ‘Giang Lang Viet’ lại cho rằng:
“Đúng là một thảm họa. Tất cả mánh khóe thủ đoạn trong quan hệ quốc tế tích lũy được trong cả cuộc đời thi triển hết sạch sành sanh trong 20 năm cầm quyền, giờ như nhà hoang người ta nhìn thấy hết, mọi động tĩnh mọi kiểu suy xét, phán đoán, phản ứng của ông, họ biết tỏng tòng tong…Thế không là thảm họa cho quốc gia thì còn là gì đây?”
Bạn ‘Do Thanh Long’ bình luận:
“Không có đối thủ chính trị nào ở nước Nga có thể cạnh tranh với Putin.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43463015
Trông đợi gì ở Putin và một nước Nga trỗi dậy?
Ông Vladimir Putin giờ nắm trong tay quyền kiểm soát vận mệnh nước Nga, và dành được một vị thế mạnh hơn trên thế giới nhờ đoạt được số phiếu áp đảo để được ủy quyền nắm chiếc ghế Tổng thống Nga trong thêm một nhiệm kỳ 6 năm.
Ở trong nước, các đối thủ của ông về phần lớn đành chấp nhận thêm 6 năm trong bóng tối. Còn những kẻ thù của ông ở nước ngoài thì lâm vào tình trạng bế tắc vì những vấn đề của riêng họ, từ nước Anh với vụ rắc rối Brexit sau khi cử tri biểu quyết rời khỏi Liên hiệp châu Âu, cho tới tình trạng hỗn loạn trong chính quyền Mỹ dưới quyền ông Donald Trump.
Ngay cả các vụ gian lận bầu cử rộng rãi cũng khó có thể chọc thủng chiếc áo giáp kiên cố đang bảo vệ ông Putin. Trong khi những lời tố cáo cho rằng ông đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và bảo trợ cho một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh, chỉ làm tăng thêm uy tín của ông ở trong nước.
Thế giới, các đối thủ của Nga, các nước láng giềng nên trông đợi gì từ ông Putin trong 6 năm sắp tới?
Chiến tranh lạnh mới?
Quan hệ giữa ông Putin và phương Tây hiện đã ở mức thấp nhất từ khi Liên bang Xô viết tan rã cách đây 26 năm.
Bất chấp mối quan hệ có vẻ như ‘thân thiện’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế mạnh của ông Putin hiện nay không khích lệ ông hòa hoãn với Washington, đặc biệt giữa lúc cuộc điều tra vào cáo buộc rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đang đi vào giai đoạn quyết liệt.
Trên thế giới, các nhà lãnh đạo thân Putin đã đạt nhiều thắng lợi trong các cuộc bầu cử ở Ý và ở Đức hồi gần đây. Các nước phương Tây có phần chắc sẽ phải chứng kiến thêm các vụ tin tặc có liên kết với Nga, những lời tuyên truyền nhắm phá hoại bầu cử, hoặc làm tổn thương nền dân chủ- kể cả các cuộc bâu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ.
Ở trong nước, mỗi lần ông Putin kình chống lại phương Tây, thì y như rằng mức ủng hộ của dân chúng ở trong nước lại tăng cao, thế cho nên điều mà chúng ta sẽ chứng kiến là, Tổng thống Nga sẽ tiếp tục tung ra những lời lẽ cứng rắn với Hoa Kỳ mỗi khi phải đối diện với những mối đe dọa ở trong nước. Mặt khác, Nga càng trở nên táo bạo hơn trong những cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ về bất cứ điều gì có thể được coi là đi ngược lại các lợi ích của Moscow.
Tuyên bố của ông Putin cách đây vài tuần, rằng Nga đã phát triển các vũ khí hạt nhân có khả năng tránh lá chắn tên lửa của Mỹ, rõ ràng cho thấy quyết tâm của Putin muốn đẩy mạnh sức mạnh của Nga để trấn áp tinh thần các đối thủ.
Syria và mối đe dọa của các thành phần cực đoan
Các lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn đã đẩy bật nhóm Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi Syria, ông Putin lập luận rằng Nga đã xoay chiều cuộc chiến trong một cuộc xung đột đã gây nhức nhối cho các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại IS.
Giờ đây các lực lượng Syria được Nga yểm trợ đang tiến dần tới mục tiêu giành lại các cứ địa cuối cùng trong tay các lực lượng nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn.
Coi đó là một chiến thắng địa-chính-trị và quân sự trước hành động mà Nga cho là can thiệp bất hợp pháp vào tình hình Syria do các nước phương Tây lãnh đạo, Nga có phần chắc sẽ không triệt thoái khỏi Syria trong tương lai gần.
Nga và các nước láng giềng
Đối với người Nga, thắng lợi lớn nhất của ông Putin trong 18 năm cầm quyền là sáp nhập bán đảo Crimé và dập tắt tham vọng của Ukraine muốn xích lại gần EU và NATO.
Ông Putin tỏ ra bực dọc về các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ và các nước EU để trả đũa việc Moscow sáp nhập Crimé, nhưng dường như Moscow vẫn không sẵn sàng nhượng bộ để chấm dứt các biện pháp chế tài.
Ukraine bị chia cắt giữa một chính quyền bấp bênh ở Kiev và một khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn, cả hai trong tình trạng bế tắc giữa lúc cuộc xung đột phục vụ các quyền lợi của ông Putin. Cuộc chiến tuy đã tạm ngưng tại thời điểm này nhưng vẫn gây nhiều tử vong.
Các hành động của Moscow ở Ukraine là lời cảnh cáo đối với các nước trong phạm vi ảnh hưởng của nước Nga, rằng xích lại gần các nước phương Tây là điều nguy hiểm. Một số nước từng thuộc Liên bang Xô-viết cũ trong EU dần dà xoay chiều sang Moscow, từ Hungary và Ba Lan cho tới Cộng hòa Séc và Slovakia.
Đối với người Nga
Qua thắng lợi bầu cử kỳ này, trên lý thuyết ông Putin được ủy quyền để thực hiện các biện pháp cải cách táo bạo mà nước Nga cần thực hiện từ lâu để nâng cao mức sống, và tránh lệ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa.
Nhưng ông Putin đã thuyết phục cử tri Nga rằng các cải cách triệt để là nguy hiểm, và bảo vệ đất nước chống lại các mối đe dọa quan trọng hơn là cải thiện đời sống thường nhật.
Các chuyên gia tiên đoán ông Putin có thể thực hiện một vài thay đổi như mở rộng chương trình nhà ở giá rẻ, và chống các hành vi tham nhũng ở cấp địa phương.
Tuy nhiên khó có thể xảy ra những thay đổi lớn như cải cách hệ thống hưu bổng, vốn không được sự đồng tình của thành phần cử tri chủ lực ủng hộ ông Putin, hoặc cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực an ninh, là biện pháp không được sự ủng hộ của những người bạn và cựu đồng nghiệp của ông Putin từng làm việc cho KGB và giờ vẫn trong vòng thân cận với Tổng thống Putin.
Nước Nga đã trải qua một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 2 năm, mức lạm phát cũng như mức thâm hụt đang ở mức thấp. Nhưng thu nhập cá nhân vẫn dậm chân tại chỗ, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang suy sụp và nạn tham nhũng tràn lan.
Tương lai ông Putin
Dấu hỏi lớn nhất đối với người Nga trong 6 năm tới là điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Theo hiến pháp, ông Putin phải từ nhiệm vào năm 2024, tuy nhiên ông có thể đổi các quy định để loại trừ những điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền, hoặc ông sẽ bổ nhiệm một người kế nhiệm dễ uốn nắn và tiếp tục nắm quyền trong hậu trường.
Trả lời một câu hỏi trong cuộc họp báo đêm Chủ nhật, hỏi liệu ông có ra ứng cử Tổng thống một lần nữa vào năm 2030? Ông Putin, 65 tuổi, đáp:
“Thật là nực cười! Ông/bà nghĩ là tôi sẽ ngồi đây cho tới khi lên 100 tuổi à?”.
Tổng Thống Putin trả lời câu hỏi liệu ông có ra ứng cử vào năm 2030?
Thủ lãnh đối lập Alexei Navalny, đối thủ đáng gờm nhất của Putin, trong thời gian tới sẽ đối mặt với thêm áp lực từ các cấp chính quyền trong khi ông tìm cách phơi bày các hành vi tham nhũng và những lời nói dối của chính quyền.
Những đối thủ khác của ông Putin như ứng cử viên Ksenia Sobchak và ông Mikhail Khodorkovsky, nhà tài phiệt trở thành nhà bất đồng chính kiến, sẽ tìm cách tìm lại chỗ đứng trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc hội sắp tổ chức.
Một số nhân vật trong vòng thân cận với ông Putin sẽ chen chân dành chỗ đứng một khi ông không còn tham chính.
Ngoài ra, ông Putin có thể sẽ hồi sinh các nỗ lực nhằm cổ vũ cho trí tuệ nhân tạo như một phần trong nỗ lực vận động thế hệ trẻ, bởi vì có thu phục được thành phần này, thì ông Putin mới đảm bảo di sản ông để lại sẽ trường tồn sau khi ông không còn nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/trong-doi-gi-o-putin-va-mot-nuoc-nga-troi-day/4305345.html
Ca khúc khải hoàn,
Putin thêm sức mạnh đối đầu với Tây phương
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 4 với gần 77% số phiếu. Tỷ lệ cao hơn dự báo cho phép chủ nhân điện Kremlin « tự tin » hơn vào lúc quan hệ giữa chính quyền Nga và Tây phương rơi vào khủng hoảng, theo phân tích của AFP và giới chuyên gia.
Lèo lái 145 triệu dân và một lãnh thổ rộng nhất thế giới từ 18 năm qua với tư cách khi là tổng thống, lúc là thủ tướng, cựu trung tá KGB Vladimir Putin vừa thực hiện một kỷ lục của bản thân trong một cuộc bầu cử tổng thống, vượt lên trên mọi dự báo của viện thăm dò chính thức: 76,67%. Chiến thắng này là tín hiệu của « lòng tin tưởng và niềm hy vọng của dân tộc», tổng thống Nga nhận định như vậy.
Bỏ xa các đối thủ còn lại một khỏang cách dài, đại diện của đảng Cộng sản, Pavel Grounidine về nhì với 11,79%, Vladimir Putin hơn bao giờ hết, xứng đáng là người của thời thế, thời thế của nước Nga, tiếp tục lãnh đạo đến năm 2024, lúc 72 tuổi. Chính ông đã đưa nước Nga rối loạn của thời Boris Eltsine, trở lại ngôi vị đại cường trên trường quốc tế, sau bao thủ đoạn chính trị bén nhạy và chiến lược quân sự táo bạo với cái giá là gây căng thẳng chưa từng thấy với Tây phương, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Khởi đầu từ cuộc chiến Syria, khủng hoảng Ukraina và nghi án Nga can thiệp làm thay đổi cục diện bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, xung khắc Đông-Tây trở thành nghiêm trọng hơn từ khi Luân Đôn tố cáo Matxcơva đầu độc một cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh Quốc.
Giữ thái độ im lặng trong suốt hai tuần, từ ngày 04/03 khi xảy ra vụ mưu sát cựu trung tá Serguei Skripal và người con gái, cho đến chủ nhật, ngày bầu cử, tổng thống Putin mới phản ứng. Ông chỉ trích chính phủ Anh « cáo buộc nhảm » nhưng hứa là « sẵn sàng hợp tác » với Luân Đôn để điều tra.
Gian lận ?
Về phần đối lập Nga, thiếu vắng lãnh tụ từ khi cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov bị ám sát trong điều kiện mờ ám vào tháng 02/2015, và luật sư Alexei Navalny bị tư pháp Nga cấm ứng cử, một quyết định “chính trị “ theo tố cáo của nạn nhân – phe phản kháng cũng thất bại trong cuộc vận động tẩy chay bầu cử. Tỷ lệ cử tri đi bầu lên đến 67% hơn cuộc bầu cử lần trước gần 5 điểm.
Đối lập Nga và tổ chức phi chính phủ giám sát bầu cử GOLOS cho biết có ít nhất 2900 vụ gian lận thêm phiếu cho Putin và nâng tỷ lệ tham gia . Ngay cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, được Putin cho phép tạm cư sau vụ đánh cắp tài liệu mật và bị tư pháp Mỹ truy nã, cũng xác định là có nhiều vụ gian lận để làm tăng tỷ lệ cử tri đi bầu. Edward Snowden còn phổ biến hình ảnh video cáo buộc và kêu gọi người Nga « đòi hỏi công lý, nắm lấy vận mệnh ».
Thắng lớn, nhờ Tây phương, để tiếp tục đấu với Tây phương
Nhưng vận mệnh của Nga không nằm trong phe dân chủ mà ở trong tay Putin.
Phát ngôn viên của ban vận động tranh cử của Putin tuyên bố “cám ơn Anh Quốc vì một lần nữa người Anh không hiểu tâm lý người Nga”. Thượng nghị sĩ Alexei Pouchkov cũng cùng nhận định : “Công kích Putin chỉ gây tác dụng ngược tại Nga”.
Báo mạng Politika Segodnia, trích lời chuyên gia Vladimir Chapovarov cùng nhận định: “Không có động cơ nào đủ sức huy động cử tri Nga bằng mối đe dọa toàn diện hay từ Tây phương. Hệ quả là những năm đầu của nhiệm kỳ mới sẽ được tập trung đối kháng với Tây phương”.
Các thủ đô Tây Âu khá chậm chạp trong việc chúc mừng tổng thống Nga. Thủ tướng Đức thông báo “sẽ chúc mừng và nói lên những thách thức”. Paris, qua thông báo của bộ ngoại giao Pháp, tuyên bố “không nhìn nhận lá phiếu bầu ở Crimée”.
Trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp khó khăn và bị trừng phạt, tổng thống Putin không thiếu lập luận, do Tây phương vô tình cung cấp, để huy động đa số dân Nga ủng hộ triệt để, trừ những ai không muốn thấy nước Nga biến thành pháo đài.
Hiến pháp Nga không cho phép tổng thống ở quá hai nhiệm kỳ. Liệu 6 năm nữa, Putin có tái diễn chiến thuật đổi ghế hay không ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180319-tai-dac-cu-ve-vang-putin-them-suc-manh-doi-dau-voi-tay-phuong
Trung Quốc công bố nội các mới
Quốc Hội Trung Quốc ngày 19/03/2018 thông qua việc bộ nhiệm thành phần nội các mới. Các nhân vật thân tín nhất với chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ các vi trí then chốt trong ban cố vấn kinh tế.
Theo hãng tin Reuters, nhờ có lập trường cứng rắn, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông, ông Vương Nghị (Wang Yi), 65 tuổi, tiếp tục đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc và được thăng chức Ủy Viên Quốc Vụ Viện, nắm giữ hai vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực này. Làm ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013, ông Vương Nghị thạo tiếng Nhật và cũng từng là đại sứ Trung Quốc ở Tokyo, là chủ tịch Văn Phòng Sự Vụ Đài Loan.
Trong ban lãnh đạo mới, ngoài chức ngoại trưởng, ông Vương Nghị còn là một trong 5 ủy viên Quốc Vụ Viện đặc trách về chính sách đối ngoại, thay thế một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm khác của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi). Biển Đông, quan hệ Mỹ -Trung và hạt nhân Bắc Triều Tiên là ba hồ sơ lớn chờ đợi ông Vương Nghị.
Riêng về kinh tế, các nhân vật thân tín với chủ tịch Tập Cận Bình được cất nhắc vào các vị trí then chốt. Ông Lưu Hà (Liu He), 66 tuổi, cố vấn kinh tế của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu, hôm nay được chỉ định vào chức vụ phó thủ tướng. Ở cương vị này ông sẽ là người cầm lái chính sách kinh tế của Trung Quốc. Tốt nghiệp trường Harvard nổi tiếng ở Hoa Kỳ, có uy tín trên trường quốc tế, là những ưu điểm đưa ông Lưu Hà vào chức vụ này. Những thách thức đặt ra cho nhà kinh tế gia có uy tín này của Trung Quốc là : giải quyết vấn đề nợ nần chồng chất, tương đương với 250 % GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và nhất là tránh để nổ ra chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Trái với một số dự báo trước đây, ông Lưu Hà không kiêm luôn cả chức thống đốc Ngân Hàng Trung Ương. Chức vụ này thuộc về tay ông Dịch Cương (Yi Gang). Ông này được bổ nhiệm trong bối cảnh Cực Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ lại tăng lãi suất chỉ đạo vào ngày 21/03/2018, gây tác động đến kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến từ giá đồng đô la Mỹ đến xuất nhập khẩu của thế giới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180319-trung-quoc-cong-bo-noi-cac-moi
Trung Quốc thăng chức cho Bộ trưởng Ngoại giao
và chọn tân Bộ trưởng Quốc phòng
Trung Quốc vào ngày 19 tháng 3 đã đề bạt đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vào cương vị Ủy Viên Quốc Vụ Viện. Ngoài ra Bắc Kinh cũng chọn tân Bộ trưởng Quốc phòng là ông Ngụy Phượng Hòa.
Tin cho biết ngoại trưởng Vương Nghị , 64 tuổi, thay thế ông Dương Khiết Trì. Trong khi ông Dương được cho rằng có mối quan hệ tốt với những quan chức trước đây của Mỹ, thì vẫn chưa rõ ông Vương Nghị, người từng có thời gian làm đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, sẽ điều hành mối quan hệ nhạy cảm với Hoa Kỳ ra sao khi mà căng thẳng thương mại đôi bên ngày càng tăng cao.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với những chỉ trích quốc tế về hoạt động xây dựng những đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông và những căn cứ đó có khả năng dung chứa trang thiết bị quân sự.
Chính quyền Bắc Kinh vào ngày 19 tháng 3 cũng nêu danh tướng Ngụy Phượng Hòa, 64 tuổi, làm Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc.
Ông này từng là người đứng đầu đơn vị tên lửa chiến lược của quân đội Hoa Lục và được cho là nhân vật đóng một vai trò chính yếu trong nỗ lực cải tổ quân đội do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Hồi đầu tháng ba vừa qua, Bắc Kinh cho công bố mức tăng 8,1% ngân sách quốc phòng cho năm 2018. Mục tiêu của biện pháp này được nhận định nhằm hiện đại hóa quân đội và gia tăng khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Hai ông Vương Nghị và Ngụy Phượng Hòa nằm trong số những chỉ định được quốc hội Trung Quốc thông qua. Trong số này có ông Dịch Cương được chọn là tân Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc.
Campuchia tập trận chung 17 ngày với Trung Quốc
Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chính thức bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 17 ngày mang tên “Golden Dragon 2018” (Rồng Vàng 2018). Cuộc tập trận chung bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 vừa qua.
Tham dự cuộc tập trận này gồm 280 binh sĩ Campuchia và 216 binh sĩ Trung Quốc.
Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra ở tỉnh Kampong Speu, Campuchia, bao gồm nhiều hoạt động như rà phá mìn, chống vũ khí hóa học, giải cứu con tin và chống khủng bố.
Cuộc tập trận Rồng Vàng 2018 giữa hai phía có chủ đề “Chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”. Sau hai ngày chuẩn bị, cuộc tập trận được chính thức khai mạc với bài phát biểu của Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, tướng Polar Sarafan và Thiếu tướng Trương Tiễn (Zhang Jian) – chỉ huy Chiến khu Nam Bộ trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tướng Pol Saroeun, chỉ huy trưởng quân đội Campuchia, nói cuộc tập trận nhằm kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, và củng cố “quan hệ truyền thống, tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai nước”.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia, và đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng của nước này. Tướng Pol Saroeun nói: “Sự ủng hộ lớn lao về tinh thần, ủng hộ phương tiện và tài trợ của người bạn lớn Trung Quốc đã giúp Campuchia phát triển nhanh chóng”.
Trung Quốc và Campuchia từng có cuộc tập trận chung hải quân hồi năm 2016, và qua năm 2017, Campuchia đã ngưng vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ, với lý do quá bận tổ chức những cuộc bầu cử.
Mỹ truy tìm kẻ đánh bom ở Texas, treo thưởng 115 nghìn đôla
Hai thanh niên đi xe đạp đã bị thương trong một vụ nổ bom, có thể đã được kích nổ bởi dây dẫn, tại Austin, thủ phủ của bang Texas, Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết hôm 19/3. Đây là vụ nổ thứ 4 trong tháng này tại đây. Ba vụ nổ bom thư trước đó đã làm thiệt mạng hai người.
Hai thanh niên trong độ tuổi 20 chỉ bị thương, không nguy hiểm đến tính mạng và được đưa tới bệnh viện hôm 18/3, sau khi họ phát hiện ra một thiết bị đáng ngờ bên vệ đường trong một khu dân cư ở phía tây thành phố, Cảnh sát trưởng Austin, Brian Manley, cho biết tại cuộc họp báo.
Cảnh sát Manley cho biết, quả bom nhiều khả năng đã được kích hoạt khi một người nào đó nắm, đá trúng hay chạm vào dây dẫn, khác với các vụ nổ trước đó, bom được kích hoạt khi có người cầm vào bưu kiện đặt trước nhà.
Cảnh sát Austin kêu gọi cộng đồng “cảnh giác cao” và chú ý khi thấy bất cứ thiết bị đáng ngờ nào.
“Thiết bị có thể có cơ chế kích hoạt khác nhau nên chúng tôi muốn đưa nó đi khỏi càng sớm càng tốt”, ông Manley nói.
Cư dân khu vực lân cận cách nơi xảy ra vụ nổ vài dặm được thông báo nên ở trong nhà.
“Chúng tôi đang tìm hiểu về giả thuyết cho rằng các vụ này có liên hệ với nhau”, cảnh sát Manley nói.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Kiểm soát Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ Hoa Kỳ (ATF) đã có mặt tại hiện trường.
Các nhà điều tra vẫn đang truy tìm thủ phạm đứng sau 3 vụ nổ bom thư tại ba khu phố phía đông của thành phố, giết chết 2 người đàn ông Mỹ gốc Phi và khiến 1 phụ nữ gốc Tây Ban Nha 75 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch.
Sáng 18/3, cảnh sát Austin nói bất cứ ai chịu trách nhiệm về những quả bom trên đang cố gắng gửi đi một thông điệp và hãy liên lạc với cơ quan chức năng để giải thích về động cơ của mình.
“Chúng tôi sẽ không hiểu điều đó (thông điệp) cho đến khi nghi can liên lạc để nói chuyện với chúng tôi về nội dung những thông điệp đó là gì”, cảnh sát Manley nói.
Ông Manley cho biết cảnh sát cũng đang điều tra về khả năng các vụ đánh bom có thể do thái độ thù ghét.
Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra vào ngày 2/3, giết chết Anthony Stephan House, một người đàn ông da đen 39 tuổi. Quả bom đã làm thủng tường nhà và hỏng cửa trước.
Một quả bom khác nổ vào sáng 12/3 đã giết chết Draylen Mason, một thiếu niên người Mỹ gốc Phi 17 tuổi, được xem là một nhạc sĩ đầy tiềm năng. Vụ nổ cũng làm bị thương mẹ của thiếu niên này.
Vài giờ sau, một vụ đánh bom thứ ba gây thương tích cho người phụ nữ gốc Tây Ban Nha 75 tuổi.
Cảnh sát đã nhận được hơn 735 cuộc gọi về các gói hàng đáng ngờ kể từ khi xảy ra ba vụ đánh bom thư, nhưng nhà chức trách không phát hiện ra bất cứ mối nguy an ninh nào, theo lời ông Manley.
Cảnh sát đã thông báo phần thưởng 115.000 đôla cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ và truy tố thủ phạm.
https://www.voatiengviet.com/a/my-truy-tim-ke-danh-bom-o-texas-treo-thuong-115000-dola/4305266.html
Úc và ASEAN thỏa thuận hợp tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Ngoại trưởng Úc hôm nay 19/03/2018 cho biết: Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Úc- ASEAN tại Sydney, Úc đã thỏa thuận với Hiệp Hội Đông Nam Á về việc xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở đường ống dẫn dầu trong khu vực.
Thông cáo của ngoại trưởng Úc Julia Bishop khẳng định việc triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu chất lượng cao sẽ giúp thu hút đầu tư lớn của cả tư nhân cũng như Nhà Nước trong khu vực.
Theo một thông tin gần đây của trang mạng l’Australian Financial Review, các nước như Úc , Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang tìm giải pháp để làm đối trọng trong khu vực với dự án “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đang đổ vào hơn trăm tỷ đô la nhằm kiểm soát thương mại toàn cầu.
Phát ngôn viên ngoại giao Úc hôm nay giải thích thỏa thuận chỉ là ssng kiến của ASEAN và không nhằm “chống Trung Quốc”.
Cuối tuần qua, Úc đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo chính phủ các nước ASEAN nhằm thắt chặt hợp tác khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng để khống chế vùng Biển Đông.
Tuy nhiên thông cáo chung của cuộc gặp thượng đỉnh Úc-ASEAN cũng chỉ đưa ra lời kêu gọi chung chung các bên “kiềm chế” để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180319-uc-va-asean-thoa-thuan-hop-tac-dau-tu-vao-co-so-ha-tang
Syria: Afrin rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ
sau gần 2 tháng bị tấn công
Tại Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh là lực lượng nổi dậy Syria cuối cùng đã tràn vào thành phố Afrin từ sáng ngày 18/03/2018 mà không gặp sự kháng cự nào đáng kể của lực lượng người Kurdistan. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể thở phào nhẹ nhõm với chiến thắng mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là quân sự này.
Thông tín viên RFI tại Istanbul Alexandre Billette phân tích :
Phải mất 57 ngày, đội quân lớn thứ 2 của NATO mới kiểm soát được thành phố Afrin của Syria, nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 20 km. Như vậy là quá lâu so với mục tiêu ban đầu của Ankara là một chiến dịch chớp nhoáng.
Dù sao thì đây là một chiến thắng cho tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trước tiên là đối với dư luận Thổ Nhĩ Kỳ: sau khi đã thông báo chiến dịch tấn công Afrin gần như là một cuộc chiến giải phóng đất nước, tổng thống Erdogan cần phải có kết quả cụ thể.
Sau đó là đối với Syria, Ankara đã cắm chân và giờ có thể nhăm nhe, dù mới chỉ là lời nói, triển khai quân đội sâu hơn về phía đông, dọc biên giới với Syria. Thập chí Ankara còn tính cắm chân lâu dài trong khu vực ngoài tầm kiểm soát của Damas, hiện đang do quân nổi dậy Syria, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Tóm lại, với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, lợi ích trước mắt của thắng lợi này rất quan trọng. Vấn đề còn lại là xem Ankara xử lý ra sao sự hiện diện của quân đội trên lãnh thổ nước ngoài và liệu lực lượng Kurdistan có phản công trở lại như họ hứa là sẽ giải phóng thành phố hay không.
Tây Ban Nha: Phe chống Catalunya độc lập xuống đường
Gần 6 tháng từ sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập với Tây Ban Nha, chiều ngày 18/03/2018, hàng ngàn người dân Catalunya tràn ngập đường phố Barcelona, đòi chấm dứt tình trạng tê liệt chính trị hiện nay. Sau cuộc bầu cử cấp vùng hôm 21/12/2017 với phe đòi ly khai thắng thế, Catalunya vẫn chưa thành lập được hội đồng cấp vùng. Các nhà lãnh đạo đòi ly khai phải sống lưu vong, hay đang bị cầm tù. Là vùng đất giàu có nhất của Tây Ban Nha, chính trị và kinh tế Catalunya bị bế tắc.
Thông tín viên RFI Laeticia Farine từ Barcelona,thủ phủ Catalunya, tường thuật về cuộc biểu tình chiều qua của phe chống tách rời khỏi Tây Ban Nha :
Trước cửa nhà ga mang tên Gare de France, người biểu tình tập hợp với khẩu hiệu “Bây giờ, hơn bao giờ hết, cần phải khôn ngoan”. Theo kêu gọi của hiệp hội chống Catalunya độc lập, mọi người cầm cờ Tây Ban Nha, Catalunya và châu Âu. Dẫn đầu đoàn biểu tình là những người chủ trương ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha và có cả một vị khách mời đặc biệt là cựu thủ tướng Pháp, Manuel Valls. Một lần nữa ông Valls bày tỏ quan điểm yểm trợ Madrid.
Kể từ sau cuộc bầu cử cấp vùng, hôm 21/12//2017 phe đòi ly khai vẫn không tìm được đồng thuận để chỉ định người đứng đầu chính phủ cấp vùng, ngoài những nhân vật hoặc là đang bị tam giam, hoặc trong tầm ngắm của tư pháp về tội xúi giục nổi loạn.
Một người biểu tình, 54 tuổi, Jésus Lazaro cho rằng, giải pháp duy nhất để thoát khỏi bế tắc hiện nay là tổ chức bầu cử lại. Ngày nào mà vùng Catalunya chưa có người lãnh đạo, vùng lãnh thổ này vẫn còn được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương tại Madrid.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180319-tay-ban-nha-phe-chong-catalunya-doc-lap-xuong-duong
TT Mỹ cực lực đả kích
công tố viên điều tra vụ Nga can thiệp bầu cử
Trong suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua, Donald Trump, qua mạng xã hội Twitter, đã không ngần ngại chỉ trích mạnh mẽ công viên đặc biệt Robert Mueller và nhóm cộng sự đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Thậm chí ông còn yêu cầu đã đến lúc phải chấm dứt cuộc điều tra. Liệu công tố viên đặc biệt Mueller có thể bị truất quyền điều tra về vụ này ?
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier cho biết thêm thông tin :
Từ tối thứ Sáu, 16/03, Donald Trump đã bày tỏ công khai sự phẫn nộ. Điều làm mọi người đặc biệt chú ý là ông tỏ ra không coi trọng tiến trình điều tra của tư pháp và bất chấp sự lo ngại tại Nhà Trắng.
Với vài hàng tin trên Twitter và đôi khi dựa theo những bình luận của Fox News, đài truyền hình cáp quang ủng hộ ông, Donald Trump đã chỉ trích các nhân viên hàng đầu của FBI, tố cáo một cuộc săn đuổi phù thủy, đánh giá thấp công tố viên đặc biệt Mueller và nhóm điều tra.
Phải chăng Donald Trump thực sự tin là có một mưu đồ chính trị rất lớn mà ông là nạn nhân ? Liệu ông có thể đi đến mức cho bãi nhiệm công tố viên đặc biệt đang điều tra về chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016 và do vậy sẽ điều tra về ông và nhóm cộng sự. Một trong những luật sư của Donald Trump, hôm thứ Bẩy, 17/03 đã đưa ra ý kiến này.
Tuy nhiên, việc bãi nhiệm là điều phức tạp về mặt kỹ thuật và quyết định này có thể bị coi là một dạng thú tội. Trong mọi trường hợp, trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, căng thẳng đã tăng thêm một nấc.
Một thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa cảnh báo là nếu Donald Trump tìm cách sa thải công tố viên đặc biệt Mueller, thì đó sẽ là bước khởi đầu chấm dứt nhiệm kỳ của ông ta.
Cựu lãnh đạo FBI, bị tổng thống sa thải, đã hứa sắp tung ra nhiều tiết lộ. Còn một cựu giám đốc CIA cho rằng ông Trump sẽ kết thúc sinh mạng chính trị của mình trong thùng rác lịch sử.
Trong lúc đó, tổng thống Mỹ lại thành công một việc: Lôi kéo được mọi người vào trò chơi mạt sát nhau. Phải chăng đó là mục đích của ông
Bình Nhưỡng chuẩn bị thả ba công dân Mỹ
Bắc Triều Tiên đang đàm phán với Hoa Kỳ và Thụy Điển về lịch trình trả tự do cho ba công dân Mỹ bị chế độ Bình Nhưỡng giam cầm. Tin này được truyền thông tiết lộ trong bối cảnh ngoại giao sôi động với nhiều tín hiệu được cho là để chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5.
Trước hết, đài truyền hình Hàn Quốc MBC, trong bản tin chủ nhật 18/03/2018 cho biết Bình Nhưỡng và Washington « sắp hoàn tất thỏa thuận » trả tự do cho ba công dân Mỹ gốc Hàn đang bị cầm tù tại Bắc Triều Tiên. Hai bên đang sắp xếp « lịch trình » thả các ông Kim Dong Chul, Kim Hak Song và Tony Kim .
Kim Dong Chul là giáo sĩ Tin Lành bị kết án 10 năm khổ sai vào năm 2016. Hai người kia là nhà giáo làm việc tại Đại Học Khoa học Công Nghệ Bình Nhưỡng, bị giam từ năm 2017 với cáo buộc có « hành động thù nghịch ». Đàm phán diễn ra giữa bộ ngoại giao Mỹ và phái bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, qua kênh “New York”, theo thuật ngữ của giới thạo tin.
Cùng ngày, đài truyền hình Mỹ CNN cho biết thêm, hồ sơ tù nhân Mỹ, cũng được đề cập đến trong ba ngày thảo luận tại Stockholm giữa ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho và ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom. Là đại diện quyền lợi của Hoa Kỳ tại Bình Nhưỡng, Thụy Điển đặt vấn đề này với Bắc Triều Tiên để thúc đẩy mọi việc « đi đúng hướng », theo giải thích của CNN.
Song song với các nỗ lực này, theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia của ba chính phủ Mỹ, Nhật, Hàn là H.R Master, Shotaro Yachi và Chung Eui Yong đã gặp nhau vào cuối tuần qua tại San Francisco để cùng « phối hợp chặt chẽ » chiến lược chung cho những tuần lễ tới. Ba vị cố vấn này cam kết « không để tái phạm sai lầm trong quá khứ » đã đưa đến thất bại trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thời Clinton và Bush.
Còn theo ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha, lãnh đạo Bắc Triều Tiên « đang điều nghiên tình hình » sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump « bất ngờ » nhận lời mời hội kiến.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180319-binh-nhuong-chuan-bi-tha-ba-cong-dan-nguoi-my
Philippines: Chánh án Tối Cao Pháp Viện bị đe dọa truất phế
Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Philippines ngày 19/03/2018 đã biểu quyết về khả năng truất phế chánh án Tối Cao Pháp Viện Philippines, bà Maria Lourdes Sereno. Thêm một tiếng nói đối lập với tổng thống Duterte bị đe dọa.
Thông tín viên Marianne Dardard từ thủ đô Manila giải thích.
“Bị cáo buộc gian lận thuế khóa, bà Maria Lourdes Sereno vốn là một vị chánh án được mọi người kính nể, nay đang bị dồn vào thế phải ra đi, sau khi bà đã chỉ trích chính quyền.
Về phía ông Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng ông có liên quan đến vụ này, cho dù, trước đây ông từng buông lời đe dọa trực tiếp lãnh đạo Tòa Án Tối Cao.
Bên Thượng Viện cho biết sẽ xem xét đơn đòi truất phế chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Philippines trước tháng 7/2018. Điều đó có nghĩa là về thực chất bà Maria Lourdes Sereno đã bị gạt ra bên lề. Trước đây, một tiếng nói khác chống đối tổng thống Duterte là bà thượng nghị sĩ Leila de Lima đã bị tống giam do đòi mở điều tra về các vụ giết người ngoài vòng pháp lý trong khuôn khổ chiến dịch bài ma túy do tổng thống Rodrigo Duterte đề xuất.
Qua việc chánh án Tối Cao Pháp Viện bị gạt ra bên lề, đối lập Philippines lên án một biện pháp thanh lọc do chính quyền tiến hành và cho rằng tính độc lập của Tư Pháp bị đe dọa. Nhất là trong bối cảnh Tòa Án Hình Sự Quốc Tế bắt đầu cứu xét hồ sơ liên quan đến tổng thống Philippines ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180319-philippines-chu-tich-toi-cao-phap-vien-bi-de-doa-truat-phe
Donald Trump bảo hộ mậu dịch: Món hẩu cho Bắc Kinh?
Ngày 08/03/2018, Donald Trump đã ký sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Một số nguồn tin thân cận với giới chức có thẩm quyền còn tiết lộ là Washington dự trù áp đặt các hạn chế trên đầu tư Trung Quốc và đánh thuế trên một loạt các sản phẩm từ Trung Quốc. Cho dù vậy, tuần báo Pháp Courrier International ngày 15/03 đã trích dẫn tuần báo Mỹ Bloomberg Businessweek (New York)cho rằng : xu hướng bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ rốt cuộc chỉ làm lợi cho Trung Quốc.
Lý do mà tờ báo nêu ra rất đơn giản : Khi đánh thuế nhập khẩu trên thép và nhôm, Washington đã quay lưng lại các nước thân hữu mà lẽ ra Mỹ nên liên minh để ngăn chặn Trung Quốc.
Nhôm thép Mỹ đúng là bị Trung Quốc đe dọa
Theo tờ báo Mỹ, phải công nhận rằng lập luận của Donald Trump có điểm đúng. Đó là ngành thép và nhôm của Mỹ đã thực sự bị sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc tàn phá.
Đối mặt với áp lực quốc tế, Bắc Kinh đã đóng cửa một số nhà máy thép, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006, bất chấp việc công bố nghị định đẩy mạnh việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp có năng suất dư thừa. Đối với nhôm, toàn cảnh cũng tương tự.
Donald Trump và giới thân cận với ông cũng đúng trên một điểm khác: sức mạnh kinh tế là một vấn đề an ninh quốc gia. Đây là một vấn đề mà rõ ràng là Trung Quốc đã hiểu hơn cả Hoa Kỳ.
Bắc Kinh thường buộc các công ty nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc là phải chuyển giao tài sản trí tuệ – điều quý giá nhất của của họ – cho Trung Quốc. Chương trình « Made in China 2025 » của Bắc Kinh có cao vọng phát triển năng lực quốc gia trong một loạt công nghệ tiên tiến để giảm lệ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng như Mỹ và Nhật Bản.
Đối với tờ Businessweek, cần phải công nhận giá trị của những lập luận nói trên, chứ không nên chỉ xem việc áp thuế là biện pháp câu phiếu cử tri hay phô trương cơ bắp…
Trung Quốc tạo ra vấn đề nhôm thép, nhưng Trump làm Mỹ bị chê trách
Có điều là việc đánh thuế nhôm thép có một hệ quả nghiêm trọng : Chính vì tổng thống Donald Trump mà sự chê trách của thế giới lại chĩa vào Hoa Kỳ, chứ không phải là vào Trung Quốc.
Viện lý do an ninh quốc gia để biện minh cho sắc thuế trên kim loại, đã vẽ đường cho các nước khác cũng làm như vậy, đồng nghĩa với việc rút đi sợi chỉ đầu tiên của mạng lưới các hiệp định thương mại mà người Mỹ đã phải mất hàng chục năm trời mới dệt nên được.
Và việc áp dụng các rào cản thuế quan đó đối với tất cả các nước, như ông Trump đã đe dọa, có nguy cơ là làm suy yếu mặt trận thống nhất của các đối tác thương mại của Washington, một mặt trận cần thiết để đối phó với Trung Quốc và buộc họ phải thay đổi thái độ. Roland Rajah thuộc Viện Lowy tại Úc phân tích:
« Sáng kiến đánh thuế sẽ bị coi là bằng chứng mới nhất và rõ ràng nhất là nước Mỹ của ông Trump không phải là đối tác kinh tế đáng tin cậy ».
Những người chống lại biện pháp đánh thuế luôn nhắc lại rằng Trung Quốc chỉ là nhà cung cấp thép thứ 11 của Mỹ, và đứng thứ 4 về nhôm. Theo Tom Orlik, chuyên gia bộ phận kinh tế của hãng Bloomberg, thuế nhôm thép của Mỹ là một đe dọa ở mức « không phần trăm » đối với nền kinh tế Trung Quốc…
Nguy cơ chiến tranh thương mại lộ rõ giữa Mỹ và đồng minh
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, ngày 02/03 đã có tuyên bố theo phong cách Donald Trump : « Chúng ta sẽ áp đặt thuế đối với các hàng nhập (từ Mỹ) như mô tô Harley-Davidson, rượu Bourbon, quần jean Levi. Chúng ta cũng có thể ngu ngốc như họ. Chúng ta phải ngu ngốc như vậy ».
Tổng thống Mỹ đã đáp trả, dĩ nhiên là trên Twitter, là nếu châu Âu dùng biện pháp trả đũa, Hoa Kỳ cũng sẽ làm như vậy bằng cách đánh thuế, lần này là trên ô tô nhập khẩu.
Ngày 05/02, Donald Trump đã nói trên Twitter rằng Canada và Mexico có thể được miễn thuế nếu chấp nhận đàm phán lại một Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA « mới và đúng đắn ». Tuyên bố này rủi thay đã làm suy yếu lập luận đánh thuế là vì nhu cầu an ninh quốc gia.
Vào lúc mà các lãnh đạo phương Tây đang chơi trò ai sẽ là người người ngốc nhất, thì Trung Quốc vẫn tương đối kín đáo, đúng như phương châm mà Napoléon từng nêu lên : « Không bao giờ làm gián đoạn công việc của kẻ thù đang phạm sai lầm ».
Quan điểm thô thiển về thương mại
Nếu Donald Trump không ngừng tấn công các đồng minh của mình, đó là do quan niệm của ông, theo đó thương mại là một cuộc chiến, tức là dứt khoát phải có kẻ thua. Trong quan điểm kinh tế của Trump, xuất khẩu là tốt còn nhập khẩu là xấu. Sự tồn tại của thâm hụt thương mại là bằng chứng cho thấy đối tác chơi xấu.
Trong thực tế, một giao dịch quốc tế là một quan hệ có lợi cho cả hai bên, bằng không thì sẽ không có giao dịch. Đối với mọi quốc gia, có thặng dư thương mại với đối tác này và thâm hụt với đối tác khác là một điều bình thường. Chẳng hạn như mỗi hộ gia đình đều có một “thâm hụt thương mại” với các siêu thị, các bác sĩ hoặc nha sĩ, và “thặng dư” với ông chủ trả lương.
Nói như vậy, nhưng việc Hoa Kỳ thường xuyên bị thâm hụt với phần còn lại của thế giới là một điều không lành mạnh. Các hiệp định thương mại tốt hơn có thể Mỹ giúp giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ các rào cản đối với hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Hoa Kỳ. Trên điểm này thì Donald Trump có lý.
Nhưng vấn đề là những khoản thâm hụt lại bắt nguồn từ việc người Mỹ không tiết kiệm để có đầu tư cần thiết vào công nghiệp, nhà ở, đường xá… : Nước Mỹ đi vay vốn để tiêu dùng, thay vì chi trả nhập khẩu với tiền thu nhờ xuất khẩu.
Tiền lệ không hay khi viện đến an ninh quốc gia
Đối với Bloomberg Businessweek, khi viện đến an ninh quốc gia, Hoa Kỳ đã đặt ra một tiền lệ không hay. Theo bà Nicole Lamb-Hale, nguyên trợ lý bộ trưởng Thương Mại trong chính quyền Obama và hiện là giám đốc một bộ phận trong văn phòng tư vấn tình báo kinh tế Kroll : « Lý do an ninh quốc gia thường chỉ được viện ra trong những trường hợp ngoại lệ… Các nước khác giờ đây có thể tự nhủ : “Nếu Hoa Kỳ làm như vậy, chúng ta cũng có thể làm như vậy” ».
Khi lớn tiếng đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại, Trump đã làm phức tạp công tác phối hợp cần thiết để đối phó với các chính sách đầu tư và thương mại mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.
Năm ngoái 2017, Jean Claude Juncker đề xuất một hệ thống cấp châu Âu để truy nguyên nguồn gốc các khoản đầu tư trực tiếp vào châu Âu. Về phần mình, Australia đã tiến hành kiểm kê cơ sở hạ tầng nhạy cảm của mình để đánh giá tốt hơn những rủi ro mà việc bán [cho người nước ngoài] các tài sản nhất định có thể đe dọa an ninh của đất nước.
Hoa Kỳ từ nay có nguy cơ mất ưu thế đạo đức trong thương mại và đầu tư. Washington đã cáo buộc Trung Quốc trong nhiều năm là sử dụng an ninh quốc gia như là một cái cớ. Daniel Rosenthal, một chuyên gia về vấn đề này của văn phòng tư vấn Kroll, đã than là Mỹ « đang làm mất uy tín của mình bởi vì bây giờ Mỹ cũng làm y như Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180319-donald-trump-bao-ho-mau-dich-mon-hau-cho-bac-kinh