Tin khắp nơi – 18/03/2018
AP: McCabe đã giao nộp ghi chú về Trump
cho đội ngũ của Mueller
Andrew McCabe, cựu phó giám đốc FBI bị Tổng thống Donald Trump đả kích và vừa bị bộ trưởng tư pháp sa thải, đã giao cho đội ngũ điều tra viên của công tố viên đặc biệt Robert Mueller những ghi chú cá nhân mô tả những tương tác với tổng thống tương tự như những ghi chú của cựu giám đốc FBI bị sa thải James Comey, AP loan tin.
Ông Mueller và các điều tra viên của ông đang điều tra những liên hệ giữa ban vận động tranh cửa của ông Trump với Nga và hành vi cản trở công lí khả dĩ.
Những ghi chú của ông McCabe bao gồm những chi tiết về những lần tiếp xúc của riêng ông với tổng thống. Những ghi chú này cũng kể lại các cuộc nói chuyện khác nhau giữa ông với ông Comey, người đã ghi chép lại các cuộc gặp gỡ với ông Trump khiến ông cảm thấy bất an, AP dẫn lời một người biết trực tiếp về tình hình nhưng không được phép nói về các ghi chú này một cách công khai và phát biểu trong điều kiện ẩn danh.
Dù không rõ chính xác ông McCabe viết gì trong những ghi chú này, chúng có thể giúp chứng thực tuyên bố của ông McCabe rằng ông đã bị Nhà Trắng bôi nhọ trong điều mà ông nói là một “cuộc chiến” của họ nhắm vào cuộc điều tra của FBI và ông Mueller. Hầu như chắc chắn, các ghi chú này, cũng như các ghi chú của ông Comey, có những chi tiết mà trước đây không được tiết lộ về những lần gặp gỡ giữa chính quyền Trump và FBI mà có thể thu hút sự quan tâm của ông Mueller.
Thông tin này được tiết lộ hôm thứ Bảy, vài tiếng sau khi ông Trump ca ngợi vụ sa thải ông McCabe là “một ngày tuyệt vời của Dân chủ” và tuyên bố ông McCabe đã biết “tất cả những điều dối trá và tha hóa diễn ra ở cấp cao nhất của FBI!”
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói ông sa thải ông McCabe theo khuyến nghị của các quan chức kỉ luật của FBI, những người nói rằng ông McCabe đã không thành thật với một cuộc điều tra của cơ quan giám sát nội bộ của FBI.
Trong tuyên bố của mình, ông McCabe phủ nhận ông nói dối các nhà điều tra.
Ông nói thêm rằng bản báo cáo của tổng thanh tra được “tăng tốc” để công bố sau khi ông khai chứng đằng sau những cánh cửa đóng kín trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, nơi ông tiết lộ ông có thể chứng thực những phát biểu của ông Comey.
Ông McCabe bị sa thải hai ngày trước ngày nghỉ hưu chính thức của ông vào Chủ nhật. Vụ sa thải có thể khiến ông McCabe không thể hưởng được trọn vẹn lương hưu của ông và, rộng hơn, có thể làm gia tăng sự hỗn loạn bao trùm FBI kể từ khi ông Comey bị sa thải trong khi cơ quan này xúc tiến một cuộc điều tra mà ông Trump gọi là một trò lừa bịp.
Cũng hôm thứ Bảy, luật sư riêng của ông Trump, John Dowd, nói hành động của ông Sessions và Văn phòng Trách nhiệm Chuyên nghiệp của FBI là “một ví dụ xuất sắc và can đảm,” và nói rằng Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nên “chấm dứt” cuộc điều tra Nga được “dựng lên” bởi ông Comey.
Ông Dowd nói với AP rằng ông không kêu gọi ông Rosenstein, người đang giám sát cuộc điều tra của ông Mueller, ngay lập tức sa thải công tố viên đặc biệt và cũng không bàn bạc với ông Rosenstein về chuyện sa thải ông Mueller hoặc chấm dứt cuộc điều tra.
Ông Mueller đang điều tra xem liệu các hành động của ông Trump, bao gồm việc sa thải ông Comey, có cấu thành hành vi cản trở công lí hay không. Ông McCabe có thể là một nhân chứng quan trọng, và những ghi chú của ông có thể được các nhà điều tra sử dụng trong khi họ điều tra xem ông Trump có phải đã tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra của FBI hay không.
Người dân Nga đi bầu tổng thống
Hôm nay 18/3, các điểm bỏ phiếu ở Nga mở cửa đón cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống mà ông Vladimir Putin đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư.
Bầu cử bắt đầu ở vùng Viễn Đông của Nga vào lúc 20:00 giờ GMT hôm 17/3.
Kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào đêm 18/3. Ông Putin là nhà lãnh đạo cầm quyền từ năm 1999, trong cả hai vai trò tổng thống và thủ tướng.
Khodorkovsky: ‘Putin là tù nhân của quyền lực’
Kremlin đòi điều tra lời kêu gọi tẩy chay bầu cử
Lãnh đạo đối lập Nga bị tạm giữ
Sao showbiz Nga ‘ra tranh cử tổng thống’
Thủ lĩnh đối lập Nga bị tù giam
Ông mong đợi sẽ có thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.
Trong số bảy ứng viên đối thủ của ông Putin trong cuộc bầu cử có triệu phú Pavel Grudinin, cựu ngôi sao truyền hình Ksenia Sobchak và người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Vladimir Zhirinovsky.
Nhân vật đối lập nổi tiếng nhất ở Nga, ông Alexei Navalny, bị cấm tranh cử vì bị kết án tội gian lận, điều mà ông cho là có động cơ chính trị.
Nga sắp trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh
Ông Putin bay tàu lượn ở Siberia
Putin: ‘Đối lập phải có ý tưởng khiến dân tin’
Putin tại Việt Nam: Sự hiện diện đa nghĩa
Hồi tháng 12/2017, ông Putin có một số nhận định về phe đối lập: “Vì sao không có đối lập cạnh tranh ở trong nước, câu trả lời đơn giản nhất là việc nuôi dưỡng đối thủ không phải là cái tôi cần làm.
Tuy nhiên, anh có thể ngạc nhiên nhưng tôi tin rằng chúng ta không chỉ cần cạnh tranh kinh tế mà cả cạnh tranh chính trị.
Dĩ nhiên, tôi sẽ hài lòng nếu chúng ta có hệ thống chính trị cân bằng. Tôi muốn, và tôi sẽ làm vì điều đó. Và một hệ thống chính trị cân bằng thì phải có cạnh tranh.
Khi nói về đối lập, đừng có chỉ làm ồn trên quảng trường và nói về một chính thể chống nhân dân. Quan trọng là cần đề xuất, có gì đó cải thiện tốt hơn.
Dĩ nhiên con người không hài lòng với nhiều thứ hiện nay, đó là quyền của họ. Nhưng khi họ so sánh những gì mà các lãnh đạo đối lập đề xuất, cả đối lập chính thức và đặc biệt là các lãnh đạo của đối lập phi chính thức, họ bắt đầu nghi ngờ.
Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn nhất của những người muốn trở thành đối lập cạnh tranh. Họ cần một nghị trình cụ thể, không phải tưởng tượng. Một nghị trình cho người dân tin. Tôi hy vọng nó rồi sẽ xảy ra, càng sớm càng tốt.”
‘Tù nhân của quyền lực’
Hồi tháng 1/2018, trả lời một báo Anh, cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovsky nói Tổng thống Putin “là tù nhân của quyền lực” dù không muốn cầm quyền tới lúc chết.
Trong bài phỏng vấn trên trang The Sunday Times hôm 28/01/2018, ông Khodorkovsky, hiện sống lưu vong tại London, nói cả về hoạt động cho Quỹ Nước Nga Mở (Open Russia) để vận động dân chủ cho quê hương ông.
Phát biểu vài tháng trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm nay của Nga, khi mà ông Vladimir Putin sẽ ra tranh cử lần nữa, ông Khodorkovsky nói ông Putin “thực chất đã là tù nhân của quyền lực Điện Kremlin”.
Dù không muốn cầm quyền đến chết, ông Putin “không có chiến lược rút lui” (exit strategy) để “hưởng tài sản khổng lồ tích lũy được mà không sợ bị trừng phạt,” theo Khodorkovsky.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43396061
Úc và một số nước Đông Nam Á
thỏa thuận chia sẻ thông tin chống khủng bố
Sydney, Úc. (Reuters)- Chính phủ Úc vừa ký một thỏa thuận với các quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines, cam kết rằng Úc và những nước này sẽ chia sẻ thông tin tình báo trong việc chống khủng bố.
Buổi ký thỏa thuận diễn ra ở thành phố Sydney vào sáng nay 17/03. Tại buổi họp báo sau đó, Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull công bố việc ký kết bản ghi nhớ, trong đó Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) cam kết đồng ý chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác về luật pháp, và chống lại chủ nghĩa cực đoan trên các trang mạng truyền thông xã hội. Theo Thủ Tướng Turnbull, các công cụ thông thường như tiền tệ kỹ thuật số, thẻ lưu trữ giá trị, thẻ tài trợ kỹ thuật số qua hoạt động mua bán online, khiến cho việc phát hiện ra những tổ chức cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố ngày càng khó khăn.
Hiện diện trong buổi họp báo, Thủ Tướng Malaysia Najib Razak cho biết chiến dịch tuyên truyền online qua các trang mạng truyền thông xã hội của tổ chức cực đoan ISIS, có thể tiếp cận hơn 300 triệu người Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay chính phủ Úc đang tổ chức các cuộc họp với thành viên ASEAN trong 2 ngày cuối tuần, dù Úc không phải là một thành viên của khối 10 quốc gia Đông Nam Á. Trong thời gian qua, Úc tìm cách thắt chặt mối quan hệ chính trị và thương mại trong khu vực, giữa lúc ảnh hưởng của Trung Cộng ngày càng gia tăng. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/uc-va-mot-so-nuoc-dong-nam-a-thoa-thuan-chia-se-thong-tin-chong-khung-bo/
Binh sĩ Cam Bốt
tập trận chung với quân đội Trung Cộng
Kampong Speu, Cambodia. (Reuters)- Quân đội Cam Bốt và Trung Cộng bắt đầu các cuộc tập trận chung trong ngày Thứ Bảy 17/03, tập trung vào nội dung chống khủng bố và hoạt động cứu nạn. Họ nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trong khi mối quan hệ giữa Cam Bốt và Hoa Kỳ ngày càng rạn nứt.
Thiếu Tướng Zhang Jian là Chỉ Huy Bộ Tư Lệnh Miền Nam Quân Đội Nhân Dân Trung Cộng, và Pol Saroeun là Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cam Bốt, cùng mở cuộc tập trận Dragon Gold 2018 ở phía tây thủ đô Phnom Penh. Trò chuyện với phóng viên trong nước và ngoại quốc, ông Pol cho biết tham gia cuộc tập trận gồm 280 binh sĩ Cam Bốt và 216 binh sĩ Trung Cộng, nhằm kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao, đồng thời tăng cường “mối quan hệ truyền thống và tin tưởng chính trị giữa hai nước”.
Trung Cộng là nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất của Cam Bốt, tổ chức cuộc diễn tập hải quân đầu tiên với Cam Bốt vào năm 2016. Kể từ đó, Cam Bốt tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ vô thời hạn, vì cho rằng họ quá bận rộn trong việc tổ chức các cuộc bầu cử.
Cuộc tập trận chung ngày 17 tháng 3, diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7, đưa ra thông điệp rằng đương kim Thủ Tướng Hun Sen sẽ tái đắc cử dễ dàng với sự hậu thuẫn của Trung Cộng.
Theo yêu cầu của chính phủ Cam Bốt, Tòa Án Tối Cao của nước này ra lệnh giải tán đảng đối lập chính CNRP, khiến Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu và nhiều nước lên án về sự đàn áp dân chủ. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/binh-si-cam-bot-tap-tran-chung-voi-quan-doi-trung-cong/
Syria :
Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được trung tâm thành phố Afrin
Ngày 18/03/2018, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm sóat được toàn bộ Afrin, thành phố căn cứ địa của người Kurdistan ở tây- bắc Syria, sau hai tháng mở cuộc tấn công đẫm máu. Tổng thống Erdogan đích thân tuyên bố chiến thắng trong lúc truyền thông nhà nước cho biết lực lượng Kurdistan không kháng cự.
Theo AFP, các chiến binh Syria đồng minh của Ankara và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã vào được thành phố Afrin và đang làm công tác rà mìn. Trên đường phố, hai chiến xa Thổ bố trí trước một công sở, cờ Thổ Nhĩ Kỳ và của « Quân đội Syria Tự Do » treo trên các toà nhà. Không một trận đánh nào xảy ra trong thành phố lúc phóng viên AFP có mặt.
Afrin, thủ phủ của tỉnh cùng tên, là mục tiêu đánh chiếm của Thổ Nhĩ Kỳ với chiến dịch khai diễn từ ngày 20 tháng giêng đến nay tấn công vào lực lượng võ trang người Kurdistan thuộc nhóm YPG, Đơn vị bảo vệ nhân dân, bị Ankara xem là khủng bố, nhưng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Daech.
Theo Tổ chức nhân quyền Syria OSDH, trong hai tháng qua, khoảng 1500 chiến binh Kurdistan trấn thủ Afrin bị tử thương. Các trận oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ làm cho 280 thường dân thiệt mạng, cũng theo nguồn tin của tổ chức phi chính phủ này. Từ hôm 14/03/2018 hơn 250.000 dân Afrin bỏ nhà ra đi tị nạn chiến cuộc. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nhìn nhận có 46 binh sĩ tử trận.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180318-syria-tho-nhi-ky-chiem-duoc-trung-tam-thanh-pho-afrin
Thổ Nhĩ Kỳ: Sẽ Không Giao Thành Phố Afrin Cho Assad
Thổ Nhĩ Kỳ: Sẽ Không Giao Thành Phố Afrin Cho Assad
DAMASCUS – Thổ Nhĩ Kỳ báo trước: sẽ không bàn giao thành phố Afrin tại miền bắc Syria cho chế độ Assad sau khi càn quét dân quân Kurd đuợc biết là nhóm nổi dậy đánh ISIS hiệu quả đuợc Hoa Kỳ yểm trợ – binh lực Assad và các nhóm vũ trang đồng minh đang tiến đến vây hãm Afrin.
Hàng ngàn thường dân tiếp tục di tản dưới mưa bom đạn để đến Nubul hay Zhara tại vùng nông thôn của tỉnh Aleppo, theo tin từ Nhóm theo dõi nhân quyền Syria (hay SOHR). SOHR cho hay: 12 người chết và 60 người bị thương trong 24 giờ qua.
Giám đốc bệnh viện Afrin nói: toàn thể nhân viên làm hết sức, các phòng bệnh bị tràn ngập nạn nhân bom đạn rên siết trong lúc thiếu thốn gay gắt về thuốc và vật liệu.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh dân quân YPG của người Kurd có liên lạc với loạn quân ly khai PKK bắt đầu ngày 20-1.
Khoảng 10,000 người di tản khỏi Afrin vì hoạt động không tập của chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ trong 24 giờ qua, theo tin al-Jazeera. Phát ngôn viên của YPG nói “Bom đạn chưa giảm”.
Tại Ankara ngày Thứ Năm, phát ngôn viên Ibrahim Kalin của Phủ TT tuyên bố “Sẽ không giao lại Afrin cho chính quyền Assad” và báo động Afrin sắp trở thành trung tâm thanh lọc chủng tộc của khủng bố.
Ý định kiểm soát Afrin của Ankara là xâm phạm chủ quyền quốc gia, là phạm luật quốc tế dù ban đầu khẳng định mục đich chỉ là diệt khủng bố đe dọa biên giới.
QH Châu Âu kêu gọi Ankara lui quân. TT Erdogan nhanh chóng phản bác, và cả quyết chỉ rút quân sau khi hoàn thành sứ mạng. Ngoài ra, 1 thành viên trong nội các Erdogan cũng bác bỏ các tố giác gây tổn thất nhân mạng thường dân tại Afrin.
https://vietbao.com/a278779/tho-nhi-ky-se-khong-giao-thanh-pho-afrin-cho-assad
Đức: Tên lửa Bắc Hàn có thể đánh trúng châu Âu
Rocket của Bắc Hàn giờ có thể được lắp đặt vũ khí hạt nhân và có thể đánh trúng Đức hay miền trung châu Âu, một quan chức hàng đầu thuộc cơ quan tình báo của Đức tuần trước nói với các nhà lập pháp của nước này, theo tờ Bild am Sonntag.
Reuters dẫn lại thông tin cho biết rằng Phó giám đốc BND, ông Ole Diehl, nói trong một cuộc họp kín rằng đánh giá trên là “chắc chắn”.
Ông Diehl cũng nói rằng cơ quan này tin rằng các cuộc đối thoại giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc là một tín hiệu tích cực.
Reuters cho biết rằng BND chưa có bình luận nay về thông tin trên.
Trong một diễn biến khác liên quan, một nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Hàn hôm 18/3 đã lên đường đi Phần Lan để thảo luận với các cựu quan chức Bắc Hàn và Mỹ, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc.
Bắc Hàn tiếp tục theo đuổi các chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và theo Reuters, không úp mở về kế hoạch phát triển một tên lửa có khả năng đánh trúng vùng lãnh thổ chính của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/duc-noi-ten-lua-bac-han-co-the-danh-trung-chau-au/4303927.html
Trung Quốc ‘kiên quyết phản đối’ luật mới của Mỹ
về quan hệ với Đài Loan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Bảy bày tỏ “sự phản đối kiên quyết” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kí ban hành đạo luật khuyến khích Mỹ phái các quan chức cao cấp tới Đài Loan để đối thoại với những người tương nhiệm của Đài Loan và ngược lại.
Dự luật này, không có tính ràng buộc, vẫn sẽ đi vào hiệu lực sáng thứ Bảy, ngay cả khi ông Trump không kí.
Hành động này càng gia tăng căng thẳng giữa hai nước vốn đang đối đầu về thương mại, vì ông Trump đã áp đặt các mức thuế quan và kêu gọi Trung Quốc giảm tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ, thậm chí giữa lúc Washington vẫn cậy nhờ Bắc Kinh giúp giải quyết căng thẳng với Triều Tiên.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã đệ trình “công hàm phản đối nghiêm khắc” với Mỹ, nói rằng luật này gửi đi một “tín hiệu sai trái nghiêm trọng” tới các thế lực ủng hộ Đài Loan độc lập.
“Chúng tôi hối thúc phía Mỹ sửa chữa sai lầm, đình chỉ những trao đổi chính thức giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan và nâng mối quan hệ lên một cách có thực chất, và xử lí vấn đề Đài Loan một cách thận trọng và thỏa đáng để tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho bang giao Trung-Mỹ và hòa bình và ổn định ở khu vực Eo biển Đài Loan.”
Trung Quốc xem đảo Đài Loan tự trị và dân chủ là một tỉnh li khai không đủ tư cách để có được quan hệ cấp nhà nước.
Sự thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến có chủ trương ủng hộ độc lập đắc cử vào năm 2016.
Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy độc lập chính thức, một lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, mặc dù bà Thái đã nói rằng bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết đảm bảo hòa bình.
Chính phủ Đài Loan hoan nghênh đạo luật mới của Mỹ, nói rằng họ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Washington.
Văn phòng Tổng thống Đài Loan nói trong một phát biểu trước đó hôm thứ Bảy rằng Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan và cảm ơn sự ủng hộ kiên định của Mỹ.
Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng Mỹ bị ràng buộc theo luật phải giúp Đài Loan tự vệ và là nguồn cung ứng vũ khí chính của hòn đảo này.
Tập Cận Bình được tái bổ nhiệm
làm chủ tịch Trung Quốc vô thời hạn
Cơ quan lập pháp mang tính hình thức của Trung Quốc hôm thứ Bảy đã đồng lòng chấp thuận tái bổ nhiệm ông Tập cận Bình làm chủ tịch nước mà không có giới hạn nhiệm kì phục vụ.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cũng bổ nhiệm ông Vương Kì Sơn, một đồng minh thân cận của ông Tập, vào vị trí phó chủ tịch mà trước đây chỉ mang tính hình thức.
Tại Đại lễ đường Nhân dân, ông Tập, ông Vương cùng các quan chức khác đã lần lượt bước lên bục, đặt tay trái lên hiến pháp và giơ nắm tay phải lên tuyên thệ trung thành với hiến pháp, tổ quốc và nhân dân.
Toàn bộ 2.970 thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có mặt đã chuẩn thuận tái bổ nhiệm ông Tập, trong khi ông Vương chỉ nhận một biểu quyết chống.
Ông Tập, người đứng đầu Đảng Cộng sản đương quyền với 90 triệu đảng viên, cũng được tái bổ nhiệm làm người đứng đầu ủy ban chính phủ chỉ huy quân đội. Ông hiện đang đứng đầu một cơ quan của đảng giống hệt như vậy cai quản một lực lượng gồm 2 triệu thành viên.
Ông Tập, 64 tuổi, được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ ông Mao Trạch Đông. Cuối tuần trước, ông đã được trao quyền tiếp tục nhiệm kì vô thời hạn sau khi cơ quan lập pháp bãi bỏ giới hạn nhiệm kì của chủ tịch và phó chủ tịch.
Các quan chức Trung Quốc bênh vực bước đi này, nói rằng nó sẽ giúp chức vị chủ tịch nước tương đồng với hai vị trí chính yếu khác của ông Tập là tổng bí thư đảng và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Những người chỉ trích nói rằng bước đi này, đảo ngược một nỗ lực thể chế hóa các lề lối cai trị của Trung Quốc kể từ năm 1982, có phần chắc sẽ dẫn tới thêm các cuộc trấn áp chính trị và đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm tìm cách thăng tiến các ứng viên của mình bên trong hệ thống khép kín.
Ông Tập, lên làm chủ tịch từ năm 2013, được cho là sẽ mở rộng chiến dịch chống tham nhũng bên trong Đảng Cộng sản để bao gồm tất cả công chức nhà nước thông qua Ủy ban Giám sát Quốc gia mới thành lập, trong khi tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn và các chính sách nhằm tăng tốc nền kinh tế đang chậm lại.
Trong vai trò phó chủ tịch, ông Vương, 69 tuổi, được nói sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy chủ trương của ông Tập là củng cố quyền cai trị của Đảng Cộng sản trong khi tiếp tục xóa bỏ tình trạng tham nhũng và nghèo đói.
Kỷ lục cầm quyền, Putin vẫn còn “khiêm tốn”
Nếu tái đắc cử, ông Vladimir Putin rất có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ các nhà lãnh đạo « một phần tư thế kỷ cầm quyền » khi mãn nhiệm kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn còn xa các mức kỷ lục do Fidel Castro (Cuba), Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên) hay Mouammar Kadhafi (Libya) nắm giữ.
Hãng tin Pháp AFP (18/03/2018) lược sơ lại hành trình cầm quyền của ông Putin. Được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng chính phủ năm 1999, Vladimir Putin được bầu làm tổng thống năm 2000. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, năm 2008, ông giao điện Kremlin cho thủ tướng chính phủ hiện nay là Dmitri Medvedev và trở thành thủ tướng chính phủ. Rồi ông lại trở thành tổng thống năm 2012.
Tưởng Giới Thạch hay Fidel Castro
Thế nhưng, lịch sử đương đại cho thấy là có một vài lãnh đạo cầm quyền đến hơn 40 năm. Kỷ lục tại vị lâu nhất thuộc về cố chủ tịch Cuba Fidel Castro, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1959, và chỉ nhường lại quyền hành cho em trai Raul sau 49 năm ở vị trí người đứng đầu Nhà nước.
Lãnh đạo theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, ông Tưởng Giới Thạch cũng cầm quyền trong vòng 47 năm dưới nhiều chức danh khác nhau, ban đầu là tại Trung Quốc rồi sau đó là tại Đài Loan khi chạy đến đây tị nạn vào năm 1949.
Á quân thứ hai là lãnh tụ Kim Nhật Thành, điều hành đất nước Bắc Triều Tiên trong vòng 46 năm và xếp thứ tư là lãnh đạo Libya bị lật đổ, ông Mouammar Kadhafi. Người này cai trị đất nước liên tục 42 năm cho đến khi bị giết chết vào tháng 10/2011 sau khi những làn sóng phản đối chuyển thành xung đột có vũ trang.
Trong cuộc tranh tài về kỷ lục nắm giữ quyền lực, các nước châu Phi cũng không kém cạnh : Omar Bongo Ondimba (Gabon) là 41 năm, Teodoro Obiang Nguema (Guinea Nhiệt đới) là 38 năm. Hay như Paul Biya tại Cameroun, vừa mừng thọ 85 tuổi cũng có đến 35 năm cầm quyền. Ông này giờ đang ngấp nghé tranh cử nhiệm kỳ thứ 7.
Tại châu Á, ngoài Tưởng Giới Thạch và Kim Nhật Thành, hiện nay “vô địch” cầm quyền thuộc về thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt, liên tục điều hành xứ Chùa Tháp từ 33 năm qua. Theo sau là giáo chủ Ali Khamenei tại Iran cũng có hơn 28 năm cầm quyền.
Nói tóm lại là ông Vladimir Putin, chỉ với 18 năm cầm quyền, vẫn còn phải nỗ lực nhiều mới mong được gia nhập vào câu lạc bộ các nhà độc tài trên thế giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180318-truong-ton-quyen-binh-putin-ky-luc-qt
Bầu cử tổng thống Mỹ :
Facebook tạm đóng tài khoản của Cambridge Analytica
Báo New York Times và The Observer ngày 17/03/2018 tiết lộ là công ty truyền thông và phân tích dữ liệu Anh Quốc Cambride Analytica dường như đã thu thập bất hợp pháp các thông tin cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng Facebook để phục vụ cho chiến dịch vận động tranh cử của Donald Trump. Ngay lập tức, Facebook đã tạm thời phong tỏa tài khoản của công ty này và một số nhân vật có liên quan.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier giải thích :
« Được trả vài đô la để trả lời bảng câu hỏi và các thông tin này sau đó được các chuyên gia tâm lý phân tích. Đề nghị trên nghe thật hấp dẫn. Do vậy, khoảng 270 ngàn người sử dụng Facebook đã chấp nhận trò chơi, qua đó, tiết lộ các sở thích của mình.
Ban đầu, việc thu thập các dữ liệu nói trên được tiến hành một cách hợp pháp. Thế nhưng ứng dụng « thisisyourdigitallife » lại hơi quá đà. Khai thác việc người sử dụng hiếm khi dành thời gian để điều chỉnh các thông số bảo đảm an ninh mạng, ứng dụng trên đã tiếp cận được các thông tin và hoạt động của tất cả những « người bạn » trên Facebook của những ai đã tham gia trò chơi trả lời câu hỏi và đương nhiên là không hỏi ý kiến họ. Do vậy, công ty đã thu thập được dữ liệu của 50 triệu tài khoản trên Facebook.
Lẽ ra phải được xóa bỏ ngay từ năm 2015 khi Facebook phát hiện ra kẽ hở, nhưng các dữ liệu nói trên lại được chuyển cho công ty Cambridge Analytica. Theo một cựu nhân viên công ty, mỏ vàng thông tin này đã được phân tích để lập một phần mềm nhắm vào những ham muốn cám dỗ nội tại và do vậy tác động đến tất cả những ai thổ lộ một phần riêng tư của mình trên mạng xã hội.
Vấn đề là công ty Cambridge Analytica lại được tài trợ bởi gia đình Mercer, rất bảo thủ, nhà hảo tâm lớn của Đảng Cộng Hòa, và Steve Bannon, một nhân vật khá ồn ào, nguyên cố vấn chiến lược của Donald Trump, đã từng lãnh đạo công ty này. »
Công dân Nga tị nạn tại Anh lo sợ cho tính mạng
Cảnh sát Anh ngày 17/03/2018 liên lạc với một số kiều dân Nga lưu vong tại Anh Quốc để thảo luận về an ninh của số này. Vụ hai bố con cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc tại Salisbury và cái chết mờ ám của doanh nhân Nikolaï Glouchkov ở Luân Đôn xảy ra trong vòng một tuần lễ làm dấy lên một làn sóng lo sợ.
Từ Luân Đôn thông tín viên đài RFI Marina Daras tường thuật :
“Điều tra về cái chết của Nikolaï Glouchkov như một vết dầu loang. Tới nay, cảnh sát và cơ quan tình báo Anh luôn quan niệm người Nga sống lưu vong tại Anh không phải lo sợ cho an ninh của họ. Nhưng hai tuần lễ sau vụ cựu điệp viên Serguei Skripal và con gái bị mưu sát, các giới chức Anh đang thẩm định lại về mức độ rủi ro và đã báo động với một số công dân Nga là họ có thể trở thành mục tiêu tấn công.
Cho đến nay, Scotland Yard nói rõ là không ‘gắn liền’ cái chết của ông Nikolaï Glouchkov tại Luân Đôn và vụ cựu điệp viên Skripal cùng con gái bị đầu độc tại Salisbury. Tuy nhiên một cuộc điều tra khác đã được mở ra để xem xét một loạt các trường hợp tử vong mờ ám của các kiều dân Nga trên lãnh thổ Anh. Những cái chết này có thể do Nga đã giật dây.
Theo báo chí Anh, cộng đồng người Nga sống tại Anh
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180318-cong-dan-nga-ti-nan-tai-anh-lo-so-cho-tinh-mang
Iran tuyên bố chống mọi trở lực
ngăn cản thực thi hiệp định hạt nhân
Tiếp ngoại trưởng Oman tại Teheran ngày 17/03/2017, đô đốc Ali Shamkhani, chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao Iran, tuyên bố : « Không chấp nhận bất kỳ thay đổi, diễn giải nào hoặc bất kỳ biện pháp mới nào » có thể hạn chế phạm vi thực thi hiệp định hạt nhân đã được ký năm 2015.
Hãng thông tấn Iran Isna được AFP trích dẫn cho biết đô đốc Shamkhani còn cảnh báo châu Âu về ý định muốn hành xử như Hoa Kỳ và ông khẳng định : Chương trình đạn đạo của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, có tính chất phòng thủ, nhất thiết được tiếp tục thực hiện.
Đại diện chính quyền Iran đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh ông Brian Hook, cố vấn phụ trách chiến lược của ngoại trưởng Mỹ và các quan chức cao cấp Anh, Pháp, Đức, đã họp tại Vienna, Áo, ngày 16/03, thảo luận một số điểm bổ sung vào hiệp định đã được ký với Iran năm 2015, liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran và những hoạt động của Iran tại Trung Đông.
Theo đặc sứ Hoa Kỳ, các cuộc thảo luận đã diễn ra « tốt đẹp ». Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu tìm cách bổ sung hiệp định hạt nhân Iran với hy vọng cứu vãn thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút ra khỏi hiệp định và đưa ra thời hạn là đến 12/05, để các bên liên quan khắc phục các « thiếu sót khủng khiếp » như đã cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium đến 2026, không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, không nói rõ các hoạt động thanh tra của Liên Hiệp Quốc.
Cũng nhằm thuyết phục Hoa Kỳ không rút ra khỏi hiệp định hạt nhân, Anh, Pháp, Đức đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhân danh Liên Hiệp Châu Âu, nhắm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran và các hoạt động của Iran tại Syria.
Theo Reuters, dự thảo đề nghị trừng phạt đã được gửi đến các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm 16/03, nhắm vào một số nhân vật và thực thể Iran. Ngày 19/03, các ngoại trưởng thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp kín tại Bruxelles để thảo luận dự thảo này.
Bầu cử tổng thống Nga :
Phe đối lập mất phương hướng
Trước cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả đã được biết trước, phe đối lập Nga mất phương hướng. Ngày 17/03/2018 Alexeï Navalny, nhân vật được coi là đối lập chính của Vladimir Putin, đã đến đặt vòng hoa ở nơi tưởng niệm Boris Nemtsov, chính trị gia đối lập, bị sát hại vào tháng 2/2015.
Từ Matxcơva, đặc phái viên RFI, Anastasia Becchio gửi về bài phóng sự :
« Bó hoa trên tay, Alexei Navalny im lặng vài giây trước tấm biển tưởng niệm mới được gắn lên mặt tiền tòa nhà nơi Boris Nemtsov từng sống. Vài chục nhà đấu tranh, phần đông là những người cao tuổi cũng có mặt ở đấy.
Được cho là nhà đối lập chính vắng bóng trong cuộc bầu cử tổng thống, Navalny không dừng lại ở đây lâu và nhanh chóng trở về trụ sở của mình, để tổ chức việc giám sát cuộc bỏ phiếu. Nhất là ông nghĩ rằng sẽ có gian lận nhằm thổi phồng số người tham gia bỏ phiếu.
Ilya Yachine, một dân biểu địa phương thuộc phe đối lập và từng là một người thân cận của Boris Nemtsov, cũng giám sát cuộc bỏ phiếu. Ông nói : « Boris Nemtsov từng cho rằng nước Nga phải là một quốc gia cởi mở với thế giới, một đất nước phải xây dựng các quan hệ hữu nghị với phần còn lại với thế giới. Nhưng kết quả điều hành đất nước của ông Putin là gì, đó là chúng ta lao vào xung đột với cả hành tinh, là việc chúng ta bắt đầu một cuộc chiến với các láng giềng cận kề. Quả là một sự xấu hổ cho đất nước ».
Phe đối lập, bị chia rẽ, ở trong một vị thế không thuận lợi, vài giờ trước một thắng lợi mới được báo trước của Vladimir Putin. Phong trào đối lập thiếu vắng Boris Nemtsov, theo như đánh giá của ông Nikolai Diakov, một nhà tranh đấu thuộc phe đối lập. Theo ông, « Boris Nemtsov từng là đầu tầu cho phong trào đối lập và ngày nay phong trào đã bị chia rẽ và bị tiêu diệt. Tất cả những gì phe đối lập làm đã bị tổng thống và những người thân cận của ông bôi nhọ ».
Nikolai Diakov sẽ không tham gia bỏ phiếu. Ông than thở : « Để làm gì nếu như mọi việc đã được quyết định từ trước cho chúng tôi ?»
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180318-bau-cu-tong-thong-nga-phe-doi-lap-mat-phuong-huong
Bắc Triều Tiên – Thụy Điển : Tham vấn kết thúc
mà không một thông báo cụ thể
Cuộc trao đổi giữa các quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên và Thụy Điển, đã kết thúc ngày 17/03/2018 tại Stockholm, nhưng không đưa ra một thông báo cụ thể nào.
Trong một thông cáo ngắn gọn, được AFP trích dẫn, bộ Ngoại Giao Thụy Điển, cho biết ngoại trưởng hai nước « đã thảo luận về những cơ hội và thách thức » đặt ra cho các nước có liên quan « trong nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho căng thẳng » trên bán đảo Triều Tiên.
Vẫn theo thông cáo trên, hai bên có đề cập đến chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạo đạo của Bắc Triều Tiên, tình hình nhân quyền trong nước dưới áp lực của các lệnh cấm vận, cũng như là bàn đến « các chương trình hợp tác khu vực và vấn đề an ninh cho các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ ».
Chuyến công tác tại Stockholm của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho nhẽ ra kết thúc vào hôm 16/03/2018 nhưng các cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Thụy Điển bà Margot Wallstrom và thủ tướng nước này là ông Stefan Lofven đã được kéo dài thêm một ngày.
AFP lưu ý Thụy Điển còn là quốc gia đại diện cho các quyền lợi của Hoa Kỳ, Canada và Úc do việc nước này vẫn duy trì mối quan hệ cấp đại sứ với Bình Nhưỡng.
Mục đích chuyến đi Thụy Điển của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên là nhằm bàn về khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump – Kim như Washington đã thông báo hôm 08/03/2018. Tuy nhiên, ngày giờ và địa điểm cụ thể cho cuộc gặp hiện vẫn chưa được xác định.
Trong một nỗ lực ngoại giao tìm kiếm giải pháp cho bán đảo Triều Tiên, ngoại trưởng Ri Yong Ho hôm nay có buổi trao đổi với lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), một tổ chức độc lập chuyên về vấn đề an ninh, giải trừ vũ khí và giải quyết xung đột. Tuy nhiên nội dung trao đổi sẽ không được tiết lộ.
Còn theo thông tin từ truyền thông Phần Lan và Hàn Quốc, ông Choe Kang Il, vụ phó Tổng Cục đối ngoại của Bắc Triều Tiên, phụ trách khu vực Bắc Mỹ hôm nay đến Phần Lan. Tại Helsinki, quan chức Bắc Triều Tiên này có thể sẽ gặp cựu đại sứ Mỹ tại Seoul, bà Kathleen Stephens và một số một số cựu quan chức về an ninh của Hàn Quốc.