Tin khắp nơi – 17/03/2018
Nga sắp trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh
Nga sắp trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước xung quanh vụ một cựu điệp viên và con gái bị tấn công bằng chất độc thần kinh tại Anh.
Bộ Ngoại giao Nga nói các nhân viên từ đại sứ quán Anh tại Moscow sẽ bị trục xuất trong vòng một tuần.
Nga giữ quyền đưa ra các biện pháp trả đũa khác trong trường hợp có các hành động không thân thiện hơn nữaBộ Ngoại giao Nga
Nga cũng nói sẽ đóng cửa Hội đồng Anh, một tổ chức thúc đẩy quan hệ văn hoá giữa các quốc gia, và Lãnh sự quán Anh tại St Petersburg.
Jeremy Corbyn: ‘Đừng kết luận vội vã vụ Skripal’
Bàn tròn thứ Năm về vụ đầu độc và căng thẳng Anh-Nga
Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?
Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt 19 người Nga
Động thái này đáp lại quyết định của Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga.
Họ được lệnh phải rời đi xung quanh vụ việc xảy ra ngày 4/3/2018 mà chính phủ Anh đổ lỗi cho Nga, nhưng phía Nga bác bỏ.
Cựu gián điệp người Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái của ông, Yulia Skripal, 33 tuổi, vẫn đang trong tình trạng trầm trọng tại bệnh viện, sau khi bị phát hiện bất tỉnh trên một ghế băng ở Salisbury, Wiltshire.
Chính phủ Anh nói rằng họ đã bị đầu độc bằng một loại chất độc thần kinh do Nga sản xuất gọi là Novichok, và Thủ tướng Theresa May nói bà tin rằng Moscow “có tội”.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Boris Johnson nói khả năng rất lớn là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tấn công bằng chất độc thần kinh.
Nước Anh không tranh cãi với người Nga và sẽ luôn làm những gì cần thiết để tự vệĐại sứ Anh tại Nga, Laurie Bristow
Đại sứ Anh tại Nga, Laurie Bristow, đã được triệu tới Bộ ngoại giao Nga hôm thứ Bảy 17/3/2018 và đã nhận được phản ứng của Nga đáp lại lệnh trừng phạt của Anh.
Bộ Ngoại giao Nga, trong một tuyên bố, nói rằng các nhà ngoại giao Anh sẽ là những người không được hoan nghênh (persona non grata), và nói thêm rằng Nga “giữ quyền đưa ra các biện pháp trả đũa khác trong trường hợp có các hành động không thân thiện hơn nữa”.
Chỉ Ba Lan bênh Anh mạnh sau vụ Skripal?
Đơn vị vũ khí hóa học tới Salisbury vì vụ Skripal
Ông Bristow, sau khi rời khỏi cuộc gặp, nói rằng nước Anh không tranh cãi với người Nga và sẽ “luôn làm những gì cần thiết để tự vệ”.
Trước đó, hôm thứ Sáu, Lãnh đạo đảng Lao động đối lập ở Anh Jeremy Corby được truyền thông Anh dẫn lời nói rằng chính phủ nên tránh “đánh giá vội vã” khi điều tra vụ đầu độc .
Cùng lúc, Mỹ, Đức, Pháp và Úc ủng hộ kết luận của Anh rằng Nga đã dùng chất độc thần kinh tấn công cựu điệp viên kép Sergei Skripal và con gái.
Xem thảo luận Bàn tròn BBC 15/03 về căng thẳng Anh – Nga.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43441946
Cựu Phó Giám đốc FBI bị sa thải trước khi hồi hưu
Cựu phó giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Andrew McCabe đã bị sa thải vài ngày trước khi nghỉ hưu mà thông thường sẽ được hưởng quyền hưu trí.
Ông đã bị Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions sa thải. Ông Sessions nói một cuộc rà soát nội bộ đã phát hiện ra rằng ông McCabe đã tiết lộ thông tin và đánh lừa các điều tra viên.
Ông McCabe bác bỏ cáo buộc này và nói rằng ông đã bị nhắm mục tiêu do đã tham gia vào cuộc điều tra về vụ can thiệp được cho là của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA
Bàn tròn BBC: Trump sa thải giám đốc CIA và quan hệ Anh-Nga
Trump: Sách của Michael Wolff ‘đầy dối trá’
Trump ‘đã yêu cầu FBI ngừng điều tra Flynn’
Phó giám đốc FBI Andrew McCabe đang chạy đua để nghỉ hưu với đầy đủ chế độ hưu bổng. Còn 90 ngày nữa, có đúng không?!!!Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ông Trump từ lâu đã cáo buộc ông McCabe thiên vị đảng Dân chủ.
Tổng thống Mỹ ngay lập tức ca ngợi quyết định của ông Sessions sa thải cựu phó của FBI.
Vào tháng 12, tổng thống Mỹ dường như đã chế giễu cựu nhân vật thứ hai tại FBI, khi ông viết trên Twitter:
“Phó giám đốc FBI Andrew McCabe đang chạy đua để nghỉ hưu với đầy đủ chế độ hưu bổng. Còn 90 ngày nữa, có đúng không?!!!”
Ông McCabe đã bị điều tra nội bộ về việc FBI xử lý hai cuộc điều tra quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 – những phát hiện về Hillary Clinton sử dụng một máy chủ thử điện tử cá nhân trong lúc vẫn còn tại vị Ngoại trưởng và những nghi ngờ rằng Nga đã can thiệp để giúp ông Trump giành chức tổng thống.
Ông McCabe đã từ chức phó giám đốc FBI vào tháng 01/2018 do vụ điều tra nội bộ này, nhưng ông vẫn ở lại trong danh sách nhân sự của FBI trước việc nghỉ hưu dự kiến.
Việc sa thải ông xảy ra vào tối muộn ngày thứ Sáu 16/3/2018.
Ông Sessions, người đứng đầu bộ phận tư pháp Mỹ, nói đó là kết quả của một cuộc điều tra rộng rãi và công bằng của ông và FBI.
Ông Sessions nói bản báo cáo đã kết luận rằng ông McCabe “đã tiết lộ mà không được phép cho truyền thông và thiếu trung thực, kể cả khi đã tuyên thệ, nhiều lần”.
‘Bức tranh thực là gì?’
Câu hỏi về sức khoẻ tâm thần của ông Trump
Trump biết vụ của Flynn ‘nhiều tuần trước’
Đây là thực tế: tôi đã bị tách ra làm mục tiêu và bị đối xử bằng cách này vì vai trò của mình, vì những hành động tôi đã làm, và những sự kiện mà tôi đã chứng kiến sau vụ James Comey bị sa thả
Bản báo cáo chưa được công bố nhưng người ta nghĩ là nó liên hệ tới một cuộc phỏng vấn mà ông McCabe đã ủy quyền giữa hai viên chức FBI và một phóng viên báo Wall Street Journal vào tháng 10/2016 để giải thích lập trường của cơ quan trong cuộc điều tra thư điện tử của bà Clinton.
Sau đó, ông McCabe đã bị chánh thanh tra của Bộ Tư pháp tra vấn.
Đáp lại diễn biến bị sa thải, ông McCabe đã đưa ra một tuyên bố kịch liệt bác bỏ các cáo buộc nhằm vào ông và tố cáo những gì mà ông miêu tả như một chiến dịch tấn công vào uy tín của ông.
Ông nhấn mạnh rằng ông đã không làm gì sai khi tổ chức cuộc phỏng vấn tháng 10/2016, nói rằng đó là loại hoạt động trao đổi với truyền thông trong phạm vi chức phận mà phó giám đốc FBI giám sát nhiều lần mỗi tuần.
Ông nói về vụ điều tra của Bộ Tư pháp sau sự kiện đó rằng ông đã cố gắng trả lời các câu hỏi “trung thực và chính xác” và “khi tôi nghĩ câu trả lời của tôi bị hiểu lầm, tôi đã liên lạc với các điều tra viên để đính chính cho đúng”.
“Bức tranh lớn là một câu chuyện có thể xảy khi việc thực thi pháp luật bị chính trị hóa”, ông nói tiếp.
“Đây là thực tế: tôi đã bị tách ra làm mục tiêu và bị đối xử bằng cách này vì vai trò của mình, vì những hành động tôi đã làm, và những sự kiện mà tôi đã chứng kiến sau vụ James Comey bị sa thải.”
Ông Comey, cựu Giám đốc FBI, đã bị Tổng thống Trump sa thải vào đầu tháng 5/2017.
Sự việc tại thời điểm xảy ra đã đặt ra câu hỏi trong công luận Mỹ là liệu đã có hay không việc Tổng thống Trump yêu cầu FBI ngừng điều tra về cựu cố vấn an ninh của nhà trắng, ông Mike Flynn, trong sự việc mà Nga bị cáo buộc đã ‘can thiệp’ vào bầu cử Mỹ 2016.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43441949
Cựu phó giám đốc FBI bị sa thải,
nói mình bị nhắm mục tiêu tấn công
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã sa thải quan chức cao cấp thứ hai của FBI, Andrew McCabe, khiến ông McCabe phải lên tiếng nói rằng ông đang bị nhắm mục tiêu vì ông là một nhân chứng quan trọng về việc liệu Tổng thống Donald Trump có tìm cách cản trở cuộc điều tra Nga hay không.
Ông Sessions, trong một thông cáo hôm thứ Sáu, nói ông cảm thấy sa thải ông McCabe là thỏa đáng sau khi cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tư pháp phát hiện ông McCabe đã tiết lộ thông tin cho phóng viên và nói dối các nhà điều tra về hành động của mình.
“FBI kì vọng mọi nhân viên tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất của sự trung thực, chính trực và trách nhiệm giải trình,” ông Sessions nói.
Nhưng ông McCabe, người đóng một vai trò chính yếu trong các cuộc điều tra nhắm vào bà Hillary Clinton và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, đã bác bỏ những tuyên bố này và nói ông đang hứng chịu sự trả đũa của chính quyền Trump.
Trong một tuyên bố dài, ông McCabe nói ông tin rằng ông đang bị nhắm mục tiêu chính trị vì ông đã chứng thực phát biểu của cựu Giám đốc FBI James Comey rằng ông Trump đã tìm cách gây áp lực buộc ông Comey chấm dứt cuộc điều tra Nga.
Ông Trump sa thải ông Comey vào năm ngoái và thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông sa thải ông Comey vì “cái vụ Nga này.”
Quyết định sa thải ông McCabe được đưa ra chỉ ra hai ngày trước sinh nhật lần thứ 50 của ông, là thời điểm mà ông đủ tiêu chuẩn để nghỉ hưu từ Cục Điều tra Liên bang và được hưởng trọn vẹn lương hưu. Vụ sa thải – xảy ra chín tháng sau khi ông Trump sa thải ông Comey – khiến lương hưu của ông McCabe gặp nguy.
Vụ việc này cũng có phần chắc sẽ khơi lên những nghi vấn về việc liệu ông McCabe có bị trừng phạt nặng nề quá mức hay không do áp lực chính trị từ tổng thống Đảng Cộng hòa, người đã đả kích ông McCabe trên Twitter và kêu gọi sa thải ông.
Vụ sa thải ông Comey đã mở đường cho Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đang dẫn đầu cuộc điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga. Ông Trump đã phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào.
“Tôi đang bị chọn nhắm mục tiêu và bị đối xử như vậy vì vai trò mà tôi đã đóng, những hành động tôi đã thực hiện, và những sự kiện mà tôi đã chứng kiến sau khi James Comey bị sa thải,” ông McCabe nói trong một tuyên bố của ông.
“Cuộc tấn công nhắm vào uy tín của tôi là một phần trong một nỗ lực lớn hơn … để bôi nhọ FBI, giới chấp pháp, và giới chuyên viên tình báo nói chung.”
Nửa đêm thứ Sáu, không lâu sau khi tin tức về vụ sa thải được loan đi, ông Trump đăng một dòng tweet ca ngợi hành động này và đả kích ông McCabe và ông Comey.
Ông Trump viết: “Andrew McCabe BỊ SA THẢI, một ngày tuyệt vời cho những người đàn ông và phụ nữ làm việc cật lực của FBI – Một ngày tuyệt vời cho Dân chủ. James Comey ra vẻ cao đạo là sếp của ông ta và làm cho McCabe trông như cậu bé ngoan hiền. Ông ta biết tất cả những điều dối trá và tha hóa ở cấp cao nhất của FBI!”
Ông McCabe đã từ chức phó giám đốc FBI hồi tháng 1 nhưng ông xin nghỉ phép cho đến ngày nghỉ hưu.
Sự ra đi của ông xuất phát từ một bản báo cáo có nội dung phê phán từ Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp mà cuối cùng dẫn tới việc Văn phòng Trách nhiệm Chuyên nghiệp của FBI đưa ra khuyến nghị sa thải ông.
Bản báo cáo này, vẫn chưa được công bố cho công chúng, nói rằng ông McCabe đã nói dối các nhà điều tra về những liên lạc của ông với một cựu phóng viên của báo The Wall Street Journal, người khi đó đang viết về vai trò của ông McCabe trong các cuộc điều tra liên quan đến bà Clinton, bao gồm một cuộc điều tra về quỹ từ thiện của gia đình Clinton.
Trong tuyên bố của mình, ông McCabe phủ nhận ông nói dối các nhà điều tra.
Ông nói thêm rằng bản báo cáo của tổng thanh tra được “tăng tốc” để công bố sau khi ông khai chứng đằng sau những cánh cửa đóng kín trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, nơi ông tiết lộ ông có thể chứng thực những phát biểu của ông Comey.
Vụ sa thải Comey đã trở thành tâm điểm của những nghi vấn về việc liệu ông Trump có tìm cách cản trở cuộc điều tra Nga một cách phi pháp hay không.
Ông McCabe có thể là một nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra của ông Mueller.
Ông Trump và các nhân vật theo Đảng Cộng hòa khác đã cáo buộc ông McCabe, người cả đời theo Đảng Cộng hòa và làm việc tại FBI suốt hơn 20 năm qua, có thiên kiến chính trị và mâu thuẫn lợi ích liên quan đến quyền giám sát của ông đối với các cuộc điều tra liên quan đến bà Clinton.
Một số chỉ trích đó bắt nguồn từ việc vợ ông, Jill McCabe, người theo Đảng Dân chủ, đã nhận một khoản tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử bất thành của bà giành một ghế tại thượng viện bang Virginia năm 2015 từ Terry McAuliffe, người từng là thống đốc của bang này và là đồng minh của gia đình Clinton.
Ông McCabe chỉ bắt đầu giám sát các cuộc điều tra cho đến khi chiến dịch tranh cử của vợ kết thúc, FBI cho biết, và do đó không có mâu thuẫn lợi ích.
Viết trên Twitter vào năm ngoái, ông Trump đặt câu hỏi tại sao ông McCabe lại được phép giám sát cuộc điều tra về việc bà Clinton sử dụng một máy chủ email cá nhân trong khi vợ ông nhận tiền quyên góp từ “những con rối của Clinton.” Ông nói ông McCabe “đang chạy đua với thời gian để được nghỉ hưu với đầy đủ hưu bổng.”
Ở nơi riêng tư, ông Trump cũng đã hỏi ông McCabe rằng ông đã bỏ phiếu cho ai cuộc bầu cử tổng thống và gọi vợ ông McCabe là một kẻ thua cuộc, theo các bản tin của giới truyền thông.
Ông McCabe trả lời ông Trump rằng ông không bỏ phiếu vào năm 2016, các bản tin cho biết.
Khi được hỏi về chuyện này vào tháng 1, ông Trump nói ông không nhớ là đã hỏi ông McCabe bỏ phiếu cho ai.
Báo cáo của Tổng thanh tra phần lớn tập trung vào cách thức mà ông McCabe trả lời các câu hỏi về việc liệu ông có rò rỉ cho báo chí trước khi họ đăng một bài báo có nội dung chỉ trích sự giám sát của ông đối với cuộc điều tra quỹ Clinton hay không.
Ông McCabe nói rằng ông không xem đây là một sự rò rỉ mà là một sự tiết lộ thông tin được cho phép, điều khá phổ biến ở Washington giữa các phóng viên và quan chức chính phủ.
Ông nói ông đã trả lời các câu hỏi một cách trung thực, và sau đó, khi ông cảm thấy các nhà điều tra hiểu lầm, ông đã cố gắng làm rõ các câu trả lời của ông với họ.
Cựu tổng thống Nam Phi ‘ra tòa vì tham nhũng’
Cựu tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, sẽ bị khởi tố vì 16 tội danh tham nhũng, Giám đốc Ủy ban Công tố quốc gia Shaun Abrahams xác nhận.
Ông Abrahams nói ông tin rằng có ”những triển vọng hợp lý để vụ truy tố diễn ra được thành công”.
Những cáo buộc – mà ông Zuma phủ nhận – bao gồm gian lận, nhận hối lộ và rửa tiền.
Ông Zuma, 75 tuổi, buộc phải từ chức do áp lực từ đảng Đại hội Dân tộc phi (ANC) của ông hồi tháng trước.
Cáo buộc tham nhũng liên quan đến hợp đồng vũ khí trị giá 30 tỷ rand (tương đương 2,5 tỷ USD) vào cuối những năm 90 trước thời điểm ông Zuma trở thành Tổng thống.
Khi Đảng bắt trưởng xuống để phó lên thay
Zimbabwe: Tổng thống Mugabe ‘bị quản thúc’
Ngân hàng Anh bị nghi vấn ‘rửa tiền ở Nam Phi’
VN gửi DNA sừng tê buôn lậu cho Nam Phi
Ông Zuma bị buộc tội nhận hối lộ từ một công ty vũ khí của Pháp nhằm phục vụ cho lối sống xa hoa của ông.
Cố vấn tài chính của ông vào thời điểm đó bị buộc tội tham nhũng và ông Zuma sau đó cũng bị sa thải khỏi chức vụ phó tổng thống.
Ông Zuma giờ đây đối diện với một tội danh nhận hối lộ, hai tội danh tham nhũng, một tội danh rửa tiền và 12 tội danh gian lận.
Shaun Abrahams, người đứng đầu Cơ quan Công tố quốc gia, cho biết một phiên tòa xét xử là nơi thích hợp để vấn đề được giải quyết.
Ông cũng bác bỏ những lời tuyên bố của ông Zuma cho rằng các tội danh sẽ được giảm nhẹ.
Ông Zuma luôn bác bỏ các cáo buộc hướng về ông.
Một phiên tòa được mong ngóng
Phân tích từ Milton Nkosi, BBC News tại Johannesburg.
Do không còn là tổng thống nên ông Zuma không thể sử dụng những nguồn lực, quyền lợi nhà nước để bảo vệ cho bản thân.
Nhưng cũng không thể quá tự tin vì ông Zuma được biết đến là người luôn chiến đấu đến cùng trong mọi cuộc chiến.
Theo luật, ông Zuma được phép thách thức lại phán quyết này. Nói cách khác, chúng ta có thể thấy được một sự trì hoãn trước khi bất cứ phiên tòa nào bắt đầu.
Và ngay cả khi phiên tòa bắt đầu, nó cũng sẽ còn kéo dài rất lâu.
Nhưng bây giờ, những kẻ thù chính trị của ông Zuma, đặc biệt là phe đối lập, đang ăn mừng vì ông ở gần hơn bao giờ hết việc phải đối mặt với một phiên tòa.
Trước đây, ông Zuma từng thoát khỏi hàng loạt cáo buộc tham nhũng trong suốt chín năm cầm quyền.
Năm 2016, một báo cáo từ cơ quan giám sát chống tham nhũng của Nam Phi cáo buộc rằng gia đình tỷ phú Gupta đã khai thác, tận dụng mối quan hệ với ông Zuma để giành được các hợp đồng của nhà nước.
Cả Guptas và ông Zuma đều phủ nhận những hành động này.
Cùng năm, tòa án tối cao của Nam Phi phán quyết ông Zuma vi phạm hiến pháp khi không trải lại tiền chính phủ mà ông sử dụng cho mục đích riêng.
Một cơ quan chống tham nhũng hồi năm 2014 nói rằng 23 triệu đôla đã được dùng để xây nhà cho tổng thống ở tỉnh KwaZulu-Natal.
Hai đảng đối lập, EFF và DA đã đưa vụ này ra tòa.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zuma bị hoen ố vì cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43429906
CQ Trump tính hạn chế visa cho sinh viên TQ
Tạp chí Phố Wall (WSJ) và Politico loan tin chính quyền ông Trump đang cân nhắc việc hạn chế visa đối với cho công dân Trung Quốc, kể cả sinh viên, như một phần của gói các biện pháp thuế quan và các hạn chế đầu tư sắp tung ra nhắm vào Trung Quốc.
Hai cơ quan báo chí này đưa tin chính quyền đang xem xét các hạn chế về visa trong khuôn khổ gói biện pháp để trừng phạt Trung Quốc vì những cáo buộc là TQ vi phạm luật tài sản của Mỹ và gây áp lực buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ. Theo WSJ, Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc việc hạn chế số lượng visa du học và làm việc đối với công dân Trung Quốc, đồng thời chấm dứt một chương trình cho phép những người thường xuyên đến Hoa Kỳ được cấp visa có giá trị 10 năm.
Không rõ những biện pháp tiềm tàng về hạn chế visa có trở thành chính sách hay không – Politico đưa tin một số quan chức trong chính quyền ông Trump chống đối các biện pháp này, cũng như quy mô của chúng. Nhưng rõ ràng là các hạn chế về visa đối với công dân Trung Quốc có thể có những tác động tiêu cực đến các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ.
Trung Quốc đến nay là nước có lượng sinh viên đông đảo nhất sang du học ở Hoa Kỳ, chiếm gần 1/3 số sinh viên quốc tế tại các trường Mỹ. Các trường đại học Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào sinh viên Trung Quốc để có nguồn thu từ học phí cũng như về mặt tài năng học thuật mà các sinh viên mang lại. Trung Quốc cũng là nước đưa nhiều học giả đến làm việc ở các đại học Mỹ, và nhiều học giả gốc Trung Quốc bảo vệ bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ rồi ở lại để xây dựng sự nghiệp.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông Esther D. Brimmer, giám đốc điều hành NAFSA – Hiệp hội các nhà giáo quốc tế, nói “không bao giờ nên sử dụng sinh viên như những con bài để mặc cả”. Ông nói “Chỉ riêng sinh viên Trung Quốc mà thôi đã đóng góp 12 tỷ đôla, ngoài ra là vô vàn lợi ích khác, do đó, chỉ cần giảm số sinh viên Trung Quốc nhập học đôi chút, cũng phải nhận lấy hậu quả nghiêm trọng”.
(WSJ, Politico)
https://www.voatiengviet.com/a/cq-trump-tinh-han-che-visa-cho-sinh-vien-tq/4302105.html
Hong Kong đề xuất dự luật bỏ tù
những ai sỉ nhục quốc ca Trung Quốc
Nhà chức trách Hong Kong hôm thứ Sáu giới thiệu một dự luật qui định học sinh phải được dạy quốc ca của Trung Quốc và phạt đến ba năm tù bất cứ ai xúc phạm nó.
Dự luật cũng qui định bất cứ ai khi nghe bài “Nghĩa dũng quân hành khúc” thì phải “đứng dậy và có thái độ trang nghiêm.”
Quốc ca của Trung Quốc đã trở thành một điểm nóng chính trị tại Hong Kong, thành phố bán tự trị thuộc Trung Quốc nơi mà người hâm mộ bóng đá đã nhiều lần la ó phản đối nó tại các trận đấu, khiến ban tổ chức đưa ra cảnh báo hoặc phạt tiền.
Chính quyền Hong Kong đang hành động sau khi Bắc Kinh năm ngoái ban hành Luật Quốc ca mới và sửa đổi luật hình sự của Trung Quốc cho phép tống giam bất cứ người nào không tôn trọng quốc ca. Quốc hội Trung Quốc cũng đưa qui định này vào hiến pháp Luật Cơ bản của Hong Kong, bắt buộc thành phố này ban hành luật địa phương.
Dự luật này càng khơi ra thêm lo ngại rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn các quyền tự do dân sự ở Hong Kong dù đã hứa duy trì chúng sau khi Anh trao trả thành phố này lại cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997. Các nhà hoạt động và các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ lo ngại luật này sẽ được sử dụng để làm suy yếu tự do ngôn luận ở Hong Kong, nơi có hệ thống luật pháp riêng biệt.
Theo luật mới, bất cứ ai “công khai và cố ý thay đổi lời hoặc nhạc của bài quốc ca,” trình diễn hoặc hát “một cách méo mó hoặc xúc phạm,” hoặc sỉ nhục nó theo “bất kì hình thức nào khác” sẽ bị phạt đến 50.000 đôla Hong Kong (khoảng 6.400 đôla Mỹ) và sẽ bị bỏ tù tới ba năm.
Dự luật này cũng kêu gọi các trường tiểu học và trung học dạy học sinh bài quốc ca cũng như “cử hành nghi thức” khi quốc ca được hát hoặc cất lên.
Đề xuất này sẽ được thảo luận vào ngày 23 tháng 3 tại cơ quan lập pháp của Hong Kong.
Các cường quốc Châu Âu đề xuất
chế tài Iran mới để xoa dịu Trump
Anh, Pháp và Đức đã đề xuất các chế tài mới của EU đối với Iran liên quan đến phi đạn đạn đạo và vai trò của nước này trong cuộc chiến tranh ở Syria, trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Washington giữ lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran.
Reuters nói họ đã xem qua đề xuất chung này và dẫn lời hai người nắm rõ vấn đề cho biết nó đã được gửi đến các thủ đô Châu Âu hôm thứ Sáu, để tìm kiếm sự ủng hộ cho các chế tài như vậy vì họ cần sự hậu thuẫn của tất cả 28 chính phủ thành viên EU.
Đề xuất này là một phần trong chiến lược của EU nhằm cứu vãn thỏa thuận được các cường quốc thế giới kí kết với mục đích là hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran, cụ thể là bằng cách cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy rằng có những cách khác để chống lại quyền lực của Iran ở nước ngoài.
Ông Trump đã đưa ra một tối hậu thư cho các nước Châu Âu vào ngày 12 tháng 1. Tối hậu thư nói rằng họ phải đồng ý “sửa chữa những sai sót tệ hại của thỏa thuận hạt nhân Iran” – đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama – nếu không ông sẽ từ chối triển hạn việc giảm bớt các chế tài của Mỹ đối với Iran. Các chế tài của Mỹ sẽ tiếp tục trừ phi ông Trump ban hành “sắc lệnh miễn trừ” mới để đình chỉ chế tài vào ngày 12 tháng 5.
“Vì thế trong những ngày tới chúng tôi sẽ lưu hành một danh sách những người và những thực thể mà chúng tôi tin là nên bị nhắm mục tiêu vì các vai trò đã được thể hiện công khai của họ,” tài liệu này nói, nhắc đến các vụ thử phi đạn đạn đạo của Iran và vai trò của Tehran hậu thuẫn chính phủ Syria trong cuộc nội chiến kéo dài bảy năm.
Theo Reuters, các bước đi này vượt xa những gì mà một điện báo của Bộ Ngoại giao Mỹ vạch ra như một cách để thỏa mãn các đòi hỏi của ông Trump: chỉ đơn giản là cam kết cải thiện thỏa thuận hạt nhân
Nó cũng phản ánh sự bất mãn với Tehran. “Chúng tôi bực mình. Chúng tôi đã đàm phán với họ suốt 18 tháng và không có tiến bộ gì về những vấn đề này,” một nhà ngoại giao nói.
Các bộ trưởng ngoại giao Liên minh Châu Âu sẽ thảo luận về đề xuất này tại một cuộc họp kín vào ngày thứ Hai ở Brussels, các nhà ngoại giao cho biết.
Các nhà phân tích nói rằng thỏa thuận hạt nhân này, vào thời điểm đó được ca ngợi là một bước đột phá giúp giảm nguy cơ của một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn gây tàn phá ở Trung Đông, có thể sụp đổ nếu Washington rút ra.
Tài liệu này nói rằng Anh, Pháp và Đức đã tham gia hội đàm tăng cường với chính quyền Trump để “có được sự tái xác nhận rõ ràng và lâu dài về sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân” sau ngày 12 tháng 5.
Đề xuất này được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và các cường quốc Châu Âu trong khi họ tìm cách xoa dịu chính quyền Trump, vốn đang bị chia rẽ giữa những người muốn xé bỏ thỏa thuận này và những người muốn giữ lại nó.
Hàn Quốc muốn tổ chức hội đàm thêm
với Triều Tiên trong tháng này
Hàn Quốc hôm thứ Sáu cho biết họ đang tìm kiếm các cuộc hội đàm cao cấp trong tháng này với Triều Tiên để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh và rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể gặp ông Donald Trump trước cuộc hội kiến đã được lên kế hoạch của tổng thống Mỹ với lãnh tụ Triều Tiên.
Giữa hàng loạt nỗ lực ngoại giao từ Châu Á tới Châu Âu đến Washington, ông Trump tái khẳng định kế hoạch của ông gặp gỡ ông Kim Jong Un trước cuối tháng 5 trong một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu với ông Moon, và cả hai người đều bày tỏ “lạc quan dè dặt” về những nỗ lực giải quyết khủng hoảng liên quan tới vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Một thông cáo của Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Moon đã thảo luận về công tác chuẩn bị cho các cuộc hội đàm sắp tới của họ với Bình Nhưỡng và nhất trí rằng “những hành động cụ thể,” không phải lời nói, là chìa khóa để giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Họ “nhấn mạnh có một tương lai tươi sáng hơn cho Triều Tiên, nếu nước này chọn con đường đúng đắn,” Nhà Trắng nói.
Trước đó, chánh văn phòng của ông Moon, Im Jong-seok, cho biết các cuộc hội đàm Bắc-Nam được đề xuất vào cuối tháng 3 sẽ bao gồm các chủ đề nghị sự chính và các chi tiết khác của hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra giữa ông Moon và ông Kim.
Nếu Triều Tiên đồng ý hội đàm, đây sẽ là cơ hội để Bình Nhưỡng phá vỡ sự im lặng của họ về điều mà Seoul nói là mong muốn của ông Kim gặp gỡ ông Trump và ông Moon và rằng ông Kim sẵn lòng đình chỉ các chương trình hạt nhân và phi đạn của nước ông.
Ông Im cho biết ông Moon có thể gặp ông Trump sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều nhưng trước hội nghị thượng đỉnh được lên kế hoạch giữa ông Trump với ông Kim vào tháng 5.
Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm với ông Trump, ông Moon cam kết hợp tác chặt chẽ với Washington về công tác ngoại giao cho hội nghị thượng đỉnh. Ông Trump đã yêu cầu các quan chức Hàn Quốc thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong cuộc điện đàm, tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Thậm chí giữa lúc đang có căng thẳng với Triều Tiên, ông Trump đã nhiều lần lên án một thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ với Hàn Quốc là “bất công” và nhiều lần dọa bãi bỏ nó.
Các quan chức cao cấp của Hàn Quốc đã gặp gỡ ông Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng trong tháng này và nói với Washington rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu an ninh của Triều Tiên được bảo đảm.
Ông Trump đáp lại bằng một loan báo bất ngờ rằng ông sẵn lòng gặp ông Kim trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Triều Tiên phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng đánh trúng Mỹ.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng về nội dung cuộc gặp gỡ giữa ông Kim với phía Hàn Quốc, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã tới Thụy Điển trong tuần này để thảo luận với người đồng cấp của Thụy Điển, Margot Wallstrom, khơi lên đồn đoán rằng ông có thể đặt nền móng cho một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.
Năm quán “Café Littéraire” nổi tiếng của Paris
Nhân Hội chợ sách Paris RFI Việt ngữ xin nói chuyện về 5 quán “Cà Phê Văn Học” ( Café littéraire ), nơi các nhà văn hay lui tới. Không đơn thuần là một quán cà phê, quán rượu hay quán nước, truyền thống của những tụ điểm này là nơi để tiếp cận với những vần thơ mới, những tác phẩm mới, những tư tưởng mới.
Le Procope là một quán bề thế và sang trọng nằm trên đường Rue de l’Ancienne Comédie, quận 6, hoạt động từ năm 1686. Chủ nhân là một người Ý từ Palermo đến Paris lập nghiệp. Ban đầu, chủ quán tạo một không gian để người lui tới thong thả thưởng thức hương thơm của một tách cà phê, đọc những tờ báo của Paris thời bấy giờ như là La Gazette, Le Mercure Galant.
Thế rồi, những cây bút nổi tiếng thời bấy giờ, như Jean Racine hay tác giả của những bài thơ ngụ ngôn La Fontaine, xem Le Procope như một dạng “căng –tin” thường ngày. Bước vào Thế Kỷ Ánh Sáng, Diderot và d’Alembert chọn quán cà phê này để cùng nhau soạn thảo bộ Bách Khoa Toàn Thư, L’Encyclopédie. Le Procope cũng là chiếc nôi của những tác phẩm lớn trong văn học Pháp như Le Mariage de Figaro (Beaumarchais) hay Œdipe (Voltaire) …
Bước vào thời đại lãng mạn, từ Victor Hugo đến George Sand hay nhà thơ Paul Verlaine đều đã để lại dấu ấn nơi này. Ngày nay, một cây bút nữ rất được yêu thích là Amélie Nothomb hay Marc Dugain (tác giả của tiểu thuyết được dựng thành phim La Chambre des Officiers) … đã ngồi vào chỗ từng được những Balzac hay Alfred de Musset yêu thích.
Café de la Paix, nằm ngay trên quảng trường Opéra nhìn thẳng vào một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Paris của Charles Garnier, từ năm 1862 tới nay đã lưu lại không ít dấu tích của những cây bút lớn trên văn đàn Pháp và thế giới, từ Guy de Maupassant, đến Alfred Daudet, tác giả của Les Lettres de Mon Moulin, đến Paul Valéry, André Gide hay Marcel Proust.
Quán Café de la Paix là nơi, ngày 26/02/1903, lần đầu tiên ban giám khảo giải thưởng văn học Goncourt trao phần thưởng cao quý này cho Joseph-Antoine Nau với tác phẩm Force ennemie. Hai cây đại thụ của văn đàn thế giới là Oscar Wilde và Ernest Hemingway đặc biệt yêu thích quán cà phê này. Café de la Paixđi vào lịch sửvăn học thế giới qua tác phẩm The Sun Also Rises – Mặt Trời Vẫn Mọc khi Hemingway dành hẳn một đoạn để nói về quán cà phê không tầm thường này.
Café de Flore.Trong suốt nửa thế kỷ, gần như là mỗi cuộc hội họp về văn chương, triết học hay nghệ thuật đều diễn ra trong khuôn viên quán cà phê ở số 172 trên đại lộ Boulevard Saint Germain này. Với Guillaume Apollinaire, Café de Florelà một dạng “tòa soạn”, hiểu theo nghĩa là nơi để tác giả của Le Pont Mirabeau sáng tác. Từ danh họa Picasso đến nhà điêu khắc Giacometti hay nữ sĩ Françoise Sagan đều chọn đây là “một ngôi nhà thứ hai”. Sau Thế Chiến Thứ Hai, cặp bài trùng Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir “đóng đô” ở Café de Flore. Năm 1983, chủ nhân của một quán cà phê nổi tiếng khác ở Paris là Closerie des Lilas mua lại Café de Flore. Từ năm 1994 cứ vào tháng 11, giải thưởng Prix de Flore dành tặng cho một nhà văn trẻ có triển vọng.
Closerie des Lilas.Hơn150 năm từ ngày được thành lập, quán Closerie des Lilas trên đại lộ Montparnasse đã mở rộng cửa đón từ thi sĩ Charles Baudelaire đến cha đẻ của cuộc cách mạng 1917 Lênin. Trong cuốn hồi ký Ernest Hemingway viết, Closerielà “Một trong những quán cà phê ngon nhất ở Paris” cho dù Closerie không chỉ là một quán cà phê mà còn là một hiệu ăn nổi tiếng. Tác giả của Paris est une fête – Paris là một ngày hội tâm sự với một nhà văn lớn khác của Mỹ là Fitzgerald, trong quán này ông “hạnh phúc như những đứa trẻ thơ”. Từ 2007, Closerie des Lilas, dành một giải thưởng văn học với ban giám khảo 100 % thuộc phái đẹp và giải thưởng này chỉ dành riêng cho các nhà văn nữ.
Les Deux Magots cũng trong khu vực Saint Germain des Prés, quận 6 Paris, nổi tiếng với hai pho tượng cổ lấy nguồn ảm hứng từ văn hóa Trung Hoa. Từ năm 1885, Les Deux Magots trở thành điểm hẹn của các nhà thơ như Rimbaud hay Verlaine, Mallarmé nhưng chẳng hiểu quản lý hàng quán thế nào mà chủ quán bị vỡ nợ, Les Deux Magots đổi chủ.
Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, giới văn nghệ sĩ thích đến đây trò chuyện. Nào là Elsa Triolet, Louis Aragon, André Gide … Các trường phái siêu thực, hiện thực nảy sinh từ chốn này. Nếu như “trụ sở” của giải thưởng Goncourt từ năm 1914 được chuyển về nhà hàng Drouant ở quận 2 Paris, thì Les Deux Magotstừ năm 1933đặt ra một giải thưởng văn học khác để cạnh tranh với giải Goncourt. Giải thưởng mang tên quán cà phê ở số 6 Quảng trưởng Saint Germain des Prés. Dường như kịch bản Star Wars tập 7 đã được đạo diễn J.J Abrams và Lawrence Kasdan “thai nghén” trên các băng ghế của Les Deux Magots.
http://vi.rfi.fr/phap/20180316-5-quan-cafe-litteraire-noi-tieng-cua-paris
Úc-ASEAN tăng cường hợp tác chống khủng bố
Trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh Úc-ASEAN mở ra trong hai ngày 17 và 18/03/2018 tại Sydney, thủ tướng Malcolm Turnbull và 10 đối tác trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ký kết văn bản ghi nhớ tăng cường hợp tác chống khủng bố trong khu vực. Giới chuyên gia lo ngại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thất thủ tại Trung Trung Đông, chuyển hướng sang châu Á.
Thủ tướng Úc khẳng định các phần tử thánh chiến từng hoạt động ở Syria hay Irak, là những chiến binh thành thạo. Họ là những mối đe dọa đối với an ninh của bản thân nước Úc và ASEAN. Do vậy theo ông, Canberra cần phải phối hợp chặt chẽ với các đối tác ASEAN hơn bao giờ hết để bảo đảm an ninh khu vực.
Văn bản ghi nhớ tăng cường hợp tác chống khủng bố giữa Úc và 10 thành viên trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gồm nhiều vế từ trao đổi thông tin tình báo đến khuôn khổ pháp lý, an ninh mạng, từ việc tăng cường kiểm soát các nguồn tài trợ của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan đến các phương tiện chuyển tiền hiện đại như tiền ảo …
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak đặc biệt quan ngại về khủng hoảng người Rohingya theo đạo Hồi tại Miến Điện. Theo ông, số này có thể trở thành những miếng mồi ngon để quân thánh chiến chiêu dụ. Chính sách tuyên truyền của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể nhắm tới 300 triệu người theo đạo Hồi tại các nước Đông Nam Á.
Ngoài vế an ninh, hãng tin AP cho biết, trên hồ sơ thương mại, thủ tướng Úc trong cương vị nước chủ nhà kêu gọi ASEAN đẩy mạnh tự do mậu dịch, tránh sa vào bẫy của các biện pháp bảo hộ. Về điểm này, đại diện cho ASEAN, thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long trấn an Canberra rằng “trong nội bộ ASEAN các thành viên luôn chung sức để tiếp tục để thị trường được rộng mở”.
Về chính sách ngoại giao đặc biệt là đối với Trung Quốc, AP ghi nhận, ASEAN không được đoàn kết bằng. Thủ tướng Singapore cũng nhìn nhận khối ASEAN không có chung một tiếng nói. Singapore đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180317-uc-asean-tang-cuong-hop-tac-chong-khung-bo
Washington tố Matxcơva “tấn công tin học”
đe dọa an ninh Mỹ
Lần đầu tiên Washington trực tiếp tố cáo Matxcơva là thủ phạm các vụ tin tặc nhắm vào “một số cơ sở hạ tầng hết sức nhạy cảm” của Mỹ. Trong số những mục tiêu này, có cả các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở cung cấp nước.
Theo báo cáo của bộ phận đặc trách về an ninh mạng trực thuộc bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ công bố ngày 15/03/2018, “ít nhất từ tháng 3/2016, nhiều cơ sở tin học của chính quyền Nga đã nhắm vào một số cơ quan của chính phủ Mỹ, những cơ sở hạ tầng nhạy cảm, trong đó có năng lượng, nguyên tử, hàng không, cơ sở cung cấp nước và nhiều điểm nhậy cảm trong ngành công nghiệp”.
Bản báo cáo nói trên được đưa ra đúng vào lúc tổng thống Donald Trump thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt Nga, nhằm trả đũa Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi 2016 qua nhiều đợt tấn công trên mạng.
Theo các nhà điều tra Mỹ, các nhóm tin tặc có nhiều cách thâm nhập vào mạng của các tập đoàn, các mục tiêu mà họ muốn nhắm tới.
Hàng năm, các vụ tin tặc gây thiệt hại từ 57 đến 109 tỷ đô la cho kinh tế Hoa Kỳ, theo như một bản báo cáo của Nhà Trắng công bố hồi tháng Giêng vừa qua. Mỹ nêu đích danh Nga, Trung Quốc Iran và Bắc Triều Tiên đứng đằng sau các vụ tấn công đó.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180317-washington-to-cao-matxcova-tan-cong-tin-hoc-de-doa-an-ninh-my
Gia tăng hoạt động ngoại giao
chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump-Kim
Hôm qua, 16/03/2018, nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao và cuộc điện đàm đã diễn ra nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, mà cho tới nay vẫn chưa chính thức được xác nhận.
Hiện giờ, Washington và Bình Nhưỡng chưa tiếp xúc trực tiếp, và ngày giờ cũng như địa điểm diễn ra thượng đỉnh Hoa kỳ – Bắc Triều Tiên vẫn chưa được xác định
Nhưng hôm qua, tại Stockholm, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã họp với đồng nhiệm Margot Wallström và thủ tướng Stefan Löfven của Thụy Điển, quốc gia đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Bắc Triều Tiên. Trên nguyên tắc đã kết thúc hôm qua, nhưng các cuộc họp giữa Ngoại trưởng Ri Yng Ho với các lãnh đạo Thụy Điển sẽ tiếp tục hôm nay.
Trong khi đó, từ Washington, hôm qua tổng thống Trump đã gọi điện thoại cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Theo Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc, tổng thống Mỹ đã nhắc lại ý định gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un từ đây đến cuối tháng 5.
Ông Donald Trump đã bày tỏ thái độ « lạc quan thận trọng » của ông với tổng thống Moon Jae In. Hai vị lãnh đạo Mỹ-Hàn cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ có « một tương lai tốt hơn » nếu đi theo con đường phi hạt nhân hóa.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự ráo riết của các hoạt động ngoại giao, đó là hôm qua, ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã lần lượt được quyền ngoại trưởng Mỹ John Sullivan tiếp tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Vấn đề là cho tới nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa có thông báo gì, không phủ nhận mà cũng không xác nhận những thông tin của Seoul về thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-Un, khiến nhiều chuyên gia tỏ ra rất thận trọng về khả năng diễn ra cuộc gặp Donald Trump – Kim Jong-Un.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180317-gia-tang-hoat-dong-ngoai-giao-chuan-bi-cho-thuong-dinh-trump-kim
Bầu cử Nga:
Kiev không cho kiều dân Nga bỏ phiếu tại Ukraina
Hôm qua 16/03/2018, chính quyền Kiev cho biết, ngoại trừ những nhân viên ngoại giao, họ sẽ cấm các cử tri Nga vào các lãnh sự quán tham gia bầu cử tổng thống Nga vào ngày 18/03. Ukraina muốn tỏ sự phản đối việc tổ chức bầu cử tổng thống Nga tại Crimée. Ngay lập tức Matxcơva đã lên án Kiev « can thiệp » vào công việc nội bộ Nga.
Thông tín viên Sébastien Gobert tường trình từ Kiev:
Chỉ có các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán được bỏ phiếu. Còn lại tất cả những người Nga khác sẽ phải theo dõi bầu cử qua truyền hình.
Bộ trưởng Nội Vụ Ukraina Arsen Avakov bảo đảm ông không có ý định ngăn cản các cơ quan đại diện ngoại giao Nga hoạt động bình thường, mà chỉ chặn cửa không để kiều dân Nga bình thường vào bỏ phiếu.
Dù sống trong không khí xung đột từ năm 2014, quan hệ ngoại giao giữa Kiev và Matxcơva chưa bao giờ bị gián đoạn. Tháng 9 năm 2016, Ukraina đã cho phép tất cả kiều dân Nga đi bỏ phiếu bầu cử Quốc Hội Nga.
Play Video
Năm nay, các nhóm cực hữu Ukraina đã cho biết ý định sẽ tấn công các cử tri Nga khi ra khỏi các phòng bầu cử. Quyết định của bộ Nội Vụ Ukraina vì thế được coi là biện pháp bảo vệ an ninh.
Ngoài ra, quyết định này cũng thể hiện phản đối chính thức việc tổ chức bẩu cử tổng thống Nga trên lãnh thổ Crimée bị chiếm đóng.
Kiev kêu gọi người dân ở đó tẩy chay cuộc bầu cử ” bất hợp pháp” trên lãnh thổ Crimée. Có vẻ không mấy người nghe theo lời kêu gọi đó, nhưng nó cho thấy Ukraina vẫn xem Nga là quốc gia đi xâm lược.