Tin Việt Nam – 16/03/2018
Chính quyền nói dân bị kích động biểu tình
chống dự án thủy sản
Hằng trăm người dân xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào sáng ngày 16 tháng 3 lại kéo nhau lên chặn đoạn Quốc Lộ I đi qua địa bàn xã này để phản đối một dự án chế biến thủy sản vì họ cho sẽ gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, đại diện của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phù Mỹ, thì hoạt động phản đối của người dân là do có yếu tố bên ngoài kích động, lôi kéo.
Mạng báo Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Văn Dũng là Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định có kết luận, yêu cầu đơn vi thuê đất dừng thi công và tỉnh này đã giao cho Giám Đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường và các ngành chuyên môn đánh giá lại tác động môi trường của dự án.
Vào chiều tối ngày 16 tháng 3, RFA liên lạc với Chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân và Hội Đồng Nhân Dân Huyện Phù Mỹ để hỏi về thông tin liên quan. Ông này lấy lý do đang đi công tác để từ chối trả lời: “Tôi đang bận đi công tác nên không trao đổi được. Mong thông cảm!”
Giám đốc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan cũng có ý kiến tương tự ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Phù Mỹ là có yếu tố kích động từ bên ngoài lôi kéo người dân biểu tình chống dự án bị cho sẽ gây ô nhiễm của công ty này.
Bà Lục Thị Kim Loan, giám đốc Công Ty TNHH Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan nói với RFA là việc xây dựng chưa tiến hành và mọi chuyện do quyết định của chính quyền: “Nhà nước cho làm thì tôi làm còn không cho làm thì tôi nghỉ.”
Tin cho biết vào chiều ngày 26 tháng 2 vừa qua, hàng chục hộ dân tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đến trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân huyện bày tỏ phản đối dự án mà Công ty TNHH Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan sẽ triển khai tại địa phương của họ với lý do sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi phản đối tại trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Huyện Phù Mỹ, những người phản đối lên Quốc Lộ ngồi hàng ngang để biểu tỏ ý kiến.
Sáng ngày 16 tháng 3, hằng trăm người dân xã Mỹ An lại lên Quốc Lộ 1 để biểu tình phản đối dự án bị cho sẽ gây ô nhiễm.
Chính quyền địa phương đã cấp thủ tục thuê đất trong Cụm Công Nghiệp Làng Nghề Chế Biến Thủy Sản Mỹ An để triển khai dự án của Công Ty TNHH Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan.
Luật sư ở Việt Nam có thể bị kỷ luật bất cứ lúc nào?
Diễm Thi, RFA
Nghề luật sư được xem là một nghề cao quý trong xã hội bởi luật sư là người bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý nhằm đem lại sự công bằng cho xã hội. Nhưng nghề luật sư ở Việt Nam dường như tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi họ có thể bị kỷ luật bất cứ lúc nào.
Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh hôm 12 tháng 3 ra quyết định xóa tên Luật sư Phạm Công Út, thuộc Công ty TNHH MTV Phạm Nghiêm, khỏi danh sách luật sư của đoàn. Theo báo chí trong nước thì lý do bị kỷ luật là do ông không thực hiện được một hợp đồng với khách hàng nhưng không hoàn trả tiền cho họ.
Trên trang facebook cá nhân của luật sư Phạm Công Út sau đó viết rằng “Có lẽ tôi là người có nhiều kẻ thù, vì tôi mở ra một nhóm mang tên “Hội đồng bào chữa”… mà trở thành cái gai trong mắt của những người cầm quyền hay cầm tiền.”
Trả lời phỏng vấn của đài RFA sau khi nhận quyết định kỷ luật, luật sư Phạm Công Út tỏ ra bình thản đón nhận sự việc, vì với ông, người luật sư giống như một hiệp sĩ:
“Tôi cho luật sư giống như hiệp sĩ thời phong kiến của Châu Âu. Khi làm hiệp sĩ thì có lúc thắng có lúc bại. Lúc thắng thì mang cái thắng đến cho người khác, còn lúc bại thì mình là người phải trả giá. Dấn thân vào con đường hiệp sĩ thì phải chấp nhận vậy thôi.”
Luật sư Võ An Đôn, người bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên vào tháng 11 năm ngoái trước phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm, một nhà hoạt động xã hội bị tù vì chỉ trích chính quyền, nói với RFA:
“Tôi thấy điều gì đó khúc mắc vì theo luật, nếu tiền thù lao giữa khách hàng và luật sư giải quyết không được thì sẽ ra tòa để giải quyết theo pháp luật. Nhưng trong trường hợp này thì Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh không bảo vệ thành viên của mình là luật sư Phạm Công Út mà lại đi tước thẻ hành nghề luật sư.”
Luật sư Đôn cho chúng tôi biết thêm thông tin về “Hội đồng bào chữa” mà luật sư Út đề cập ở trên:
“Luật sư Út là người sáng lập ra “Hội đồng bào chữa”, tập trung nhiều luật sư ba miền Nam Trung Bắc chuyên bào chữa miễn phí cho các vụ oan sai trong cả nước. Rất là nhiều vụ đụng chạm, “nhạy cảm” ở Việt Nam nên Cơ quan Tiến hành tố tụng rất ngứa mắt.”
Theo Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Phạm Công Út có quyền khiếu nại đến Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 12 tháng 3. Luật sư Phạm Công Út từ chối chưa đưa ra lời bình luận gì về dự định của mình sắp tới.
Chúng tôi liên lạc với một số đồng nghiệp của ông thì đa số họ muốn ông phải lên tiếng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng văn phòng luật sư mang tên ông tại Việt Nam nói với chúng tôi:
“Quy trình họ làm thì không sai, điều chúng tôi quan tâm là xử lý về mặt nội dung đúng hay không. Trong tranh chấp dân sự thì tòa án là bên có thẩm quyền giải quyết và tuyên ai đúng ai sai. Mà khi tòa chưa tuyên thì sự việc chưa rõ ràng thì không có lý do gì xử lý thành viên của mình theo cách đó cả. Họ đang làm theo cách suy diễn là chưa đúng.
Chúng tôi đang có ý kiến sẽ cùng với luật sư có các kiến nghị, nhưng bản thân luật sư Út phải kiến nghị trước, tự bảo vệ quyền lợi cho mình trước, chúng tôi thì ủng hộ như trước đây đối với luật sư Đôn.”
Là người từng bị kỷ luật và cũng từng gửi khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư, tuy chưa có kết quả, nhưng luật sư Võ An Đôn vẫn mong luật sư Phạm Công Út khiếu nại vì theo ông, giới luật sư Việt Nam khoảng 14 ngàn người nhưng số luật sư dám nhận bào chữa những vụ được cho là nhạy cảm ở Việt Nam thì rất ít, và nhiều người trong số đó bị tước thẻ. Luật sư Đôn cho rằng những vụ kỷ luật này nhằm dằn mặt những luật sư khác.
Không phải đến thời gian gần đây, những luật sư tham gia bảo vệ cho thân chủ là những người bất đồng chính kiến hay những dân oan bị tước thẻ hành nghề như luật sư Đôn hay luật sư Út, mà trước đây, luật sư Lê Trần Luật cũng bị Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận ra hình thức kỷ luật tương tự khi tham gia bào chữa cho các giáo dân giáo xứ Thái Hà vào năm 2009.
Còn với luật sư Nguyễn Khả Thành, một người không ngại tham gia bào chữa cho giới bất đồng chính kiến thì chia sẻ với chúng tôi rằng cho đến bây giờ thì ông chưa nghĩ việc đó (kỷ luật) xảy ra, nhưng theo ông, trong cuộc sống mọi cái đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và nếu nó đến ông cũng gắng bình thản.
Trả lời RFA về câu hỏi liệu luật sư có thấy lo ngại khi có thể bị kỷ luật như các luật sư đồng nghiệp hay không, luật sư Ngô Anh Tuấn cho chúng tôi biết:
“Bị kỷ luật hay không thì chuyện ngày mai khó nói lắm. Kỷ luật những người như tôi hay những người bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến thì bất cứ lúc nào, với bất cứ lý do gì. Việc đó khó tránh khỏi. Chúng tôi tuân thủ luật pháp, nhưng nếu tuân thủ mà vẫn bị xử lý thì chịu thôi, mình không điều khiển được hành vi của người khác. Mình chỉ làm những gì mà pháp luật và lương tâm cho phép.”
VN ký đối tác chiến lược
còn Indonesia mời Úc vào ASEAN
Một ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Australia ở Sydney vào ngày 17/03/2018, bà Julie Bishop nói nước Úc sẽ “nghiêm túc xem khả năng gia nhập ASEAN” nếu có lời mời chính thức.
Đây là động thái do Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo nêu ra và ngay lập tức được nhiều ý kiến bình luận.
APEC: ‘VN là trung tâm thu hút quốc tế’
ASEAN họp về Biển Đông ‘bất lợi’ cho VN
Phan Văn Anh Vũ ‘bị giữ’ ở Singapore
Indonesia tiêm triệt dâm để ‘thanh toán nạn ấu dâm’
Tiến sĩ Adriana Elisabeth, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Indonesia, Jakarta tỏ ý nghi ngờ về tính thực tiễn của ý tưởng này.
Bà nói với BBC:
“ASEAN còn nhiều việc phải giải quyết, nhất là về mặt củng cố sự thống nhất và tập trung hóa.”
“10 nước ASEAN với văn hóa, chính trị và kinh tế khác nhau nên tự thân ASEAN đã rất phức tạp cho việc quản lý.”
Bà Adriana Elisabeth cũng tin rằng ASEAN “chịu tác động của các nước hùng mạnh bên ngoài như Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là về vấn đề Biển Đông.”
Còn TS Greg Fealy từ Viện College of Asia and the Pacific, ĐH Quốc gia Australia thì tỏ ra ngạc nhiên về bình luận của ông Jokowi.
“Đa số các nhà quan sát ASEAN đều thận trọng về chuyện nhận thành viên mớiTS Greg Fealy
“Tôi hơi ngạc nhiên vì ông Jokowi có vẻ như thiếu hiểu biết sâu sắc về động lực nội tại của ASEAN, và việc khó thực hiện điều đó. “
“Nhưng tôi nghĩ Úc rất vui thích với ý tưởng này vì nó là dấu hiệu quan hệ giữa hai ông Jokowi và Turnbull ấm lên.”
“Đa số các nhà quan sát ASEAN đều thận trọng về chuyện nhận thành viên mới, như trong trường hợp Đông Timor. Nước đó thuộc vùng Đông Nam châu Á nhưng không trong ASEAN, chưa nói gì tới Úc. Với đa số các thành viên ASEAN, nước Úc nằm ngoài cả khu vực này.”
Phát biểu trước khi đến Sydney dự hội nghị, ông Widodo, hay Jokowi, trả lời hãng Fairfax Media rằng đó là “ý tưởng rất hay”, theo tờ Sydney Morning Herald hôm 15/03.
ASEAN cần nước Úc
Theo ông Jokowi, sự có mặt của Úc trong ASEAN sẽ chỉ giúp cho khu vực thêm ổn định, cả về kinh tế và chính trị.
Theo AFP, bình luận của ông Jokowi thu hút sự chú ý vào lúc Úc là nước đăng cai hội nghị đặc biệt giữa họ và các lãnh đạo ASEAN, trong khi “Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sức mạnh” và trong vùng còn có “mối đe dọa gia tăng của chủ nghĩa bạo lực cực đoan”.
Các lãnh đạo ASEAN đều đã hoặc sắp tới Sydney dự hội nghị.
Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng là người đại diện cho Myanmar tại hội nghị này.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tới Canberra, để rồi tới Sydney của Úc sau khi ông Phúc đã có chuyến thăm New Zealand.
Hôm 15/3, sau lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội liên bang ở Canberra, Thủ tướng nước chủ nhà Malcolm Turnbull đã hội đàm và ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Australia.
Báo Úc viết rằng ông Phúc “nêu ra vấn đề hợp tác chặt chẽ hơn với Úc để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông”.
New Zealand muốn tái đàm phán TPP tại Đà Nẵng
APEC: Thông điệp lãnh đạo quốc tế khi tới VN
Jacinda Ardern khác hẳn các lãnh đạo APEC
Ông cũng “cảnh báo rằng các bên cần kiềm chế không sử dụng vũ lực và đe dọa” tại vùng biển này”, và muốn Úc có vai trò quan trọng hơn tại đây, theo Lisa Murray và Angus Grigg trên trang Australian Financial Review.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43430083
Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là một trong 5 quốc gia
có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất
Ỷ Lan
Hội đồng Nhân quyền LHQ đang họp khoá thứ 37 tại Điện Quốc Liên ở Genève từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 23 tháng 3. Hàng trăm đại biểu các chính phủ quốc gia thành viên và tổ chức Phi Chính phủ khắp năm châu về tham dự để theo dõi, thảo luận, báo cáo tình hình nhân quyền trên thế giới.
Vấn đề Tự do tôn giáo, tín ngưỡng được đặc biệt quan tâm tại khoá họp. Đầu tuần này, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo đã công bố tại hội trường bản Phúc trình Thường niên nhan đề « Quan hệ giữa Nhà nước và Tôn giáo cùng tác động của quan hệ này cho Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng » .
Hôm thứ ba, mồng 6 tháng 3, Đại sứ Liên Âu tại LHQ chủ toạ buổi ra mắt tổ chức « Diễn Đàn học hỏi Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng – The Freedom of Religion or Belief Learning Platform », là sáng kiến của Mạng lưới Bắc Âu về Tự do Tôn giáo với 44 tổ chức thành viên, trong số này có « Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam » và « Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ». Mục tiêu của tổ chức nhằm cung cấp các tài liệu thông tin, videos… giúp cho mọi cá nhân hay tổ chức có đủ tư liệu toàn diện để lấy quyết định hoạt động, suy nghĩ và thăng tiến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho mọi người. Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo ca ngợi sáng kiến này là một « bước tiến khổng lồ » trong việc giáo dục nhân quyền và tự do tôn giáo.
Khi các quốc gia sử dụng luật pháp để giữ vững hoà bình giữa các cộng đồng, họ không biết rằng đã làm tổn hại tự do, và vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của người dân.
Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, để hiểu thêm tình hình tự do tôn giáo trên thế giới và tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Thưa Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Phúc trình thường niên của Tiến sĩ trước Hội đồng Nhân quyền LHQ đặt trọng tâm vào quan hệ giữa Nhà nước và Tôn giáo cùng tác động của quan hệ này cho sự bảo vệ tự do tôn giáo. Xin Tiến sĩ có thể giải thích rộng hơn vấn đề này ?
Ahmed Shaheed : Có ba mẫu Nhà nước và Tôn giáo phát triển nhiều thế kỷ qua. Mẫu thứ nhất, là mối quan tâm chính để gìn giữ hoà bình tôn giáo. Mẫu lịch sử này cho thấy, dù vị Hoàng tử hay Người cầm quyền theo một đức tin nào, thì toàn thể quốc gia ấy quy phục theo cùng niềm tin. Mục tiêu của mẫu mực này nhằm bảo đảm nền hoà bình cho thần dân. Một mẫu khác hiện hữu chừng 100 năm qua, là « mẫu bảo vệ » cho giới thiểu số. Tiêu điểm nhằm lo liệu bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, điều này có nghĩa là không công nhận nhân dân có quyền thay đổi tôn giáo. Ngày nay thì chúng ta có mẫu nhân quyền phổ quát, sự khác biệt với các mẫu kia, là từ điểm xuất phát, quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là quyền của mỗi cá nhân. Tự do tôn giáo là quyền sở hữu của mọi cá nhân, bất chấp tới niềm tin, bất chấp việc người này muốn thay đổi hay không niềm tin của mình. Vì vậy, khi các quốc gia sử dụng luật pháp để giữ vững hoà bình giữa các cộng đồng, họ không biết rằng đã làm tổn hại tự do, và vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của người dân.
Ỷ lan : Việt Nam vừa thông qua Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo có hiệu lực kể từ tháng giêng vừa qua. Nhà cầm quyền nói Luật này bảo vệ tự do tôn giáo, nhưng tôn giáo nói đây ám chỉ các cộng đồng tôn giáo đã đăng ký hay được Nhà nước thừa nhận. Theo Tiến sĩ thì Nhà nước có quyền giới hạn sự thừa hưởng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho các tôn giáo được Nhà nước công nhận hay không ?
Ahmed Shaheed : Các quốc gia phải hiểu rằng nhân quyền không thể bắt đầu với sự thừa nhận của Nhà nước. Như tôi đã nói trong Phúc trình của tôi, sự thừa nhận của Nhà nước không thể là bước khởi đầu cho tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Trước hết mọi quốc gia phải công nhận, rằng bất cứ ai đều được hưởng quyền tư do tôn giáo. Sự thừa nhận của Nhà nước chỉ là quy trình giúp việc bảo vệ quyền này, chứ không là ngược lại. Trong các quốc gia mà luật pháp thừa nhận tôn giáo nào đó, rồi siết cổ thái quá tôn giáo khác, rõ ràng như thế là vi phạm quyền bình đẳng của mọi người. Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng thực sự, là khi quốc gia cung cấp sự bảo đảm không kỳ thị, bằng sự đối xử bình đẳng với mọi người, đồng thời bảo đảm tự do, để mọi người có đủ không gian phát biểu ý kiến và niềm tin họ theo. Các quốc gia phải hoàn tất cán cân thăng bằng giữa bình đẳng và tự do, chứ không là nhảy từ thái cực này tới thái cực kia. Công tác chỉ hoàn thành khi tự do và bình đẳng được bảo đảm.
Ỷ Lan : Trong bản Phúc trình, Tiến sĩ nói rằng “Tôn trọng tự do tôn giáo gắn liền chặt chẽ với mức độ khoan dung và sự tôn trọng tính đa dạng trong xã hội », Tiến sĩ cũng nói « Các nhân quyền khác như tự do biểu đạt hay tự do lập hội không thể nẩy nở khi tự do tôn giáo bị vi phạm ». Việt Nam là quốc gia độc đảng, chẳng bao giờ chấp nhận tính đa dạng trong xã hội. Trong hoàn cảnh như vậy, theo Tiến sĩ, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng có thể được tôn trọng hay không ?
Ahmed Shaheed : Như chị biết, Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một quyền mở rộng, vì vậy tôn trọng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đặt nền tảng cho sự tôn trọng nhân quyền, tự nó đã mang tính đa nguyên và dân chủ. Đồng thời sẽ không có tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, nếu nhân quyền và các tự do dân chủ bị khước từ. Nói cách khác, nếu có những hạn chế về tự do biểu đạt, tự do hội họp và lập hội, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, lạm dụng quyền phụ nữ và thiếu vắng sự bình đẳng, tất nhiên tự do tôn giáo hay tín ngưỡng sẽ không bao giờ được tôn trọng. Có một số điều kiện mà các quốc gia phải bảo đảm để bảo vệ thực sự cho tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Các nghiên cứu toàn cầu đều đặt Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia trên thế giới có thái độ vô cùng tiêu cực đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trong lĩnh vực công cộng hay tư nhân.
Thứ nhất, quốc gia phải duy trì một « khoảng cách xa » với tôn giáo trên lĩnh vưc pháp luật và chính sách công cộng – không nên ban hành các sắc luật căn cứ trên các giáo điều tôn giáo, cũng như không sử dụng luật pháp để xâm lấn vào nội bộ tôn giáo.
Thứ hai, quốc gia phải phát triển pháp quyền, như vậy nhân quyền và tự do tôn giáo sẽ được khung pháp lý bảo vệ.
Thứ ba, dù theo đúng pháp luật hiện hữu, nhưng phải được bao gồm theo sự cam kết chính trị, tính đa nguyên chính trị, sự đa dạng, tôn trọng tính sai khác của con người.
Đây là sự hằn sâu những giá trị, chính sách và thực tiễn, và phải tuân thủ các giá trị nhân quyền phổ quát, nếu không, sẽ chẳng bao giờ có tự do tôn giáo thực hữu.
Ỷ Lan : Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam ?
Ahmed Shaheed : Nếu chị nhìn vào cơ sở dữ liệu trong công tác của Báo cáo viên Đăc biệt về Tự do tôn giáo suốt thập niên qua, chị sẽ thấy Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất. Sự kiện Việt Nam thu hút mối quan tâm lớn của các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do tôn giáo, cho thấy mối quan tâm nghiêm trọng tại quốc gia này. Trong bản Phúc trình của tôi, tôi nêu ra những quốc gia có thái độ tiêu cực đối với tôn giáo hay với một số tôn giáo nào đó, nên đã giới hạn các tự do dân sự — thì Việt Nam rơi vào phạm trù này. Cũng vậy, các nghiên cứu toàn cầu đều đặt Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia trên thế giới có thái độ vô cùng tiêu cực đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trong lĩnh vực công cộng hay tư nhân.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Tiến sĩ Ahmed Shaheed.
Ông Hun Sen sẽ hỏi VN tại Úc về Sam Rainsy?
Hun Sen nói ông nghi ngờ sự trung thành của Việt Nam, sau khi có thông tin các quan chức ngoại giao Việt Nam nhiều lần gặp gỡ đối thủ chính trị của ông, theo truyền thông Campuchia.
Hun Sen nói một cách giận dữ hôm 14/3, rằng: “Tôi sẽ hỏi những người bạn Việt Nam, liệu họ có thật sự trung thành với tôi và Campuchia hay không.”
Theo tờ Phnom Penh Post, hôm 12/3, bắt đầu xuất hiện các thông tin cho thấy Sam Rainsy, cựu lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), đã có các cuộc gặp bí mật với quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam vào 2003 và 2004.
Đảng của Hun Sen giành gần hết ghế Thượng viện
Ông Hun Sen đang nằm viện tại Singapore
Facebook làm đối lập Campuchia thất vọng?
Người Thượng ở Campuchia ‘cầu cứu, không muốn về VN’
Đồng thời, có thông tin ông Rainsy nói sẽ “nhường 4 tỉnh” phía bắc Campuchia cho người Thượng gốc Việt nếu Rainsy chiến thắng trong cuộc bầu cử 2013, động thái mà Hun Sen cáo buộc là “phản quốc”.
Hun Sen nói sẽ hỏi lãnh đạo Việt Nam ở Hội nghị ASEAN-ÚC ở Sydney vào ngày 17/3, nếu Việt Nam có biết về kế hoạch này của ông Rainsy hay không.
Hun Sen, Sam Rainsy với Việt Nam
Tờ Phnom Penh Post viết rằng chính quyền của Hun Sen vốn được thiết lập bởi Việt Nam sau khi Việt Nam giúp lật đổ chế độ diệt chủng, Khmer Đỏ.
Trong khi Rainsy nhiều năm qua đã cáo buộc chính quyền của Hun Sen xẻ đất cho Việt Nam, và liên tục dùng những lời lẽ bài Việt để thu hút cử tri – đến mức bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc.
Việc Sam Rainsy gặp gỡ các quan chức ngoại giao Việt Nam là một diễn biến bất ngờ trong chính trường Campuchia.
“Tại sao anh lại có những cuộc thỏa hiệp bí mật? Trong khi chính anh bôi nhọ tôi là con rối của Việt Nam?” Hun Sen giận dữ hỏi.
Trong một diễn biến bất ngờ khác, một video clip trên Facebook cho thấy vào 2013, Sam Rainsy nói sẽ giao người Thượng gốc Việt quyền tự trị ở bốn tỉnh phía bắc Campuchia nếu ông đắc cử vào 2013.
Trong video, ông Rainsy nói “Những người này là người Degar, họ là một phần của vương quốc Campuchia, họ sống ở tỉnh Mondukiri, Ratanakkiri, Stung Treng và Kratie.”
Hành trình Biển Hồ 1: Bấp bênh với sóng gió
Hành trình Biển Hồ 2: Số phận không bến bờ
Thân phận trôi nổi của người Việt ở Campuchia
Campuchia: Chuyện ‘tước quốc tịch’ dân gốc Việt
Biên bản ký kết giữa Rainsy và Kor Ksor, đại diện Hội người Thượng ở Hoa Kỳ, ghi rằng “dưới chính quyền Campuchia dẫn dắt bởi đảng CNRP,” người Thượng ở Campuchia “có quyền công dân và tự trị”.
Theo tờ Khmer Times, Hun Sen nói đây là dấu hiệu của “tội phản quốc” và đã ra lệnh yêu cầu Bộ Nội vụ điều tra cáo buộc phản quốc với Sam Rainsy.
“Ông buộc tội Hun Sen cắt đất cho Việt Nam, nhưng giờ chúng ta đã thấy bộ mặt thật của ông,” Hun Sen nói.
“Không ai có quyền nhượng đất Campuchia.”
Ông Sam Rainsy sau đó đã bác bỏ các cáo buộc phản quốc của Hun Sen, và cho đó là những lời tuyên bố thêu dệt, và để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vụ đàn áp chính trị đang diễn ra.
Ông thừa nhận rằng ông có gặp với quan chức Việt Nam vào thời điểm đó nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Thay vào đó Sam Rainsy, hiện không còn là dân biểu Quốc hội, mà phải đi sống lưu vong ở châu Âu, nói các cuộc gặp cho thấy ông không hề có bất kì “quan điểm bài Việt như vài người thiếu hiểu biết hoặc có ý đồ xấu cáo buộc”.
Quan hệ Campuchia – Việt Nam
Chuyên gia chính trị Meas Ny nói với tờ Phnom Penh Post rằng, mâu thuẫn này đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ giữa Hun Sen và láng giềng Việt Nam và làm giảm uy tín của Sam Rainsy trong mắt những người ủng hộ ông ta.
Meas Ny cũng nói Việt Nam và Campuchia đang đi theo hai hướng khác nhau.
“Khi bạn nhìn từ xa, bạn có thể thấy một bên thì ngày đang tiến gần Hoa Kỳ còn bên còn lại thì tiến gần Trung Quốc hơn.”
Thêm vào đó, tuy đảng CNRP của Rainsy đã bị tan rã, vẫn có hơn 3 triệu người ủng hộ đang “bơ vơ” trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm nay.
Tiến sĩ Paul Chambers, tại đại học Naresuan bình luận rằng, Hun Sen cần phải làm giảm uy tín các đối thủ để giành được chiến thắng áp đảo đem lại tính chính danh cho quyền lực của mình.
Phóng viên BBC Tiếng Việt từ Bangkok chưa có điều kiện kiểm chứng với Bộ Ngoại Giao Việt Nam về các cuộc gặp báo Campuchia nói là có xảy ra từ khá lâu, trong các năm 2003, 2004.
Nhưng theo tìm hiểu của BBC Tiếng Việt, vào thời điểm 2003, 2004, ông Rainsy là nghị sỹ Quốc hội Campuchia và về các vấn đề quản lý nhà nước ông không có thẩm quyền, nên nếu có tiếp xúc với nhà chức trách nước khác thì cũng khó có thể đề cập đến các nội dung như biên giới hay kiều dân.
Quan hệ hai nước kể từ đó đã tiến triển nhiều.
Nhiều vấn đề các chính khách Campuchia nêu ra cần được hiểu trong bối cảnh cạnh tranh chính trị nội bộ trước bầu cử, khi mà câu chuyện quan hệ với Việt Nam thường trở thành đề tài ‘nóng’, nhất là khi có liên quan đến lãnh thổ, biên giới và cộng đồng gốc Việt.
Về quan hệ song phương gần đây nhất, hôm 13/3, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân có buổi đón tiếp xã giao đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do Đô trưởng Thủ đô Phnom Penh Khuong Sreng dẫn đầu, theo Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ông Nhân nói:
“Năm 2017 là năm có ý nghĩa khi hai nước chúng ta long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động phong phú như trao đổi đoàn, nhiều chuyến thăm cấp cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Tôi tin tưởng rằng, thành công của năm 2017 sẽ tạo đà thuận lợi cho quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm nay”.
Nhân nói thêm rằng mong mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Cũng theo báo này, Đô trưởng Thủ đô Phnom Penh nói truyền thống hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thường xuyên được vun đắp và cho biết, sẽ tuyên truyền cho giới trẻ hiểu và tiếp tục gìn giữ, kế thừa, phát huy cho mối quan hệ Việt Nam – Campuchia mãi mãi bền vững.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43426902
Chất lượng nước nhiều con sông Việt Nam kém
Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước sông vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Đó là thừa nhận mà đại diện Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Việt Nam đưa ra tại Hội Thảo Khoa Học ‘Giải Pháp Xanh cho Nguồn Nước’ diễn ra vào ngày 16 tháng 3 tại Hà Nội.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của giới chức Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Việt Nam cho rằng tình trạng vừa nêu dẫn đến hệ quả một số sông tại Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước của nhiều dòng sông không đáp ứng yêu cầu của mục đích sử dụng.
Cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay có thực hiện một số công cụ chính sách quản lý như thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí trong khai thác, sử dụng nước; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; qui định bồi thường thiệt hại khi gây ra ô nhiễm…
Tuy nhiên theo đánh giá thì việc thực thi những chính sách đưa ra vẫn còn nhiều bất cập như biện pháp chế tài thiếu hữu hiệu.
Một biện pháp giúp khắc phục tình trạng đáng ngại này, theo đại diện của Viện Chiến Lược, Chính Sách Tài Nguyên & Môi Trường thì cần căn cứ vào những qui luật thị trường điều chỉnh hành vi của bên sử dụng nước.
Ngày 22 tháng 3 hằng năm được Liên Hiệp Quốc qui định là Ngày Thế Giới Nước. Chủ đề năm nay là “Nước Với Thiên Nhiên’.
Việt Nam ‘lộ’ tin một hòa thượng có 50 năm tuổi Đảng
Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người vừa qua đời, có 50 năm tuổi Đảng.
Hòa thượng Thích Không Tánh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói với VOA rằng có lẽ đây là lần tiên chính quyền Việt Nam chính thức thừa nhận một trong các lãnh đạo của giáo hội được Hà Nội hậu thuẫn là đảng viên của Đảng Cộng sản.
“Hồi trước tới giờ, họ âm thầm đào tạo các nhà sư, trong những nhà sư được thăng quan tiến chức, đảm nhận các chức danh lãnh đạo tôn giáo đều có tuổi Đảng cả, nhưng họ không nói rõ ra.”
Hồi trước tới giờ, họ âm thầm đào tạo các nhà sư, trong những nhà sư được thăng quan tiến chức, đảm nhận các chức danh lãnh đạo tôn giáo đều có tuổi Đảng cả, nhưng họ không nói rõ ra.
Hòa Thượng Thích Không Tánh
Truyền thông Việt Nam hôm 14/3 loan tin Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ đến viếng Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Sam, qua đời hôm 12/3 tại tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó vào hôm 13/3, báo Nhân dân cho biết bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, cũng đã đến viếng đám tang Hoà thượng Thích Thanh Sam.
Theo Báo Bắc Ninh, vào năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cho Hoà thượng Thích Thanh Sam.
Trong một cáo phó, báo Giác Ngộ nói Hòa thượng Thích Thanh Sam sinh năm 1929, xuất gia vào năm 1942 và được kết nạp vào đảng năm 1962.
Trang này cho biết vào năm 1966, khi quân đội Mỹ tiến vào miền Bắc Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Sam đã “trực tiếp chỉ đạo một mũi nhọn xung kích dân công xã Cao Đức tham gia chiến dịch thủy lợi đào sông Đồng Khởi tại huyện Gia Lương do Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc phát động.”
Hòa thượng Thích Không Tánh nói một khi đã thọ giới thì không nên tham gia chính trị đảng phái nào cả:
“Khi quy y Phật là không còn tham gia vào đảng phái chính trị của thế gian. Nếu tham gia là phạm giới. Nhưng ở Việt Nam thì bị như vậy. Quần chúng hiện nay nói rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một giáo hội quốc doanh: nhà nước lập lên, làm cánh tay nối dài của Đảng để nắm giữ quần chúng, vì họ biết rằng đa phần người dân có tín ngưỡng là Phật giáo. Họ dùng tôn giáo làm phương tiện để nắm giữ quần chúng.”
Khi quy y Phật là không còn tham gia vào đảng phái chính trị của thế gian. Nếu tham gia là phạm giới. Nhưng ở Việt Nam thì bị như vậy.
Hòa Thượng Thích Không Tánh
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình An Viên thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lúc sinh thời Hòa thượng Thích Thanh Sam nói: “Đã là người đi xuất gia thì phải lấy luật Phật làm đầu. Đã tu hành thì phải giữ đúng luật pháp của Phật dạy.”
Ông còn nói rằng trong thời chiến tranh ông đã xây hầm làm nơi trú ẩn cho cán bộ “giúp đỡ anh em ẩn nấp, thậm chí đưa cả cán bộ ẩn nấp ngay cả trên ban Tam Bảo, nằm trên Đại tượng.”
“Trong chiến tranh chống Pháp, giặc bắt tôi giải ra Phả Lại, bị tra trấn nhưng tôi quyết không khai báo một điều gì vì sợ sẽ làm lộ bí mật của cơ sở Đảng. Tôi vận động Phật tử đóng góp mọi mặt cho tiền tiến, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.”
Trong chiến tranh chống Pháp, giặc bắt tôi giải ra Phả Lại, bị tra trấn nhưng tôi quyết không khai báo một điều gì vì sợ sẽ làm lộ bí mật của cơ sở Đảng. Tôi vận động Phật tử đóng góp mọi mặt cho tiền tiến, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Hòa thượng Thích Thanh Sam trả lời phỏng vấn Truyền hình An Viên
Hòa thượng Thích Không Tánh nói rằng việc cài cắm Đảng viên Cộng sản vào các tổ chức tôn giáo đã có từ trước năm 1975 và kéo dài cho đến ngày nay, nơi đó họ ẩn mình dưới bóng nhà Phật để hoạt động theo sự chỉ đạo của tổ chức Đảng.
“Từ trước năm 1975 họ đã cho những người Cộng sản vào nằm vùng, hoạt động trong các chùa chiền tôn giáo, làm theo chỉ đạo của Đảng. Điều này là một chứng thực rằng dưới chế độ Cộng sản, Việt Nam không có tự do tôn giáo và tín ngưỡng.”
Trước khi qua đời, Hòa thượng Thích Thanh Sam từng đảm nhiệm các chức danh như Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Chánh Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong 4 nhiệm kỳ, và nhiều chức danh khác.
Nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thuần túy, Đạo Cao Đài Chân truyền… vẫn chưa được chính quyền Việt Nam công nhận.
Trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền Việt Nam thường xuyên hạn chế sinh hoạt tôn giáo của các nhóm tôn giáo không được công nhận. Việt Nam phản bác rằng phúc trình của Mỹ về tình hình tôn giáo Việt Nam ‘bị sai lệch.’
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-lo-tin-mot-hoa-thuong-co-50-nam-tuoi-dang/4301884.html
Cảnh sát Đức phanh phui hầu hết diễn tiến
vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Cảnh sát điều tra Đức đến nay đã phanh phui ra hầu hết mọi diễn tiến chính yếu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tờ ThờiBáo.de hôm Thứ Sáu 16/03 dựa trên những gì các báo và đài truyền hình lớn của Đức cho biết về bản cáo trạng dày 90 trang truy tố nghi can Nguyễn Hải Long, vai trò của trung tướng tình báo CSVN Đường Minh Hưng và tòa đại sứ Cộng Sản Việt Nam tại Berlin nay trở nên rõ ràng hơn.
Một tuần trước khi vụ bắt cóc xảy ra, tướng Hưng cùng với những nhân viên mật vụ khác đã hạ cánh xuống Berlin vào giữa tháng 7 năm 2017. Họ theo dõi sát người được cho là nhân tình của Trịnh Xuân Thanh là cô Đỗ Minh Phương, 26 tuổi, từ Việt Nam bay sang Berlin. Nhờ hệ thống GPS gắn trên xe, cảnh sát điều tra biết được một chiếc BMW chở tướng Hưng đã bám sát chiếc taxi chở cô Phương. Dữ liệu GPS cũng cho biết, sau vụ bắt cóc, một chiếc minivan đã chở Trịnh Xuân Thanh từ công viên Tiergarten về tòa đại sứ CSVN ở Berlin, rồi đậu trong sân của tòa đại sứ suốt 5 tiếng đồng hồ. Trong lúc này, một nữ nhân viên tòa đại sứ gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua 3 vé máy bay về Việt Nam.
Cô Đỗ Minh Phương bị 2 mật vụ CSVN áp giải về Việt Nam trên chuyến bay của một hãng hàng không Trung Cộng hôm 23 tháng 7, có ghé ngang Bắc Kinh và Hán Thành. Cô Phương bị gãy tay trong vụ bắt cóc, nên khi về đến Hà Nội được đưa vào bệnh viện Việt Đức chữa trị dưới sự canh gác của công an.
Cảnh sát Đức cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã được đưa về Việt Nam qua ngả Moscow, dưới hình thức một bệnh nhân nằm trên cáng cứu thương.
Ngày 3 tháng 8, tức mười ngày sau khi bị bắt cóc ở Berlin, ông Thanh được đưa lên truyền hình nhà nước để tuyên bố rằng ông đã tự nguyện về nước và ra đầu thú với cơ quan tư pháp.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/canh-sat-duc-phanh-phui-hau-het-dien-tien-vu-bat-coc-trinh-xuan-thanh/