Tin Biển Đông – 16/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 16/03/2018

Biển Đông: Mỹ Số 1

Vi Anh

Trong những nước có mặt tại Biển Đông là điểm và Á châu Thái bình dương [ACTBD] là diện, chỉ có Mỹ là lực lượng thừa sức đối đầu, chiến thắng Trung Cộng [TC] đang bành trướng và giành giựt biển đảo của các nước láng giềng. Và Mỹ lại thêm một điểm son đối với những nước nhược tiểu, là Mỹ không có tham vọng đất đai như TC. Mỹ chuyển trục quân sự về đây là để bảo vệ tự do hàng hải và ổn định của vùng biển này. Đây là vùng biển có con đường hàng hải quốc tế huyết mạch của Á châu Thái bình dương, 70% sản lượng hàng hoá thế giới qua đây, trong đó có 5.000 tỷ Mỹ kim hàng hoá của Mỹ. ACTBD là một vùng dân số lên đến 625 triệu người, GDP vùng là 2.8 ngàn tỷ Mỹ kim, và tài nguyên biển rất lớn và dồi dào. Thế kỷ 21 là của ACTBD. Mỹ luôn coi mình là một nước ACTBD, nước Mỹ nằm bên bờ Thái bình dương đối diện với Trung Quốc. Trên phía Bắc ACTBD Mỹ còn gần 100.000 quân trú đóng tại Nhựt và Hàn quốc để gìn giữ hoà bình. Nên không có gì lạ Mỹ phải có một lực lượng quân sự mạnh, thực tế mạnh số 1, so với TC là một đệ nhị siêu cường kinh tế và một dân số 1 tỷ 5 người. Mỹ phải giữ thế hải thượng (maritime supremacy)  trên vùng biển ACTBD này. Không những TT Trump mà TT Obama, tổng thống Cộng hoà hay Dân Chủ Mỹ nào cũng phải làm như thế, đó là phần lớn chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Mỹ phủ nhận hành động TC đơn phương tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông. Mỹ chống TC bành trướng phi pháp, vô căn cứ lịch sử từ bắc, qua trung, xuống nam ACTBD. Mỹ chống TC tăng cường quân đội quá mức cần thiết, lấy thịt đè người.

Mỹ lập liên minh, liên kết với Nhựt ở phía Bắc, Ấn độ ở phía Nam và Úc ở phía Tây. Mỹ phát huy chiến lược “Ấn độ – Thái bình dương Tự do Rộng mở”. Việc này không khó vì TC và Ấn có nhiều tiền cừu hậu hận trong Chiến tranh Lạnh. Nào chiến tranh biên giới giữa Ấn Trung. Nào TC hận Ấn thân Liên xô. Và bây giờ Mỹ và Ấn có những quan tâm chung. Ấn cần thế lực của Mỹ bảo đảm lãnh hải, giúp nhau chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ấn không có mâu thuẫn nào khi Mỹ thực hiện sách lược America First.

Với Nhựt lại càng dễ hơn vì Nhựt là đồng minh trụ cột của Mỹ. Mỹ để cho Nhựt tái lập bộ quốc phòng, quân đội thay vì phòng vệ dân sự, được tung quân ra nước ngoài gọi là phòng vệ tập thể, Nhựt được tăng quân lực, mở rộng Hiến Pháp gò bó thời Nhựt thua Mỹ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Với Hàn quốc cũng dễ vì cùng là đồng minh trụ cột. Ở phía Nam sau liên minh với Ấn độ, Mỹ đã phát triển đối tác chiến lược toàn diện với Singapore, Indonesia, Thailand, Malaysia, kể cả VNCS Mỹ cũng hợp tác toàn diện với Mỹ rồi.

Còn TC vì xâm lấn biển đảo các nước láng giềng, một cách trái pháp lý, trái đạo lý, trái lịch sử nên trở thành nước cô đơn nhứt trong vùng.

TQ chỉ có thể chọn một trong hai đường là hoà giải hoà hợp cùng sống chung hoà bình với Mỹ và các nước láng giềng. Hai là mở cuộc chiến tranh với Mỹ như Đức, Nhựt chống lại đồng minh  Âu Mỹ để giành thị trường và thế siêu cường tạo nên Thế Chiến Thứ Hai. Nội tình TC cho thấy Đảng Nhà Nước TC không dại gì chiến tranh với Mỹ, TC sẽ từ chết tới bị thương, vô phương thắng nổi Mỹ.

Vì thế TC phải tạo hoà khí với Mỹ nên TC hoàn toàn tránh xung đột, đụng chạm quân sự với Mỹ trên ACTBD. Chủ Tịch Tập cận Bình còn tuyên bố Thái bình dương đủ rộng cho Mỹ và TQ.

Và Mỹ càng ngày càng mở các cuộc tuần tra sâu sát vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo và bãi đá TC  bồi đắp và quân sự hoá nhứt là ở hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN. Mỹ dùng cả hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tuần tra tại Biển Đông như những ngày 18/02/2018 vừa qua.

Mỹ mở chiến lược  “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do Mở Rộng”. Nhật  thực thi, tăng cường hệ thống quân sự phòng chống trên biển để đối phó TC. Nhựt lắp đặt hệ thống hỏa tiễn chống hạm trên đảo nhỏ Miyako, và ở tỉnh Okinawa. Nhựt nam tiến viện trợ cho các nước ACTBD với quỹ ODA  là vốn “Hỗ trợ phát triển chính thức” (viết tắt của từ ngữ Official Development Assistance), gọi là hỗ trợ bởi vì các khoản đầu tư này thường là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp giúp các nước ở phía Nam theo chiến lược mà Nhựt và Mỹ chủ trương gọi là “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do Mở Rộng”. Nhựt giúp cải thiện các cơ sở hạ tầng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời giúp cho con người và hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn trong vùng này. Nhật đã và đang là một trong những quốc gia cấp viện trợ phát triển hào phóng nhất, đứng hàng thứ tư thế giới trong năm 2016 với tổng cộng 16,8 tỷ đôla, chỉ sau Hoa Kỳ, Đức và Anh Quốc. Riêng đối với Việt Nam, Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ ODA lớn nhất cho VN.

Các nhà phân tích nhận xét Nhật Bản rõ ràng là muốn giành ảnh hưởng với Trung Quốc, quốc gia hiện cũng đang tung rất nhiều tiền để chiêu dụ các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Còn Ấn độ thì chận TC ở hướng đông nam Á châu và Ấn độ dương. Ấn hầu như thành công trong việc liên kết với Việt Nam CS [VNCS], nước láng giềng giáp giới phía bắc với TC nhưng bị TC xâm chiếm, thôn tính nhiều biển đảo nhứt vào tay TC. Nhiều tổng bí thư đảng, chủ tịch nước và thủ tướng CSVN đã công du Nhựt. Ngoài việc giúp cho CSVN vay ưu đãi lãi để mua hoả tiễn Bhramas, Ấn còn kiên trì hợp tác khai thác dầu khí với VN ở Biển Đông dù TC chống đối đe dọa nhưng Ấn không nhượng bộ. Mới đây Ấn còn hợp tác tập trận với VNCS.

Mỹ nâng cấp hợp tác VN và Đài Loan vào hàng ngũ bảo vệ biển đảo chống đà bành trướng của TC. Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật «Taiwan Travel Act» khuyến khích các nhà lãnh đạo Đài Loan đến Hoa Kỳ và gặp gỡ các quan chức cao cấp Mỹ trái với chính sách của TC chỉ coi Đài Loan là một tỉnh của TQ.

Mỹ cho hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson lớn nhứt thế giới lần đầu tiên vào VN, ghé Đà nẵng, cập Cảng Tiên sa. VN cũng là một nước nằm gần con đường hàng hải huyết mạch của thế giới từ Eo hành lang của con đường biển tối quan trọng từ Eo Niển Mã Lai đi lên Á châu Thái bình dương, mà Mỹ quyết bảo vệ tự do hàng hải và coi đó là quyền lợi cốt lõi, quyền lợi quốc gia của Mỹ; tức là kẻ nào xâm phạm Mỹ có thể bảo vệ bằng biện pháp quân sự.

Sau cùng, Hải Quân Mỹ vượt xa TC. TC thua về hàng không mẫu hạm, chiến hạm, căn cứ quân sự trên thế giới, và ngân sách quốc phòng. Theo các chiến lược gia quốc tế cho tới nay Hải quân Mỹ là lực lượng hiện đại, tinh nhuệ, hùng mạnh nhất trên thế giới./. (VA)

https://vietbao.com/p123a278704/bien-dong-my-so-1

 

Chính sách Mỹ ở Biển Đông ‘khởi động lại’

sau khi đổi ngoại trưởng

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Rex Tillerson không còn giữ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ khởi đầu lại chính sách đối ngoại của Washington ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Ông Rex Tillerson, cựu CEO của tập đoàn dầu khí Exxon, người vừa bị Tổng thống Donald Trump sa thải khỏi chức ngoại trưởng hôm 13/3, đã bắt đầu cảm nhận sâu xa hơn về tình hình tranh chấp lãnh hải giữa 6 quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông không có nhiều quan hệ cá nhân trong ngành ngoại giao, cộng với việc ông Trump tập trung vào vấn đề Triều Tiên chứ không chú ý nhiều tới Đông Nam Á, đã giới hạn những gì mà ông Tillerson có thể làm.

Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói: “Ông ấy bị coi là người ngoài cuộc, nhưng ông ấy đã nỗ lực vào cuộc theo cách riêng của mình”.

Truyền thông ở thủ đô Washington nói Tổng thống Trump sa thải ông Tillerson vì những bất đồng về chiến lược.

Một chính sách hàng hải cho thấy đã có một số dấu hiệu tiến triển, giáo sư Huang nói. “Ông ấy đã chuẩn bị và sắp xây dựng quan hệ với một số đồng minh trong guồng máy ngoại giao, và phong cách của ông có thể được dự đoán, hơn là so với cách của Tổng thống Trump, ông ấy tỏ ra thận trọng hơn”, giáo sư Huang nói thêm.

Khởi đầu chậm

Hoa Kỳ không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trong khu vực rộng 3,5 triệu cây số vuông ở Biển Đông, nhưng các nước Đông Nam Á tranh giành chủ quyền đều mong muốn được Washington hỗ trợ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Thời cựu Tổng thống Barack Obama, chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho các quốc gia nhỏ hơn về mặt chính trị, kinh tế và quân sự.

Các nhà phân tích nói rằng các giới chức quốc phòng Mỹ là những người phụ trách chính sách Biển Đông dưới thời Tổng thống Trump. Trong thời gian này, hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện hơn một chục chuyến hải hành đi ngang qua vùng biển tranh chấp, kể cả hành trình của tàu sân bay USS Carl Vinson đi ngang qua Biển Đông tới thăm Việt Nam hồi đầu tháng này.

Tổng thống Trump được coi là dồn năng lực ngoại giao của ông nhiều hơn vào việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc để thuyết phục Bắc Kinh trợ giúp hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Một số học giả chính trị khu vực nói Ngoại trưởng Tillerson đã gặp khó khăn trong nỗ lực vun đắp những liên kết chính trị ở Washington.

Giáo sư Jay Batongbacal của trường đại học Luật và Các vấn đề Hàng hải Quốc tế của Philipines, nhận định: “Ông Tillerson không được sự ủng hộ của các cấp dưới, như trợ lý và phó trợ lý đặc trách các vấn đề Đông Nam Á. Có lẽ vì lý do đó, mức độ tập trung của ông đối với các vấn đề Đông Nam Á khá hạn chế”.

Ông Batongbacal nói trong vài tháng qua, ông Tillerson đã thực hiện một số phúc trình, ông đã có những nỗ lực nhất định, nhưng phải mất rất nhiều thời gian để có thể thấy được kết quả”.

Sau hai cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng với các giới chức chính phủ ở Đông Nam Á vào năm 2017, ông Tillerson và các đối tác “đã bắt tay làm việc để cải thiện sự hợp tác về các vụ tranh chấp ở Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trên trang web hồi tháng Giêng, nhưng không giải thích thêm chi tiết.

Ông Tillerson từng đối diện với vấn đề Biển Đông trong cương vị Giám đốc điều hành của ExxonMobil khi tập đoàn này ký thỏa thuận với công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam để khai thác khí đốt dưới đáy biển, bắt đầu từ năm 2023.

Người mới, khởi đầu mới

Ngoại trưởng mới được chỉ định là ông Mike Pompeo, đang nắm chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, sẽ lên đảm nhiệm chức vụ mới với nhiều kinh nghiệm về ngoại giao hơn người tiền nhiệm. Ông Pompeo trước đây là một nghị sĩ và là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ.

Giáo sư Batongbacal cho rằng ông Pompeo có “kiến thức cụ thể” và nhiều mối liên hệ trong giới tình báo chính trị.

Trước khi đảm nhiệm chức vụ mới, ông còn phải được Thượng viện chuẩn thuận.

Theo giáo sư Alan Chong của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore, ông Pompeo là một nhân vật “diều hâu” về chính sách đối ngoại.

Ngay bây giờ, ông có một cơ hội để đưa chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông ra ngoài phạm vi quân sự.

“Ngay lúc này, Ngũ Giác Đài đang dẫn đầu chính sách về Biển Đông, đây là điều có vấn đề bởi vì không có giải pháp quân sự nào cho các tranh chấp lãnh hải, và Ngũ Giác Đài không thể thành công nếu không có một chiến lược ngoại giao rộng lớn hơn được thực hiện tại các bộ phận khác trong chính quyền”, theo ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).

Trung Quốc, lực lượng quân sự mạnh thứ ba thế giới, đã gây bất bình cho các nước khác từ năm 2010, với những hoạt động bồi đắp đất, xây dựng một số đảo nhỏ ở Biển Đông vào các mục đích quân sự và điều tàu cảnh sát biển đi ngang qua các vùng biển đang tranh chấp.

Trump ở vị trí cầm lái

Các chuyên gia nói liệu tân ngoại trưởng Mỹ có thể tăng cường sự can dự của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông hay không là tùy thuộc vào ông Trump.

“Từ lâu, các quyết định ngoại giao cốt lõi của Hoa Kỳ đã được chuyển từ Bộ Ngoại giao, vốn thiếu nhân lực, sang Tòa Bạch Ốc”, giáo sư Oh Ei Sun giảng dạy môn Nghiên cứu Quốc tế của trường đại học Nanyang nói.

“Nhưng ông Pompeo có thể sẽ tiếp cận được nhiều hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn tới quan điểm của ông Trump”.

Ông Chong nói Tổng thống Trump vẫn hy vọng có thể làm việc với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Trung Quốc là đồng minh mạnh nhất của Triều Tiên. Một lập trường cứng rắn về Biển Đông có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tức giận và gây căng thẳng với ông Trump.

Ông Chong nói: “Thời kỳ trăng mật Tập-Trump có thể vẫn chưa qua, và về bản chất, Tổng thống Trump vẫn là một nhà kinh doanh, cho nên tôi nghĩ ông ấy có thể dễ bị thuyết phục bởi một cử chỉ nào đó có tính khoa trương”.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-sach-my-o-bien-dong-khoi-dong-lai-sau-khi-doi-ngoai-truong/4301907.html

 

Indonesia thúc đẩy các nước Đông Nam Á

tuần tra biển Đông

Indonesia vận động các nước Đông Nam Á tiến hành tuần tra hàng hải ở Biển Đông nhằm cải thiện tình hình an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu vào ngày 16 tháng 3 cho biết như vậy trong một cuộc họp trước hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia sẽ diễn ra tại Sydney trong hai ngày cuối tuần này.

Indonesia cho biết Jakarta không có tranh chấp tại Biển Đông nhưng nước này đã va chạm với Trung Quốc trong các vấn đề về quyền đánh bắt cá ở quần đảo Natuna và mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó, cũng như đã đổi tên vùng cực bắc của vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhằm khẳng định các yêu sách về biển.

Ông Ryacudu nói ông đã gặp các bộ trưởng quốc phòng của các nước ASEAN và mỗi quốc gia giáp với Biển Đông sẽ tuần tra khoảng 200 hải lý (230 km.)

Ông Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết nước ông đang tập trung vào ba khu vực, đặc biệt là vùng biển Sulu, eo biển Malacca và các vùng biển xung quanh bờ biển Thái Lan, cũng như đề cập đến việc hợp tác hiện tại với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia và Philippines.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông, một tuyến thương mại quan trọng và được cho là chứa một lượng lớn dầu lửa và khí đốt tự nhiên. Hiện nước này đã xây dựng các đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa những thực thể đó ở Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã tức giận trước các hoạt động tuần tra trên biển của Hoa Kỳ và xem động thái này là một sự khiêu khích.

Australia nói không đứng về bất kỳ bên nào trong vấn đề tranh chấp Biển Đông nhưng đã ủng hộ các hoạt động tuần tra hàng hải của Hoa Kỳ.

Mặc dù không phải là một thành viên của khối 10 quốc gia ASEAN, việc Australia tổ chức cuộc họp thượng đỉnh được đánh giá nhằm tìm cách thắt chặt quan hệ chính trị và thương mại trong khu vực vào khi Trung Quốc đang cố gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/indonesia-pushes-for-southeast-asian-patrols-of-disputed-waters-03162018082436.html

 

Việt Nam bán 5% quyền khai thác

một lô dầu khí ngoài khơi cho Murphy Oil Hoa Kỳ

Tổng công ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí (PVEP) thuộc Tập Đoàn Dầu Khí PetroVietnam vừa ký thỏa thuận bán 5% quyền khai thác một lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam cho công ty Murphy Oil Corp., có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Hãng thông tấn Reuters dẫn thông cáo của PVEP cho hay như vậy hôm Thứ Sáu 16/03. Theo thông cáo được đăng tải trên trang mạng của PVEP, tổng công ty này sẽ phát triển hợp đồng chia sẻ sản lượng tại lô 15-1/05 thuộc bể Cửu Long ngoài khơi miền Nam Việt Nam cùng với công ty Murphy Oil và công ty SK Innovation của Nam Hàn. Tuy nhiên, PVEP, chi nhánh chuyên về thăm dò và sản xuất của PetroVietnam, đã không tiết lộ trị giá của thỏa thuận. PVEP nói rằng họ hy vọng việc hợp tác với Murphy Oil sẽ giúp phía Việt Nam phát triển những giếng dầu cỡ nhỏ một cách hữu hiệu hơn, trong tình huống giá dầu trên thế giới sụt giảm. Murphy Oil đã đầu tư vào nhiều lô dầu khí khác ngoài khơi Việt Nam.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Việt Nam đã phải hủy một hợp đồng khai thác dầu khí với công ty Repsol của Tây Ban Nha sau khi gặp áp lực của Trung Cộng. Bắc Kinh nói lô dầu khí 136-03 của Việt Nam nằm bên trong đường 9 đoạn đứt khúc, còn gọi là “đường lưỡi bò”, do đó Việt Nam không được phép khai thác lô này.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/viet-nam-ban-5-quyen-khai-thac-mot-lo-dau-khi-ngoai-khoi-cho-murphy-oil-hoa-ky/