Tin khắp nơi – 16/03/2018
Các lãnh đạo Đông Nam Á đến Úc dự thượng đỉnh
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vào ngày 16 tháng 3 bắt đầu đến Australia để chuẩn bị tham gia hội nghị Thượng đỉnh Úc-ASEAN lần đầu diễn ra tại đất nước chuột túi từ 17 – 18/3.
Mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Úc – ASEAN được cho biết nhằm thúc đẩy kinh tế, chống bảo hộ mậu dịch, phối hợp phòng chống khủng bố và vấn đề tại bán đảo Triều Tiên.
Bản tin của AP đánh đi vào ngày 16 tháng 3 nêu rõ là lãnh đạo các nước ASEAN hiếm khi họp tại một nước ngoài khối cho nên thượng đỉnh diễn ra ở Sydney, Australia thu hút chú ý của nhiều giới và nhiều thành phần bất mãn về tình hình nhân quyền tại các nước ASEAn sẽ tập trung để bảy tỏ quan điểm của họ.
Giới đấu tranh lo ngại rằng nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến nhân quyền tại Đông Nam sẽ bị loại bỏ tại Hội nghị này.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã lên án nhiều tổ chức dân sự, các hãng truyền thông độc lập bị đàn áp và bị tấn công. Đặc biệt là việc quân đội Myanmar đàn áp người Hồi giáo Rohingya, cuộc chiến chống ma túy tại Philippines và những cuộc đàn áp phe đối lập trước thềm bầu cử mới tại Campuchia.
Syria: Dân chạy trốn, chiến sự leo thang
Có tới 50.000 người phải chạy trốn khỏi các cuộc tấn công chống lại các lực lượng nổi dậy ở phía Bắc và Nam Syria trong những ngày gần đây.
Các cuộc không kích của Nga, theo báo cáo, khiến cho 31 người thiệt mạng tại đông Ghouta ngoại ô thành phố Damascus hôm thứ Sáu 16/3, sau khi 20.000 rời khỏi khu vực này.
Cùng ngày, đạn pháo Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát 18 người tại phía bắc thị trấn Afrin, nơi có 30.000 người chạy trốn.
Bắc Hàn ‘cấp nguyên liệu vũ khí hóa học cho Syria’
Syria: LHQ thông qua ‘ngừng bắn 30 ngày’
Máy bay Nga rơi ở Syria, chết nhiều người
Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Mỹ
Bảy năm chiến tranh đã khiến 12 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa.
Ít nhất 6.1 triệu người phải thay đổi chỗ ở trong nước và 5.6 triệu người khác phải chạy trốn ra nước ngoài.
Hơn 400.000 người được cho là bị giết hoặc mất tích, tình nghi thiệt mạng kể từ cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu hồi tháng Ba 2011.
Các bộ trưởng ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran – ba nước liên quan mật thiết đến xung đột tại Syria – đã gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Syria tại Istanbul trong tháng tới.
Tình hình đang căng thẳng đến mức nào tại Damascus?
Những người thiệt mạng vào hôm thứ Sáu 16/3 ở Đông Ghouta được báo cáo từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền (SOHR), một nhóm nhà quan sát tại Anh.
Theo SOHR, gần 20.000 thường dân phải chạy trốn khỏi những khu vực nổi dậy hôm thứ Năm 15/3.
Lực lượng chính phủ được cho là đã chiếm đến 70% lãnh thổ sau ba tuần chiến đấu căng thẳng chống lại các lưc lượng nổi dậy.
Cùng thời điểm, 25 chiếc xe chở lương thực phẩm viện trợ đã vào đến thị trấn Ghouta ở Douma nhưng Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (IRC) nói lần viện trợ này chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì người dân ở đây cần.
Chủ tịch ICRC Peter Maurer cho hay sau khi thăm khu vực, ông nhận thấy rằng người dân ở đây đã kiệt sức vì chiến đấu và thiếu lương thực, thuốc men.
Ông nói: ”Tôi nhớ một cậu bé tiếp cận tôi gần những con đường ở Đông Ghouta hỏi rằng tôi có chai nước nhỏ nào không. Nó thể hiện rằng tình hình ở đây đang căng thẳng đến nhường nào,”
Phá vỡ được khu vực phiến quân bên ngoài Damascus sẽ là một thắng lợi lớn cho Tổng thống Assad.
Điều gì đang xảy ra tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ?
Afrin, một thị trấn chủ yếu được sinh hoạt bởi người Kurds, đã bị bắn phá từ trên không và dưới mặt đất bởi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Syria.
30.000 người phải chạy trốn khỏi thành phố và các làng lân cận, theo SOHR. Họ chạy đến những làng do lực lượng quân đội chính phủ Syria chiếm giữ.
Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd (YPG), một lực lượng dân quân mà Mỹ hậu thuẫn.
Theo SOHR, hàng trăm gia đình đã phải rời đi trong đêm do đạn pháo liên tục nổ ra. 5 trẻ đã bị thiệt mạng vào hôm thứ Sáu 16/3, theo báo cáo.
Brusk Hasakeh, phát ngôn viên của YPG, nói với hãng thông tấn Reuters rằng lực lượng quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Syria đang cố gắng tấn công Afrin từ phía Bắc nhưng YPG và các nữ chiến binh YPJ, đang chiến đấu đáp trả.
‘Vụ tấn công hóa học ở Syria là chuyện bịa đặt’
Iran: Biểu tình sang ngày thứ 5
Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu một năm đảo chính
Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, nói trong một cuộc họp tại Ankara rằng quốc gia của ông sẽ không dừng lại cho tới khi nhiệm vụ chiếm giữ Afrin được hoàn thành.
Ông nói: ‘Nghị viện Châu Âu đang yêu cầu các hoạt động tại Afrin cần phải được chấm dứt,’
”Có một người phụ nữ [đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini] ở đó có trách nhiệm mở rộng [EU]. Bà ta được cho là đưa ra lời yêu cầu như vậy. Nhưng đừng hi vọng gì cả, chúng tôi sẽ không rời đi cho tới khi nhiệm vụ được hoàn thành. Bà ta nên hiểu điều đó.”
Nhưng nỗ lực ngoại giao mới nhất
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Tổng thống Assad, Nga và Iran lại là những quốc gia đồng minh thân cận của Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov miêu tả các cuộc hội đàm ở Kazakhstan là cơ hội mang đến hòa bình lâu dài cho Syria, nói rằng ”hàng triệu người Syria đang trông chờ vào đường hướng cuộc đàm phán ở Astana”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng vụ đánh bom vào thường dân là không thể chấp nhận được.
”Đã có một sự cải thiện đáng kể trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng bạo lực nhưng vẫn có những dấu hiệm vi phạm với lệnh ngưng bắn ,” ông nói. ” Tình hình tại Đông Ghouta đang trong một mức độ thảm khốc”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43429905
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn
‘bất ngờ’ thăm Thụy Điển
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn bất ngờ có mặt tại Thụy Điển, trước cuộc gặp dự kiến giữa Donald Trump và Kim Jong-un.
Chuyến thăm này củng cố suy đoán đây có thể là một phần trong công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng cho biết chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong-ho là vì “quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm”.
Thụy Điển có một lịch sử lâu dài trong vai trò hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Chứng khoán châu Á khởi sắc trước cuộc gặp Trump-Kim
Trump gặp Kim: Chiến lược của Mỹ hiệu quả
Ông Trump ‘lường trước rủi ro’ khi gặp ông Kim
Thượng đỉnh Mỹ – Triều: Trump không ‘tham khảo’ ngoại trưởng?
Ông Trump tuần trước đã chấp nhận lời mời đàm phán với ông Kim, đây là một tuyên bố gây sốc từ hai nhà lãnh đạo từng lời qua tiếng lại, đe dọa và sỉ nhục nhau một thời gian dài.
Không có một lời chính thức nào từ Bắc Hàn kể từ khi phái đoàn cấp cao Hàn Quốc chuyển thư tay của ông Kim Jong-un đến ông Trump tại Washington.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nói với truyền thông nước này rằng “nếu các diễn viên chính muốn Thụy Điển đóng một vai thì chúng tôi sẵn sàng”.
Mỹ nói có biết về cuộc họp ở Stockholm, nhưng không biết liệu nó có liên quan gì đến bất kỳ cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Hàn nào hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Heather Nauert, nói với các phóng viên ở Washington rằng Hoa Kỳ chưa nghe trực tiếp từ Bình Nhưỡng về hội nghị thượng đỉnh dự kiến này.
Đàm phán để chuẩn bị cho đàm phán?
Kế hoạch đàm phán giữa ông Trump và ông Kim khiến thế giới sửng sốt.
Nhưng hiện chưa có lịch trình cũng như địa điểm cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh được mong đợi này.
Trong thư mời được quan chức Hàn Quốc trao tay cho ông Trump, ông Kim cam kết ‘phi hạt nhân hóa’.
Việc mở cửa ngoại giao ngoài dự kiến diễn ra sau một năm ‘khẩu chiến quyết’ liệt giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn khiến thế giới từng lo ngại nó có thể dẫn đến những cuộc xung đột quân sự.
Do Mỹ không có cơ quan ngoại giao tại Bắc Hàn, Thụy Điển từng đóng vai trò đại diện ngoại giao của Mỹ tại nhà nước độc tài này.
Thụy Điển, nước không phải là thành viên của NATO, đã giúp trả tự do cho các công dân Mỹ do Bắc Hàn giam giữ, gần đây nhất là trường hợp sinh viên Mỹ Otto Warmbier.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43426104
Vụ giết chính trị gia gây chấn động Brazil
Hàng chục ngàn người ở Rio de Janeiro và các thành phố khác tại Brazil đã xuống đường bày tỏ lòng thương tiếc cho một chính trị gia bị sát hại, người đã vận động chống lại sự tàn bạo của cảnh sát.
Marielle Franco, 38 tuổi, thành viên Hội đồng thành phố Rio, được nhiều người biết đến là một nhà đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi phụ nữ.
Bà Franco và tài xế của bà, cả hai đã bị bắn chết khi đang ngồi trong xe riêng của bà hôm thứ Tư 14/3.
Tổng thống Braxin Michel Temer gọi vụ giết người này là một cuộc tấn công vào chế độ dân chủ và luật pháp.
‘Tội ác man rợ’
Bộ trưởng An ninh Công cộng Brazil Raul Jungmann cho biết chính phủ sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực để tìm ra những kẻ sát hại.
”Tôi ở đây theo yêu cầu của Tổng thống Temer,” ông nói trong một cuộc họp báo.
Ông Jungmann nói thêm: ” Tôi muốn nói với bạn bè, người thân của của Marielle rằng chúng tôi sẽ tìm cho ra những kẻ có trách nhiệm và trừng phạt chúng vì tội ác man rợ này,”
”Công lý sẽ được thực thi”.
Đầu độc điệp viên: ‘Tránh kết luận vội vã’
Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?
Cựu điệp viên Nga bị bất tỉnh do chất lạ tại Anh
Vụ giết nhà báo trẻ chấn động Slovakia
Khi bà Franco đang quay trở lại từ một sự kiện cổ động việc trao quyền cho phụ nữ da màu tại trung tâm Rio, một chiếc xe đi ngang cùng xe bà và chín tiếng súng vang lên.
Bà và người tài xế, ông Anderson Pedro Gomes, đều bị giết chết.
Trong xe còn có một nhân viên báo chí của bà, người này ngồi ghế sau và chỉ bị thương.
Các sĩ quan cảnh sát nói dường như bà Franco bị nhắm đến một cách có chủ ý.
Bà bị bốn viên đạn bắn vào đầu, trong khi ông Gomes bị bắn ba viên.
Bà Franco được bầu vào hội đồng thành phố năm 2016 và chủ trì hội đồng phụ nữ. Bà là thành viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa và Tự do cánh tả.
Tháng trước, bà được chọn làm người phát ngôn của ủy ban giám sát việc triển khai các lực lượng an ninh liên bang tại những khu nhà ổ chuột tội phạm ”Favelas” ở Rio.
Tổng thống Temer đã triển khai quân đội tại bang Rio sau một vụ bạo động dữ dội trong thời gian diễn ra lễ hội carnival hồi tháng Hai.
Biện pháp trấn áp này được Quốc hội Brazil phê chuẩn nhưng gây ra tranh cãi cho một số cư dân phàn nàn về sự quấy rối mà quân đội gây ra.
Bà Franco lớn lên ở Mare, một ”khu nhà ổ chuột tội phạm” phức tạp ở phía bắc thành phố.
Bà là một nhà phê bình thẳng thắn việc triển khai quân đội và lực lượng cảnh sát liên bang.
Hôm thứ Ba 13/3, bà có đăng trên Twitter về vụ giết người tại một khu nhà ổ chuột ở Manguinhos.
Nạn nhân là một người đàn ông 23 tuổi. Gia đình anh này đổ lỗi cho quân đội về cái chết của anh.
”Vụ giết hại một cậu thanh thiếu niên có thể chấm dứt hành động của quân đội. Matheus đang rời khỏi nhà thờ. Rồi sẽ còn bao nhiêu người nữa sẽ phải chết trước khi cuộc chiến này được chấm dứt?”
10 năm vụ ám sát Benazir Bhutto
Các vụ ám sát và bắt cóc của Bắc Hàn
Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?
YouTube cắt hợp đồng với vlogger ‘rừng tự sát’
Trong một tweet khác, bà bày tỏ tình đoàn kết với những người ở khu ổ chuột tại Acari.
“Những điều đang diễn ra ở Acari thật vô lý!” bà đăng.
“Tiểu đoàn 41 của quân đội như là một tiểu đoàn tử thần. Đủ để chà đạp mọi người! Đủ để giết chết những thanh niên của đất nước!” bà viết và đính kèm thêm một bức ảnh với dòng chữ ”Tất cả chúng tôi đều là Acari, xin hãy ngừng sát hại chúng tôi”.
Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Geneva đã lên án “vụ giết người này gây sốc nghiêm trọng cho tổ chức bảo vệ nhân quyền” và kêu gọi một cuộc điều tra “toàn diện, minh bạch và độc lập” cần được tiến hành ngay lập tức.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) kêu gọi điều tra nghiêm ngặt và tập trung vào “bối cảnh, động cơ và trách nhiệm” trong vụ giết người này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43429903
Ít hy vọng còn người sống sót trong vụ sập cầu Florida
Các nhân viên cứu hộ đã đào bới đống đổ nát sau vụ một cầu bộ hành sập xuống một số làn đường tại Đại học Quốc tế Florida ở Miami, nhưng hy vọng tìm thấy thêm người sống sót đang dần tan biến tính đến sáng 16/3, theo lời cảnh sát.
6 người được xác nhận đã thiệt mạng sau khi cây cầu 950 tấn mới được hoàn tất sập xuống, đè bẹp những chiếc xe đang chạy bên dưới trên một trong những đường phố đông người qua lại nhất ở miền Nam Florida hôm 15/3.
Theo ông Juan Perez, Giám đốc Sở cảnh sát Miami-Dade, có ít nhất 8 chiếc xe bị chôn vùi dưới đống đổ nát và không thể tiếp cận, vì vậy số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng.
“Chúng tôi biết có nhiều thi thể ở dưới đó màchúng tôi không thể tiếp cận. Thật khủng khiếp”, ông nói.
Ít nhất 10 người đã được đưa vào viện và 2 người đang trong tình trạng nguy kịch, các quan chức và báo chí địa phương cho hay.
Các nhân chứng nói với truyền thông địa phương rằng xe cộ đang dừng chờ đèn giao thông thì cây cầu có kinh phí lên tới 14,2 triệu đôla sập xuống đầu họ vào khoảng 1h30 phút chiều, giờ miền đông Hoa Kỳ, tức 17h30 giờ chuẩn quốc tế GMT.
Theo báo cáo đăng trên trang web của trường đại học, cây cầu dài 53 mét nối trường đại học với thành phố Sweetwater và được lắp đặt hôm 10/3 trong 6 tiếng đồng hồ, vắt qua đường cao tốc 8 làn xe.
Thống đốc Florida Rick Scott phát biểu: “Nếu có bất cứ ai làm bất cứ điều gì sai trái, chúng tôi sẽ buộc người đó phải chịu trách nhiệm”.
Văn phòng của ông trước đó ra thông báo cho biết công ty được thuê để kiểm tra cầu không được bang cấp chứng nhận là đạt các điều kiệnđể hoạt động.
Các quan chức thuộc Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia đã có mặt tại hiện trường sáng ngày 16/3 để điều tra vì sao cầu bị sập.
https://www.voatiengviet.com/a/it-hy-vong-con-nguoi-song-sot-trong-vu-sap-cau-florida/4301620.html
Jeremy Corbyn: ‘Tránh kết luận vội vụ Skripal’
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập ở Anh Jeremy Corby nói rằng chính phủ Anh nên tránh “đánh giá vội vã” khi điều tra vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga ở Salisbury, Anh.
Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?
Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt 19 người Nga
Chỉ Ba Lan bênh Anh mạnh sau vụ Skripal?
Đơn vị vũ khí hóa học tới Salisbury vì vụ Skripal
Mỹ, Đức, Pháp và Úc ủng hộ kết luận của Anh rằng Nga đã dùng chất độc thần kinh tấn công cựu điệp viên kép Sergei Skripal và con gái.
Thủ tướng Anh Theresa May nói Nga vi phạm và sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga.
Viết trên báo The Guardian, ông Corbyn nói ông đồng tình việc trục xuất ngoại giao.
‘Đừng vội vã’
Nhưng ông cho rằng mặc dù bằng chứng đến giờ chỉ về Nga, công chúng đáng được nhìn thấy “phản ứng chừng mực và bình tĩnh” từ chính phủ.
“Vội vã trước khi có bằng chứng mà cảnh sát đang thu thập, trong bầu không khí quốc hội nóng rực, thì không phục vụ được công lý hay an ninh quốc gia.”
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái Yulia Skripal, 33, vẫn đang cấp cứu trong bệnh viện, 12 ngày sau khi họ bất tỉnh trên băng ghế ở thành phố Wiltshire.
Chính phủ Nga nói chất độc dùng tấn công họ tên là Novichok do Nga sản xuất.
Ngay trong đảng Lao động, một số nghị sĩ đã kêu gọi lãnh đạo, ông Corbyn, lên án Nga cứng rắn hơn và ủng hộ phản ứng của Thủ tướng.
Trong bài viết, ông Corbyn cũng kêu gọi ngăn chặn dòng tiền của các đại tư bản Nga “được rửa qua London trong hai thập niên qua”.
“Chúng ta phải ngừng phục vụ chủ nghĩa tư bản thân hữu Nga tại Anh, và các tỉ phú tham ô dùng London để bảo vệ của cải.”
Tin ngày 16/03 cho hay Moscow sẽ trục xuất “một số” nhà ngoại giao Anh để trả đũa lại hành động của London.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43429733
Thủ tướng Hun Sen đối mặt
với biểu tình phản đối tại thượng đỉnh ASEAN
Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, tham dự thượng đỉnh ASEAN tại Sydney, Australia, cuối tuần này sẽ phải đối mặt với hàng trăm người biểu tình phản đối.
Sydney là thành phố có đông người Khmer tỵ nạn chạy trốn sang đây từ thời Khmer đỏ vào những năm 1970.
Những người biểu tình phản đối tình trạng đàn áp nhân quyền do chính phủ của Thủ tướng Hun Sen tiến hành suốt thời gian qua.
Theo AFP, trong số những người tham gia biểu tình, sẽ có cả bà Bou Rachna, vợ của một nhà phân tích chính trị người Campuchia Kem Ley, người đã bị bắn chết ở Phnom Penh hồi năm 2016. Vợ ông và 5 người con đã được Australia cho tỵ nạn hồi tháng trước sau một thời gian phải sống ở Thái Lan.
Bà Bou Rachna tin rằng chồng bà đã bị giết hại vì đã lên tiếng chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
Ngay trước khi thượng đỉnh diễn ra, Thủ tướng Hun Sen cũng đã đe dọa là ông sẽ đánh bất cứ người biểu tình nào và sẽ làm cho Australia mất mặt, cản trở việc ra thông cáo chung ASEAN nếu ông bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền tại thượng đỉnh lần này.
Vấn đề di dân lại nổi lên khi QH Mỹ bàn về ngân sách
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ có thời gian từ nay đến ngày 23/3 để dàn xếp ngân sách cho các cơ quan chính phủ trong 6 tháng tới. Nhưng các cuộc đàm phán ở hậu trường đang sa vào vấn đề nhập cư.
Những người của đảng Cộng hòa đang vận động để có thêm hàng trăm triệu đôla cho Bộ An ninh Nội địa tăng số giường dành cho di dân bị giam giữ, đồng thời tuyển dụng thêm nhân viên liên bang để tuần tra biên giới Hoa Kỳ và bên trong đất nước.
Biện pháp này có mục đích phát hiện và có thể, trục xuất thêm nhiều di dân bất hợp pháp, một cam kết chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump.
Các bên đàm phán trong Quốc hội cũng đang tranh cãi về một điều khoản của Đảng Cộng hòa cấm sử dụng ngân quỹ của Lực lượng Hải quan và Xuất nhập cảnh Hoa Kỳ để hỗ trợ các vụ phá thai cho di dân bị giam cầm.
Ngoài ra còn có nỗ lực muốn thông qua khoản tiền 1,6 tỷ đôla để bắt đầu xây dựng một bức tường biên giới ở phía tây nam.
Những người đảng Dân chủ không ủng hộ việc xây bức tường mà họ cho là một sự lãng phí tiền bạc.
Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có phần chắc vẫn cần một sốlá phiếu của các nghị sĩ Dân chủ mới có thể thông qua dự luật chi tiêu hàng nghìn tỉ đôla.
Dự kiến các nhà thương thuyết sẽ làm việc suột những ngày nghỉ cuối tuần này, vì các nhà lãnh đạo Hạ viện hy vọng sẽ công bố một dự luật vào đầu tuần tới để có thể tranh luận vào giữa tuần, tiếp đến Thượng viện sẽ bỏ phiếu cho kịp trước thời hạn chót là 23/3.
Không kịp thời hạn này, chính phủ có thể phải đóng cửa một phần lần thứ nhì trong năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/van-de-di-dan-lai-noi-len-khi-qh-my-ban-ve-ngan-sach/4301916.html
Bạch Ốc bác tin TT Trump thay cố vấn an ninh QG
Tòa Bạch Ốc bác bỏ tin của báo Washington Post nói Tổng thống Trump đã quyết định loại ông H.R. McMaster khỏi cương vị là cố vấn an ninh quốc gia.
Tối hôm 15/3, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders viết trên Twitter rằng tin tức nói ông McMaster bị thay thế là không đúng sự thật.
Báo Washington Post nói loại bỏ ông McMaster là một phần trong cuộc cải tổ nhân sự triệt để ở các cấp cao nhất trong chính quyền TT Trump, dẫn đến những quan ngại rằng trong những ngày tới, sẽ còn có thêm nhiều người phải ra đi khỏi Tòa Bạch Ốc.
Bà Sanders nói Tổng thống Trump và ông McMaster có mối quan hệ công việc tốt đẹp, và không có thay đổi gì tại Hội đồng An ninh Quốc gia.
Tuy nhiên, hồi sáng 15/3, bà Sanders lại nói ‘thay đổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào’:
“Trong sự vận hành của một chính quyền, có những ưu tiên khác nhau mà người ta tập trung vào đó, và những người khác nhau sẽ lãnh đạo những nỗ lực đó và lãnh đạo những ưu tiên đó. Như vậy, đôi khi có thể có những thay đổi. Dù vậy, tổng thống cam kết đảm bảo ông có đúng người ở đúng vị trí vào đúng thời điểm”.
Tin tức về khả năng ông McMaster có thể bị bãi nhiệm loan truyền sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson bị sa thải đột ngột cách đây hai ngày.
https://www.voatiengviet.com/a/bach-oc-bac-tin-tt-trump-thay-co-van-an-ninh-qg/4301494.html
Mỹ kết luận
giấy nhôm TQ gây tổn hại cho giới sản xuất Mỹ
Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho hay đã ra kết luận cuối cùng rằng giấy nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ, một động thái làm cho mức thuế hải quan tới 188 phần trăm đánh vào các nhà xuất khẩu Trung Quốc bị giữ nguyên.
Kết luận chung cuộc được đưa ra trong một vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp do Nhóm Công tác Thi hành Thương mại của Hiệp hội Nhôm đệ trình.
Kết luận cuối cùng có nghĩa là Bộ Thương mại Mỹ có thể áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng trong năm năm mà họ đã thông báo vào ngày 27 tháng 2 đối với một số công ty Trung Quốc.
Bộ thông báo mức thuế chống bán phá giá sẽ dao động từ 48,64 phần trăm đến 106,9 phần trăm và mức thuế chống trợ cấp từ 17,14 phần trăm tới 80,97 phần trăm.
Hành động này nằm ngoài quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 10 phần trăm lên nhôm và 25 phần trăm lên thép toàn cầu.
Trung Quốc hết sức bất mãn sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo các kết luận của họ vào tháng 2, và Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ có những bước để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vấn đề này.
Vương Hạ Quân, Cục trưởng Cục Điều tra và Khắc phục Mậu dịch của Bộ, nói trong một thông cáo rằng kết luận của Mỹ “phớt lờ các quy định của WTO” và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà xuất khẩu giấy nhôm của Trung Quốc.
Mỹ cũng đang nhắm trừng phạt Trung Quốc về vấn đề tài sản trí tuệ. Tổng thống Trump trong những tuần tới sẽ nhận được những khuyến nghị để giải quyết tình trạng Trung Quốc “đánh cắp và cưỡng ép chuyển giao” tài sản trí tuệ của Mỹ, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói hôm thứ Năm.
Các nguồn tin trước đó trong tuần nói với Reuters rằng ông Trump đang tìm cách áp thuế lên tới 60 tỉ đôla giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc và sẽ nhắm vào các ngành công nghệ và viễn thông.
Chất độc thần kinh
được đặt trong va li con gái cựu điệp viên Nga
Chất độc thần kinh được dùng để dầu độc cựu gián điệp Nga Sergei Skripal đã được bỏ vào va li của con gái ông trước khi cô rời Moscow, Reuters dẫn lại các nguồn tin ẩn danh nói với tờ báo Anh Telegraph cho biết hôm 16/3.
Ông Skripal, 66 tuổi, và con gái, Yulia, 33 tuổi, được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên băng ghế bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Salisbury, một thành phố yên bình ở miền nam nước Anh vào ngày 4/3. Cả hai vẫn đang trong tình trạng nguy kịch kể từ khi nhập viện.
Cảnh sát chống khủng bố Anh cho biết cô Yulia Skripal đã bay từ Nga sang London vào ngày 3/3.
Các nhà điều tra Anh đang tìm hiểu về giả thuyết cho rằng chất độc đã được tẩm vào quần áo, mỹ phẩm hoặc trong một món quà mà sau đó được mở ra tại nhà ông Skripal ở Salisbury, Telegraph dẫn các nguồn ẩn danh nói.
Anh cho biết chất độc Novichok là một chất độc thần kinh chết người được quân đội Liên Xô chế ra đầu tiên.
Đây là lần đầu vũ khí dạng này bị phát hiện sử dụng ngay tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Anh đã quy trách nhiệm cho Moscow về vụ này và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga bị xem là điệp viên ngầm làm việc ở đại sứ quán Nga ở London. Chính quyền Anh ra hạn 1 tuần cho các nhà ngoại giao bị trục xuất phải rời khỏi nước Anh.
Ngày 15/3, Anh, Hoa Kỳ, Đức và Pháp cùng lên tiếng, đòi Nga phải giải thích về chất độc đã được sử dụng trên lãnh thổ Anh như thế nào.
Nga phủ nhận có bất kỳ dính líu nào vào vụ này và cáo buộc London đang khuấy động cảm xúc chống Nga.
Chính trị gia, Hoàng gia Anh tẩy chay World Cup ở Nga
Thủ tướng Theresa May xác nhận rằng tất cả các chính trị gia Anh và các thành viên trong Hoàng gia sẽ tẩy chay World Cup năm nay tại Nga.
Thông báo của bà May được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị tăng cao sau khi Anh cáo buộc Nga dùng chất độc thần kinh hạ độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông ta, cô Yulia, ở thành phố Salisbury, miền nam nước Anh.
Nga phủ nhận dính líu trong vụ việc này, trong khi cả hai nạn nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Phát biểu trước nghị viện hôm thứ Tư, bà May nói bà tin rằng “có nhiều phần chắc” Nga đứng đằng sau vụ tấn công, và tuyên bố rằng sẽ không có quan chức Anh nào tham dự giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra từ ngày 14 tháng 6 đến 15 tháng 7.
Thái tử Charles, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry đều có mặt tại các giải đấu lớn trước đây, nhưng bà May nói rõ họ sẽ không có mặt ở Nga năm nay.
“Sẽ không có sự tham dự của các Bộ trưởng – hay thành viên nào trong Hoàng gia – tại World Cup mùa hè này ở Nga,” bà nói.
Bà May hôm thứ Tư cũng loan báo Anh sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao của Nga, vụ trục xuất lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15/3 dọa Nga sẽ “sớm” có phản ứng, nhưng trước tiên cảnh cáo London rằng Moscow sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Anh.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-tri-gia-hoang-gia-anh-tay-chay-world-cup-o-nga/4300690.html
Robert Mueller gởi trát hầu tòa
để thu thập tài liệu kinh doanh của “Trump Organization”
Washington DC. (Reuters) – Một nguồn tin quen thuộc về vấn đề nói với CNN rằng, cố vấn đặc biệt Robert Mueller gởi trát đòi hầu tòa cho Trump Organization, yêu cầu tổ chức này giao nộp các tài liệu kinh doanh cho ban điều tra của ông Mueller.
New York Times là nơi đầu tiên công bố thông tin này, cho biết trát đòi hầu tòa yêu cầu Trump Organization giao nộp thêm các tài liệu liên quan tới chính phủ Nga. Báo cáo của New York Times cho thấy đây là lần đầu tiên ông Mueller công khai yêu cầu những tài liệu có liên quan tới các hoạt động của Tổng Thống Trump.
Trát đòi hầu tòa cũng là dấu hiệu cho thấy cuộc điều tra của ông Mueller tiếp tục gia tăng, ngay cả khi ông Trump chỉ trích cáo buộc cho rằng ban tranh cử của ông có thể thông đồng với người Nga, đồng thời bác bỏ mọi hành động sai trái và khẳng định ông không làm gì sai. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ xem xét bất kỳ cuộc điều tra nào về tài chính của cá nhân ông (hoặc của gia đình ông) mà không liên quan đến người Nga, coi đó là một sự vi phạm mà ông Mueller đã “vượt qua lằn ranh đỏ”.
Trong tháng 1, CNN trích lời 3 nguồn tin quen thuộc với vấn đề, cho biết “Trump Foundation” tự nguyện cung cấp tài liệu về một loạt sự kiện, các cuộc đối thoại, và các cuộc họp thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản của ông Trump cho ông Mueller, và các nhà điều tra của Quốc Hội. Nguồn tin cũng nói với CNN rằng ý định của trát đòi hầu tòa là “dọn dẹp sạch sẽ”, và bảo đảm rằng tất cả các tài liệu có liên quan đều phải giao nộp cho ông Mueller. (Mai Đức)
Vụ đầu độc Skripal
liệu mở màn cuộc chiến tranh lạnh mới ?
Vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc tại Anh Quốc bắt đầu mang tầm vóc một cuộc đối đầu Đông-Tây như thời còn Liên Xô cũ. Các nước đồng minh Tây phương đồng thanh lên án Matxcơva trong khi Washington ban hành thêm biện pháp trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.
Ngày 15/03/2018, khi đi thăm Salisbury, thành phố nhỏ ở phía nam Anh Quốc, nơi mà 11 ngày trước, xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và cô con gái Youlia, thủ tướng Anh Theresa May ca ngợi điều mà bà gọi là « tinh thần đoàn kết » của các đồng minh chống lại nước Nga của Putin : vụ đầu độc xảy ra tại Anh Quốc nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và do vậy, chúng ta đoàn kết với nhau để chống lại.
Trước đó, thủ tướng Anh thông báo trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga và cho biết hoàng gia Anh cũng như thành viên chính phủ tẩy chay Cúp bóng đá do Nga tổ chức vào tháng 6/2018.
Luân Đôn, Berlin, Paris và Washington ra thông cáo chung khẳng định Nga có trách nhiệm trong vụ mưu sát này vì không có cách giải thích hợp lý nào khác. Các nước phương Tây đòi Nga phải cung cấp thông tin về chương trình « Novitchok » mà theo Vil Mirzaianov, một nhà hóa học Nga hiện nay đang tị nạn tại Mỹ, đã chế tạo nhiều chất độc lợi hại trong thập niên 1980, cuối thời Liên Xô cũ.
Phía Nga cho đây là những cáo buộc vô căn cứ. Hãng Interfax, trích lời thứ trưởng Ngoại Hiao Serguei Riabkov : không hề có chương trình « « Novitchok » dù là dưới thời Liên Xô hay hiện nay.
Theo AFP, bầu không khí xung khắc Đông-Tây còn tăng thêm một nấc khi Washington, ngày 15/03, thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt nước Nga để trả đũa chuyện Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 và nhiều vụ tin tặc. Tổng cộng 19 cá nhân và 5 tổ chức, trong đó có cơ quan phản gián FSB, hậu thân của KGB và GRU, quân báo thời Liên Xô.
Chiến tranh lạnh tái diễn ?
Matxcơva cho biết không khoanh tay ngồi yên. Tổng thống Putin triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ngoại trưởng Serguei Lavrov nói đến biện pháp « trục xuất » các nhà ngoại giao Anh. Sau đó, Matxcơva thông báo đang chuẩn bị trả đũa Hoa Kỳ.
Sự kiện Anh Quốc ngưng mọi tiếp xúc song phương với Nga, trục xuất 23 nhà ngoại giao, con số lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, thông báo đầu tư 48 triệu bảng Anh để phòng ngừa chiến tranh vi trùng, cộng với hậu thuẫn của các nước đồng minh phải chăng là màn đầu của chiến tranh lạnh ?
Vẫn theo AFP, nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu so sánh với tính nghiêm trọng của vụ đầu độc, phản ứng của Luân Đôn xem ra khá nhẹ nhàng, tuy chưa biết trong tương lai sẽ cứng rắn đến đâu nếu Nga tiếp tục giả mù sa mưa.
Về phần Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tuy sát cánh với thành viên Anh Quốc, cánh tay vũ trang của phương Tây cũng khá ôn hòa. Tổng thư ký Jens Stoltenberg kêu gọi Nga « hợp tác » làm sáng tỏ vụ mưu sát cựu điệp viên nhưng cùng lúc tuyên bố « NATO không muốn chiến tranh lạnh » xảy ra.
Nếu Putin vô can thì sao ?
Cho đến hôm nay, tổng thống Nga Putin giữa thái độ im lặng khó hiểu. Người thì cho là chủ nhân điện Kremlin « im lặng chiến thuật » chờ qua bầu cử sẽ lên tiếng. Người thì suy đoán chính quyền trung ương « có vấn đề ». Trả lời phỏng vấn của Le Monde, cựu tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, tị nạn tại Anh sau hơn 10 năm tù trong chế độ Putin lý giải : Vài năm trước, Putin có thể là kẻ chủ mưu.
Nhưng bây giờ, trái với bề ngoài vững chắc, chính quyền trung ương Nga đang « rệu rã không kiểm soát được bên dưới ». Cụ thể là tại Syria, trong khi bộ tổng tham mưu quân đội Mỹ – Nga đã phối hợp hành quân thì trên bộ, lực lượng lính đánh thuê « Wagner » người Nga lại tấn công vào vị trí của lực lượng Kurdistan-Syria, đồng minh của Mỹ, nên bị oanh kích thiệt hại nặng nề.
Nói cách khác, rất có thể Matxcơva thực tâm không muốn quan hệ Đông-Tây xấu đi, không muốn chiến tranh lạnh. Vấn đề là nếu điện Kremlin không kiểm soát được các cơ quan mật vụ của mình, thì liệu trường hợp này có đáng lạc quan hay không ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180316-vu-dau-doc-skripal-chien-tranh-lanh-pt
Tin tặc Trung Quốc xâm nhập
các công ty quốc phòng Mỹ liên hệ với Biển Đông
« Nhiều xí nghiệp trong lãnh vực kỹ thuật phòng thủ có liên quan đến Biển Đông, nhất là của Mỹ, đang bị tin tặc Trung Quốc tấn công trong thời gian gần đây ».FireEye, công ty an ninh điện tóan Mỹ thông báo vụ việc này vào hôm nay 16/03/2018.
« Mục đích của nhóm tin tặc Trung Quốc có bí danh là TEMP Periscop dường như là tìm thông tin có lợi cho chính phủ Trung Quốc. Họ tấn công vào các công ty công nghiệp hàng hải Mỹ hoạt động tại Biển Đông hoặc cung cấp dịch vụ cho đối tác hoạt động trong khu vực này ». Trên đây là tuyên bố của ông Fred Plan, chuyên gia của công ty bảo vệ an ninh mạng FireEye (Mắt lửa) ở Los Angeles, được báo chí Hồng Kông đăng tải.
Theo nhà phân tích này, nhóm tin tặc Trung Quốc tìm kiếm những dữ kiện có giá trị chiến lược phục vụ mục tiêu tình báo quốc gia như là tầm ra-đa hay làm thế nào để một hệ thống dò tìm có thể phát hiện ra một hoạt động trên biển.
Theo South China Morning Post, FireEye đã theo dõi nhóm tin tặc TEMP Periscop từ năm 2013 nhưng không xác nhận nhóm này có quan hệ với các cơ quan nào của chính quyền Trung Quốc cũng như danh tính các « thực thể » bị tấn công.
Phần lớn các công ty bị tấn công có cơ sở tại Mỹ nhưng trong danh sách nạn nhân cũng có một số xí nghiệp ở châu Âu và ít nhất là một công ty ở Hồng Kông, theo chuyên gia Fred Plan.
Đợt tấn công bắt đầu tăng tốc trong tháng Hai và vẫn đang tiếp diễn cho dù giữa Washington và Bắc Kinh đã có một thỏa thuận « không tấn công vào công ty dân sự », ký kết vào năm 2015 để giảm bớt tệ nạn gián điệp kinh tế.
Một năm trước đó, Hoa Kỳ truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty Mỹ trong lĩnh vực điện và thép : Westinghouse Electric Co và United States Steel Corporation.
Washington trừng phạt Nga
vì các vụ can thiệp bầu cử Mỹ
Ngày 15/03/2018, chính quyền Donald Trump thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công dân và cơ quan Nga để đáp trả việc Matxcơva can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016. Tuy vậy, đảng Dân Chủ vẫn đánh giá phản ứng trên là chậm và chưa đủ.
Thông tín viên Eric de Salve tại San Francisco tường thuật:
“Sau nhiều tháng lưỡng lự, đảng Dân Chủ đối lập cuối cùng đã công khai nghi ngờ ý đồ thực sự của ông Donald Trump trong việc trừng phạt Nga. Cần phải nói là tổng thống Mỹ đã nhiều lần đánh giá các cáo giác Nga can thiệp có lợi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông là « tin giả » và là « trò hài hước».
Phải đợi đến khi thẩm phán đặc biệt Robert Mueller hồi tháng Hai vừa rồi truy tố 13 kiều dân Nga, trong đó có một người thân cận với tổng thống Putin thì ông Donald Trump mới thừa nhận sự can thiệp nhằm làm suy yếu đối thủ tranh cử của ông là có thực.
Sự can thiệp đó đã được cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller làm rõ : Trên mạng xã hội, người Nga đã loan truyền tin giả để làm dấy lên căng thẳng về các chủ đề nhạy cảm như nhập cư, sử dụng vũ khí, Hồi giáo. Trên Facebook, Twitter, Instagram, họ đã mua quảng cáo và tạo ra hàng trăm nghìn tài khoản ở Mỹ.
Quả thực đó là một cuộc « tấn công mạng tai hại », theo thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ. Cơ quan này đã trừng phạt 19 người Nga. Mỹ tố cáo họ có những hoạt động gây mất ổn định và tham gia một cuộc tấn công mạng tốn kém nhất lịch sử.
Đó là các quan chức chính phủ và các nhà tài phiệt thân chính quyền. Tài sản của những đối tượng trên bị phong tỏa. Trừng phạt cũng nhắm vào 5 thực thể, trong đó có cơ quan phản gián Nga FSB.
Nhiều dân biểu đảng Dân Chủ đánh giá các trừng phạt này là « giai đoạn quan trọng » nhưng vẫn còn khá rụt rè. Họ đề nghị chính quyền Trump phải đi xa hơn thế. “
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180316-washington-trung-phat-nga-can-thiep-bau-cu-my-qt
Hàn Quốc bắt đầu chuẩn bị thượng đỉnh
với Bắc Triều Tiên
Theo AFP ngày 16/03/2018, các quan chức Hàn Quốc đã bước vào công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, dự trù vào tháng 4 tới.
Một ủy ban phụ trách chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã được thành lập, và hôm nay họp buổi đầu tiên tại phủ tổng thống, Nhà Xanh.
Ủy ban do ông Im Jong-seok chánh văn phòng tổng thống lãnh đạo, sẽ soạn thảo các bước tiến hành từ nay đến cuộc gặp thượng đỉnh.
Theo lãnh đạo ủy ban trên, Seoul sẽ đề nghị với miền Bắc tổ chức một cuộc gặp cấp cao vào cuối tháng 3 trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh.
Tập trận chung Mỹ – Hàn quy mô gọn hơn
Liên quan đến bán đảo Triều Tiên, hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay loan báo, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung thường niên do quan hệ ngoại giao hai miền Triều Tiên đang có xu hướng hòa dịu. Cuộc tập trận thường kỳ đầu năm Mỹ-Hàn, mang tên gọi Foal Eagle đã phải lùi lại thời điểm sau Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.
Dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc, Yonhap cho biết cuộc diễn tập Foal Eagle thường huy động hơn chục nghìn binh sĩ tham gia dự kiến vào đầu tháng Tư tới đây, sẽ giảm bớt quy mô và chỉ kéo dài 1 tháng thay vì 2 tháng. Các loại vũ khí chiến lược của Mỹ như máy bay ném bom B1-B và các nhóm tàu tấn công sẽ không tham gia cuộc tập trận này.
Bình Nhưỡng tiếp xúc trung gian Thụy Điển
Trong một diễn biến ngoại giao khác, hôm qua ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã tới Stockholm để trao đổi với chính phủ Thụy Điển về các diễn tiến hòa dịu giữa Bình Nhưỡng với Phương Tây. Hôm nay, lãnh đạo Ngoại giao Bắc Triều Tiên có cuộc tiếp kiến thủ tướng Stefan Löfven.
Theo Stockholm, các vấn đề về giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, khả năng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ được đề cập đến trong các cuộc thảo luận tại Stockholm. Đại diện Thụy Điển và Bắc Triều Tiên không tổ chức họp báo nhưng chiều tối nay sẽ ra thông cáo sau các cuộc trao đổi.
Thụy Điển, thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2017-2018, đóng vai trò làm đại diện cho các nước như Mỹ, Canada và Úc tại Bình Nhưỡng.