Nguyễn Phú Trọng, tham vọng và tuyệt vọng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nguyễn Phú Trọng, tham vọng và tuyệt vọng

Bộ môn “Phân tâm học Nguyễn Phú Trọng” ngày càng phong phú và mang tính chuyên sâu, thậm chí có thể được “nâng lên một tầm cao mới” thành cấp khoa nghiên cứu cơ bản về tư tưởng triết học của “Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh.”

Ông Nguyễn Phú Trọng

Một “thông điệp” hiện ra gần đây còn toát lộ rõ hơn cho lời giải đáp “Nguyễn Phú Trọng thực chất là người như thế nào?”

“Sử xanh lưu truyền”

Chỉ là vô tình được tiết lộ bởi ý đồ “PR chính trị” của Tập Đoàn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, người dân và các nhà phân tích thời cuộc mới biết rằng Tổng Bí Thư Trọng có thể đã đến nghỉ ở khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông không chỉ một lần, cùng “tình nghĩa” đến thế nào giữa ông ta với tập đoàn này.

Vào ngày cuối cùng của Tết Nguyên Đán 2018 và chuẩn bị bước sang năm “củi lửa,” vài ba tờ báo nhà nước như Dân Việt, Kinh Tế Đô Thị… bất chợt đăng tải những bài viết ca ngợi Tập Đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản.

Đáng chú ý, những bài viết PR trên gần như trùng nhau về nội dung, mà thông tin dường như được cung cấp bởi chính Tập Đoàn Mường Thanh. Nhưng bài viết này được mở đầu bằng 4 câu thơ thể lục bát của Tổng Bí Thư Trọng đề tặng Mường Thanh nhân dịp sự kiện “khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông vinh dự được đón tiếp và phục vụ đoàn do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu về thăm và làm việc với tỉnh Nghệ An từ ngày 28 – 30.10.2017”:

Lần này lại đến “Phương Đông”

Tình xưa nghĩa cũ, mặn nồng “Mường Thanh”

Cố lên các chị, các anh

Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền 

Sau đó là hình ảnh của 3/4 còn lại trong “tứ trụ triều đình” gồm các khuôn mặt Trần Đại Quang-Chủ tịch nước, Nguyễn Thị Kim Ngân-Chủ tịch Quốc Hội, Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng chính phủ cùng nhiều quan chức “đảng và chính phủ” khác đều hiện diện tại khách sạn Mường Thanh.

Nhưng bài thơ lưu bút trên đã bất thần biến mất chỉ một ngày sau thời điểm nó bất thần xuất hiện mà đã nhận được nhiều bình phẩm đầy mỉa mai của mạng xã hội. Không rõ tổng biên tập của những tờ báo nhà nước đã “tự kiểm duyệt” hay bị Ban Tuyên Giáo Trung Ương “định hướng,” hoặc do chính ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cắt bỏ bài thơ này.

Cựu tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần, trong nhiều bài diễn văn và diễn từ, nói về các từ ngữ “quê hương,” “đất nước,” “dân tộc,” “nhân dân”… cùng “tính đảng.” Nhưng từ ngữ “sử xanh” hay cụm từ “sử xanh lưu truyền” thì hầu như rất hiếm bật ra từ miệng ông Trọng.

“Sử xanh lưu truyền” trong bài thơ lục bát trên như thể một mong ngóng, một thúc giục không chỉ với những người xung quanh mà với tự thân tác giả của bài thơ này.

Khởi động phong trào tôn sùng cá nhân

“Sử xanh lưu truyền” xuất hiện vào cuối Tháng Mười năm 2017. Hai tháng trước đó, trước một nhóm nhỏ cử tri rất quen mặt ở Hà Nội, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng bất thần bật ra một triết ngôn đi vào lịch sử; “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy.” Lời ứng khẩu “xuất thần,” có tính triết lý và thể hiện tâm thế đầy tự tin như thế đã chỉ hiện ra lần đầu tiên sau 6 năm ông Trọng ngồi ghế tổng bí thư.

Sau đó, một hiện tượng chính trị-xã hội học bùng phát ở Việt Nam mà rất đáng mổ xẻ là một số tờ báo nhà nước cùng giới chuyên gia “phản biện trung thành” đã ồn ào và ồ ạt ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng như “sĩ phu Bắc Hà.” Thậm chí còn có vài văn nhân cận thần đẩy vọt Nguyễn Phú Trọng như một hình tượng “hào kiệt của dân tộc,” “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “minh quân.”

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2018, một tác giả viết trên đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) còn chính thức đặt cho ông Nguyễn Phú Trọng biệt danh “Người Đốt Lò Vĩ Đại.”

Có thể cho rằng trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua cả hình ảnh của các đời tổng bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh khi nhận được những tụng ca ngút trời như trên. Cho tới lúc này, ông Trọng chỉ còn đứng sau các nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh,Võ Nguyên Giáp về mặt hình tượng và “thần tượng.”

Cũng cho tới lúc này, hoàn toàn không thấy một phản bác công khai nào của ông Nguyễn Phú Trọng đối với làn sóng tụng ca ông. Ứng với thói quen và não trạng của chính trường Việt Nam, người ta có thể hiểu đó là thái độ ngầm “nhất trí” với tất cả những gì không bút nào tả xiết mà giới cận thần dành cho mình.

Tái hiện Nguyễn Văn Linh Việt Nam?

Mặc dù xuất thân từ ngành triết học Mác-Lê và có được hàm giáo sư cũng nhờ vào cái nôi triết học này, ông Nguyễn Phú Trọng rõ ràng không phải là một nhà sử học, bằng chứng là các bài diễn văn và phát biểu của ông rất ít đề cập đến những vấn đề lịch sử và bài học kinh nghiệm được đúc kết từ lịch sử.

Nhưng lại có một nhân vật gần gũi ông Trọng đang có mối quan tâm càng lúc càng đậm đà chủ nghĩa và phương pháp luận biện chứng lịch sử. Đó là Trương Tấn Sang.

Từ sau khi bộc lộ quyết định can đảm rút khỏi Bộ Chính Trị và vai trò chủ tịch nước tại Đại Hội 12 vào đầu năm 2016 như một cách “kéo Nguyễn Tấn Dũng cùng nghỉ,” ông Sang vẫn giữ một vai trò không quá mờ nhạt bên cạnh Tổng Bí Thư Trọng. Dù chế độ “cố vấn cho Bộ Chính Trị” đã bị đảng hủy bỏ từ thời Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu vào những năm 2001, 2002, nhưng có nhiều biểu hiện cho thấy Trương Tấn Sang vẫn được Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và dùng ông Sang như một nhân tố để quy tập giới quan chức lẫn trí thức Nam Bộ nhằm “trấn Nam.”

Từ năm 2012 và đặc biệt trong thời gian từ năm 2016 đến nay, Trương Tấn Sang đã viết một số bài đăng trên báo đảng, trong đó ủng hộ nhiệt thành chủ trương “đốt lò” – còn được xem là “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng. Một bài viết vào mùa Xuân năm 2018 của ông Sang đã chứa đựng đến 2/3 nội dung là nói về lịch sử, về “tiền nhân” và có cả sắc thái “sử xanh lưu truyền.”

Dù chưa có gì nổi bật đến mức có thể được xếp vào “sử xanh,” nhưng ngày càng hiển thị một Nguyễn Phú Trọng đang đi vào lịch sử đảng CSVN bằng dấu ấn “chống tham nhũng.” Dấu hiệu đầu tiên của dấu ấn này là “việc cần làm ngay.”

Vào năm 1986, tổng bí thư đảng Cộng Sản khi đó là Nguyễn Văn Linh đã phát động chủ trương “những việc cần làm ngay” để chống tham nhũng và tệ nạn quan liêu cửa quyền hành chính trong đảng.

Ba chục năm sau thời Nguyễn Văn Linh, dường như Nguyễn Phú Trọng muốn tái hiện hình ảnh một tổng bí thư theo tinh thần “đổi mới.” Tháng Sáu năm 2016, ngay sau khi tái nhiệm chức vụ tổng bí thư, ông Trọng đã phát ra chủ trương “việc cần làm ngay” đối với Trịnh Xuân Thanh và bắt đầu khởi động giai đoạn đầu tiên của chiến dịch “chống tham nhũng” của ông.

“Trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam”

Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam lại rất tương đồng với nhiều cảnh tượng thường thấy trong nền chính trị ở Trung Quốc. Cũng có một sự tương đồng rất đáng chú ý về phương thức, phương pháp “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng và Vương Kỳ Sơn.

Từ năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã có ít nhất ba lần công khai dẫn đoàn Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng Cộng sản Việt Nam sang làm việc với Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật của Trung Quốc.

Vào Tháng Mười Một, 2017, trong một cuộc tiếp đón đầy ẩn ý Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội, ông Trọng khen ngợi “trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam.” Chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc gặp có thể là rất quan trọng đó, Tổng Bí Thư Trọng hạ lệnh bắt giam Đinh La Thăng.

Tháng Mười Một năm 2017 có thể được xem là mốc chính thức mở màn “giai đoạn 2 chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng – một thời kỳ “máu lửa” với biện pháp xử lý thiên về bắt bớ và xử tù, thay cho giai đoạn 1 – kéo dài từ Tháng Sáu, 2016 đến Tháng Mười, 2017 – chỉ chủ yếu là hô hào, vận động và thi hành chế tài bằng hình thức kỷ luật đảng.

Có thể đã hình thành độ trễ 5 năm cho chiến dịch “đả hổ” ở Việt Nam so với Trung Quốc – 2017 so với 2012.

Đinh La Thăng là “hổ” đầu tiên bị hạ và chính thức trở thành “Bạc Hy Lai Việt Nam.”

Bạc Hy Lai từng là ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư tỉnh Trùng Khánh ở Trung Quốc. Vào năm 2012, nhân vật này đã bị Tập Cận Bình “đả hổ,” bị cách chức, sau đó bị khởi tố và bắt giam, cuối cùng đã phải nhận án chung thân cho tội danh tham nhũng.

Người ta có thể tự hỏi nếu không “đả hổ” Bạc Hy Lai thì làm sao Tập Cận Bình lại vươn được đến thành công lớn cùng uy quyền gần như tuyệt đối của ông ta trong chiến dịch vừa “đả hổ diệt ruồi” vừa tập quyền tối cao?

Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào cuối năm 2017 thậm chí còn đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ của đảng này.

Và người ta cũng tự hỏi là nếu không có “Bạc Hy Lai Việt Nam” như Đinh La Thăng thì làm sao có được “Tập Cận Bình Việt Nam” như Nguyễn Phú Trọng?

Tham vọng và tuyệt vọng

Cũng như Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng được dư luận chung đánh giá là một chính khách “tương đối sạch sẽ,” ít bị đồn đoán dính dáng tới chuyện “làm ăn” và tham nhũng – một căn bệnh kinh niên của giới quan chức Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Có lẽ đó là nguồn cơn mà đã xuất hiện một luồng dư luận trong chính trường Việt về “khó mua Trọng” và “Trọng không cần tiền mà cần tiếng,” dù trong chính trường này cũng cũng luôn tốt tại triết ngôn “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.”

“Sử xanh lưu truyền” có thể là lời giải có cơ sở và khả dĩ nhất, cho đến thời điểm này, đối với phương trình “Nguyễn Phú Trọng thực chất là người như thế nào.”

Khi viết “sử xanh lưu truyền,” ông Trọng vẫn áp dụng đúng cách nói đơn giản mà không “uốn éo” của ông, nghĩa là nghĩ thế nào thì nói và viết ra thế ấy.

Từ “sử đảng” đến “sử xanh,” dường như Nguyễn Phú Trọng đang bộc lộ một tham vọng tinh thần mãnh liệt chưa từng có trong cuộc đời làm chính trị của ông. Phía trước ông hẳn sẽ phải là tấm bia bất diệt và được người đời ghi nhận về ông như một nhà cách mạng chống tham nhũng đến “đảo lộn trời đất,” hoặc đến một lúc nào đó nhân gian cùng các thế hệ mai sau sẽ phải nhắc lại “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng.”

Nhưng khổ thay, tham vọng tinh thần “sử xanh lưu truyền” của Nguyễn Phú Trọng lại là nỗi tuyệt vọng không lối thoát dành cho những đối thủ chính trị lẫn đối tượng tham nhũng của ông. Trên con đường trở thành “lãnh tụ,” chính khách đương nhiên sẽ phải “hy sinh quên mình,” sắt đá và cả tàn nhẫn, tàn bạo đối với những vật cản đủ lớn.

Đã rõ Đinh La Thăng chỉ là mốc chinh phục đầu tiên của ông Trọng. Sau Thăng sẽ còn phải hiện ra nhiều, rất nhiều cái tên quan chức nữa như cái cách mà Tập Cận Bình đã khiến “long trời lở đất” ở Trung Quốc.

Phạm Chí Dũng

(Người Việt)