Tin khắp nơi – 15/03/2018
Tìm thấy các hạt nhựa li ti
trong nước uống đóng chai
David ShukmanBiên tập viên Khoa học
250 chai nước mua ở chín quốc gia khác nhau đã được kiểm tra.
Nghiên cứu do tổ chức báo chí Orb Media khởi xướng đã phát hiện ra trung bình một lít nước chứa 10 hạt nhựa. Mỗi hạt nhựa có kích thước lớn hơn bề ngang một sợi tóc.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM ‘báo động’
Formosa tăng đầu tư vào nhà máy thép Vũng Áng
Ô nhiễm môi trường ‘đe dọa ổn định ở VN’
Các công ty có loại nước đóng chai được thử nghiệm nói với BBC rằng các nhà máy đóng chai của họ được vận hành với các tiêu chuẩn cao nhất.
Các cuộc kiểm tra được thực hiện tại Đại học New York ở Fredonia.
Sherri Mason, giáo sư hóa học, người thực hiện các mẫu phân tích, nói với BBC News:
“Đây không phải là nhắm vào các thương hiệu cụ thể, mà thực sự cho thấy nhựa đã trở thành vật liệu phổ biến trong xã hội và xâm nhập cả vào nước.”
Hiện nay, không có bằng chứng cho thấy việc nuốt những mẩu nhựa siêu nhỏ có thể gây hại, nhưng hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn là một lĩnh vực cần nghiên cứu trong tương lai.
Các chuyên gia nói với BBC rằng ở các nước đang phát triển nơi nước máy có thể bị ô nhiễm, mọi người nên tiếp tục uống nước đóng chai.
Liên quan đến những phát hiện này, các công ty sở hữu thương hiệu nước uống đóng chai được thử nghiệm khẳng định sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng.
Họ cũng chỉ ra rằng không có bất kỳ quy định nào liên quan đến các hạt nhựa li ti trong nước và cuộc thử nghiệm thiếu các phương pháp tiêu chuẩn.
Năm ngoái, giáo sư Mason tìm thấy các hạt nhựa trong các mẫu nước máy và các nhà khoa học khác phát hiện ra chúng trong hải sản, bia, muối biển và thậm chí trong không khí.
Nghiên cứu mới nhất này được công bố khi quốc tế ngày càng quan tâm hơn tới nguy cơ chất thải nhựa đối với hành tinh, vốn bắt đầu từ loạt phim tài liệu Hành tinh xanh II của BBC.
Các thương hiệu nước đóng chai được kiểm tra gồm:
Aquafina
Dasani
Evian
Nestle Pure Life
San Pellegrino
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43411845
Chỉ Ba Lan ủng hộ Anh mạnh trong vụ Skripal?
Thủ tướng Mateusz Morawiecki là lãnh đạo châu Âu bày tỏ rõ ràng nhất sự ủng hộ với kế hoạch của Anh Quốc đối phó với Nga sau vụ đánh độc nhà Skripal.
Ngay sau khi thủ tướng Theresa May trình bày tại Quốc hội Anh hôm 14/03 một loạt biện pháp ngoại giao để bày tỏ thái độ với Moscow sau vụ Skripal, Ba Lan là nước nhanh chóng lên tiếng ủng hộ.
Anh sẽ ‘trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga’
Nga phải ‘giải thích’ về vụ đánh độc Skripal
London có thêm vụ người Nga ‘chết khó hiểu’
Đơn vị vũ khí hóa học tới Salisbury vì vụ Skripal
Thủ tướng Morawiecki cùng ngày đã nhắn trên Twitter rằng Ba Lan “đoàn kết với bà May” và rằng ông “hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Anh yêu cầu có phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Các báo châu Âu ghi nhận cả sự ủng hộ của lãnh đạo Pháp và Đức, rồi tới Hoa Kỳ, cho nước Anh, nhưng đặt câu hỏi những lời hứa đó sẽ thành hiện thực ra sao.
Nhưng có vẻ như ông Morawiecki là đi xa nhất.
Theo báo Ba Lan, tờ Gazeta Wyborcza hôm 15/03, “lãnh đạo chính phủ Ba Lan như đáp trả lại lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova”.
Bà Zakharova nói rằng “Theresa May không có bằng chứng gì về vụ người Nga đứng đằng sau vụ mưu sát ông cựu điệp viên Sergei Skripal”.
Bà còn đi xa hơn khi nói, “Không nên đe dọa một cường quốc có vũ khí hạt nhân”.
Trong hai lần phát biểu tuần này, bà Theresa May nói phía Nga đã dùng chất Novichok, một loại vũ khí hóa học chưa từng được sử dụng, để giết ông Sergei Skripal và con gái Yulia, tại Salisbury.
Ông Mateusz Morawiecki nói rõ ràng rằng:
“Thủ tướng Theresa May có một đồng minh vững chắc là Ba Lan. An ninh của Anh là điều trọng yếu cho Nato và EU.”
Các báo Ba Lan cũng chú ý đến thái độ của Paris.
Dù phía Anh cho hay Tổng thống Emmanuel Macron đã “ủng hộ Anh”, nhưng dư luận cho đến hôm 14/03 chỉ thấy phát ngôn viên chính phủ Pháp Benjamin Griveaux phát biểu dè dặt về vụ Skripal.
Thủ tướng Theresa May có một đồng minh vững chắc là Ba Lan. An ninh của Anh là điều trọng yếu cho Nato và EUThủ tướng Ba Lan
Cựu thủ tướng Pháp, Jean-Pierre Raffarin thì nói thẳng rằng bà May “đã đi quá xa” khi cáo buộc Nga dùng chất độc hóa học giết người.
Dù chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Anh, báo chí Anh chú ý câu nói đầu tiên của Tổng thống Donald Trump hôm đầu tuần, rằng Hoa Kỳ chỉ ủng hộ “nếu chúng ta công nhận các bằng chứng Anh nêu ra” về vụ Nga dùng chất hóa học.
Trang Guardian ở Anh cho rằng việc tìm kiếm ủng hộ quốc tế cho các biện pháp đối đầu với Nga sẽ là phép thử cho chính phủ Anh xem còn nước nào thực sự là đồng minh với London trong thời điểm Anh rời EU (Brexit).
Một loại biện pháp vì Nga ‘bất chấp’
Hôm 14/03, phát biểu trong Quốc hội tại Westminster, London, Thủ tướng May công bố một loạt các biện pháp nhằm gửi một “thông điệp rõ ràng” tới Nga, gồm có:
Trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, cho họ một tuần để rời khỏi Anh
Tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa, hải quan và các chuyến bay tư nhân
Đóng băng những tài sản của nhà nước Nga khi có bằng chứng những tài sản này đe dọa cuộc sống hay tài sản của công dân Anh hay người sống ở Anh
Các bộ trưởng và thành viên Hoàng gia Anh sẽ tẩy chay giải bóng đá World Cup 2018 được tổ chức ở Nga năm nay
Ngưng tất cả các cuộc gặp song phương cao cấp với Nga, gồm cả hủy giấy mời sang Anh đã gửi cho Ngoại trưởng Sergei Lavrov
Lên kế hoạch ra luật mới để tăng cường phòng thủ đối với “hoạt động thù địch cấp quốc gia”
Thủ tướng May nói trước các dân biểu Anh rằng Nga đã “không đưa ra lời giải thích” làm sao chất độc thần kinh lại được sử dụng ở Anh.
Bà mô tả phản ứng của Moscow là “mỉa mai, coi thường và bất chấp”.
Dự kiến Nga sẽ trục xuất con số tương tự hoặc nhiều hơn nhà ngoại giao Anh khỏi nước họ để trả đũa.
Các báo châu Âu tin rằng vụ trả đũa có thể còn có thể giúp ông Vladimir Putin “lên điểm” trong cuộc bầu cử tổng thống mà ông đã là ứng viên hàng đầu vào Chủ Nhật này.
Đại sứ quán Nga tại London còn đùa về vụ 23 nhân viên sẽ bị trục xuất.
Họ đăng trên Twitter hình chụp chiếc nhiệt kế âm 23 độ C và nói “người Nga không sợ lạnh”.
Dư luận Anh đang chuẩn bị tinh thần cho các biện pháp trả đũa của Nga mà nhiều ý kiến nói sẽ có tác động mạnh đến kinh tế.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43414437
Mỹ trừng phạt 19 người Nga can thiệp vào bầu cử
Hoa Kỳ vừa áp dụng lệnh trừng phạt đối với 19 người Nga, cáo buộc họ can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và tiến hành các cuộc tấn công mạng.
Trong số này, có 13 cá nhân bị Cố vấn Đặc biệt của Bộ Tư pháp Mỹ Robert Mueller truy tố hồi tháng trước.
Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin nói những người Nga này đã tiến hành “tấn công mạng mang tính phá hoại và xâm nhập nhắm vào các cơ sở hạ tầng chủ chốt.”
Ông nói các biện pháp trừng phạt này sẽ nhắm vào “các cuộc tấn công bất chính đang diễn ra” của Nga.
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
Bài học VN: Chơi với người Mỹ khó hay dễ?
Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA
Năm tổ chức, trong đó có cơ quan tình báo của Moscow, là mục tiêu của các biện pháp Mỹ vừa đưa ra.
Tại Washington, các lệnh trừng phạt được mô tả là hành động mạnh mẽ nhất của chính quyền Trump chống lại Moscow cho tới nay.
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ nói sẽ có thêm biện pháp trừng phạt nữa để khiến “các quan chức và nhà tài phiệt Nga phải chịu trách nhiệm về các hoạt động làm mất ổn định của họ.”
Ông không nói cụ thể những biện pháp nào sẽ được áp đặt, nhưng ông cho biết chúng sẽ ngăn không cho những cá nhân này tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Phó Thủ tướng Nga Sergei Ryabkov nói Moscow rất bình tĩnh về các lệnh trừng phạt mới này, hãng tin Interfax cho hay.
Ông Ryabkov nói Moscow đã bắt đầu phác thảo các biện pháp trả đũa.
Anh sẽ ‘trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga’
Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?
Chỉ Ba Lan bênh Anh mạnh sau vụ Skripal?
Tại Nhà Trắng, nơi ông đang tiếp Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, ông Trump đồng ý với các cáo buộc của Anh rằng Điện Krelim đứng sau vụ đầu độc một cựu điệp viên ở miền Nam nước Anh hôm 4/03.
Anh nói Nga đã tiến hành vụ đầu độc này và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, trong khi Moscow phủ nhận mọi dính líu trong vụ này.
“Có vẻ như người Nga đứng đằng sau [vụ này],” ông Trump nói, “và chúng tôi coi vụ này một cách nghiêm trọng.”
Tuyên bố chung của lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức nói về vai trò mà London cho là của Moscow trong vụ đầu độc ông Sergei Skripal và con gái tại Salisbury.
Tuy thế vẫn có ý kiến nói trên thực tế, các nước kia ủng hộ Anh đến bao nhiêu lại là một chuyện chưa rõ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43421299
TT Trump ra dấu hiệu
rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 14/3 dường như muốn cảnh báo rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc nếu Washington không thể thống nhất với Seoul về vấn đề thương mại.
Washington Post trích dẫn phát biểu của ông Trump trong một buổi gây quỹ ở bang Missouri, theo bản ghi âm mà tờ báo này thu được: “Chúng ta có mức thâm hụt thương mại rất lớn với Hàn Quốc trong khi chúng ta đang bảo vệ họ.”
Tổng thống Trump nói tiếp: “Chúng ta mất mát tiền bạc trong cả lĩnh vực thương mại và quân sự. Mỹ hiện duy trì 32.000 binh sĩ trú đóng ở khu vực biên giới liên Triều. Hãy xem điều gì xảy ra.”
Ông Trump đưa ra tín hiệu như trên trong bối cảnh nhiều khả năng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và ông Trump sẽ họp thượng đỉnh vào tháng 5 tới đây.
Hồi tuần trước, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu triển khai vòng đàm phán đầu tiên về việc sửa đổi bản thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự có thời hạn 5 năm liên quan tới hoạt động duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Theo CNBC, phát biểu của ông Trump dường như ngụ ý rằng Mỹ có thể sẽ rút lực lượng quân sự đóng tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc từ chối đưa ra bình luận về những thông tin này.
CNBC trích phát ngôn viên Bộ Thương mại Hàn Quốc Seo Jeeyeon cho biết: “Chúng tôi không thể lần nào cũng đưa ra bình luận mỗi khi Tổng thống Trump phát biểu.”
Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á, là một trong số những nền kinh tế bị Tổng thống Trump chỉ trích vì tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ.
Vào năm ngoái, ông Trump từng cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại song phương với Hàn Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ra-dau-hieu-rut-binh-si-my-khoi-han-quoc/4300023.html
TT Trump bổ nhiệm Larry Kudlow
làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế QG
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa bổ nhiệm ông Larry Kudlow làm cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc. Ông Kudlow là một nhà phân tích kinh tế thâm niên theo trường phái bảo thủ và nhà bình luận kinh tế trên truyền hình.
Ông Kudlow, 70 tuổi, nói với báo chí rằng ông nhận đề nghị của ông Trump hôm thứ Tư 14/3 bổ nhiệm ông làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho Tòa Bạch Ốc. Hôm 15/3 ông Trump đã công bố việc bổ nhiệm này trên trang Twitter.
Ông Kudlow được bổ nhiệm làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, thay cho ông Gary Cohn, cựu cố vấn tài chính của Phố Wall, vừa từ chức hồi tuần trước sau những bất đồng với Tổng thống Trump về các chính sách thương mại. Trước đó, ông Cohn cố thuyết phục tổng thống không đánh thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, nhưng không được ông Trump chấp nhận.
Ông Kudlow từng là cố vấn kinh tế không chính thức của Trump trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, và là một cố vấn của ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016.
Ngoại trưởng Triều Tiên sang Thụy Điển
thu xếp cho cuộc gặp TT Trump – Kim Jong Un
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đang trên đường tới Thụy Điển để thu xếp cho cuộc gặp thượng đỉnh có thể sẽ diễn ra giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Đến thủ đô Stockholm ngày 15/3, Ngoại trưởng Ri họp với người đồng nhiệm Thụy Ðiển, bà bà Margot Wallstrom trong hai ngày. Hiện nay, thông qua đại sứ quán ở Triều Tiên, Thụy Điển đại diện các lợi ích ngoại giao cho Hoa Kỳ, Canada và Úc.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết mục đích chuyến thăm của ông Ri là nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Vào tuần trước, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố rằng ông sẽ gặp trực tiếp với lãnh tụ Kim Jong Un vào cuối tháng 5, nhưng thời gian và địa điểm cụ thể vẫn chưa được công bố
Mỹ áp lực TQ cắt 100 tỉ đô la thặng dư mậu dịch
Chính quyền ông Trump đang làm áp lực để Trung Quốc cắt 100 tỉ đô la thặng dư mậu dịch với Mỹ, một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc ngày 14/3 cho biết, làm sáng tỏ một tin nhắn trên Twitter của Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước.
Ngày thứ Tư 7/3 tuần trước, ông Trump viết trên Twitter là ông đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra một kế hoạch giảm mất cân bằng mậu dịch với Hoa Kỳ khoảng 1 tỉ đô la, nhưng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho hay ý ông Trump muốn nói 100 tỉ đô la.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc từ chối cho biết thêm chi tiết chính quyền Trump muốn Trung Quốc đạt được mục tiêu này bằng cách nào—hoặc mua sản phẩm của Hoa Kỳ như đậu nành và máy bay hay Hoa Kỳ muốn Trung Quốc có những thay đổi quan trọng trong chính sách công nghiệp, cắt trợ cấp cho những công ty quốc doanh hay giảm khả năng sản xuất thép và nhôm thêm nữa.
Yêu cầu được đưa ra vào lúc chính quyền ông Trump đang chuẩn bị đánh thuế nhập khẩu lên 60 tỉ đô la hàng công nghệ thông tin, viễn thông và các sản phẩm tiêu dùng nhập từ Trung Quốc trong khuôn khổ của cuộc điều tra về việc Trung Quốc đánh cắp sản phẩm trí tuệ.
Hiện cũng chưa rõ liệu yêu cầu cắt giảm 100 tỉ đô la có giải quyết được khiếu nại của Hoa Kỳ về chính sách đầu tư của Trung Quốc mà qua đó Bắc Kinh yêu cầu các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc mới được tiếp cận thị trường nước này hay không.
Vấn đề này là một phần cốt lõi trong cuộc điều tra được thực hiện theo Chương 301 của Luật Thương mại năm 1974.
https://www.voatiengviet.com/a/my-ap-luc-trung-quoc-cat-100-ti-do-la-thang-du-mau-dich/4299066.html
Mỹ gặp khó khăn trong việc trục xuất
Vào tháng 7 năm 2016, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Daniel Ragsdale giải thích với Quốc hội Mỹ thủ tục trục xuất người nước ngoài.
“Thường thường có hai điều được đòi hỏi,” ông nói. “Một lệnh trục xuất cuối cùng của chính quyền, và một giấy thông hành do chính phủ nước ngoài cấp.”
Trong hai tài liệu này, giấy thông hành là cái khó đạt được. Đó có thể là giấy phép do quê hương gốc của người bị Mỹ trục xuất cấp hay một hộ chiếu có hiệu lực. Tuy nhiên cả hai đều cần có sự hợp tác giữa các quốc gia liên hệ. Thường thường là phải có thỏa thuận hồi hương bằng văn bản. Tuy nhiên thường việc trục xuất được thi hành trên cơ sở đặc biệt, ông Leon Fresco, một cựu viên chức di trú của Bộ Tư pháp nói.
Ông giải thích, dùng một trường hợp giả dụ theo đó một di dân bị trục xuất về Mỹ.
“Trên thực tế đây không phải là chuyện thật. Nhưng giả dụ chúng ta nỗ lực nhận một người bị trục xuất đến Mỹ. Điều chúng ta có thể làm được, nếu chúng ta không thể để một máy bay đáp xuống Hoa Kỳ, chúng ta sẽ để máy bay đó đáp xuống một nơi như Tijuana chẳng hạn và đưa người đó bằng đường bộ đến biên giới. Và đôi khi người đó được nhận tại biên giới. Và chúng ta thỉnh thoảng làm như vậy.
Ông Fresco nói thêm là nếu người bị trục xuất trở về bằng máy bay, cần phải có giấy phép của nước họ đến, nên cần phải có thỏa thuận hồi hương người bị trục xuất.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã rút tên hơn một chục nước trong danh sách những quốc gia “ngoan cố”–là những nước từ chối nhận công dân bị Hoa Kỳ trục xuất.
Điều này có nghĩa là ngày càng có thêm các nước chịu nhận lại công dân. Và ICE nói, cùng với những cơ quan chính phủ khác, đang thúc đẩy những thỏa thuận.
“Chính phủ Mỹ, đặc biệt Bộ An ninh Nội địa với ICE và Bộ Ngoại giao, Văn phòng Các vấn đề Lãnh sự đang tiếp xúc ngoại giao với những chính phủ này để làm việc trên toàn thể tiến trình trong các quan hệ song phương,” giới chức ICE nói với Đài VOA.
Tuy nhiên thương thuyết về hồi hương có thể gặp nhiều thách thức.
Đài VOA có được những tài liệu cho thấy một phần của tiến trình gay go trong thỏa thuận trục xuất giữa Hoa Kỳ và Lào.
Hai điện tín của tòa đại sứ từ năm 2008 đến 2009, được Wikileaks công bố trước đây, mô tả những nỗ lực của các giới chức Mỹ và Lào làm việc để tiến đến một thỏa thuận hồi hương.
Tài liệu cho thấy vào tháng 2 năm 2009, ba giới chức Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao và ICE đến Vientiane, thủ đô Lào, để cứu xét các phương cách hồi hương công dân Lào.
Trong khi Bộ Ngoại giao được mời tham dự cuộc họp đặc biệt này, nhưng “ICE là cơ quan tiến hành những nỗ lực hồi hương công dân Lào,” ông Fresco nói. Tuy nhiên theo quan điểm của ông, chính Bộ Ngoại giao có ảnh hưởng mạnh “để thúc đẩy các nước làm việc này.”
Những ghi nhận của cuộc họp năm 2009 tiết lộ là Lào liên tục yêu cầu thỏa thuận trục xuất phải được thương thuyết từng trường hợp một trong khi Hoa Kỳ hy vọng là mỗi trường hợp có thể được giải quyết trong vòng 60 ngày.
Tuy nhiên, phía Lào nói xác minh công dân Lào, đặc biệt sau một thời gian vắng mặt khá lâu, có thể là một trở ngại vì tên quận và làng xã ở nông thôn thường thay đổi.
Khi giấy tờ du hành không được cấp, ICE chuyển sang một động thái khác như là gởi thơ cho tòa đại sứ các quốc gia này tại Mỹ yêu cầu hợp tác với tiến trình trục xuất và khuyến cáo đưa các quốc gia này vào danh sách các nước không nhận lại công dân của họ.
https://www.voatiengviet.com/a/my-gap-kho-khan-trong-viec-truc-xuat/4299054.html
EU kêu gọi Trump chớ gây chiến tranh thương mại
Lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu Donald Tusk ngày 14/3 thúc giục Tổng thống Mỹ Donald Trump chớ phá hoại các mối quan hệ xuyên-Thái Bình Dương có từ lâu nay bằng cách thu lợi kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan.
“Xin nói rõ: Thay vì nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại mà ông dường như muốn phát động, chúng ta nên nhắm vào sự hợp tác to lớn hơn,” ông Tusk nói với các phóng viên tại Helsinki, Phần Lan. “Tạo thương mại buôn bán, chớ tạo chiến tranh, thưa Ngài Tổng thống.”
28 quốc gia trong EU đang muốn được Mỹ miễn trừ thuế quan đánh vào thép và nhôm nhập khẩu (các biện pháp thuế này có thể bắt đầu vào tuần tới) và đang chuẩn bị những biện pháp chống lại hàng hóa Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà trông cậy vào những cuộc thương thuyết để giải quyết tranh chấp thương mại, nhưng “không thể tiên đoán chúng ta thành công hay không.”
Bà Merkel nói với đài truyền hình ARD là EU cần có lập trường thống nhất trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và, nếu cần, phải có ý chí cho những biện pháp đáp ứng lại. Bà nhấn mạnh là châu Âu luôn luôn muốn có các quan hệ thương mại công bằng và Đức tin rằng “bảo hộ mậu dịch không phải là giải pháp đúng đắn.”
Mất lòng tin giữa các đồng minh lâu năm gia tăng kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, và đề nghị về thuế quan của Mỹ đã làm tăng thêm bất bình.
Ông Tusk nói không quá trễ để đảo ngược việc này và yêu cầu ông Trump giữ lời hứa miễn trừ thuế quan cho các “bạn bè thực sự.”
Ông nói tiếp thay vì đe dọa chiến tranh thương mại, ông Trump nên tái khởi động các cuộc thương thuyết tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương giữa Hoa Kỳ và EU vốn được khởi sự dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng chưa hoàn tất.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-keu-goi-trump-cho-gay-chien-tranh-thuong-mai/4299030.html
Thượng đỉnh Trump-Kim Jong Un,
TQ quan sát từ bên lề
Trung Quốc bày tỏ ủng hộ thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, dù có quan ngại rằng TQ có thể bị gạt sang một bên trong các cuộc đàm phán có khả năng thay đổi đáng kể tình hình an ninh và các động lực chính trị trong khu vực. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây:
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã gây bất ngờ cho nhiều bên, trong đó có Trung Quốc.
Bắc Kinh từ lâu vẫn kêu gọi hai nước hãy gặp nhau, nhưng tính cách bất ngờ của quyết định đó đã gây phản ứng lẫn lộn ở Bắc Kinh, từ thở phào nhẹ nhõm cho tới canh cánh lo âu.
Các nhà phân tích nói cuộc họp được đề nghị đã giảm đáng kể nguy cơ chiến tranh ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc, tuy nhiên nếu Bình Nhưỡng và Washington đạt tiến bộ trong việc hàn gắn các mối quan hệ, điều đó sẽ làm nảy sinh các quan ngại khác.
Giáo sư khoa học chính trị Shi Yinhong, của Đại học Renmin:
“Nếu có một động thái hướng tới một sự tương nhượng giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ, thì lãnh tụ Kim Jong Un sẽ có động lực để cùng làm việc với Hoa Kỳ trong lâu dài để kiểm soát Trung Quốc”.
Theo Giáo sư Seo Jeoung-kyung, giáo sư Hàn Quốc chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc, thì triển vọng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và các quan hệ gần gũi hơn giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên cũng đặt ra những dấu hỏi về chiến lược dài hạn.
Giáo sư Seo Jeong-Kyung thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Syungkyun:
“Liệu việc hình thành một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự chiếm đóng của Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ và thân thiết với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không?”
Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên nhưng việc TQ trong năm qua hậu thuẫn cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Triều Tiên đã làm tăng căng thẳng với Bình Nhưỡng. Và đó không phải là vấn đề duy nhất, Giáo sư Seo nói tiếp:
“Trong thời gian qua, rất hiếm khi diễn ra các cuộc thương thuyết giữa chế độ Kim Jong Un với chính quyền Trung Quốc do ông Tập lãnh đạo ở Bắc Kinh bởi vì sự nghi kỵ giữa hai bên rất cao.
Thay đổi nhanh chóng của ông Kim Jong Un trong vài tháng qua, từ các cuộc thử nghiệm tên lửa đột ngột chuyển sang nỗ lực ngoại giao, đã gạt Bắc Kinh ra ngoài lề. Một số người cho rằng Trung Quốc có thể chủ trì các cuộc đàm phán, nhưng Giáo sư Shi Yinhong nói điều đó khó có thể xảy ra.
Trung Quốc muốn đóng một vai trò nào đó, nhưng trở ngại lớn nhất là thái độ thù nghịch của ông Kim với Trung Quốc”.
Giáo sư Shi Yinhong, Đại học REnmin
Giáo sư Shi Yinhong:
“Ông Kim không có lý do để công khai bày tỏ sự trọng vọng đối với Trung Quốc tới mức đó. Trung Quốc muốn đóng một vai trò nào đó, nhưng trở ngại lớn nhất là thái độ thù nghịch của ông Kim đối với Trung Quốc”.
Mặc dù vậy, từ vụ Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson bị ông Trump bãi nhiệm, tới những thách thức của các nỗ lực ngoại giao liên Triều, các nhà phân tích nói hãy còn nhiều yếu tố bất định. Thậm chí, một số nhà phân tích tỏ thái độ hoài nghi, ngay cả không tin là đàm phán có thể khởi sự.
Trong các cuộc gặp với đặc phái viên Hàn Quốc hồi đầu tuần, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington hãy mở đàm phán càng sớm càng tốt và nói thêm rằng ông rất vui mừng về những tiến bộ đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-trump-kim-tq-quan-sat-tu-ben-le/4298886.html
Sau vụ đầu độc, Anh đầu tư 48 triệu bảng
vào trung tâm vũ khí hóa học mới
15/03/2018
Anh sẽ đầu tư 48 triệu bảng (67 triệu đôla) vào một trung tâm phòng vệ chiến tranh hóa học mới tại phòng thí nghiệm nghiên cứu quân sự Porton Down, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết ngày 15/3.
Porton Down là nơi mà các nhà khoa học Anh sử dụng để xác định chất độc thần kinh được sử dụng để tấn công gián điệp nhị trùng Nga Sergei Skripal ở thành phố Salisbury.
Anh quy trách nhiệm cho Moscow về vụ tấn công, nhưng Nga phủ nhận điều này.
“Hôm nay tôi có thể thông báo rằng chúng tôi đang xây dựng phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ quốc phòng đẳng cấp thế giới tại Porton Down. Chúng tôi đang đầu tư 48 triệu bảng vào một trung tâm phòng vệ vũ khí hóa học mới để duy trì lợi thế trong lĩnh vực quốc phòng và phân tích hóa học”, Bộ trưởng Williamson cho biết.
Nhật sẵn lòng họp thượng đỉnh với Triều Tiên
Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản ngày thứ Tư 14/3 mở rộng cửa cho một cuộc họp thượng đỉnh có thể xảy ra giữa Thủ tướng Shinzo Abe và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un để thảo luận về việc các công dân Nhật Bản bị điệp viên Bình Nhưỡng bắt cóc cách đây nhiều thập niên.
Ông Abe xem vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc là ưu tiên trong sự nghiệp chính trị của ông. Ông sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào tháng tới tại Washington trước hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo Triều Tiên. Cuộc họp này sẽ diễn ra tiếp sau cuộc gặp vào tháng Tư giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tại Tokyo có những lo ngại là những quan tâm của Nhật Bản bao gồm số phận những người bị bắt cóc có thể bị đặt ra ngoài lề vì những động thái mới đây nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.
Ngày 13/3, một nguồn tin chính phủ cho biết chính quyền đang cứu xét việc tổ chức họp mặt giữa ông Abe và ông Kim. Nguồn tin này từ chối tiết lộ danh tánh vì ông không được phép nói chuyện với truyền thông.
Ông Abe, 63 tuổi hứa sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi tất cả 13 người mà Triều Tiên công nhận đã bắt cóc được trở về và có thông tin về những người khác mà Nhật Bản nghi bị Triều Tiên bắt cóc để huấn luyện làm điệp viên cho Triều Tiên.
Tuy nhiên tiến bộ hầu như bị đình trệ kể từ năm 2002, khi 5 trong số 13 người này trở về nhà. Bình Nhưỡng nói 8 người kia đã chết.
Một nhà lập pháp của liên minh cầm quyền Nhật nói còn quá sớm để lên kế hoạch về những cuộc thảo luận hai chiều với Bình Nhưỡng về những người bị bắt cóc.
Những lời đồn đoán về cuộc họp thượng đỉnh Abe-Kim xuất hiện thường xuyên, đặc biệt khi tỉ lệ chấp thuận ông Abe không được thuận lợi. Tỷ lệ người dân ưa thích nguyên Thủ tướng Junichiro Koizumi lên cao sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của ông vào năm 2002 và vào năm 2004 khi ông mang về 5 người con của những nạn nhân bị bắt cóc.
Ông Abe cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tệ hại nhất kể từ khi nhậm chức khi có những nghi ngờ xung quanh một vụ tai tiếng về gia đình trị với trọng tâm là một vụ bán hạ giá đất công cho một trường học có liên hệ với vợ ông. Ông phủ nhận là không có việc làm sai trái nào về phần ông hay vợ ông.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-san-long-hop-thuong-dinh-voi-trieu-tien/4299043.html
Liên Hiệp Quốc : « Chính quyền Cam Bốt
không cải thiện tình trạng nhân quyền »
Ngày 14/03/2018, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, giáo sư Rhona Smith, đã kết thúc chuyến công tác 10 ngày tại Cam Bốt. Bà cho rằng khi gây sức ép, hạn chế các quyền tự do chính trị và báo chí, chính quyền Phnom Penh đã phạm sai lầm khi không ưu tiên cải thiện và phát triển nhân quyền trong nước.
Từ Phnom Penh, thông tín viên Juliette Buchez cho biết thêm thông tin :
« Sau chuyến thăm Cam Bốt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho rằng nước này đang ở ngã tư đường. Do vậy, bà Rhona Smith kêu gọi chính phủ Cam Bốt hãy lựa chọn con đường tôn trọng nhân quyền.
Bà nói : Tôi đã bày tỏ lo ngại do tầm quan trọng của các khuyến cáo nhấn mạnh là cần ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định và phát triển về nhân quyền. Do vậy, tôi nhắc lại rằng nhân quyền có tầm quan trọng đặc biệt để có được hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Các quyền này không thể bị chà đạp hoặc bỏ qua, tùy theo từng trường hợp.
Từ mùa hè năm ngoái, Cam Bốt đã bị chỉ trích sau khi chính quyền đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông, giải tán đảng đối lập chính hoặc đưa ra đạo luật về tội khi quân. Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc cho biết : Tôi đã nêu ra nhiều trường hợp với chính phủ Cam Bốt và theo tôi, những trường hợp này cho thấy bầu không khí lo sợ, hăm dọa. Điều này rất nghiêm trọng vì sắp tới có bầu cử.
Trường hợp nghiêm trọng nhất là việc giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt. Trước đó, đảng đối lập này có 55 dân biểu trong tổng số 123 ghế tại nghị viện và giờ đây, dường như không còn một chính đảng nào có thể đảm trách được vai trò đối lập.
Theo báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, nếu không có đảng đối lập tham gia cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Bảy, thì đây là một vấn đề nghiêm trọng, đối với bất kỳ quốc gia nào có Hiến Pháp chủ yếu dựa vào hệ thống bầu cử và chính trị đa đảng. Trước mặt các nhà báo, bà Rhona Smith nhắc lại rằng nhiều nước đã chỉ trích tính chính đáng của cuộc bầu cử lập pháp tại Cam Bốt ».
Syria 7 năm nội chiến
Hôm nay, 15/03/2018, Syria bước vào năm thứ 8 của cuộc nội chiến. Hơn 350.000 người chết, hàng trăm nghìn người bị thương, khoảng 6 triệu người phải chạy ra nước ngoài tị nạn, và cũng khoảng 6 triệu người phải sơ tán trong nước. Theo Liên Hiệp Quốc, xung đột Syria là một trong các khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới, kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Nhiều nhà quan sát cho rằng khủng hoảng tại Syria hiện tại chưa thấy lối ra.
Theo nhận định của thông tín viên RFI tại Beyrouth, cho đến nay, không có giải pháp chính trị nào cho phép các bên xung đột thực sự ngồi vào bàn thương lượng để tìm phương hướng giải quyết, kể cả hội nghị tại Genève dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hay cuộc đàm phán tại Sotchi, được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Iran hậu thuẫn.
Không kể đến việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị đẩy lui, tình hình trên thực địa dường như đã trở nên phức tạp hơn, so với những năm đầu tiên. Cuộc nổi dậy của dân chúng chống chế độ độc tài, đã biến thành một cuộc nội chiến với sự tham gia của rất nhiều phe phái, Syria đang dẫn dần trở thành chiến trường giữa các cường quốc khu vực và quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trực tiếp đưa quân can thiệp, Nga và Hoa Kỳ cũng có lực lượng quân sự tại đây. Washington và Matxcơva chủ trương đọ sức thông qua một « cuộc chiến tranh hạn chế », trong đó binh sĩ của một số lực lượng đồng minh được đưa lên tuyến đầu. Nhiều chuyên gia cho rằng kết cục của cuộc xung đột Syria phụ thuộc vào trật tự thế giới mới đang hình thành.
Xung đột Syria đang tạo tác lại các quan hệ đồng minh khu vực và quốc tế, đặc biệt với việc Thổ Nhĩ Kỳ xa rời NATO, trong lúc Nga trở lại thành thế lực hàng đầu tại Cận Đông. Iran cũng sử dụng địa bàn Syria để gia tăng ảnh hưởng.
Ghouta : Đợt di tản thường dân lớn đầu tiên
Về tình hình tại chỗ, hôm nay, theo Reuters, tại thành phố Ghouta bị quân chính phủ tấn công, ít nhất 7.000 dân thường đã rời khỏi khu vực bị bao vây. Đây là đợt di tản lớn đầu tiên.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180315-syria-tron-7-nam-noi-chien
Trung Quốc : « Đánh mạnh »,
chiến dịch an ninh tốn kém tại Tân Cương
Trung Quốc gia tăng kiểm soát chặt chẽ 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ, tộc người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo tại Tân Cương, vùng tự trị viễn Tây đất nước. Số liệu thống kê chính thức đưa ra hôm qua 14/03/2018 cho thấy ngân sách cho chiến dịch an ninh mang tên « Đánh mạnh » do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đã tăng gấp đôi trong vòng một năm.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt cho biết thêm chi tiết :
« Trang bị camera nhận dạng khuôn mặt và vũ khí tối tân nhất cho 100.000 nhân viên cảnh sát vừa được tuyển dụng để bảo đảm ổn định vùng Tân Cương, khu vực mà Bắc Kinh nói là phải chiến đấu chống lại ‘‘những thành phần đòi ly khai, cực đoan và khủng bố’’ : Tất cả những thứ ấy đều rất tốn kém, giá rất là đắt.
Trong giai đoạn 2016-2017, chi tiêu cho an ninh của vùng tự trị này đã tăng lên gần 93%, đạt mức 7 tỷ euro, theo như một báo cáo chính thức được công bố bên lề cuộc họp Quốc Hội. Cao gấp 10 lần so với cách nay 10 năm.
Nhà nghiên cứu Adrien Zenz, vừa cho đăng một nghiên cứu về việc bùng nổ ngân sách, nhấn mạnh rằng Trung Quốc chi tiêu cho an ninh vùng Tân Cương nhiều hơn là Mỹ chi cho toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ.
Play Video
Ông Chen Quanguo, người cai trị vùng tự trị này từ mùa hè năm 2016 bằng bàn tay sắt, thì lại tỏ ra hồ hởi trước các đại biểu : « Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc duy trì bình ổn xã hội tại Tân Cương, vốn cho đến giờ vẫn là một mặt trận chính trong cuộc chiến chống khủng bố ».
Rex Tillerson bị sa thải:
Thỏa thuận hạt nhân Iran như “đèn treo trước gió”
Ngày 13/03/2018, thông qua mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump thông báo sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson. Theo quan sát của giới chuyên gia, đây là có thể là một tín hiệu « khai tử » thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời gia tăng áp lực với các đồng minh châu Âu, những nước muốn bảo vệ thỏa thuận lịch sử này.
Để biện minh cho quyết định bãi nhiệm ông Rex Tillerson, tổng thống Mỹ đã nêu rõ điểm bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Mỹ như sau : « Khi quý vị nhìn vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tồi tệ, một thỏa thuận sơ sài ». Theo Donald Trrump, Hoa Kỳ phải làm việc với các đồng minh và các đối tác « nhằm chặn đường Iran đi tới vũ khí nguyên tử » và « chống việc Iran ủng hộ quân khủng bố ».
Một ngày sau khi có thông báo bổ nhiệm ông Mike Pompeo, giám đốc CIA và được cho là có tư tưởng « diều hâu », thay Rex Tillerson làm ngoại trưởng, chính quyền Teheran đã chính thức phản ứng, lên án Hoa Kỳ muốn « khai tử » thỏa thuận hạt nhân, theo như tường thuật của thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi tại Teheran :
« Đối với thứ trưởng Ngoại Giao Iran, ông Abbas Araghchi, Hoa Kỳ quyết tâm ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và những thay đổi bên trong bộ Ngoại Giao đã được thực hiện cho mục đích này. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên từ phía Iran về sự ra đi bất ngờ của Rex Tillerson, và nhất là vì Mike Pompeo, người thay thế ông Tillerson, được xem là nhân vật cứng rắn chống lại Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, dọa rút ra khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran vào tháng Năm, và cho biết hồ sơ Iran là một trong số những bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Rex Tillerson. Thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố : Nếu Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, chúng tôi cũng sẽ từ bỏ. Ông còn cho biết thêm là đã báo trước với các nước châu Âu rằng Teheran sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Hoa Kỳ rút ra khỏi văn bản này để rồi đưa ra các trừng phạt mới nhắm vào Iran.
Được Iran với các cường quốc gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ ký kết vào tháng 07/2015, thỏa thuận này quy định nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân của Teheran để bảo đảm chương trình này là vì mục đích hòa bình, đổi lại, Teheran được quốc tế dỡ bỏ một phần các trừng phạt. Tổng thống Trump đặc biệt chỉ trích tính chất tạm thời của những ràng buộc áp đặt đối với Iran, nhất là việc cho phép nước này tiến hành làm giầu uranium đến tận năm 2026, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran ».
Quyết định sa thải Rex Tillerson khiến một số chuyên gia tại Mỹ được AFP trích dẫn, quan ngại. Họ cho rằng đó là một điềm xấu đối với sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tai hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Mặt khác, theo AFP, đây còn là một lời cảnh báo mà ông Donald Trump gởi đến các đồng minh châu Âu, vốn dĩ không tin rằng tổng thống Mỹ sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sau ngày 12/05/2018.
Trong khi chờ đợi Thượng Viện Mỹ thông qua việc bổ nhiệm tân ngoại trưởng, ông Brian Hook, giám đốc phụ trách các vấn đề chiến lược của Rex Tillerson hôm nay 15/03 đến Berlin để thảo luận với các quan chức Pháp, Anh, Đức về việc thêm một số điều khoản vào thỏa thuận ban đầu đã được ký.
Châu Âu dường như chấp thuận bổ sung các điều khoản như hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và bỏ điều khoản giới hạn thời gian, với điều kiện là nội dung chính của thỏa thuận không bị ảnh hưởng.
Vấn đề là Hoa Kỳ và Iran có đồng ý với những bổ sung đó hay không ? Một điều chắc chắn là tổng thống Donald Trump không chấp nhận những « thay đổi bề ngoài » và muốn viết lại gần như toàn bộ văn bản này. Nếu vậy thì hiệp định hạt nhân Iran coi như đã bị « kết án tử hình ».
Nhiệm kỳ tổng thống thứ 3:
Putin thành công hay thất bại về đối ngoại ?
Nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của Vladimir Putin đã bước vào giai đoạn cuối. Chính sách đối ngoại của Putin đã đạt được những thành quả nào ? Nhiệm kỳ của Putin được quốc tế đánh giá ra sao ? RFI xin trích lược ý kiến của bà Isabelle Facon, thuộc viện nghiên cứu chiến lược FRS của Pháp, chuyên gia về chính sách an ninh và quốc phòng Nga, đặc biệt là về cuộc cách mạng công nghiệp vũ khí của Matxcơva. Chuyên gia Isabelle Facon đã có nhiều nghiên cứu về chính sách đối ngoại và vị thế của Nga ở châu Âu, cũng như các quan hệ của điện Kremlin với chính quyền các nước châu Á.
Chiến lược quốc tế của Vladimir Putin giai đoạn 2012-2018 là gì ?
Ban đầu, dự án then chốt trong chính sách đối ngoại của Vladimir Putin cho nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 là sự hội nhập Á – Âu (với các nước thuộc Liên Xô cũ), thông qua Liên minh kinh tế Á – Âu. Kế hoạch này được triển khai vào năm 2015, nhưng xung đột Nga – Ukraina khiến Kiev không chấp nhận tham gia Liên minh nữa, trong lúc tham vọng trọng tâm của điện Kremlin là lập liên minh.
Thêm vào đó, cuộc chiến Ukraina đã khiến các nước gần gũi nhất với Nga là Belarus, Kazhastan thận trọng, cảnh giác hơn trước mưu đồ của Matxcơva thực hiện chiến lược địa chính trị thông qua dự án Liên minh kinh tế Á – Âu. Sự cảnh giác này góp phần làm cho tiến trình hội nhập Á – Âu, vốn chịu tác động xấu từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2014-2016, càng trở nên khó khăn hơn.
Cuộc khủng hoảng Ukraina cũng cho thấy những xung khắc giữa Nga và phương Tây ngày càng « chồng chất ». Trước vụ xung đột Ukraina, giới chính trị Nga và phương Tây lâu nay đều tự hỏi liệu Nga có « chia tay » phương Tây, dẫn tới một « vòng xoáy đối đầu » rất khó thoát ra được hay không ? Nhưng mặt khác, việc Nga can thiệp vào Syria lại buộc Matxcơva phải thực hiện chặt chẽ hơn và khéo léo hơn chính sách ngoại giao ở Trung Đông. Và điều này không phải là không đạt được thành công.
Và cuối cùng, cuộc khủng hoảng trong quan hệ với phương Tây đã thúc đẩy Nga cân bằng lại chính sách đối ngoại và ngoại thương với các nước châu Á. Vì lo ngại khả năng các thế lực can dự về địa chính trị, nhất là ở Trung Á, điện Kremlin đang tìm cách « lấy lại » sự năng động thông qua hợp tác với Trung Quốc trong dự án Con đường tơ lụa mới, để chứng tỏ Nga không bị cô lập và cũng là để thúc đẩy lại tiến trình hội nhập Á – Âu.
Có mối liên hệ nào trong việc Nga can dự vào Ukraina và Syria ?
Sự giống nhau nằm ở động cơ của điện Kremlin khi quyết định can thiệp quân sự vào hai nước : tất cả đều xuất phát từ sự căng thẳng và bất đồng với phương Tây. Đó cũng là cơ hội để Matxcơva chứng tỏ quân đội Nga đã trở lại và có khả năng hỗ trợ cho nền ngoại giao của nước này, bảo vệ lợi ích quốc gia. Thông điệp của tổng thống Putin là Matxcơva có phương tiện để buộc các nước « tôn trọng lằn ranh đỏ ». Việc can thiệp vào Syria cũng là để chứng minh cựu tổng thống Mỹ Obama đã sai lầm khi tuyên bố hồi năm 2014 rằng Nga chỉ là một cường quốc trong khu vực.
Cuộc chiến ở Ukraina và Syria tác động thế nào tới dư luận thế giới và Nga ?
Xét về tổng thể, nhiều người cho rằng nước Nga « lại nổi lên » như một cường quốc, một mối đe dọa. Theo kết quả điều tra của Pew Research Center, việc Matxcơva thường xuyên phô trương sức mạnh có ảnh hưởng tới hình ảnh của nước Nga. Tỉ lệ những người cho rằng tổng thống Nga Vladimir Putin « làm việc ông cần làm trên trường quốc tế » không cao : 19% (châu Âu) và 35% (châu Phi). Số người ủng hộ nước Nga nhiều nhất là ở châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cao nhất cũng chỉ là 37%.
Trong giới tinh hoa chính trị, đương nhiên hình ảnh của Nga ở châu Âu và Mỹ xấu hơn so với ở châu Á và châu Phi. Ở châu Á và Trung Đông, trong khi sự can thiệp của Mỹ vấp phải nhiều nghi vấn thận trọng, nhất là sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, thì việc điện Kremlin tăng cường các hoạt động quân sự và ngoại giao trong các khu vực này lại được coi là sự cân bằng lực lượng.
47% người Mỹ và 41% người châu Âu coi sức mạnh và ảnh hưởng của Nga là « một mối đe dọa cho đất nước ». Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với ở châu Phi (31%), châu Á – Thái Bình Dương (29%), Trung Đông (35%) và Nam Mỹ (23%).
Còn tại Nga, đương nhiên là dân chúng hài lòng vì đất nước họ đã tìm lại được vị thế quốc tế và hình ảnh của nước Nga trên thế giới trong những năm qua đã được cải thiện. Họ cho rằng đất nước trở nên hùng mạnh hơn và lợi ích của quốc gia cũng được bảo vệ. Chuyên gia địa chính trị Pháp Pierre Hassner đã từng phát biểu khi cuộc xung đột Georgie nổ ra : « Nước Nga thích các nước khác sợ mình hơn là yêu quý mình ».
Liệu phương Tây và Nga có hướng tới giai đoạn « hòa hoãn » ?
Nhiều chuyên gia dự báo việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sẽ giúp phương Tây xích lại gần Nga một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Nhưng đó là một điều không tưởng. Matxcơva vẫn chưa nhận được tín hiệu thuyết phục về sự giải ước sức mạnh của Mỹ tại lục địa Á – Âu và châu Âu như điện Kremlin từng mong đợi, nhưng có thể họ vẫn đang hy vọng.
Tuy nhiên, trong thông điệp rõ ràng của tổng thống Nga trước Quốc Hội liên bang ngày 01/03/2018, người ta hiểu rằng, trong những năm tới đây, Nga – quốc gia đang bị xa lánh – sẽ tiếp tục duy trì quan hệ căng thẳng và thỏa hiệp với Mỹ. Các đối thủ chính trị của tổng thống Donald Trump đã coi « hồ sơ Nga » là vũ khí chủ đạo để chống lại ông. Câu hỏi quan trọng nhất là liệu Matxcơva sẽ tìm cách « hạn chế thiệt hại » hay sẽ khiến cuộc đối đầu trầm trọng hơn nữa.
Khi nhấn mạnh về sự nguy hiểm của việc quân sự hóa quan hệ chiến lược giữa phương Tây và Nga, Matxcơva có thể hy vọng sẽ khiến châu Âu phải ngưng « vòng xoáy thù nghịch với Matxcơva », nhất là trong bối cảnh Mỹ và châu Âu có nhiều điểm bất đồng: xung khắc về cuộc chiến thương mại, tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran, hồ sơ khí hậu toàn cầu …
Nhưng dù sao đi chăng nữa, nếu quan hệ giữa Nga với phương Tây có được cải thiện thì cũng sẽ rất chậm. Mục tiêu vẫn còn đang ở rất xa.
Quốc tế đánh giá Nga có lợi hay bất lợi, hay cả hai ?
Theo đánh giá của phương Tây, mọi chuyện đều bất lợi cho Matxcơva : các biện pháp trừng phạt, cô lập Nga, tác động tới sự phát triển kinh tế và an ninh của nước này, Nga bị mang tiếng xấu trên trường quốc tế, ảnh hưởng tới cân bằng sức mạnh giữa Nga và Trung Quốc …
Còn tại Nga, như tôi đã nói ở trên, dân chúng thấy sự hiện diện của Nga được củng cố trên thế giới. Điều này bù đắp lại cho những hệ quả tiêu cực mà nước Nga phải gánh chịu : các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga không bị người dân nước này coi là sự trừng phạt nhắm vào chính sách không tốt của tổng thống Vladimir Putin mà được họ nhìn nhận là bằng chứng cho thấy các nước phương Tây muốn làm suy yếu nước Nga, giống như từ trước tới nay phương Tây vẫn làm.
Nhưng sự thật cần được nhìn nhận một cách thận trọng. Nga chỉ bị phương Tây chứ không phải toàn thế giới cô lập. Trong khi một số nước tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây thì một số quốc gia khác lại tận dụng cuộc khủng hoảng Nga – phương Tây để hưởng lợi, chẳng hạn Trung Quốc.
Nhờ thế, Nga cũng có cơ hội mở rộng, đa dạng hóa quan hệ đối tác. Nhưng điện Kremlin cũng phải cho các đối tác mới này thấy rằng Nga có thể giữ một vai trò chính trị và chiến lược mang tính xây dựng. Tuy nhiên, chưa chắc là các đối tác trên có thể bù đắp cho Nga những thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra.
Khủng hoảng chính trị ở Slovakia:
Thủ tướng từ chức
Không đầy hai tuần lễ sau vụ nhà báo Jan Kuciak và người bạn đời bị sát hại, Slovakia đã lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Tối qua, 14/03/2018, thủ tướng Robert Fico đã tuyên bố từ chức, với hy vọng cứu được liên minh chính phủ đang cầm quyền.
Thông tín viên Alexis Rosenzweig tại khu vực phân tích :
« Sau những cuộc biểu tình lớn tại Bratislava, khả năng thủ tướng Robert Fico phải từ chức là một đề tài tranh luận sôi nổi tại Slovakia đang trong cơn chấn động sau vụ nhà báo trẻ Jan Kuciak và người hôn thê Martina Kušnírová bị sát hại cuối tháng Hai.
Bài điều tra mà Jan Kuciak chưa hoàn thành, nhưng được công bố sau khi chết, đã quy kết một loạt nhân vật thân cận với thủ tướng Robert Fico, có quan hệ mật thiết với nhiều doanh nhân Ý bị tình nghi là thành viên tổ chức Mafia Ndrangheta khét tiếng ở vùng Calabria của nước Ý.
Người đứng đầu chính phủ Slovakia thoạt đầu đã cách chức những cố vấn phiền phức của ông và sau đó là bộ trưởng Nội Vụ hồi đầu tuần này. Sau 10 năm cầm quyền, Robert Fico hy vọng sẽ chống lại được làn sóng phẫn nộ và phản đối.
Sau khi chụp hình bên cạnh những bó tiền mà ông hứa sẽ thưởng cho những ai cung cấp thông tin về thủ phạm vụ sát nhân, ông đã quay sang tố cáo một âm mưu quốc tế chống lại chính phủ của ông, một âm mưu mà ông cho là do tổng thống Andrej Kiska và nhà tỷ phú Mỹ George Soros giật dây.
Với quyết định từ chức hôm qua, ông Robert Fico có ý muốn duy trì chức chủ tịch đảng cầm quyền, và để cho một thành viên của chính phủ hiện tại trở thành thủ tướng.
Điều đó chưa chắc là đủ. Dẫu sao thì phe đối lập và báo chí đều hoàn toàn không tin là việc ông Fico từ chức là đủ, trong khi cuộc điều tra của cảnh sát vẫn chưa tiết lộ manh mối về các thủ phạm hoặc người chủ mưu vụ sát hại nhà báo Jan Kuciak. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180315-khung-hoang-chinh-tri-o-slovakia-thu-tuong-tu-chuc
Hạt nhân : Nghị Viện Châu Âu
bí mật đàm phán với Bắc Triều Tiên
Trong lúc hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên chuyển qua một giai đoạn mới, với viễn cảnh về cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên, và giữa Bình Nhưỡng với Washington, một cơ quan thuộc Nghị Viện Liên Hiệp Châu Âu tiết lộ đã đàm phán « bí mật » với Bình Nhưỡng, chế độ được coi là khép kín nhất hành tinh, nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo AFP, trong cuộc họp báo bên lề một phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg (Pháp), hôm qua, 14/03/2018, nghị sĩ người Anh Nirj Deva, thông báo, một phái đoàn châu Âu đã gặp gỡ các đại diện của Bắc Triều Tiên, trong đó có nhiều bộ trưởng, « tổng cộng 14 lần », liên tục từ ba năm nay. Địa điểm đàm phán là Bruxelles. Quan điểm của phái đoàn đàm phán châu Âu là hướng đến « một cuộc đối thoại không cần các điều kiện tiên quyết ».
Nghị sĩ Nirj Deva cũng khẳng định các hoạt động nói trên của phái đoàn đàm phán châu Âu đã có một vai trò đáng kể trong việc tạo không khí tin cậy để Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên chấp nhận đối thoại. Đoàn đàm phán châu Âu cũng nhấn mạnh với Bình Nhưỡng là « nếu họ khăng khăng phát triển hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân », kết cục sẽ vô cùng tồi tệ.
Cho đến đến nay, Liên Hiệp Châu Âu vẫn duy trì trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Tuy nhiên, Bruxelles và nhiều thành viên vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Bảy nước châu Âu có sứ quán tại Bắc Triều Tiên (Đức, Bulgari, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Rumani, Anh và Thụy Điển).
Vẫn liên quan đến Bắc Triều Tiên, theo AFP, hôm nay 15/03/2018, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đến Thụy Điển, nước đại diện cho quyền lợi của Hoa Kỳ tại Bắc Triều Tiên. Đi cùng với ngoại trưởng Bắc Triều Tiên là một quan chức phụ trách vụ Bắc Mỹ. Trên đường đến Stockholm, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên ghé qua Bắc Kinh. Ông Ri Yong Ho sẽ có buổi làm việc với đồng nhiệm Thụy Điển Margot Wallstrom.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho hay, theo một nguồn tin từ Bắc Kinh, « không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc tiếp xúc Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ » trong thời gian ngoại trưởng Bắc Triều Tiên công du Thụy Điển. Còn theo Reuters, có nhiều tin đồn về việc Thụy Điển sẽ được chọn làm địa điểm hội kiến Donald Trump – Kim Jong Un.
Cũng trong ngày hôm nay, lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong trở về nước, sau chuyến công du Trung Quốc và Nga. Trả lời báo giới, ông Chung thông báo, Bắc Kinh và Matxcơva hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao, đang dồn dập diễn ra, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách hòa bình.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180315-ngoai-truong-bac-trieu-tien-di-thuy-dien
Mỹ : Học sinh biểu tình tại Washington
đòi siết luật về súng
Đúng một tháng sau vụ thảm sát Parkland, học sinh trên khắp nước Mỹ có nhiều hoạt động tưởng niệm và tranh đấu nhằm gây áp lực buộc chính quyền Trump siết chặt luật về mua bán súng tại Hoa Kỳ.
Hôm qua, 14/03/2018, vào đúng 10 giờ sáng, nhiều trường học trên khắp nước Mỹ đã dành 17 phút im lặng để mặc niệm 17 nạn nhân trong vụ thảm sát tại một trường trung học ở Parkland (bang Florida) cách đây một tháng.
Trong khi đó, hàng nghìn học sinh trung học đã tuần hành về Nhà Trắng và đến Quốc Hội Mỹ. Đối với nhiều học sinh, đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong đời mà họ tham gia. Trong cuộc tuần hành mang tên « National school walkout », các học sinh giương nhiều khẩu hiệu phản đối NRA, hiệp hội hùng mạnh của giới bán súng Hoa Kỳ. Nhiều nghị sĩ Mỹ nổi tiếng tham gia vào cuộc tuần hành phản đối súng của học sinh, trong đó có cựu ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders.
Đêm hôm qua, học sinh đã tới ngọn đồi nơi tọa lạc trụ sở Quốc Hội Mỹ để đặt 7.000 đôi giày, tượng trưng cho 7.000 trẻ em Mỹ bị giết hại, kể từ vụ thảm sát tại một trường học năm 2012.
Phong trào đòi siết chặt kiểm soát súng đang dâng cao tại Mỹ. Cuộc tuần hành hôm qua chỉ là bước dạo đầu cho một cuộc biểu tình toàn quốc lớn, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/03, tại Washington.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180315-my-hoc-sinh-bieu-tinh-tai-washington-doi-siet-chat-luat-ve-sung