Đọc báo Pháp – 14/03/2018
Nga-Anh có nguy cơ khủng hoảng lớn
Theresa May luận tội Matxcơva. Washington chuẩn bị một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn. Ngân hàng Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng. Angela Merkel bước vào thời hoàng hôn. Kinh tế Pháp lên điểm. Trên đây là những chủ đề quốc tế trên báo chí Pháp hôm nay.
Bản cáo trạng của Theresa May
Khủng hoảng Nga-Anh trong vụ mưu sát cựu gián điệp đôi Serguei Skripal và sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa giám đốc tình báo CIA thay thế ngoại trưởng Rex Tillerson chiếm trang nhất thời sự. Theo La Croix, vụ cha con cựu sĩ quan an ninh quân đội Nga bị đầu độc có nguy cơ biến thành khủng hoảng quốc tế. Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu chính quyền Nga trả lời cũng như chuẩn bị các biện pháp trừng phạt.
Le Figaro nhấn mạnh đến kỳ hạn tối hậu thư ấn định vào giữa đêm thứ ba và dành một cột báo để nói về chất độc Novichok, một loại vũ khí hóa học bí mật của quân đội Liên Xô. Trong khi đó, Le Monde dành một bài dài để phân tích căn nguyên nguồn cội cuộc khủng hoảng này. Trong bài Theresa May luận tội Matxcơva, nhật báo độc lập của Pháp cho biết thủ tướng Anh dựa vào kết quả điều tra của cảnh sát khoa học Anh, nhận dạng được hóa chất sử dụng đầu độc cựu sĩ quan tình báo Nga hoạt động cho gián điệp Anh.
Đối với thủ tướng Anh, nước Nga đã sử dụng vũ khí bị quốc tế bị cấm để tấn công Anh Quốc hoặc là mất kiểm soát loại vũ khí này. Nếu Nga không trả lời dứt khóat thì sẽ bị trừng phạt. Trong khi đó Matxcơva cho là Anh Quốc đang làm trò « xiệc » trong một chiến dịch mới chống Nga. Giới bình luận chính thức tại Matxcơva còn tung những giả thuyết, mà theo Le Monde, « rất khó tin ». Đó là chính phủ Anh muốn công luận quên đi chính sách Brexit thảm hại nên tìm cách bôi nhọ nước Nga trước thềm Cúp bóng đá thế giới…
Thông điệp thách thức của Matxcơva
Tuy nhiên, các chuyên gia chiến lược Anh khẳng định « gần như chắc chắn » Nga là thủ phạm vụ mưu sát. Qua hành động táo bạo này Matxcơva đưa ra hai thông điệp :
Thứ nhất là, cảnh cáo các điệp viên « phản bội » chọn Anh làm nơi định cư là không bao giờ bình yên, thứ hai nhắm vào Anh Quốc : chúng tôi xem nhẹ các anh vì biết các anh đã yếu.
Vụ tấn công còn nhằm trắc nghiệm phản ứng của Anh trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Cách nay 12 năm, sau vụ trung tá mật vụ Nga Alexandre Litvinenko bị đầu độc bằng polonium (2006), chính quyền David Cameron (2010-2016) tìm mọi cách trì hoãn điều tra vì bị áp lực của thế lực tài chính Anh, muốn tiếp tục thu hút đầu tư của giới tài phiệt Nga. Nhưng, theo Le Monde, ngày nay tình thế đã đổi khác : quan hệ Anh-Nga xấu đi sau những vụ tin tặc và nhiễu loạn tin giả can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Giới phân tích của viện nghiên cứu Chatham House khuyến cáo chính phủ Anh là cần phải thay đổi chiến lược, không để cho người Nga lấn áp người Anh trên thị trường chứng khoán.
Sau khi tham khảo đồng minh, thủ tướng Anh sẽ loan báo một số biện pháp trừng phạt tài chính lẫn thể thao như tẩy chay cúp bóng đá 2018 tại Nga. Nói cho cùng, theo Le Monde, vụ đầu độc này cho thấy rõ một sự thật khác mà Nga muốn khai thác : đó là tình trạng tương đối cô lập của nước Anh trong tiến trình ly dị với Liên Hiệp Châu Âu.
Rex Tillerson bị thay thế :
điềm thế giới biến động ?
Nhiều dấu hiệu báo trước thế giới sắp đi vào một chu kỳ đầy biến động. Iran, Bắc Triều Tiên : Donald Trump muốn một chính sách vũ bão, nhận định của Les Echos về tin giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế ngoại trưởng Rex Tillerson. Nhật báo kinh tế xem sự kiện này là tín hiệu Nhà Trắng sắp tiến hành một chính sách cứng rắn trên trường quốc tế.
Theo Les Echos, Mike Pompeo là một trong những người thân cận của ông Donald Trump. Trong bộ áo mới ngoại trưởng, giám đốc CIA Mỹ sẽ phụ trách những hồ sơ nóng mà chủ nhân Nhà Trắng luôn thêm dầu vào lửa : Iran và Bắc Triều Tiên, mà khẩn cấp nhất là thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un dự trù vào tháng 5. Cũng khẩn cấp không kém là hồ sơ Iran. Đến giữa tháng 5, tối hậu thư của tổng thống Mỹ hết kỳ hạn. Washington sẽ ban hành một loạt biện pháp trừng phạt Iran trừ phi các cường quốc khác bảo trợ Hiệp định hạt nhân 2015 là Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đồng ý « bổ sung những thiếu sót khủng khiếp » để trói tay Iran, theo quan điểm của Mỹ.
Không kể các điểm nóng cấp vùng từ Syria cho đến an ninh châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ khó khăn với Trung Quốc, hồ sơ nóng thứ ba liên quan đến cả thế giới là « chiến tranh thương mại » : nếu Donald Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu thì quyết định này có thể đưa đến « chiến tranh mậu dịch ».
Không khỏi lo ngại, Les Echos điểm lại trong 14 tháng cầm quyền, tổng thống Trump « đã sa thải gần như tất cả mọi người ». Cũng cùng nhận định lo ngại, Libération trích lời một nhà ngoại giao Pháp : Tillerson là tường thành lý trí cuối cùng trong bộ tham mưu của Donald Trump tránh cho nhiệm kỳ đã phát cuồng biến thành điên loạn. Rào cản này nay đã sụp đổ.
Trong tình thế bấp bênh này, thế giới cần những cột trụ ổn định. Trong bài xã luận : Trump, kẻ khó lường, cách chức ngoại trưởng mà không cần thông báo, La Croix kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu, cột trụ quốc tế trong lãnh vực kinh tế, hãy chuẩn bị cho vai trò cốt lõi trong lãnh vực chính trị và an ninh chiến lược.
Khác với Les Echos, nhật báo cánh tả Liberation nhấn mạnh đến yếu tố « đồng thanh tương ứng » giữa tổng thống Mỹ và ngoại trưởng mới trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và Iran. Nếu Tillerson khuyên Trump nên tuyên bố thận trọng thì trái lại, ông Trump dọa « hủy diệt » đối phương. Trái lại, theo chính miệng tổng thống Mỹ, ông và giám đốc CIA Mike Pompeo « hoàn toàn ý hiệp tâm đầu ». Liberation suy đoán có thể đó là lý do làm Tillerson bị thay thế. Từ nay, chính quyền Mỹ sẽ « huy động mọi nguồn lực ngoại giao một cách hiệu quả » cho thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Ngân hàng Trung Quốc báo động « đỏ »
Viễn ảnh xảy ra khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc, Hồng Kông và Canada là báo động của Ngân Hàng Giám Sát Quốc Tế, ngân hàng trung ương của mọi ngân hàng trung ương.
Trong bối cảnh Trung Quốc thông báo sẽ thống hợp cơ quan điều hành lãnh vực ngân hàng với bảo hiểm để có thể đối phó hiệu quả hơn khi xảy ra khủng hoảng tài chính thì Ngân hàng giám sát quốc tế báo động Canada và Hồng Kông và nhất là Trung Quốc có nguy cơ khủng hoảng. Ít nhất hai chỉ số, mức nợ so với GDP và dịch vụ nợ, đã rơi vào vùng báo động đỏ.
Merkel hồi thứ tư
Thời sự châu Âu nổi bật nhất là chính phủ liên minh Đức chính thức hoạt động sau gần nửa năm khủng hoảng chính trị. Libération đề tựa : Angela Merkel bắt đầu « thời hoàng hôn » của bốn nhiệm kỳ thủ tướng. Nhưng đòn tấn công mạnh nhất Liberation dành cho chính phủ Pháp với bài xã luận mang tên « Ác ý ». Công ty xe lửa Pháp SNCF cần cải cách cấu trúc, nhưng Libération không chấp nhận được tuyên bố của một vị bộ trưởng Pháp khi cho rằng cần phải cải thiện tình trạng khách hàng của xe lửa Pháp để biện minh cho dự án cải cách, buộc nhân viên hỏa xa, mà đồng lương trung bình chỉ có 2000 euro phải hy sinh một số phụ cấp.
Les Echos lạc quan hơn với tin : nhờ kinh tế tăng trưởng cao, Pháp tạo ra nhiều công ăn việc làm kỷ lục tính từ 2007: hơn 268.000, theo thống kê trong năm 2016.
Liên quan đến Ấn Độ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm viếng ba ngày, tuyên bố hai nước thắt chặt mối quan hệ « chiến lược trong vùng Ấn độ-Thái Bình Dương » . Nhưng trong lĩnh vực thương mại, các hợp đồng mang lại 13 tỷ euro dường như thấp hơn sự Paris mong đợi. Tổng thống Macron thổ lộ : thủ tướng Modi là một người « rất cứng rắn ».
Đừng quên nhà văn Soljennisyne
Ở trang văn hóa, Le Figaro kêu gọi « thanh niên, thiếu nữ học sinh sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, đừng quên năm nay là 100 năm ngày sinh của văn hào Nga Alexandre Soljennisyne và 10 năm ngày tác giả « Quần đảo ngục tù qua đời ».
Qua ngòi bút của cựu bộ trưởng Hervé Mariton, một người đam mê văn hóa Nga, Alexandre Soljennisyne là hiện tượng văn học, chính trị và đạo đức. Văn chương của nhà ly khai Liên xô quá cố, vừa sắc bén, vừa nghiêm khắc tố cáo những sai trái của xã hội con người mà trong đó có « xã hội chủ nghĩa Liên xô » và kể cả báo chí Tây phương, cho dù báo chí Tây phương đã bảo vệ ông trước gọng kềm đàn áp của Liên xô.
Đi bộ 10.000 bước, trị bệnh teo cơ
Cuối cùng, trong lãnh vực y khoa, một khám phá mới có thể giúp cho các vị lớn tuổi hăng hái tập thể thao thể dục : bệnh teo cơ Sarcopénie. Sở dĩ về già, bắp thịt teo lại là vì dây thần kinh phụ trách co giãn cơ không hoạt động bình thường. Để ngăn chận chứng bệnh này, xảy ra ở 10% người lớn tuổi, biện pháp hiệu quả nhất là phải đi bộ, mục tiêu đi tới là 10.000 bước mỗi ngày, hơn 30 phút và ăn chất đạm theo tỷ lệ : cân nặng mỗi 10 ký thì dùng 12 gram chất đạm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180314-khung-hoang-nga-anh-co-nguy-co-tro-thanh-lon-chuyen
Tin đọc nhanh
(AFP) – Donald Trump tiếp tục tấn công hàng công nghệ cao của Trung Quốc. Nhiều nguồn thạo tin tại Mỹ cho hay, tổng thống Donald Trump muốn nâng thuế nhập khẩu để có thể thu được tới 60 tỷ đô la thuế từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhất là các mặt hàng trong lĩnh vực công nghệ cao và viễn thông. Một nguồn tin khác thân cận với chính quyền Trump cho biết thêm là các loại thuế, liên quan đến cuộc điều tra về sở hữu trí tuệ tiến hành từ tháng 8 năm ngoái, có thể được áp dụng sắp tới đây.
(AFP) – Úc bỏ hàng tỷ đô la mua thiết bị quân sự Đức. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Đức, Rheinmetall hôm nay, 14/03/2018, đã giành được hợp đồng trị giá 3,3 tỷ euro bán 211 xe bọc thép chiến đấu loại Boxer CRV cho quân đội Úc. Các xe bọc thép của Đức có thời gian sử dụng trong 30 năm sẽ thay thế các loại xe cũ của quân đội Úc. Hợp đồng mua khí tài của Úc nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội Úc trong 10 năm với ngân sách dự trù 200 tỷ đô la Úc. Năm 2016, Canberra đã chọn mua của Pháp 12 tàu ngầm tấn công loại Shortfin Barracuda.
(AFP) – Pháp kiện Apple và Google. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire hôm nay, 14/03/2018, thông báo là nhà nước Pháp sẽ kiện hai tập đoàn tin học của Mỹ Apple và Google ra trước tòa án thương mại Paris về những hành vi thương mại mang tính lạm dụng. Cụ thể, Apple và Google bị cáo buộc lợi dụng vị thế áp đảo của họ để ngăn chận cạnh tranh. Bộ trưởng Le Maire yêu cầu phạt hai tập đoàn Mỹ 2 triệu euro.
(AFP) – Pháp : Trình dự luật cải tổ SNCF. Hôm nay, 14/03/2018, chính phủ Pháp trình bày dự luật về cải tổ công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), vào lúc các công đoàn dọa sẽ kêu gọi đình công dài hạn. Trước mắt, họ kêu gọi biểu tình ngày 22/03. Chính phủ cũng xác nhận sẽ ban hành các sắc lệnh để kế hoạch cải tổ được thông qua nhanh chóng, thay vì đưa dự luật ra Quốc Hội, bất chấp sự phản đối của các công đoàn.
(AFP) – Thử nghiệm taxi bay không người lái ở New Zealand. Những xe taxi bay không người lái sẽ được thử nghiệm ở New Zealand trong khuôn khổ một dự án được sự hỗ trợ của ông Larry Page, đồng sáng lập tập đoàn Google. Hôm qua, công ty Zephyr Airworks, chi nhánh của Kitty Hawk, công ty khởi nghiệp của ông Page, đã được cấp phép để phát triển và thử nghiệm phương tiện vận chuyển mới này. Taxi bay là một loại xe chạy bằng điện, nhưng hai bên có gắn các rotor, nên có thể cất cánh và hạ cánh như là một trực thăng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180314-tin-doc-nhanh