Tin Việt Nam – 14/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/03/2018

Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt

Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh vào ngày 14 tháng 3 bị lực lượng chức năng ở Hà Nội bắt đi trước sự chứng kiến của thân hữu, sau khi bà này đến Tượng Đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội tham gia cuộc tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh vào năm 1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma, thuộc Trường Sa.

Thông tin này được Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh đăng tải trên facebook cá nhân.

Theo đó, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã gọi về cho nhà báo Ngọc Chênh, thông báo đang ở Cơ Quan An Ninh Điều Tra, Bộ Công An. Bà Hạnh cũng nhắn nhủ mọi người lo lắng cho bà hãy yên tâm vì theo bà mọi  việc bà tham gia thực hiện lâu nay là vì lòng yêu nước vì lương tâm không có gì phải lo sợ và chịu khuất phục.

Chúng tôi liên lạc với Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh vào lúc sau 6 giờ tối ngày 14 tháng 3 và được anh cho biết:

“Hiện giờ tôi đang ngồi tại Cơ quan An ninh Điều tra để hỏi về lý do vì sao Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt, nhưng người ta vẫn chưa trả lời, bỏ tôi ngồi chờ ở đây rồi có cán bộ giải thích. Tôi chờ được 15 phút rồi. Đang ngồi với một nhân viên điều tra nhưng anh này bảo phải chờ cán bộ cấp cao hơn đến làm việc.”

Tin cho biết khi buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, bên cạnh việc an ninh dân phòng kiểm soát chặt chẽ, còn có một nhóm “quần chúng tự phát” đến gây rối khiến buổi lễ bị gián đoạn.

Tại Sài Gòn, vào lúc 9h sáng ngày 14 tháng 3, các thành viên câu lạc bộ Hiếu Đằng và các nhân sĩ, lão thành cách mạng… cũng tổ chức buổi lễ thắp hương tại tượng Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) cho các chiến sỹ hy sinh trong cuộc thảm sát Gạc Ma.

Trong khi đó, một lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma và tri ân 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma cũng được Ban Liên Lạc Truyền Thống Bộ Đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức.

Vào ngày 13 tháng 3 năm 1988, tàu Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm đá Gạc Ma – thuộc quần đảo Trường Sa khiến 64 lính Việt Nam thiệt mạng. Một số khác bị phía Trung Quốc bắt và mãi đến năm 1991 họ mới được trao trả về lại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/female-activist-thuy-hanh-detained-03142018083959.html

 

Đức ‘điều tra tướng công an VN về vụ bắt cóc ở Berlin’

Truyền thông Đức, gồm cả đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle, đưa tin cơ quan công tố liên bang Đức đang tiến hành điều tra một Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, người bị cho là đóng vai trò trong vụ ‘bắt cóc ở Berlin’ hồi tháng Bảy năm ngoái.

Phía công tố Đức từ chối bình luận với báo chí.

Trong khi đó, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, nói với BBC rằng cuộc điều tra của cơ quan công tố Đức nhằm vào Trung tướng Đường Minh Hưng ‘và những người khác trong vụ bắt cóc thân chủ tôi’.

Trịnh Xuân Thanh bị tuyên chung thân lần hai

VN ‘chặn luật sư Đức của ông Trịnh Xuân Thanh’

VN: Chấp nhận trả giá đối ngoại vì đối nội?

Theo luật Đức, giới chức sau khi ra cáo trạng sẽ phải chuyển tài liệu này tới cho người bị cáo buộc và luật sư bảo vệ của họ, bà luật sư Petra Schlagenhauf nói.

Bên bị cáo buộc sẽ có một thời gian để nêu quan điểm và cung cấp bằng chứng phản bác.

Sau đó, tòa sẽ tuyên bố mở phiên xét xử và định ngày để nghe lập luận của các bên, bà Schlagenhauf giải thích.

Khác với hai nhà ngoại giao Việt Nam đã bị phía Đức trục xuất trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf nói rằng về mặt lý thuyết, Đức có thể đòi dẫn độ ông Đường Minh Hưng, người đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc.

Lý do, bà nói, là bởi cảnh sát Đức đã “có đủ bằng chứng cho thấy sự can dự của ông ta trong vụ bắt cóc”, và bởi “ông Hưng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao tại Đức như những người khác tuy cũng tham gia nhưng lại làm việc cho Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin”.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà nói bà không chắc cơ quan công tố Đức có cân nhắc tới khả năng đòi dẫn độ hay không, bởi “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu dẫn độ đối với ông Hưng”.

“Giữa Việt Nam và Đức chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ, cũng chưa có thỏa thuận nào ở cấp thấp hơn về việc dẫn độ.”

“Hơn nữa, cũng nên lưu ý rằng mọi yêu cầu dẫn độ đều là quyết định chính trị,” bà Schlagenhauf nói và từ chối bình luận thêm về chủ đề này.

‘Trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc’

Ông Hưng được cho là đã có mặt ở Berlin một thời gian trong tháng Bảy.

Nay, cơ quan điều tra của Đức tin rằng ông Hưng đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc, theo báo chí Đức.

Truyền thông Đức, như các trang Süddeutsche Zeitung, và Zeit.de, trích dẫn nội dung cáo trạng đối với ông Nguyễn Hải Long, cho đến nay là người Việt duy nhất bị giới chức Đức truy tố liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, theo đó nói ông Đoàn Minh Hưng tới Berlin vào thời điểm một tuần trước khi xảy ra vụ bắt cóc.

Ông Hưng đã ở tại khách sạn “Berlin, Berlin” và đã gặp gỡ với đầu mối của cơ quan tình báo tại Tòa Đại sứ Việt Nam.

Báo Tagesschau nói rằng trong tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay được thể hiện rõ ràng.

Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt

“Quốc khánh VN tại Đức năm nay kém vui”

Ông Hưng đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại di động và gửi các tin nhắn cho những đối tượng khác cùng tham gia vụ bắt cóc để điều phối hoạt động.

Chỉ hai ngày trước vụ bắt cóc hôm 23/7, ông Hưng đã chuyển chỗ ở, tới khách sạn “Sylter Hof”, và từ phòng khách sạn này ông đã “điều hành vụ bắt người”.

Ông Hưng “hầu như không rời khỏi phòng cho tới khi xảy ra vụ bắt cóc”.

Đối tượng bị bắt cóc đã “ngay lập tức được đưa tới Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin-Treptow và từ đó được đưa về Việt Nam bằng một ngả nào đó không rõ,” Sueddeutsche Zeitung tường thuật.

Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì về những cáo buộc mới nhất trên truyền thông Đức.

Ảnh hưởng quan hệ song phương

Báo Sueddeutsche Zeitung bình luận rằng vụ điều tra mới nhất này cho thấy câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên một tầm mức chính trị cao hơn.

Sau diễn biến mà phía Đức nói là ông Trịnh Xuân Thanh bị dùng vũ lực bắt đi tại một công viên ở trung tâm Berlin, chính quyền của bà Merkel lên án Việt Nam vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Đức.

Một nhân viên tình báo và một nhà ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin sau đó đã bị trục xuất.

Đức cũng đòi Việt Nam phải xin lỗi, nhưng yêu cầu này không được Hà Nội đáp ứng.

Vụ việc khiến cho quan hệ song phương giữa hai nước ảnh hưởng nặng nề.

Hôm 22/9, Đức tuyên bố “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Trước đó, lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017 đã không có mặt bất kỳ vị khách Đức nào, trong khi sự kiện tương tự trước đó một năm từng đón tới 400 khách Đức và quốc tế.

Đức cũng đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa.

Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ một người Việt bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Nguyễn Hải Long, đã sinh sống tại Cộng hòa Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.

Cơ quan công tố Đức hồi tuần trước buộc tội ông này làm gián điệp và tước đoạt quyền tự do của người khác.

Tuy nhiên, ông Long nói ông vô tội, trong lúc luật sư đại diện nói ông bị ‘thí chốt’.

Bà Petra Isabel Schlagenhauf cho BBC biết phiên tòa đối với ông Nguyễn Hải Long có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng Tư 2018 tại Berlin.

Lối thoát về mặt ngoại giao Đức – Việt cho vụ việc dường như vẫn chưa thấy hé lộNhà báo tại Berlin

Bình luận về câu chuyện, một nhà báo tại Berlin cho BBC hay, “báo chí Đức đã đăng tin rộng rãi diễn biến này vốn đã và vẫn tiếp tục là đề tài gây khó khăn cho bang giao giữa hai nước Việt Nam và Đức hiện nay”.

“Lối thoát về mặt ngoại giao cho vụ việc dường như vẫn chưa thấy hé lộ.

Với việc hình thành bộ máy lãnh đạo chính phủ mới của Đức, câu hỏi về việc xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ còn là một đề tài tiếp tục nóng.”

Cũng trong ngày 14/03, bà Angela Merkel đã tuyên thệ lên làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ để lãnh đạo chính phủ liên minh CDU-SPD.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43393346

 

Quan hệ Mỹ – Việt: Lòng tin và quyền lợi

TS Nguyễn Tiến HưngGửi tới BBC từ Virginia, Hoa Kỳ

 

Viết về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, báo Lao Động thuật lại việc ông Timothy Liston, Phó Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn lên thăm tàu và bế một cậu bé để cùng vỗ tay với những người bạn nhỏ.

Họ cùng hoà ca bài “Trái đất này là của chúng mình”. Câu hát “màu da nào cũng quý cũng yêu” như chính thông điệp của cuộc gặp gỡ.

Tờ báo dẫn lời ông Liston về nỗ lực xây dựng niềm tin giữa hai nước khi ông nói: “Không chỉ có con tàu, chúng tôi đến để xây dựng lòng tin.”

Nghe câu này, chắc nhiều người có thể phản hồi và đặt câu hỏi “nhưng liệu Việt Nam có tin được Mỹ hay không?”

Đây cũng là câu hỏi của chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đặt ra cho Mỹ vào tháng Ba, 1975 (xem cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy, chương 9).

Lệnh rút khỏi Huế của Tổng thống Thiệu

Nixon đã cản trở hòa đàm ở Việt Nam thế nào?

Lịch sử có nợ gì Tướng Dương Văn Minh?

Chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn

Như chúng tôi đã có dịp bình luận: câu trả lời là “tin được nếu” niềm tin ấy được xây dựng trên căn bản chắc chắn và bền vững là Quyền lợi chung của cả hai nước.

Tôi thật ấn tượng về câu nói của ông Henry John Palmerston, cựu Thủ tướng Anh nói tại Quốc Hội nước này ngày 1 tháng 3 năm 1848:

“Nước Anh không có đồng minh vĩnh cửu, và chúng ta cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn. Quyền lợi của chúng ta mới là vĩnh viễn và vĩnh cửu.”

Trong những thập niên 1950-60, vì quyền lợi của Mỹ đòi hỏi phải ngăn chặn Trung Quốc tràn xuống Biển Đông nên Mỹ nhảy vào Việt Nam.

Không chỉ có con tàu, chúng tôi đến để xây dựng lòng tinTimothy Liston

Đến năm 1972 Nixon-Kissinger hòa hoãn được với TQ vì Kissinger nói với Mao và Chu khi bay qua Bắc Kinh là Mỹ sẵn sàng ký thỏa hiệp để ra đi khỏi Việt Nam và nếu sau khi chúng tôi đã ra đi vài năm mà Cộng sản tiến tới chiếm trọn Miền Nam Việt Nam thì Mỹ cũng không trở lại nữa.

Tin rằng Mỹ sẽ không trở lại nên TQ biến thành bạn và hành động ra vẻ như không còn đe dọa Mỹ ở Biển Đông nữa, để còn được hưởng những ân huệ lớn lao của Mỹ.

Khi Trung Quốc trở thành bạn rồi thì Mỹ không còn lý do gì để đổ xương máu tiếp tục ở Miền Nam Việt Nam, cho nên đã bỏ Miền Nam không thương tiếc.

Một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến là như thế này: Mỹ nhảy vào Việt Nam không phải là để “bảo vệ tự do của nhân dân Miền Nam” như Washington luôn luôn tuyên bố (và nhân dân Miền Nam luôn luôn tin tưởng) mà là để bảo vệ Quyền lợi của chính Mỹ.

Cho nên sau khi ông Nixon bắt tay được với ông Mao thì quyền lợi của Mỹ không còn đòi hỏi phải có một “tiền đồn” để chống Trung Quốc ở Biển Đông nữa: mở cửa Bắc Kinh đóng cửa Sài Gòn đơn giản là như vậy.

Hai ông Nixon-Kissinger đã hùng hồn biện hộ cho Trung Quốc khi Kissinger soạn bài cho Tổng thống Nixon trả lời Quốc Hội Hoa Kỳ rằng:

“Trung quốc và Hoa Kỳ chia sẻ nhiều quyền lợi song hành và có thể cùng nhau hành động để làm cho đời sống của nhân dân hai nước thêm phong phú.”

‘Cuộc chiến Anh-Mỹ’ về cách đánh ở VN

Nam Bắc Hàn và Cuộc chiến Việt Nam

Bình Nhưỡng từng bắn hạ máy bay Mỹ thời Nixon

Nhưng lịch sử đã diễn ra ngược lại: sau 40 năm ru ngủ được Mỹ, hứa hẹn sẽ tuân hành các quy tắc của luật kinh tế thị trường để Mỹ chấp thuận cho TQ vào WTO (Tổ Chức Thương Mại Toàn Cầu) giúp sản xuất và bán thật nhiều hàng qua Mỹ và thị trường thế giới, TQ đã làm giàu quá nhanh, trở thành cường quốc kinh tế số hai.

Vì Trung Quốc cạnh tranh bất chính với Mỹ, không tuân thủ các quy luật thị trường cho nên bây giờ nhiều người Mỹ tiếc rẻ đã cho Trung Quốc vào WTO, giúp nước này mạnh đủ để ra mặt chống Mỹ.

Nixon-Kissinger đã sai lầm mà cho rằng quyền lợi của Mỹ đi đối với quyền lợi của TQ vì nước này đã thành bạn đồng phường của Mỹ (Kissinger quá siêu trong việc thuyết phục Nixon về điểm này).

Hoa Kỳ đang hối tiếc?

Bây giờ Mỹ rất hối tiêc về sự sai lầm ấy. Và Kissinger phải chịu trách nhiệm rất lớn cho sự sai lầm này cùng những thiệt hại to lớn của nước Mỹ về địa chính trị và chiến lược toàn cầu.

Mỹ bừng tỉnh nhưng đã quá muộn! Dù sao “better late than never:” (thà rằng muộn còn hơn là không bao giờ), Mỹ phải gấp rút xoay trục về Biển Đông.

Và khi muốn quay về Biển Đông thì Mỹ rất cần Việt Nam vì đây là “địa điểm chiến lược quan trọng nhất” như Bộ Ngoại Giao đã phân tích ngay từ năm 1950 (xem ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào,’ chương 3).

Một điều chắc chắn: đó là từ nay, sẽ không bao giờ Trung Quốc bỏ tham vọng đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, rồi ra khỏi Tây Thái Bình Dương, rồi khỏi các đại dương khác.

Cho nên vì quyền lợi an ninh lãnh thổ của chính mình, Mỹ sẽ không bao giờ phạm phải lầm lỗi lần thứ hai là tháo chạy khỏi Biển Đông nữa.

Tại sao Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để rút về tới bờ California?

Lý do là vì Bắc Kinh đã đặt ra một mục tiêu chiến lược bí mật và quan trọng nhất: đó là tới năm 2049 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nước này sẽ thay thế Mỹ để trở thành cường quốc số một trên thế giới.

Tác giả nổi tiếng về Trung Quốc, ông Michael Pillsbury đã ra cuốn sách ‘The Hundred Year Marathon’ (Cuộc chạy đua 100 năm – xuất bản năm 2015) làm thức tỉnh các nhà chiến lược Mỹ.

Pillsbury là một chuyên gia về Trung Quốc đã từng làm việc với tất cả các tổng thống Hoa Kỳ kể từ thời Nixon, và như ông viết, “tôi đã có thể có nhiều thông tin của các cơ sở tình báo và quân sự của Trung Quốc hơn bất kỳ người phương Tây nào khác”.

Ông viết:

“Từ hàng thập kỷ nay, chính phủ Hoa Kỳ đã quá hào phóng, trao thật nhiều thông tin, công nghệ, bí quyết quân sự, thông tin tình báo và những lời cố vấn về các khía cạnh chuyên môn cho người Trung Quốc. Thật vậy, rất nhiều điều đã được cung cấp và cung cấp quá lâu. . . không thể có kế toán đầy đủ được về việc này! Và những gì chúng ta đã không đưa cho người Trung Quốc, thì họ đã ăn cắp.”

Tất cả chỉ để phục vụ cho tham vọng trở thành siêu cường số một để thay thế cho Mỹ khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày ông Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh.

Chỉ còn 31 năm nữa là tới năm 2049 cho nên từ nay Mỹ sẽ phải luôn luôn việc tập trung vào chiến lược ‘chặn lại tham vọng của TQ.’ Vì vậy mới có kế hoạch điều động tới 60% của hải lực Mỹ về Thái Bình Dương vào năm 2020.

Tất cả 14 Tổng thống Mỹ kể từ Harry Truman tới Donald Trump đều muốn duy trì vai trò lãnh đạo số một của nước Mỹ trên thế giới này – một vai trò phát xuất từ sau Thế Chiến 2, nhưng 13 ông trước chỉ nói úp úp mở mở.

Tới thời ông Trump – một con người bộc trực , bị coi là đồng bóng – thì ông thẳng thừng đưa ra chính sách “America First” – không chỉ có nghĩa là dành mọi ưu tiên kinh tế, thương mại, nhập cư để phục vụ quyền lợi vật chất của người Mỹ mà nó còn có một ý nghĩa chiến lược sâu xa: ông Trump muốn vãn hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ vốn đã phai mờ đi trong thập niên vừa qua.

Lập trường này làm cho tất cả các đồng minh đều nhìn vào Trump với con mắt nghi ngờ.

Nhưng Washington đồn rằng Trung Quốc rất e ngại tính “đồng bóng” ấy của Tổng thống Trump, nhất là vì họ biết rằng về hải lực thì Trung Quốc còn thua Mỹ quá xa về mọi mặt: từ chiến hạm, tầu ngầm, hàng không mẫu hạm tới kinh nghiệm hải chiến, không chiến nên không có đòn bẩy răn đe là bao nhiêu đối với Mỹ.

Khi ông Trump ân cần tiếp đón ông Tập Cận Bình ở Florida ngay từ đầu nhiệm kỳ, và ông Tập nghênh tiếp ông Trump hết sức linh đình ở Bắc Kinh, ngược hẳn với việc đón tiếp cựu Tổng thống Barack Obama đầu tháng 11/2017, dư luận cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến lại gần nhau hơn nữa.

Nhưng chỉ bốn tháng sau chuyến đi, dư luận đã giật mình khi nghe tin ông Trump thông báo sẽ đánh thuế thép 25% và nhôm 10% – chủ yếu nhắm vào Trung Quốc vì nước này đã xuyên qua nhiều nước để lợi dụng những kẽ hở của WTO, APEC, NAFTA gián tiếp nhập thép, nhôm vào Mỹ – việc mà ông Trump gọi là “trans-shipment” (thực ra là re-export).

Đằng sau lệnh tăng thuế chính là ông Peter Navarro, một ngôi sao đang sáng lên ở Tòa Bạch Ốc. Navarro nổi tiếng về lập trường chống Bắc Kinh. Cuốn sách của ông “Death By China” (Chết bởi tay Trung Quốc) đã giúp vào việc đánh thức nước Mỹ và được ông Trump đặc biệt chú ý. Navarro cáo buộc Trung Quốc đã “biến thành kẻ sát nhân hiệu quả nhất trên hành hành tinh này.” (nguyên văn: “turning into the planet’s most efficient assassin”).

Navarro đang thuyết phục Trump áp dụng thêm những biện pháp chế tài đối với vi phạm của Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ. Rồi tới hai biện pháp khác: ngăn chặn Bắc Kinh ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác, và ngăn chặn các công ty quốc doanh Trung Quốc (doanh nghiệp nhà nước) mua lại các công ty của Hoa Kỳ.

Vậy ta có thể kết luận rằng ít nhất trong Thế kỷ 21 quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông đi song hành và trực tiếp với quyền lợi của Việt Nam.

Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông, nhưng đồng thời, cái vị thế ấy luôn đặt nước này vào cái thế gọng kìm giữa các cường quốc.

Hơn nữa Việt Nam lại nằm sát cạnh Trung Quốc nên áp lực của Trung Quốc rất là mạnh mẽ. Vì vậy có lẽ Việt Nam không còn một con đường nào khác ngoài chiến lược cân bằng (“đu dây”) giữa hai cường quốc để sống còn.

Tuy nhiên vì áp lực của Trung Quốc càng ngày càng gia tăng nhanh – một cách nguy hiểm – cho nên chính cái chiến lược cân bằng lại là lý do thúc đẩy Việt Nam nên gần Mỹ hơn để lấy lại và duy trì thế cân bằng.

Những lý do để tin được Hoa Kỳ

Vì vậy, có khả năng là quan hệ Việt – Mỹ sẽ sớm tiến tới “đối tác chiến lược toàn diện” – trở thành quan hệ thứ tư sau ba quan hệ Việt – Nga, Việt – Trung và Việt -Ấn.

Nếu như vậy thì Việt Nam có cả ba cường quốc: Nga, Ấn và Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.

Sự lo ngại còn lại của Việt Nam là: Việt Nam Cộng Hòa từng là đồng minh thân thiết như vậy mà còn bị bỏ rơi thì nước Việt Nam hiện nay làm sao có quan hệ tốt bằng được? Nếu Việt Nam nghiêng về Mỹ thì có chắc chắn không, hay Mỹ Trung lại bắt tay nhau thì Việt Nam lại bị bỏ rơi?

Đây là câu hỏi thật chính đáng, nhưng phân tích lịch sử cho kỹ và nhìn vào bối cảnh ngày nay thì thấy Việt Nam không cần phải e ngại. Đó là vì ba lý do:

Thứ nhất, vấn đề bỏ rơi không đặt ra vì hai hoàn cảnh lịch sử khác hẳn nhau: trước đây, vì vấn đề kinh tế khó khăn (cảnh nghèo sau 10 năm Chiến tranh Đông Dương 1945-1955) VNCH phải lệ thuộc vào Mỹ hầu như hoàn toàn cả về quân sự lẫn kinh tế (xem KDMTC, Chương 19).

Mậu Thân: ‘Cái chết ám ảnh’ trước Dinh Độc Lập

Trận Mậu Thân: ‘Chúng tôi cố tránh tổn thất cho dân’

30 tháng Tư: Ngày hòa bình

Trong thực tế, VNCH trở thành “client state” (quốc gia lệ thuộc) và Mỹ thành “patron state” (quốc gia bảo trợ). VN ngày nay đã hoàn toàn tự lập, còn xuất siêu sang Mỹ tới trên $38 tỷ (2017). Về quân sự thì VN cũng đã có một lực lượng đáng kể và sẵn sàng bỏ tiền ra mua khí giới, kể cả của Mỹ.

Trong dịp TT Trump thăm viếng Hà Nội, VN đã đặt $10 tỷ mua hàng của Mỹ (hy vọng cán cân thương mại Mỹ – Việt năm 2018 sẽ giảm xuống còn – $30 tỷ).

Thứ hai, chắc chắn rằng Mỹ sẽ không bao giờ yêu cầu VN cho đóng quân hay duy trì căn cứ quân sự lâu dài. Vì vậy Mỹ sẽ không phải đổ máu và tốn kém tiền bạc như trong ‘Vietnam War’ cho nên dân chúng Mỹ không chống đối, ngược lại còn ủng hộ việc Mỹ nối tay với Việt Nam để chống Trung Quốc;

Thứ ba, như đề cập trên đây, ngày trước Mỹ xây tiền đồn chống Trung Quốc ở Miền Nam vì Trung Quốc đe dọa quyền lợi an ninh của mình ở Biển Đông.

Vì vậy, khi hòa hoãn được với Trung Quốc thì Mỹ sai lầm mà tưởng rằng hiểm họa Trung Quốc đã chấm dứt cho nên rút khỏi Miền Nam và ra khỏi Biển Đông. Bây giờ thì Mỹ hối tiếc vì nhận thức rằng: trong Thế kỷ 21, Trung Quốc còn đe dọa Mỹ gấp mấy lần như đã đe dọa trong Thế Kỷ 20.

Việc Tổng thống Trump vừa chỉ định Giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson – theo Jim Cramer từ CNCB bình luận là để gửi một thông điệp gây sửng sốt cho Trung Quốc: “Các ông là kẻ thù của chúng tôi.” Pompeo cho rằng Trung Quốc là kẻ thù cả về tinh thần lẫn vật chất.

Khi Việt-Mỹ đi tới đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích vì “toàn diện” bao gồm cả an ninh cả kinh tế. Về an ninh quốc phòng, khi có hàng không mẫu hạm Mỹ ra vào Đà Nẵng và chiến hạm, tàu ngầm Mỹ ra vào Cam Ranh, tất nhiên Trung Quốc sẽ phải cân nhắc cho thật kỹ khi muốn gây hấn với Việt Nam – thí dụ như khi Trung Quốc tính toán để gây thảm hại ở Trường Sa lần thứ hai?

Dĩ nhiên là về mặt chính sách, Việt Nam cũng phải để cho hàng không mẫu hạm của mọi quốc gia ra vào Đà Nẵng tự do như Mỹ, nhưng trong thực tế, Trung Quốc chỉ có một con tàu cũ Liêu Ninh – mua lại của Ukraine – thì ra vào để làm gì?

Về kinh tế, thì thị trường Mỹ – hiện đã là thị trường để Việt Nam xuất cảng nhiều nhất – sẽ mở rộng ra thêm nữa cho Việt Nam với những lợi ích về đầu tư, kỹ thuật, thông tin, và ưu đãi về thuế nhập cảng, như thép, nhôm – miễn là không phải xuất xứ từ Trung Quốc.

Dĩ nhiên là Mỹ cũng sẽ yêu cầu Việt Nam nhập thêm hàng Mỹ giúp cho cán cân thương mại bớt chênh lệch.

Từ Thế Chiến 2, chưa có nước nào trên thế giới này từ Đức, Pháp, Anh, Ý tới Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Thái Lan giàu mạnh lên được mà không nhờ thị trường Mỹ.

Mặt khác, qua cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 và việc TQ gây thảm sát trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, cùng với việc Chủ tịch Mao – người đã cáo buộc “Chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù hung ác nhất của nhân loại” đã ôm thật chặt Nixon năm 1972, Việt Nam cũng đã thấy rõ ràng rằng Trung Quốc chẳng có bạn vĩnh cửu, và cũng chẳng có thù vĩnh viễn. Quyền lợi của Trung Quốc mới là vĩnh viễn và vĩnh cửu.

Cách ứng xử của Việt Nam đang phản ánh sự thay đổi trong nhận thức như thế.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43399271

 

MobiFone mua AVG: Thu hồi tiền, xem xét khởi tố

Chiều 14/3, Thanh tra Chính phủ Việt Nam chính thức công khai kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook

Vụ mua AVG: ‘Cần xử lý nếu có gian dối’

Phạm Nhật Vũ muốn giao dịch AVG ‘chấm dứt nhanh’

Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”

Sau đây là nguyên văn kết luận nói về sai phạm và kiến nghị xử lý vụ việc, theo báo Thanh Tra, cơ quan của Thanh tra Chính phủ.

1. Đối với Mobifone

Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án, cụ thể như sau:

1.1. Thiếu trách nhiệm và làm trái trong việc đề xuất Dự án đầu tư, đặc biệt trong việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty AVG

– Thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là 3.260,686 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

– AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (đến 31/3/2015 đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 2.659,907 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ). Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với số tiền 2.473,2 tỷ đồng (bình quân cao gấp 13 lần so với vốn đầu tư ban đầu của các cổ đông là 189,6 tỷ đồng, các cổ đông này đã thanh toán bù trừ với việc mua cổ phần do AVG phát hành để tăng vốn điều lệ, các cổ đông của 02 công ty này cũng là cổ đông của AVG), trong đó: khoản đầu tư 673,2 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 3,96 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (giá chuyển nhượng 170.000 đồng/cổ phần, cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính khu đất tại Hà Đông mà Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản, thực tế chưa triển khai, khu đất vẫn đang thuê của Nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp; khoản đầu tư 1.800 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần An Viên B.P (giá chuyển nhượng 120.000 đồng/cổ phần, cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác dự án khai thác mỏ quặng Bouxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước, thực tế đến nay, Công ty cổ phần An Viên B.P chưa được cấp quyền khai thác boxit. Việc AVG đầu tư 02 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường, nhưng Mobifone vẫn mua 02 khoản đầu tư này, cần được tiếp tục làm rõ.

Khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG như sau: “Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng…” là vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 9 Luật số 69/2014/QH13 về hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định của pháp luật”. Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch và thành viên HĐTV Mobifone.

1.2. Làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG

– Trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Mobifone đã có những khuyết điểm, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, cụ thể:

+ Lựa chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS): Mobifone đã chuyển File hồ sơ yêu cầu (HSYC) cho VCBS trước khi phát hành HSYC, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm a, Khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu; cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm b, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

+ Lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), Mobilfone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 03 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Trách nhiệm thuộc về Ban Phát triển mạng lưới, Ban Đầu tư, Tổ chuyên gia đánh giá Hồ sơ đề xuất và Tổng Giám đốc Mobifone.

– Mặc dù kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá; giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng, nhất là về cơ sở, tính khả thi của nguồn số liệu kế hoạch giai đoạn 2015 – 2020 của AVG mà đơn vị tư vấn đã sử dụng để xác định giá trị AVG; đáng chú ý là AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính “giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán”,… nhưng Mobifone đã nghiệm thu kết quả thẩm định giá; nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định giá của AMAX “tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam”, thể hiện thiếu trách nhiệm. Tổng số tiền theo hợp đồng mà Mobifone đã ký với 02 công ty tư vấn là 3,19 tỷ đồng; đã chi số tiền 1,54 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Mobifone.

– Khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng; AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định “Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng”. Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó:

+ Thiệt hại 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG.

+ 04 kênh tần số mà AVG được Bộ TTTT cấp phép sử dụng để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” do AVG hợp tác với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm). Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 04 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số, mặt khác cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng Bộ TTTT đã cho Mobifone được sử dụng là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện. Do không đấu giá, chưa có giám định giá nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

+ Khi mua cổ phần AVG, Mobifone đã không loại 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với tổng số tiền 2.473,2 tỷ đồng) là không đúng chỉ đạo của Bộ TTTT (tại Văn bản số 166/BTTTT-QLDN ngày 19/8/2015, số 189/BTTTT-QLDN ngày 01/10/2015 và ý kiến chỉ đạo ngày 01/10/2015 của Bộ trưởng Bộ TTTT đối với Vụ Quản lý doanh nghiệp), vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ:”Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015″, là hành vi làm trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ lỗ lớn khi AVG thoái vốn đầu tư theo giá thị trường, làm giảm lợi nhuận hợp nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan thuộc Mobifone.

1.3. Thiếu trách nhiệm, làm trái quy định trong việc lập, trình Dự án đầu tư

– Khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn về phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư; đã sử dụng kết quả thẩm định giá của AASC (do VCBS cung cấp, không được sự đồng ý của AASC) để so sánh với các mức giá do các công ty tư vấn khác đưa ra, không đúng mục đích sử dụng Chứng thư của AASC (Chứng thư của AASC chỉ cung cấp cho VCBS).

– Trong lập Dự án đầu tư, Mobifone đã nhận thức rõ 02 vấn đề cốt lõi là giá mua cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư; khi tính toán hiệu quả đầu tư Dự án giai đoạn 2015-2020 đã dự báo: số lượng phát triển thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu, giá vốn, chi phí lãi vay, lợi nhuận… chủ yếu dựa trên các giả định, thiếu khả thi; đã nhận thức rõ và định lượng được hậu quả, nguy cơ gây hậu quả nếu thực hiện đầu tư Dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông; lợi nhuận kinh doanh và số nộp NSNN sụt giảm; đã sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG do AMAX thực hiện là 16.565 tỷ đồng làm căn cứ để đàm phán với cổ đông AVG về giá mua cổ phần, không có căn cứ so sánh; tuy vậy khi lập Dự án đầu tư, Mobifone đã đánh giá:”phương án mua lại cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu là vượt trội hơn so với phương án Mobifone tự đầu tư” (trang 102 Dự án).

Tuy nhiên, Mobifone vẫn lập, trình Bộ TTTT phê duyệt Dự án (không loại trừ 02 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG), thể hiện thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp: “Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư”.

Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Ban Tổng giám đốc và các bộ phận liên quan của Mobifone.

1.4. Vi phạm trong việc ký kết thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; việc thanh toán mua cổ phần và các chi phí liên quan đến dự án

– Trong bản Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần ký với đại diện cổ đông AVG, Mobifone đã cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả các khoản nợ với tổng số tiền 1.093,7 tỷ đồng. Tuy chưa thực hiện, nhưng cam kết này không đúng với nội dung của Dự án đầu tư đã được Bộ TTTT phê duyệt. Trách nhiệm thuộc về HĐTV của Mobifone, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch HĐTV.

– Việc Mobifone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, không đúng với nội dung trong Dự án đầu tư báo cáo Bộ TTTT (30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay); thời gian thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG là 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến 15/01/2016) có biểu hiện không bình thường.

– Mobifone hạch toán các chi phí thực hiện Dự án đầu tư vào chi phí quản lý hoạt động viễn thông với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng, không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 40 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, dẫn đến NSNN thất thu Thuế thu nhập doanh nghiệp 1,3 tỷ đồng.

Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Mobifone.

Như vậy, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm nêu trên của Mobifone, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

2. Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông

2.1. Trách nhiệm của Tổ thẩm định trong thẩm định dự án; Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu phê duyệt Dự án đầu tư:

– Tổ thẩm định đã không xem xét, phân tích các thông tin về hạn chế, giới hạn, tính pháp lý, mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá và Báo cáo tư vấn mà Mobifone đã sử dụng để đàm phán giá mua 95% cổ phần AVG, thể hiện thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án đầu tư.

– Sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TTTT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (tuy nhiên, Bộ TTTT không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng (cho rằng Phương án giá này thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do Tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG báo cáo định bán cho đối tác nước ngoài) là không có cơ sở; mặt khác, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ, chưa chắc chắn nhưng đã đánh giá, nhận xét Dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế.

– Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, Tổ trưởng đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên, như: về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG nhưng đã đánh giá Mobifone nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về Dự án, là thiếu khách quan, mang tính chủ quan.

– Trong khi giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ; Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (cũng là Tổ trưởng Tổ thẩm định) vẫn trình lãnh đạo Bộ TTTT quyết định phê duyệt Dự án đầu tư; thống nhất, tham mưu để lại 02 khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình là vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ TTTT, thể hiện cố ý làm trái.

Trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về Tổ thẩm định, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Tổ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp.

2.2. Trách nhiệm của Bộ TTTT trong quyết định phê duyệt Dự án đầu tư:

Bộ TTTT với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt Dự án đầu tư theo thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13, đã có những vi phạm sau:

– Tuy Dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt Dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A, vi phạm quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

– 04 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” liên kết với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm). Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 04 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà tại Văn bản số 209/BTTTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ TTTT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”, mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng tại Điều 3 của Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư, Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định của Bộ TTTT tại: Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 về Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz; Quyết định số 80/QĐ-BTTTT ngày 22/01/2014 về Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz giai đoạn 2014 – 2017. Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

– Giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 02 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 02 khoản đầu tư ngoài ngành.

– Tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

Như vậy, Bộ TTTT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án; Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

– Việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015 đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 17 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

– Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án…) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định.

Trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ TTTT.

3. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò, nhiệm vụ chủ trì thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, nhưng đã không hướng dẫn Bộ TTTT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định; đã căn cứ vào đề nghị của Văn phòng Chính phủ (tại Văn bản số 2422/VPCP-ĐMDN ngày 12/11/2015 về tham gia ý kiến dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone) có Văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT ngày 24/11/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, là không đúng quy định tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Đáng chú ý là, sau khi Mobifone đã ký hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần AVG, đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, ngày 22/01/2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 27/BKHĐT-PTDN, trong đó nêu rõ ảnh hưởng trực tiếp với nhiều nguy cơ, rủi ro từ việc mua 95% cổ phần AVG trong khi Mobifone đang tiến hành cổ phần hóa: “ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cổ phần hóa, giảm giá trị cổ phiếu Mobifone khi phát hành, trực tiếp làm giảm nguồn thu của Nhà nước…, Bộ TTTT không có năng lực để thẩm định giá mua và chưa chắc chắn về hiệu quả đầu tư mua cổ phần AVG”,… và đã “đề nghị dừng thực hiện dự án”.

Các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại 02 văn bản trên là thiếu nhất quán; nội dung tại Văn bản số 27/BKHĐT-PTDN không được đưa ra kịp thời khi có Văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT ngày 24/11/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ tham gia ý kiến về dự án đầu tư. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Đối với Bộ Tài chính

Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cổ phần hóa Mobifone đã không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư Dự án (8.889,815 tỷ đồng, chiếm gần 60% Vốn điều lệ của Mobifone) ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc hiện thực hóa số thu của Nhà nước khi bán cổ phần Mobifone; mặt khác, Bộ Tài chính đã nhận thấy vấn đề trọng yếu của việc đầu tư Dự án, nhất là hiệu quả đầu tư và sự ảnh hưởng của việc đầu tư Dự án làm giảm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Mobifone ngay trong giai đoạn 2015-2017 và đã đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo Mobifone tiếp tục rà soát dự án đầu tư để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn thống nhất với đề xuất của Bộ TTTT về chủ trương đầu tư dự án… đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong khi Mobifone đang tiến hành cổ phần hóa. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ Tài chính.

5. Đối với Văn phòng Chính phủ

Theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, việc tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mặc dù dự án chưa được thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư; Văn phòng Chính phủ chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; tổng hợp, phân tích, đưa ra ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Mobifone mua cổ phần của Công ty AVG để phát triển dịch vụ truyền hình; mặt khác, tại Văn bản số 209/BTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ TTTT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông Mobifone” nhưng Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành Văn bản số 2678/VPCP-ĐMDN ngày 14/12/2015 với nội dung: “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TTTT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật” là không đúng nội dung mà Bộ TTTT đã đề nghị. Trên thực tế, Dự án chưa được thẩm định, trình và chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Văn phòng Chính phủ.

6. Đối với Bộ Công an

Qua các văn bản của Bộ Công an tham gia ý kiến với Bộ TTTT, cho thấy:

– Việc Bộ Công an có Văn bản số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất; mặt khác, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ TTTT (Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015), Bộ Công an có Văn bản số 418/BCA-TCAN ngày 09/3/2015, thống nhất với Bộ TTTT về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TTTT với mức độ “MẬT”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.

– Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có Văn bản số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 gửi Bộ TTTT, trong đó có nội dung: Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ TTTT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…

Các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.

7. Đối với các công ty tư vấn

7.1. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC)

VCBS đã thuê AASC xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG. Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.

7.2. Công ty TNHH Định giá Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu)

VCBS thuê Hanoi Valu xác định giá trị AVG, nhưng kết quả thẩm định giá của Hanoi Valu không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: xác định giá trị tài sản vô hình từ dữ liệu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với tốc độ tăng trưởng liên tục, đột biến, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG; dữ liệu do AVG lập để tính giá trị AVG không phục vụ cho mục đích thẩm định giá của Mobifone; không thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, đánh giá lại tài sản; không thực hiện đầy đủ nội dung khảo sát thực tế, thu thập thông tin về doanh nghiệp; giá trị AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời điểm 31/3/2015 là 18.519,9 tỷ đồng không có cơ sở tin cậy. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Hanoi Valu và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.

7.3. Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX)

Mobifone thuê AMAX thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015; sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua cổ phần của các cổ đông AVG, nhưng việc thẩm định giá của AMAX đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, Mobifone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.

III. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan các biện pháp xử lý sau:

1. Hoàn thiện về quy định của pháp luật và chấn chỉnh quản lý

– Giao Bộ Tài chính rà soát quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá, đặc biệt là các tiêu chuẩn thẩm định giá, quy trình thẩm định giá, chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức tư vấn thẩm định giá và thẩm định viên hành nghề thẩm định giá nhằm sớm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quan trọng này.

– Giao Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nhằm minh bạch, đồng bộ, đúng quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ đối với các loại việc “thông báo ý kiến chỉ đạo”, “phê duyệt chủ trương”, “quyết định” về từng nhóm vấn đề hoặc từng loại việc trong chỉ đạo, điều hành, quyết định theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

– Giao Bộ TTTT kịp thời đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của Mobifone kể từ sau khi thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình đến nay và có giải pháp kịp thời về tổ chức bộ máy, nhân sự và kinh doanh nhằm hạn chế những thiệt hại từ việc thực hiện Dự án đầu tư nêu trên, đặc biệt là việc thực hiện cổ phần hóa Mobifone.

2. Về xử lý hành chính

2.1. Đối với Mobifone: Căn cứ Kết luận thanh tra và kết luận xử lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Bộ TTTT chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán mua cổ phần và các bộ phận có liên quan về những vi phạm nêu tại điểm 1 Mục II.

2.2. Đối với Bộ TTTT:

– Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TTTT xem xét, hủy bỏ Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; giao Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Mobifone xử lý theo quy định của pháp luật những vấn đề phát sinh sau khi hủy bỏ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

– Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu cụ thể tại điểm 2 Mục II.

2.3. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại điểm 3, điểm 4 Mục II.

2.4. Đối với Văn phòng Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại điểm 5 Mục II.

2.5. Đối với Bộ Công an: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II.

2.6. Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

2.7. Đối với các công ty tư vấn: Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn, các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định giá trị AVG, tư vấn mua cổ phần AVG nêu cụ thể tại điểm 7 Mục II.

3. Về xử lý kinh tế

– Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật, Bộ TTTT và Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà Mobifone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG; thực hiện các kết luận, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

– Truy thu từ Mobifone, nộp vào NSNN về Thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 1,3 tỷ đồng.

– Chủ tịch HĐTV; Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính – Kế toán của Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 02 công ty tư vấn (AMAX và VCBS).

4. Điều tra, xử lý vi phạm

Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43386189

 

Vụ MobiFone mua AVG: ‘Nhả ra hết’ có thoát?

Khánh An-VOA

Diễn tiến hủy hợp đồng đầy bất ngờ của thương vụ chuyển nhượng cổ phần đầy ‘nhạy cảm’ và đang bị điều tra đã làm bùng lên tranh cãi về những bất cập của hệ thống pháp lý và quyết tâm chống tham nhũng tại Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng tầm cỡ vụ này còn lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh, mặc dù thông tin chính thức chưa đưa ra bất kỳ kết luận về dấu hiệu tham nhũng nào.

Giải pháp hủy bỏ hợp đồng mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) của doanh nghiệp nhà nước MobiFone với mức giá 8.889,8 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) được đưa ra sau cuộc họp căng thẳng kéo dài 6 giờ đồng hồ giữa hai bên, cùng với đại diện Bộ Thông tin Truyền thông và luật sư, hôm 12/3, 4 ngày sau khi có chỉ đạo từ Ban Bí thư.

Việc hủy hợp đồng muộn như thế này, dư luận cho rằng chẳng qua các vị ăn không được nên phải nhả ra.

TS. Phạm Chí Dũng.

Đây là thương vụ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 8/3, cho là “vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” và đã có công văn chỉ đạo “khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.

Tranh cãi quanh giải pháp “bất ngờ”

Nhận định về diễn tiến mà dư luận cho là “đầy bất ngờ” trong vụ điều tra đã kéo dài hơn 1,5 năm, TS. Phạm Chí Dũng, một chuyên gia kinh tế và chính trị Việt Nam, nói:

“Việc hủy hợp đồng muộn như thế này, dư luận cho rằng chẳng qua các vị ăn không được nên phải nhả ra. Thứ hai, một số vị quan chức tìm cách khắc phục hậu quả để làm tình tiết giảm nhẹ nếu như có vụ án MobiFone mua AVG”.

Thương vụ mua AVG của MobiFone, công ty viễn thông lớn thứ hai của Việt Nam, bị dư luận chú ý sau khi doanh nghiệp nhà nước này bất ngờ công bố đã hoàn tất mua lại 95% cổ phần của AVG vào tháng 1/2016, nhưng lại không tiết lộ giá trị hợp đồng mua bán.

Mãi đến tháng 11/2016, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra toàn diện thương vụ, MobiFone mới công bố đã chi gần 8,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) cho thương vụ “chuyển nhượng” cổ phần.

Theo báo cáo tài chính quý II của năm 2016, thương vụ đã chiếm tới 40% tổng giá trị tài sản tính đến cuối tháng 6/2016 của MobiFone.

Người ta thấy mua với một số lượng tiền lớn như thế thì người ta suy ra là có thể có chuyện mua cao rồi chia nhau chăng.

TS. Hà Hoàng Hợp.

Dư luận cho rằng mức giá chuyển nhượng trên đã bị đội lên rất nhiều lần, trong khi giá trị thực của thương vụ được ước tính chỉ khoảng 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo nhận định của TS. Hà Hoàng Hợp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, giá cả mua bán có thể được định rất khác nhau, theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán” của kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề là các quy định tại Việt Nam về việc mua bán của doanh nghiệp nhà nước lại có những bất cập. Ông nói:

“Có 2 quy định: Một là quy định 69 của Bộ Tài chính thì đúng theo kinh tế thị trường là ‘thuận mua vừa bán’, thấy hợp lý thì mua. Nhưng quy định 67 của Bộ Kế hoạch Đầu tư thì lại gài một câu là nếu Thủ tướng không cho phép thì không được mua. Quy định 67 này thực ra là trái với kinh tế thị trường, mà Việt Nam thì vẫn nói là đi theo kinh tế thị trường. Bây giờ, người ta thấy mua với một số lượng tiền lớn như thế thì người ta suy ra là có thể có chuyện mua cao rồi chia nhau chăng”.

Về phương diện pháp lý, Luật sư Trần Vũ Hải, người có mặt trong buổi làm việc giữa các bên, cho rằng việc AVG hủy hợp đồng “vì một số lý do, trong đó có lý do MobiFone không thanh toán hết số tiền mua cổ phần” là “hợp lý và đúng, phù hợp với luật pháp Việt Nam và với chính thỏa thuận trước đây”, LS. Hải thông tin trên Facebook.

Theo quan điểm của tôi, sau khi ký hợp đồng và bắt đầu chuyển giao, thì việc định giá không đúng thực tế thì cũng là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước rồi.

LS. Hà Huy Sơn.

Trong khi đó, một luật sư khác tại Hà Nội, LS. Hà Huy Sơn, lại cho rằng có thể thấy dấu hiệu vi phạm hình sự trong thương vụ được cho là gây thất thoát hàng nghìn tỷ của nhà nước.

“Theo tôi được biết, giá trị của công ty [AVG] chỉ 600 tỷ đồng, nhưng MobiFone lại mua tới 8,9 nghìn tỷ, tức là gấp mười mấy lần. Tôi không biết chuyện thực hiện hợp đồng, thanh toán, chuyển giao… tới đâu, nhưng theo quan điểm của tôi, sau khi ký hợp đồng và bắt đầu chuyển giao, thì việc định giá không đúng thực tế thì cũng là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước rồi”, LS. Hà Huy Sơn nói với VOA tối 13/2.

Nhả ra là hết tội?

Tháng 7 năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng phải “khẩn trương” thanh tra và ra hạn 50 ngày để báo cáo kết quả, nhưng thời hạn này đã bị kéo dài cho tới hôm 8/3 vừa qua, khi ông Trọng một lần nữa lặp lại và nhấn mạnh đến mức độ “nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” của vụ việc, trong bối cảnh Việt Nam đang chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng.

Thông báo của Bộ TTTT về giải pháp hủy hợp đồng giữa MobiFone và AVG đã vấp phản ứng khá mạnh từ dư luận. Nhiều người cho rằng có “lại quả” trong thương vụ nghìn tỷ và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.

“Vấn đề bây giờ tùy thuộc vào ông Nguyễn Phú Trọng là ông có cho qua vụ này hay không, mặc dù hợp đồng giữa MobiFone và AVG đã hủy rồi. Nếu ông Trọng cho qua vụ này, thì nói theo dân gian, là nếu ăn không được thì nhả ra, và cứ nhả ra, cứ ói ra là coi như thoát tội. Nếu ông Trọng cho qua trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của một số quan chức trong vụ MobiFone mua AVG thì coi như ông Trọng đã tạo ra một tiền lệ là ‘cứ nhả ra là hết tội’”, TS. Phạm Chí Dũng nói.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế này, mặc dù chưa thành án, nhưng vụ MobiFone-AVG có dấu hiệu “gây thất thoát” rõ ràng hơn và mức độ ước tính cao gấp nhiều lần so với vụ đại án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh vừa qua.

Nếu ông Trọng cho qua trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của một số quan chức trong vụ MobiFone mua AVG thì coi như ông Trọng đã tạo ra một tiền lệ là ‘cứ nhả ra là hết tội’.

TS. Phạm Chí Dũng.

Dựa vào những sự kiện “bắt tham nhũng” dồn dập sau Tết Nguyên Đán, mới nhất là vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa và đường dây cờ bạc, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang muốn “đánh đi một thông điệp” về quyết tâm chống tham nhũng, không chỉ “một bên” mà cả trong “phe ta”. Chính vì vậy, khả năng vụ MobiFone-AVG bị đưa ra xét xử là khá cao.

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, trong thương vụ mua AVG của MobiFone, có 6 cá nhân nhận tới 8.051 tỷ đồng trong tổng giá trị 8.889,98 tỷ đồng. Theo nguồn tin này, các cá nhân trên đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tổng cộng hơn 8 tỷ đồng.

AVG do em trai của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Nhật Vũ, đứng đầu. Trước thời điểm chuyển nhượng , ông Vũ nắm 55,49% cổ phần AVG, tương đương với 2.013 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, số cổ phần của ông Vũ còn 0,12%, tương đương 4,3 tỷ đồng.

Thông báo của Bộ TTTT nói việc chấm dứt hợp đồng giữa MobiFone và AVG là “giải pháp tối ưu, đúng quy trình pháp luật” và “đảm bảo thu hồ đầy đủ vốn mà MobiFone đã đầu tư”.

https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vu-mobifone-mua-avg/4296962.html

 

Vụ mua AVG:

‘Cần xử nghiêm khắc nếu có gian dối’

Hai nhà quan sát từ Việt Nam bày tỏ không đồng tình khi nghe tin MobiFone và các cổ đông chuyển nhượng thống nhất hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần mua bán AVG giữa hai bên sau cuộc họp ngày 12/3.

Phạm Nhật Vũ muốn giao dịch AVG ‘chấm dứt nhanh’

Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook

Mobifone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”

Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?

Họ bày tỏ lo ngại vụ việc gây tranh cãi đang diễn tiến theo hướng “trốn tránh trách nhiệm”.

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, nói với BBC hôm 13/3: “Có thể AVG nghĩ việc hoàn trả lại số tiền đã bán cổ phần thì nó sẽ trở thành một giao dịch bình thường, không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản nhà nước.”

“Tôi nghĩ cơ quan điều tra vẫn nên điều tra, thoả thuận thì thoả thuận, nếu có dấu hiệu gian dối, lừa đảo thì vẫn nên xử lý.”

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói theo ông, Mobifone và AVG đang tìm cách “khắc phục hậu quả”.

Trả lời BBC hôm 13/3, ông Quang A nói: “Tôi nghĩ thực sự nếu MobiFone là một công ty tư nhân thì chẳng ai quan tâm đến chuyện mua bán cổ phần rẻ hay đắt, đó là thoả thuận giữa hai bên.”

“Đáng tiếc, MobiFone do nhà nước kiểm soát, việc bán tài sản của mình cũng có thể là thời cơ để tham nhũng tài sản nhà nước.”

“Tài sản đáng 1 mua 10 là cơ hội để tham nhũng, có hay không, đó là vấn đề dư luận quan tâm.”

MobiFone là một trong ba mạng di động lớn nhất Việt Nam.

Cuối năm 2015, MobiFone công bố việc mua lại AVG nhưng giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.

Tháng 11/2016, lần đầu tiên MobiFone công bố giá trị thương vụ này là 8.889 tỷ đồng.

Việc thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bắt đầu từ tháng Chín 2016 nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết luận.

Ngày 8/3 năm nay, Ban Bí thư Đảng Cộng sản, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyên bố “đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm”.

Ban Bí thư đề nghị chính phủ “sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật”.

Thông báo cũng nhấn mạnh “làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Trần Quốc Thuận nhận định: “Trách nhiệm chính là Bộ Thông tin-Truyền thông. Còn những người cấu kết với nhau, nâng giá, cùng thoả thuận chia lợi ích, nếu có, đều cũng phải chịu trách nhiệm.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang A đề nghị “trừng trị nghiêm khắc” quan chức nào “dính đến sự mờ ám trong thương vụ này”.

“Nếu đúng như dư luận nghi ngờ, họ phải là người bị trừng trị nghiêm khắc nhất.”

“Việc họ hủy hợp đồng, rồi trả hết lại tiền cho bên doanh nghiệp nhà nước chỉ là khắc phục hậu quả, để làm giảm nhẹ phần nào.”

Việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đã gây ra nhiều tranh cãi và đồn đoán.

Việc thanh tra kéo dài càng khiến dư luận quan tâm và đặt dấu hỏi về vụ việc.

Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đặt vụ này vào trong các vụ cần “khẩn trương thanh tra”.

Cho đến hôm 8/3 mới lại có thông báo của Ban Bí thư cho hay cơ quan này đã nghe báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Thông báo này nhấn mạnh “đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.

Thông cáo của chính MobiFone ngày 13/3 nói họ và nhóm cổ đông AVG “đang xúc tiến việc huỷ bỏ hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần theo các quy định pháp luật”.

“Theo thỏa thuận hai bên, nhóm cổ đông AVG đã đặt cọc số tiền gần 450 tỷ đồng để cam kết thực hiện việc hủy hợp đồng. Hai bên sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện những công việc cần thiết trên tinh thần thiện chí, đảm bảo không thiệt hại cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của Nhà nước.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43382168

 

Ngân hàng Nhật Bản sẽ tài trợ

cho dự án khai thác khí đốt của PetroVietnam

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang xem xét tài trợ cho Dự án Lô B & 52/97 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) với các khoản vay không bảo lãnh của chính phủ và ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PetroViệt Nam gần đây đã làm việc với các đại diện của JBIC về cách thức đầu tư cho dự án.

Mạng báo Vietnamnews loan tin này hôm 14/03.

Theo PetroVietnam, dự án trị giá gần 10 tỷ USD và là một trong hai dự án khí đốt lớn nhất ở Việt Nam. Do đó, việc sử dụng vốn là một trong những mối quan tâm chính của các đối tác nước ngoài khi tham gia vào dự án.
Báo cáo phát triển mỏ của Dự án Lô B & 52/97 đã được các nhà thầu và Hội Đồng Thẩm Định nhà nước phê duyệt, còn báo cáo đánh giá về tác động môi trường của dự án cũng đã được Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Việt Nam thông qua. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá rủi ro cũng được trình lên Bộ Công Thương.

Theo kế hoạch, hợp đồng sẽ được trao vào tháng 6 năm nay, và việc ký kết các hợp đồng xây dựng và mua sắm đấu thầu (EPCI) cho dự án sẽ được thực hiện vào tháng 7 tới đây.

Dự án Lô B & 52/97 bao gồm hai tiểu dự án. Mục tiêu đầu tiên là phát triển mỏ Lô B trong đó PetroVietnam sở hữu số vốn tối đa trong dự án (gần 43%). Các nhà đầu tư khác là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (26.788%), Công ty Thăm dò Khai thác Dầu Mitsui (MOECO) của Nhật Bản (22.575%), Công ty TNHH Thăm dò và Sản xuất Dầu khí PTT (PTTEP) của Thái Lan (7.741%).

Mục tiêu thứ hai là xây dựng đường ống dẫn Khí Lô B – Ô Môn có tổng chiều dài 430km mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Gas, MOECO và PTTEP đã đầu tư vào dự án này.

Dự án Lô B & 52/97 dự kiến sẽ cung cấp hơn 5 tỷ m3 khí / năm trong vòng 20 năm, đáp ứng nhu cầu khí đốt của các nhà máy điện ở miền Nam.

Dự kiến, dự án sẽ đóng góp khoảng 18 tỷ đô la vào ngân sách nhà nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gan-hang-nhat-ban-se-tai-tro-cho-du-an-khai-thac-khi-dot-cua-petrovietnam-03142018082424.html

 

Lại muốn thay đá lát ở Hà Nội

Mỹ Lan RFA

Nâng cấp, chỉnh trang đô thị

Theo thông tin được UBND Thành phố Hà Nội đưa ra thì hạ tầng khu vực xung quanh Hồ Gươm đã xuống cấp do nhiều năm không được đầu tư toàn diện. Hiện tại, sau nhiều đợt sửa chữa, vỉa hè quanh Hồ Gươm có hơn 20 loại gạch đá lát khác nhau dẫn tới việc thiếu đồng bộ về mặt cảnh quan.

Dự án đưa ra gồm 3 hạng mục chính: Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh Hồ Gươm; chiếu sáng trang trí xung quanh hồ; cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ, dự án cải tạo lần này sẽ giúp đem lại bộ mặt chỉnh trang cho toàn bộ khu vực xung quanh Hồ Gươm.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nơi có Hồ Gươm, nói về lý do phải tiến hành dự án:

“Hiện nay đường cấp thoát nước cũng như đường điện ở đây đang bị xuống cấp cần phải đầu tư cải tạo lại và nhân dịp này thì cũng cải tạo hoàn chỉnh luôn cho vật liệu bề mặt cho các đường dạo và thảm cỏ”

Theo dự kiến toàn bộ gạch bloc và ngay cả các diện tích đá xanh phía đường Đinh Tiên Hoàng được lát trong dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010 sẽ được thay bằng loại đá granite tự nhiên dày 10cm có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định.

Hiện nay đường cấp thoát nước cũng như đường điện ở đây đang bị xuống cấp cần phải đầu tư cải tạo lại và nhân dịp này thì cũng cải tạo hoàn chỉnh luôn cho vật liệu bề mặt cho các đường dạo và thảm cỏ – Ông Phạm Tuấn Long, PCT quận Hoàn Kiếm

Thông tin đưa ra cũng nói đơn vị tư vấn thiết kế là một công ty kiến trúc của Pháp và thời gian thực hiện dự án khoảng từ 5 đến 6 tháng. Thế nhưng, ông Long không cho biết tổng mức kinh phí dự kiến dành cho dự án do hiện tại, dự án vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vì sao khi ngân sách chưa được thông qua mà UBND quận Hoàn Kiếm lại đưa ra giải pháp sử dụng đá granite Bình Định, thay vì đưa ra nhiều giải pháp khác để người dân lựa chọn.

Vì sao là đá granite Bình Định?

Khi được hỏi về lý do Hà Nội lựa chọn đưa vào sử dụng loại đá vừa nêu, ông Long đề nghị được trả lời sau bằng văn bản. Hiện chúng tôi đang chờ câu trả lời chính thức từ phía đại diện UBND quận Hoàn Kiếm.

Trước đó, theo tìm hiểu của một số đơn vị truyền thông trong nước thì đây là loại đá hiếm và có giá thành tương đối đắt đỏ, có thể lên tới hàng triệu đồng mỗi mét vuông. Bên cạnh đó, đá granite Bình Định cũng không có quá nhiều lợi thế về độ bền so với các loại đá granite của địa phương khác với giá thành rẻ hơn tương đối nhiều.

Chúng tôi cũng đã tìm cách liệc lạc nhiều lần với ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để hỏi ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên ông Hùng đã không bắt máy.

Nên hay không nên thay mới vỉa hè Hồ Gươm?

Ông Phạm Tuấn Long cho rằng cho đến nay quá trình lấy ý kiến người dân ghi nhận sự ủng hộ của phần lớn bộ phận dân chúng. Tuy nhiên, một số người dân tại khu vực phố cổ quanh Hồ Hoàn Kiếm mà chúng tôi có dịp tiếp xúc lại bày tỏ quan điểm trái ngược. Chị Đỗ Thuỳ Linh, phố Cửa Nam cho biết:

“Hàng ngày tôi vẫn đi qua đây tôi thấy vỉa hè vẫn còn rất đẹp, không cần thiết phải thay mới làm gì? Việc thay mới rất là tốn kém

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Ngọc Duyên, phố Hàng Bạc chia sẻ:

Cô thì thấy thế là lãng phí. Bây giờ thì nó cũng đang đẹp rồi, vừa mới làm 1000 năm Thăng Long xong lại làm lại thì như thế là lãng phí. Cái đó là chủ trương của nhà nước thì mình không thể cưỡng lại được nhưng với cô là người dân ở đây thì cô không đồng tình việc vỉa hè họ đập đi đập lại, phá đi phá lại, lát đi lát lại suốt, có khi cá chết oan cũng là vì thế.

Tôi thấy gạch ở Hồ Gươm vẫn còn đẹp và tốt, chúng ta không nên lãng phí. Thứ hai nữa là khi mà chúng ta đào bới lên, thì cũng tạo điều kiện cho các loại vi trùng, vi khuẩn ở dưới nền đất bị phát tán ra thì cũng không có lợi cho sức khoẻ người dân. Thế nên để bao giờ nó cũ, nó hỏng ta hẵng thay còn bây giờ thì ta cứ để sử dụng thôi – Bà Trần Thị Minh, người dân

Bà Trần Thị Minh, một bác sĩ về hưu ở phố Hàng Bông lại đưa ra giả thiết chỉ nên thay mới khu vực nào bị hư hỏng nặng, để tránh việc phát tán các loại vi khuẩn gây bệnh trong không khí trong quá trình cậy và san lấp vỉa hè khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm, vốn được coi là nơi để người dân khu vực phố cổ hít thở không khí trong lành mỗi ngày.

“Tôi thấy gạch ở Hồ Gươm vẫn còn đẹp và tốt, chúng ta không nên lãng phí. Thứ hai nữa là khi mà chúng ta đào bới lên, thì cũng tạo điều kiện cho các loại vi trùng, vi khuẩn ở dưới nền đất bị phát tán ra thì cũng không có lợi cho sức khoẻ người dân. Thế nên để bao giờ nó cũ, nó hỏng ta hẵng thay còn bây giờ thì ta cứ để sử dụng thôi”

Bà Minh cũng cho rằng số tiền để đầu tư làm mới khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm có thể sử dụng vào những việc làm ý nghĩa hơn như đầu tư xây dựng những công trình hỏng hóc xuống cấp hơn mà đang phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân như các cơ sở y tế, trường học, trường mầm non…Tuy nhiên, mặc dù là dự án đưa ra nhằm lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt đưa vào quy hoạch, Hà Nội lại không công bố cách thức tiến hành khảo sát nhằm có được kết quả khách quan và chính xác nhất từ phía người dân.

Xin được nhắc lại rằng dư luận Hà Nội cũng đã từng nhiều lần ý kiến về việc chính quyền sử dụng đá tự nhiên để thay mới vỉa hè 930 tuyến phố trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, rất nhiều tuyến phố chất lượng vỉa hè đã trở nên xuống cấp nhanh chóng, sụt lún, rạn nứt, bụi bẩn khiến cho ở nhiều tuyến phố, bộ mặt đô thị nhếch nhác.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lai-muon-thay-da-lat-o-hanoi-03142018083420.html

 

Hun Sen nghi ngờ VN

sau khi lộ tin cựu đối lập ‘đi đêm’ với Hà Nội

Thủ tướng Campuchia hôm 14/3 đặt câu hỏi về lòng trung thành của đồng minh lâu năm Việt Nam sau khi có thông tin cựu lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy từng bí mật đàm phán với một cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với Australia. Ông Hun Sen nói ông sẽ yêu cầu lãnh đạo Việt Nam cung cấp thông tin về việc này.

Truyền thông Campuchia cho biết Thủ tướng Hun Sen đưa ra những phát biểu có phần giận dữ trên khi tham dự lễ khánh thành cầu Kompong Cham-Koh Pen hôm thứ Tư.

Ông Hun Sen nói các cuộc họp đều có ghi lại biên bản và ông sẽ tìm cách có được biên bản trên để tìm hiểu thêm về cuộc đàm phán bí mật giữa cựu lãnh đạo đối lập Rainsy và Ngoại trưởng Việt Nam.

“Nếu đồng minh Việt Nam thực sự trung thực với tôi, tôi sẽ yêu cầu cung cấp biên bản cuộc họp”, Fresh News dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.

Trước đó, hôm 12/3, một tài khoản Facebook đã đăng 3 tấm ảnh chụp cựu lãnh đạo Sam Rainsy của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP, bị ông Hun Sen giải thể gần đây) bí mật đàm phán về vấn đề biên giới với Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam tại Hà Nội và Tây Ninh vào năm 2003-2004.

Theo thông tin từ tài khoản trên, ông Sam Rainsy đã đồng ý với đề xuất của Việt Nam về một số vấn đề dọc theo biên giới Campuchia – Việt Nam mà trước đó đã bị Thủ tướng Hun Sen phản đối.

“Tại sao anh lại đàm phán bí mật? Anh xúc phạm tôi giống như một con rối của Việt Nam à?”, Phnom Penh Post dẫn lời chất vấn của ông Hun Sen.

Thủ tướng Campuchia nói cựu lãnh đạo Rainsy đã hứa sẽ cấp quyền công dân cho những người Campuchia gốc Việt ở nước này, điều mà ông Hun Sen phản đối.

“Tôi sẽ hỏi người bạn Việt Nam của chúng ta xem liệu họ có thực sự trung thực với tôi và Campuchia hay không”, ông Hun Sen nói thêm.

Tuần trước, ông Rainsy bị các quan chức chính quyền Campuchia buộc tội phản quốc vì một video năm 2013 cho thấy ông cam kết sẽ cho người Thượng sống ở các tỉnh đông bắc Campuchia một mức độ tự trị nhất định.

“Anh muốn cắt bỏ 4 tỉnh ư, đây không phải là chuyện nhỏ”, Thủ tướng Campuchia nói trong bài phát biểu ngày 14/3. “Anh buộc tội Hun Sen cắt đất dâng Việt Nam, nhưng bây giờ chúng tôi đã thấy bộ mặt thật của anh”.

Sự kiện này được đánh giá là chỉ dấu cho thấy sự đảo ngược vai trò của Thủ tướng Hun Sen và kẻ thù chính trị lâu năm của ông, khi chính quyền Hun Sen vốn do Hà Nội giúp lập nên và hai bên có mối quan hệ nồng ấm trong nhiều năm qua, trong khi cựu lãnh đạo Rainsy, ngược lại, thường có những phát biểu chống Việt Nam.

Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam và ông Rainsy đều không trả lời yêu cầu bình luận của Phnom Penh Post về vụ việc này.

https://www.voatiengviet.com/a/hun-sen-nghi-ngo-viet-nam-sau-khi-lo-tin-cuu-doi-lap-di-dem-voi-ha-noi/4298210.html