Tin khắp nơi – 13/03/2018
Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson, và thay bằng giám đốc CIA Mike Pompeo.
Trump gặp Kim: Chiến lược của Mỹ hiệu quả
Câu hỏi về sức khoẻ tâm thần của ông Trump
Ông Tillerson, cựu tổng giám đốc ExxonMobil, chỉ mới được bổ nhiệm vào chức vụ này hơn một năm trước.
Bà Gina Haspel được đề cử làm nữ giám đốc CIA đầu tiên.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên ngoài Nhà Trắng hôm thứ Ba rằng ông và Tillerson “bất đồng nhiều thứ”.
“Khi nhìn thỏa thuận Iran, tôi cho rằng thật tồi tệ. Ông ta nghĩ cũng ổn.”
Ngay từ khi Tillerson bước vào bộ ngoại giao, các nhân viên kỳ cựu của bộ này đã không tin tưởng ông.
Và Tổng thống Trump, tuy ban đầu rất thích người đàn ông Texas, lại nhanh chóng thấy bực bội vì Tillerson thường nói khác giọng Nhà Trắng về chính sách ngoại giao.
Trump và Kim: từ thù thành bạn?
Tuần rồi Tillerson đi công du châu Phi và có vẻ bất ngờ khi Tổng thống loan báo sẽ hội đàm với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Hôm thứ Hai, dường như Tillerson lại đi ngược lại đường lối Nhà Trắng khi ông ủng hộ chính phủ Anh và quy trách nhiệm vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga cho Điện Kremlin.
Ông tuyên bố chất độc thần kinh “rõ ràng đến từ Nga” và “sẽ tạo ra phản ứng”.
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng từ chối đổ lỗi cho Nga.
Báo New York Times dẫn các nguồn nói ông Trump bực mình vì cử chỉ điệu bộ của Tillerson trong các buổi họp.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43386188
Trung Quốc
cải cách sâu rộng ngành ngân hàng, bảo hiểm
Trung Quốc tuyên bố kế hoạch hợp nhất hai cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm như một phần cải cách sâu rộng cơ cấu chính phủ trung ương.
Kế hoạch cải tổ, cùng với việc thành lập một số Bộ mới, được đưa ra trong kỳ họp thường niên đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Động thái này sẽ hợp nhất các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm, nhằm giảm thiểu những rủi ro hệ thống trong ngành ngân hàng.
Cải cách ngành tài chính Trung Quốc là nhiệm vụ trọng tâm của Bắc Kinh.
Điều gì xảy ra sau hợp nhất?
Uỷ ban quản lý ngân hàng (CBRC) sẽ được hợp nhất với Uỷ ban quản lý bảo hiểm (CIRC) thành một cơ quan, có nhiệm vụ giám sát hoạt động ngành bảo hiểm và ngân hàng tại Trung Quốc.
Một số vai trò của 2 cơ quan này sẽ được chuyển giao cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), chịu trách nhiệm đưa ra những điều luật và quy định mới.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc, cho biết những cải cách sẽ “sâu rộng” hơn và loại bỏ được những điểm thiếu hiệu quả của cơ quan nhà nước.
Ông Lưu nói: “Cải cách đảng và cơ quan nhà nước là một yêu cầu bắt buộc trong việc tăng cường sự kiểm soát lâu dài của đảng,”
TQ đánh tập đoàn Anbang: tiếp theo là ai?
TQ ra ngân sách quốc phòng ‘1 nghìn tỷ tệ’
Trung Quốc: Cháu rể ông Đặng Tiểu Bình bị truy tố
Gia hạn nhiệm kỳ chủ tịch TQ là ‘trò hề’
Tại sao Trung Quốc cho rằng việc này cần thiết?
Những cải cách là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch Tập nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ trung ương đối với nền kinh tế, quản lý chặt chẽ ngành ngân hàng, đề phòng rủi ro cho vay quá lớn.
Mức nợ ngày càng tăng lên từ các công ty Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương, là nguyên nhân phổ biến trong nhiều năm qua.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên cho biết những lỗ hổng trong hệ thống quản lý tài chính cần phải được giải quyết và những sai sót trong quản lý cần phải được điều chỉnh để tránh rủi ro và tình trạng cho vay quá mức.
Bên lề kỳ họp đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tuần trước, ông nói Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong việc phối hợp đẩy mạnh những nỗ lực đó.
Như một phần của nỗ lực giảm thiểu rủi ro tài chính trong nước, Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc hồi tháng trước.
Anbang được xem như là một trong những tập đoàn giàu có nhưng cũng không minh bạch nhất tại Trung Quốc.
Gã khổng lồ về bảo hiểm này được biết đến nhiều nhất trong các thương vụ mua bán quốc tế, bao gồm khách sạn Astoria tại New York.
Các nhà phân tích miêu tả động thái bất thường này của Trung Quốc là lời cảnh báo cho các công ty Trung Quốc tham gia vào một số loại hình kỹ thuật tài chính, thanh khoản và mua lại.
Những thay đổi khác nào được đưa ra?
Một vài Bộ ngành mới sẽ được thiết lập như một phần của cải cách, bao gồm Bộ nông nghiệp và Bộ cho các khu vực nông thôn.
Một số Bộ khác bao gồm bộ giám sát tài nguyên thiên nhiên, bọ nhập cư, bộ văn hoá và du lịch, và bộ môi trường.
Sinh viên TQ chăng áp phích phản đối Tập Cận Bình
Francis Fukuyama: ‘Việt Nam làm khác TQ’
Đốt sách giết trò: từ Tần Thủy Hoàng đến Mao
Cục sở hữu trí tuệ cũng sẽ được cơ cấu, tái thiết lại.
Một số thay đổi phản ánh cam kết của Bắc Kinh trong cái gọi là ”ba cuộc chiến quan trọng” bao gồm nỗ lực giải quyết những rủi ro chính của nền kinh tế; chiến dịch chống lại tình trạng đói nghèo và cuộc chiến giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Vào hôm Chủ Nhật 11/3, quốc hội Trung Quốc đã thông qua đề xuất xoá bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, cho phép ông Tập được giữ vị trí này trọn đời.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-43386827
LHQ: Công ty Singapore
gửi xa xỉ phẩm trái phép cho Bắc Hàn
Bản báo cáo sơ thảo bị rò rỉ của Liên Hiệp Quốc phát hiện hai công ty Singapore đã vi phạm lệnh trừng phạt bằng cách cung cấp xa xỉ phẩm cho Bắc Hàn.
Chính phủ Singapore cho biết đã phát hiện ra các trường hợp này và đã bắt đầu điều tra nơi có “thông tin đáng tin cậy” về các vi phạm.
Cả Liên Hợp Quốc và Singapore đều cấm bán hàng xa xỉ cho Bắc Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt toàn cầu chống lại Bắc Hàn đã được thắt chặt trong vòng hai năm qua khi Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các cuộc thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Bắc Hàn mời tổng thống Nam Hàn thăm Bình Nhưỡng
Mỹ và Nam Hàn ‘duy trì áp lực với Bắc Hàn’
Thế vận hội mùa đông đã hàn gắn Bắc-Nam Hàn?
Mỹ – Hàn ‘không có chia rẽ’ về Bắc Triều Tiên
Mặc dù diễn biến gần đây cho thấy một cuộc đàm phán chưa từng có giữa lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể diễn ra vào cuối năm nay, các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bắc Hàn sẽ vẫn giữ nguyên.
Các nhà phân tích cho biết những vi phạm của các công ty Singapore, nếu được xác minh, đặt ra câu hỏi về những hành vi vi phạm trên khắp châu Á.
Báo cáo cuối cùng đã được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ, và có thể sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Ai bị nêu tên trong báo cáo của LHQ?
Báo cáo LHQ bị rò rỉ cáo buộc hai công ty có trụ sở tại Singapore, OCN và T Specialist đã cung cấp một loạt các mặt hàng xa xỉ cho Bắc Hàn, bao gồm rượu vang và rượu mạnh, cho đến thời điểm tháng 7/2017.
Theo lệnh trừng phạt của LHQ, việc cung cấp xa xỉ phẩm sang Bắc Hàn là bất hợp pháp từ năm 2006. Và luật pháp của Singapore đã cấm bán những mặt hàng này cho Bắc Hàn trong nhiều năm qua.
OCN và T Specialist là công ty chị em và có chung giám đốc điều hành.
Cả hai công ty phủ nhận các cáo buộc.
Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau ‘sớm nhất có thể’
Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc tháng Tư
Thượng đỉnh Mỹ – Triều: Trump không ‘tham khảo’ ngoại trưởng?
Cơ quan Quản lý Tiền tệ của Singapore (MAS) nói với BBC họ đang tiến hành điều tra vụ việc này.
Báo cáo của LHQ cũng công bố các giao dịch trị giá hơn 2 triệu đô la Mỹ trong năm 2011 và 2014, được cho là tiền thu được từ việc bán hàng hoá ở Bắc Hàn.
Khoản tiền này được gửi từ một tài khoản mà OCN và T Specialist mở tại Ngân hàng Tín dụng Daedon ở Bắc Hàn, về tài khoản ngân hàng của T Specialist ở Singapore.
Có thể nghiêm trọng hơn ở Đông Nam Á
William Newcomb, cựu thành viên Ủy ban chuyên gia của LHQ, nói Bắc Hàn đang lợi dụng các lỗ khổng tài chính để lách lệnh trừng phạt.
Ông giải thích: “Điều họ sẽ làm là thành lập một công ty bình phong, rồi thiết lập một công ty ở một địa điểm khác, mở một ngân hàng ở một nơi thứ ba và kinh doanh ở một địa điểm khác nữa.
“Và bây giờ với nhiều bên liên quan, nó trở nên khá phức tạp. Đó là một trong những cách họ sử dụng để lách lệnh trừng phạt.”
Ông Tim Phillipps, lãnh đạo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mạng lưới Tội ác Tài chính của Deloitte cho biết: “Có lẽ bạn sẽ không bao giờ biết rằng các khoản tiền này đến từ Bắc Hàn.”
Ông nói thêm rằng vấn đề có thể lớn hơn nhiều ở Đông Nam Á.
“Nếu bạn có tên trong một báo cáo trong môi trường như ở Singapore, MAS rất có thể yêu cầu kiểm tra lịch sử giao dịch.”
“Nhưng các nước khác ở Đông Nam Á nhìn chung chưa có được sự chặt chẽ trong hệ thống để ngăn chặn điều này.”
Báo cáo của LHQ nhấn mạnh có rất nhiều công ty kinh doanh với Bắc Hàn có thể dễ dàng tìm ra những lỗ hổng để lợi dụng – ngay cả trong các hệ thống tài chính phức tạp như của Singapore.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43382165
Nga phải ‘giải thích’ về vụ đánh độc Skripal
Thủ tướng Anh Theresa May nói trước Quốc hội rằng có ‘khả năng rất cao là nước Nga đứng sau vụ đánh chất độc bố con ông Sergei Skripal tại Salisbury.
Bà May cũng nói chất độc thần kinh dùng trong vụ ám sát chưa thành với cựu đại tá Nga làm tình báo “thuộc loại dùng vào mục tiêu quân sự”.
Tuy không nói rõ ai đứng đằng sau vụ việc, bà Theresa May nói ông Skripal và con gái, Yulia, bị đánh độc bằng chất độc thần kinh “thuộc loại nước Nga chế tạo”.
Thủ tướng May ra trước Quốc hội để trình bày về các tiến triển mới nhất về vụ tấn công nhằm vào ông Skripal và con gái tại hạt Wiltshire hôm Chủ Nhật 04/03.
Tin mới nhất hôm 13/03 cho hay bà Theresa May yêu cầu chính phủ Nga “phải giải thích trước hạn chót là chiều cùng ngày (Thứ Ba), rằng vì sao chất độc thần kinh của Nga sản xuất được dùng để giết cha con ông Skripal”.
Đơn vị vũ khí hóa học tới Salisbury vì vụ Skripal
Cựu điệp viên Nga bị bất tỉnh do chất lạ tại Anh
Vụ dùng chất độc thần kinh ở Anh thật ‘táo tợn’
Trước đó, dân biểu Hạ viện Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh, nói ông “sẽ ngạc nhiên nếu bà May không chỉ thẳng vào Kremlin”.
Thủ tướng Anh cũng nói đại sứ Nga đã bị triệu đến để giải trình liệu đây là “hành động trực tiếp của Nhà nước Nga” hay là bởi nước này “không kiểm soát được kho chất độc thần kinh” của họ.
Nhiễm độc rộng
Ông Sergei Skripal và con gái Yulia, ở Salisbury, được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh trên ghế tại một trung tâm mua sắm ở Salisbury hôm Chủ Nhật tuần trước.
Sau đó, cuộc điều tra của cảnh sát Anh cho thấy có thể vùng nhiễm độc rộng hơn chứ không chỉ trong phạm vi một quán rượu và một nhà hàng.
Hàng trăm người dân Anh được yêu cầu tẩy rửa quần áo nếu họ qua lại các điểm nêu trong một thông cáo của cảnh sát ở Salisbury.
Cả hai hiện đang nguy kịch trong bệnh viện.
Một người cảnh sát Anh hỗ trợ hai cha con ông Sergei Skripal sau khi vụ việc xảy ra, cũng nguy kịch nhưng ‘có thể nói chuyện’ nên hy vọng tình trạng sức khoẻ của ông tiến triển tốt.
Skripal, một sĩ quan tình báo quân đội Nga đã nghỉ hưu, bị kết án tù 13 năm tại Nga năm 2006.
Ông bị kết tội chuyển danh tính điệp viên Nga làm việc bí mật tại Châu Âu cho cơ quan tình báo Anh, M16.
Tháng Bảy 2010, ông là một trong số bốn tù nhân được Moscow thả trong một cuộc trao đổi 10 điệp viên Nga bị FBI bắt.
Trong số này có cả Anna Kushchyenko Chapman, một phụ nữ Nga lấy chồng Anh sau ở lại làm gián điệp và bị bắt tại Mỹ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43370465
Vị Hồng Y Công giáo Hong Kong
mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh
Một Hồng Y Công giáo ở Hong Kong mới đây lại lên tiếng chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đối với người Công giáo và tương nhượng giữa Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục tại Hoa Lục.
Hồng Y Trần Nhật Quân ở Hong Kong được hãng tin Pháp AFP phỏng vấn và loan tin vào ngày 13 tháng 3.
AFP cho rằng vị chức sắc Công Giáo Cao cấp ở Hong Kong được nhiều người biết đến vì sự công khai lên tiếng phản đối biện pháp đàn áp chính trị và ủng hộ của Ngài đối với cải cách dân chủ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, hồng y Trần Nhật Quân nói rõ trong những thập niên qua, tín hữu Công Giáo thuộc Giáo Hội Thầm Lặng tại Hoa Lục phải chịu khó khăn để giữ đạo và trung thành với Giáo hội La Mã cùng Đức Giáo Hoàng; tuy nhiên Ngài đặt câu hỏi tại sao nay họ lại bị yêu cầu phải đầu hàng Nhà Nước Trung Quốc.
Theo Hồng Y Trần Nhật Quân thì sẽ có tín hữu Công Giáo thuộc Giáo Hội Thầm Lặng tại Hoa Lục sẽ bất tuân yêu cầu đó.
Phát biểu của Hồng Y Trần Nhật Quân liên quan đến thỏa thuận mà Vatican và Bắc Kinh đang nhắm đến. Theo thỏa thuận được hai phía chuẩn bị trong thời gian qua thì sẽ có tương nhượng từ phía Vatican đối với vấn đề phong chức giám mục tại Hoa Lục.
Hồng Y Trần Nhật Quân lo ngại một thỏa thuận như thế sẽ có hại cho Giáo Hội Thầm Lặng ở Trung Quốc.
AFP cho biết một nguồn tin từ Vatican vào tháng qua cho biết là đang thảo luận với phía Bắc Kinh một khung thỏa thuận theo đó có 7 vị giám mục mà chính Bắc Kinh tiến chức sẽ được Vatican công nhận; tuy nhiên thời điểm cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.
Vừa qua tin tức cũng cho biết hai vị giám mục được Vatican thừa nhận trước đây bị chính Giáo Hội La Mã yêu cầu nhường chức cho các giám mục do Bắc Kinh phong và Vatican dứt phép thông công.
Tại Trung Quốc có chừng 12 triệu tín hữu Công Giáo; nhưng lại phân ra nhóm gọi là Giáo Hội Thầm Lặng vẫn trung thành với Vatican và Đức Giáo Hoàng; nhóm kia thuộc Giáo Hội Nhà Nước.
Mỹ cung cấp cho Philippines hệ thống do thám
không người lái đầu tiên
Mỹ cung cấp cho Philippines một hệ thống thiết bị không người lái trị giá 13,2 triệu đô la Mỹ nhằm do thám các lực lượng nổi dậy Hồi giáo.
Đại sứ Mỹ tại Manila, ông Sung Kim, nói với báo chí rằng thiết bị có tên ScanEagle sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng của quân đội Phi do thám các hoạt động của lực lượng khủng bố.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delffin Lorenzana, cho biết thiết bị không người lái có gắn camera có khả năng bay liên tục trong 24 giờ sẽ giúp ích cho các cuộc hành quân của quân đội chống quân nổi dậy ở miền Nam nước này.
Phi đã hủy bỏ việc cung cấp thiết bị do thám không người lái từ Canada vì nước này chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi trong chiến dịch chống ma túy của ông.
Việc cung cấp thiết bị này cho quân đội Phi chứng tỏ quan hệ Mỹ- Phi nồng ấm trở lại dưới thời Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ, người ca ngợi Tổng thống Rodrigo Duterte vì đã tiến hành cuộc chiến chống ma túy.
Nhật Bản gửi thêm tùy viên quân sự đến Malaysia
Nhật Bản gửi thêm tùy viên quân sự của nước này đến Malaysia.
Các hãng thông tấn quốc tế loan tin này kèm theo xác nhận của Cục Phòng vệ Nhật Bản rằng ngân sách mới dành cho một tùy viên quân sự Nhật tại Malaysia đã được thông qua.
Cục Phòng vệ Nhật Bản không giải thích lý do tại sao Tokyo lại tăng cường sự hiện diện của các tùy viên quân sự tại Đông Nam Á, cũng như tăng cường công tác thu thập thông tin tình báo tại vùng này.
Tuy nhiên theo phân tích của giới truyền thông Nhật Bản thì nhiệm vụ của các tùy viên quân sự được tăng cường ở Đông Nam Á là phát triển quan hệ quân sự với các quốc gia này sâu hơn, và từ đó sẽ gia tăng những cuộc diễn tập quân sự với các quốc gia đối tác này.
Việc gia tăng các tùy viên quân sự Nhật tại Đông Nam Á cũng được cho là nhằm đối trọng với sự lấn lướt về quân sự của Trung Quốc trong vùng Biển Đông Nam Á.
Việc tăng cường số lượng tùy viên quân sự Nhật tại Kuala Lumpur là tiếp nối việc mà Nhật đã làm hồi năm ngoái, là gia tăng số tùy viên quân sự của mình tại các đại sứ quán ở Hà Nội và Manila.
Cả ba quốc gia này, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều có những tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa tại nam Biển Đông, vùng biển rất trọng yếu đối với thương mại quốc tế, trong đó Nhật chiếm phần lớn.
Ngoài những động thái ngoại giao quân sự này, Nhật cũng đã bắt đầu cung cấp các thiết bị như là tàu tuần duyên cho quân đội các nước Việt Nam và Philippines.
Chưa thấy Bắc Kinh chính thức lên tiếng bình luận về việc Nhật Bản tăng cường các tùy viên quân sự ở Đông Nam Á.
Trung Quốc gây sức ép
lên các trung tâm trao đổi văn hóa Mỹ
Các trung tâm trao đổi Văn hóa Mỹ (ACC) tại Trung Quốc đang phải chịu sức ép của chính phủ Trung Quốc, phải đóng cửa ngừng hoạt động hoặc không bao giờ đi vào hoạt động dù đã được thành lập.
Hãng tin AFP trích báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái cho biết đã có 10 trung tâm như vậy phải giải thể vì sức ép của chính phủ Trung Quốc. Điều này này đã khiến Bộ Ngoại Giao Mỹ phải xem xét có thể ngưng tài trợ cho các trung tâm này.
Các trung tâm trao đổi văn hóa Mỹ là một mạng lưới các cơ sở về văn hóa và ngôn ngữ được chính phủ Mỹ tài trợ và được đóng trụ sở tại các trường đại học ở Trung Quốc. Các trung tâm này được thành lập từ năm 2010 như là một cách giúp truyền bá hiểu biết về văn hóa và xã hội Mỹ. Các trung tâm này cũng được coi như là một sự đáp trả đối với hệ thống các trung tâm Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ đang nở rộ khắp các trường đại học tại Mỹ những năm qua.
Theo AFP, các viện Khổng Tử đã xuất hiện tại hơn 100 trường đại học của Mỹ, bao gồm các các trường danh tiếng như Columiba và Stanford. Tuy nhiên chỉ có 10 trung tâm trao đổi văn hóa Mỹ hiện còn hoạt động tại Trung Quốc.
Những trung tâm còn lại hiện cũng không cập nhật các thông tin về hoạt động trên trang web của mình, đôi khi là do yêu cầu của đối tác Trung Quốc vì sợ lôi kéo sự chú ý của giới chức Trung Quốc.
Những người tham dự một hội thảo thường niên năm 2017 của trung tâm trao đổi văn hóa Mỹ ở thành phố Thẩm Dương cũng giảm một nửa so với thời gian trước đó. AFP trích một nguồn tin giấu tên cho biết bộ giáo dục Trung Quốc yêu cầu những người Trung Quốc không được dự hội thảo.
Mặc dù vậy, bộ giáo dục Trung Quốc vẫn nói với AFP rằng nước này luôn hỗ trợ các hợp tác trao đổi giữa các trường đại học Mỹ và Trung Quốc, và nói thêm là các trung tâm văn hóa Mỹ phải đáp ứng được các yêu cầu về giáo dục kế và hoạch tổng thể của các trường đại học Trung Quốc.
Trump nói sẽ lên án Nga
‘nếu đồng ý’ với Anh về vụ đầu độc cựu điệp viên
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ vẫn cần phải làm rõ những dữ kiện đằng sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh tại thành phố Salisbury ở Anh, hạ gục một cựu điệp viên, và sẽ nói chuyện với Thủ tướng Anh Theresa May sau đó trong ngày thứ Ba.
Ông Trump, phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, thừa nhận rằng nhà chức trách Anh đã cáo buộc Nga dính líu tới vụ tấn công nhắm vào cựu điệp viên hai mang người Nga, người đã chuyển những bí mật cho tình báo Anh, nhưng nói ông vẫn cần nói chuyện với bà May trước khi đưa ra nhận định.
“Ngay khi chúng tôi làm rõ các dữ kiện, nếu chúng tôi đồng ý với họ, chúng tôi sẽ lên án Nga hoặc bất cứ người nào có thể,” ông Trump nói.
“Nghe có vẻ như họ tin rằng đó là Nga, và tôi chắc chắn sẽ xem đó là sự thật,” ông nói thêm.
Anh nói rằng chất độc thần kinh được dùng trong vụ tấn công hồi đầu tháng này là do Liên bang Soviet chế tạo, và có nhiều phần chắc Nga chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Những phát biểu của ông Trump lập lờ hơn những phát biểu của ông Rex Tillerson, người đã đồng tình với đánh giá của Anh và nói rằng những người đứng đằng sau vụ tấn công này phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.
Hôm thứ Ba, ông Trump sa thải ông Tillerson sau hàng loạt những vụ bất đồng công khai về chính sách Triều Tiên, Nga và Iran. Giám đốc CIA Mike Pompeo, một người trung thành với ông Trump, được chọn làm nhà ngoại giao hàng đầu mới.
Bà May đã ra thời hạn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nửa đêm thứ Ba để giải thích làm thế nào mà chất độc thần kinh này lại được dùng trong vụ tấn công nhắm vào Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái của ông, Yulia, 33 tuổi.
Hai người đã đổ gục trên một băng ghế bên ngoài một trung tâm mua sắm vào ngày 4 tháng 3.
Bà Gina Haspel, tân Giám Đốc CIA là ai?
Tổng thống Trump vừa bổ nhiệm bà Gina Haspel vào chức Giám Đốc CIA, người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này trong lịch sử của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, sau khi ông Trump sa thải Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và đưa Giám Đốc CIA Mike Pompeo lên thay thế ông Tillerson.
Bà Haspel là ai?
Là một cựu nhân viên bí mật của CIA, bà Haspel được Tổng thống Donald Trump đề cử làm phó giám đốc CIA vào tháng Hai năm 2017. Quyết định bổ nhiệm bà vào lúc đó đã gây khá nhiều tranh cãi vì bà Haspel từng điều hành một “nhà tù đen”, tức là hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để giam giữ các nghi phạm khủng bố.
Tên tuổi của bà Gina Haspel còn gắn liền với một trong những giai đoạn đen tối nhất của cơ quan tình báo trung ương Mỹ, bà bị liên kết với các biện pháp tra tấn nhục hình tại nhà tù khét tiếng Abu Graib.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng bà Haspel từng điều hành một nhà tù đen ở Thái Lan, nơi hai nghi phạm al-Qaida là Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri bị giam cầm. Bà được coi là đã giúp hủy các đoạn băng video ghi lại cảnh thẩm vấn và tra tấn hai nghi phạm này. Tin Reuters cho hay cá nhân bà Haspel có mặt trong vụ tra tấn các nghi phạm khủng bố này.
Tổng Thống Barack Obama đã ra lệnh đóng cửa các nhà tù bí mật này vào năm 2009.
Năm ngoái, khi bà Haspel được bổ nhiệm vào chức Phó Giám Đốc CIA, một đại diện cấp cao của Tổ chức Human Rights Watch, John Sifton, chỉ trích rằng “một nhân vật từng tham gia một chương trình phi pháp đã được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo.”
Tuy nhiên việc chọn bà Haspel cũng được sự ủng hộ trộng nội bộ CIA và nhiều chuyên gia tình báo lâu năm của Mỹ.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần nói ông tin vào sự hữu hiệu của các biện pháp tra tấn. Ông còn nói ông sẽ quay trở lại với các biện pháp tra tấn bằng cách trấn nước, một biện pháp tra tấn bị cộng đồng quốc tế cho là dã man.
Cả Giám đốc CIA Pompeo trước đây và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều bác bỏ tính hữu hiệu của “các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”, gồm biện pháp trấn nước.
Hôm 13/3/2018, sau khi được Tổng thống Trump chọn cho chức vụ Giám Đốc CIA thay thế ông Mike Pompeo, bà Gina Haspel trở thành nữ giám đốc đầu tiên trong lịch sử CIA.
https://www.voatiengviet.com/a/gina-haspel-tan-giam-doc-cia-la-ai/4296518.html
Ông Trump chặn một vụ thâu tóm công ty Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/3 đã chặn đề xuất mua công ty Qualcomm của tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Broadcom vì lý do an ninh quốc gia, chấm dứt một thương vụ đáng lẽ sẽ lớn nhất trong ngành công nghệ, giữa lúc có lo ngại rằng nó sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc “trên cơ” trong lĩnh vực viễn thông và di động.
Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng nói rằng lệnh của ông Trump cho thấy đánh giá rằng sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực chế tạo công nghệ và đặt ra tiêu chuẩn cho thế hệ điện thoại di động mới sẽ rơi vào tay của Trung Quốc nếu công ty Broadcom đặt trụ sở ở Singapore mua lại Qualcomm có trụ sở ở San Diego.
Qualcomm đã nổi lên là một trong những đối thủ mạnh nhất của tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, biến Qualcomm là một tài sản đáng giá.
Qualcomm trước đó đã bác bỏ đề xuất mua trị giá 117 tỷ đôla của Broadcom.
Hiện Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS), một ủy ban đa cơ quan do Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu, đang điều tra vụ này.
Đây là cơ quan xem xét tới các tác động về an ninh quốc gia từ các vụ mua bán các công ty Mỹ của các tập đoàn nước ngoài.
Trong một bức thư đề ngày 5/3, CFIUS nói rằng cơ quan này đang điều tra liệu Broadcom có làm cạn kiệt tiền nghiên cứu giúp cạnh tranh của Qualcomm, vốn giúp công ty này cạnh tranh, cũng như đề cập tới nguy cơ từ mối quan hệ của Broadcom với “các bên nước ngoài thứ ba”, nhưng không cho biết cụ thể.
Bức thư cũng nhiều lần mô tả Qualcomm là công ty dẫn đầu trong việc phát triển và đặt ra tiêu chuẩn cho mạng di động 5G.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-chan-mot-vu-thau-tom-cong-ty-my/4296501.html
Mỹ duy trì chính sách gây áp lực lên Triều Tiên
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump “kiên quyết” duy trì chính sách gây áp lực lên Triều Tiên nhằm mục đích phi hạt nhân hoá nước này.
Ông McMaster nói rằng Tổng thống Trump lạc quan về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên.
Ông nói:
“Chúng tôi quyết tâm theo đuổi chính sách này. Chúng tôi đã có cơ hội nói chuyện với các đại diện thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ hôm nay và truyền đạt ý định chung của tất cả chúng tôi là tiếp tục chiến dịch gây áp lực tối đa. Chúng tôi đều đồng ý là ai cũng lạc quan về cơ hội này, nhưng chúng tôi quyết tâm theo đuổi chiến dịch gây áp lực tối đa cho đến khi nào thấy những lời hứa (của Triều Tiên) đi đôi với hành động và có tiến bộ thực sự hướng tới phi hạt nhân hoá”.
Cả Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster lẫn Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Niki Haley đều không đề cập tới việc phía Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng phản hồi sau khi Tổng thống Trump đồng ý gặp trực tiếp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
https://www.voatiengviet.com/a/my-duy-tri-chinh-sach-gay-ap-luc-len-trieu-tien/4296376.html
Bất đồng ở Hạ viện Mỹ về kết luận điều tra Nga
Các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm 12/3 tuyên bố rằng ủy ban này đã hoàn tất việc điều tra khả năng Nga can dự vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ, và không phát hiện bất kỳ sự thông đồng nào giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và nỗ lực của Moscow nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bỏ phiếu.
Các đảng viên Cộng hòa trong ủy ban cho biết rằng họ đồng ý với nhận định về việc Nga tìm cách gây tác động tới cuộc bầu cử bằng cách truyền bá các thông tin tuyên truyền cũng như tin giả mạo qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, họ phản bác các phát hiện của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, Cơ quan An ninh Quốc gia và Cục Điều tra Liên bang Mỹ về việc Moscow tìm cách hỗ trợ ông Trump giành chiến thắng bất ngờ trước ứng viên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton.
Trong khi đó, một thành viên thuộc đảng Dân chủ trong ủy ban, dân biểu Adam Schiff, bày tỏ sự bất bình đồng thời chỉ trích thông báo mà ông cho là “hấp tấp”, theo Reuters.
Cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ, một trong ba cuộc điều tra chính tại Quốc hội Mỹ về sự can dự của Nga và khả năng thông đồng hoặc cản trở công lý của ông Trump hay các trợ lý, đã vấp phải nhiều vấn đề do sự giằng co về đảng phái, trong đó có việc cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều công bố các bản ghi nhớ riêng rẽ về cuộc điều tra.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, dân biểu Cộng hòa Devin Nunes, năm ngoái đã tự rút khỏi cuộc điều tra giữa lúc có tin nói rằng ông đã có một cuộc họp bí mật tại Nhà Trắng. Ông Nunes bác bỏ bất kỳ hành động sai trái nào.
Phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đưa ra thông báo trên trong khi công tố viên đặc biệt chuyên trách cuộc điều tra Nga dường như tăng tốc cuộc điều tra, theo Reuters.
Tuần trước, cựu trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, Sam Nunberg, đã dành 6 giờ đồng hồ trước một bồi thẩm đoàn do ông Mueller triệu tập, và cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, đã không chấp nhận các cáo trạng hình sự.
Sau thông báo trên, ông Trump đã lên Twitter và viết toàn bằng chữ viết hoa rằng ủy ban của Hạ viện đã không tìm thấy bằng chứng về sự thông đồng hoặc phối hợp sau 14 tháng trời “điều tra sâu rộng”.
https://www.voatiengviet.com/a/bat-dong-o-ha-vien-my-ve-ket-luan-dieu-tra-nga/4296330.html
Mỹ sẽ hành động
nếu Hội đồng Bảo an không hành động về Syria
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley ngày 12/3 cảnh báo là nếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không hành động về Syria, Washington “vẫn chuẩn bị hành động nếu chúng tôi phải làm việc này,” như đã làm vào năm ngoái khi oanh kích một căn cứ không quân của chính phủ Syria về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm nhiều người chết.
“Đây không phải là con đường chúng tôi thích, nhưng là một con đường chúng tôi đã chứng tỏ chúng tôi sẽ làm, và chúng tôi đã chuẩn bị để làm lần nữa,” bà Haley nói với 15 thành viên Hội đồng Bảo an. “Khi cộng đồng quốc tế không hành động, có những thời điểm mà các quốc gia bắt buộc phải tự hành động.”
Cảnh báo của bà Haley được đưa ra khi Hoa Kỳ đề nghị Hội đồng Bảo an yêu cầu ngưng bắn tức khắc 30 ngày tại Damacus và đông Ghouta do phe nổi dậy kiểm soát, nơi các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, được Nga và Iran hậu thuẫn, nói họ đang nhắm vào các tổ chức khủng bố pháo kích vào thủ đô.
Ngày thứ Hai 12/3, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres thuyết trình trước hội đồng về việc thi hành nghị quyết.
“Không có việc ngưng các hành động thù nghịch,” Ông Guterres nói. “Bạo động tiếp tục tại đông Ghouta và các nơi khác, trong đó có Afrin, một phần Idlib và Damacus và vùng ngoại ô.
“Dù có việc chuyển vận hạn chế bằng xe, các vật phẩm viện trợ nhân đạo và dịch vụ không được an toàn, không bị cản trở hay lâu dài,” ông Guterres nói. “Không có vòng vây nào được gỡ bỏ…Theo chổ chúng tôi biết, không có người nào bệnh nặng hay bị thương nặng được di tản.”
Hàng ngàn gia đình phải ngủ ngoài trời, trên đường phố tại Ghouta, thị trấn lớn nhất tại Syria do phe nổi dậy kiểm soát, nơi không còn có các hầm trú ẩn tránh không kích của chính phủ, nhà cầm quyền địa phương cho biết.
Ngoại trưởng Tillerson:
Cần thực hiện vài bước để đối thoại Mỹ-Triều
Cần có vài bước để thống nhất về địa điểm và phạm vi những cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 12/3 tuyên bố.
Ông Tillerson có tham gia vào các cuộc thảo luận trong chính quyền Trump về khả năng gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
“Sẽ có những bước cần thiết để đồng ý về địa điểm và phạm vi của những cuộc thảo luận. Chúng tôi chưa được nghe trực tiếp từ Triều Tiên nhưng chúng tôi hy vọng được nghe trực tiếp từ nước này,” ông Tillerson nói trong chuyến đi thăm Abuja, thủ đô Nigeria.
Ông Tillerson phát biểu vào lúc kết thúc chuyến đi thăm 5 nước châu Phi kéo dài một tuần lễ.
Ông Tillerson không nói rõ bước nào là cần thiết cho những cuộc thảo luận và từ chối không đề cập đến những địa điểm khả dĩ.
Đây sẽ là lần đầu tiên có cuộc họp trực diện giữa những nhà lãnh đạo hai nước và có khả năng đánh dấu một bước đột phá trong việc làm dịu tình hình căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thẩm phán Mỹ: nạn nhân tin tặc có thể kiện Yahoo
Theo lệnh một thẩm phán liên bang Mỹ, Yahoo đối mặt với nhiều vụ kiện tại Mỹ vì thông tin cá nhân của tất cả 3 tỉ người sử dụng Yahoo bị đánh cắp trong một loạt tin tặc xâm nhập dữ liệu của Yahoo.
Trong một phán quyết tối ngày 9/3, Thẩm phán Liên bang Lucy Koh ở San Jose, California, bác bỏ nỗ lực của Verizon Communications Inc (công ty đã mua công việc kinh doanh Internet của Yahoo tháng 6 năm ngoái) yêu cầu tòa bác một số nội dung đơn kiện bao gồm khinh suất và phá vỡ hợp đồng.
Trước đây Thẩm phán Koh từng từ chối đơn của Yahoo yêu cầu bác bỏ một số đơn kiện về việc cạnh tranh không công bằng.
Yahoo bị cáo buộc quá chậm trong việc tiết lộ 3 vụ tin tặc lấy cắp dữ liệu từ năm 2013 đến 2016, làm gia tăng nguy cơ bị đánh cắp lý lịch của khách hàng và khiến khách hàng phải mất tiền để phong tỏa tín dụng, theo dõi và chi trả cho những dịch vụ bảo vệ khác.
Vụ tin tặc xâm nhập được tiết lộ sau khi Verizon có trụ sở tại New York đồng ý mua Internet của Yahoo, và khiến cho giá mua bị giảm chỉ còn khoảng 4,5 tỉ đô la.
Phát ngôn viên của Verizon không bình luận gì. Luật sư của nguyên đơn cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Các nguyên đơn tu chính đơn kiện sau khi Yahoo vào tháng 10 năm ngoái tiết lộ là vụ tin tặc năm 2013 ảnh hưởng đến 3 tỉ người sử dụng, gấp 3 lần ước lượng trước đây.
Thẩm phán Koh nói đơn kiện được tu chính nhấn mạnh đến tầm quan trọng về an ninh trong quyết định của nguyên đơn sử dụng Yahoo.
“Những cáo buộc của nguyên đơn đủ để chứng tỏ là họ sẽ hành xử khác nếu bị đơn tiết lộ chỗ yếu về an ninh của hệ thống điện thư Yahoo,” bà Koh viết.
Bà cũng nói các nguyên đơn có thể nỗ lực chứng tỏ những giới hạn trách nhiệm trong các điều khoản sử dụng dịch vụ của Yahoo là “vô lương tâm”, dựa trên cáo buộc rằng Yahoo biết hệ thống an ninh có khuyết điểm nhưng ít chỉnh sửa.
Trong khi tìm cách bác bỏ các đơn kiện, Yahoo nói công ty từ lâu là mục tiêu “ của những cuộc tấn công hình sự kiên trì.”
Tháng 3 năm ngoái, các công tố viên Hoa Kỳ đã truy tố hai diệp viên Nga và hai tin tặc có liên hệ đến vụ đánh cắp các dữ liệu của Yahoo.
Một nghi can tin tặc, Karim Baratov, gốc Kazakhstan sinh tại Canada, tháng 11 năm ngoái đã nhận tội đánh cắp lý lịch gia trọng và tòng phạm. Nghi can khác vẫn còn tại đào ở Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-my-nan-nhan-tin-tac-co-the-kien-yahoo/4295575.html
Tai tiếng có thể đánh tan hy vọng của ông Abe
về một nhiệm kỳ thứ 3
Áp lực đang tăng đối với Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng minh thân cận, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, giữa lúc ông Abe bị tình nghi che đậy một vụ tai tiếng và thiên vị trong một thương vụ bán đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Hãng tin Reuters hôm 12/3 cho biết Thủ Tướng Abe thừa nhận rằng một số thông tin đề cập tới thủ tướng Abe và phu nhân Akie Abe, đã bị cắt bỏ khỏi những tài liệu liên quan tới vụ mua bán một mảnh đất nhà nước cho tổ chức giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen.
Một quan chức Bộ Tài chính Nhật cho biết có 14 văn bản bị sửa đổi trong hồ sơ kể từ sau tháng Hai năm 2017, lúc vụ tai tiếng bùng nổ.
Tại một cuộc họp báo khác, Bộ trưởng Aso thừa nhận hành động của các giới chức thuộc bộ phận phụ trách việc bán đất trong bộ Tài Chính của ông đã sửa đổi các tài liệu cho phù hợp với lời khai trước Quốc hội của người đứng đầu bộ phận.
“Tôi cảm thấy có trách nhiệm trong cương vị người đứng đầu chính phủ. Tôi xin tạ lỗi cùng nhân dân.”
Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe
Nói chuyện với báo chí sau báo cáo của Bộ Tài chính về những tài liệu bị sửa đổi, Thủ Tướng Abe nói:
“Điều đó làm mất uy tín của chính phủ nói chung. Tôi cảm thấy có trách nhiệm trong cương vị người đứng đầu chính phủ. Tôi xin tạ lỗi cùng nhân dân.”
Thủ Tướng Abe nhấn mạnh Bộ trưởng Aso phải làm tất cả những gì có thể làm được để phơi bày tất cả sự thực, và bảo đảm những chuyện như vậy không xảy ra nữa.
Ông Aso, 77 tuổi, còn là phó Thủ Tướng, và sự hậu thuẫn của ông cho ông Abe được coi là thiết yếu cho sự sống còn của ông Abe. Ông Aso đã ngỏ lời xin lỗi về những hành động trong Bộ Tài chính, nhưng tuyên bố không có ý định từ chức.
Thủ Tướng Abe bác bỏ cáo buộc rằng ông hoặc vợ ông đã thiên vị trong thương vụ bán đất của nhà nước cho tổ chức giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen, và tuyên bố sẽ từ chức nếu có chứng cớ cho thấy vợ chồng ông phạm tội.
Hãng tin Reuters nói dựa trên các tài liệu được xem qua thì ông Abe hoặc vợ ông không trực tiếp can thiệp vào thương vụ bán đất.
Nhưng những sự nghi ngờ về một vụ bao che có thể khiến mức độ ủng hộ dành cho ông Abe sụt giảm, đánh tan hy vọng của ông sẽ giành được thêm một nhiệm kỳ thứ 3 trong cương vị lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Giới phân tích khuyến cáo nguy cơ đối với Thủ Tướng Abe và Bộ trưởng Taro Aso hiện nay là hành động bao che, nếu được chứng minh, còn có hại hơn cả thương vụ bán đất ban đầu.
Một cuộc thăm dò do báo Sankei thực hiện vào cuối tuần rồi nói 71% đối tượng nói ông Aso phải từ nhiệm.
Ông Abe, 63 tuổi, đắc thắng trong cuộc bầu cử và trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, ông cam kết sẽ hồi sinh nền kinh tế và củng cố quốc phòng. Đây là thành quả hiếm hoi đối với nhà lập pháp bảo thủ, người mà vào năm 2007, đã đột ngột từ chức sau một năm cầm quyền với nhiều tai tiếng, quốc hội thì lâm vào bế tắc, và cá nhân ông gặp nhiều trở ngại về sức khỏe.
Tháng 10 năm ngoái, liên minh cầm quyền của ông Abe đoạt đa số áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, nhờ một phần vào tình trạng rối loạn trong phe đối lập.
Một cuộc thăm dò do báo Yomiuri thực hiện từ ngày 9 tới 11/3 cho thấy mức ủng hộ cho nội các của ông Abe đã giảm xuống còn 48%, mất 6 điểm so với 1 tháng trước.
Pháp tăng cường hiện diện
trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương
Trong vòng không đầy một tuần lễ, Paris tung ra liên tiếp hai tín hiệu mạnh nhằm khẳng định vai trò của mình tại cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hiện đang được gộp lại trong khái niệm chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hầu hết các nhà quan sát đều ghi nhận là Paris đang khẳng định vai trò cường quốc hải quân của mình vào lúc Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tại New Delhi hôm 10/03/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký với thủ tướng Ấn Narendra Modi một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ Hải Quân của nhau cho đối tác. Sau đó hai ngày, một chiến hạm Pháp ghé cảng Manila ở Phillipines, một nước ven Biển Đông, trong một chuyến thăm hữu nghị trong khuôn khổ một thỏa thuận quốc phòng mới giữa hai nước.
Củng cố thành tố Đông Nam Á trong chiến lược châu Á
Chuyến ghé cảng Philippines ngày 12/03 của hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire đã không thoát khỏi sự chú ý của báo The Diplomat. Trong một bài phân tích ngay trong ngày, tác giả Prashanth Parameswaran đã cho rằng “chuyến thăm thiện chí lại cho phép Pháp củng cố thêm thành tố Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình”.
Đối với The Diplomat, nằm trong một chuỗi hoạt động mới đây với nhiều nước châu Á khác, chuyến ghé cảng Philippines của chiến hạm Pháp đã nêu bật quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa Pháp và Philippines, cũng như vai trò của Pháp trong tư cách một cường quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhận định của tờ báo rất rõ : Pháp hoàn toàn không phải là một tác nhân mới trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và ảnh hưởng của Pháp được thấy rõ từ lâu trong các lãnh vực khác nhau, từ di sản thời thuộc địa, chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại, cho đến các thương vụ bán vũ khí, hay cùng với một số cường quốc khác, đóng góp vào việc bảo tồn trật tự dựa trên luật pháp. Tuy nhiên, với việc khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương » nổi lên trong những tháng gần đây, những bước tiến của Pháp vào khu vực đã được chú ý nhiều hơn.
Nếu trong tuần qua, nổi bật nhất là chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng một khía cạnh quan trọng khác của vai trò của Pháp tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là nỗ lực của Paris tiếp tục mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, từ Việt Nam đến Philippines, không kể tới Malaysia. Trước khi ghé Philippines, hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire chẳng hạn, đã ghé Brunei.
Quan hệ Pháp-Philippines tiến sâu vào lãnh vực quốc phòng
Riêng về quan hệ Pháp-Philippines, The Diplomat nhắc lại rằng cả hai nước đều đã có quan hệ lâu đời, và đang tiến sâu vào lĩnh vực quốc phòng trong những năm gần đây.
Đáng ghi nhận hơn cả là thỏa thuận quốc phòng mới, được ký kết tháng 5 năm 2016, sau nhiều năm đàm phán, quy định một khuôn khổ tổng thể để phát triển quan hệ an ninh, trong đó không chỉ có các chuyến thăm và đối thoại, mà còn có đào tạo, xây dựng năng lực, và hợp tác về thiết bị quốc phòng, hậu cần và vũ khí.
Mới đây, một phái đoàn cấp cao của bộ Quốc Phòng Pháp đã đến Manila tham gia cuộc họp của ủy ban hợp tác Pháp-Philippines đầu tiên. Dù phía Pháp không tiết lộ gì cụ thể, nhưng chống khủng bố và an ninh hàng hải là ưu tiên mà hai bên đặt ra trước đây.
Nhân chuyến ghé cảng Manila của chiến hạm Le Vendémiaire, tân đại sứ Pháp tại Philippines Nicolas Galey không ngần ngại coi đó là một phần nỗ lực của Pháp nhằm « đảm nhận đầy đủ vai trò cường quốc Thái Bình Dương » của mình, cũng như thực hiện « cam kết quân sự đối với an ninh khu vực Đông Nam Á ».
Mặc dù đại sứ Galey đã không đi sâu vào chi tiết của những gì đã được Paris và Manila đồng ý, và cố gắng tránh đề cập trực tiếp về Biển Đông, nhưng ông lưu ý rằng các « lĩnh vực hợp tác mới rất, rất quan trọng đối với cả hai nước. »
Đối với The Diplomat, quan hệ quốc phòng Pháp-Philippines vẫn còn sơ khai, và Pháp cũng chỉ là một trong số nhiều đối tác mà Manila đang mở rộng quan hệ quốc phòng. Thế nhưng, những sự kiện như chuyến thăm Manila của chiếc Vendémiaire cũng rất có ý nghĩa trong toàn cảnh chiến lược Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Kết với New Delhi để mở rộng phạm vi hoạt động ở Ấn Độ Dương
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp được thấy rõ nhất qua sự kiện Pháp và Ấn Độ, hôm 10/03/2018 vừa qua, đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự ở vùng Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng là một cường quốc khu vực.
Theo thỏa thuận được chính thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký kết, Hải Quân Ấn Độ và Pháp từ nay được quyền tiếp cận và sử dụng các căn cứ của cả hai bên ở Ấn Độ Dương. Đối với Ấn Độ, đó là một lợi thế rất lớn vì Pháp có đến ba căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương.
Thỏa thuận Pháp-Ấn dĩ nhiên là một vấn đề song phương. Thế nhưng, giới quan sát đều thấy bóng dáng Trung Quốc trong thỏa thuận này.
Hoạt động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương gây quan ngại
Theo đài truyền hình Pháp France24, trong một bài công bố hôm 10/03, tham vọng biển đảo của Trung Quốc tại Biển Đông đã từng khiến thế giới lo ngại, nay nỗi quan ngại lại tăng thêm với các động thái của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn – trải dài từ Kênh Đào Suez đến eo biển Malacca.
Hai ông Modi và Macron đặc biệt lo lắng trước việc Trung Quốc tăng cường và mở rộng sự hiện diện quân sự tại một căn cứ hải quân ở Djibouti, môt tiểu quốc vùng Đông Phi có vị trí chiến lược.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang xây dựng mạng lưới thương mại – cái gọi là Một Vành Đai, Một Con Đường – kết nối nhiều quốc gia châu Á và châu Phi nằm trên Ấn Độ Dương.
Ấn Độ, nước ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng cảng Gwadar ở Pakistan, giành được hợp đồng sử dụng cảng Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm, và mua một số hòn đảo nhỏ ở Maldives. Đối với giới chuyên gia Ấn Độ, Bắc Kinh đã cài « âm binh » vào khu vực Ấn Độ Dương thông qua các công ty Trung Quốc, vốn đã vung tiền đầu tư vào các tài sản khác nhau, từ sân bay cho đến thị trường chứng khoán Bangladesh.
Theo chuyên gia Abhijit Singh, thuộc trung tâm tham vấn Observer Research Foundation tại New Delhi thì các công ty nói trên « chủ yếu hoạt động theo yêu cầu của nhà nước Trung Quốc và tất cả các khoản đầu tư của họ thực ra không phải là đầu tư thương mại mà là đầu tư chiến lược, nhằm phục vụ mục tiêu địa chính trị ». Chính phủ của thủ tướng Modi đã từng bày tỏ thái độ giận dữ khi Sri Lanka cho một tàu ngầm Trung Quốc ghé cảng vào năm 2014…
Ấn Độ gần đây đã tăng cường tuần tra ở vùng eo biển Sunda ở Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư, đồng thời nâng cao năng lực giám sát biển quanh các đảo Andaman và Nicobar ngoài khơi Miến Điện, nơi tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc ngày căng tăng cường hoạt động.
Tương đồng lợi ích chiến lược Paris-New Delhi tại Ấn Độ Dương
Về phía Pháp, Paris cũng có những cơ sở ở Ấn Độ Dương, như vùng đảo Réunion, cũng như những lợi ích quan trọng ở Thái Bình Dương. Trả lời đài truyền hình Ấn Độ hôm 09/03, tổng thống Macron xác định : « Chúng tôi có một sức mạnh hàng hải mạnh mẽ, một lực lượng hải quân hùng hậu với tàu ngầm hạt nhân ».
Theo ông Macron, Pháp rất tích cực trong khu vực Ấn Độ Dương để bảo vệ an ninh tập thể và « Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng để bảo vệ ổn định trong toàn khu vực ».
Nhìn chung, thỏa thuận đồng sử dụng căn cứ hải quân Ấn Pháp có lợi cho cả hai bên. Ấn Độ thì có thể mở rộng phạm vi tuần tra và kiểm soát của mình ra xa hơn, về tận phía Tây của Ấn Độ Dương, nơi tiếp giáp vùng Trung Đông và Đông Phi. Ngược lại, Pháp cũng có thể tận dụng các cơ sở hậu cần của Ấn Độ để đi xa hơn về phía Đông của Ấn Độ Dương. Hai bên có thể kiểm soát chặt chẽ hơn vùng Ấn Độ Dương, nơi qua lại của hàng hoá Âu-Á.
Dĩ nhiên là Trung Quốc đã phủ nhận mọi ý đồ chính trị tại vùng Ấn Độ Dương, nhất là ý đồ chống lại Ấn Độ. Một số chuyên gia Trung Quốc không ngần ngại cho rằng Ấn Độ đang sử dụng « hiểm họa Trung Quốc » làm cớ tăng cường sức mạnh quân sự của mình.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180313-phap-tang-cuong-hien-dien-trong-vung-an-do-thai-binh-duong
“Nga muốn tìm lại vị thế của mình
trên chính trường quốc tế”
Qua các động thái ngoại giao và quân sự, nước Nga đang cố giành lại vai trò đại cường quốc không thể thiếu vắng tại châu Âu và Cận Đông. Đây là khẩu hiệu của Vladimir Putin trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống.
Les Echos (13/03/2018) tóm tắt chiến lược đối ngoại của điện Kremlin bằng câu nói nổi tiếng của hoàng đế La Mã Caligula (từ năm 37 đến năm 41) : Cho họ căm thù ta, miễn sao họ phải sợ ta. Chủ trương vừa hù dọa vừa chìa bàn tay thân thiện, đã được tổng thống Vladimir Putine thể hiện rõ trong bài phát biểu trước nghị viện Nga, ngày 01/03/2018.
Ông không ngần ngại khoe khoang việc triển khai một loại tên lửa « bất khả chiến bại », cho chiếu trên màn hình mô phỏng vụ tấn công vào một nơi gần giống với Florida, Hoa Kỳ) và đi kèm với lời đe dọa : Trước đây, không ai lắng nghe chúng ta. Giờ đây, họ phải lắng nghe.
Theo giải thích của bà Titiana Kastoueva-Jean, chuyên gia về Nga tại Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, thì trò trình diễn nói trên nhằm « làm cho phương Tây hiểu được rằng nước Nga không cảm thấy an toàn, và cần phải nghe theo ngạn ngữ : nếu không muốn nuôi giặc ngoại xâm thì hãy nuôi quân đội nước mình. »
Với 16 đường biên giới trên bộ, kỷ lục thế giới, nước Nga luôn luôn có mặc cảm là bị bao vây và việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – mở cửa đón thêm thành viên mới gần Nga, lại càng làm tăng thêm tâm lý lo ngại này. Chính vì thế, từ 2008, Matxcơva đã tìm cách thiết lập một trận tự an ninh mới tại châu Âu để làm giảm vai trò của Hoa Kỳ xuống mức tối thiểu. Đối với Matxcơva, việc Washington triển khai lá chắn tên lửa đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược tại châu Âu.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý là Nga không tìm cách lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang bởi vì đó là hành động tự sát, trong lúc ngân sách quốc phòng của Matxcơva chỉ bằng một phần mười của Washington, kinh tế Nga có tỷ trọng 2% nền kinh tế toàn cầu, ít đồng minh, không có giải pháp nào tốt ngoài việc phải có quan hệ tương đối tốt với phương Tây.
Còn liên minh với Trung Quốc ? Một chuyên gia Nga, xin ẩn danh, nhận định : đó là trò đánh lừa. Bởi vì Trung Quốc quá lớn, đe dọa lợi ích của Nga, nhất là tại vùng Siberia quá rộng lớn lại rất thưa dân.
Do có những hạn chế, bất lực nói trên, Vladimir Putin tìm cách khắc phục, bù đắp lại qua các can thiệp quân sự có giới hạn và lựa thời, như tại Gruzia năm 2008, Ukraina năm 2014 và hiện nay tại Syria. Phương pháp này nhanh chóng mang lại nhiều lợi lộc cho Putin trong lĩnh vực đối nội : ông rất được lòng dân vì đã giành lại được vị thế cường quốc cho nước Nga.
Còn ở bên ngoài, khi đặt phương Tây trước « việc đã rồi » tại Syria, Putin đã giành lại được vai trò chủ chốt của Nga tại Cận Đông, đồng thời phô trương bộ máy quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ, tuy là thành viên NATO, dự tính mua tên lửa chống tên lửa S-400 của Nga…
Rủi ro và mâu thuẫn
Phải thừa nhận rằng Matxcơva làm chủ được « cuộc chiến hợp thể », thâm nhập, ám sát, can thiệp vào các cuộc bầu cử, tung tin giả trên mạng xã hội, bí mật triển khai quân đội ở Ukraina và Syria, nhưng các hoạt động này làm cho phương Tây lo ngại và sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà Matxcơva không muốn bị lôi cuốn vào.
Khi nước Nga, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về dầu khí, sử dụng vũ khí năng lượng qua việc ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina, hồi đầu tháng Ba vừa qua, thì chính sách này chỉ làm tổn hại đến uy tín của chính Matxcơva, với tư cách là nhà cung cấp khả tín về năng lượng.
Đó là chưa kể đến các hoạt động của Nga tại Syria dẫn đến việc đối đầu trực diện với Mỹ. Gần 150 lính đánh thuê Nga đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích gần đây của không quân Mỹ nhằm bảo vệ các vị trí của lực lượng người Kurdistan, một sự cố nghiêm trọng chưa từng thấy.
Bắc Triều Tiên:
Tập Cận Bình kêu gọi các bên kiên trì và khôn khéo
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12/03/2018 kêu gọi tất cả các bên có liên quan trong hồ sơ Bắc Triều Tiên « kiên trì » và « khôn khéo » để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, trong bối cảnh Bình Nhưỡng không đưa ra bất cứ bình luận nào về khả năng tổ chức thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Theo Reuters, Tập Cận Bình hy vọng các cuộc đàm phán “suôn sẻ” giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với các tổng thống Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thể sẽ mang lại bước tiến đáng kể cho công cuộc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trong buổi làm việc tại Bắc Kinh với ông Chung Eui Yong, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, chủ tịch Trung Quốc phát biểu là « tất cả các bên phải thể hiện sự kiên trì, chú ý và sự khôn ngoan về chính trị » để tránh mọi vấn đề phát sinh có thể cản trở tiến trình nối lại đối thoại.
Ông Chung Eui Yong đã tường thuật cho lãnh đạo Trung Quốc về các cuộc gặp của ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Donald Trump hồi tuần trước.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn chưa hề có bất cứ bình luận nào về việc tổ chức thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên và nguyên thủ Mỹ. Trong chuyến bay sang thăm Nigeria, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng khẳng định chính quyền Hoa Kỳ chưa hề nhận được thông tin chính thức nào của chế độ Bình Nhưỡng kể từ khi tổng thống Donald Trump cho biết sẵn sàng gặp lãnh đạo Kim Jong Un. Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết thêm là Washington đang chờ phản hồi trực tiếp từ Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Kim Jong Un đã đồng ý gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào cuối tháng 04/2018 ở khu phi quân sự. Theo nhiều đồn đoán, cuộc gặp giữa Donald Trump và Kim Jong Un có thể diễn ra vào cuối tháng 05/2018.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180313-bac-trieu-tien-tap-can-binh-keu-goi-cac-ben-kien-tri-va-khon-kheo
Công du Ấn Độ,
TT Pháp Macron gặt hái nhiều thành công
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoàn thành chuyến công du Ấn Độ vào ngày hôm qua 12/03/2018. Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày của ông Macron đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, nhất là về chiến lược, thương mại và năng lượng.
Đặc phái viên RFI Mounia Daoudi tổng kết từ Varanasi :
« Đưa nước Pháp lên thành đối tác hàng đầu của Ấn Độ ở châu Âu và phương Tây, đó là dự án đầy tham vọng của tổng thống Emmanuel Macron, nhất là khi chúng ta biết rằng Ấn Độ hiện chỉ là nước nhập khẩu đứng thứ 18 của Pháp và là nhà cung cấp thứ 10 của Pháp. Nhưng chuyến công du cấp Nhà Nước tại Ấn Độ mà tổng thống Macron vừa hoàn thành, đã thực sự thúc đẩy việc phát triển quan hệ giữa hai nước.
Trước tiên, về quan hệ song phương, Pháp và Ấn Độ đã ký 14 thỏa thuận hợp tác, đặc biệt là thỏa thuận hợp tác ở Ấn Độ Dương. Thỏa thuận này sẽ cho phép quân đội Ấn Độ sử dụng các căn cứ hải quân của Pháp, chẳng hạn ở Djibouti hay trên đảo Réunion, và ngược lại.Đây là một lời cảnh báo nhắm vào Trung Quốc. Việc Bắc Kinh phô trương lực lượng tại vùng biển này không khỏi khiến Ấn Độ lo ngại.
Một thành công lớn khác là các hợp đồng thương mại mà hai nước đã ký có tổng giá trị lên tới 13 tỉ euro. 13 tỉ euro, có nghĩa là gấp hơn 2,5 lần tổng giá trị xuất khẩu của Pháp sang Ấn Độ.
Về quan hệ đa phương, qua việc triển khai dự án Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại New Delhi, Pháp và Ấn Độ đã trở thành hai nước đi đầu về khí hậu trên trường quốc tế. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180313-cong-du-an-do-tt-phap-macron-gat-hai-nhieu-thanh-cong
Trung Quốc: Tập Cận Bình tăng quyền
nhờ cơ quan chống tham nhũng mới
Sau khi đã yêu cầu Quốc Hội Trung Quốc thông qua sửa đổi Hiến pháp cho phép ông giữ chức chủ tịch suốt đời, Tập Cận Bình lại mở rộng thêm quyền lực của ông với việc thành lập một cơ quan mới để chống tham nhũng.
Hôm nay, 13/02/2018, các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc thảo luận lần chót về một dự luật nhằm mở rộng quyền hạn của một cơ quan chống tham nhũng mới được thành lập. Việc thảo luận và biểu quyết dự luật này thật ra chỉ mang tính hình thức vì Quốc Hội Trung Quốc do Đảng Cộng Sản kiểm soát.
Theo dự luật mới, cơ quan chống tham nhũng của Đảng sẽ sát nhập với cơ quan giám sát khu vực công thành một cơ quan có tên là Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia. Kể từ nay, cơ quan này sẽ có quyền giám sát luôn cả các công chức ở Trung Quốc.
Báo chí nhà nước mô tả việc thành lập cơ quan mới là nhằm tạo ra một mạng lưới giám sát « hiệu quả, thống nhất, tập trung, dưới sự lãnh đạo của Đảng », để chống tham nhũng tốt hơn.
Cơ quan chống tham nhũng mới được quy định là một cơ quan chính trị, độc lập với chính phủ, tòa án và viện kiểm sát, cho nên điều này gây lo ngại về nguy cơ lạm quyền.
Theo dự luật, cơ quan mới này sẽ có quyền bắt tạm giam các nghi can với thời hạn lên tới 6 tháng mà không cần xin phép một thẩm phán. Nhà chức trách phải thông báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ cho gia đình của nghi can hoặc cho cơ quan của nghi can về việc tạm giam họ, trừ những trường hợp có nguy cơ là chứng cớ sẽ bị phi tang, hoặc cuộc điều tra sẽ bị cản trở. Thế nhưng, dự luật lại không nói rõ là trong thời gian bị tạm giam đó, các nghi can sẽ bị giữ ở đâu, ai sẽ là đại diện hợp pháp của họ và ai sẽ bảo đảm an toàn cho họ.
Theo nhận định của các chuyên gia luật pháp ngoại quốc và Trung Quốc được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia như vậy là sẽ hoạt động ngoài khuôn khổ các thủ tục pháp luật bình thường.
Việc thành lập cơ quan chống tham nhũng mới là nằm trong khuôn khổ của kế hoạch tổ chức lại chính phủ, hay nói đúng hơn là « đảng hóa » nhà nước, nhằm tăng cường quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đứng đầu là ông Tập Cận Bình, nhân vật đang có tham vọng trở thành lãnh đạo có thế lực mạnh nhất kể từ Mao Trạch Đông, người đã khai sinh ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Tham vọng của Tập Cận Bình đã khiến những người chỉ trích ông lo ngại Trung Quốc đang trở lại thời kỳ mà quyền lãnh đạo đất nước tập trung vào một người, phá bỏ những bước cải tổ vốn đã rất khiêm tốn nhằm định chế hóa và hạn chế quyền lực ở Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, trong khi việc cải tổ Hiến Pháp nói trên được báo chí nước ngoài loan tin rộng rãi, thì tại Trung Quốc, báo chí nhà nước hầu như không nói đến, chứng tỏ là chính quyền Bắc Kinh cảm thấy bối rối trước sự bất bình của công luận, thể hiện rất rõ trên các mạng xã hội, kể cả trên mạng xã hội chính thức Vi Bác, mạng « Twitter Trung Quốc ».