Thảm sát ở Huế: Tiếng gào khóc thảm thiết vô tận
http://danlambaovn.blogspot.com/2018/03/tham-sat-o-hue-tieng-gao-khoc-tham.html#more
Horst Faas * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch – Đây là câu chuyện kinh hoàng về tội ác dã man nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đây là câu chuyện do Horst Faas, phóng viên ảnh đoạt giải Pulitzer và phóng viên của Associated Press, kể lại. Faas tường thuật cuộc chiến tranh Việt Nam từ tháng Sáu, 1962, và chụp ảnh rất nhiều trận chiến và trong một trong những trận chiến ấy chính ông bị thương nặng trong khi chụp ảnh lính Mỹ.
Faas nói: “Trong cuộc chiến tranh này tôi chưa từng thấy cảnh nào mà khiến tôi sửng sốt cho bằng và giận dữ cho bằng cuộc thảm sát trong chiến trận ở Huế.”
Trong cuộc tấn công vào dịp Tết năm 1968, cộng sản đã kiểm soát tạm thời phần lớn thành phố Huế
Chính trong thời gian này họ đã gây ra tội ác dã man nhất trong cuộc chiến tranh này hay trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào.
Theo đúng bài bản quân cộng sản đi từng nhà một vây bắt những thường dân trong thành phố hoang tàn và kinh hoàng này.
Đến khi lực lượng đồng minh tái chiếm Huế, khoảng 2000 cư dân thành phố mất tích- người ta sợ rằng hầu như tất cả họ đều đã rơi vào tay cộng sản.
Đến mùa xuân năm nay không còn nghi ngờ gì nữa về những chuyện gì đã xảy ra với họ.
Các viên chức và quân đội Nam Việt đã khám phá và đang khám phá ra những hố chôn tập thể ở vùng ngoại ô Huế chứa đựng những thi hài bị đạn bắn của những thường dân vô tội đã bị quân cộng sản hành hình.
Faas tuyên bố: “Tội ác này là lý do tôi nói rằng cho dù ta có nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam chăng nữa thì cũng không thể nào mà có bất kỳ cảm tình gì với cộng sản được.”
Và đây là câu chuyện của Faas về thảm sát Huế.
*
Diên Bài, Việt Nam – “Vài giờ sau khi trời tối họ bảo chúng tôi rằng chúng tôi sẽ đi xuống sông rửa ráy và sau đó đi gặp cán bộ để học tập chính trị. Tên Việt Cộng chỉ huy nói chúng tôi nên trao cho hắn tất cả những thứ quý giá và đồ đạc vì chúng tôi sẽ không cần đến chúng cho chuyến đi đến trại học tập này.
“Chúng tôi thuộc đoàn ba mươi người tù của Việt Cộng. Chúng bắt tôi và những người khác vào ngày mùng một Tết rồi giải đi đến chùa Đông Sơn ở phía đông Huế cách hai giờ đi bộ.
“Rồi họ dùng dây mây trói chúng tôi lại. Hai tay tôi không bị trói, nhưng cánh tay đằng sau lưng nhức nhối đau đớn vì những vòng dây trói rất chặc. Chúng tôi bị trói xâu lại thành chùm với nhau bằng sợi dây thừng. Tôi là người cuối cùng trong hàng
“Năm tên Việt Cộng dẫn chúng tôi từ chùa đến cánh rừng gần nghĩa địa. Rồi bọn chúng kéo người đi đầu xuống cát rồi kéo xuống cái hố. Tất cả chúng tôi phải bước theo sau vì chúng tôi bị buộc chung với ông
“Tôi mở nút ở cuối dây trói và bất ngờ biết rằng tôi có thể chạy trốn
“Bọn lính lăm lăm súng trung liên trong tay dừng lại gần cái hố và tên Việt Cộng đã kéo chúng tôi xuống hố bấy giờ nhảy ra khỏi hố rồi ra lệnh tất cả chúng tôi quỳ xuống
“Lúc mọi người quỳ xuống tôi vùng chạy, chạy qua chạy lại đằng sau mồ mả cho đến khi tôi chạy vào rừng. Bọn chúng bắn theo tôi.
“Khi tôi không thở được nữa, tôi núp trong bụi rậm. Tôi nghe tiếng súng bắn và tiếng khóc la. Bọn chúng đã giết chết những người tù khác.”
Nghĩa quân Phan Duy, 26 tuổi, người ấp Đông Di ở quận Phú Thứ, đã sống sót qua cuộc thảm sát kể trên do quân cộng sản gây ra, đứng nhìn những người phu từ từ đào xới lên từng mét một của những cái hố hành hình
Mười lăm hố chôn tập thể đã dược tìm thấy ở cồn cát hoang vu cách Huế chừng mười ba cây số về phía đông, nơi vào khoảng nửa khuya ngày 18 tháng Hai, 1968 Phan Duy đã chạy thục mạng
Trong năm hố chôn được khai quật cho đến nay, 248 thi hài được tìm thấy và người ta ước tính rằng độ 750 người bị hành quyết ở đây
Cồn cát làng Diên Bài với những bia mộ rải rác của nghĩa địa Phật giáo xưa chỉ là một khu vực trong ba quận về phía đông và đông nam Huế nơi những hố chôn tập thể mới được tìm ra gần đây
Có những hố chôn tập thể ở ít nhất ba địa điểm khác nhau khiến người ta sợ rằng hầu hết trong số 2000 người ở Huế bị mất tích kể từ cuộc giao chiến vào dịp Tết 1968 có thể đã bị sát hại.
Từ ngày 26 tháng Ba trở đi- chỉ gián đoạn trong Tuần Thánh-những hố chôn tập thể được khai quật hầu như mỗi ngày.
Các viên chức nói công việc khai quật ghê gớm tất cả những hố chôn tập thể sẽ mất ít nhất 30 ngày.
Những hố chôn tập thể ở Diên Bài hiện nay ở trong khu vực mà các viên chức đồng minh nói bây giờ là khu vực “được bình định”. Sau nhiều năm vùng này dưới sự kiểm soát và khủng bố của Việt Cộng, quân đồng minh giờ đây đã đuổi địch quân vào những dãy núi ở phía tây.
Vào lúc tảng sáng, những phụ nữ lớn tuổi cùng trẻ em bấy giờ mang những giỏ rau quả đong đưa dưới đòn gánh đi thoăn thoắt đến những ngôi chợ ở Huế dọc theo cùng con đường đất hẹp mà những nạn nhân của các cuộc thảm sát đã đi và rồi chạm mặt với tử thần.
Cũng trong đoàn người đi như diễn hành ấy là hàng trăm người thân vừa hy vọng vừa sợ hãi rằng biết đâu cuối cùng họ sẽ biết rõ ràng số phận của người thân.
Những chiếc xe tải dừng ở mép cồn cát thấp, xám trải dài giữa ruộng và biển.
Phụ nữ và ông già ngồi chồm hổm trên đất mặt buồn rầu.
Những vỏ đạn rỉ sét của súng tiểu liên Nga nằm trong cát trắng ở dưới đáy hố, rõ ràng từ những viên đạn mà những kẻ hành quyết đã bắn ra.
Những cái hố-mỗi cái dài độ 15 mét và thẳng-cách nhau một khoảng cách ngắn.
Giữa những cái hố chôn tập thể này là những hố cá nhân cũ, những lon đồ hộp rỉ sét của lính Mỹ và những tàn tích khác của chiến tranh chứng tỏ những cuộc giao chiến qua những nấm mồ này giữa lính Mỹ và cộng sản.
Một cái mũ sắt Mỹ bị đạn bắn lủng gần như bị cát phủ vùi. Dấu xe tăng, xoáy trên một trong những hố hành quyết, để lại những vết in hằn trên cát.
Hố chờ được khai quật có thể nhận thấy rõ ràng; đó là chỗ đất lõm dài, rộng độ một mét phủ đầy cỏ xanh tươi dễ nhận thấy giữa những bụi cây khô cằn chung quanh trên cồn cát.
Phụ nữ phân phát bao tay y tế và khăn che mặt. Họ đổ rượu từ chai lên những miếng gạc.
Tám người phu đào mồ, hầu hết đều mặc quần đùi và đi chân không, bắt đầu đào xới dọc theo chiều dài của hố.
Đào xuống độ một mét, họ thấy những thi hài chất chồng lên nhau thành một hàng thẳng. Họ dùng những cái xẻng nhỏ gạt sạch cát ở hai bên hàng thi hài ấy.
Những người phu dùng tay nâng những thi hài lên đặt vào những tấm ni lông.
Những người phu nâng cái sọ của mỗi thi hài lên trước, rồi nhẹ nhàng phủi sạch cát trên sọ.
Hai người xem xét hàm răng cùng chiều dài của mái tóc và màu tóc. Rồi qua khăn che mặt họ báo cáo kết quả cho bốn thanh niên nam nữ để ghi lại tất cả những đặc điểm nhận dạng vào tập giấy. Trên mỗi sọ có đặt số để nhận dạng sau này.
Có thi hài một nạn nhân chưa nhận dạng ngậm chặt ảnh tượng Đức Phật bằng nhựa trên sợi dây chuyền bạc giữa hai hàm răng.
Những người phu đào mồ nâng lên những thân mình của thi hài, với tay chân co quắp trong tư thế quỳ co rúm lúc nạn nhân bị giết chết.
Các viên chức với giọng đều đều thông báo cho những người đang chờ đợi biết những gì họ tìm thấy khi họ xé áo quần nạn nhân ra, lục túi tìm giấy tờ tùy thân và thẻ bài
Nghĩa quân Nguyễn Mỹ đứng bên cạnh hố suốt hai giờ, bất ngờ ngã quỵ xuống rú lên như con thú bị thương. Anh rồi khóc rên rỉ khi chạm vào miếng vải quân phục có bảng tên của người anh Nguyễn Đức. Tay run run anh rút trong ví ra tấm hình người anh quá cố đưa cho mọi người xung quanh xem.
Hài cốt của người anh được gói trong tấm ni lông. Gói hài cốt trông giống như xác ướp của em bé
Hai người lính dân vệ mặc đồ đen mang thi hài đi trên cái cáng tạm làm bằng tre. Người lính Nguyễn Mỹ vừa đi lảo đảo đằng sau vừa khóc.
Ngày hôm trước anh đã tìm thấy người anh khác tên Nguyễn Đoàn ở hố chôn tập thể khác. Cả ba anh em bị bắt trong cuộc tấn công vào dịp Tết. Chỉ có Nguyễn Mỹ trốn thoát.
Trời vẫn còn nắng gắt, hầu như mỗi mét đất của hố chôn cứ đào xuống đều có thi hài.
Những người phu đào mồ thiếu các tấm ni lông nên các thi hài phải được đặt trên cát.
Một người đàn bà trong lúc lấy tay đào xới đống xương chợt kêu thất thanh lên rồi ngã vật ra, nước mắt chảy dài trên mặt. Bà khóc nức nở và đập tay xuống đất, người lăn lộn. Sau khi thi hài chồng được bó lại, bà ôm chặc bó thi hài. Những người đàn bà khác phải kéo bà đi và dìu bà thất thểu đi theo sau những người khiêng cáng.
Ảnh của Horst Faas, AP
Nhiều phụ nữ sau khi chôn cất người thân đã trở lại đây để tìm những người thân khác. Một phụ nữ nông dân trong vòng hai ngày đã tìm thấy chồng và hai con trai ở hai hố hành hình khác nhau.
Những cảnh như thế cứ lặp đi lặp lại dọc theo con đường mà các thi hài được mang đi và lần nữa lặp lại ở trường học nơi các thi hài được đưa về và bảng liệt kê những đặc điểm nhân dạng được ghim trên tường.
Hơn 300 nạn nhân vô danh chờ được cải táng tập thể trừ phi người thân có thể nhận diện họ và an táng họ trong những phần đất gia đình.
Càng ngày càng nhiều người đến chờ đợi ở những hố chôn tập thể.
Nhiều người dân Huế đã cố gắng tin rằng Việt Cộng bắt thân nhân của họ đi để làm lính, làm phu hay để nhồi sọ sự nghiệp cộng sản. Nhưng bây giờ họ biết rằng Việt Cộng là tử thần.
Nguồn:
Bài báo đã được một thượng nghị sĩ Mỹ trình bày trước Thượng Viện Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 11 năm 1968 và được đưa vào hồ sơ lưu trữ của Quốc Hội Hoa Kỳ. Người dịch chân thành cảm ơn Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ cung cấp tài liệu. Bạn đọc có thể đọc nguyên bản ở trang 34536 và 34537 ở đường dẫn sau:
https://www.govinfo.gov/content/pkg/GPO-CRECB-1969-pt26/pdf/GPO-CRECB-1969-pt26-1-1.pdf