Tin khắp nơi – 11/03/2018
TQ bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch Nước
Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc gỡ bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ cho vị trí lãnh đạo nước này, trong một động thái được cho là mở đường, cho phép ông Tập Cận Bình duy trì chức vụ Chủ tịch nước tới hết đời.
Những thay đổi hiến pháp đã được thông qua tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc diễn ra hôm Chủ nhật, 11/3/2018.
TQ: Tập Cận Bình sẽ ‘làm tiếp’ sau 2023?
Thượng đỉnh Trump – Kim: giấc mơ hay cái bẫy?
Francis Fukuyama: ‘Việt Nam làm khác TQ’
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Đây là một kết quả với đa số thuận cực lớn, dù hai đại biểu đã bỏ phiếu chống, ba trường hợp khác vắng mặt, trong số 2.964 phiếu bầu.
Trung Quốc áp đặt một giới hạn hai nhiệm kỳ lên vị trí chủ tịch nước kể từ thập niên 1990.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình, người lẽ ra sẽ phải rời chức vụ năm 2023, đã bất tuân truyền thống, khi không giới thiệu một người kế nhiệm tiềm năng trong Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10/2017.
Thay vào đó, ông củng cố quyền lực chính trị của mình khi đảng biểu quyết tôn vinh tên tuổi và ý thức hệ chính trị của ông trong hiến pháp của đảng – nâng vị thế của ông ngang tầm với người sáng lập, cố Chủ tịch Mao Trạnh Đông.
Trên giấy tờ, Quốc hội là cơ quan lập pháp quyền lực nhất ở Trung Quốc – tương tự như nghị viện ở các quốc gia khác. Nhưng người ta tin tưởng rộng rãi rằng quốc hội sẽ chấp nhận những gì được đảng cộng sản yêu cầu làm.
Chủ tịch trọn đời?
Tập Cận Bình ‘dẫn đầu và ở lại còn lâu’
Trung Quốc: Cháu rể ông Đặng Tiểu Bình bị truy tố
Tập Cận Bình: ‘TQ đã bước vào thời đại mới’
Theo Stephen McDonell, phóng viên của BBC tại Bắc Kinh, giờ đây, khó thấy ông Tập bị thách thức bởi bất cứ điều gì.
Ông đã tích lũy được quyền lực từ những gì không được thấy, kể từ sau thời của Chủ tịch Mao.
Chỉ mới 5 năm trước, Trung Quốc còn được đặt dưới sự lãnh đạo tập thể. Dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người ta có thể tưởng tượng những quan điểm khác nhau được biểu đạt trong một Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm chín thành viên.
Đã có một cảm giác rằng ông Hồ Cẩm Đào đã cần làm hài lòng các phe phái khác nhau trong Đảng Cộng sản và có vẻ như cứ 10 năm, một nhà lãnh đạo mới sẽ đồng hành với tập thể trên trong một quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
Từ hôm nay, 11/3, tất cả những điều này đã biến mất. Hiến pháp đã được thay đổi để cho phép ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước vượt quá hai nhiệm kỳ.
Không có cuộc tranh luận quốc gia nào về việc liệu một nhà lãnh đạo có được phép trụ lại trên ghế quyền lực cho đến chừng nào được vị đó lựa chọn.
Học ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ lấy bằng tiến sỹ?
Liệu ông Tập Cận Bình có nhiệm kỳ thứ ba?
Các đảng phái tụ về ‘ngợi ca’ Chủ tịch Tập
Âm thầm, nhưng chắc chắn ông Tập Cận Bình đã thay đổi cách thức mà đất nước của ông được cai trị.
Ông Tập đã trở thành chủ tịch nước vào năm 2012, và nhanh chóng củng cố quyền lực cá nhân trong khi cũng củng cố Trung Quốc như một siêu cường khu vực.
Ông cũng mở cuộc chiến chống tham nhũng, trừng phạt hơn một triệu đảng viên cộng sản – điều đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của ông.
Tuy nhiên, đồng thời Trung Quốc đã kìm hãm tự do đang nổi lên, tăng cường các chương trình theo dõi và kiểm duyệt nhà nước.
Giới chỉ trích cũng nói ông Tập đã sử dụng việc chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ chính trị.
http://www.bbc.com/vietnamese/43365556
Tổng thống Trump ân xá,
ca ngợi thủy thủ chụp hình tàu ngầm bất hợp pháp
Washington, DC. (CBS) – Tòa Bạch Ốc thông báo, Tổng Thống Trump ân xá cho một thủy thủ Hải Quân, người chụp hình các khu vực bí mật bên trong tàu ngầm, và đã thụ án 1 năm tù tại tòa án liên bang.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết Kristian Saucier được Tổng Thống Trump ân xá, và đánh giá cao sự phục vụ quốc gia của ông. Theo bà Sanders, thủy thủ Saucier được các bạn đồng ngũ công nhận khả năng cống hiến và tinh thần yêu nước. Hôm Thứ Bảy 10 tháng 3, ông Trump chúc mừng Saucier vì vừa được tự do.
Vào năm 2016, Saucier nhận tội cầm giữ thông tin quốc phòng trái phép, vì chụp hình bên trong tàu USS Alexandria khi tàu đóng ở Groton, Connecticut vào năm 2009. Ông Trump thường đề cập thới trường hợp của Saucier, khi chỉ trích đối thủ thuộc đảng Dân Chủ Hillary Clinton vì bà sử dụng máy chủ email cá nhân. Trong tin nhắn trên Twitter vào tháng Giêng vừa qua, ông Trump chỉ trích hệ thống liên bang vì đã trừng phạt một thủy thủ, thay vì một phụ tá hàng đầu của bà Clinton.
Đây là lần ân xá thứ 2 của Tổng Thống Trump. Ông ân xá cho Joe Arpaio, cựu cảnh sát trưởng 6 nhiệm kỳ ở Phoenix vào tháng 8 năm ngoái. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-an-xa-ca-ngoi-thuy-thu-chup-hinh-tau-ngam-bat-hop-phap/
Bộ Trưởng Tư Pháp:
các “nhà hoạt động- thẩm phán” đang vượt quyền hạn
Washington, DC. (Reuters) – Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions chỉ trích ngạch pháp lý của chính phủ liên bang đã đóng băng nhiều lệnh hành pháp của Tổng Thống Donald Trump, bao gồm lệnh cấm du hành và tài trợ cho các thành phố trú ẩn.
Người đứng đầu ngành thực thi pháp luật nói với nhóm bảo thủ pháp lý Hội Federalist rằng, tất cả các tòa án đều có quyền quyết định các trường hợp cụ thể và các vụ tranh cãi, nhưng họ không nên có ý kiến trong vấn đề chính sách. Các ngạch chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân cần phải cho họ sự tôn trọng đúng mức.
Ông Sessions nói các lệnh của tòa án liên bang trên toàn quốc đã đi quá quyền tư pháp của ngành lập pháp và hành pháp. Các lệnh cấm trên toàn quốc là phán quyết của tòa, cấm chính phủ liên bang thực thi những luật pháp chống lại bất kỳ ai trong nước trước khi xét xử, bao gồm cả những người không phải là bên nào trong một vụ kiện.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng năm ngoái, lệnh hành pháp của Tổng Thống Trump đã áp đặt 22 lệnh cấm, bao gồm lệnh cấm du hành năm 2017. Ngoài ra, quyết định của ông Trump để cắt tài trợ cho các thành phố trú ẩn, khôi phục lệnh cấm quân nhân chuyển giới, và thay đổi yêu cầu bảo hiểm tránh tai của Obamacare đã bị các lệnh tòa án ngăn chặn. Cần sa bị luật liên bang cấm, nhưng hợp pháp tại một số tiểu bang. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/bo-truong-tu-phap-cac-nha-hoat-dong-tham-phan-dang-vuot-quyen-han/
Tổng thống Trump miễn trừ thuế nhập cảng cho Úc
Washington, DC. (Reuters) – Thủ Tướng Úc Malcomlm Turnbull tuyên bố ông hài lòng khi Tổng Thống Trump làm việc để đạt được thỏa thuận, bảo đảm Úc không phải chịu thuế nhập cảng thép và nhôm.
Hôm qua 9 tháng 3, Tổng Thống Trump thông báo ông đã nói chuyện với Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull và họ đang làm việc để đạt được thỏa thuận, theo đó Úc sẽ không phải chịu thuế nhập cảng thép và nhôm của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ mở đường cho việc miễn trừ thuế nhập cảng thép và nhôm cho thêm nhiều nước vào hôm Thứ Sáu 9 tháng 3, sau khi chịu áp lực từ các đồng minh và vận động hành lang mạnh mẽ từ các nhà lập pháp, tiếp tục giảm các điều khoản, chỉ 1 ngày sau khi chính thức được công bố.
Ông Trump nhắn tin trên Twitter rằng ông Turnbull cam kết có mối quan hệ thương mại và quân sự công bằng và đối ứng. Họ đang làm việc rất nhanh cho một thỏa thuận an ninh để Hoa Kỳ không phải áp đặt thuế nhập cảng thép vào nhôm đối với đồng minh của mình.
Úc là một nước xuất cảng toàn cầu nhỏ, mặc dù là một trong những nhà cung cấp quặng sắt thô lớn nhất thế giới. Dữ liệu chính phủ cho thấy năm ngoái, xuất cảng thép và nhôm của Úc vào Hoa Kỳ chỉ đạt hơn 400 triệu Mỹ kim. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-mien-tru-thue-nhap-cang-cho-uc/
Ông Trump bác đề nghị của tổng thống Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/3 tuyên bố rằng ông đã bác bỏ một đề nghị từ Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, yêu cầu ông nói rằng Mexico sẽ không phải trả tiền cho dự án xây tường ngăn trên biên giới với Mỹ.
Tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania cho một ứng viên quốc hội thuộc đảng Cộng hòa, ông Trump đã đề cập một số chi tiết của cú điện thoại gây căng thẳng và dẫn tới việc hoãn hoạch định chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Mexico tới Nhà Trắng, theo Reuters.
Ông Trump nêu lên chuyện này khi đám đông hô vang, “Xây bức tường đó”.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông Pena Nieto là một “người rất lịch thiệp” và đã nêu yêu cầu một cách lịch sự.
Ông Trump nói: “Ông ấy nói, ‘Ngài tổng thống, tôi muốn ngài ra tuyên bố rằng Mexico sẽ không trả tiền cho bức tường đó”.
Tổng thống Mỹ đáp, theo Reuters: “Tôi nói, ‘Ngài mất trí à? Tôi sẽ không ra tuyên bố như vậy”.
Viết trên Twitter tối 10/3, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray lặp lại quyết tâm không trả tiền xây tường của nước này.
Ông viết: “Trong cuộc điện đàm hôm 20/2, Tổng thống EPN (Enrique Pena Nieto) nhấn mạnh rằng tất cả người dân Mexico luôn nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ trả, dưới bất kỳ hình thức nào, cho một bức tường trên biên giới”.
Chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Mexico tới Washington vẫn chưa được hoạch định lại.
Con rể đồng thời là cố vấn cấp cao của ông Trump, Jared Kushner, tới Mexico City tuần trước để tìm cách làm dịu căng thẳng giữa hai nước.
Theo Reuters, ông Trump dự kiến sẽ tới thăm một mô hình bức tường ông muốn xây dựng lâu nay ở San Diego ngày 13/3.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-bac-de-nghi-cua-tong-thong-mexico/4291829.html
Putin:
Tôi không màng tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông không màng đến chuyện Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bởi vì các hành động này không liên quan đến chính phủ của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NBC News của Mỹ phát sóng hôm thứ Bảy, ông Putin cũng gợi ý rằng một số trong số 13 người Nga bị Mỹ truy tố có thể không phải là người sắc tộc Nga.
“Có lẽ họ thậm chí không phải là người Nga, mà là người Ukraine, người Tatar hay người Do Thái, nhưng mang quốc tịch Nga, chuyện đó cũng cần kiểm tra,” ông nói.
Ông Putin trả lời cộc lốc khi người phỏng vấn Megyn Kelly hỏi liệu ông có chấp thuận sự can thiệp bị cáo buộc trong bản cáo trạng của Mỹ hồi tháng trước do công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra hay không.
“Tất cả đều như nhau đối với tôi. Hoàn toàn không có gì khác biệt bởi vì họ không đại diện chính phủ,” ông Putin trả lời, theo bản ghi cuộc phỏng vấn bằng tiếng Nga được Điện Kremlin đăng hôm thứ Bảy.
Ông Putin nói rằng Nga không có công cụ mà cũng chẳng có ý chí can dự vào cuộc bầu cử. Ông nhiều lần phàn nàn trong cuộc phỏng vấn rằng Washington đã gạt phăng các sáng kiến của Nga hợp tác về các vấn đề an ninh mạng.
“Nhưng Mỹ từ chối hợp tác như vậy và thay vào đó ném 13 người Nga cho giới truyền thông,” ông nói, rồi nêu ra khả năng là những người này thuộc các sắc dân nói trên và do đó “không phải là người Nga.”
“Có thể họ có quốc tịch kép hoặc thẻ xanh; không chừng Mỹ trả tiền để họ làm chuyện này. Sao mà biết được? Tôi cũng đâu có biết,” nhà lãnh đạo Nga nói.
Ông Putin tuyên bố Mỹ “luôn” can thiệp vào các cuộc bầu cử của Nga nhưng “chúng tôi không thể” làm điều như vậy.
“Thứ nhất, chúng tôi có những nguyên tắc mà theo đó chúng tôi không cho phép nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi và không can thiệp vào công việc của nước khác…Thứ hai, chúng tôi không có số lượng công cụ này,” ông nói.
Cuộc phỏng vấn của NBC News được thực hiện theo hai phần, vào ngày 1 và ngày 2 tháng 3. Cô Kelly lưu ý rằng ông Putin đưa ra phát biểu về việc không có công cụ để phá bầu cử của Mỹ ngay sau khi ông tuyên bố Nga đã phát triển được vũ khí hạt nhân mới.
“Đây không phải là phi đạn. Đây là một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn khác,” ông Putin trả lời.
Chính quyền Trump
đệ trình đề xuất về kiểm soát súng
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy đã xúc tiến kế hoạch áp đặt lệnh cấm lên thứ được gọi là “bump stock,” một thiết bị cho phép súng nhả đạn liên tục như vũ khí tự động, như trong vụ thảm sát năm ngoái ở Las Vegas.
Bộ Tư pháp chính thức đệ trình đề xuất cấm bán thiết bị này trình cho Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
“Tổng thống Trump hoàn toàn quyết tâm đảm bảo an toàn và an ninh cho mọi người Mỹ và ông đã chỉ đạo chúng tôi đề xuất một quy định nhằm giải quyết bump stock,” Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói trong một thông cáo.
Bộ phải hoàn tất một quá trình lâu dài trước khi đề xuất lệnh cấm trở thành hiện thực. Hành động này không đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội, cho phép chính quyền tránh được áp lực từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và các tổ chức vận động cho quyền sở hữu súng khác.
Ông Trump đã kí một bản thông tri hồi tháng trước chỉ đạo Bộ Tư pháp đề xuất một thay đổi quy định, giờ phải được Văn phòng Quản lý và Ngân sách chấp thuận trước khi nó được công bố để công chúng góp ý trong một khoảng thời gian.
NRA chưa bình luận ngay tức thì về hành động mới nhất của chính quyền nhưng trước đó đã nói họ sẽ chờ cho đến khi đề xuất quy định này được công bố trước khi đưa ra một lập trường.
Hôm thứ Sáu, NRA nói họ dự định khởi kiện bang Florida về việc ban hành đạo luật kiểm soát súng, trong đó độ tuổi mua súng tối thiểu được nâng từ 18 lên 21.
Các luật sư NRA đang yêu cầu thẩm phán liên bang ngăn chặn giới hạn độ tuổi mới này, lập luận rằng nó vi phạm Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Thống đốc Florida Rick Scott, người theo Đảng Cộng hòa và lâu nay là đồng minh của NRA, kí ban hành đạo luật này ngày thứ Sáu sau khi cơ quan lập pháp tiểu bang do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật.
NRA khẳng định luật này “trừng phạt những chủ sở hữu súng tuân thủ luật pháp vì những hành vi phạm tội của một cá nhân bị rối loạn tâm thần.”
Ngoài giới hạn độ tuổi mới, luật của Florida cũng quy định khoảng thời gian chờ đợi ba ngày để mua súng trường, trước đây chỉ áp dụng cho súng ngắn. Nó cũng cấm thiết bị bump stock.
Luật cũng thiết lập một chương trình được gọi là “người giám hộ” cho phép nhân viên nhà trường mang vũ khí nếu họ muốn và nếu họ hoàn tất khóa đào tạo của cơ quan chấp pháp.
Đạo luật này được ban hành ba tuần sau khi một tay súng bắn chết 17 người tại trường trung học phổ thông Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida.
Các học sinh của trường đã tích cực vận động cho các quy định kiểm soát súng gắt gao hơn, bao gồm một lệnh cấm vũ khí kiểu tấn công. Lệnh cấm này không được đưa vào dự luật cuối cùng.
Nhà chức trách nói tay súng bị buộc tội, Nikolas Cruz, đã mua hợp pháp khẩu súng trường tấn công AR-15 được sử dụng trong vụ thảm sát. Anh ta 18 tuổi lúc mua súng.
NRA, tổ chức có tới 5 triệu thành viên, là một trong những nhóm vận động hành lang hùng mạnh nhất ở Mỹ về quyền sở hữu súng. Được thành lập vào năm 1871, tổ chức này có tôn chỉ hoạt động là giáo dục quần chúng về vũ khí và bảo vệ quyền sở hữu súng được minh định trong Tu chính án thứ hai Hiến pháp Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-de-trinh-de-xuat-ve-kiem-soat-sung/4291154.html
Tay súng, 3 con tin tử vong
tại cơ sở cựu chiến binh ở California
Nhà chức trách California đã công bố danh tính của tay súng và ba con tin mà anh ta hạ sát hôm thứ Sáu tại một nơi cư ngụ của cựu chiến binh ở Bắc California.
Kẻ tình nghi được xác định danh tính là Albert Wong, 36 tuổi, được tìm thấy đã chết vào tối thứ Sáu tại Nhà Cựu chiến binh California-Yountville.
Các con tin thiệt mạng đều là nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Pathway Home, một cơ sở dành cho cho các cựu chiến binh tác chiến mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Những người này là Christiane Loeber, 48 tuổi; Jen Golick, 42 tuổi; và Jennifer Gonzalez, 29 tuổi.
Tổng thống Donald Trump sáng thứ Bảy nói trên Twitter: “Chúng tôi hết sức đau buồn về tình cảnh bi thảm ở Yountville và tiếc thương sự ra đi của ba người phụ nữ tuyệt vời chăm sóc các cựu chiến binh của chúng ta.”
Pathway Home nói trong một thông cáo: “Những người phụ nữ can đảm này là những chuyên viên xuất sắc, tận tụy với sự nghiệp phục vụ các cựu chiến binh của đất nước chúng ta, làm việc chặt chẽ với những người cần được chú ý tới nhất.”
Nhà chức trách cho biết Wong hồi gần đây đã được yêu cầu rời khỏi một chương trình tại Pathway. Chưa rõ ngay tức thì lí do anh ta rời đi.
Giới hữu trách nói rằng tay súng mắc chứng PTSD và đã từng phục vụ ở Trung Đông.
Các thi thể được phát hiện gần tám giờ sau khi Wong đi vào một cuộc họp của nhân viên Pathway.
Chưa rõ ngay tức thì tay súng và con tin tử vong vào lúc nào. Nhà chức trách trước đó đã cố gắng liên lạc với tay súng suốt cả ngày.
Các cuộc trao đổi qua bộ đàm giữa cảnh sát và nhân viên điều phái ứng cứu, theo tờ San Francisco Chronicle, mô tả anh ta “đeo một dải băng đạn quanh cổ” và thắt lưng.
Sở Cựu chiến binh California mô tả cơ sở của họ ở Yountville “là nhà cựu chiến binh lớn nhất ở Mỹ, cung cấp nơi cư ngụ với nhiều hoạt động giải trí, xã hội và trị liệu cho khoảng 1.000 cựu chiến binh lớn tuổi và tàn tật.
Paris : Khỏa thân xem triển lãm nghệ thuật đương đại
Lần đầu tiên một bảo tàng ở Paris đón du khách không quần áo tham dự triển lãm. Chuyến viếng thăm đặc biệt nói trên do sáng kiến phối hợp giữa bảo tàng Palais de Tokyo và Hiệp Hội Khỏa Thân Paris (ANP). Mục tiêu tham quan là cuộc triển lãm « Discorde, fille de la nuit », giới thiệu tám trưng bày của các nghệ sĩ đương đại, có tham vọng đưa ra những góc nhìn đa chiều, mới lạ về « xã hội hiện đại », về lịch sử dữ dội của thế kỷ XX, đầu XXI.
Theo AFP, cuộc tham quan miễn phí diễn ra vào buổi sáng tinh mơ ngày 05/05/2018, ngoài giờ tham quan bình thường. Vé tham quan được bán trên mạng, đã hết ngay sau hai ngày công bố. Bà Dolores Gonzales, người phụ trách báo chí của bảo tàng Palais de Tokyo (tên chính thức là Cung Các Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại) cho biết sáng kiến trên là « một thử nghiệm », « bởi chúng ta đã thấy kinh nghiệm thành công của loại hình tham quan này…vậy tại sao lại không tiếp tục ? ».
Theo almanart.org, một trang mạng chuyên giới thiệu về văn hóa Paris, các trưng bày tại triển lãm « Discord, fille de la nuit » (tạm dịch là : Mối bất hòa, đứa con của đêm tối), « có phần bí hiểm và khác thường, nhưng rất gây ấn tượng ». Mỗi nghệ sĩ tham gia triển lãm đưa ra một cái nhìn riêng về lịch sử đương đại, từ cuộc tắm máu khủng khiếp mở đầu cho thế kỷ 20, cho đến vụ tháp đôi ở Hoa Kỳ bị đánh gục, mở đầu cho thế kỷ 21.
Xung đột, bạo lực là kinh nghiệm đau đớn của nhân loại lâu nay, cũng là ám ảnh của nghệ thuật, với các nghệ sĩ danh tiếng như Bosch, Goya, Picasso. Và giờ đây đến lượt Jean-Jacques Lebel, Kader Attia, Neïl Beloufa, Marianne Mispelaëre hay Massinissa Selmani (các tác giả có mặt tại Palais de Tokyo), với các trưng bày mang những tên gọi gợi suy nghĩ như : « L’enemi de mon enemi » (Kẻ thù của kẻ thù của tôi)…
Vẫn theo mạng almanart, bên cạnh các chủ đề xung đột, bạo lực, thì tình huynh đệ, cuộc nổi dậy chống lại cái ác cũng là các đề tài xuyên suốt cuộc triển lãm « Discorde, fille de la nuit ».
Triển lãm sẽ được mở cửa đến ngày 13/5/2018. Bà Dolores Gonzales, người phụ trách báo chí của bảo tàng Palais de Tokyo cho biết, riêng với các vị khách khỏa thân trong chuyến tham quan đặc biệt sáng sớm ngày 05/05, nếu muốn xem tiếp các trưng bày, cần trở lại với trang phục thường ngày. Bảo tàng Palais de Tokyo chưa có ý định tổ chức thêm một cuộc viếng thăm khác dành riêng cho khách khỏa thân, trong thời gian tới.
http://vi.rfi.fr/phap/20180311-paris-khoa-than-xem-trien-lam-nghe-thuat-duong-dai
Iran và Serbia nối lại đường bay trực tiếp
sau 27 năm gián đoạn
Trong kỳ nghỉ cuối tuần này, đường bay trực tiếp giữa Iran và Serbia, quốc gia vùng Balkan không thuộc Liên Hiệp Châu Âu, đã được nối lại, sau 27 năm gián đoạn, sau khi Liên Bang Nam Tư tan vỡ.
Thông tín viên Laurent Rouy tường trình từ Belgrad:
« Chiếc máy bay của hãng Iran Air, khai trương tuyến hàng không Teheran – Belgrade, đã hạ cánh hôm qua (10/03/2018) tại phi trường Nikola Tesla. Hành khách của chuyến bay là các khách du lịch Iran viếng thăm thăm thủ đô Serbia. Việc đi lại trở nên dễ dàng, bởi kể từ tháng Giêng năm nay, họ không cần visa để đến quốc gia châu Âu này.
Tuyến đường bay mới đắt khách ngoài tưởng tượng, toàn bộ vé cho đến cuối hè đều đã bán hết. Từ đây đến cuối tháng, thêm một hãng hàng không khác, hãng Queshm Air, cũng sẽ khai thác tuyến đường này để tranh thủ một phần thị trường.
Kể từ khi visa vào Serbia được dỡ bỏ, khoảng 7.000 khách du lịch Iran đã tới Belgrade. Một vài người trong số họ đã tranh thủ cơ hội này trốn khỏi Iran, để đến Serbia xin tị nạn. Đã có hơn 400 đơn tị nạn được đệ trình.
Theo một tổ chức phi chính phủ chuyên về di cư, khá nhiều khách du lịch Iran sau đó đã tìm cách lọt vào Liên Âu. Tuyến đường hàng không mới giữa Iran và Serbia như vậy có thể trở thành con đường nhập cư lậu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180311-iran-va-serbia-noi-lai-duong-bay-truc-tiep-sau-27-nam-gian-doan
Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời ra đời
Hôm nay 11/03/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức khai trương Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời tại New Delhi. Mục tiêu của liên minh này là thúc đẩy mạnh năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển, đa số nằm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vốn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng cũng là nơi điện mặt trời rất kém phát triển.
Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời phải vượt qua nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này, trước hết là làm sao để công nghệ điện mặt trời thích nghi được với các điều kiện khí hậu, môi trường tại chỗ.
Thông tín viên Sebastien Farcis tường trình từ New Delhi:
Một trong các nguyên tắc chính của Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời là tập hợp nhu cầu của hàng chục quốc gia thành viên, để đưa ra các đơn đặt hàng chung, nhờ vậy mà hạ được giá cả. Đây cũng chính là đề nghị của Ấn Độ, khi gọi thầu 500.000 máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời, để đáp ứng như cầu của nhiều nước châu Á và châu Phi.
Đây là một nỗ lực đúng hướng, nhưng khó áp dụng, theo ông Vinay Rustagi, giám đốc văn phòng tư vấn về năng lượng tái tạo Bridge to India. Ông nói : « Các tiêu chuẩn và nhu cầu kỹ thuật của các nước rất khác biệt, cũng như cách kinh doanh và quản lý các chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ phải lưỡng lự khi tham gia vào các thông báo mời thầu, phục vụ thị trường nhiều nước châu Phi hay Mỹ Latinh ».
Theo chuyên gia này, ngược lại, Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời mới ra đời có thể góp phần cải thiện công nghệ sản xuất tấm pin. Ông giải thích : « Phần lớn các công nghệ này được phát triển tại phương Tây và cho phương Tây, là nơi có khí hậu khô và không khí sạch. Như vậy, các tấm pin sản xuất theo lối này sẽ ít hiệu quả tại Ấn Độ, nơi không khí bị ô nhiễm, nhiều bụi bặm và khí hậu rất nóng. Vậy là công nghệ điện mặt trời cần phải thích ứng với các nước châu Phi và châu Á, và Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời phải giữ được một vai trò trong hướng cách tân này ».
Mục tiêu liên minh đề ra là huy động được 800 tỉ euro, từ đây đến 2030, cho đầu tư và nghiên cứu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180311-lien-minh-nang-luong-mat-troi-ra-doi
Cuba bầu Quốc Hội, sang trang lịch sử Castro
Chủ nhật 11/03/2018, ngày bầu cử Quốc Hội Cuba mà kết quả được biết trước như thông lệ bởi vì con số ứng cử viên, 650 người ngang bằng với số ghế. Điểm khác biệt duy nhất là trong số những đại biểu này, có một người sẽ thay thế chủ tịch Raul Castro vào tháng Tư tới.
Về mặt hình thức, mọi việc vẫn như cũ : 8 triệu dân Cuba đi bỏ phiếu theo một tiến trình do chế độ Cộng sản kiểm soát chặt chẽ.
Ứng cử viên có thể là người ngoài đảng Cộng sản Cuba, nhưng lý lịch bị rà soát kỹ lưỡng. Không một nhà hoạt động nhân quyền hay đối lập với chế độ được chấp thuận. Một hệ thống được khóa chặt dựa trên nền tảng « xứng đáng và theo đúng quyết tâm của nhân dân », như lời giải thích của chủ tịch Raul Castro.
Thế mà, cuộc bầu cử Quốc Hội lần này là một bước ngoặt ghi dấu bước đầu kết liễu thời đại anh em Castro. Số 625 tân đại biểu sẽ bầu 31 ủy viên Hội Đồng Nhà Nước, và cơ quan này sẽ chọn một trong các ủy viên lên làm chủ tịch Cuba.
Đây là lần đầu tiên vị chủ tịch nước không mang họ Castro.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180311-cuba-bau-quoc-hoi-sang-trang-lich-su-castro
Hồng Kông : Bầu cử Quốc Hội giữa kỳ
mang tính biểu tượng cao
Gần hai triệu người Hồng Kông, tức phân nửa số cử tri, hôm nay 11/03/2018 đi bầu Quốc Hội giữa kỳ. Cuộc bầu cử này mang tính biểu tượng cao, nhằm chọn ra bốn dân biểu thay cho bốn người đã thắng cử hồi tháng 9/2016 nhưng không chịu tuyên thệ trung thành với Bắc Kinh.
Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :
« Bốn ghế dân biểu được đưa ra bỏ phiếu hôm nay, đều đã rơi vào tay các ứng cử viên dân chủ hồi tháng 9/2016. Tại Quốc Hội Hồng Kông, người ta phân biệt rõ trong số 70 dân biểu, người nào thân Trung Quốc và những ai ủng hộ dân chủ – có nghĩa là « đối lập ».
Do Bắc Kinh can thiệp, áp đặt các quy định mới siết chặt thủ tục tuyên thệ, sáu dân biểu đã bị loại, và phe đối lập mất đi túc số đủ để ngăn chận các đạo luật. Điều quan trọng đối với đối lập là thu hồi lại những ghế đã mất, hay ngược lại, đành để cho các đảng thân Bắc Kinh chiếm được.
Chính quyền gây phức tạp thêm cho phe đối lập bằng cách bác bỏ nhiều ứng cử viên, lấy cớ là các ứng viên này không « chân thành ái quốc ». Đó là trường hợp của cô Chu Đình (Agnes Chow), 21 tuổi, muốn tranh chiếc ghế dân biểu Hồng Kông mà La Quán Thông (Nathan Law) – đồng sáng lập đảng đối lập Demosisto – đã giành được năm 2016 ; nhưng cô bị loại khỏi danh sách.
Một số người đánh giá cuộc bầu cử giữa kỳ này có giá trị như một cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ hay phản đối Trung Quốc.
Nếu số người đi bầu ít ỏi, hoặc các ứng cử viên thân Bắc Kinh giành chiến thắng, thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy người Hồng Kông đã cam chịu trước sự can thiệp liên tục và có hệ thống của Trung Quốc.
Còn nếu ngược lại, đối lập một lần nữa chiến thắng, giành lại được bốn ghế dân biểu này, thì đây sẽ là một thông điệp của người Hồng Kông gởi đến Bắc Kinh, rằng hăm dọa vẫn chẳng đạt được gì ».
Theo AFP, ba lãnh tụ phong trào « Cách mạng Dù », trong đó có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hôm nay khi đến ủng hộ ứng cử viên Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin) đã bị một nhóm người thân Bắc Kinh gây hấn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180311-hong-kong-bau-cu-quoc-hoi-giua-ky-mang-tinh-bieu-tuong-cao
Kim Jong Un ‘‘hài hước’’ khi tiếp phái đoàn Hàn Quốc
Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đột ngột chuyển biến mạnh với sự kiện Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, cho phép hai miền Triều Tiên xích lại nhau một cách ngoạn mục. Đặc biệt đáng chú ý là chuyến đi miền Bắc của phái đoàn cao cấp miền Nam. Theo tiết lộ của hai quan chức tham gia phái đoàn trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên, nhân vật mà tổng thống Mỹ mệnh danh là « nhóc tì tên lửa » (Little Rocket Man) tỏ ra là một người biết đùa và lịch thiệp.
Hãng tin Reuters dẫn lại hai nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc xin ẩn danh, cho hay trong bữa tiệc khoản đãi các vị khách miền Nam ngày thứ Hai (05/03/2018), lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỏ ra « ý thức rõ » về hình ảnh rất bất lợi cho mình trên truyền thông quốc tế, và thậm chí đã nhiều lần đưa ra các bình luận hài hước, « nhẹ nhàng ». Bữa tiệc với rất nhiều rượu soju Triều Tiên truyền thống và đặc sản mỳ lạnh (món naengmyeon), diễn ra chỉ ít giờ sau khi phái đoàn miền Nam đặt chân tới Bình Nhưỡng.
Theo ghi nhận của quan chức phủ tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc hội kiến với đoàn miền Nam, ông Kim Jong Un là người đầu tiên đề cập đến các chủ đề « nhạy cảm », như khả năng Mỹ – Hàn nối lại các tập trận song phương, vốn được hoãn lại để tạo điều kiện cho Thế Vận Pyeongchang diễn ra suôn sẻ. Nhân vật này tâm sự : « chính lúc đó, chúng tôi nhận ra rằng các nỗ lực của hai miền Nam Bắc Triều Tiên, khởi sự từ khi tổng thống Moon Jae In nhậm chức (đầu năm 2017), nay đã mang lại kết quả ».
Trong bữa tiệc tiếp phái đoàn Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói vui là, việc Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa sẽ giúp cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In không phải thức dậy vào mỗi sáng sớm, để chủ trì cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia.
Ông Kim Jong Un còn nói thêm : « Nếu đàm phán có bị gián đoạn, căng thẳng trở lại, tổng thống (Hàn Quốc) và tôi có thể dễ dàng giải quyết với một cú điện thoại » qua đường dây nóng, mà Seoul và Bình Nhưỡng dự định thiết lập.
Cũng theo nguồn tin trên, lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên tỏ ra rất thân mật và « bình đẳng » với vợ, bà Ri Sol Ju, điều có thể gây ngạc nhiên đối với các thành phần bảo thủ trong xã hội Hàn Quốc.
Thận trọng về mức độ hài hước của lãnh đạo họ Kim
Về mức độ hài hước của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, chính quyền Hàn Quốc dù sao cũng tỏ ra dè dặt. Theo Yonhap, trong một thông báo hôm qua, Nhà Xanh – tức phủ tổng thống Hàn Quốc – đã bác bỏ một số lời nói đùa, được cho là của Kim Jong Un, mà một số tờ báo loan tải, đặc biệt là việc ông Kim hài hước về chuyện mình bị giễu là người « vừa béo, vừa lùn ».
Người phát ngôn phủ tổng thống Hàn Quốc lưu ý : « chỉ có năm đặc phái viên Hàn Quốc tham gia vào bữa ăn tối nói trên » mới biết được chính xác là « chủ tịch Bắc Triều Tiên » thực sự nói gì, và truyền thông không nên đưa ra những bình luận có thể gây tổn hại cho quá trình hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên.
Không khí bông đùa dường như lây lan
Dù sao, không thể không ghi nhận một điều là quan hệ giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã thay đổi đột ngột. Từ chỗ căng thẳng gần như tột cùng, với các lời lẽ đe dọa dữ dội khiến chiến tranh tưởng như đã cận kề, ngay trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, chỉ mới hồi cuối năm ngoái, giờ đây lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ vừa quyết định sẽ tổ chức các hội kiến trong tháng Tư và tháng Năm tới.
Không khí « vui đùa » dường như cũng lan sang cả giới quân sự. Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, hôm thứ Năm tuần trước (08/03), trong buổi làm việc với đô đốc Scott Swift tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo còn tuyên bố « quan hệ Nam – Bắc » đang có triển vọng cải thiện, Mỹ có thể không cần đưa thêm các vũ khí chiến lược, như tàu ngầm hạt nhân, tham gia tập trận như mọi năm.
Lời nói đùa của bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc bị chỉ trích mạnh trong một bộ phận công luận, người ta phê phán ông có những nhận định bất cẩn vào « một thời điểm nhạy cảm ». Ngay sau đó, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã có lời cải chính, cho rằng đây chỉ là một câu nói « bông đùa », nhưng cũng là một cách để cảm ơn chỉ huy hải quân Mỹ – chuẩn bị về hưu – về những nỗ lực « không mệt mỏi » của ông hậu thuẫn Hàn Quốc đối phó với Bắc Triều Tiên trong những năm vừa qua. Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc nhân dịp này nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa hai đồng minh nhằm duy trì đà đối thoại giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên, được khởi động trở lại nhân Thế Vận Hội Pyeongchang.