Tin Biển Đông – 10/03/2018
Tàu sân bay Mỹ rời Việt Nam,
Bắc Kinh tỏ ý bực tức về chuyến thăm
Hải đội tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã rời Đà Nẵng sáng hôm qua 09/03/2018 sau chuyến ghé cảng hữu nghị kéo dài 4 ngày. Chuyến thăm được hầu hết các nhà quan sát đánh giá là một tín hiệu gửi tới Bắc Kinh về quyết tâm của Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông. Phản ứng chính thức, nhưng gián tiếp, của Bắc Kinh về chuyến đi này rốt cuộc đã được ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra ngày 08/03, khi ông tố cáo các « thế lực bên ngoài » tìm cách « khuấy động » tình hình yên ổn của khu vực.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề khóa họp Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ghi nhận sự kiện một vài « thế lực bên ngoài »khu vực đang toan tính « khuấy động » căng thẳng trong khu vực Biển Đông mà theo ông đang yên ổn.
Riêng báo Hồng Kông South China Morning Post thì ghi nhận lời đả kích gián tiếp của ngoại trưởng Trung Quốc nhắm vào vụ tàu sân bay Mỹ ghé cảng Đà Nẵng khi ông tuyên bố : « Việc phái một chiến hạm với đầy đủ vũ khí và phi cơ đến để phô trương sức mạnh đã trở thành nguyên do lớn nhất gây xáo trộn cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông ».
Ngoại trưởng Vương Nghị đã lên tiếng đả kích Mỹ cho tàu chiến vào Biển Đông, trong lúc một viên tướng Trung Quốc không ngần ngại đòi chính quyền Bắc Kinh phải xây dựng cơ sở phòng thủ trên các hòn đảo ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Theo hãng tin Mỹ AP, trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó chủ nhiệm Học Viện Quân Sự Trung Quốc đồng thời là đại biểu Quốc Hội, đã tuyên bố như trên khi tiếp xúc với giới báo chí Trung Quốc và nước ngoài bên lề kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc.
Theo hãng AP, tướng Hà Lôi đã đòi xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trên Biển Đông, nhưng lại từ chối bình luận về việc Trung Quốc cho triển khai máy bay quân sự đến các đảo này, cho rằng đó là những hoạt động hoàn toàn mang tính chất nội bộ của Trung Quốc, thực hiện tại những vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180310-tau-san-bay-my-roi-viet-nam-bac-kinh-to-y-buc-tuc-ve-chuyen-tham
Mỹ-CSVN Liên Minh: KHông Đâu
Vi Anh
Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson [HKMH] hôm 05/03/2018 đến VNCS, vào Đà Nẵng, cập Cảng Tiên sa ở đấy suốt 5 ngày.
Có lẽ sợ TC giận hờn hại cho cá nhân, không thấy đại cán Đảng Nhà Nước trung ương nào có mặt tiếp đón phái đoàn Mỹ. Chỉ có Giám đốc Sở Ngoại vụ của TP Đà nẵng đến chào đón HKMH Carl Vinson, trong đó có Tư Lịnh Hạm đội 7 và Đại sứ Mỹ từ Hà nội bay vào.
Hàng ngàn hải quân Mỹ lên bờ công tác dân vận, nghỉ ngơi, giải trí vui chơi. Nhà hàng, nhà ngủ, tiệm quán thu Mỹ kim đếm mỏi tay. Hàng chục sĩ quan quân đội CSVN trong khi thăm viếng HKMH tranh nhau mua quà lưu niệm như họp quẹt Zippo về bán giá gấp đôi. Còn dân chúng VN mừng khấp khởi; thế hệ lớn tuổi truyền nhau câu sấm: “Mỹ đi rồi Mỹ lại về. Giặc đụng bồ đề, thì giặc phải tan.”
Thực vậy, dù sao đây cũng là một bước ngoặt ngoại giao, một sự kiện lich sử giữa VN và Mỹ. Ngay thời Chiến Tranh VN, Mỹ đổ bộ quân ào ạt vào VN qua Đà nẵng nhiều lần, lên đến gần nửa triệu, Hạm đội 7 của Mỹ tuần tra liên tục ngoài biển VN nhưng chưa bao giờ có một HKMH Mỹ vào VN Cộng Hoà bất cứ ở cảng nào, kể cả Đà Nẵng hay Cam Ranh là căn cứ Hải Quân lớn nhứt ở Đông Nam Á. Bây giờ thời CSVN tin HKMM Carl Vinson đến Đà nẵng, có tin nói HKMH USS Carl Vinson là một biểu tượng ngoại giao mạnh, một biểu tượng tích cực trong tương quan chiến lược Việt-Mỹ, dù theo giấy tờ cho đến bây giờ Hà nội và Washington chỉ hợp tác toàn diện chớ chưa phát triển đối tác chiến lược. Nên vấn đề đặt ra cần phân tích là: (1) liệu Mỹ có thể liên minh quân sự với CSVN hay không để bảo vệ tự do hàng hải; (2) và liệu CSVN có thể liên minh với Mỹ để có thế giành lại biển đảo bị TC xâm lấn ở Biển Đông không.
Vì dù chống chế độ CS cũng không thể không thấy chân lý lịch sử này. Muốn hay không muốn cũng thấy VN là một quốc gia dân tộc chống quân Tàu kiên trì, can trường nhứt. Ngay thời CSVN năm 1979 quân dân VN dù ít hơn đại quân của Đặng tiểu Bình tràn qua biên giới phía bắc VN, VN cũng đã đánh đuổi quân TC ra khỏi biên giới.
Và trong giai đoạn TC bành trướng muốn khống chế Biển Đông, quân sự hoá một số đảo của các nước láng giềng, VN bị TC chiếm nhiều biển đảo nhứt. TC mưu toan kiểm soát con đường hàng hải huyết mạch của thế giới qua đây đến đỗi Mỹ phải chuyển trục quân sự về Á châu Thái bình dương để bảo vệ tự do hàng hải, ổn định trên biển lớn này mà bên bờ có nước Mỹ. Mỹ từng chiến đấu chống CS Bắc Việt ở VN hai thập kỷ, đã
hy sinh hơn 58 ngàn quân giúp VN Cộng Hoà ngăn chận làn sóng Đỏ nên biết rõ VN dù là đang ở trong chế độ CS, dân tộc VN, dân chúng VN vẫn là một dân tộc có tinh thần bất khuất, có tiền cừu hậu hận với quân Tàu, có máu chống quân Tàu. Đảng Nhà Nước CSVN dù bị cái bóng đè của TC cũng thấy thế nước lòng dân Việt; CSVN bên ngoài “bằng mặt mà bên trong không bằng lòng” CS Trung Quốc luôn xâm chiếm, xâm thực VN, nên CSVN cũng không dám vượt qua ý nước, lòng dân, nên phải đi đu dây với Mỹ.
Còn Mỹ thì thấy CSVN cũng có một quân đội mạnh nhứt ở Đông Nam Á rất cần trong chiến lược ngăn chận đà bành trướng của TC là “đối thủ” của Mỹ theo tuyên bố của TT Trump.
Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ muốn ngăn chận làn sóng CS tiêu biểu là TC hướng về phía Nam nhuộm đỏ Đông Nam Á, Mỹ giúp VN Cộng Hoà làm tiền đồn chống CS và căn cứ địa ngăn cản.
Bây giờ ngược lại, thời TC bành trướng xuống Đông Nam Á, thì Mỹ thấy cần vận động CSVN vào hàng ngũ chống TC. Mỹ thấy CSVN về ngoại giao là chế độ chống đối TC đã chiếm cứ biển đảo của VN và giành giựt, cấm không cho VN khai thác dầu khí dù tự khai thác hay liên doanh với các nước.
Nguyên do Mỹ cho HKMH Carl Vinson cùng hai tàu hộ tống với trên dưới 6.000 thủy thủ, phi công… “đổ bộ” vào Đà Nẵng, cảng nằm không xa đảo Cá Voi Xanh nơi tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ đang khai thác và nhất là sát cạnh khu vực quần đảo Hoàng Sa, là CSVN muốn dựa thế Mỹ để bảo vệ chủ quyền của VN vì TC nhiều lần tuyên bố chủ quyền vùng thuộc chủ quyền TC.
Thông thường mạnh thì dùng sức, yếu thì dùng chước. CSVN nước nhỏ nên dùng mưu chước, vừa đấm vừa vuốt. CSVN biết rõ thế nào Bắc Kinh cũng theo dõi sát các hoạt động của USS Carl Vinson trong 5 ngày chiếc HKMH neo đậu tại Đà Nẵng. Nên theo một số các nguồn tin thông thạo được hãng tin Reuters trích dẫn, để trấn an Trung Quốc, từ nhiều tháng qua Hà Nội đã điều các chuyên gia đến Bắc Kinh để giải thích với nước láng giềng phương Bắc về triển vọng tăng cường hợp tác Việt-Mỹ. Các giới chức ngoại giao và quân sự Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại độc lập của Hà Nội và mong muốn mở rộng quan hệ quốc tế, duy trì mối bang giao ổn định với Bắc Kinh, bất chấp những tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao CSVN chánh thức chỉ tuyên bố HKMH Carl Vinson thăm Việt Nam, là ‘duy trì hòa bình khu vực’.
Nhưng Hoàn cầu Thời báo, tờ báo diều hâu và thượng tôn Hán tộc, nói lên tim đen bất mãn VN của TC. Tờ báo này của TC la làng lên sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để “kiềm tỏa” Bắc Kinh. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các HKMH Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung – Mỹ.
Nhưng Mỹ tỉnh bơ làm việc của mình. Thiếu tá Tim Hawkins phát ngôn viên của HKMH USS Carl Vinson nói “các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào “luật pháp quốc tế cho phép” trên vùng biển chiến lược này.
Qua những sự kiện và thời sự trên một số nhân sĩ gốc Việt ở hải ngoại từng theo sát thời cuộc, vận mạng nước nhà VN còn nằm trong gọng kềm CS có ý kiến trên các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, RFA, RFI, VOA. Trong phạm vi khuôn khổ khiêm tốn của bài này xin cố tóm lược ra để bà con cô bác rộng đường dư luận và nhận định.
Trên BBC, Tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng cựu Tổng Trưởng Kế hoạch VNCH, Phụ tá Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đặc trách liên lạc với Washington, cho biết qua BBC: Đại ý cho rằng lại một lần nữa VN có cơ hội đóng vai trò địa chính trị chiến lược trên thế giới, nhờ vào vị trí nhìn ra Biển Đông của Đà Nẵng.
Trên VOA, ý kiến của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore: chuyến thăm “có 7 phần tượng trưng và 3 phần thực chất”. Sự hiện diện này không phải là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của một “liên minh quân sự” Mỹ-Việt. “Chắc chắn không phải là một liên minh quân sự mà Mỹ nhắm tới, bởi vì nếu có xung đột với Trung Quốc, Mỹ không cần dùng tới một căn cứ trong đất liền Việt Nam.
Ý kiến của Giáo sư Tạ Văn Tài – Đại Học Harvard Mỹ: Việt Nam vẫn tránh không muốn liên minh quân sự với nước nào kể cả Hoa Kỳ.
Trên RFI của Pháp, Ý kiến của Gs Richard Javad Heydarian, chuyên gia về địa chính trị châu Á thuộc Đại Học De La Salle (Philippines): không có gì bảo đảm là chuyến thăm mang tính biểu tượng cực cao của chiếc USS Carl Vinson sẽ sớm dẫn đến một liên minh quân sự thực thụ nhằm chống lại Trung Quốc. Rất khó mà nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác đầy hứa hẹn hiện nay sẽ trở thành một liên minh toàn diện chống lại Trung Quốc./.(VA)