Tin khắp nơi – 10/03/2018
Trump gặp Kim: Chiến lược của Mỹ hiệu quả
Trump và Kim: từ thù thành bạn?
Việc Bắc Hàn đồng ý gặp Tổng thống Donald Trump cho thấy chiến lược cách ly Bắc Hàn của Hoa Kỳ có hiệu quả, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói.
Hoa Kỳ đã “không nhượng bộ,” và sẽ duy trì áp lực cho đến khi đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa, ông nói thêm.
Thoả thuận tổ chức một cuộc hội đàm chưa từng có làm choáng váng giới quan sát.
Tuy nhiên, Nhà Trắng sau đó nói Bắc Hàn sẽ phải thực hiện “những bước cụ thể” trước cuộc họp.
Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau ‘sớm nhất có thể’
Chứng khoán châu Á khởi sắc trước cuộc gặp Trump-Kim
Kim Jong-un chiêu đãi phái đoàn Hàn Quốc
Nam Hàn: Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Mỹ
Chỉ vài tháng trước, ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những lời lẽ công kích cá nhân.
Nhưng bây giờ ông Trump đã đồng ý tham dự một cuộc hội đàm theo lời mời của Nam Hàn.
Chưa có tổng thống đương nhiệm nào của Hoa Kỳ từng gặp một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Tổng thống Trump đăng trên Twitter rằng một “một cuộc thương thảo với Bắc Hàn đang diễn ra”.
Trước đó ông đã hoan nghênh động thái này là “tiến bộ to lớn”, nhưng ông nói các biện pháp trừng phạt sẽ được giữ nguyên cho tới khi đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa.
Bắc Hàn đã ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong các cuộc đàm phán trước đó, nhưng sau đó lại tiếp tục thử nghiệm khi Bình Nhưỡng trở nên mất kiên nhẫn hoặc cảm thấy không nhận được những gì đã yêu cầu, giới phân tích cho hay.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho biết tổng thống sẽ yêu cầu “các bước cụ thể và các hành động cụ thể” từ Bắc Hàn trước khi diễn ra bất kỳ cuộc họp nào.
Bà đã không nói rõ các bước đó là gì, và cũng không tái khẳng định thông tin cho rằng cuộc họp sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Các phương tiện truyền thông nhà nước của Bắc Hàn cũng không đưa ra thông tin gì mới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43355163
Mỹ: Triều Tiên phải có hành động cụ thể
trước thượng đỉnh Trump-Kim
Tòa Bạch Ốc ngày 9/3 nhấn mạnh Hoa Kỳ “không hề nhượng bộ” trong việc đồng ý thảo luận trực diện giữa Tổng thống Donald Trump với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
“Chúng ta cũng đang trên vị thế mạnh” chưa từng có dưới thời các chính quyền trước, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nhờ những “áp lực tối đa” của chính quyền Trump, “Triều Tiên đang ở thế yếu.”
Bà Sander nói: “Tổng thống sẽ không dự cuộc họp nếu không thấy những bước cụ thể và những hành động cụ thể” của Bình Nhưỡng mà, theo lời các giới chức Hàn Quốc, Triều Tiên đã hứa trong thượng đỉnh liên-Triều rằng sẽ ngưng các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Tòa Bạch Ốc cho biết quyết định gây ngạc nhiên của ông Trump mà các giới chức Hàn Quốc loan báo tại Washington ngày 8/3 là đồng ý gặp Kim Jong Un trước tháng 5 chính là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị có sự can dự của các cơ quan liên hệ của chính phủ Mỹ.
Sau khi các giới chức Hàn Quốc ngày 8/3 chuyển thông điệp miệng của lãnh tụ Triều Tiên cho ông Trump, Tổng thống Mỹ ngày 9/3 đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về cuộc họp chưa từng có trước đây của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Triều Tiên.
Theo Tòa Bạch Ốc, ông Trump và ông Tập “hoan nghênh triển vọng của cuộc đối thoại Mỹ-Triều và cam kết giữ áp lực và chế tài cho đến khi Triều Tiên có những bước cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, kiểm chứng được và không đảo ngược. Tổng thống Trump hy vọng là lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẽ chọn được một con đường tươi sáng hơn cho tương lai Triều Tiên.”
Theo Tân Hoa Xã, “ông Tập nói với ông Trump là ông đánh giá cao mong muốn của Tổng thống Mỹ giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên theo đường hướng chính trị.”
Tân Hoa xã cho biết thêm là ông Tập hy vọng Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ bắt đầu thảo luận “càng sớm càng tốt và hướng tới kết quả kích cực” và rằng “tất cả các bên liên hệ sẽ chứng tỏ thiện chí và tránh những gì có thể ảnh hưởng hay can thiệp vào việc cải thiện tình hình bán đảo Triều Tiên.”
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người nghi ngờ về động cơ của Triều Tiên, đã nói chuyện với ông Trump ngày 8/3 và ca ngợi ông Trump về sự lãnh đạo cứng rắn để buộc Bình Nhưỡng thay đổi. Ông Abe nói ông dự trù đến thăm ông Trump tại Washington vào tháng tới để thảo luận về cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Mỹ có thể bổ sung danh sách
được miễn trừ thuế nhập khẩu
Hoa Kỳ ngày 9/3 mở đường để miễn trừ cho nhiều quốc gia thêm nữa không bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới ban hành lên thép và nhôm nhập khẩu, sau áp lực từ các nước đồng minh và sự vận động mạnh mẽ từ giới lập pháp Mỹ.
Tổng thống Trump ngày 8/3 loan báo mức thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm từ nước ngoài vào Mỹ. Canada và Mexico được miễn trừ. Ông Trump nói có thể xét miễn trừ cho thêm một số nước nếu thấy thỏa đáng.
Sau tuyên bố này, Brazil, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Châu Âu đều lên tiếng đòi được ưu đãi miễn trừ trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh trả đũa.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 9/3 nói với CNBC rằng “Tổng thống có thể miễn trừ và tôi kỳ vọng có thể có thêm các nước khác được cân nhắc trong hai tuần tới.”
Mục tiêu trong chính sách quyết liệt của Tổng thống Trump chính là Trung Quốc. Việc mở rộng sản xuất của Bắc Kinh đã khiến thặng dư thép toàn cầu tăng thêm.
Trung Quốc cũng là mục tiêu trong hành động của Mỹ nhắm vào điều mà Washington gọi là ăn cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ chia sẻ bí mật thương mại.
Bắc Kinh cam kết sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình đến cùng. Bộ Thương mại Trung Quốc nói thuế quan của Mỹ sẽ tác động trầm trọng trật tự thông thường của thương mại thế giới.”
Mỹ: đấu súng ở California, ‘ba con tin’ chết
Ba người và kẻ tấn công họ đã bị giết trong một tình huống bắt cóc xảy ra tại một khu nhà ở của cựu binh ở California, Hoa Kỳ.
Khu an dưỡng ở Yountville là hiện trường của một cuộc đấu súng của cảnh sát kéo dài hàng giờ vào hôm thứ Sáu, 09/3/2018, sau khi một người đàn ông đi vào tòa nhà với một khẩu súng trường.
Một phát ngôn viên cảnh sát nói giới chức đã phát hiện ra ba phụ nữ chết bên cạnh tay súng trước thời điểm 18h00 theo giờ địa phương (02:00 GMT).
Chúng tôi cảm ơn ông ấy với việc cứu mạng sống của những người khác trong khu vực bằng cách loại bỏ khả năng của nghi can đi ra bên ngoài và tìm kiếm thêm nạn nhânPhát ngôn nhân cảnh sát
Florida: Bảo vệ trường bị xả súng phản biện
Trump: Viên cảnh sát ở Florida ‘thiếu dũng cảm’
Mỹ: Xả súng ở trường trung học, 17 người chết
Ba người phụ nữ được hiểu là nhân viên đã và đang làm việc tại trung tâm an dưỡng.
Chưa có công bố về nhân dạng của tay súng và vẫn chưa biết liệu người này có quan hệ với bất kỳ ai trong số các nạn nhân hay không.
‘Bi thảm’
Florida: FBI và giáo viên từng được cảnh báo về kẻ xả súng
Mỹ: Sinh viên kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng
“Đây là một tin tức bi thảm – một tin mà chúng tôi thực sự hy vọng sẽ không phải loan báo trước công chúng”, ông Chris Childs, trợ lý Trưởng đơn vị Cảnh sát tuần tiễu trên cao tốc của California, nói.
Ông cho hay một quan chức cấp phó ở địa phương, người đầu tiên có mặt ở hiện trường “đã dám đặt mình vào vị trí nguy hiểm…” khi khai hỏa loạt đấu súng đầu tiên với nghi phạm.”
“Chúng tôi cảm ơn ông ấy với việc cứu mạng sống của những người khác trong khu vực bằng cách loại bỏ khả năng của nghi can đi ra bên ngoài và tìm kiếm thêm nạn nhân.”
Khu nhà này là một trong những địa điểm cư trú và an dưỡng lớn nhất dành cho cựu chiến binh ở Hoa Kỳ, nơi có khoảng 1.000 cựu binh đã phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong một số cuộc xung đột, kể từ Thế chiến Hai, an dưỡng.
Khu nhà tọa lạc trong vùng thung lũng rượu vang Napa Valley, ở mạn bắc của San Francisco.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43357346
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc Trung Quốc
bắt giữ thân nhân của các ký giả Uyghur, RFA
Các nhóm bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí quốc tế đồng loạt lên án việc Trung Quốc hiện đang giam giữ ít nhất 9 thân nhân của bốn ký giả Đài Á Châu Tự Do gốc Duy Ngô Nhĩ, sau khi một ký giả thứ năm Eset Sulaiman công bố tình trạng mất tích của thân nhân của mình. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch , đây được cho là hành động trả đũa của chính quyền Trung Quốc đối với các ký giả này sau khi họ có những bài báo độc lập lên án việc đàn áp và giam giữ hàng chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực tự trị Tân Cương.
Vừa qua, lực lượng an ninh ở Tân Cương đã bắt giam thân nhân của 4 ký giả Shohret Hoshur, Gulchehra Hoja, Mamatjan Juma, và Kurban Niyaz. Trong số những người bị giam giữ có cha mẹ ruột của ký giả Hoja, người hiện sống tại Washington D.C và làm việc cho đài RFA từ 17 năm nay.
Ông Steven Butler, điều phối viên khu vực Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả- CPJ phát biểu: “Việc bắt giam thân nhân của các ký giả vượt quá thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc. Đó là hành động tàn bạo, nếu không nói quá là độc ác. Chính phủ Trung Quốc cần tính đến sức khoẻ, nơi ở, tình trạng pháp lý của những người đang bị bắt giữ này và cần phóng thích họ nhanh chóng”.
Vào ngày 22 tháng 2, trang Facebook có tên Talk to East Turkestan chuyên ủng hộ quyền của người Duy Ngô Nhĩ, cho đăng tải thông điệp của ký giả Hoja yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc thả bố mẹ và anh trai của cô. Hoja cho biết cô mất liên lạc với cha mẹ kể từ đầu tháng hai và nghi ngờ các lực lượng an ninh đã bắt cóc họ. Cô cũng rất lo lắng về tình trạng sức khoẻ của cha mình bởi lần gần đây nhất cô có thể liên lạc được với cha mình thì ông đang nằm viện và bị liệt một phần cơ thể. Đài RFA dẫn lời tổ chức CPJ cho biết, anh trai của Hoja cũng đang bị giam giữ từ tháng 09 năm 2017 vì công việc của em gái mình.
Cũng theo The Washington Post, đã có khoảng 20 người thân thuộc của ký giả Hoja đã bị chính quyền bắt giữ vì những bài báo của cô.
Đài RFA cũng cho CPJ biết rằng chính quyền Trung Quốc hiện đang giam giữ hai người anh của ký giả Hoshur là Shawket và Rexim Hoshur từ tháng 9 năm 2017 trong trại cải tạo. Trước đó, hai người này cũng đã từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giam từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 12 năm 2015, để trả đũa cho việc Hoshur thực hiện các bài báo liên quan đến vấn đề Tân Cương. Người anh thứ ba của Hoshur tên là Tudaxun cũng đang bị bắt giam từ năm 2015 vì cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia, The Washington Post cho biết thêm.
Cũng theo báo cáo của CPJ, Ahmetjan và Abduqadir Juma, hai người anh trai của ký giả Juma, Phó GĐ ban tiếng Tân Cương của đài RFA cũng đã bị bắt từ tháng 5 năm 2017. RFA cho biết, gia đình ký giả không biết Ahmetjan bị giam ở đâu, còn người anh trai Abduqadir thì hiện đang bị giam giữ ở Nhà tù số 1, nơi giam giữ các tù nhân chính trị trong điều kiện vô nhân đạo ở quận Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương và gia đình không thể thăm nom.
Theo The Washington Post và RFA, Hasanjan, anh trai của ký giả Niyaz, cũng đã bị bắt vào tháng 5 năm 2017 tại quận Bugur, khu vực Tân Cương với những cáo buộc liên quan đến “mâu thuẫn sắc tộc”
Tổ chức Ân xá Quốc Tế trong kêu gọi trả tự do cho thân nhân của ký giả Hoja nêu rõ là người dân tại Hoa Lục thường bị bắt giam nếu như họ thực hành một tín ngưỡng tôn giáo nào đó hoặc bị cho có mối quan hệ với “các tổ chức hay cá nhân ở nước ngoài”. Ngoài ra họ cũng có thể bị bỏ tù trong những chiến dịch gọi là ổn định xã hội. Thân nhân của họ nếu có hoạt động trong lĩnh vực tương tự cũng bị bỏ tù. Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ bắt giữ những người nhận các cuộc gọi từ nước ngoài và tìm cách đảm bảo không người dân nào có thể sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hoá mà thay vào đó phải sử dụng các ứng dụng trong nước không được mã hoá.
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Cộng
sẽ ảnh hưởng kinh tế Hong Kong
Hong Kong, Trung Cộng. (Reuters) – Theo giới chuyên gia, một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tin của giới đầu tư tại Hong Kong, từ đó làm suy giảm thị trường vốn và chứng khoán của đặc khu hành chính này.
Ông David Wong Yau-kar, cựu kinh tế gia của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, và nay là một viên chức lập pháp của Trung Cộng, đưa ra lời cảnh báo này vào Thứ Sáu 9 tháng 3, sau khi Tổng Thống Donald Trump ký lệnh đánh thuế nhôm và thép nhập cảng, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại. Theo ông Wong, tuy lệnh đánh thuế chưa có ảnh hưởng lớn tới kinh tế Hong Kong, nhưng sự kiện này cho thấy thương mại đã bị dùng như một vũ khí, và điều này không tốt cho hệ thống giao thương. Hong Kong là một nền kinh tế tự do phụ thuộc vào thương mại. Ông Wong tin rằng, bất kỳ cuộc chiến thương mại nào cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới thành phố, bao gồm cả thị trường vốn và thị trường chứng khoán.
Phòng phát triển kinh tế và thương mại Hong Kong cũng cho biết, chính quyền đặc khu này rất tiếc và không đồng ý với quyết định của Hoa Kỳ. Một phát ngôn viên của văn phòng này nói, Hong Kong mới đây đã bày tỏ sự lo ngại trong phiên họp Đại hội đồng của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Chính phủ Trung Cộng cũng tuyên bố sẽ nghiên cứu chi tiết sắc lệnh thuế của Hoa Kỳ, và sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này tại WTO và với chính phủ Hoa Kỳ, để giảm tối thiếu các ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp nội địa. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/chien-tranh-thuong-mai-hoa-ky-trung-cong-se-anh-huong-kinh-te-hong-kong/
Marco Rubio: cần có điều kiện tiên quyết
trước cuộc gặp Donald Trump – Kim Jong Un
Miami, Florida. (CBS) – Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio của Florida tin rằng cần có một số điều kiện tiên quyết trước cuộc gặp giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào tháng 5, mặc dù các viên chức Nam Hàn xác nhận không hề có điều kiện tiên quyết nào cả.
Xuất hiện trong chương trình “CBS This Morning”, ông Rubio nói rằng Hoa Kỳ cương quyết không xóa bỏ các biện pháp trừng phạt, và quân đội Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận với Nam Hàn. Đó là những điều kiện tiên quyết. Nếu Bắc Hàn đồng ý với những điều kiện đó, tổng thống Hoa Kỳ sẵn sàng tổ chức một cuộc họp vào tháng 5 theo đề nghị.
Là một thành viên trong Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, ông Rubio cho rằng điều kiện tiên quyết thứ ba là Bắc Hàn đồng ý hạn chế các cuộc thử nghiệm nguyên tử. Theo thượng nghị sĩ Cộng Hòa này, chính quyền Bắc Hàn đang đứng trước hai sự lựa chọn (và chỉ có hai sự lựa chọn này mà thôi). Một là tiếp tục tin vào sự phát triển của chương trình hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử bất chấp mọi sự trừng phạt của quốc tế. Hai là chấp nhận những nhượng bộ tạm thời và nho nhỏ, để đổi lấy lời hứa về những lợi ích trong tương lai.
Ông Rubio cũng cho rằng rất khó mà tin vào cam kết của chính quyền Bắc Hàn. Trong các cuộc đàm phán trước đó, Bắc Hàn đồng ý chấm dứt chương trình hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử, nhưng một số hành động gần đây của Bắc Hàn cho thấy họ muốn lái Hoa Kỳ đi vào con đường chống đối phần còn lại của thế giới. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/marco-rubio-can-co-dieu-kien-tien-quyet-truoc-cuoc-gap-donald-trump-kim-jong-un/
Thống đốc Florida ký ban hành luật an toàn súng ống
Thống đốc Rick Scott ngày 9/3 ký thành luật một gói biện pháp tăng cường an ninh súng ống, tăng độ tuổi tối thiểu được mua súng, áp dụng thời gian chờ đợi khi mua súng là 3 ngày và cho phép một số nhân viên trường học được trang bị súng.
Luật được thông qua sau vụ một tay súng 19 tuổi dùng súng trường bán tự động tấn công trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, khiến 14 học sinh và 3 nhân viên của trường thiệt mạng.
Các học sinh sống sót sau vụ thảm sát này đã vận động một số điều khoản giới hạn súng ống trong luật vừa ban hành.
Tuy nhiên, luật không bao gồm một trong những yêu cầu chính của học sinh là cấm hẳn các loại súng trường bán tự động kiểu tấn công.
Luật cho phép nhân viên học đường tình nguyện để được huấn luyện và được võ trang như ‘những bảo vệ an ninh” chống nạn bạo lực súng ống ở học đường.
Những người chỉ trích e rằng điều này sẽ dẫn tới phản ứng ngược và càng gia tăng nguy cơ nổ súng học đường.
https://www.voatiengviet.com/a/thong-doc-florida-ky-ban-hanh-luat-an-toan-sung-ong-/4288433.html
Chính quyền Trump, California ‘quyết đấu’ pháp lý
về vấn đề di trú
Đơn kiện của chính quyền Trump nhắm vào bang California là phát súng cảnh cáo mới nhất cho các cộng đồng khắp cả nước với chính sách được mô tả là che chở người nhập cư bất hợp pháp, và một lần nữa khơi lên tranh cãi gay gắt về thẩm quyền của chính quyền liên bang và tiểu bang liên quan tới vấn đề di trú.
Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, đệ trình hôm thứ Ba tại tòa án liên bang ở thành phố Sacramento, thủ phủ của California, nhắm mục tiêu vào ba luật được bang này thông qua vào năm ngoái mà Bộ lập luận là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. Các luật này hạn chế sự hợp tác của cảnh sát và các chủ thuê mướn lao động với các nhân viên chấp hành di trú liên bang và bắt buộc phải có các cuộc thanh tra của bang tại các cơ sở giam giữ di dân của liên bang.
“Những điều khoản của luật cấp bang có mục đích và ảnh hưởng là gây khó khăn cho các nhân viên di trú liên bang thực thi trách nhiệm của mình ở California,” đơn kiện của Bộ Tư pháp nói.
Chính quyền California do phe Dân chủ chiếm đa số thông qua các luật này để đáp lại những cam kết của ông Trump tăng mạnh các vụ trục xuất người sống ở Mỹ bất hợp pháp.
Chiến dịch trấn áp này đã khiến các nhà lãnh đạo California tức giận, và thị trưởng thành phố Oakland hồi cuối tháng Hai đã đưa ra một tuyên bố bất thường cảnh báo người dân rằng Cơ quan Chấp hành Di trú và Hải quan (ICE) đang chuẩn bị một hoạt động bắt bớ ở khu vực Vịnh San Francisco.
Chính quyền Trump đã tìm cách cắt nguồn ngân quỹ cấp cho các nơi được gọi thành phố và tiểu bang trú ẩn và đã đụng độ đặc biệt quyết liệt với California, nơi đã kháng cự ông Trump về những vấn đề bao gồm chính sách cần sa và biến đổi khí hậu cũng như cương quyết không cho phép lực lượng ICE bắt giữ và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Giới chức tiểu bang nói các chính sách che chở của họ làm gia tăng sự an toàn công cộng bằng việc thúc đẩy niềm tin giữa các cộng đồng người nhập cư và cơ quan chấp pháp và họ tuyên bố sẽ quyết liệt bảo vệ những người này trước tòa.
“Đây là vấn đề phân tranh luật pháp giữa một bên là luật liên bang và một bên là tiểu bang,” ông Phan Quang Tuệ, một thẩm phán di trú đã về hưu sống tại California, nói. Ông nhận định rằng luận cứ của Bộ Tư pháp dựa trên Điều 6 của Hiến pháp Hoa Kỳ minh định tính tối thượng của luật pháp liên bang, cũng như luật quy định thẩm quyền quản lý di trú chủ yếu thuộc về chính phủ Hoa Kỳ.
Nhưng ông cũng lưu ý tới Tu chính án 10 Hiến pháp Hoa Kỳ trong đó xác định rõ các tiểu bang có những thẩm quyền mà Hiến pháp không trao cho chính phủ liên bang, hoặc không bị cấm.
“Thật ra trong các đạo luật của California không có đạo luật nào nói rằng đây là ‘sanctuary law’ [luật che chở người nhập cư bất hợp pháp] hết,” vị cựu thẩm phán này nói.
Hiến pháp Hoa Kỳ cho các tiểu bang quyền được quyết định thi hành an toàn công cộng như thế nào và chính quyền liên bang không thể lấn lướt những quyền đó, Tổng chưởng lý California Xavier Becerra nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư.
“Chúng tôi không tìm cách thi hành luật di trú. Chúng tôi đang thi hành luật an toàn công cộng,” ông nói. “Chính quyền Trump không thích điều đó, nhưng chúng tôi không tìm cách xen vào công việc của họ. Họ lại muốn xen vào công việc của chúng tôi.”
Thống đốc Jerry Brown nói California đã “vạch ra ranh giới thích đáng giữa những gì mà tiểu bang có thẩm quyền thi hành và quyền tối thượng của liên bang.”
Cựu thẩm phán Tuệ phân tích California có cơ sở vững chắc để đưa ra lập luận rằng điều mà chính quyền liên bang đang yêu cầu tiểu bang này làm là buộc họ sử dụng nguồn lực của mình cho việc thực thi di trú, vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.
“Tôi lấy thí dụ là DMV [Sở đăng ký phương tiện giao thông] không có bổn phận phải cung cấp thông tin cho các cơ quan liên bang của Sở Di trú. Tại vì sao? Vì Sở Di trú có lãnh vực riêng của họ,” ông dẫn ra một thí dụ về luật của California hạn chế sự hợp tác của cơ quan công lực tiểu bang với lực lượng chấp hành di trú liên bang.
“Họ đâu có thể biến các cơ quan công lực của tiểu bang California thành công cụ thi hành áp dụng luật pháp của họ.”
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từng phán quyết về một vụ việc tương tự liên quan tới một luật năm 2010 của tiểu bang Arizona bị chính quyền Obama kiện. Đơn kiện của chính quyền Trump cũng đưa ra cùng lập luận như của chính quyền Obama về tính tối thượng của luật liên bang.
Nhưng điều khác biệt là luật của Arizona quy định cảnh sát tiểu bang, dù thi hành các luật khác, phải tra hỏi tình trạng di trú của những người mà họ tình nghi cư trú bất hợp pháp, hình sự hóa việc chứa chấp những người này, và cấm họ tìm kiếm việc làm ở những nơi công cộng. Nó cũng yêu cầu người nhập cư phải mang giấy tờ tùy thân.
Tòa án Tối cao bác bỏ những điều khoản chính của luật này vào năm 2012. Thẩm phán Anthony Kennedy nói rằng dù Arizona có những “bất bình có thể hiểu được” về những người nhập cư bất hợp pháp, song tiểu bang này không thể theo đuổi những chính sách “làm suy yếu luật liên bang.”
Eric Holder, cựu Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Obama, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng không giống như Arizona, California không tìm cách quản lý di trú và để “việc chấp hành di trú liên bang lại cho nhà chức trách liên bang.”
Cuộc phân tranh pháp lý giữa California và chính quyền Trump liên quan tới vấn đề di trú có thể gây khó khăn cho một số thành phố và địa hạt ở tiểu bang Bờ Tây này của Mỹ, theo lời ông Tạ Đức Trí, Thị trưởng Thành phố Westminster ở miền Nam California.
“Thành phố có chấp hành hay không chấp hành thì cũng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan,” ông nói, nhắc đến việc thành phố của ông vừa phải thi hành luật của liên bang và của tiểu bang. “Khi mà cấp liên bang và tiểu bang không có sự đồng nhất thì các cấp địa phương, quận và thành phố gặp rất nhiều khó khăn.”
Ông Trí cho biết đến giờ này ông chưa nhận được yêu cầu chia sẻ thông tin từ cơ quan chấp hành di trú liên bang, nhưng ông lo lắng về những diễn biến sắp tới.
Cuộc duyệt binh của Trump
sẽ diễn ra vào tháng 11, không có xe tăng
Một cuộc duyệt binh theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump sẽ diễn ra trong tháng 11 vào Ngày Cựu chiến binh ở thủ đô Washington, nhưng nó sẽ không bao gồm xe tăng để giảm thiểu thiệt hại cho đường sá, một thông tri của Lầu Năm Góc công bố hôm thứ Sáu cho biết.
Tháng trước ông Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc nghiên cứu tổ chức một cuộc duyệt binh để tôn vinh quân đội Mỹ, sau khi tổng thống của Đảng Cộng hòa trầm trồ trước cuộc duyệt binh ngày quốc khánh của Pháp mà ông tham dự ở Paris vào năm ngoái.
Bản thông tri liệt kê một số chỉ dẫn cho cuộc duyệt binh vào ngày 11 tháng 11 và nói rằng tuyến đường diễu hành sẽ từ Nhà Trắng đến Điện Capitol và sẽ có một “phần trình diễn máy bay vào cuối cuộc duyệt binh.”
“Chỉ có xe có bánh, không có xe tăng – cần cân nhắc giảm thiểu thiệt hại cho cơ sở hạ tầng địa phương,” bản thông tri cho biết.
Thông tri nói thêm rằng cuộc duyệt binh sẽ tập trung vào những đóng góp của cựu chiến binh Mỹ trong suốt lịch sử, bắt đầu từ thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ.
Những người chỉ trích lập luận rằng cuộc duyệt binh có thể tốn hàng triệu đôla vào thời điểm mà Lầu Năm Góc muốn ngân quỹ ổn định hơn cho quân đội vốn đang bị quá tải.
Cuộc duyệt binh tiêu tốn tới 30 triệu đôla tiền của người đóng thuế, giám đốc ngân sách Nhà Trắng cho biết.
Các cuộc duyệt binh ở Mỹ nói chung là hiếm. Những cuộc duyệt binh như vậy ở các nước khác thường được tổ chức để mừng chiến thắng trong các trận chiến hoặc phô bày sức mạnh quân sự.
Năm 1991, xe tăng và hàng ngàn binh lính diễu hành ở Washington để mừng việc đánh đuổi lực lượng Iraq của Saddam Hussein ra khỏi Kuwait trong Chiến tranh Vùng Vịnh.
Hội đồng Địa hạt Columbia (thủ đô Washington) đã chế giễu ý tưởng về một cuộc duyệt binh trên Đại lộ Pennsylvania, một quãng đường 12 km giữa Điện Capitol và Nhà Trắng và cũng là địa điểm của Khách sạn Quốc tế Trump.
“Tanks but no tanks!” hội đồng tweet vào tháng trước, dùng một lối chơi chữ biến thể từ câu nói “Thanks but not thanks” (Cảm ơn nhưng không cần).
Ngoại trưởng Triều Tiên sắp thăm Thụy Điển
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho sắp thăm Thụy Điển và gặp gỡ người đồng nhiệm Margot Wallstrom, tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển loan tin ngày 9/3.
Tòa đại sứ Thụy Điển ở Bình Nhưỡng đại diện các lợi ích ngoại giao của Mỹ tại Triều Tiên vì Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Tin về chuyến công du của ông Ri được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo sẵn sàng tổ chức cuộc họp chưa từng có trước đây với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sau lời mời của ông Kim.
Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Triều Tiên, vốn làm hạn chế các biện pháp giúp đôi bên có thể giảm căng thẳng về các chương trình võ khí hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.
Thụy Điển là nước Tây Âu đầu tiên lập tòa đại sứ ở Bình Nhưỡng vào năm 1975 và từ đó tới nay Thụy Điển đã hành động nhân danh các nước Tây phương khác trong việc đối mặt với chính phủ cô lập Triều Tiên.
Thụy Điển ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến Triều Tiên, tờ Dagens Nyheter cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-trieu-tien-sap-tham-thuy-dien-/4288720.html
Syria: Một nhóm nổi dậy đầu tiên rời khỏi Đông Ghouta
Theo AFP, tối qua, 09/03/2018, một nhóm quân nổi dậy đầu tiên bao gồm 13 chiến binh và gia đình đã rời khỏi khu vực Đông Ghouta, đang bị quân chính phủ vây hãm và tấn công dữ dội.
Nhóm người nói trên sẽ được sơ tán sang tỉnh tây bắc Idleb, khu vực duy nhất tại vùng tây bắc Syria không nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Damas. Đài truyền hình Nhà nước Syria chiếu hình ảnh các chiến binh ra đi trên một chiếc xe buýt, nhưng không cho biết họ thuộc nhóm vũ trang nào. Trong khi đó, theo AFP, lực lượng thánh chiến Jaich al-Islam, thông báo nhóm chiến binh đầu tiên đã rời khỏi Đông Ghouta.
Đợt sơ tán nói trên diễn ra ba tuần sau khi chính quyền Damas, được Nga hậu thuẫn, khởi sự cuộc tấn công nhắm vào thành phố hàng trăm nghìn dân, nơi ẩn náu của phe nổi dậy. Ít nhất 950 người bị thiệt mạng trong bom đạn.
Chiến sự diễn ra, cho dù có giảm bớt cường độ, sau nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu ngừng bắn.
Tại biên giới tây bắc Syria, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bao vây thị xã Afrin, hiện nằm dưới sự kiểm soát của dân quân Kurdistan, được Mỹ hậu thuẫn, và cũng là lực lượng chủ yếu chiến đấu chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Theo Ankara, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào trung tâm thị xã Afrin.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180310-syria-mot-nhom-quan-noi-day-dau-tien-roi-khoi-dong-ghouta
Slovakia: Biểu tình trên cả nước đòi thủ tướng từ chức
Cái chết của nhà báo điều tra Jan Kuciak hồi tháng trước tiếp tục gây chấn động tại quốc gia Trung Âu Slovakia. Hôm qua, 09/03/2018, hàng chục nghìn người xuống đường khắp cả nước, yêu cầu thủ tướng Robert Fico từ chức.
Theo AFP, riêng tại thủ đô Bratislava, đã có khoảng 40.000 người tập hợp dưới khẩu hiệu « Vì một nước Slovakia lương thiện ». Cuộc tập hợp được đánh giá là đông đảo nhất kể từ cuộc Cách Mạng Nhung năm 1989, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Tiệp Khắc.
Cuộc biểu tình tại Bratislava đã diễn ra một cách ôn hòa, trái ngược với các lo ngại của thủ tướng Slovakia, là sẽ có thể có bạo động. Nhiều cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại hàng chục thành phố, thị trấn của Slovakia, nhưng đồng thời ở cả nước láng giềng Cộng Hòa Séc. Hàng trăm người, chủ yếu là các công dân Slovakia đã tập hợp trước đại sứ quán Slovakia ở Praha, thủ đô Cộng Hòa Séc, và tại Brno, thành phố lớn thứ hai của Séc.
Người biểu tình lên án chính quyền tham nhũng, một số người tố cáo thủ tướng Slovakia đồng lõa với mafia. Đợt tuần hành ngày hôm qua huy động đông đảo người tham gia hơn so với chiều thứ Sáu tuần trước.
Không khí khủng hoảng chính trị tại Slovakia gia tăng khiến một trong các đảng thuộc liên minh cầm quyền, đảng Most Hid, tuyên bố có thể rút khỏi chính phủ. Nếu đảng Most Hid quyết định ra đi, Slovakia chắc chắn sẽ phải tổ chức bầu cử sớm, vì chính phủ sẽ chỉ được sự ủng hộ của một thiểu số trong Quốc Hội.
Play Video
Hôm qua, nhiều nghị sĩ Liên Hiệp Châu Âu đã đến thăm ngôi nhà nơi phóng viên Jan Kuciak bị sát hại. Theo một nghị sĩ châu Âu người Anh, Liên Âu sẽ làm tất cả để hậu thuẫn cho cuộc điều tra nhằm tìm ra thủ phạm giết hại nhà báo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180310-slovakia-bieu-tinh-tren-ca-nuoc-doi-thu-tuong-tu-chuc
Ukraina:
Một nhà trung gian giữa Kiev và phe ly khai thân Nga bị bắt
Hôm thứ Năm 08/03/2018, an ninh Ukraina bắt giữ một người bị tình nghi âm mưu sát hại tổng thống Ukraina Porochenko. Vụ bắt giữ gây lo ngại trong công luận nước này, bởi người bị bắt chính là một nhà môi giới từ nhiều năm nay giữa chính quyền Kiev và phe ly khai thân Nga ở miền đông, góp phần vào việc trao đổi hơn 700 tù binh giữa hai bên. An ninh Ukraina thông báo nghi phạm bị bắt khi đang vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí.
Thông tín viên Sebastian Gobert tường trình từ Avdiivka :
« Đây là đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Ukraina kể từ khi quốc gia này độc lập năm 1991 », theo lãnh đạo cơ quan an ninh Ukraina Vasyl Hrytsak. An ninh Ukraina cáo buộc ông Volodymyr Rouban dự định tiến hành một chiến dịch thảm sát nhắm vào nhiều thành phố Ukraina, nhằm gây bất ổn cho Nhà nước Ukraina, để cho phép các lực lượng Nga và thân Nga lợi dụng cơ hội để lấn sân tại miền đông Ukraina.
Cáo buộc rõ ràng là nghiêm trọng, nhưng đối với nhiều nhà bình luận chính trị tại Ukraina, lập luận này không đứng vững. Bởi Volodymyr Rouban đã được mọi người biết đến từ năm 2014.
Đây là một nhân vật gây tranh cãi, về mạng lưới quan hệ, cũng như về phương thức hành xử. Vốn được các đối thủ của tổng thống Ukraina bảo trợ, nhưng Volodymyr Rouban đã bị thất sủng kể từ đầu năm 2017.
Tuy nhiên, rất ít người coi Volodymyr Rouban là một kẻ khủng bố. Về phần mình, ông Rouban cho là đã bị mắc bẫy. Việc nhân vật này bị bắt giữ chắc chắn cho thấy ông ta không còn được bảo trợ về chính trị. Điều này cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy chính quyền của tổng thống Porochenko muốn dập tắt mọi tiếng nói chỉ trích trước cuộc bầu cử tổng thống 2019.
Vấn đề là việc bắt giữ một trong những nhà trung gian chính giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai miền đông càng gây khó khăn thêm cho các thương thuyết về số phận của hàng chục tù binh, vốn đã kéo dài và phức tạp ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180310-ukraina-mot-nha-moi-gioi-giua-kiev-va-phe-ly-khai-than-nga-bi-bat
Tổng thống Pháp công du Ấn Độ:
13 tỉ euro hợp đồng được ký kết
Tổng thống Pháp vừa khởi sự chuyến công du Ấn Độ ba ngày. Chuyến công du đầu tiên của ông Emmanuel Macron đến Ấn Độ có mục tiêu thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Paris với cường quốc châu Á, đặc biệt về kinh tế và an ninh. Hôm nay, 10/03/2018, trong ngày đầu tiên của chuyến đi, khoảng 13 tỉ euro hợp đồng đã được ký kết. Paris và New Delhi cũng ký một thỏa thuận hợp tác trên Ấn Độ Dương.
Theo điện Elysée, 20 hợp đồng với tổng cộng 13 tỉ euro được ký, trong đó chủ yếu là thỏa thuận bán động cơ máy bay của hãng Pháp Safran với công ty hàng không Ấn Độ SpiceJet. Ngoài ra là nhiều hợp đồng trong lĩnh vực môi trường, xây dựng đô thị, công nghệ hàng không… Bên cạnh đó, phủ tổng thống Pháp cũng thông báo, gần như chắc chắn, là sáu lò phản ứng hạt nhân EPR của Pháp sẽ được Ấn Độ mua trước cuối năm nay, theo một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân Jaitapur vừa được ký kết.
Pháp mở căn cứ hải quân cho tàu chiến Trung Quốc
Về thỏa thuận hợp tác Pháp-Ấn ở Ấn Độ Dương, Paris sẽ mở cửa các căn cứ hải quân tại khu vực này (ở Djibouti, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và đảo Réunion) cho tàu chiến Ấn Độ sử dụng. Việc mở cửa các căn cứ hải quân Pháp là điều rất được New Delhi trông đợi, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng tại vùng biển chiến lược truyền thống của Ấn Độ. Trước Pháp, Ấn Độ từng có hai thỏa thuận hợp tác sử dụng cảng quân sự với Hoa Kỳ (ký kết năm 2016) và Singapore (2017).
Tổng thống Pháp được đón tiếp long trọng tại Ấn Độ và rất được báo chí hoan nghênh. Thông tín viên Sébastien Farcis từ New Delhi ghi nhận:
Nổi bật trên báo chí Ấn Độ sáng nay là hình ảnh thủ tướng Ấn Narendra Modi và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ôm nhau thắm thiết, ngay khi nguyên thủ Pháp bước xuống cầu thang máy bay tối qua. Một cử chỉ mang dấu ấn riêng của thủ tướng Ấn Độ, chỉ dành cho các lãnh đạo được quý mến nhất. Điều mà báo chí Ấn Độ giờ đây gọi là « hug diplomacy » hay « phong cách ngoại giao âu yếm ».
Tuần báo India Today tung ra một hồ sơ gây ấn tượng về tổng thống Pháp, với trang bìa là bức chân dung Emmanuel Macron trong dáng đứng rất oai vệ tại Phòng Vàng của ông ở điện Elysée. Bức ảnh được chụp từ góc thấp. Tuần báo Ấn Độ công bố cuộc phỏng vấn tổng thống Pháp về hợp đồng máy bay Rafale, mà đối lập nước này chỉ trích là quá đắt. « Đây là một hợp đồng hai bên cùng có lợi », tổng thống Pháp phản bác một cách nhã nhặn.
Tuần báo Ấn Độ cũng dành nhiều trang để giới thiệu về quan hệ đặc biệt giữa hai lãnh đạo Pháp – Ấn, bất chấp việc họ chênh nhau đến 27 tuổi. India Today ca ngợi: « Đó là hai thủ lĩnh có tầm nhìn sáng suốt về những nhu cầu của đất nước mình, họ không sợ ph
http://vi.rfi.fr/phap/20180310-tong-thong-phap-cong-du-an-do-13-ti-euro-hop-dong-duoc-ky-ket
CHÂU Á
Hạt nhân Bắc Triều Tiên:
Mỹ và Trung Quốc đồng ý duy trì áp lực
Một hôm sau khi chấp nhận lời mời họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 09/03/2018 đã điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì sức ép trên Bình Nhưỡng để buộc Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết là cả hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đều « hoan nghênh triển vọng » đối thoại giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Cả hai cũng cam kết duy trì sức ép và các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Bình Nhưỡng có những bước chuyển rõ ràng hướng tới việc « phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được ».
Tổng thống Mỹ còn yêu cầu phía Trung Quốc gây sức ép trên Bình Nhưỡng để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tuyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, cho biết là ông Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ mở đối thoại trong thời gian sớm nhất, và nỗ lực để đạt được kết quả. Ông Tập Cận Bình đồng thời đánh giá cao việc tổng thống Mỹ muốn giải quyết vấn đề qua đường ngoại giao.
Trước lúc điện đàm với ông Tập Cận Bình, trong một tin nhắn Twitter, ông Donald Trump đã lạc quan viết rằng : « Thỏa thuận với Bắc Triều Tiên đang trong quá trình được thiết lập và một khi được hoàn tất, đó sẽ là một thỏa thuận rất tốt cho thế giới ».
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng nói rõ rằng « thời gian và địa điểm » cuộc gặp « cần phải được xác định ».
Phản ứng từ Pháp và Nga
Về tuyên bố của Bắc Triều Tiên và Mỹ chuẩn bị tổ chức thượng đỉnh, điện Elysée cho hay : tổng thống Emmanuel Macron, trong một cuộc điện đàm hôm qua 09/03 với đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump, đã hoan nghênh sáng kiến nói trên, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng « cộng đồng quốc tế cần duy trì đoàn kết nhằm hướng đến một cuộc đối thoại với đòi hỏi cao với Bắc Triều Tiên, dẫn đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».
Về phần mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, trong chuyến công du châu Phi, ca ngợi đây là « một bước đi theo hướng đúng » và bày tỏ hy vọng là cuộc gặp Donald Trump – Kim Jong Un sẽ diễn ra.
Truyền thông Bắc Triều Tiên im lặng
Trong lúc tin tức về việc Bình Nhưỡng và Washington thỏa thuận tiếp xúc ở cấp thượng đỉnh tràn ngập báo chí quốc tế, thì tại Bắc Triều Tiên, thông tin này hoàn toàn không được truyền thông của chế độ Bình Nhưỡng loan tải.
Theo Reuters, báo chí Bắc Triều Tiên chỉ đưa tin về chuyến công du của phái đoàn Hàn Quốc hồi đầu tuần, nhưng không hề đả động đến việc lãnh đạo Kim Jong Un đề nghị gặp tổng thống Mỹ Donald Trump, để bàn về vấn đề vũ khí hạt nhân. Về tình trạng im ắng nói trên, giáo sư chính trị học Shin Beom Chul, Học Viện Ngoại Giao Quốc Gia Triều Tiên, Seoul, nhận xét là một điều hoàn toàn bình thường, tại một quốc gia như Bắc Triều Tiên, những thông tin như vậy sẽ chỉ được loan báo một khi cuộc gặp chắc chắn sẽ diễn ra.
Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đi Thụy Điển
AFP dẫn nguồn tin ngoại giao Thụy Điển, theo đó, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho chuẩn bị công du Thụy Điển trong những ngày tới. Thuỵ Điển là một trong các quốc gia phương Tây hiếm hoi có sứ quán tại Bắc Triều Tiên. Sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng đại diện đồng thời cho Mỹ, Canada và Úc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180310-hat-nhan-bac-trieu-tien-my-va-trung-quoc-dong-y-duy-tri-ap-luc
Áo: Đối lập cáo buộc
phe cực hữu nắm bộ Nội Vụ lạm quyền
Tại nước Áo, tranh cãi đã bùng lên gay gắt sau một vụ khám soát tại trụ sở cơ quan An Ninh Nội Địaliên quan đến một cuộc điều tra tham nhũng, nhưng trong đó nhiều tài liệu về các nhóm cực hữu bị nghi là đã bị tịch thu. Ngày hôm qua, 09/03/2018, phe đối lập đã đòi bộ trưởng Nội Vụ Herbert Kickl, thuộc đảng cực hữu FPÖ, phải giải trình, còn chính phủ liên minh giữa hai phe hữu và cực hữu thì tìm cách trấn an. Bộ trưởng Tư Pháp hứa sẽ có báo cáo về vụ việc vào đầu tuần sau.
Từ Vienna, thủ đô nước Áo, thông tín viên RFI Christian Fillitz tường trình :
Vụ việc xẩy ra hôm thứ Tư, 07/03 : 80 người mặc đồ trận, súng ống đầy người, đã xông vào trụ sở cơ quan An Ninh Nội Địa. Họ đã tịch thu nhiều tài liệu bao gồm cả đĩa cứng. Nhà riêng của một số nhân viên cơ quan này cũng bị khám soát.
Theo phe đối lập và báo chí Áo, cách thực hiện cuộc khám soát đã vượt quá phạm vi cuộc điều tra tham nhũng do cơ quan công tố tài chính tiến hành nhắm vào ba công chức.
Ngay cả tổng thống Áo, Alexander Van der Bellen, cũng nói đến « những sự kiện bất thường và đáng bực tức », nhất là khi báo chí Áo cho biết là nhiều tài liệu nhạy cảm về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực hữu đã bị tịch thu một cách phi pháp. Thông tin này đã bị bộ Nội Vụ Áo (trong tay phe cực hữu) bác bỏ.
Cánh đối lập, đặc biệt là đảng Xã Hội và phe tự do Neos, đã đòi bộ trưởng Nội Vụ Herbert Kickl – nguyên tổng thư ký đảng cực hữu FPÖ, đồng thời là ngòi bút của lãnh đạo cực hữu Heinz-Christian Strache – phải giải trình.
Cựu thủ tướng Áo thuộc đảng Dân Chủ Xã Hội, Christian Kern, xem vụ này là một cuộc đấu tranh nội bộ giữa hai phe bảo thủ và cực hữu trong nội bộ các cơ quan an ninh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180310-ao-doi-lap-cao-buoc-phe-cuc-huu-nam-bo-noi-vu-lam-quyen