Tin Việt Nam – 08/03/2018
Mất liên lạc với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang
Nhà báo độc lập, blogger Phạm Đoan Trang bị mất liên lạc từ trưa ngày 8 tháng 3. Facebooker Nguyễn Anh Tuấn loan tin trên trang cá nhân như vừa nêu.
Theo Facebooker Nguyễn Anh Tuấn, vào trưa ngày 8 tháng 3, một thành viên của nhóm xã hội dân sự độc lập Green Trees, giúp thuê nhà trọ cho cô Phạm Đoan Trang tại ngõ 22 phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội, nhận được điện thoại của người chủ nhà yêu cầu đến để làm thủ tục tạm trú theo chỉ thị của công an.
Người này nay lập tức liên hệ với cô Phạm Đoan Trang nhưng không được. Một nhóm thân hữu của cô Phạm Đoan Trang cho biết cố gắng tiếp cận phòng trọ nơi cô này đang thuê và nhận thấy có 2 an ninh mặc thường phục đang canh gác bên ngoài.
Theo facebooker Nguyễn Anh Tuấn, cho đến chiều tối ngày 8 tháng 3, mọi nỗ lực nhằm xác minh vị trí của cô Phạm Đoan Trang đều thất bại, nên nhóm thân hữu của cô phải thông báo tin liên quan cá nhân cô này.
Blogger, nhà báo Phạm Đoan Trang là một người hoạt động tích cực trong xã hội dân sự và là tác giả của cuốn sách ‘Chính trị bình dân’ xuất bản hồi năm ngoái ở hải ngoại. Cô đã bị an ninh nhiều lần xách nhiễu. Lần gần đây nhất là vào ngày 24/2 khi cô bị an ninh bắt đi khỏi nhà ở Hà Nội và tạm giữ suốt 23 tiếng đồng hồ để tra hỏi về cuốn sách ‘Chính trị bình dân’.
Blogger Phạm Đoan Trang, sau đó, đã tìm cách trốn khỏi sự vây bắt của an ninh và thỉnh thoảng vẫn viết những dòng trạng thái trên facebook cá nhân của mình cho biết cam kết đi đến cùng con đường đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam.
Đài RFA chúng tôi tiếp tục theo dõi tin này và cập nhật đến quí vị.
Nhà báo Phạm Đoan Trang
bị an ninh CSVN bắt giữ ở Hà Nội
Tin từ giới hoạt động xã hội ở Hà Nội cho hay, đ1úng vào ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, nhà báo Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn sách “Chính Trị Bình Dân”, vừa bị công an CSVN bắt giữ tại Hà Nội sau gần một tuần trốn tránh.
Theo một nguồn tin từ mạng xã hội Facebook, ông Cường, một thành viên nhóm bảo vệ môi trường Green Trees, người đã thuê phòng trọ giúp bà Đoan Trang ở Hà Nội, thông báo đã mất liên lạc với bà. Một nhóm nhà hoạt động được cắt cử bảo vệ bà đến phòng trọ thì thấy có an ninh mặc thường phục canh gác. Họ ghi nhận nhà báo Đoan Trang bị bắt giữ trong ngày thế giới kỷ niệm việc phụ nữ đấu tranh đòi quyền bình đẳng.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, một biểu tượng đấu tranh nhân quyền trong nước Việt Nam, vừa được trao giải nhân quyền quốc tế Homo Homini khiếm diện tại Cộng Hoà Czech.
Theo một người bạn của bà là Trịnh Kim Tiến cho biết, an ninh CSVN ở Hà Nội đã từng đe dọa rằng, với đôi chân phải chống nạng thì bà Đoan Trang đừng mong trốn vào Sài Gòn thì sẽ thoát. Đôi chân của bà đã trở thành tàn tật trong một lần bị công an giả dạng côn đồ đánh đập dã man. Do lời đe dọa này, bà đã quyết định ở lại Hà Nội.
Hiện chưa có lệnh bắt giữ hay truy nã đối với bà, nhưng an ninh CSVN rõ ràng đang tổ chức bố ráp.
Nhà báo Phạm Đoan Trang từng tuyên bố sẽ không rời khỏi Việt Nam vì muốn tận mắt chứng kiến ngày đất nước thay đổi.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/nha-bao-pham-doan-trang-bi-an-ninh-csvn-bat-giu-o-ha-noi/
Giáo viên bị quỳ – nền giáo dục khiếm khuyết
Diễm Thi, RFA
“Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống của người Việt Nam được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác từ bao đời nay. Thế nhưng vừa rồi vụ việc được cho là chưa từng xảy ra, là một giáo viên cho biết bị áp lực của phụ huynh phải quì xin lỗi do trước đó phạt học sinh quì.
Vụ việc lại dấy lên tranh luận về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Vụ việc được truyền thông cho biết xảy ra tại trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tin nói cô giáo trẻ tên Nhung bị phụ huynh kéo đến trường buộc phải quỳ gối xin lỗi trước mặt họ suốt 40 phút. Lý do vì đã phạt con họ quì.
Hành xử của cả phụ huynh và người thầy
Sau khi thông tin được loan đi, nhiều ý kiến tỏ ra bất bình với cách hành xử của phụ huynh và ngay cả của cô giáo. Một giáo viên không muốn nêu tên cho biết ý kiến:
Mình đặt trường hợp đồng nghiệp của mình bị thì mình không thể để cô quỳ 40 phút như vậy, mình sẽ bắt cô đứng lên hoặc ai đó cứu cô ấy. Nếu mình làm không được thì mình sẽ kiếm người giúp đỡ cô này.
Một giáo viên dạy cấp 1 ở quận 7 cũng muốn ẩn danh nói với RFA qua điện thoại rằng, thực hư vụ việc chưa biết ra sao, nhưng dù thế nào đi nữa thì cô vẫn trách người giáo viên trẻ đã chấp nhận quỳ gối trước phụ huynh học sinh. Theo cô thì người giáo viên này đã đánh mất nhân cách người thầy trong mắt mọi người. Nếu là cô thì cô sẽ không làm thế dù có thể sẽ bị phụ huynh hành hung.
Một giáo viên khác đồng tình với suy nghĩ trên nhưng cũng trách thêm những đồng nghiệp không có hành xử phù hợp:
Kỹ năng sống của cô giáo cũng chưa được tốt vì nếu kỹ năng tốt thì cô sẽ không quỳ xuống. Cô sẽ có cách nói để phụ huynh hài lòng và người ta sẽ bớt giận và mình dứt khoát không quỳ. Việc thứ hai là những giáo viên đứng xung quanh thấy cô giáo quỳ 40 phút mà không người nào đỡ cô lên. Không thể nào nhìn như vậy được.
Các giáo viên trách những người phụ huynh đó đã chà đạp lên truyền thống tôn sự trọng đạo, hành xử như xã hội đen chứ không phải trong môi trường học đường, nơi họ gửi gấm con mỗi ngày.
Một số phụ huynh học sinh mà chúng tôi tiếp xúc cũng có quan điểm giống hai giáo viên vừa rồi là trách cả hai phía.
Nỗi đau của ngành giáo dục
Ngành giáo dục Việt Nam hiện nay chủ trương giáo viên không được đánh, phạt học sinh. Chủ trương đó được qui định cụ thể bằng văn bản.
Một phụ huynh cũng là cô giáo cho rằng chính văn bản cấm không được đánh, phạt học sinh của ngành giáo dục là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện đau lòng trên. Cô nói:
Mình nghĩ tất cả là do thông tư mới không cho giáo viên trách phạt học sinh bất kỳ trường hợp nào. Không được đánh, không được phạt nên giáo viên bị áp lực. Người phụ huynh làm việc này họ nắm được thông tư đó, nắm được luật bảo vệ trẻ em nên họ dựa vào đó. Cái thứ hai nữa là phụ huynh đó cũng có “chút quyền” gì đó nên họ mới mạnh dạn đến như vậy.
Ngày xưa học sinh đến trường bị thầy cô phạt hay thậm chí đánh đòn là chuyện bình thường bởi quan niệm của toàn xã hội “thương cho roi cho vọt”, không bao giờ có chuyện phụ huynh lên trường xúc phạm giáo viên, đòi “ăn thua đủ” với giáo viên như vụ việc tại Long An.
Tin cho biết khi vụ việc xảy ra, người hiệu trưởng nhà trường có mặt; nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Và đây cũng bị cho là một nguyên nhân dẫn đến chuyện đáng tiếc. Một giáo viên bày tỏ:
Người mình trách đầu tiên là Hiệu trưởng, tại thầy hiệu trưởng là người đầu nhà trường mà thầy đứng ngay đó nữa mà thầy bỏ đi thì đương nhiên áp lực của phụ huynh quá lớn nên cô giáo đồng ý quỳ.
Trả lời VTC News về vụ việc cô giáo bị bắt quỳ tại trường tiểu học ở Long An, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, vụ việc này là một bài học đắt giá trong ứng xử và trong giáo dục ở cả phía giáo viên và cả phụ huynh, nó cũng cho thấy phần nào những bất cập trong công tác giáo dục cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho các giáo viên đứng lớp hiện nay.
Khía cạnh luật pháp
Để một xã hội vận hành tốt về mọi mặt thì phải có nền luật pháp nghiêm minh, công bằng và những người sống trong xã hội phải tuân thủ pháp luật
Vụ việc cô giáo bị bắt quỳ đang lan rộng và gây bất mãn trong xã hội cũng không là ngoại lệ. Nếu pháp luật không nghiêm minh thì e rằng tình trạng như thế sẽ còn tiếp diễn khi mà những học sinh non nớt hiện nay sẽ trở thành phụ huynh và giáo viên trong tương lai.
Chúng tôi nêu vụ việc ra với luật sư Đặng Đình Mạnh ở sài Gòn và ông trả lời với tính cách tham khảo như sau:
Giả thiết sự việc đúng như cô giáo trình bày thì sự thúc ép cô giáo quỳ gối là không đúng. Trước sự hiện diện của một số người khác, một số phụ huynh khác chứng kiến, thì điều đó theo tôi có thể là yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác. Cho nên với cái nhìn nghiêm khắc thì phụ huynh có thể bị truy cứu với tội danh đó.
Từ xưa đến nay, người thầy không là người dạy học trò phải ngả nón chào mình mà phụ huynh phải dạy điều đó. Khi phụ huynh không còn tôn trọng giáo viên thì cũng đồng nghĩa với việc gieo mầm họa cho thế hệ tương lai.
Một tuần sau khi sự việc xảy ra, chiều 6 tháng 3, Bộ trưởng Giáo dục- Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ gửi công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo, rằng “sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Teacher-kneeled-as-a-punishment-03072018141505.html
Học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo trong lớp ở Bến Tre
Những sự việc liên tiếp xảy ra cho thấy truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt xem như đã bị phá nát dưới chế độ cộng sản. Dư luận trong và ngoài nước vẫn chưa hết bàng hoàng với sự việc một cô giáo bị phụ huynh học sinh ập vào trường bắt quỳ gối, thì mới đây, một học sinh lớp 8 tại tỉnh Bến Tre vừa văng tục, vừa bóp cổ cô giáo Anh văn ngay trong lớp học.
Theo Zing News, sự việc diễn ra hôm 2 tháng 3 tại trường trung học cơ sở Tân Thạch thuộc huyện Châu Thành. Trong giờ Anh văn của cô C.T.N., cô giáo bắt gặp một nữ sinh đang học bài cho một môn khác, nên cô đã yêu cầu em này không làm việc riêng. Ngay lúc đó, nam sinh tên là T. ngồi phía sau văng tục với cô N. Cô N. mời hai giáo viên khác đang dạy ở lớp bên cạnh sang chứng kiến và cùng răn đe. Nhưng nam sinh không ngưng chửi bới mà còn bóp cổ cô giáo ngay tại lớp, trước sự chứng kiến của hai giáo viên khác và tất cả bạn học. Phải nhờ hai giáo viên và một số học sinh can ngăn, cô N. mới thoát ra được.
Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo huyện Châu Thành xác nhận có sự việc này và cho biết đang cùng với giới hữu trách điều tra. Chưa đầy một tuần trước đó, vào hôm 28 tháng 2, bốn phụ huynh học sinh tới trường tiểu học Bình Chánh ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, bắt cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung phải quỳ gối suốt 40 phút để xin lỗi họ, vì trước đó cô Nhung đã phạt quỳ con em họ.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/hoc-sinh-lop-8-bop-co-co-giao-trong-lop-o-ben-tre/
Nữ Việt kiều bị nhân viên quán ăn
đánh ngất xỉu ở Đà Lạt
Một nữ Việt kiều bị nhân viên quán ăn ở Đà Lạt đánh đến bất tỉnh vì chê đồ ăn dở và lấy điện thoại ra chụp ảnh cửa quán.
Truyền thông trong nước cho hay, công an phường 1, thành phố Đà Lạt, đã tạm thời đóng cửa quán ăn Bích Thủy và đang điều tra sự việc. Vào tối ngày 6 tháng 3, nhóm du khách gồm cô S.P.A., 28 tuổi, có quốc tịch Mỹ, cô N.T.C.V., 20 tuổi, cư dân Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cùng vài người khác vào quán Bích Thủy trong chợ đêm Đà Lạt, gọi 4 đĩa cơm gà và 2 đĩa cơm sườn. Chủ quán đem ra thêm một tô canh. Do nhóm khách không gọi cả tô canh với giá 100,000 đồng mà chỉ gọi nhiều chén canh nhỏ đi kèm theo đĩa cơm, nên họ từ chối tô canh. Trong lúc ăn, cô A, Việt kiều Mỹ, thấy thịt gà kho còn máu nên phàn nàn với chủ quán là thịt chưa chín. Chủ quán cãi là thịt đã chín, và hai bên cãi vã.
Nhóm khách không muốn ăn tiếp nên tính tiền ra về. Lúc này, cô V, cư dân Biên Hòa, lấy điện thoại ra chụp ảnh quán Bích Thủy. Chủ quán sợ nhóm khách đưa ảnh lên Facebook cho nên la lớn vu oan là khách không trả tiền. Một nhóm khoảng 6 nhân viên của quán Bích Thủy liền lao vào đánh hai người phụ nữ. Cô V có sẵn gậy chụp ảnh trong tay liền chống lại. Còn cô A bị đánh ngã xuống đường bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô V cũng bị đánh trầy xước, chảy nhiều máu và đa chấn thương vùng mặt.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/nu-viet-kieu-bi-nhan-vien-quan-an-danh-ngat-xiu-o-da-lat/
Ngày 8/3 của những ‘phụ nữ bị mất đất’
“Ngày 8/3 không có ý nghĩa gì với những phụ nữ chân lấm tay bùn nay phải xa rời đồng ruộng, mất sạch tư liệu sản xuất như chúng tôi,” bà Cấn Thị Thêu, 59 tuổi, người vừa mãn hạn tù hôm 10/2/2018, nói với BBC.
Hồi tháng 9/2016, bà bị Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa tuyên phạt 20 tháng tù giam vì tội ‘gây rối trật tự công cộng’.
Phiên tòa phúc thẩm tháng 11/2016 giữ nguyên mức án đối với bà.
Ngày ra tù, bà Thêu được không ít người dân Dương Nội ra đón.
Bà Thêu từng bị tù giam 15 tháng hồi 2014 vì đấu tranh giữ đất trong vụ ‘dân oan Dương Nội’.
Gia đình bà có đất nằm trong diện thu hồi để làm dự án.
Việc giải phóng mặt bằng khu vực bắt đầu từ năm 2008, nhưng người dân không chấp nhận giao đất vì cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá ‘rẻ mạt’.
Báo chí Việt Nam đưa tin hồi 11/2016 nội dung khiếu kiện của bà Cấn Thị Thêu và một số công dân phường Dương Nội đã “được Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố trả lời kết luận”, tuy nhiên, “đối tượng vẫn kích động một số người dân thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng”.
Bà trả lời phỏng vấn của Lara Owen, phóng viên chuyên viết về phụ nữ Đông Á của BBC Thế giới vụ, về cuộc sống của gia đình bà, ngày 8/3 và cảm xúc sau khi ra tù.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-43324326
Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng
sẽ làm cho Việt Nam bảo thủ hơn hay không?
Kính Hòa RFA
Một nhân vật thân cận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ông Trần Quốc Vượng được cất nhắc giữ chức vụ Thường trực Ban bí thư trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Liệu sự thăng tiến của ông Vượng cộng với sự tập trung quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm cho Việt Nam đi theo con đường bảo thủ hơn trong thời gian tới hay không?
Marxist hơn hay không, và chuyện nhân quyền
Theo những thông tin không đầy đủ trên báo chí Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953, tốt nghiệp thạc sĩ luật ở Việt Nam, và cũng như tất cả các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông có bằng lý luận chính trị Marx Lenin cao cấp. Sự nghiệp của ông Vượng được thăng tiến tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan tương đương với các viện công tố ở các thể chế dân chủ đa nguyên. Từ năm 2007 ông giữ chức Viện trưởng viện này cho đến năm 2011.
Cái này (nhân quyền) không chỉ tùy thuộc vào chính quyền, mà tùy thuộc rất lớn vào vào người dân Việt.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.
Sau đó ông bắt đầu giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương Đảng. Sau khi đắc cử vào Bộ chính trị của đảng vào đầu năm 2016, ông giữ chức vụ Trưởng ban kiểm tra trung ương, cơ quan chống tham nhũng của đảng. Với chức vụ mới nhất được chỉ định vào ngày 5/3/2018, là Thường trực Ban bí thư trung ương, ông được xem như người có thể kế tục chức vụ Tổng Bí thư vào nhiệm kỳ tới.
Như vậy ông Vượng là một người nằm bên guồng máy đảng khá thuần túy, không đảm nhận những chức vụ bên ngành hành pháp của chính phủ.
Đánh giá về ông Vượng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội cho biết:
“Ông Vượng thay ông Đinh Thế Huynh, mà ông Huynh lại là đặc sệt về tư tưởng, thực sự là một cảnh sát tư tưởng. Mà ông Vượng này được ông Trọng chọn thì chắc chắn phải vào cánh với ông ấy, thì đó là một điều mình có thể ái ngại, là ông ấy cũng sẽ cứng rắn như ông Trọng, cũng lại bảo thủ, cũng đủ mọi thứ.”
Tuy nhiên ông Nguyễn Quang A cũng nói rằng những thông tin về ông Vượng không có nhiều để có thể đánh giá rằng ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đường hướng sắp tới của guồng máy lãnh đạo Việt Nam, bảo thủ hơn, hay cải cách hơn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, điều chắc chắn hơn là sự thăng tiến của ông Vượng nằm trong sự cân bằng giữa các thế lực bên trong nội bộ đảng cầm quyền.
Trả lời câu hỏi với sự kiểm soát quyền lực của hai nhân vật có thể có khuynh hướng cộng sản bảo thủ, thì liệu cuộc cải cách sắp tới của Việt Nam có bị ngăn trở hay không, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trả lời chúng tôi từ Na Uy:
“Những tranh cãi về Marxist hay không Marxist không còn nữa. Câu hỏi hiện nay đối với các lãnh đạo mới là liệu họ có duy trì được Đảng Cộng sản hay không. Để duy trì được Đảng Cộng sản, tạo được tính chính danh thì họ phải duy trì sự ổn định trong nước, đem lại sự phát triển tương đối cho người dân, tránh sự mất lòng tin. Về đối ngoại thì họ phải cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, còn những tuyên truyền về Marxist thực chất chỉ là vỏ bọc mà thôi.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà nghiên cứu kinh tế trong nước cũng đồng tình với ý kiến này của ông Vũ, cho rằng những cải cách kinh tế mà chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thực hiện sẽ không dừng lại.
Nếu họ tách bạch ra như thế, là bên hành pháp không làm chuyện chống tham nhũng, mà chuyển sang bên đảng, là bên ít có cơ hội tham nhũng hơn, thì cái hiệu chỉnh như vậy có vẻ là hợp lý hơn.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Ngoài chuyện cải cách kinh tế, khi được hỏi liệu sắp tới đây với khả năng ông Trần Quốc Vượng tiếp bước ông Nguyễn Phú Trọng, những biện pháp cứng rắn về tư tưởng, về kiểm duyệt, đàn áp nhân quyền sẽ tiếp tục hay không, ông Nguyễn Huy Vũ trả lời:
“Cái này không chỉ tùy thuộc vào chính quyền, mà tùy thuộc rất lớn vào vào người dân Việt, bằng cách lên tiếng thông qua mạng xã hội, nó sẽ dẫn tới những thay đổi. Ngoài ra còn tùy thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ, cách tiếp cận của chính quyền Hoa Kỳ sẽ dẫn đến cách phản ứng của chính quyền trong nước.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đồng ý rằng vai trò của dân chúng sẽ là quan trọng nhất.
Chống tham nhũng
Theo các nhà quan sát trong và ngoài nước, từ khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986 đến nay, quyền lực tại Việt Nam dần dần ngã qua tay những người điều hành bộ máy chính phủ chứ không phải những người làm công tác đảng. Đó là các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, là các thủ tướng chính phủ.
Sự thay đổi bắt đầu khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vào đầu năm 2013, lấy lại nhiệm vụ này của cơ quan thanh tra chính phủ trực thuộc Thủ tướng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận về chuyện này:
“Nếu họ tách bạch ra như thế, là bên hành pháp không làm chuyện chống tham nhũng, mà chuyển sang bên đảng, là bên ít có cơ hội tham nhũng hơn, thì cái hiệu chỉnh như vậy có vẻ là hợp lý hơn. Nhưng đến lúc người ta muốn nhất thể hóa, ông Tổng bí thư lại trở thành ông Chủ tịch, thâu tóm hết mọi quyền lực thì nó lại càng dễ tham nhũng hơn.”
Chuyện nhất thể hóa là chuyện hợp nhất hai hệ thống đảng và chính phủ làm một, để tránh sự chồng lấn lên nhau về nhiệm vụ cũng như lãng phí. Chuyện này được đề cập nhiều tại Việt Nam trong thời gian hai năm trở lại đây.
Hiện nay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài vị trí người đứng đầu đảng, ông còn là Chủ tịch quân ủy trung ương của quân đội Việt Nam, cũng như tham gia trực tiếp vào việc điều hành bộ máy đảng của Bộ công an.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng việc đó tạo điều kiện cho ông Trọng đẩy mạnh công tác chống tham nhũng:
“Tôi nghĩ rằng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có điều kiện tập trung quyền lực để có thể thúc đẩy như vậy, có thể đem lại các chuyển biến mà người dân mong đợi trong cuộc chống tham nhũng hiện nay.”
Tuy nhiên Ông Nguyễn Quang A lại cho rằng việc tập trung quyền lực về bên đảng như hiện nay có thể chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ, chứ còn về lâu về dài, quyền lực vẫn sẽ ngã về phía những người nắm guồng máy chính phủ, nơi có nhiều quyết định về kinh tế. Ngoài ra ông đánh giá rằng tham nhũng tại Việt Nam là sản phẩm của một thể chế chứ không phụ thuộc nhiều vào một cá nhân.
Một nhà quan sát trong nước nói với chúng tôi với điều kiện ẩn danh rằng người có năng lực nhất hiện nay trong Bộ chính trị của Đảng Cộng sản là ông Phạm Minh Chính, người hiện đang giữ chức vụ Trưởng Ban tổ chức trung ương nhiều quyền lực, từng thực hiện thành công việc ghép hai bộ phận đảng và chính quyền tại tỉnh Quảng Ninh. Nhà quan sát này cũng cho rằng vào năm 2021, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi thế hệ lãnh đạo thì lúc đó ông Trần Quốc Vượng đã quá tuổi và ông Phạm Minh Chính có khả năng sẽ là người đứng đầu đảng hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trong-vuong-lead-vn-conservative-way-03072018133455.html
Singapore thu giữ 3,5 tấn ngà voi
trên đường nhập cảnh Việt Nam
Báo The Straits Times của Singapore hôm 8/3 loan tin nhà chức trách đã thu giữ 3,5 tấn ngà voi có xuất xứ từ Nigieria, trị giá 2,5 triệu đôla, trên đường nhập cảnh Việt Nam.
Trang Channel News Asia dẫn lời Cơ quan Di trú và Hải quan Singapore (ICA) nói hôm 5/3 họ đã phát hiện một lô hàng hơn 1,700 ngà voi, nặng 3,5 tấn, đựng trong 60 túi, nhập từ Nigeria để tái xuất sang Việt Nam.
Voi được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, trong đó cả Singapore và Việt Nam đều tham gia ký kết.
Báo Singapore nói Việt Nam đã cấm vận ngà voi vào năm 1992, nhưng nước này vẫn là thị trường hàng đầu cho các các sản phẩm ngà voi, dùng trong trang trí hoặc y học cổ truyền.
Việc thực thi pháp luật yếu kém ở Việt Nam đã tạo cơ hội cho thị trường chợ đen phát triển, và Việt Nam cũng là một điểm trung chuyển thường xuyên cho ngà nhập lậu từ châu Phi, chuyển tiếp đến các vùng khác của châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.
Năm ngoái nhà chức trách Việt Nam cũng thu giữ nhiều vụ buôn lậu ngà voi, trong đó có một vụ 3 tấn ngà voi được phát hiện tỉnh Thanh Hoá vào tháng 7.
https://www.voatiengviet.com/a/4286073.html
Việt Nam ký hiệp định TPP-11 tại Chile:
nhiều triển vọng, lắm thách thức
Hôm 8/3 tại thủ đô Santiago của Chile, Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, còn gọi là TPP-11), kỳ vọng đạt nhiều thành công trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế, nhưng không ít thách thức.
Tiến sĩ kinh tế Võ Trí Thành nhận định rằng sự kiện này có ý nghĩa lớn và Việt Nam không thể đi ngược lại tiến trình này:
“Việc ký kết hiệp định CPTTP này cho thấy tiến hành hội nhập liên kết khu vực tự do thương mại, đầu tư, dù khó khăn nhưng vẫn tiến triển. Đó là một xu hướng khó có thể đảo ngược được.”
Việc ký kết hiệp định CPTTP này cho thấy tiến hành hội nhập liên kết khu vực tự do thương mại, đầu tư, dù khó khăn nhưng vẫn tiến triển. Đó là một xu hướng khó có thể đảo ngược được.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành
Hôm nay 8/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết CPTPP được 11 nước ký kết tại thủ đô Santiago của Chile.
Báo Nikkei cho biết CPTPP đã tiến triển một cách ngạc nhiên nhờ những nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ của Nhật, mà trước đó tưởng chừng như sắp sụp đổ sau khi Hoa Kỳ rút lui.
Hiệp định TPP trước đó từng được kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu quần áo, giày dép, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Mexico, Canada và các đối tác khác của TPP. Vì vậy, động thái rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Trump đầu năm 2017 không phải là một tin tốt lành cho Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam nói việc các nước ký thỏa thuận ở Chile là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành người lãnh đạo của thương mại tự do toàn cầu.
Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Các thành viên của CPTPP tạo nên thị trường khoảng 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa GDP đạt 12,4 nghìn tỷ đôla, chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với một hiệp định TPP với sự tham gia của Mỹ, mức GDP này chưa bằng một nửa.
Báo chí trong nước nói CPTPP sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị- đối ngoại, kinh tế. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%. Theo hiệp định này, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng riêng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định hiệp định CPTPP có tác động rất tích cực cho Việt Nam và các nước thành viên thông qua các các hoạt thương mại và đầu tư:
“CPTPP vẫn giữ được tính chất là một hiệp định chất lượng cao, tính đến nhiều vấn đề liên quan đến nhiều chính sách, điều tiết sau đường biên giới, dù không đầy đủ các xu hướng mới của thương mại và đầu tư. Hiệp định này sẽ có tác động tích cực đối với kinh tế thông qua các tác động có ý nghĩa đối với thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên.”
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, dù Việt Nam có lợi thế từ Hiệp định CPTPP, nhưng đây là hiệp định mang tính mở nên các quốc gia tham gia sau phải trải qua một quá trình. Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam. Ngoài ra, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là điều cực kỳ quan trọng, là ưu tiên số một.
Việt Nam rất cần việc cải cách mạnh mẽ từ bên trong, vì đây là thời điểm rất cần cho yêu cầu tự thân của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành
Việt Nam nhận định các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương của Việt Nam được ưu ái; các mặt hàng khác như dệt may, giày dép của Việt Nam được hưởng lợi. Nhưng các hàng nông nghiệp và chăn nuôi như thì gặp thách thức.
Bản hiệp định TPP ban đầu được thống nhất vào tháng 10/2015 với 12 thành viên. Tuy nhiên, khi Mỹ bỏ rơi TPP, hiệp định này mất đi sự cân bằng dựa trên các nhượng bộ lẫn nhau của các thành viên. 11 quốc gia còn lại, không sẵn sàng ký kết trong bối cảnh tính chất hiệp định thay đổi do Mỹ rút lui, đã phải tái xây dựng lại hiệp định.
Báo Nikkei trích lời doanh nhân Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương, được mệnh danh là “ông vua cá da trơn” của Việt Nam sau khi mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường thế giới cho cá tra và cá ba sa. Khi nhu cầu của thế giới về hải sản tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, công ty Hùng Vương của ông Minh vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam.
Khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng và rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, ông Minh đã phải điều chỉnh lại chiến lược hoạt động của công ty Hùng Vương.
“Ông vua cá da trơn” cho biết chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump gây ra thách thức lớn cho hoạt động của Hùng Vương.
Tuy nhiên ông Minh cho biết CPTPP dù vắng mặt Mỹ, vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thực phẩm của ông.Với việc hiệp định CPTPP được ký kết, ông Minh kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm tối thiểu 30%.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất của CPTPP không nằm ở các thỏa thuận chi tiết mà nằm ở thực tế các nước thành viên đã đạt được thống nhất mà không cần tới sự tham gia của Mỹ, thành viên lãnh đạo thương mại thế giới trong hàng thập kỷ qua.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nói việc Mỹ rút khỏi TPP là một điều đáng tiếc:
“Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP là một điều đáng buồn bởi vì Hoa Kỳ có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế của khu vực và toàn cầu, cũng như các liên kết, hội nhập của thế giới, trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”
Trong bối cảnh 11 quốc gia ký kết hiệp định thương mại tự do đáng chú ý nhất trong 25 năm qua, ông Trump đang làm rung chuyển thị trường thế giới và cảnh báo cả các đồng minh của Mỹ về mức thuế khắc nghiệt nhắm vào thép và nhôm.
Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, cho biết: “Những gì đang diễn ra cho thấy thế giới chúng ta đang sống bất định như thế nào. Mỹ, nước từng là ngọn cờ đầu của TPP, bỏ rơi hiệp định và đi theo một hướng hoàn toàn trái ngược.” Ngoài ra, bà Elms còn đánh giá rằng Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo thương mại tại châu Á.
Bị phản đối,
hãng hàng không Nhật gỡ quảng cáo có tên ‘Hồ Chí Minh’
Hãng hàng không All-Nippon Airlines (ANA) của Nhật vừa gỡ bỏ một tấm biển quảng cáo cho chuyến bay từ San Jose, bang California, Mỹ, đến Tokyo và đến “Ho Chi Minh City” sau khi vấp phải phản ứng từ cộng đồng người Việt, trong đó có nghị viên Diệp Thế Lân và nghị viên Tâm Nguyễn của thành phố San Jose.
Trước đó, ngày 4/3, nghị viên thành phố Diệp Thế Lân của thành phố San Jose đã gửi một lá thư tới Giám đốc Kinh doanh Hiro Yamda của hãng hàng không ANA, đề nghị hãng này gỡ bảng quảng cáo về chuyến bay từ San Jose về Sài Gòn. Cùng lúc, nghị viên Tâm Nguyễn cũng gọi điện thoại đến hãng hàng không của Nhật để đưa ra yêu cầu tương tự.
Tấm bảng quảng cáo ngắn gọn với hai dòng chữ “San Jose -> Tokyo -> Ho Chi Minh City. Chuyến bay êm ả từ San Jose đến Sài Gòn” đã bị cộng đồng người Việt phản đối vì sử dụng cụm từ “Ho Chi Minh” trong phần tiếng Anh.
“Đúng là Hồ Chí Minh là tên chính thức của thành phố điểm đến trên đường bay của ANA, nhưng trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó, bất cứ nhắc nhớ nào về Hồ Chí Minh hay hành động tôn vinh ông ấy (chẳng hạn như đưa tên ông ấy lên bảng quảng cáo) đều là sự lăng mạ đối với cộng đồng người Việt tị nạn, những người từng là nạn nhân và tù nhân chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập”, Nghị viên-Luật sư Diệp Thế Lân viết trong thư gửi giám đốc hãng ANA.
Bản tin của hãng truyền hình NBC phỏng vấn một cư dân người Mỹ tại đây nói: “Ngay từ đầu nhìn thấy tấm bảng, tôi đã thấy không ổn”.
Trả lời VOA tối 6/3, nghị viên Diệp Thế Lân cho biết giám đốc hãng hàng không Nhật đã quyết định gỡ bỏ tấm biển quảng cáo.
“Hôm qua, ông ấy trả lời và nói xin lỗi. Ông nói ông không có ý gì làm cho người Việt Nam tại San Jose buồn phiền và bảng đó sẽ được gỡ xuống”.
Giữ đúng lời hứa, bảng quảng cáo có tên “Ho Chi Minh” đã được All-Nippon Airlines gỡ xuống ngay trong chiều cùng ngày.
Nghị viên trẻ tuổi của San Jose ca ngợi hành động của hãng hàng không Nhật là “khôn khéo” và “biết phản ứng cho phải”.
San Jose là thành phố có hơn 100.000 người Việt cư trú nên đây được xem là một thị trường béo bở cho các hãng hàng không kinh doanh các chuyến bay từ đó về Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án về định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia. Theo đó, hãng hàng không Vietnam Airlines được dự kiến sẽ mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ, có thể là San Francisco hoặc Los Angeles. Nhiều người cho rằng một khi hãng hàng không nhà nước Việt Nam vào thị trường Mỹ, việc sử dụng tên “Hồ Chí Minh” sẽ là đương nhiên khi nhắc đến tên thành phố lớn nhất Việt Nam.
Trả lời về việc này, nghị viên Diệp Thế Lân nói:
“Trong tương lai, nếu hãng hàng không Vietnam Airlines bay đến San Jose, thì vấn đề còn lại là sự chọn lựa của đồng bào ở đây. Họ có muốn đổ tiền vào Vietnam Airlines, là hãng hàng không được nhà nước tài trợ hay không. Hơn nữa, trước khi Vietnam Airlines đến San Jose, thì thành phố San Jose có đồng ý ký hợp đồng giữa phi trường San Jose với Vietnam Airlines hay không”.
Theo kế hoạch, đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, đây là điều bất khả thi vì hãng này chưa có một máy bay nào có thể bay thẳng được tới Mỹ, chưa kể những thủ tục, quy định khắt khe của Cục hàng không Liên bang Mỹ. Giới chức này hy vọng kế hoạch có thể trở thành hiện thực vào năm 2019 hoặc 2020.