Tin Việt Nam – 07/03/2018
Những gì còn lại
Blogger Tuấn Khanh
Trong đám tang của Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2015 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.
Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle là người lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội của mình trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.
Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự. Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông, đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle. Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.
Nhưng ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.
Đọc tiểu sử cá nhân sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của Nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation). Đó là một chiến dịch nhân đạo do tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn quân nhân cựu quân nhân VNCH bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program). Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí Nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một “sĩ quan ngụy”.
Năm 1975, ngay sau khi đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi “học tập tư tưởng mới” trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo chính sách khoan hồng của cách mạng. Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.
Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì do ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó.
Rồi nhiều năm sau, ông sống lại như một kỳ tích, khỏe mạnh. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ chỉ có đôi vợ chồng già, không con cái, không nhiều sinh hoạt với xã hội. Bà Nguyệt Thư nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.
Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời. Về với ông được 2 năm, thì bà bị chia cắt với đại tá bởi 10 năm tù không hề tòa án, cũng như không hề có lời giải thích. Khi được trả về nhà, thì ông đã như một phế nhân.
Bà nói rằng không muốn sinh con vì ông quá yếu. Nhưng cũng có thể bà không muốn có một đứa con, bởi cuộc sống như ác mộng mà bà và ông trãi qua, nếu có đơm hoa kết trái thì chắc cũng không thể có được lúc tỏa hương.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện. Thực tế là trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, cuộc đột kích thất bại ở cứ điểm này, mà dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.
Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5000 người, chia làm năm trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5.
Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ đại tá Nguyễn Văn Đông mang bệnh, mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Mà thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Bệnh gì cũng uống một loại ấy.
Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả của tác phẩm Đại Học Máu, đã kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa kỳ lạ, khiến cả mảng lưng của ông lở loét. Đã vậy nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm. Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị, cũng như cho về thì khỏi mang trách nhiệm.
Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm lại sau nhiều ngày nằm liệt, như một cách giúp duy nhất có thể. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào cố tắm rửa một mình như vậy.
Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng của mình trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra. Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng. Ngay lúc bệnh đã nặng, nhưng phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề là “Sài Gòn trong trái tim tôi”. Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như “Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…”
Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó. Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương mình. Bà cũng thuận theo ý ông. Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chậm chạp sống lại một lần nữa, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.
Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại. Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động. Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy, nhưng mọi thứ đã không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì còn sống mãi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/the-remain-things-03072018084211.html
Cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối –
câu chuyện về thói “côn đồ”, luật rừng và lòng tự trọng
Blogger Song Chi
Dư luận đang sốc về vụ cô giáo B.T.C.N, tại Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, phải quỳ suốt 40 phút trước mặt 3 phụ huynh. (Từ loạt bài trên báo Người Lao Động “Cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh tưởng trình những gì?”, “Nhân chứng vụ cô giáo quỳ xin lỗi: “Quỳ 40 phút ông Thuận mới chịu”, “Ông Võ Hoài Thuận: “Tôi không ép, cô giáo tự quỳ”(!?)
Đã có rất nhiều người lên tiếng về vụ việc trên báo chí, trên mạng xã hội, chỉ muốn nói thêm vài điều:
Về phía các phụ huynh, đặc biệt nhân vật Võ Hoài Thuận, đảng viên, cán bộ tư pháp của một xã và có thời gian tập sự luật sư tại văn phòng luật sư T., huyện Bến Lức, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, nhất quyết bắt cô giáo phải quỳ để “hiểu cảm giác của con tôi khi bị cô bắt quỳ”, hành động này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu cô giáo sai thì đến trường làm việc với nhà trường, thậm chí có thể kiện cô giáo về tội hành hạ trẻ em nếu việc làm của cô giáo gây hậu quả nặng cho học sinh, nhưng không thể bắt cô giáo quỳ theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Khi buộc cô giáo phải quỳ, ông và các phụ huynh khác đã chứng minh cho con cái họ biết rằng trong cái xã hội này không có luât pháp, mà cứ xài luât rừng, kẻ mạnh sẽ thắng, kẻ yếu cơ hơn sẽ phải thua. Chẳng cần phải tôn trọng thầy cô hay bất cứ ai, cứ ai đụng tới mình là mình “xử”. Dạy con, bênh con như vậy thì sau này con mình sẽ trở thành loại người gì, ai cũng có thể đoán được.
Hiệu trưởng và đồng nghiệp: Chuyện xảy ra ngay tại văn phòng phó Hiệu trưởng, có mặt Hiệu trưởng mà Hiệu trưởng lại không bảo vệ giáo viên của mình, lại tránh mặt bằng cách bỏ đi dự giờ thì nhân vật Hiệu trưởng này quá hèn. Đây chỉ mới là một đảng viên, cán bộ tư pháp của một xã (theo lời ông ta trong bài ““Ông Võ Hoài Thuận: “Tôi không ép, cô giáo tự quỳ” (!?), Người Lao Động), còn theo báo chí thì “là một luật sư, đang đảm nhiệm thư ký Hội luật gia và có văn phòng tư vấn pháp lý tại huyện Bến Lức” (“Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh 40 phút do ở tình thế không có đường lui”, VietnamNet) mà Hiệu trưởng đã sợ như vậy, thử hỏi nếu có một quan to nào đó đến trường, đánh, tát hoặc làm nhục cô giáo với những hình thức nặng nề hơn nữa thì ông Hiệu trưởng này sẽ ứng xử ra sao, hỏi tức là đã trả lời. Cũng không thấy đồng nghiệp nào mạnh mẽ bảo vệ cô? Sau bao nhiêu năm sống dưới một chế độ độc tài, hậu quả là con người đã trở nên vô cảm và hèn nhát như vậy.
Về phía cô giáo, rất thương cô nhưng thật lòng chỉ muốn trách cô giáo một câu tại sao phải quỳ. Cô sợ mất việc, sợ không có lương không mua được sữa cho con? Thì bỏ ra ngoài đi làm ở nhà hàng, quán café, nhận đồ gia công về may, còn nếu có vốn thì bán bánh mì, bán xôi, bán nước mía nước sâm… cũng kiếm không thua đồng lương chết đói của giáo viên đâu. Cô sợ mất việc hơn cả sợ đánh mất lòng tự trọng hay sao? Hay đi làm những công việc lao động thì không “sang” bằng làm giáo viên? Nghề gì cũng quý nếu đồng tiền mình kiếm được là trong sạch, do chính mình đồ mồ hôi, công sức ra và miễn lòng mình bình an, vui vẻ là được, cô giáo ạ. Một khi đã chấp nhận quỳ gối trước sức ép của kẻ mạnh, trước nỗi sợ mất việc thỉ liệu mình còn có thể đứng lớp để dạy dỗ học sinh trở thành những con người tự trọng, có nhân cách, không chịu khuất phục trước bất cứ cái gì không?
Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục. Được biết, sự việc xảy ra từ ngày 28.2 nhưng mãi đến chiều 6.3, khi báo chí và dư luận lên tiếng ồn ào thì ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo mới có những động thái đầu tiên “Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh 40 phút do ở tình thế không có đường lui”, VietnamNet).
Phải nói thêm một chút về ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo này. Trong bất cứ một xã hội nào, hai lĩnh vực quan trọng nhất đối với con người là lĩnh vực giáo dục và y tế thì ở VN hiện nay lại do hai nhân vật thiếu tài, thiếu tâm, thiếu đức là Phùng Xuân Nhạ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục-đào tạo và Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế, chả trách gì hai ngành này nát như tương!
Bà Kim Tiến, người thực sự đã và đang làm giàu bằng máu của bệnh nhân qua sự dính dáng tới vụ án thuốc ung thư giả, người mà suốt thời gian tại chức ngành Y đã xảy ra bao nhiêu cái chết của trẻ sơ sinh do dịch sởi, do tiêm ngừa vaccine Quinvaxem 5 trong 1; bao nhiêu cái chết của sản phụ do sự yếu kém về chuyên môn lẫn làm ăn vô trách nhiệm của một số y bác sĩ; bao nhiêu vụ mổ nhầm, sai sót gây hậu quả nghiêm trọng; những scandal “khủng” về chuyên môn lẫn y đức như vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, vụ tráo thủy tinh thể ở BV Mắt, Hà Nội, vụ bác sĩ thẩm mỹ ném xác người đến giải phẫu bị chết xuống sông, vụ 8 người chết khi chạy thận do quên rửa hóa chất trong đường nước tại BV Đa khoa Hòa Bình v.v…và v.v…
Mà cũng chưa cần đến những scandal đó, nội chỉ riêng việc làm Bộ trưởng mà suốt gần hai nhiệm kỳ vẫn không cải thiện, thay đổi được tình trạng bệnh nhân phải nẳm 2,3 người một giường hoặc chen chúc cả dưới gầm giường ở một số bệnh viện hàng đầu tại các thành phố lớn như SG, Hà Nội…hay tình trạng các cơ sở điều trị thiếu thốn, kém cỏi ở nhiều địa phương, vùng sâu vùng xa khiến người bệnh cứ phải chạy lên thành phố lớn, đã quá tải càng quá tải thêm; hay chuyện giá thuốc, giá thăm khám bệnh cứ càng ngày càng tăng…chỉ riêng những chuyện đó thôi là đã xứng đáng để phải từ chức rồi. Nhưng bà Kim Tiến thì dù đã bị dư luận lên tiếng yêu cầu từ chức nhiều lần, vẫn cứ tại vị, thậm chí ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa như chúng ta thấy.
Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng ngành giáo dục mà nói ngọng và đang dính vụ lùm xùm “tự đạo văn của chính mình” thì cũng “tai tiếng” không kém.
Trong một vụ việc tương tự, dư luận từng xôn xao vì UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thường xuyên điều động cán bộ, giáo viên nữ trẻ đẹp để làm lễ tân trong các ngày lễ, cụ thể là hơn 20 giáo viên nữ bị điều động đi tiếp khách, rót rượu hát karaoke cho quan khách tại Hà Tĩnh vào tháng 11.2016, vào thời điểm đó ông Bộ trưởng này đã từng có một câu phát biểu làm “dậy sóng dư luận”.
“Tuy nhiên, ông Nhạ sau đó lại nói rằng mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc. Ông Bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã.” (“Sự phẫn nộ từ phát ngôn của ông Bộ trưởng Giáo dục”, RFA).
Có lẽ lần này rút kinh nghiệm nên ông Nhạ không dám cho vụ cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ là chưa đến nỗi trầm trọng gì nữa!
Và đây không phải là một câu phát biểu gây tranh cãi duy nhất của ông Nhạ. Nếu search google cụm từ “những phát ngôn gây sốc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-đào tạo” sẽ cho ra rất nhiều kết quả! Chẳng hạn bài “Phát biểu gây sốt dư luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo VN”, Sputnik news.
Cũng như bà Kim Tiến của ngành Y, ngành giáo dục từ khi ông Nhạ lên làm Bộ trưởng tới nay vẫn chẳng có chút thay đổi gì!
Có rất nhiều câu chuyện minh họa cho sự xuống cấp về đạo đức của con người được đào tạo trong môi trường VN hiện nay và sự thảm hại của nghề giáo, và câu chuyện này là một ví dụ rõ ràng nhất!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/teacher-who-forced-to-kneel-03072018083102.html
Đổ xô cầu tài – lộc vì mất niềm tin!
Mỹ Lan RFA
Mất niềm tin vào xã hội
Năm nào cũng vậy, trước khi diễn ra sự kiện Lễ hội phát ấn đền Trần đêm 14 rạng sáng ngày rằm tháng Giêng tại thành phố Nam Định, hàng nghìn người dân từ các tỉnh thành phía Bắc lại đổ dồn về đây, chầu chực, xếp hàng ở bên ngoài khu vực phát ấn từ khi chiều tối. Để rồi đến khi diễn ra lễ phát vào đúng 12 h đêm, cả ngàn người dân chen chúc, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để tranh cướp ấn.
Cũng tương tự tình cảnh trên, tại chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa (Hà Nội) vào các Lễ dâng sao giải hạn hay Lễ cầu an, hàng nghìn người dân thủ đô xếp hàng kín mít bên ngoài ngôi chùa nhỏ, thậm chí ngồi tràn hết cả ra lề đường và cảnh tượng chen lấn để xin lộc lại lặp lại ngay sau khi buổi lễ kết thúc.
Con cái tôi còn nhỏ, mang tiếng có bảo hiểm nhưng đi khám nhà nước cho được mấy viên thuốc, uống cũng chẳng thấy khỏi bệnh gì cả mà chẳng biết trông chờ vào ai cả – người dân
Từ khi nào niềm tin tâm linh của người Việt lại trở nên “mãnh liệt” như vậy. Vì sao trong những năm gần đây, người ta tìm đến các đình, đền, chùa, miếu, mạo ngày một đông, vào bất kể dịp nào trong năm? Khi được hỏi về lý do thường xuyên đi lễ, bà Minh, một người dân cho biết:
“Xã hội bây giờ bệnh tật thì nhiều, ra đường thì người dân không có ý thức đi ẩu gây ra tai nạn giao thông, ăn uống thì thực phẩm bẩn, môi trường thì ô nhiễm… đâm ra cũng chẳng biết trông chờ gì. Thôi tốt nhất là cứ theo mặt tâm linh đi lễ cầu mong sức khoẻ, bình an cho gia đình mà thôi”
Mất niềm tin vào cuộc sống, rất nhiều người dân như bà Minh cố gắng bấu víu vào các thế lực tâm linh mà cụ thể là việc đi lễ để xin ơn trên che chở cho bản thân và gia đình trước những mối đe doạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống:
“Con cái tôi còn nhỏ, mang tiếng có bảo hiểm nhưng đi khám nhà nước cho được mấy viên thuốc, uống cũng chẳng thấy khỏi bệnh gì cả mà chẳng biết trông chờ vào ai cả”
Không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ, hình thức hầu đồng cũng ngày một trở nên phổ biến hơn. Các đình, đền, miếu, phủ vào các dịp lễ thánh trong năm lúc nào cũng tấp nập, đông đúc với các vấn hầu đồng, thậm chí người ta còn phải bỏ tiền ra đút lót để có được những xuất hầu vào các ngày giờ đẹp. Chưa bao giờ người dân lại đặt niềm tin vào các đấng siêu nhiên nhiều như bây giờ. Nhà nghiên cứu Pham Cẩm Thượng năm 2013 cũng đã từng chia sẻ: “Ở đâu mà lòng người bất an, xã hội bất trắc, thì mê tín dị đoan cũng có nhiều cơ hội, như cỏ dại gặp đất hoang vậy”.
Lệch lạc nhận thức
Trên facebook cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng: “Nước ta đang dấy lên chuyện tâm linh, nhưng toàn cổ xúy cho những lệch lạc, mê lầm”
Theo ông, trên thực tế, đáng lẽ đền Trần là nơi giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước thì trở thành nơi cổ xúy chuyện ấn triện, thăng tiến và lợi lộc, mua quan bán chức; đền Bà Chúa Kho, bà chúa Xứ là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với kho dự trữ của nhà nước thì trở thành nơi mặc cả vay mượn, mua bán quàng xiên. Hay như lễ Tịch điền, đàn Xã Tắc là nơi giáo dục lòng biết trọng nông thuần phác thì lại thành ra nơi lòe loẹt, cờ đèn kèn trống.
Trả lời về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho biết:
“Tôi cũng đã đi theo một số người đi lễ, họ đi đến đình, đền, phủ hay đến chùa đều nói một câu hết sức quen thuộc là “Nam mô a di đà Phật”, điều đó cho thấy người ta đến di tích và không gian ấy mà không hiểu ý nghĩa thực sự hay vị thánh, thần nào là điện chủ của di tích ấy, chính vì vậy mà họ hiểu nhầm”
Người ta đến đó (đền Bà chúa Kho) để xin vay mượn dịp đầu năm xong đến cuối năm người ta đến đó để trả “nợ” – GS.TS Nguyễn Chí Bền
Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc một bộ phận không nhỏ người dân đổ xô về một số di tích đình, đền, chùa là do hiệu ứng đám đông:
Người ta cứ tưởng rằng cứ đến đền Trần, có được cái lá ấn thì là được thăng quan tiến chức trong khi thực tế người ta đến đền Trần để cảm ơn các vua nhà Trần đã phù hộ cho người tra 1 năm vừa qua và cầu xin sự phù hộ cho năm sắp tới. Hay là đền Bà chúa Kho là nơi thờ người phụ nữ trông coi kho cho các vua nhà Lý để phục vụ cho việc chống giặc ngoại xâm thì giờ biến thành câu chuyện vay mượn, và người ta đến đó để xin vay mượn dịp đầu năm xong đến cuối năm người ta đến đó để trả “nợ”.
Đánh giá về hiện tượng này, sư thầy Thích Thánh Hiền, chùa Hoa Nghiêm, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ cho rằng, không phải ai cũng hiểu được mục đích của việc đi lễ và do đó họ thường cầu xin công danh, bổng lộc hay của cải, vật chất. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại hoàn toàn với mục đích chính của nét đẹp văn hoá này và cần phải điều chỉnh cũng như thay đổi dần nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay.
“Đức thế tôn dạy rằng vạn pháp đều từ tâm mà ra. Nếu tâm mình thanh tịnh thì cuộc sống của mình sẽ hạnh phúc. Mình cầu sự bình an, mình phát đi một tâm lành thì những điều thiện, điều lành sẽ đến với mình”
Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, tín ngưỡng, văn hoá là khái niệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và hằn sâu trong tâm thức của mỗi con người. Do đó, việc tuyên truyền, quảng bá nhằm giúp người dân nhân thức đúng đắn về ý nghĩa tâm linh cũng như có kiến thức về những di tích lịch sử đình đền chùa là một vấn đề cần phải thực hiện; tuy vậy không thể dễ dàng thực hiện được trong thời điểm hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-xo-cau-tai-loc-vi-mat-niem-tin-03062018131348.html
FLC mua 24 máy bay phục vụ hàng không Tre Việt
Tập đoàn bất động sản FLC đạt được thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO của Airbus trị giá 3 tỷ đôla để vận hành hãng hàng không Bamboo Airways (Tre Việt).
Reuters bình luận thương vụ này cho thấy một kế hoạch đầy tham vọng của FLC trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp hàng không đang phát triển nhanh của Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm ngoái, FLC từng cho biết dự kiến thuê khoảng 7 chiếc máy bay Airbus vào năm 2018.
Cục Hàng không VN phạt Vietjet 44 triệu
Hãng ‘hàng không bikini’ VietJet lên sàn
Nhân viên không lưu bị phạt vì ngủ trong ca trực
Bạn muốn làm phi công cho Vietnam Airlines?
Tập đoàn FLC, với các hoạt động kinh doanh chính gồm nhà ở, khu nghỉ mát và chơi gôn, hiện chưa có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và tuyên bố đang chờ chính phủ Việt Nam thông qua hồ sơ xin cấp phép, theo Reuters.
Sau khi có giấy phép, FLC dự đặt mua thêm 24 máy bay Airbus A321 LR (Long Range), nâng tổng số máy bay sở hữu lên 48 chiếc, theo thông tin trên website FLC.
“Sau khi nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, FLC Group và Bamboo Airways quyết định đặt mua 24 máy bay từ Airbus trong giai đoạn đầu phát triển đến năm 2025. Sau khi vận hành và kiểm định hiệu năng, chúng tôi sẽ tính toán thêm các lựa chọn hợp tác mở rộng”, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC cho biết trên trang web của tập đoàn sau khi gặp đại diện của Airbus hôm 6/3.
FLC cho biết Bamboo Airways có kế hoạch khai thác các tuyến bay thẳng quốc tế tới các điểm du lịch ở Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, trong khi đó cũng có kế hoạch bay nội địa.
Theo Reuters, năng lực khai thác của hàng không Việt Nam đã đạt đến giới hạn khi ngày càng nhiều người trong đất nước hơn 90 triệu dân này đi máy bay và nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất ở châu Á, khiến chính phủ do dự hơn trong việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Thiếu phi công
Hiện chưa rõ FLC có kế hoạch gì về phi công cho Bamboo Airways trong khi Việt Nam ghi nhận thiếu cả phi công và nơi đào tạo.
Theo số liệu năm 2016 của Cục Hàng không Việt Nam được báo Người Lao Động trích dẫn vào thời điểm đó, Việt Nam cần thêm 1.320 phi công.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, mỗi năm Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific Airlines cần khoảng 200- 250 phi công.
“Bên cạnh đó, nhu cầu huấn luyện nâng hạng từ lái phụ lên lái chính, từ học viên phi công đào tạo cơ bản lên lái phụ đối với các loại máy bay đang khai thác cũng cần khoảng 170-200 lượt/năm”.
Vẫn theo báo Việt Nam, nước này còn thiếu nơi đào tạo phi công.
Tại hội thảo về đào tạo ngành hàng không lần thứ nhất ở TPHCM hồi 2016, nhiều đại biểu cho biết đào tạo phi công thiếu nhiều thứ, ví dụ thiếu thiết bị thực hành. Hay thiếu thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với hãng hàng không để sử dụng lao động và tập bay thực tế.
Sinh viên ngành hàng không tại Việt Nam còn yếu cả tiếng Anh.
Truyền thông Việt Nam cho hay nhân sự trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam hiện chủ yếu là người nước ngoài. Có hãng hàng không thuê 90% phi công người nước ngoài.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-43312765
Đoan Trang nhờ người nhận giải nhân quyền
Blogger Đoan Trang nhờ một phụ nữ gốc Việt nhận giải nhân quyền Homo Homini tại Czech và gửi thông điệp về “cuộc đấu tranh quyền cơ bản” ở Việt Nam.
Blogger Đoan Trang, tác giả cuốn Chính Trị Bình Dân, hiện đang trong tình trạng “ẩn náu tại Việt Nam” sau lần bị câu lưu hôm 24/2.
Lễ trao giải Homo Homini của tổ chức People in Need diễn ra tại Prague, Cộng hòa Czech vào đêm 5/3 giờ địa phương.
Blogger Đoan Trang ‘bị tạm giữ vì cuốn sách nhạy cảm’?
VN ‘tăng việc quản thúc’ trước đối thoại nhân quyền
Blogger Phạm Đoan Trang ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn
Bà Đoan Trang nhận giải nhân quyền của Czech
Trong clip phát biểu được gửi đến sự kiện, Đoan Trang nói: “Người dân Việt Nam vẫn đang phải đấu tranh để quyền cơ bản của con người được thực thi.”
Tôi ước ao là một ngày nào đó, người dân Việt Nam không còn phải đấu tranh với một nhà nước độc tài.blogger Đoan Trang
Cô cũng nhắc đến câu chuyện của những người đang bị cầm tù: sinh viên Trần Hoàng Phúc, blogger Thúy Nga và Mẹ Nấm…
“Tôi ước ao là một ngày nào đó, người dân Việt Nam không còn phải đấu tranh với một nhà nước độc tài,” Đoan Trang nói trong lời kết bài phát biểu.
‘Ý thức của người dân’
Bà Nguyễn Thanh Mai, người đang làm việc cho một hãng hàng không ở Cộng hòa Czech và được Đoan Trang nhờ đi nhận giải thay, nói với BBC hôm 7/3:
“Trong lần về Việt Nam hồi tháng 3/2015, tôi có gặp Đoan Trang. Tôi cho là vì đang phải ẩn lánh, cho nên cô ấy có lý do để lo lắng cho sự an toàn mà người khác có thể sẽ gặp phải nếu công khai đi nhận giải thay cô ấy.”
“Đoan Trang là tác giả mà tôi yêu quý và trân trọng. Có thể nói không ngoa rằng cô ấy là người giúp tôi mở mắt.”
Hải quan tịch thu ‘sách nhạy cảm chính trị’
Quyền dân sự, chính trị ‘xuống cấp’ ở VN
Bộ trưởng Thụy Điển ‘sẽ gặp xã hội dân sự VN’
“Theo như tôi thấy, Đoan Trang khác các nhà báo khác ở chỗ cô ấy ý thức rất rõ rằng người dân cần phải có kiến thức cơ bản về chính trị, về sự vận hành của các thể chế chính phủ, để biết mình muốn thể chế nào, phải chăng quyền đó có là chính đáng hay không và có thể làm được gì cho điều đó.”
“Khác với các lời kêu gọi kiểu “Các bạn hãy đi theo tôi”, thông điệp của Đoan Trang là các bạn hãy tự tìm hiểu và làm theo những gì các bạn cho là tốt nhất.”
Bà Thanh Mai cũng cho biết thêm:
“Từ 1999, tôi về Việt Nam thường xuyên, năm nào cũng một, hai lần vì cha mẹ đã già. Lúc đó thì tôi không hề có bất kỳ hoạt động gì, một phần vì con nhỏ, một phần vì chưa có ý thức.”
“Tôi bắt đầu có các hoạt động đầu tiên từ 2013, khi đó tôi tham gia nhóm Văn Lang Praha và bắt đầu dịch, biên tập một số tác phẩm của Vaclav Havel [cựu tổng thống và cũng là nhà viết kịch bất đồng chính kiến] Nhờ các tác phẩm này mà tôi mở mắt hơn, và bắt đầu có những hoạt động mà phần lớn đều có thể thấy trên website Văn Lang.”
Đoan Trang là tác giả mà tôi yêu quý và trân trọngBà Nguyễn Thanh Mai
“Trong lần về nước hồi tháng 12/2015, tôi bị chặn lại và được thông báo rằng mình không được đón nhận tại Việt Nam. Khi tôi hỏi tại sao thì công an cửa khẩu bảo tôi sang hỏi an ninh tại sứ quán Việt Nam tại Czech.”
“Dĩ nhiên là chẳng có ai ở đó tự nhận mình là an ninh, cho nên chưa bao giờ tôi biết lý do bị cấm nhập cảnh. Ngay cả khi cha tôi qua đời ở Việt Nam, tôi lên xin visa và cũng không nhận được trả lời.”
“Năm ngoái, một nhân viên của sứ quán Việt Nam có mời tôi gặp nói chuyện. Cuối buổi nói chuyện, người này nói tôi nên ‘sử dụng quan hệ của mình với báo chí, truyền thông Czech một cách thích hợp hơn’. Tôi cảm ơn sự quan tâm và hứa là sẽ suy nghĩ về lời khuyên này.”
Cũng trong hôm 7/3, BBC nhận được ý kiến của ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập Luật Khoa Tạp chí: “Theo tôi được biết, từ khi Đoan Trang về nước vào tháng 1/2015, không ai biết chắc cô ấy có bị cấm xuất cảnh hay không vì cô không bị thu hộ chiếu và chưa thử xuất cảnh lại bao giờ.”
“Tuy vậy, chuyện đó không quan trọng vì Đoan Trang đã từng thề trước khi về nước là sẽ không bao giờ rời Việt Nam chừng nào Việt Nam còn độc tài.”
“Cam kết vững chắc đó của Đoan Trang cho thấy cô ấy nghiêm túc và sẵn sàng trả giá cao đến như thế nào cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam.”
“Từng nhiều lần Đoan Trang nói với tôi rằng, đây không phải cuộc chơi để mà dạo chơi, đây là cuộc đấu tranh giữa sống và chết, giữa khao khát được sống tự do, lương thiện của con người với cái ác, cái xấu đang cố dìm con người xuống.”
“Hơn nữa, tôi biết Đoan Trang không ham hố giải thưởng gì. Nếu tôi nhớ không lầm thì cô ấy đã được đề nghị trao giải nhiều lần lắm rồi. Lần này cô ấy đồng ý nhận giải vì giải này không trao hiện kim, mà lại là cơ hội để giới làm phim quốc tế biết đến tình hình nhân quyền Việt Nam nhiều hơn.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43297594
Việt Nam: Tảo hôn ‘vẫn tiếp diễn’
Nạn tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở miền núi, nơi các cặp vợ chồng trẻ con về ở với nhau cho tới khi đủ 18 tuổi mới đăng ký với chính quyền và ‘chịu phạt hành chính một chút’, theo một mục sư ở tỉnh Điện Biên.
‘Tảo hôn còn phổ biến’
“Tảo hôn là chuyện phổ biến ở chỗ chúng tôi từ xưa”, ông Sùng A Chìa, mục sư tại một hội thánh Tin Lành ở huyện miền núi Mường Chà, nói với BBC qua điện thoại hôm 7/3.
“Mới đầu năm nay tôi đã đi bốn đám cưới của cô dâu chú rể dưới 18 tuổi”, ông Chìa nói.
“Đồng bào miền núi sau Tết đám cưới nhiều, do trong Tết thanh niên đi chơi, thấy cô nào ‘vừa mắt’ thì về nói chuyện với bố mẹ xin đi hỏi vợ.”
Thân phận bé gái Việt ‘bị lừa sang Trung Quốc’
Mỹ ra phúc trình nhân quyền Việt Nam 2016
Tại sao người Việt khó hạnh phúc?
“Nhiều thiếu niên chỉ học đến lớp 7, 8, 9 rồi nghỉ để ở nhà phụ giúp gia đình.”
“Những người kết hôn ở bản tôi có được giấy đăng ký kết hôn của xã là hiếm.”
“Thường người dưới 18 tuổi kết hôn vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục của đồng bào trên đó nhưng không làm thủ tục với ủy ban.”
“Họ về sống với nhau, khi nào có con cái, hai người đủ 18 thì mới xuống ủy ban đăng ký kết hôn, chịu phạt hành chính một tý.”
“Hội Thánh chúng tôi vẫn có các bài giảng về vấn đề lấy vợ lấy chồng sớm, khi chưa có kinh nghiệm nuôi con cái thì sẽ vất vả.”
“Sinh con ra không có giấy khai sinh, không có bảo hiểm, các con đau ốm thì khổ.”
“Nhưng tình trạng tảo hôn vẫn nhiều, tôi nghĩ là do ý thức của người dân và do hoàn cảnh còn nghèo.”
“Họ chỉ biết lấy chồng lấy vợ càng sớm thì càng tốt, có người giúp gia đình làm nương làm rẫy.”
“Họ không nhận thức được những vấn đề khác trong tương lai.”
“Trong bản, gần nhà tôi có gia đình tảo hôn nay đã có năm con dù người chồng hiện chưa đến 30 tuổi. Họ nghèo lắm, vẫn sống trong nhà tranh.”
Tăng hay giảm?
Trong khi đó, một người dân ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên muốn ẩn danh lại nhìn nhận tảo hôn ở địa phương này có dấu hiệu giảm.
Ông nói với BBC qua điện thoại rằng độ tuổi tảo hôn có vẻ tăng lên, trung bình ở lứa tuổi 16,5 năm 2017, so với các năm trước nhiều em kết hôn khi mới 14, 15 tuổi, thậm chí trẻ hơn.
Lý do có thể do học sinh miền núi hiện được tiếp cận với công nghệ thông tin nên đã hiểu biết hơn. Tỷ lệ tới trường cao hơn các năm trước.
“Trước Tết tôi mới chỉ biết một đám cưới ở xã trong đó cô dâu mới 14 tuổi, học lớp Tám,” ông cho biết.
Việt Nam gần đây chưa có công bố nào về tình trạng tảo hôn hiện tăng hay giảm.
Hiện chỉ có số liệu từ cuộc điều tra quốc gia đầu tiên về điều kiện kinh tế xã hội của 53 nhóm dân tộc thiểu số do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành từ năm 2015.
Theo đó, tỷ lệ tảo hôn trung bình trong nhóm này ở mức cao, 26,6%.
Một số cộng đồng dân tộc thiểu số trong nhóm này thậm chí có tỷ lệ tảo hôn rất cao, lên tới 50 – 70%.
Truyền thông Việt Nam cho hay 11% nữ giới ở Việt Nam trong độ tuổi từ 20-49 kết hôn khi chưa đến 18 tuổi – thông tin được đưa ra tại một hội thảo quốc gia về vấn đề tảo hôn, tổ chức tại Hà Nội năm 2017.
Hiện chưa có số liệu mới hơn nào về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam được công bố.
Giảm trên toàn cầu
Tỷ lệ tảo hôn trên toàn thế giới giảm, theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef.
Tổ chức này ước tính có 25 triệu vụ tảo hôn được ngăn chặn trong thập kỷ qua.
Hiện cứ 5 phụ nữ thì một kết hôn trước 18 tuổi, so với một trong bốn trước đây.
Unicef cho biết các nước Nam Á cũng chứng kiến tỷ lệ tảo hôn sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay.
Ở Ấn Độ, tảo hôn giảm nhờ nâng cao giáo dục trẻ em gái và tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn.
Unicef cho hay nạn tảo hôn hiện xảy ra nghiêm trọng nhất ở châu Phi nhưng Ethiopia cũng đã giảm 1/3 tỷ lệ tảo hôn.
Báo cáo nói rằng gánh nặng tảo hôn đang chuyển sang vùng hạ Sahara châu Phi.
Unicef cho biết, cứ ba vụ tảo hôn thì một vụ xảy ra ở vùng hạ Sahara châu Phi, so với một trong 5 vụ trước đây.
Các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 theo Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Bà Anju Malhotra, cố vấn về giới của Unicef nói rằng để đạt được mục tiêu đó, cần đẩy mạnh các nỗ lực ‘ngăn chặn hàng triệu trẻ em gái bị đánh cắp tuổi thơ do tảo hôn’.
Do tảo hôn ảnh hưởng cả đời một con người nên “bất kỳ mức giảm nào đều là tin tức đáng hoan nghênh – nhưng chúng ta còn một chặng đường dài trước mắt”, theo bà Malhotra.
Bà nói: “Khi một phụ nữ bị buộc phải kết hôn từ khi còn là một bé gái, cô ấy sẽ phải đối mặt với những hậu quả ngay lập tức và suốt đời.”
“Tảo hôn khiến cơ hội đến trường của trẻ em gái giảm, nguy cơ bị ngược đãi và các biến chứng thai sản tăng. Đó là chưa kể những hậu quả xã hội rất lớn, nguy cơ cao về chu kỳ nghèo đói từ đời này sang đời khác.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43297514
Đức truy tố người Việt Nam
trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Viện Công tố Liên Bang Đức, vào ngày 7 tháng 3 ra thông cáo cho biết đã chính thức truy tố một người quốc tịch Việt Nam vì tham gia vào hoạt động mật vụ và hỗ trợ cho hành động tước quyền tự do cá nhân, qua vụ bắt cóc cựu cán bộ cấp cao trong ngành dầu khí của Việt Nam là ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hồi tháng Bảy năm ngoái.
Reuters loan tin trong cùng ngày 7 tháng Ba, cho biết theo thông cáo của Viện Công tố Liên bang Đức người bị chính thức truy tố vào ngày 28 tháng 2 là nhân vật có tên Long. N. H. Mạng Thời Báo. De vừa qua nêu rõ tên của người này là Nguyễn Hải Long.
Thông cáo của Viện Công tố Liên Bang Đức còn nêu rõ vụ việc là ông Trịnh Xuân Thanh cùng một người phụ nữ đi cùng bị bắt tống lên một chiếc xe tải và chở đến Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin ngày 23 tháng Bảy năm 2017. Các công tố viên nhấn mạnh mặc dù họ chưa rõ ông Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam bằng cách nào, nhưng người phụ nữ cùng đi với ông Thanh đã về Hà Nội bằng đường hàng không.
Các công tố viên nói rằng nhân viên tình báo Việt Nam và những người khác trong Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin cùng với một vài người Việt Nam sinh sống ở Châu Âu, bao gồm cả nghi phạm Long. N. H. đã thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và người phụ nữ.
Nghi phạm Long. N. H. bị bắt ở Cộng hòa Czech hồi tháng Tám và được giao cho nhà chức trách ở Đức. Nghi phạm Long. N.H. thuê một chiếc xe tải ở Prague và đã sử dụng chiếc xe đó trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin và đã trả xe ở Prague sau khi vụ bắt cóc xảy ra. Viện Công tố Liêng Bang Đức cho biết thêm rằng nghi phạm này còn lái một chiếc khác, BMW X5 về Prague để quan sát và dọ thám tình hình.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật bị bắt cóc trong vụ việc vừa nêu, vào tháng Giêng năm 2018 bị Tòa án Việt Nam tuyên án chung thân với tội danh tham nhũng và cố ý làm trái quy định của nhà nước.
Tỉnh Bạc Liêu không xây nhà máy nhiệt điện
Chính quyền tỉnh Bạc Liêu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long từ chối đề xuất tiến hành dự án nhà máy nhiệt điện Cái Cùng và cho biết mong muốn trở thành một trung tâm quốc gia về năng lượng tái tạo và là nơi nuôi trồng tôm lớn của cả nước.
Dự án nhiệt điện có vốn đầu tư của Nhật Bản dự kiến sẽ giúp tăng trưởng GDP của tỉnh Bạc Liêu như trường hợp tỉnh Trà Vinh với nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Theo đánh giá từ khi nhà máy nhiệt điện Duyên Hải bắt đầu hoạt động, GDP của tỉnh Trà Vinh đã tăng từ 6% lên 12%.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết lý do từ chối dự án nhà máy nhiệt điện là vì “ngay cả với công nghệ và thiết bị mới nhất, nhà máy này cũng gây ra những vấn đề về môi trường và gây thiệt hại cho ngành nuôi tôm, là chìa khóa phát triển kinh tế của tỉnh, và ngành nuôi tôm công nghệ cao cần diện tích thâm canh rất lớn.”
Ông cho biết thêm là tỉnh Bạc Liêu chỉ có thể lựa chọn hoặc tôm hoặc nhà máy nhiệt điện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết định nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu.
Ông Lê Xuân Anh, giám đốc một công ty ở Bạc Liêu cho biết “sức mạnh lớn nhất của tỉnh là nuôi tôm, và gần 50% tổng diện tích của tỉnh được sử dụng cho nuôi tôm. Vì vậy, quyết định từ chối nhà máy nhiệt điện là đúng và phù hợp với điều kiện thực tế và môi trường kinh tế địa phương.”
Với dự án xây dựng khu nuôi trồng tôm công nghệ cao trị giá 140 triệu USD, tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia và là trung tâm liên kết các viện nghiên cứu, trường học và doanh nghiệp.
Trung tâm sẽ sử dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, sản xuất tôm giống, xuất khẩu và chế biến giúp thực hiện mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025.
Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản 1.290 km vuông, sản xuất nông nghiệp chiếm 43% GDP của tỉnh. Hàng năm, tỉnh thuhoạch khoảng 210.000 tấn thủy sản, trong đó 115.000 tấn tôm, trong đó kim ngạch xuất khẩu vượt quá 527 triệu USD, chiếm 13,7% tổng kim ngạch cả nước.
Với mục tiêu trở thành một trung tâm quốc gia về năng lượng tái tạo, vào cuối năm ngoái, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác phát triển dự án Nhà máy điện mặt trời với Tập đoàn SY (Hàn Quốc), trị giá 450 triệu USD. Nhà máy được xây dựng trên địa bàn huyện Đông Hải với diện tích 400 ha, có công suất 300 MW. Dự kiến khi hoàn thành vào giữa năm 2019, nhà máy sẽ là nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất của nước này.
Ông Hong Young Don, Chủ tịch của Tập đoàn SY Panel cho biết “Dự án năng lượng tái tạo này là nhà máy điện mặt trời lớn nhất ở Bạc Liêu. Dự án này và các dự án điện gió khác sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Bạc Liêu và Việt Nam.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/baclieu-says-no-to-thermal-plant-03072018075756.html
Trải nghiệm tự do
Nguyễn An
Không gian thoáng mở
Chỉ mới sau hơn 30 tiếng ra khỏi Việt Nam, trên chặng đường qua một vài sân bay quốc tế như Abu Dhabi, một bạn nữ đã ra trường làm việc và tham gia một số hoạt động xã hội độc lập tại Việt Nam, nói rõ những điều mà bạn được nhắc nhở hay từng có thói quen trước lúc ra đi hoàn toàn khác hẳn. Đơn cử như việc phải canh giữ đồ đạc để khỏi bị mất cắp hay chuyện được người khác nhường chỗ, giúp đỡ khi phải hỏi han vì bở ngỡ.
Bạn nữ này cho biết bản thân hưởng được một bầu khí tự do thực sự và từ đó khiến bạn cảm thấy rất tự tin vào bản thân. Điều này hoàn toàn ngược với thời gian khi còn ở Việt Nam.
“Ô, cảm thấy rất thoải mái và mình hiểu được tại sao luôn thấy mặt người Việt Nam (trong nước) lúc nào cũng buồn, cũng khổ. Cứ để ý đi, khi về Việt Nam lúc nào cũng thấy mặt người ta nhăn thế này này, lúc nào cũng sầu não.”
Tù túng trong nước
Nhiều người nói ở đâu mà chẳng có tham nhũng; ở đâu mà chẳng có người tốt, người xấu; ở đâu mà chẳng có mảng tối của xã hội. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là mảng tối xã hội được người dân biết, người dân phòng tránh, người dân phản đối và cố gắng sửa đổi nó. Đó là xã hội mà có thể sửa chữa được chính mình.
– Nguyễn Trung Trọng Nghĩa
Bạn nữ, mà chúng tôi giấu tên vì lý do an toàn khi trở về Việt Nam trong thời gian tới, đưa ra lý giải cho nhận định vừa nêu:
“Thử nghĩ đi: một ngày 24 tiếng mất 8 tiếng để ngủ, còn sống hằng ngày phải lo trước, lo sau. Khi đi ra đường thì lo sợ bị xe tông; nếu không bị tông thì sợ khi cảnh sát giữ lại sẽ lấy tiền. Khi ăn không biết phải mua thứ gì không bị thuốc độc… Đến bệnh viện thì bị coi như con vật (nếu không có tiền). Con cái nói dối, không nghe lời vì hệ thống giáo dục có tốt đẹp gì đâu nên đứa con không biết thế nào là sống chân thật! Khi con người sống mà không có nền tảng đạo đức là sự chân thật thì họ luôn lo sợ. Nên người Việt Nam mặt lúc nào cũng buồn, cũng khổ là vì vậy!”
Cản ngại khai phóng
Đối với thanh niên Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của tù nhân chính trị Nguyễn Trung Tôn hiện đang bị cầm tù với lý do ‘âm mưu lật đổ chính quyền’, thì tình trạng thiếu minh bạch thông tin tại Việt Nam khiến cho tình hình ở Việt Nam ngột ngạt, thiếu dân chủ:
“Em thấy cả hai xã hội đều có những vấn đề của nó, đều có những mảng tối của xã hội. Tuy nhiên, sự khác biệt mà em thấy được là không có thông báo những chuyện này cho người dân biết tại Việt Nam. Như có tham nhũng xảy ra nhưng mọi người không biết được, chỉ có đồn đại chuyện này xảy ra, chuyện kia xảy ra. Đơn cử khi em ra nước ngoài có vụ tổng thống Donald Trump dính líu với Nga nên FBI đang vào cuộc điều tra. Ông tổng thống to quyền nhất trong nước nhưng thông tin đều cho biết chuyện này xảy ra, chuyện kia xảy ra. Quyền được biết của mọi người rất được tôn trọng.
Nhiều người nói ở đâu mà chẳng có tham nhũng; ở đâu mà chẳng có người tốt, người xấu; ở đâu mà chẳng có mảng tối của xã hội. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là mảng tối xã hội được người dân biết, người dân phòng tránh, người dân phản đối và cố gắng sửa đổi nó. Đó là xã hội mà có thể sửa chữa được chính mình.”
Cả hai bạn thừa nhận tình trạng có nhiều người trẻ trong nước được ra nước ngoài học tập và đa số chọn ở lại không trở về Việt Nam nữa. Còn số trở về vẫn không thể phát huy những điều học hỏi được.
“Có 2 vấn đề: thứ nhất là vấn đề cá nhân và nhận thức của mỗi người. Có những người trẻ có não trạng khi ra đi chỉ biết no đủ cho bản thân của họ thôi, thì khi trở về họ cũng là con người như thế. Nó chỉ mang tính cá nhân, kiến thức chưa thể thay đổi ý thức.Bạn nữ đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề này:
Vấn đề thứ hai là chuyện xã hội, khi họ trở về họ bị sốc: họ giỏi nhưng họ không có được việc làm khi không có những mối quan hệ. Ở Việt Nam có câu ‘nhất quan hệ, nhì tiền tệ’. Có mấy ai là người tài trở về mà sống yên ổn tại Việt Nam, họ ở lại để ‘cố đấm ăn xôi’. Nên không thể trách được những người vì sao đi du học mà không trở về.”
Vấn đề được Nguyễn Trung Trọng Nghĩa lý giải:
“Môi trường để những người có mong muốn đi ra ngoài học rồi trở về lại quá ‘nghẹt ngòi’, khó để cho họ có thể làm được điều gì đó.
Có những câu chuyện được kể ngay tại đây là có những bạn trẻ chỉ muốn lên miền núi xây những trường học cho trẻ em nghèo thôi; thế nhưng chính quyền địa phương yêu cầu đưa tiền cho họ để làm mà thôi. Môi trường như thế làm người ta chán nản. Em rất hiểu và thông cảm đối với những người đó.
Mình học được những điều hay và khi chia sẻ lại cho những người khác tức là một lần nữa mình được học lại, được trải nghiệm lại. Điều hữu ích nữa là tại Việt Nam em làm những hoạt động giáo dục cho trẻ em, và điềm em học được là tôn trọng. Khi mà mình tôn trọng từ những người nhỏ nhất thì em có thể giúp cho họ có cái nhìn về tự do.
– Nguyễn Trung Trọng Nghĩa
Bản thân em nghĩ cũng sẽ cố gắng hết sức thôi, mình làm được đến đâu thì làm thôi; mình làm với hy vọng việc mình làm sẽ mang lại sự thay đổi. Chứ không nghĩ rằng điều mình làm chắc chắn mang lại sự thay đổi; nếu nghĩ như vậy thì cuối ngày sẽ thất vọng, tuyệt vọng thôi.”
Trở về với phương pháp riêng
Hai bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc khẳng định sau chuyến ra nước ngoài này họ sẽ trở về trong nước tiếp tục các hoạt động lâu nay. Tuy nhiên với những trải nghiệm mới, họ có những cách thức cụ thể như sau như trình bày của bạn nữ được giấu tên:
“Mình học được những điều hay và khi chia sẻ lại cho những người khác tức là một lần nữa mình được học lại, được trải nghiệm lại. Điều hữu ích nữa là tại Việt Nam em làm những hoạt động giáo dục cho trẻ em, và điềm em học được là tôn trọng. Khi mà mình tôn trọng từ những người nhỏ nhất thì em có thể giúp cho họ có cái nhìn về tự do.”
Và phương thức cụ thể của Nguyễn Trung Trọng Nghĩa:
“Mình làm những chuyện gì nhẹ nhàng hơn, làm và phải suy nghĩ về hậu quả. Thay vì đấu tranh trực diện thì biết đâu mình lại bắt tay với họ để làm để kiến thiết xã hội, giúp đỡ cho người dân có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Lúc đó, người dân sẽ là những người tự lựa chọn; thay vì mình phải xuống đường hò reo, phải làm này, làm kia.”
Với những phương tiện mới như mạng Internet và qua trải nghiệm tại những đất nước tự do, dân chủ, hai bạn trẻ đều nhận thấy có những điều ràng buộc người dân tại Việt Nam. Và theo ngôn từ được dùng hiện nay là ‘nhà tù nhỏ trong một nhà tù lớn’ tức hệ thống trại giam cầm tù những người bị kết án; còn dân chúng thì phải sống trong một bầu khí ngục tù, thiếu vắng tự do- dân chủ thực sự.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/experience-of-freedom-03072018074637.html
Bị đe dọa tính mạng,
Đảng viên Cộng sản trốn sang Úc trồng cần sa
Một Đảng viên Cộng sản Việt Nam đã buộc phải tham gia trồng cần sa trong một ngôi nhà ở thị trấn Ballan, bang Victoria, Úc, trong lúc đang chạy trốn vì bị đe dọa trong Đảng, theo tuyên bố của tòa án Úc được tờ Courier trích dẫn vào ngày 6/3.
Tin cho hay Hung Phan, một Đảng viên Cộng sản Việt Nam, 34 tuổi, vì lo sợ cho tính mạng nên đã trốn sang Úc và cư ngụ tại đây bất hợp pháp trong hai năm qua.
Hung Phan bị bắt tại một ngôi nhà trồng cần sa ở thị trấn Balland vào tháng 7/2017.
Theo lời luật sư bào chữa Adrian Paull, Hung vốn là một người “có học thức, có bằng cử nhân về Luật kinh tế và có chứng chỉ về phát thanh truyền hình”.
Hung trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2009. Sau đó, cấp trên nói với Hung rằng anh ta sẽ được thăng chức nếu chịu chi ra 18.000 đôla.
Lo sợ việc nhận hối lộ đổ bể, cấp trên này đã đe dọa Hung.
Vẫn theo lời luật sư bào chữa, Hung đã tìm cách từ bỏ Đảng nhưng không thành. Sau đó, đảng viên này tìm cách trốn khỏi Việt Nam và sang Úc, nơi anh ta có thân nhân sinh sống tại đây. Tuy nhiên, trong 2 năm ở Úc, Hung không hề tiếp xúc và cho thân nhân biết anh ta đã sang Úc cho tới ngày bị bắt.
“Anh ta lo sợ cho tính mạng của mình”, Luật sư Paull giải thích.
Trong thời gian ở Úc, Hung đã đi làm cho một nhà hàng Tàu ở Melbourne và đi hát tại một phòng trà. Tại đây, Hung gặp và làm bạn với một tài chủ. Người này sau khi biết những khó khăn của Hung đã ép anh ta phải đi làm công việc mà người này đưa ra, theo lời của luật sư bào chữa cho Hung tại tòa.
Cảnh sát Úc đã phát hiện Hung khi đột nhập vào một căn nhà ở Ballan, nơi 5 căn phòng đã được cải tạo thành vườn trồng cần sa với 237 cây lớn nhỏ, lên tới 108.93 kg.
Luật sư bào chữa cho Hung nói anh ta chỉ đến căn nhà này vào ngày bị bắt để tưới cây mà thôi và không có bằng chứng cho thấy Hung là người trồng và hưởng lợi từ việc trồng cần sa.
“Anh ta nhận được điện thoại và được chở đến đó bởi người tòng phạm”, Luật sư Paull nói.
Thẩm phán Liz Gaynor kết luận hành vi phạm tội của Hung ở mức thấp, cộng với việc giúp cho cảnh sát điều tra, nên Hung chỉ bị phạt án tù 10 tháng. Đảng viên này được trừ 222 ngày tạm giam vào án tù trên.
Thời gian gần đây, cảnh sát Úc đẩy mạnh chiến dịch phá bỏ các trại trồng cần sa tại nhà ở nước này. Bang Victoria được xem là điểm nóng của các đường dây mua bán, trồng cần sa của các đường dây ma túy người Việt và người Albani. Ước tính có đến 1.500 ngôi nhà trồng cần sa tại bang này.
Bộ trưởng Y tế VN bị loại khỏi danh sách giáo sư ‘đạt chuẩn’
Theo nhận định của một chuyên gia giáo dục, việc gác hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Y tế và một số người không đủ để cứu một nền giáo dục ‘bị lũng đoạn’ nghiêm trọng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người được đánh giá là “thừa tiêu chuẩn” chức danh giáo sư, đã không có tên trong danh sách 1.131 người “đạt chuẩn” được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam công bố ngày 6/3. Theo nhận định của một chuyên gia nhiều năm đóng góp cho giáo dục Việt Nam, việc tạm loại bà Tiến và một số người ra khỏi danh sách giáo sư không đủ để cứu một nền giáo dục “bị lũng đoạn” nghiêm trọng.
Theo danh sách công bố sau khi đợt rà soát của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, có 74 người được công nhận là giáo sư và 1.057 người là phó giáo sư. Như vậy, danh sách mới nhất đã giảm 11 giáo sư và 84 phó giáo sư so với danh sách công bố ngày 2/2.
Trong số 95 hồ sơ bị gác lại có hồ sơ của một vài quan chức như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long…
Theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một tiến sĩ khoa học Bỉ nhiều năm làm việc tại Việt Nam, còn số 95 hồ sơ bị gác lại là “còn quá ít” và không giải quyết được vấn đề cốt lõi trong việc phong học hàm tại Việt Nam.
“Tôi thấy quá ít so với số gần 1.200 người. Vì so với năm ngoái, số người được đề cử lên giáo sư, phó giáo sư tăng vượt bậc, tăng gần 50%. Như vậy, chỉ có chưa tới 100 người không đạt thì tôi nghĩ việc rà soát chưa được tốt, kỹ càng và sâu và thời gian rà soát tôi thấy hơi ngắn. Hội đồng chức danh đã được chọn lựa cả năm nay rồi, mà chỉ bỏ ra hơn 1 tuần – 15 ngày để rà soát thì tôi thấy chưa được đầy đủ. Tôi cho rằng số người không đạt ít nhất cũng phải chiếm 1/3 trong số 1.200 người, nghĩa là ít nhất phải có khoảng 400 người [không đạt] thì tôi mới thấy là tự nhiên, còn ít hơn số đó thì tôi vẫn thấy có điều gì đó uẩn khúc”.
Nó là một cái ung thư cho nên không thể chữa ngoài da được. Không thể chỉ bác đi 75 hồ sơ mà ta nói rằng ta thay đổi được cục diện.
GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng.
Việc rà soát học hàm “giáo sư”, “phó giáo sư” bắt đầu được thực hiện từ ngày 8/2 theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi dư luận nghi ngờ có “dấu hiệu bất thường” về số lượng người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng lên đột biến so với năm trước, hơn 1.200 người, tăng gần 60% so với năm 2016.
Bộ trưởng Y tế Việt Nam rơi vào danh sách cần phải xem xét lại sau khi có các đơn khiếu nại về việc công nhận chức danh giáo sư cho bà Tiến. Dư luận cho rằng nhiều quan chức Việt Nam mang danh “giáo sư” nhưng không tham gia giảng dạy, hướng dẫn hay nghiên cứu khoa học là một điều bất thường.
Tuần trước, một số thành viên trong Hội đồng chức danh giáo sư trả lời trên báo chí rằng Bộ trưởng Y tế Việt Nam được công nhận chức danh “giáo sư” vì “thừa tiêu chuẩn xét duyệt”, chứ không phải “vì bà ấy có quyền”, theo Tuổi Trẻ.
Theo hội đồng này, bà Tiến đã đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn. Bộ trưởng Y tế cũng chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở, có các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Tổng số điểm của bà Tiến là 34,38 trong khi chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.
Với kinh nghiệm gần 20 năm hướng dẫn nghiên cứu sinh tại Việt Nam, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho rằng “vấn đề” trước hết nằm ngay trong bản thân Hội đồng chức danh giáo sư. Theo ông, nhiều thành viên trong hội đồng chỉ có chức danh “phó giáo sư” nhưng lại được giao trọng trách “xét duyệt” hồ sơ của các ứng viên chức danh giáo sư là một điều “ngược đời”. Ngoài ra, việc yêu cầu hội đồng này rà soát lại việc phong học hàm trước đó của mình chẳng khác nào hành động “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
“Khi Hội đồng chức danh đã việt vị rồi mà tiếp tục giao cho họ công việc rà soát thì không thỏa đáng và không hợp với tính khoa học của sự việc”, GS. Hưng nói.
Tôi cho rằng số người không đạt ít nhất cũng phải chiếm 1/3 trong số 1.200 người, nghĩa là ít nhất phải có khoảng 400 người [không đạt] thì tôi mới thấy là tự nhiên, còn ít hơn số đó thì tôi vẫn thấy có điều gì đó uẩn khúc.
GS-TS. Nguyễn Đăng Hưng.
Tiến sĩ khoa học của Bỉ cho rằng một nguyên nhân khác dẫn đến vấn nạn nở rộ chức danh “giáo sư” là do những người nắm quyền lực đã bằng mọi cách, từ mua bán cho đến dùng quyền gây ảnh hưởng, để có được học hàm nhằm xóa đi mặc cảm “có chức có quyền mà không có văn hóa hay không được đào tạo bài bản”.
Theo GS. Nguyễn Đăng Hưng, nếu không có “ý chí chính trị” và quyết tâm thực sự của những người nắm quyền quyết định thì mọi việc sẽ vẫn lại như cũ, và nền giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục “bị lũng đoạn” trong 10, 20 năm tới hay còn xa hơn. GS. Hưng nói:
“Nó là một cái ung thư cho nên không thể chữa ngoài da được. Không thể chỉ bác đi 75 hồ sơ mà ta nói rằng ta thay đổi được cục diện”.
Theo báo Tiền Phong, trong số 85 giáo sư được công nhận năm 2017, chỉ có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus, chiếm gần 66%, và chỉ có 532 trong số 1.141, tức chưa đầy 47%, người được công nhận chức danh phó giáo sư là có bài báo đăng trên các tạp chí thế giới.
Tổng Giám Mục Sài Gòn qua đời
trong chuyến hành hương Roma
Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc vừa qua đời tại Roma vào ngày 6/3 trong lúc đang cùng với 32 giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện cuộc hành hương viếng mộ các thánh Tông đồ (Ad Limina) và yết kiến Đức Giáo Hoàng để báo cáo về tình hình Công giáo Việt Nam.
Thông báo của tổng giáo phận Sài Gòn cho biết Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc bị đột quỵ sau khi chủ sự dâng lễ tại Đền Thánh Phaolô ở ngoại thành Roma lúc 11 giờ sáng 6/3. Tổng Giám Mục Sài Gòn đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại bệnh viện San Camillo nhưng đã không qua khỏi. Ông qua đời vào lúc 10:15 tối 6/3, giờ Roma (4:15 sáng 7/3 giờ VN), hưởng thọ 74 tuổi, với 48 năm làm linh mục và 19 năm làm giám mục.
Trong chuyến hành hương Ad Limina từ ngày 2/3 đến 11/3, Đức Giám Mục Bùi Văn Đọc và các giám mục Việt Nam đã có buổi yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 5/3 và báo cáo về tình hình của các giáo phận Công giáo tại Việt Nam.
TGM Bùi Văn Đọc sinh ngày 11/11/1944 tại Đà Lạt. Sau khi học ở Tiểu chủng viện và Đại chủng viện Sài Gòn, ông đi du học ở Roma và Đại học truyền giáo Urbaniana. Trở về Việt Nam năm 1970, ông được thụ phong linh mục tại Đà Lạt vào ngày 17/12/1970.
Ông lần lượt được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện, Đại chủng viện và Viện Đại học Đà Lạt những năm sau đó. Từ năm 1975-1995, ông giữ chức Giám đốc Đại chủng viện Minh Hòa Đà Lạt. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm vai trò giảng dạy thần học và là chuyên viên của các giám mục Việt Nam.
Năm 1999, ông được Tòa Thánh tấn phong giám mục và bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo phận Mỹ Tho.
Tháng 8/2013, ông được điều chuyển về giáo phận Sài Gòn làm Tổng Giám Mục phó, trợ giúp cho TGM Phạm Minh Mẫn. Ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn vào ngày 22/3/2014.
TGM Bùi Văn Đọc còn là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin nhiệm kỳ 2016-2019, và là thành viên Bộ Truyền Giáo từ năm 2014.
Trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Bùi Văn Đọc đã ra lời kêu gọi giáo dân tham gia bảo vệ tổ quốc và giúp đỡ các ngư dân gặp nạn trong sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông năm 2014.
Sự ra đi đột ngột của ông khiến Tổng giáo phận Sài Gòn rơi vào tình trạng trống tòa. Tin cho hay hiện Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Giáo phận Sài Gòn, đang công du ở Đức sẽ bay sang Roma để chuẩn bị hậu sự cho cố TGM Bùi Văn Đọc.