Tin khắp nơi – 07/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 07/03/2018

Triều Tiên đồng ý đàm phán với Mỹ:

bước đột phá hay mưu mẹo chính trị?

Việc Triều Tiên thỏa thuận đàm phán với Hoa Kỳ có thể là một bước đột phá ngoại giao để đạt một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, hoặc một mưu mẹo để làm suy yếu các biện pháp chế tài áp đặt lên chế độ miền Bắc, hoặc cả hai.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông, và hứa sẽ tạm ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong thời gian tiến hành đàm phán, đã được ông Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc báo cáo, sau cuộc họp giữa ông với ông Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng.

Những thông điệp mâu thuẫn

Chính quyền Triều Tiên vẫn chưa xác nhận lối diễn giải của miền Nam về bước đột phá ngoại giao tiềm tàng đó. Ngược lại, tờ báo của nhà nước Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun, hôm 7/3 đăng một bài viết với những quan điểm dường như mâu thuẫn để biện minh cho sự cần thiết của khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên để tự bảo vệ “chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Hoa Kỳ”, và nói rằng đây không phải là một vấn đề để mang ra tranh cãi.

Bộ Thống Nhất của Hàn Quốc hôm thứ Tư bác bỏ lập trường không khoan nhượng của tờ Rodong Sinmun, nói rằng vị thế của chính quyền Kim Jong Un, như được trao đổi với đại diện của Hàn Quốc, là sẵn sàng chấm dứt chương trình hạt nhân của mình trong các điều kiện hợp lý.

Baik Tae-hyun, người phát ngôn của Bộ Thống nhất, nói: “Triều Tiên rõ ràng xác nhận rằng họ sẵn sàng phi hạt nhân hóa, và cũng nêu rõ rằng không có lý do gì để họ giữ vũ khí hạt nhân, nếu mối đe dọa quân sự chống lại Triều Tiên được giải quyết, và an ninh của chế độ được đảm bảo.

Tuy nhiên Triều Tiên đã phá vỡ những thỏa thuận đạt được trước đây để chấm dứt chương trình hạt nhân để đánh đổi trợ giúp kinh tế và đảm bảo an ninh. Trong hai năm gần đây, chính phủ Kim Jong Un đã tăng tốc các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa và các cuộc thử nghiệm hạt nhân, đồng thời tỏ thái độ thách thức khi tuyên bố rằng Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và đang tiến gần tới chỗ có thể dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để tấn công các mục tiêu tại các thành phố của Hoa Kỳ.

Đồng minh hoài nghi

Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng với một chiến lược tăng “áp lực tối đa” để buộc Bình Nhưỡng phải đình chỉ chương trình hạt nhân bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt gắt gao, cấm các sản phẩm xuất khẩu của Triều Tiên trị giá hàng tỷ đô la như than, quặng sắt, hàng may mặc và thủy sản. Chính quyền của Tổng thống Trump còn tuyên bố sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự, nếu cần, để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Đặc sứ hàng đầu của Nam Triều Tiên sẽ cùng Giám Đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon lên đường sang Washington vào tuần tới để trao đổi với các quan chức an ninh Hoa Kỳ về những kết luận của họ. Hai nhân vật này cũng sẽ đi thăm Bắc Kinh, Moscow và Tokyo để trao đổi với các quan chức của các nước này.

Ông Trump nói Bắc Triều Tiên tỏ ra “thành thực” khi đề nghị hai bên tham gia đàm phán. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì áp lực của các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng áp dụng những biện pháp có ý nghĩa để đình chỉ chương trình hạt nhân của họ.

Nhật Bản cũng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên trong khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói:

“Nếu chúng ta muốn có một cuộc thảo luận có ý nghĩa, thì Triều Tiên phải cam kết thực thi một kế hoạch phi hạt nhân hoá có thể được kiểm chứng và không thể bị đảo ngược, họ cần phải có hành động cụ thể.”

Trung Quốc khuyến khích các nỗ lực hòa giải, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư 7/3 lại đăng một bài xã luận, nhấn mạnh rằng Trung Quốc, Nga và Hội đồng Bảo an LHQ phải được tham gia đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên.

Những tiến bộ thận trọng

Giới phân tích có phản ứng lẫn lộn, vừa lạc quan vừa hoài nghi trước đề nghị của Triều Tiên, muốn mở các cuộc đàm phán hạt nhân trong khi đình chỉ các vụ thử nghiệm mang tính khiêu khích, với sự pha trộn của sự lạc quan thận trọng và hoài nghi.

Trong khi tham gia đàm phán có thể là một bước tích cực, hiện không rõ Hoa Kỳ và Triều Tiên thậm chí có đồng ý với nhau về thế nào là phi hạt nhân hóa hay không. Washington muốn tháo gỡ toàn bộ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi lập trường của Triều Tiên từ lâu là phi hạt nhân hoá phải bao gồm việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên, đồng thời Mỹ phải rút lại cam kết sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.

Bất cứ điều gì có thể làm suy yếu hoặc giảm tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện hành đối với Triều Tiên, sẽ là một sai lầm lớn.

Ông Bong Young-shik, một nhà phân tích chính trị thuộc Học viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul

Ngoài ra còn có quan ngại cho rằng chính quyền Kim Jong Un chỉ mời Mỹ tham gia đàm phán để đạt được những sự nhượng bộ của miền Nam và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi lãnh tụ hai miền gặp nhau vào cuối tháng 4.

Thoả thuận tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực phi quân sự ở biên giới trên phần lãnh thổ của Hàn Quốc, cũng được đưa ra trong chuyến đi thăm Bình Nhưỡng của đặc sứ Hàn Quốc. Nếu diễn ra, thì đây sẽ là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa lãnh đạo của hai miền Bắc-Nam, tính từ năm 2007.

Một số người lo lắng rằng Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in có thể yêu cầu miễn áp dụng các biện pháp chế tài, và đề nghị những biện pháp ưu đãi kinh tế cho Triều Tiên khi ông gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 4, như mở lại khu công nghiệp Kaesong chung giữa hai nước, nơi 5.000 công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho tới khi khu phức hợp này bị đóng cửa sau vụ thử hạt nhân năm 2016 của Bình Nhưỡng.

Ông Bong Young-shik, một nhà phân tích chính trị thuộc Học viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, nói:

“Bất cứ điều gì có thể làm suy yếu hoặc giảm tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện hành đối với Triều Tiên, sẽ là một sai lầm lớn.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hôm 7/3 dẫn lời Tổng thống Moon Jae in, khẳng định ông không có kế hoạch nới lỏng các các biện pháp chế tài liên quan tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-dong-y-dam-phan-voi-my-buoc-dot-pha-hay-muu-meo-chinh-tri/4284202.html

 

Mỹ trừng phạt Triều Tiên do vụ Kim Jong Nam

Hoa Kỳ nói họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Triều Tiên do vụ nước này hồi năm ngoái sử dụng chất độc thần kinh ám sát người anh trai bị ghẻ lạnh của lãnh tụ Kim Jong Un.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 6/3 thông báo họ xác định rằng Bình Nhưỡng đã sử dụng chất độc thần kinh thần kinh VX bị cấm để giết ông Kim Jong Nam vào ngày 13/2/2017 khi ông đi qua Sân bay

Quốc tế Kuala Lumpur. Các camera an ninh sân bay ghi lại cảnh hai phụ nữ xịt một chất lỏng vào mặt ông Kim. Ông này đã chết sau đó chỉ vài phút.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: “Việc công khai khinh thường các chuẩn mực phổ quát chống lại vũ khí hoá học như vậy thể hiện bản chất bất cần của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng chúng ta không thể chấp nhận một chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên dưới bất kỳ hình thức nào”. Tuyên bố không giải thích bộ ngoại giao Mỹ đã đi đến kết luận này trên cơ sở như thế nào.

Hoa Kỳ sẽ áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với việc Bình Nhưỡng ám sát anh trai của ông Kim Jong Un, nhưng có phần chắc các biện pháp trừng phạt sẽ có ít tác dụng vì Triều Tiên vẫn đang chịu trừng phạt nặng nề do các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Hai người phụ nữ, Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt, và Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia, đang bị xét xử do liên quan đến vụ giết ông Kim Jong Nam. Hai phụ nữ này nói họ đã bị lừa vì các đặc vụ Triều Tiên nói với họ rằng họ chỉ tham gia một chương trình đùa vui trên truyền hình.

https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-phat-trieu-tien-do-vu-kim-jong-nam/4284049.html

 

Mỹ: Cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump từ chức

Cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ chức, Nhà Trắng cho hay.

Đây là trường hợp mới nhất trong một loạt nhân sự cao cấp của Tổng thống Trump ra đi.

Có suy đoán rằng ông Cohn, người ủng hộ tự do thương mại, giận dữ trước kế hoạch của ông Trump nhằm áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu.

Phó giám đốc FBI từ chức

Cựu trợ lý của Trump bị cáo buộc thêm tội

Mỹ: Bộ trưởng Y tế Tom Price từ chức

Mỹ: Harward từ chối thay Flynn

Thông cáo của Nhà Trắng viết ông Cohn nói rằng “thật là vinh dự khi được phụng sự đất nước”.

Cựu chủ tịch 57 tuổi của ngân hàng Goldman Sachs đã giúp ông Trump thúc đẩy chính sách cải cách thuế vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, hai nhân vật này được cho là không thân cận nhau.

Công tố viên Mỹ tiết lộ lý do bị Trump sa thải

Trump cất nhắc hai vị trí chủ chốt

Ba nhân viên Nhà Trắng ‘dính líu tới phụ nữ’ ở VN

Tháng 8/2017, ông Cohn chỉ trích ông Trump về phản ứng của tổng thống trước vụ biểu tình bạo động của những kẻ thượng tôn sắc tộc da trắng ở Charlottesville, bang Virginia, và nói rằng chính quyền “có thể và phải làm tốt hơn”.

Ông được ghi nhận soạn thảo thư từ chức sau sự kiện này.

“Thật vinh hạnh được phụng sự đất nước và ban hành các chính sách kinh tế đem lại lợi ích cho người dân Mỹ, nhất là thông qua luật cải cách thuế mang tính lịch sử,” thông cáo của ông Cohn viết.

“Tôi cảm kích tổng thống đã trao cho tôi cơ hội này và chúc ông và chính quyền của ông thành công rực rỡ trong tương lai.”

‘Người lạ’

Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington phân tích:

“Gary Cohn là một người lạ ở một vùng đất lạ. Ông là đảng viên Dân chủ trong Nhà Trắng của phe Cộng hòa; một người theo thuyết toàn cầu hóa kinh tế làm cho một vị tổng thống vận động chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Bây giờ, có vẻ như, chủ trương bảo hộ mậu dịch của Donald Trump khiến cho cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ phải ra đi.

Đây không phải là diễn biến bất ngờ. Theo nhiều nguồn tin, đã có một cuộc khẩu chiến tại Nhà Trắng về việc liệu Hoa Kỳ có nên áp những biện pháp trừng phạt lên thép và nhôm nhập khẩu và cuối cùng tổng thống vội vã đưa ra quyết định hồi tuần trước.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43297593

 

Vũ Hán tìm ‘quản lý toilet có bằng đại học’

Một quận ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc bị phê phán vì đăng quảng cáo tìm việc cho vị trí quản lý toilet công cộng ‘có bằng đại học’.

Trung Quốc nhân bản vô tính khỉ thành công

2017 – ‘Năm an toàn nhất’ lịch sử hàng không

Nhu cầu quản lý dịch vụ toilet công của Trung Quốc lên cao sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khẩu hiệu cần làm một cuộc ‘cách mạng’ về toilet.

Trong nhiều năm, các nhà vệ sinh công cộng của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cao.

Quảng cáo của một cơ quan cấp quận tại Vũ Hán, đô thị hơn 10 triệu dân, nói họ cần hai vị trí quản lý cho toilet công, và ứng viên tối thiểu phải có bằng đại học.

Quản lý toilet ‘cần nhân tài’

Dân mạng xã hội Trung Quốc đã nhạo quảng cáo này, theo trang South China Morning Post hôm 05/03.

Một người viết rằng bằng cấp của anh ta “không đủ để được nhận vào vị trí này”.

Một người khác cho rằng nếu nhận hay nhân viên có bằng đại học thì cấp trên của họ trong ban quản lý toilet “cần có bằng thạc sĩ’ là tối thiểu.

Nhưng cơ quan nhà nước Trung Quốc bảo vệ cho luận điểm của họ và một cán bộ ẩn danh nói với trang tin Cqcb.com rằng mọi quảng cáo tìm việc đều có phần về ‘trình độ giáo dục’.

Nhiệm vụ của cán bộ quản lý toilet là lo công việc điều hành một số toilet công, gồm cả thanh tra thị sát hàng ngày và giám sát việc duy trì các cơ sở đó.

Người cán bộ đó cũng khẳng định, “Đây không phải là việc dọn vệ sinh mà là quản lý”, và “chúng tôi cần nhân tài”.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói, cải thiện chất lượng phục vụ các nhà vệ sinh công cộng “không phải là việc nhỏ, mà là một phần quan trọng của công tác nâng cao dịch vụ, cơ sở hạ tầng cả nông thôn và thành thị” của Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43315426

 

Giới bất đồng chính kiến TQ ‘đi du lịch’

Nhiều nhà hoạt động bị chính quyền cho đi ‘du lịch’ hàng năm, đặc biệt vào những lúc diễn ra những sự kiện chính trị lớn.

Hồ Giai là một trong những người như thế. Những lời chỉ trích của ông khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc không hài lòng.

Ông chuẩn bị rời nhà ở Bắc Kinh để có một kỳ nghỉ dài.

BBC đã ghi được những hình ảnh hiếm hoi về một trong những gương mặt bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc, đúng vào lúc ông bị buộc phải ‘đi nghỉ’, với phí tổn do cảnh sát chi trả.

Trong cuộc nói chuyện chớp nhoáng với phóng viên BBC John Sudworth và liên tục bị những người đi kèm cản trở, Hồ Giai cho biết ông lên đường tới Thâm Quyến, Quảng Đông, trong “khoảng 20 ngày”.

“Lý do chính là tôi không được phép gặp những người như ông, những người được gọi là người nước ngoài, là các thế lực chống Trung Quốc,” Hồ Giai nói với BBC, và nói sự kiện khiến ông phải rời khỏi Bắc Kinh lần này là kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra với việc Trung Quốc sửa Hiến pháp.

Đây là một trong những cách giới chức Trung Quốc khiến những người chỉ trích buộc phải im lặng, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43299743

 

Đàm phán Liên Triều

Đoàn đặc sứ Nam Hàn đến Bình Nhưỡng để thảo luận với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un về vấn đề cẳng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã trở về Seoul hôm thứ 3 ngày 6/3 với thỏa thuận về một thượng đỉnh Liên Triều diễn ra vào tháng tới. Đây là thượng đỉnh giữa hai miền lần đầu tiên kể từ năm 2007 trở lại đây.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm thứ 4 lên tiếng bày tỏ lạc quan một cách thận trọng khi ông nói còn quá sớm để lạc quan về đề nghị đối thoại phi hạt nhân hóa với miền Bắc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi tuyên bố mang tính đột phá của Bình Nhưỡng rằng nước này muốn nói chuyện với Mỹ.

Vào tháng tới, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và lãnh tụ Bắc Hàn sẽ ngồi lại với nhau tại khu phi quân sự ở miền Nam. Phái đoàn miền Nam cho biết, lãnh tụ Bắc Hàn hứa sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa khi đối thoại diễn ra.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/as-talks-with-north-near-skorea-sees-familiar-hurdles-ahead-03072018094815.html

 

Stormy Daniels kiện TT Trump, đòi hủy ‘thỏa thuận im lặng’

Diễn viên ‘phim người lớn’ Daniels “Bão tố” kiện ông Donald Trump hôm 6/3, cáo buộc rằng ông chưa bao giờ ký vào bản thỏa thuận về không tiết lộ mà luật sư của ông đã dàn xếp với cô.

Đơn kiện dân sự, nộp tại Tòa án Thượng thẩm Los Angeles, cho rằng thỏa thuận không tiết lộ về mối quan hệ “tình cảm” giữa cô Daniels với ông Trump là vô hiệu vì trong khi cả cô và luật sư Michael Cohen của ông Trump đã ký, chính ông Trump lại không.

Stephanie Clifford, với nghệ danh Daniels “Bão tố”, đã ký vào cả bản thỏa thuận lẫn một một thư phụ lục, dùng nghệ danh của cô, vào ngày 28/10/2016, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Cohen đã ký văn bản đó trong cùng ngày.

Trong toàn bộ bản “thỏa thuận về sự im lặng”, cái tên David Dennison được dùng để nói về ông Trump, còn cô Daniels được thay tên thành Peggy Peterson. Trong thư phụ lục, bên, danh tính thực sự của David Dennison bị xóa bằng mực đen, nhưng luật sư Michael Avenatti của cô Daniels nói người đó là ông Trump.

Theo đơn kiện, cô Daniels và ông Trump có quan hệ “tình cảm” kéo dài từ mùa hè 2006 cho đến mấy tháng trong năm 2007.

Bản thỏa thuận im lặng năm 2016 quy định rằng một số tiền là 130.000 đôla được chuyển vào tài khoản tín thác đứng tên luật sư lúc bấy giờ của cô Daniels. Đổi lại, cô Daniels không được tiết lộ bất kỳ thông tin bí mật gì về ông Trump hoặc bạn tình của ông cho bất cứ ai ngoài một danh sách chỉ gồm vài người.

Daniels và luật sư của cô, Michael Avenatti, hiện đề nghị Tòa Thượng thẩm Quận hạt Los Angeles tuyên rằng cả thỏa thuận im lặng lẫn thư phụ lục đều “chưa bao giờ hình thành, và do đó không tồn tại, bởi vì, một trong các lý do là ông chưa bao giờ ký vào thỏa thuận”.

Tòa Bạch Ốc không hồi đáp ngay khi được đề nghị đưa ra bình luận.

(NBC, Mirror)

https://www.voatiengviet.com/a/stormy-daniels-kien-tt-trump-doi-huy-thoa-thuan-im-lang/4284324.html

 

Mỹ: Trung Quốc chi tiền để gia tăng vị thế quốc tế

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats ngày 6/3 cảnh báo Trung Quốc đang chi “một số tiền lớn đặc biệt” để gia tăng vị thế quốc tế, làm các nước láng giềng lo ngại và đe dọa ảnh hưởng của Mỹ.

“Một phúc trình vừa được công bố, một văn bản đã được giải mật cho thấy Trung Quốc sẽ chi khoảng 8 tỉ đô la tại 68 quốc gia khác nhau, thành lập thế đứng địa chiến lược, không chỉ với những mục đích kinh tế và thương mại, mà còn cho việc sử dụng những cơ sở quân sự,” ông Coats phát biểu tại một buổi điều trần của Thượng viện Mỹ về “Những mối Đe dọa Toàn cầu.”

Ngày 5/3, Trung Quốc tiết lộ gia tăng chi phí quốc phòng lớn nhất trong 3 năm, đặt mục tiêu tăng 8,1% trong năm nay nhằm đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị ngân sách quân đội lớn nhất kể từ năm 2011, chú trọng vào việc đẩy mạnh phòng vệ hạt nhân của Mỹ và chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-quoc-chi-tien-de-gia-tang-vi-the-quoc-te/4283710.html

 

Mỹ buộc công ty TQ bồi hoàn lương cho công nhân ở Saipan

Bốn công ty xây dựng Trung Quốc sẽ trả lại gần 14 triệu đô la tiền lương và thiệt hại cho hàng ngàn công nhân Trung Quốc xây dựng một sòng bài tại Quần đảo Bắc Mariana thuộc Mỹ.

Các nhà điều tra phát hiện là các nhà thầu trả lương cho công nhân ít hơn luật quy định, theo một tuyên bố của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/3.

Vụ việc này ảnh hưởng đến hơn 2.400 công nhân.

Các giới chức Mỹ nói các công nhân tới đảo này bằng visa du lịch và không có visa thích ứng. Họ cũng buộc phải mang nợ hàng ngàn đô la tiền vé máy bay và chi phí tuyển dụng trước khi được làm việc tại Saipan.

“Vụ dàn xếp này đảm bảo là hàng ngàn công nhân sẽ nhận được số lương bổng họ kiếm được một cách hợp pháp, trong khi cùng lúc gởi đi một thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ cho những chủ nhân khác,” ông Bryant Jarrett quyền quản lý bộ phận lo về Tiền lương và Giờ làm việc thuộc Bộ Lao động nói trong một tuyên bố. “Các chủ nhân tránh né luật pháp để giảm bớt chi phí không được quyền có được thuận lợi cạnh tranh so với những người tuân thủ luật pháp. Dù là làm việc ở Mỹ hay trên những lãnh thổ của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi luật pháp và bảo đảm một sân chơi công bằng.”

Công nhân Trung Quốc làm việc 13 giờ một ngày không được nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ. Họ bị tịch thu hộ chiếu khi đến Saipan, ông Li Qiang, giám đốc điều hành tổ chức Giám sát Lao động Trung Quốc có trụ sở ở New York cho biết. Ông Li tiếp xúc với các công nhân bị ảnh hưởng và liên lạc với các giới chức Mỹ để các công nhân được trả lại lương còn thiếu.

Ông Li nói “nhiều công ty Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài, và ở những vùng như Hoa Kỳ và châu Âu, thuê lao động tại những nơi này có thể tốn nhiều tiền, nên những công ty Trung Quốc thích mang lao động Trung Quốc đến.”

Tuy nhiên, thường thường công nhân bị dụ dỗ với những lời hứa giả dối như là lương cao và thậm chí là được hứa hẹn sẽ có thẻ xanh. Tuy nhiên, những lời hứa này không mảy may được thực hiện một khi công nhân đến nơi làm việc. Tiền phạt cao và trừng trị nặng do nhà cầm quyền Mỹ đưa ra sẽ giúp loại bỏ những tập tục này, ông Li nói.

Công ty Imperial Pacific International, trụ sở tại Hong Kong, ký hợp đồng với 4 công ty Trung Quốc để xây dựng tại Saipan. Công ty nói trong một tuyên bố ngày 5/3 rằng họ hài lòng về việc giải quyết chuyện này.

Vụ này nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra về những dự án xây sòng bài và khách sạn trên đảo.

Đảo Saipan ở Tây Thái Bình Dương là trụ sở của chính quyền Quần đảo Bắc Mariana.

https://www.voatiengviet.com/a/my-buoc-cong-ty-tq-boi-hoan-luong-cho-cong-nhan-o-saipan/4283297.html

 

Chuyên gia Mỹ:

Lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên hoạt động trở lại

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho hay Triều Tiên có thể vẫn vận hành lò phản ứng 5 megawatt và tái sản xuất chất plutonium cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Một nhóm chuyên gia tại trường đại học Johns Hopkins công bố những phân tích hình ảnh vệ tinh về cơ sở hạt nhân Nyongbyon trên trang mạng “38 North” đầu tuần này.

Các bức ảnh được chụp vào ngày 17/2 và 25/2.

Các nhà nghiên cứu nói hơi nước bốc lên từ nhà chứa máy phát điện và con sông có tuyết tan gần lò phản ứng là chỉ dấu cho thấy lò đang hoạt động.

Các nhà nghiên cứu nói nước lạnh được thải ra cũng là một tín hiệu tố cáo, nhưng lần này họ không quan sát được tín hiệu này.

Các nhà nghiên cứu nghi là kỹ sư Triều Tiên có thể đã nối dài ống dẫn nước thải ra sông để che dấu những dấu hiệu ấy.

Các chuyên gia từ năm ngoái đã báo động rằng lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên đã được tái khởi động.

(Nguồn 38north.org/NHK)

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-my-lo-phan-ung-hat-nhan-cua-trieu-tien-hoat-dong-tro-lai/4283251.html

 

Nga, Trung thách thức Mỹ về vũ khí tiên tiến

Giới chức hàng đầu tình báo quốc phòng Mỹ ngày 6/3 tuyên bố không chỉ Nga mà Trung Quốc cũng đang mưu tìm các loại vũ khí tương lai với tốc độ nhanh hơn để thách thức công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ.

Trung tướng Lục quân Robert Ashley nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Trung Quốc đang phát triển phi đạn hành trình tầm xa—một số có khả năng đạt được tốc độ siêu âm.

Vẫn theo lời ông, Trung Quốc cũng đang chế tạo máy bay ném bom có mang vũ khí hạt nhân giúp Bắc Kinh có được hệ thống vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển.

Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất về khả năng phát triển vũ khí tiên tiến.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ những vũ khí chiến lược mới mà ông cho rằng không thể đánh chặn được. Một trong số này là một máy lượn siêu âm có thể bay nhanh hơn 20 lần tốc độ âm thanh và có thể quay ngoặt bất thình lình để tránh hệ thống phòng không phi đạn phát hiện.

“Phát triển sức đẩy siêu âm sẽ cách mạng hóa chiến tranh bằng cách cung cấp khả năng tấn công mục tiêu nhanh chóng hơn, ở khoảng cách xa hơn, hỏa lực mạnh hơn,” tướng Ashley nói.

“Trung Quốc cũng đang phát triển đầu đạn phi đạn đạn đạo ngày càng tiên tiến và các loại máy bay siêu âm để chống lại hệ thống phòng không phi đạn đạn đạo,” ông Ashley cảnh báo.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-thach-thuc-my-ve-vu-khi-tien-tien/4283238.html

 

Trung Quốc yêu cầu hoãn lệnh cấm

đối với các bên buôn bán với Triều Tiên

Chính phủ Trung Quốc ngày 6/3 cho biết đã đề nghị hoãn một yêu cầu của Hoa Kỳ đòi chế tài các tàu thuyền bị cáo buộc giúp Triều Tiên né chế tài của Liên hiệp quốc trong khi Bắc Kinh điều nghiên xem các bên nào sẽ bị ảnh hưởng. Các chế tài của Liên hiệp quốc dành cho Triều Tiên là nhằm trừng phạt chương trình vũ khí của nước này.

Bắc Kinh cần thời gian để điều tra vì đề nghị cấm những ai vi phạm cập các cảng trên toàn thế giới và đưa vào danh sách đen những công ty thương mại ảnh hưởng một “số lượng lớn các tàu thuyền và các thực thể,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Washington yêu cầu áp đặt các chế tài tiếp sau những báo cáo cho thấy các nhà buôn nước ngoài đang giúp Triều Tiên vi phạm những hạn chế về nhập khẩu dầu và những hoạt động buôn bán khác nhằm làm áp lực đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngưng phát triển hạt nhân và phi đạn.

Trung Quốc là nước bảo vệ ngoại giao lâu năm của Triều Tiên và đứng đầu trong việc buôn bán với nước này nhưng Bắc Kinh đã ủng hộ những chế tài mới đây vì bất mãn đối với việc phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã đưa ra những lập luận phản đối các biene65 pháp có thể làm bất ổn chính phủ Kim Jong Un.

Nhà chức trách Hoa Kỳ và Nhật Bản nói đã có được những bức ảnh chụp việc chuyển dầu sang các tàu của Triều Tiên ngoài biển khơi vi phạm các chế tài của Liên hiệp quốc.

Nhà cầm quyền Hàn Quốc đã thu giữ hai chiếc tàu bị nghi chuyển dầu cho Triều Tiên.

Nhà chức trách Đài Loan cũng đang điều tra một doanh nhân bị nghi dàn xếp việc bán dầu.

Chính phủ Australia cũng đã bắt giam một người đàn ông bị cáo buộc nỗ lực làm trung gian mua bán hàng hóa trong đó có những bộ phận phi đạn đạn đạo cho Triều Tiên.

Tuần trước, chính phủ Maldives bác bỏ một phúc trình của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng một tàu treo cờ Maldives chuyển hàng hóa cho một tàu dầu mang cờ Triều Tiên ngoài khơi.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-yeu-cau-hoan-lenh-cam-doi-voi-cac-ben-buon-ban-voi-trieu-tien/4283210.html

 

Indonesia:

Luật cấm người Hoa sở hữu đất đai gây tranh cãi

Một luật sư Indonesia cho biết sẽ kháng cáo bản án của một tòa địa phương giữ nguyên lệnh cấm có từ nhiều thập niên không cho người Hoa sở hữu đất đai tại tỉnh Yogyakarta. Ông nói lệnh này là phân biệt chủng tộc và kỳ thị.

Luật sư Handoko Wibowo đã kháng cáo lên một tòa án tại Yogyakarta, yêu cầu rút lại sắc lệnh năm 1975 chỉ cho người bản địa Indonesia quyền sở hữu đất đai tại tỉnh miền trung này. Những sắc tộc khác chỉ được quyền sử dụng đất chứ không được quyền sở hữu.

Luật sư Handoko, người bác bỏ kết luận của tòa, cho biết tuần trước, tòa án bác đơn kiện của ông, viện lý do sắc lệnh nhằm bảo vệ quyền lợi của người bản địa Indonesia vốn không giàu có bằng những người gốc Hoa.

“Người gốc Hoa cũng là công dân Indonesia. Kỳ thị căn cứ trên sắc tộc là phân biệt chủng tộc và bất hợp pháp,” ông Handoko nói.

“Sắc lệnh đi ngược lại luật nông nghiệp cho phép người dân được quyền sở hữu đất đai. Đây là lúc phải thu hồi sắc lệnh này,” ông nói với hãng tin Reuters qua điện thoại.

Người Hoa chiếm không tới 5% dân số Indonesia nhưng kiểm soát nhiều tập đoàn lớn và giàu có.

Cách biệt giàu nghèo từ lâu khiến người bản địa đa phần thuộc sắc dân Malay ở Indonesia bất bình.

Cựu Tổng thống Suharto cấm không cho người Indonesia gốc Hoa giữ các chức vụ công cử và không cho họ biểu thị văn hóa của họ. Bị đặt bên lề chính trị và xã hội, nhiều người Hoa quay sang kinh doanh và trở nên giàu có.

Những căng thẳng chống lại người Hoa bùng nổ trong những năm gần đây.

Khó thu hồi luật địa phương vì các vùng “có quyền hiến định thi hành các chính sách phù hợp với đặc điểm và nhu cầu địa phương, ông Diego Fossati, một nhà nghiên cứu tại Viện Griffith châu Á nói.

Ông cho biết nhiều cộng đồng có những qui luật kỳ thị người thiểu số.

“Mục tiêu luôn luôn là người Hoa vì họ được xem như giàu có trên sự đau khổ của người dân bản địa,” ông Fossati nói tiếp.

Luật sư Handoko có tổ tiên là người Hoa và làm việc với nông dân để giúp họ đòi quyền. Ông nói ông đã chuẩn bị mọi phương tiện pháp lý để luật vừa kể được hủy bỏ.

“Tôi sẽ kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm và nếu vẫn bị bác, tôi sẽ kiện lên Tối cao Pháp viện,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-luat-cam-nguoi-hoa-so-huu-dat-dai-gay-tranh-cai/4283274.html

 

Cúp C1 : 400 triệu của PSG tan thành mây khói

Anh Vũ

Trên sân nhà tối qua, 06/03/2018, câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain, nhận thêm một thất bại nữa trước đội bóng đến từ thủ đô Tây Ban Nha, Real Madrid, bằng tỷ số 2-1 ở lượt về vòng 1/8 Cúp C1 châu Âu, sau thất bại ở lượt đi 3-1. Như vậy là trong mùa bóng thứ hai liên tiếp câu lạc bộ thành Paris bị loại khỏi tứ kết giải đấu danh tiếng nhất của bóng đá châu Âu.

Giấc mơ châu Âu của PSG, đại điện còn lại duy nhất của bóng đá Pháp, một lần nữa lại tan vỡ, cho dù đã được các ông chủ người Qatar đầu tư rất nhiều tiền. Mùa hè vừa qua, PSA đã chi hơn 400 triệu euro để có được Neymar và Kylian Mbappé, hai trong những ngôi sao sáng nhất của làng bóng thế giới, để phục vụ tham vọng lên đỉnh châu Âu.

Đã có chiến thắng 3-1 ở trận lượt đi, đến làm khách trên sân Parc des Princes, các cầu thủ Madrid bước vào trận đấu với tâm lý tự tin và khá thoải mái, trong khi các cầu thủ chủ nhà căng thẳng với bài toán lật ngược thế cờ. Hy vọng lội ngược dòng của PSG đã tan dần ngay từ phút thứ 51 của trận đấu, khi Real Madrid mở tỷ số bằng cú đánh đầu của Cristiano Ronaldo.

Sau bàn thua, con đường của PSG trở nên dài hơn,đặc biệt sau khi tiền vệ Marco Varretti bị thẻ vàng thứ 2 ở phút thứ 65 và bị đuổi khỏi sân. Chơi thiếu người, PSG cũng cố gắng san bằng tỷ số bằng bàn thắng của tiền đạo Cavani ở phút thứ 71. Nhưng hy vọng của PSG bị dập tắt ngay sau đó ít phút, khi cầu thủ người Brazil của Real Madrid, Casemiro ấn định tỷ số trận đấu là 2-1.

Thất bại ê chề của câu lạc bộ PSG khẳng định thêm bài học : tiền không thể làm được tất cả, điều này càng đúng trong bóng đá. PSG trong tay ông chủ Qatar có tham vọng lớn, có tiềm lực tài chính gần như vô tận, nhưng trên sân cỏ họ vẫn không thể vượt qua được một Real Madrid bản lĩnh, kinh nghiệm, tài năng và đang giữ 12 danh hiệu vô địch Champions League của bóng đá châu Âu.

http://vi.rfi.fr/phap/20180307-cup-c1-400-trieu-cua-psg-cho-tham-vong-chau-au-lai-tan-thanh-may-khoi

 

Cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh :

Matxcơva trong tầm ngắm

Tú Anh

Chính phủ Anh triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau nghi án một cựu điệp viên Nga hoạt động cho tây phương nghi ngờ bị mưu sát bằng chất độc mà các nhà điều tra Anh đang tìm nguồn gốc. Thượng tá Serguei Skripal và con gái Youlia đang được điều trị trong tình trạng nguy kịch.

Ủy ban Cobra, cơ quan được huy động khi quốc gia có vấn đề khẩn cấp đã được lệnh triệu tập vào thứ tư 07/03/2018, một ngày sau khi cựu sĩ quan quân báo Nga Serguei Skripal và cô con gái được phát hiện nằm bất tỉnh trong một thương xá ở Salisbury.

Cobra, do bộ trưởng nội vụ Amber Rudd chủ trì, sẽ tổng kết diễn tiến cuộc điều tra vụ nghi án mưu sát có thể gây căng thẳng mối quan hệ Luân Đôn-Matxcơva như thời chiến tranh lạnh.

Tuy Scotland Yard cho biết không loại trừ khả năng nào, nhưng chiều hôm qua, ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã gián tiếp cáo buộc nước Nga của Putin, khi tuyên bố : ” Nếu tìm ra trách nhiệm của một nhà nước đứng đằng sau vụ này, chính phủ Anh sẽ trả đũa một cách tương xứng và cứng rắn”. Ngoại trưởng Anh gián tiếp chỉ trích nước Nga là « một thế lực tai hại và nhiễu loạn ».

Ngay lập tức, phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng những cáo buộc của ngoại trưởng Anh là « man rợ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180307-cuu-diep-vien-nga-bi-dau-doc-matxcova-trong-tam-ngam

 

Sri Lanka ban hành tình trạng khẩn cấp vì xung đột tôn giáo

Anh Vũ

Tổng thống Sri Lanka ngày 06/03/2018 vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp 10 ngày trên toàn quốc, để dập tắt làn sóng bạo lực nhắm vào người Hồi Giáo, đang có nguy cơ lan tràn khắp cả nước trong vài ngày qua. Ít nhất một người Hồi giáo đã thiệt mạng trong các vụ bạo động ở vùng Kandy, một địa điểm du lịch quan trọng ở miền trung Sri Lanka.

Thông tín viên Sébatien Farcis trong vùng tường trình :

“Làn sóng bạo lực mới bắt đầu bùng lên hôm Chủ Nhật ( 05/03), trong thành phố Kandy thuộc miền trung đảo quốc. Tại đây, một người sắc tộc Cinghalais theo Phật giáo có thể đã bị 4 người Hồi giáo sát hại. Đám đông người Cinghalais do các nhà sư cực đoan dẫn đầu đã tấn công và đốt cháy nhiều cửa hàng của người Hồi giáo. Hôm qua, người ta đã tìm thấy thi thể một người Hồi giáo trong các đống tro của cửa hiệu bị đốt.

Theo thủ tướng Sri Lanka, vụ tấn công này dương như rất có tổ chức. Điều này cho thấy những phần tử tôn giáo quá khích này quyết tâm khơi dậy trong dân Cinghalais đa số tâm lý chống thiểu số Hồi giáo, chỉ chiếm khoảng 9% dân số của Sri Lanka.

Tuần trước, các vụ tấn công tương tự nhắm vào người Hồi giáo đã xảy ra ở phía đông Sri Lanka, sau khi có tin đồn trên mạng xã hội tố cáo người Hồi giáo trộn các thành phần thuốc chống thụ thai vào thực phẩm để bán cho người Cinghalais.”

Tình trạng khẩn cấp được ban hành cho phép quân đội triển khai trong các phố, bắt giam những nghi phạm lâu hơn và để tránh căng thẳng cộng đồng lan tràn. Biện pháp mạnh như thế này đã không được đưa ra từ 7 năm qua ở Sri Lanka.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-sri-lanka-ban-hanh-tinh-trang-khan-cap-vi-xung-dot-ton-giao-bung-phat

 

Syria : FDS gởi quân tăng viện Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối

Thụy My

Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) đã quyết định gởi 1.700 quân đến Afrin để yểm trợ cho dân quân Kurdistan tại đây nhằm đương đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay 07/03/2018 Ankara yêu cầu Hoa Kỳ ngăn chận việc này.

Phát ngôn viên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin hôm nay cho biết « đang chờ đợi Hoa Kỳ can thiệp và ngăn cản viện quân », đồng thời cảnh báo « đã có những sự chuẩn bị cần thiết trên thực địa».

Hôm qua, ông Abou Omar Al Edilbi, phát ngôn viên của FDS – lực lượng dân quân người Ả Rập tại Syria, liên minh với người Kurdistan dưới sự chỉ huy của Mỹ để chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – loan báo có 700 chiến binh đã đến Afrin.

Vùng đất hẻo lánh ở tây bắc Syria là nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào hôm 20/1 để tấn công dân quân Kurdistan YPG, bị Ankara coi là mối đe dọa cho an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều vị trí của YPG ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria đã bị đánh bật, nhưng quân Thổ cũng phải trả giá nặng nề.

Bất đồng giữa Ankara và Washington về YPG từ hơn một năm qua đã ảnh hưởng nặng nề lên quan hệ giữa hai đồng minh NATO. Hơn nữa, các vụ oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm nhiều thường dân thiệt mạng.

Cũng về Syria, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm nay kêu gọi mở ngay lập tức các hành lang nhân đạo để đưa các thiết bị y tế và vệ sinh đến Đông Ghouta, nơi đang chịu đựng các trận không kích dữ dội của chế độ Assad. Hội Đồng Bảo An sẽ họp khẩn ngày mai để thảo luận về lệnh ngưng bắn không được thi hành. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm nay cũng tố cáo chế độ Damas gây ra « tận thế » trên đất nước Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180307-syria-fds-goi-1700-quan-tang-vien-afrin-tho-nhi-ky-phan-doi

 

Trung Quốc gởi xe bọc thép sang Cam Bốt để tập trận chung

Thụy My

Báo Khmer Times hôm 06/03/2018 đưa tin khoảng 30 xe bọc thép cùng nhiều xe quân sự Trung Quốc sẽ được đưa đến Cam Bốt tuần tới để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung ngày 17/3, nhằm « tăng cường khả năng hợp tác chống khủng bố ».

Tờ báo cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh đã xác nhận thông tin này, và dẫn lời một sĩ quan cao cấp nói thêm, Trung Quốc cũng đưa sang ba trực thăng, 190 binh lính để tập trận chung với 280 lính Cam Bốt ở Phnom Scruoch, tỉnh Kampong Speu. Tuy nhiên, số xe quân sự này không phải là hàng viện trợ.

Tướng Ith Sarath, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Cam Bốt, trong thông cáo hôm 24/1 nói rằng cuộc tập trận là nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trước đây vào năm 2016, Cam Bốt cũng đã tập trận chung với Trung Quốc tại Kampong Speu.

Tuần trước, thủ tướng Hun Sen tuyên bố Phnom Penh đã nhận được nhiều tấn vũ khí để tăng cường quốc phòng. Loan báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ quân sự vì tình trạng dân chủ thụt lùi tại Cam Bốt. Một quan chức bộ Quốc Phòng Cam Bốt nói rằng các thiết bị được viện trợ gồm đại pháo, đạn trái phá, vũ khí phòng không, và ngầm cho biết là những vũ khí đó đến từ Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-trung-quoc-goi-sang-cam-bot-xe-boc-thep-de-tap-tran-chung

 

Năm vụ đầu độc vì động cơ chính trị nổi tiếng thế giới

Thu Hằng

Từ thời Cổ đại, đầu độc luôn là biện pháp được sử dụng nhiều để loại bỏ đối thủ chính trị hoặc các nhân vật gây phiền toái. Các nhà sử học vẫn tiếp tục tranh luận về việc nữ hoàng Cleopatre, hoàng đế Napoleon và Alexandre Đại đế có phải bị ám sát theo cách này hay không.

Trường hợp một cựu điệp viên Nga, sống tại Anh, bị đầu độc ngày 04/03/2018 chỉ kéo dài thêm danh sách các nạn nhân bị tấn công bằng khí độc. AFP lược lại 5 vụ đầu độc nổi tiếng nhất trong những thập kỷ qua.

1. Vụ án Cây dù Bulgari

Năm 1978, đúng lúc cao trào Chiến Tranh lạnh, nhà ly khai người Bulgari Georgi Markov đang chờ xe buýt tại Luân Đôn để về nhà sau ngày làm việc ở đài BBC. Đột nhiên, ông bị một người qua đường tiêm vào đùi và bỏ mặc ông ngã trên chiếc ô. Tối cùng ngày, ông bị sốt nặng và qua đời 3 ngày sau đó.

Thực ra, đầu nhọn của chiếc ô là một loại vũ khí. Nhà văn người Bulgari bị đầu độc bằng một loại chất lỏng chứa trong vỏ bọc chỉ có kích thước bằng chiếc ghim. Sau khi khám nghiệm tử thi, bác sĩ pháp y phát hiện ông đột tử vì 0,2 mg chất ricin, một loại chất độc cực mạnh, gấp 6.000 lần chất xyanua. Đền giờ, vụ án sát vẫn là một bí ẩn.

2. Chất độc thần kinh VX tại Malaysia

Trường hợp đầu độc gần đây nhất là vụ sát hại Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ngày 13/02/2017, khi đang chờ máy bay về Macao tại sân bay quốc tế Kuala-Lumpur, ông Kim Jong Nam bị hai người phụ nữ, trong đó có một người Việt Nam, áp sáp và hất một loại chất lỏng vào mặt.

Sau khi được sơ cứu ở sân bay, ông Kim Jong Nam bị chết trên đường đến bệnh viện. Dấu vết của chất độc thần kinh VX, được xếp vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt, được tìm thấy trên mặt và trong mắt của nạn nhân trong quá trình phẫu thuật pháp y.

Bắc Triều Tiên luôn kịch liệt bác bỏ mọi liên quan đến vụ ám sát này, nhưng quốc gia này sở hữu chất độc VX, theo các chuyên gia. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, đồng thời tìm hiểu làm thế nào hai phụ nữ này có được chất độc VX.

3. Trà độc giữa lòng Luân Đôn

Ngày 01/11/2006, ông Alexandre Litvinenko, nhà đối lập Nga và là cựu nhân viên tình báo của KGB, hẹn gặp uống trà với hai người Nga ở khách sạn Milenium, trung tâm Luân Đôn, và bàn việc làm ăn. Lúc đó, ông Litvinenko đang điều tra về những mối quan hệ, được cho là giữa điện Kremlin và nhiều băng đảng mafia. Ông cũng hợp tác với các cơ quan tình báo Anh.

Sau khi uống trà, ông Litvinenko cảm thấy khó ở và qua đời vài tuần sau đó ở tuổi 43, vì bị đầu độc chất polonium-210, một chất phóng xạ cực độc do Nga sản xuất.

Một cuộc điều tra được tiến hành tại Anh kết luận rằng tổng thống Nga Vladimir Putin « có thể đã phê chuẩn » vụ ám sát cựu điệp viên Nga. Phía Matxcơva phản đối và chỉ trích « lời nói xàm » của Luân Đôn. Vụ đầu độc ông Litvinenko là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ngoại giao giữa Anh Quốc và Nga và Matxcơva vẫn luôn từ chối dẫn độ nghi phạm chính.

4. Biến dạng vì chất dioxin

Vào tháng 09/2004, ứng viên phe đối lập Ukraina Viktor Iouchtchenko, người hùng của cuộc Cách mạng Cam, bỗng nhiên lâm trọng bệnh khi đang vận động tranh cử tổng thống với đối thủ Viktor Ianoukovitch, được Nga hậu thuẫn.

Ba tháng sau đó, các bác sĩ Áo phát hiện nạn nhân bị đầu độc bằng chất dioxin. Ông Viktor Iouchtchenko trở thành tổng thống Ukraina vào tháng 01/2015. Tuy nhiên, khuôn mặt ông bị biến dạng dù được chăm sóc cẩn thận.

5. Lãnh đạo Palestin bị đầu độc

Tháng 09/1997, tại Amman, một số gián điệp của cơ quan tình báo Mossad (Israel) tìm cách ám sát Khaled Mechaal, lãnh đạo phòng chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas, bằng cách hắt chất độc vào cổ ông.

Ông Khaled Mechaal bị hôn mê và được cứu sống nhờ sự can thiệp của quốc vương Jordani. Quốc vương Hussein đã yêu cầu chính phủ Israel, do thủ tướng Nentanyahu điều hành, cấp chất giải độc, đổi lại là trả tự do cho hai nhân viên tình báo người Israel.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180307-5-vu-dau-doc-vi-dong-co-chinh-tri-noi-tieng-the-gioi

 

Kim Jong Un tranh thủ thời gian để cứu chế độ

Tú Anh

Tiếp phái đoàn đặc sứ Hàn Quốc ngày 06/03/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên chấp nhận trao đổi với Mỹ về một chủ đề cấm kỵ : bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy sự sinh tồn của chế độ nếu an ninh được bảo đảm. Đây là thực tâm hay chỉ là một mưu đồ ?

Trở về Seoul sau hai ngày sang thăm Bình Nhưỡng, đặc sứ Chung Eui Yong (Trịnh Nghĩa Dung), cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc, cho biết lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra nhiều đề nghị mới. Cụ thể là một cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng tư ở Bàn Môn Điếm và « đối thoại thẳng thắn với Mỹ » để bàn về phi hạt nhân hóa bán đảo, một yêu sách then chốt của cộng đồng quốc tế, chứ không riêng gì của Washington và Seoul. Để tỏ thiện chí, Kim Jong Un hứa sẽ tạm ngưng thử nghiệm bom hạt nhân và phóng tên lửa.

Qua thái độ và tuyên bố hoà nhã này, Bình Nhưỡng mưu tính gì ?

Bà Juliette Morillot, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, tác giả quyển sách « Le Monde selon Kim Jong Un » (Thế giới theo quan điểm của Kim Jong Un), phân tích :

Bắc Triều Tiên tìm kiếm trước hết là sự sống còn của chế độ và hai miền nam bắc đều muốn nắm vận mệnh đất nước trong tay. Bình Nhưỡng luôn yêu cầu đối thoại trực tiếp với Seoul cũng như với Washington. Dĩ nhiên là phải có điều kiện. Điều kiện đó là bảo đảm sự sống còn của chế độ và những bảo đảm về an ninh quốc phòng.

Hoa Kỳ phải cam kết gì để Bình Nhưỡng yên tâm ? Rất có thể Bắc Triều Tiên sẽ đòi hỏi như đã nhiều lần đề nghị trong quá khứ : Trước hết là một hiệp định bất tương xâm. Bước thứ hai là một hiệp ước hoà bình, bởi vì, chúng ta đừng quên là hai nước Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là bảo hiểm nhân thọ. Do vậy, chỉ khi nào Bình Nhưỡng thực sự yên tâm là chế độ sẽ tồn tại thì họ sẽ từ bỏ hạt nhân ».

Hàn Quốc đón nhận các đề nghị của Kim Jong Un một cách thận trọng. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố « còn quá sớm để lạc quan ». Báo chí tại Seoul nhắc lại là Bắc Triều Tiên đã từng cam kết « phi hạt nhân hóa có kiểm soát và không đảo ngược » qua thỏa thuận 2005, để rồi sau đó lại thất hứa.

Phe đối lập Hàn Quốc, dứt khoát hơn, cho là Bình Nhưỡng chỉ tìm cách tháo gỡ cấm vận kinh tế. Lãnh đạo đảng Tự Do, Hong Hoon Pyo, cảnh báo mưu toan lừa bịp của Kim Jong Un như Hitler trước Thế chiến thứ hai, qua thỏa thuận Munich 1938, ru ngủ Anh, Pháp, để xáp nhập một vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân, nếu không được đối phương nhượng bộ tương xứng. Do vậy, theo chuyên gia Juliette Morillot, sớm muộn gì, các bên cũng phải đi đến hoà đàm :

Trong nội bộ chính quyền Washington, nhiều người thân cận với tổng thống Donald Trump ở Lầu năm góc cũng muốn thương lượng trực tiếp với Bình Nhưỡng. Do vậy, tổng thống Mỹ sẽ nương theo chiều gió, mỗi lần đụng đường ranh đỏ do mình đặt ra, thì ông ấy vượt qua. Theo tôi, Mỹ sẽ chọn con đường đối thoại, và bắt buộc sẽ đi tới chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo và hai bên sẽ trở lại điểm then chốt là bảo đảm sự tồn vong của chế độ Bình Nhưỡng, với một hiệp định bất tương xâm.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng từ bỏ hạt nhân quân sự. Washington và Bình Nhưỡng đã từng ký hai thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào năm 1994 và 2005. Cả hai đều thất bại và mỗi bên đổ trách nhiệm cho nhau không tôn trọng chữ ký.

Nhưng sau nhiều năm căng thẳng leo thang, những tiến triển đạt được trong quan hệ liên Triều từ Thế Vận Hội Pyeonchang là một cơ may thực sự để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Cho dù Washington không để cho Bình Nhưỡng và Seoul tự quyết.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-kim-jong-un-tranh-thu-thoi-gian-de-cuu-che-do

 

Duterte : « Tòa Án Hình Sự Quốc tế

không có quyền xét xử tôi »

Anh Vũ

Hôm qua, 06/03/2018 tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định không bao giờ có chuyện ông phải ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc tế (CPI), bởi vì định chế này không có quyền gì truy tố ông.

Mới đây, CPI đã mở điều tra sơ khởi sau khi nhận đơn kiện ông Rodrigo Duterte và một số quan chức cao cấp của Philippines phạm tội ác chống nhân loại trong khuôn khổ cuộc chiến chống ma túy, mà chính phủ của ông Duterte tiến hành từ 19 tháng qua.

Trong một bài phát biểu tối qua khi đề cập đến sự việc trên, tổng thống Philippines tuyên bố : « Chắc chắn, họ (CPI) sẽ không bao giờ có thể, không bao giờ hy vọng có quyền gì đối với con người tôi. »

Chính phủ của ông Duterte khẳng định CPI không thể thụ lý vụ việc, vì hệ thống tư pháp Philippines hoạt động độc lập và có hiệu quả.

Ông Duterte cũng đánh giá Tòa Án hình Sự Quốc Tế là cơ quan « vô tích sự »  « đạo đức giả ». Tuần trước, ông Duterte ra lệnh cho cảnh sát và quân đội không hợp tác với các nhà điều tra quốc tế về cuộc chiến chống ma túy.

Hồi cuối tháng Hai vừa qua, chính quyền Philippines đã chấp nhận  cho Liên Hiệp Quốc điều tra về chiến dịch bài trừ ma túy, nhưng với điều kiện cuộc điều tra không được do báo cáo viên đặc biệt người Pháp của LHQ, Agnès Callamard tiến hành. Manila cho rằng bà Callamard là người không đủ năng lực và có định kiến với Philippines.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-tong-thong-duterte-%C2%AB-toa-an-hinh-su-quoc-te-khong-co-quyen-xet-xu-toi-%C2%BB

 

Thái Lan : Cựu thủ tướng Thaksin bị truy nã

Thụy My

Tòa án Tối cao Thái Lan hôm 06/03/2018 đã ra lệnh bắt giữ ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng đang sống lưu vong, vì chính sách của ông lúc cầm quyền được cho là nhằm thủ lợi riêng.

Tờ Strait Times của Singapore cho biết phiên tòa xét xử ông Thaksin Shinawatra, 69 tuổi, được mở lại theo luật hình sự mới liên quan đến các chính khách, cho phép xử khiếm diện đối với những bị cáo đã trốn ra nước ngoài.

Cựu thủ tướng Thái bị khởi tố năm 2008 vì hành động trái pháp luật, trốn tránh trách nhiệm và vi phạm luật chống tham nhũng. Cụ thể là chính quyền Thaksin cho phép các công ty viễn thông được trả thuế tiêu thụ đặc biệt thay vì chi phí nhượng quyền khai thác, làm thiệt hại cho công quỹ 66 tỉ baht (trên 2 tỉ đô la). Tập đoàn Shin Corporation của gia đình ông được cho là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách này.

Theo luật cũ thì chỉ khi nào bắt được bị cáo mới đưa ra xử, nhưng với luật mới, ba tháng sau khi bị cáo là chính khách bỏ trốn, tòa án sẽ phát lệnh bắt giữ. Bị cáo có thể chỉ định luật sư đại diện hoặc tự bào chữa. Tuy nhiên, trong phiên tòa hôm qua, ông Thaksin vắng mặt và cũng không có luật sư nào biện hộ cho ông, nên tòa đã ra lệnh truy nã và bắt giữ.

Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 10/7 để xem xét các bằng chứng.

Ông Thaksin còn bị truy tố trong ba vụ nữa. Đó là vụ ngân hàng nhà nước Krungthai Bank cho một công ty tư nhân vay bất hợp lệ, ngân hàng Xuất Nhập Khẩu cho Miến Điện vay, và một dự án tổ chức cá cược.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-thai-lan-cuu-thu-tuong-thaksin-bi-truy-na

 

Tổng thống Hàn Quốc thận trọng

với thiện chí của Bắc Triều Tiên

Anh VũThụy My

Hôm nay, 07/03/2018, tổng thống Hàn Quốc đã đón nhận thông tin Kim Jong Un ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ về giải trừ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách khá thận trọng, với nhận định : « Vẫn còn quá sớm để lạc quan ».

Ông Chung Eui-yong, cố vấn của tổng thống Hàn Quốc, sau cuộc tiếp kiến lãnh đạo Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng đã tiết lộ rằng Bắc Triều Tiên sẵn sàng nói chuyện với Mỹ về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên, một chủ đề mà mới đây Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết không đặt lên bàn đàm phán. Về thông tin này, tổng thống Moon Jae-in hôm nay tại Seoul đã tuyên bố với các quan chức rằng : « Chúng ta mới chỉ ở điểm xuất phát ».

Tổng thống Hàn Quốc cũng phủ nhận tin đồn rằng Seoul đã có thỏa thuận bí mật để thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Ông Moon khẳng định « không có thỏa thuận bí mật dưới bất cứ hình thức nào với miền Bắc, không có món quà nào cho miền Bắc. »

Ngoài ra, tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ thì các cuộc thảo luận về phi hạt nhân hóa bán mới khả thi. Về điểm này, ông Moon nhận định : « Các cuộc thảo luận liên Triều sẽ không đủ để đạt được hòa bình ».

Còn truyền thông Hàn Quốc ghi nhận biến chuyển lập trường của Bình Nhưỡng là tích cực, tuy không khỏi hoài nghi về sự chân thành của chế độ Kim Jong Un.

Chosun ilbo, một nhật báo bảo thủ ở Hàn Quốc, nghi là Bình Nhưỡng thông qua việc xích lại gần với Seoul đang tìm cách làm nới lỏng trừng phạt của quốc tế, kéo dài thêm thời gian để hoàn thiện chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Còn nhật báo Joongang Ilbo nhận định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tới đây cũng sẽ vô ích, nếu không dẫn tới việc giải trừ hạt nhân.

Trong khi đó, tờ báo độc lập Hankyoreh lại hồ hởi cho rằng chuyển biến này là « ngoài mong đợi » và « mở ra con đường hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trong tương lai ».

Hoa Kỳ và Trung Quốc hoan nghênh đối thoại liên Triều

Còn tại Bình Nhưỡng, tờ báo chính thức Rodong Sinmun hôm qua dành trọn trang nhất cho cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên và các đại diện của Seoul, chạy tựa « Đồng chí Kim Jong Un tiếp các đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc ». Ông Kim Jong Un tỏ ra rất vui vẻ trong một số bức ảnh, còn cô em gái Kim Yo Yong xuất hiện rất nhiều lần.

Trung Quốc, sau khi có những thông tin về một hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đã kêu gọi hai nước Triều Tiên « nắm lấy cơ hội » phi hạt nhân hóa bán đảo.

Trong thông cáo tối qua 07/03/2018, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hoan nghênh « lối thoát tích cực » trên. Phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết : « Chúng tôi hy vọng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thực hiện thỏa thuận này một cách chân thành, và tiếp tục nỗ lực nhằm hòa giải và hợp tác. Trung Quốc sẵn sàng đóng tiếp vai trò lâu nay vì mục đích trên ».

Về phía tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hoan nghênh các dấu hiệu cởi mở của Bắc Triều Tiên về khả năng đối thoại với Hoa Kỳ, nhưng vẫn kêu gọi thận trọng trong khi chờ đợi có được những tiến bộ cụ thể.

Theo ông Donald Trump, các tuyên bố của cả hai miền Nam Bắc đều « rất tích cực ». Ông cho rằng đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng là « thành thật ». Trong cuộc họp báo, khi được hỏi chuyển biến này là do đâu, tổng thống Mỹ vừa cười vừa nói « Đó là nhờ tôi ! »

Nhưng vài giờ sau đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ loan báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Bắc Triều Tiên, sau khi đã xác quyết rằng Bình Nhưỡng sử dụng chất độc VX để ám sát ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un. Một bằng chứng khác cho việc « gây áp lực tối đa » lên Bình Nhưỡng, là các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn sẽ được tiến hành sau khi Thế vận hội dành cho người tàn tật kết thúc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-tong-thong-han-quoc-than-trong-voi-thien-chi-cua-bac-trieu-tien