Bản tin sáng 6-3-2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin sáng 6-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Pháp Luật TP HCM bàn về tàu sân bay USS Carl Vinson – nước cờ chiến lược của Mỹ. Trước khi đến thăm Đà Nẵng, USS Carl Vinson đã từng được điều động đi thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông hồi tháng 2/2017. “Tàu sân bay này cùng các tàu hộ vệ đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Đông và thậm chí tổ chức diễn tập huấn luyện chiến thuật”.
Trong tình hình Trung Quốc ngày càng quyết liệt quân sự hóa Biển Đông, “chuyến hải trình đầu năm của USS Carl Vinson có thể xem là một thông điệp gửi đến Bắc Kinh thể hiện sự quyết tâm của Washington trong khu vực”.
Báo Người Lao Động lý giải thông điệp Mỹ gửi Trung Quốc qua tàu sân bay USS Carl Vinson. Bài viết dẫn lời GS Carl Thayer, nhận định: “Mỹ muốn cho Trung Quốc thấy sự hiện diện hải quân khổng lồ của mình ở biển Đông và sự gắn kết với khu vực này”. Theo Đô đốc Fuller, chỉ huy hải đội Carl Vinson, “Hải quân Mỹ lâu nay nhấn mạnh sự hiện diện của họ ở biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh hàng hải”.
Báo Thanh Niên có bài: Tiền lệ nguy hiểm trên Biển Đông. Theo tin từ báo Philippines Daily Inquirer, giới chuyên gia Philippines đang phản đối thỏa thuận cùng khai thác dầu khí giữa một doanh nghiệp nước này với Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc. GS Jay Batongbacal cho rằng chính quyền Manila đang “tạo tiền lệ để Trung Quốc ngày càng lấn tới”. TS Malcom Cook từ Singapore nhận định, Trung Quốc sẽ thắng lớn trong vụ này.
Mỹ đi, rồi Mỹ lại về…
Báo Tổ Quốc viết: Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam. Hàng loạt các hãng thông tấn lớn như AP, Reuters, BBC, CNN, VOA, Channel News Asia,… đã đưa tin về sự kiện tàu USS Carl Vinson tới thăm Đà Nẵng. Theo hãng tin Reuters, “việc các tàu chiến của Mỹ gần đây đã đến thăm Việt Nam cho thấy mối quan hệ quốc phòng hai bên vẫn liên tục được cải thiện”.
TS Lê Hồng Hiệp phân tích: Việt-Mỹ cần tận dụng lực đẩy từ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson. Theo ông Hiệp, lãnh đạo 2 nước nên tranh thủ động lực tích cực của sự kiện tàu SS Carl Vinson thăm Đà Nẵng để mở rộng quy mô của các hoạt động hợp tác quốc phòng, điển hình là các kịch bản tập trận chung.
VOA dẫn lời TS Lê Hồng Hiệp nhận định: ‘7 phần tượng trưng, 3 phần thực chất khi USS Carl Vinson thăm’. Theo TS Hiệp, khi tới thăm Đà Nẵng, thủy thủ đoàn của hải đội Carl Vinson chủ yếu chỉ tiến hành “các hoạt động giao lưu, trao đổi, không có nhiều các hoạt động quân sự thực chất”, nên chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn ý nghĩa thực chất.

 

Dàn chiến cơ bố trí trên đường băng ở sàn cất cánh của tàu USS Carl Vinson. Nguồn: VNN

 

Đảng và nhà nước chống “thế lực thù địch”
Báo Công An Nhân Dân dẫn lời Tổng Bí thư: Không để kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, tấn công vào nội bộ Công an. Ông Trọng kêu gọi: “Phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ngại khó, ngại khổ; ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành pháp luật kém; đạo đức, lối sống sa sút, thoái hoá, biến chất… đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’, không để kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, tấn công vào nội bộ Công an”.
Trang VietNamNet đưa tin: Thủ tướng: Tất cả cán bộ, đảng viên luôn đọc báo Nhân Dân. Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tất cả cán bộ đảng viên của ta luôn đọc báo Nhân Dân, coi đó là thông tin chính thống, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”. Ông Phúc tin rằng báo Nhân Dân có thể… “đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”.
Xét xử vụ vỡ đường ống sông Đà
Ngày đầu tiên xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà: các bị cáo đồng loạt kêu oan, theo báo Đời Sống và Pháp Luật. Bị cáo Hoàng Thế Trung, cựu giám đốc Ban quản lý dự án đường ống nước sông Đà cho rằng, ông không phạm tội nặng đến mức như cáo trạng truy tố. Các bị cáo khác cũng không thừa nhận cáo trạng và đề nghị HĐXX xem xét lại vụ án, bao gồm trách nhiệm của nhiều phía liên quan.
Báo Thanh Niên đưa tin: Xét xử vụ đường ống nước Sông Đà vỡ 18 lần: Nguyên Phó chủ tịch TP.Hà Nội xin vắng mặt. Ông Phí Thái Bình, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Đình Chầm, cựu thành viên HĐQT Vinaconex đều được triệu tập với tư cách người có liên quan tới vụ án, và 2 ông này đều… lâm bệnh nặng đúng lúc, nên không thể tới dự phiên tòa. Do đó, một LS đề nghị hoãn phiên tòa nhưng HĐXX không đồng ý.
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Xử vụ vỡ ống sông Đà: Ông Phí Thái Bình bệnh gì? Bài báo cho biết: Ông Phí Thái Bình đã gửi đơn xin vắng mặt kèm “bệnh án khám bệnh tại Bệnh viện 103 với chẩn đoán hội chứng não do tăng huyết áp”, còn ông Nguyễn Đình Chầm gửi hồ sơ bệnh án chứng minh ông bị nhiều bệnh về gan, tụy, mắt.
VTC có clip: Xử vỡ ống sông Đà, “ông lớn” cáo bệnh.
“Liệt sĩ” tìm đường về nhà sau 33 năm
Số phận một người lính tham gia chiến trường Campuchia: Liệt sĩ trở về sau 33 năm nhờ tấm vé số. Thay vì bỏ công tìm kiếm những người lính mất tích trên chiến trường như chính quyền Mỹ cất công tìm kiếm những người lính của họ mất tích trong cuộc chiến VN hơn 45 năm qua, phía Việt Nam làm giấy báo tử cho nhanh. Nếu không trúng số, có lẽ ông Trương Văn Chóng, “liệt sĩ” bất đắc dĩ này, sẽ chẳng bao giờ có tiền để tìm đường về nhà.
Bà Nía, mẹ ông Chóng kể: “Tôi như chết đứng chỉ biết đứng nhìn một người đàn ông gần 60 tuổi khác xa với di ảnh trên bàn thờ là thằng thanh niên. Tôi không tin thằng con tôi còn sống và đang ở trước mặt tôi bằng xương bằng thịt, vì 33 năm trước người ta đã báo con tôi hy sinh ngoài chiến trường. Sau đó, tôi dẫn nó vào bàn thờ, rồi nó tự đập bát hương và lấy di ảnh xuống”.
Vụ cô giáo bị phụ huynh làm nhục
Báo Người Lao Động đưa tin: Người buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi là thư ký Hội Luật gia. Ông Phạm Hữu Vốn, chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh, cho biết, người buộc cô giáo phải quỳ suốt 40 phút là ông Võ Hòa Thuận, thư ký Hội Luật gia ở một huyện thuộc tỉnh Long An. Ông Thuận là đảng viên, từng là cán bộ tư pháp của một xã ở huyện Thủ Thừa.
Ông Vốn nói: “Tôi kêu ông Thuận nói là một chút thấy cô quỳ phải đỡ cô lên. Làm vậy tội lắm. Vậy mà ông Thuận kêu phải quỳ đúng 40 phút mới chịu. Vậy mà ổng về nhà còn ca ngợi là đụng tới con ổng là phải vậy. Ổng là thư ký hội luật gia mà làm vậy. Lúc bắt cô giáo quỳ ông Thuận còn nói là: ‘Tôi thấy mặt cô là tôi không ưa rồi đó’. Ông Thuận là người biết luật mà làm vậy thì sao“.

 

Ông Võ Hòa Thuận. Nguồn: Facebook của nhân vật.

 

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Cô giáo bị bắt quỳ gối xin lỗi, điều gì đang diễn ra thế này? Theo bài viết, các cấp có liên quan, gồm ban giám hiệu, các giáo viên và hội phụ huynh học sinh trường tiểu học Bình Chánh, đã tỏ ra thiếu trách nhiệm trong vụ cô Nhung bị bắt quỳ xin lỗi. “Chính những sự việc như thế này, chính những phụ huynh như thế này đã góp phần làm cho lòng tin vào nghề giáo bị giảm sút nghiêm trọng”.
Báo Lao Động phân tích vụ giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh: Cô giáo đã sai, phụ huynh cũng không vừa. Theo đó, 4 phụ huynh trường tiểu học Bình Chánh bắt cô Nhung quỳ xin lỗi, vì trước đó cô Nhung đã phạt học sinh bằng hình thức quỳ gối, khiến “một số em sợ không đi học”. PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, cả phụ huynh và giáo viên đều đã sai, “người chịu tổn thương trong trường hợp này sẽ là con trẻ”.
Vụ “lạm phát” giáo sư, phó giáo sư
Báo Lao Động đưa tin: Rà soát hồ sơ GS, PGS: Thêm 1 trường hợp không đạt chuẩn do bị tố đạo văn. Như vậy, đã có 95 trường hợp tân GS, PGS không đạt tiêu chuẩn. Trường hợp mới nhất chính là hồ sơ ứng viên PGS của ông Đặng Công Tráng, người bị phát hiện đạo văn khi nghiên cứu về bán hàng đa cấp.
Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn chưa nhận được đơn xin rút của “PGS đạo văn”, theo báo Người Đưa Tin. Chánh văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Bùi Mạnh Nhị cho biết, hội đồng này vẫn chưa nhận được đơn xin rút hồ sơ ứng viên của ông Tráng. Ông Nhị cho biết thêm: “Sau khi nhận được đơn nếu chính đáng sẽ được chấp thuận”.
Báo Dân Việt có bài: Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc vụ giáo sư. Như vậy là quả bóng tiếp tục chuyền qua lại giữa Bộ GD-ĐT và Văn phòng Chính phủ. Nhà báo Đào Tuấn viết, “sau khi Hội đồng của Giáo sư Nhạ ‘báo cáo Thủ tướng quyết định’, Chính phủ vừa có văn bản kết luận Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhạ xem xét và quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS… và chịu trách nhiệm về các hồ sơ này.
Vậy là sau khi thầy Nhạ chuyền bóng, Chính phủ liền chuyền lại. Không biết chừng mai kia thầy ban ngược cho Phó Chủ tịch Hội đồng. Ngu gì sút khi cái học hàm của thầy cũng đang hứng đạn. 94 trường hợp phải xem lại. Đúng là một kỷ lục. Chỉ không rõ là cái giáo sư của thầy thì ai sẽ quyết định, ai sẽ xem xét, ai sẽ trả lời. Không lẽ giáo sư Nhạ kết luận giáo sư Nhạ đủ chuẩn giáo sư“.
VTV có bài Phỏng vấn GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch HĐCDGSNN: Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước rút kinh nghiệm về hơn 90 ứng viên GS, PGS có phản ánh về hồ sơ. Bất chấp chuyện số lượng hồ sơ ứng viên GS, PGS chưa đạt chuẩn ngày càng tăng, ông Ga vẫn khẳng định “chất lượng GS, PGS năm nay đảm bảo”.
Gánh nặng BOT
Quyết tâm “tận thu” bằng BOT của lãnh đạo CSVN: Năm 2019: Tất cả các trạm phải thu phí tự động, theo báo Đời Sống và Pháp Luật. Theo bài viết, Bộ trưởng Bộ GT Nguyễn Văn Thể đã công bố 2 bước của lộ trình “tận thu”: Đầu tiên là dán tem định danh đối với tất cả phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước, sau đó là xây dựng hệ thống thu phí tự động sử dụng công nghệ nhận diện tem định danh ở tất cả các trạm BOT.
Tuy nhiên, người dân vẫn ngầm phản đối phương pháp “tận thu” của các lãnh đạo ngành giao thông, “khảo sát tại một số trạm đăng kiểm cho thấy nhiều chủ xe chưa quan tâm và không muốn dán tem thu giá tự động dù được dán miễn phí”.
Văn hóa tâm linh và lễ hội
Báo Công An Nhân Dân bàn về tục đốt vàng mã và nghịch lý trong quan niệm của người dân. Theo bài viết, nhiều người vẫn chi tiền cho chuyện đốt vàng mã nhưng lại không hiểu rõ tại sao họ phải làm vậy. Đại đức Thích Thông Đạo phân tích: “Con cháu chúng ta luôn cầu nguyện cho vong linh ông bà được siêu thoát về nơi cực lạc, thế nhưng việc cúng, đốt vàng mã, đồ mã cho người đã khuất chẳng khác nào con cháu cứ giữ ông bà ở cõi âm”.
Mặc dù lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã thả “rắn thần” về tự nhiên, ngôi mộ “bà ăn mày” vẫn nhộn nhịp người cúng bái, theo báo Người Đưa Tin. Con rắn được thả từ chiều 3/3/2018, nhưng vẫn có rất nhiều người tới dâng chúng, ngôi mộ vẫn nghi ngút nhang khói. “Hòm công đức bằng gỗ đã được chính quyền địa phương thu về, nhưng có ai đó vẫn đặt một hộp giấy để cho người dân bỏ tiền cúng bái”.
Thêm trường hợp “kinh doanh tâm linh”: Người mặc đồ nhà sư đọc “thần chú”, vẩy “nước thánh” tại chùa Hương Tích, báo Người Lao Động đưa tin. Sau khi nhận “lộc nước”, các du khách đã rút tiền trả người này. Ông Nguyễn Duy Vỵ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích chùa Hương Tích khẳng định rằng “nhà sư” này không mặc đồ theo trường phái tu của chùa Hương Tích: “Chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với sư trụ trì để có phương án xử lý nghiêm khắc”.
Báo Lao Động có đồ họa cho thấy, những con số khủng về lễ hội ở Việt Nam:

 

Biếm họa của Lê Anh Phong/ TTC

 

Biểu tượng văn hóa thành phế tích
Báo Dân Việt bàn về vụ biểu tượng kỳ quan ở vịnh Hạ Long bị bỏ hoang phế: Không biết đơn vị nào quản lý! Kết quả đầu tư tiền của, công sức cho công trình biểu tượng kỳ quan ở trung tâm du lịch Hạ Long: Công trình bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh “đá bóng” trách nhiệm cho nhau.
Tình hình “đá bóng” trách nhiệm qua lời kể của ông Nguyễn Trung Hậu, Chánh Văn phòng, Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh: “Công trình này là do UBND tỉnh Quảng Ninh thi công. Sau khi hoàn thành, UBND tỉnh không bàn giao cho Sở, vì vậy Sở không quản lý công trình này. Hình như UBND tỉnh đã bàn giao cho TP.Hạ Long quản lý”.
Bác sĩ “đuổi” bệnh nhân về nhà
VTC đưa tin: Sợ tốn ngân sách, ‘đuổi’ bệnh nhân về, bác sĩ bị đình chỉ công tác. Đó là vụ BS Tạ Nam Ngạn ở bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, cho rằng không thể cứu bệnh nhân được nữa, nên “yêu cầu người nhà đưa về để không gây tốn kém tiền ngân sách”. Lãnh đạo bệnh viện này đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với BS Ngạn.
***

Tin thế giới

Bá quyền Trung Quốc
Chuyện Bắc Kinh thay đổi Hiến pháp để ông Tập Cận Bình nắm quyền trọn đời, RFI có bài: Chủ tịch suốt đời: Tập Cận Bình đại nhảy vọt hay đại thụt lùi? Dẫn nguồn từ báo Le Figaro, cho rằng, quyết định này là một bước đại thụt lùi của Bắc Kinh khi đưa Trung Quốc đi ngược lại thời kỳ độc tài kiểu phong kiến.
Bài viết có đoạn: “Việc định chế hóa tính chất độc tài của quyền lực Tập Cận Bình song hành với sự quay lại của hiện tượng tôn sùng cá nhân lãnh tụ, và việc bổ nhiệm một loạt chức trách Nhà nước, sau khi ông Tập đã đưa hàng loạt người của mình vào những chức vụ cao trong Đảng, dập tắt mọi lực lượng đối lập“.
Cũng RFI, đưa tin: Trung Quốc: Tập Cận Bình đưa người thân vào vị trí chủ chốt. Dẫn nguồn từ báo Nhật Nikkei Asian Review, cho biết, ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, có khả năng được bầu làm phó chủ tịch Trung Quốc, cho dù ông bị trượt cái ghế trong Bộ Chính trị hồi Đại Hội thứ 19, do đã quá tuổi quy định.
Ngoài ra các chức phó thủ tướng, ủy viên Quốc Vụ, lãnh đạo ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính… đều có những nhân vật rất thân cận với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.
Chính trường Mỹ
Project Syndicat có bài của hai giáo sư Bandy X. Lee và Jeffrey D. Sachs: Tâm lý chiến của Trump và Hoà bình Thế giới. Bài nói về bệnh tình của ông Trump, trên cương vị là tổng thống Mỹ, có thể ra những quyết định gây tổn hại đối với Mỹ và thế giới. “Lời tuyên bố của ông trên Twitter vào tháng Giêng, rằng ông là ‘một thiên tài rất ổn định’ là một dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải sức mạnh. Những tuyên bố như vậy là một lời báo động, không phải là trấn an“.
Bán đảo Triều Tiên
VOA có bài: Phái đoàn cấp cao Hàn Quốc gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Reuters dẫn lời người phát ngôn Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom cho biết, phái đoàn 10 người của Hàn Quốc, dẫn đầu bởi Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Chung Eui-yong, đã đáp máy bay xuống Bình Nhưỡng và được các giới chức Bắc Hàn chào đón.
***
***

Bản tin sáng 6-3-2018