Tin Việt Nam – 06/03/2018
Mạng xã hội, trang tin
phải gỡ ‘nội dung vi phạm’ trong vòng 3 giờ
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành một nghị định mới siết chặt hơn việc quản lý thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Nghị định số 27 của năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều trong nghị định số 72 của năm 2013.
Họ quy định như thế tức là họ siết chặt … nếu cứ căn cứ 3 tiếng xử phạt người ta thì có thể là bất cập, không thể thực hiện được
Nhà văn Phạm Viết Đào
Dư luận và báo giới chú ý nhiều đến các điều khoản trong nghị định mới đặt ra điều kiện là cá nhân, tổ chức quản lý trang thông tin điện tử hoặc với mạng xã hội phải có “cơ chế phối hợp” để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72 năm 2013 “chậm nhất sau 3 giờ” kể từ khi tự phát hiện, hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc cơ quan cấp phép. Nghị định mới không nói rõ “cơ chế phối hợp” là như thế nào.
Khoản 1 Điều 5 của nghị định 72 năm 2013 quy định các hành vi bị cấm khi sử dụng internet, trong đó có việc “lợi dụng” mạng thông tin toàn cầu để chống phá chính quyền Việt Nam, gây hại an ninh quốc gia, gây hận thù hoặc mâu thuẫn dân tộc, xuyên tạc hoặc vu khống các cá nhân, tổ chức, phát tán thông tin giả mạo hoặc sai sự thật, v.v…
Chính quyền Việt Nam từng khép một số nhà hoạt động hoặc bất đồng chính kiến, như nhà văn Phạm Viết Đào, blogger Trương Duy Nhất, hay bác sĩ Hồ Hải, người cũng là một blogger, vào tội vi phạm Nghị định 72. Trên cơ sở đó, chính quyền thu thập “bằng chứng” từ các bài viết của họ để truy tố và bỏ tù theo một số điều về “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lật đổ” trong Bộ luật Hình sự.
Nhà văn Phạm Viết Đào, người từng bị bỏ tù 15 tháng trong các năm 2013, 2014, nói với VOA rằng Nghị định 27 là một sự tăng cường của Nghị định 72, càng hạn chế hơn quyền tự do ngôn luận.
Mặc dù vậy, ông Đào cho rằng quy định gỡ “nội dung vi phạm” trong vòng 3 giờ sẽ khó khả thi đối với một số trường hợp người sử dụng:
“Họ quy định như thế tức là họ siết chặt. Nếu đặt vấn đề quy định với blog chẳng hạn, người chủ có khi đi công tác hoặc vào nơi không có mạng chẳng hạn, làm sao ông ta biết thông tin để ông ấy điều chỉnh. Có phải [như thế] là vi phạm không. Rồi Facebook là có Facebook cá nhân, có điều kiện thì người ta vào. Bài có thông tin nào đấy sai chẳng hạn, nếu cứ căn cứ 3 tiếng xử phạt người ta thì có thể là bất cập, không thể thực hiện được”.
Bên cạnh quy định về gỡ bài, Nghị định 27 cũng đặt ra điều kiện là chủ trang thông tin điện tử phải có quy trình quản lý thông tin công cộng, bao gồm xác định, kiểm soát nguồn tin, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải.
Về nhà quản lý anh có tham gia đâu mà anh phục hết các trang mạng xã hội được. Mà phạt cả [các trang] nước ngoài thực ra cũng khó chứ không phải dễ đâu
Nhà văn Phạm Viết Đào
Nghị định nêu ra điều kiện cụ thể hơn về nhân sự quản lý trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội. Theo đó, phải có ít nhất một nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin và có ít nhất một nhân sự bộ phận kỹ thuật.
Dù nhà chức trách đặt ra các điều kiện mới, cựu tù nhân lương tâm Phạm Viết Đào nhận định họ vẫn sẽ gặp những khó khăn. Ông nói:
“Về nhà quản lý anh có tham gia đâu mà anh phục hết các trang mạng xã hội được. Mà phạt cả [các trang] nước ngoài thực ra cũng khó chứ không phải dễ đâu”.
Bản thân từng là mục tiêu của nhà chức trách, nhà văn Phạm Viết Đào bình luận rằng các nghị định 27 và 72 được ban hành vì chính quyền cần có cơ sở pháp lý để nhắm đến một số đối tượng cần bị ngăn chặn vì tiếng nói của họ gây bất lợi cho chính quyền.
Ông cho rằng cách quản lý như vậy không giúp làm cho xã hội lành mạnh lên khi mà một phần lớn các trang thông tin điện tử và mạng xã hội vẫn đầy rẫy những thông tin xấu hoặc các cuộc tranh cãi thiếu văn minh, vì nhà chức trách không đủ nhân lực để theo dõi, quản lý hết tất cả những điều đó.
Nghị định 27/2018 sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 4 tới.
Hải quân Mỹ: “Ai cũng đón chúng tôi rất thân thiện”
Nhóm Orient Express thuộc Ban nhạc Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, hôm 5/3 biểu diễn ở Đà Nẵng nhân chuyến thăm Việt Nam của đội tàu chiến vào tuần này.
“Ai cũng đón tiếp chúng tôi rất thân thiện,” Emily Kershaw, một thành viên ban nhạc, cũng là người đã hát ca khúc Nối vòng tay lớn trong cùng buổi tối, nói với BBC.
“Hoa Kỳ và Việt Nam có vấn đề trong quá khứ không thể quên được, nhưng để hai nước hợp tác với nhau về quân sự cũng như các lĩnh vực khác thì đó quả là một bước đi rất lớn.”
Một thành viên khác, Robert Booker, nói người Mỹ đều được học về chiến tranh.
“Câu chuyện về Hoa Kỳ và Việt Nam rất thú vị ở những gì có trong quá khứ, hiện tại và tương lai.”
“Hôm nay tới Việt Nam, có rất nhiều thủy thủ giao lưu với người dân, học sinh. Và lúc này, hướng tới tương lai là điều chúng tôi quan tâm,” Robert nói.
Nhiệm vụ của Ban nhạc Hạm đội 7 là biểu diễn phục vụ giải trí cho hải quân các tàu, tại các căn cứ quân sự và giới chức ngoại giao.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-43299768
Quan hệ Mỹ-Việt:
Biểu tượng Carl Vinson và ý muốn chống Trung Quốc
Chuyến ghé cảng Đà Nẵng mang tính lịch sử của tàu sân bay Mỹ Carl Vinson bắn đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc, nhưng quan hệ chiến lược Việt-Mỹ vẫn còn mang tính tượng trưng hơn là thực chất. Trên đây là nhận định của giáo sư Richard Javad Heydarian, chuyên gia về địa chính trị châu Á thuộc Đại Học De La Salle (Philippines), trong một bài phân tích công bố ngày 05/03/2018 trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông.
Đối với giáo sư Heydarian, sự kiện chiếc USS Carl Vinson, một hàng không mẫu hạm với lượng giãn nước 103.000 tấn, cùng hai tàu chiến lớn khác, ghé Đà Nẵng ngày 05/03 trong một chuyến thăm hữu nghị 5 ngày là một dấu hiệu rất đáng chú ý, phản ánh quan hệ chiến lược đang tăng cường giữa hai kẻ cựu thù.
Đây là lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ mà Mỹ cho triển khai một nhóm tàu sân bay đến Việt Nam, đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ bên bờ biển Việt Nam từ năm 1975, và báo hiệu sự xuất hiện của một liên minh ít ai ngờ tới giữa Washington và Hà Nội.
Việt Nam là đối tác trong chiến lược Mỹ
Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ công bố tháng 12 năm ngoái (2017), chính quyền Donald Trump đã xác định Việt Nam là một đối tác hợp tác trên biển (cooperative maritime partner) », nêu bật vai trò của Hà Nội đang vươn lên thành một tác nhân chủ chốt trong việc giữ gìn trật tự hiện có trong vùng biển Đông Á.
Daniel Kritenbrink, tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tuyên bố: « Chuyến thăm đánh dấu cột mốc cực kỳ quan trọng trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, và thể hiện hậu thuẫn của Hoa Kỳ cho một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập… Với nỗ lực, sự tôn trọng lẫn nhau và bằng cách tiếp tục giải quyết các vấn đề trong quá khứ, đồng thời hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, từ cựu thù, chúng ta đã trở thành đối tác chặt chẽ ».
Theo giáo sư Heydarian, nhân tố trung tâm thúc đẩy đà sưởi ấm quan hệ nhanh chóng giữa hai nước cựu thù là sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của họ trên Biển Đông, đe doạ chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam, cũng như quyền bá chủ hải quân của Mỹ ở Châu Á.
Vào lúc các đồng minh khu vực truyền thống của Hoa Kỳ như Thái Lan và Philippines đang càng lúc càng có một chính sách đối ngoại thân Bắc Kinh, Washington đã phải cấp tốc đi tìm những đối tác chiến lược mới và đáng tin cậy hơn ở Đông Nam Á.
Việt Nam đi đầu trong nỗ lực chống Trung Quốc tại Biển Đông
Với quyết tâm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, Hà Nội đã nổi lên thành một quốc gia đi đầu – nếu không nói là duy nhất – chống lại chính sách quyết đoán trên biển của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là chuyến thăm mang tính biểu tượng cực cao của chiếc USS Carl Vinson sẽ sớm dẫn đến một liên minh quân sự thực thụ nhằm chống lại Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn luôn đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao đa phương, nhất là trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á, để chỉ trích các hoạt động cải tạo, bồi đắp rầm rộ của Trung Quốc trên các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.
Giáo sư Heydarian nêu bật là để đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa nhanh chóng các hòn đảo nhân tạo, Việt Nam cũng đã bắt tay vào các hoạt động bồi đắp và cải tạo, với quy mô hạn chế, trên các thực thể mình kiểm soát, cũng như triển khai các hệ thống vũ khí, trong đó có các loại pháo có hệ thống dẫn đường chính xác, trên một số hòn đảo ở Trường Sa.
Trên phạm vi rộng hơn, Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân của mình, bao gồm việc mua tàu ngầm từ Nga và phát triển cơ sở hải quân tại cảng chiến lược Cam Ranh.
Việt Nam cũng đã mở cửa các mỏ khí đốt tự nhiên khác nhau trong vùng đặc quyền kinh tế của mình cho các công ty năng lượng quốc doanh của Nga và Ấn Độ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Mục tiêu của Hà Nội là thông qua cách thức đó, lôi kéo được các cường quốc khác vào việc bảo vệ tài nguyên và tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Ba không về quân sự nhưng vươn tới các cường quốc khu vực
Ông Heydarian còn ghi nhận là trên bình diện học thuyết an ninh quốc gia, nước Việt Nam độc lập đã áp dụng chính sách « ba không », bao gồm việc không dựa vào một khối quyền lực nào để chống lại một khối khác, không đón nhận bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình và không liên minh quân sự và lệ thuộc vào bất kỳ một thế lực nào ở bên ngoài.
Tuy nhiên, trong một động thái kinh điển về đa dạng hoá chiến lược, Hà Nội đã vươn tới các cường quốc khu vực lớn như Nga, Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực phòng thủ và giám sát trên biển.
Nhận thức rõ sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc trong lãnh vực kinh tế, Việt Nam đã tìm cách thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và các nước phương Tây.
Việt Nam cũng tìm cách gia nhập khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang hồi sinh thành TPP-11 (trừ Hoa Kỳ), nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút các nguồn vốn và công nghệ.
Do đó, Hà Nội đã phát triển được một không gian chiến lược cũng như một năng lực răn đe tối thiểu chống lại các ý đồ của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.
Nỗi lo của Việt Nam : Bị cô lập về chiến lược
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cảm thấy bất an và lo ngại trước khả năng bị cô lập về mặt chiến lược. Nỗi quan ngại này bắt nguồn từ sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như chính sách chạy theo Trung Quốc ngày càng rõ của các nước có tranh chấp Biển Đông khác, như Philippines dưới thời tổng thống thân Trung Quốc Rodrigo Duterte chẳng hạn.
Một ví dụ, trong khối ASEAN, Việt Nam thường thấy mình là tiếng nói duy nhất chống lại các hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc, trong lúc phần còn lại của khu vực thì lại chủ trương thỏa hiệp về mặt chiến lược và tiếp tục làm ăn kinh tế với cường quốc châu Á.
Bằng cách vươn tới Hoa Kỳ, Việt Nam hy vọng sẽ có thêm sức mạnh trong việc chống lại Trung Quốc. Chiến lược đó tuy nhiên không chỉ có nguy cơ bị phản tác dụng vì có khả năng kích động Trung Quốc hành động hung hăng hơn, mà lại còn phải đối mặt với những hạn chế to lớn mang tính chất cơ cấu.
Ý muốn của Việt Nam là ngăn chặn các tham vọng trên biển của Trung Quốc, nhưng Hà Nội cũng rất dễ bị Bắc Kinh trả đũa về kinh tế và quân sự. Việt Nam có đường biên giới rất dài trên biển và trên bộ, không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với các nước láng giềng đi theo Trung Quốc như Cam Bốt.
Trong khi đó, Quốc Hội Hoa Kỳ cũng dè dặt trong vấn đề phê duyệt việc bán vũ khí tiên tiến cho Việt Nam, vốn liên tục bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền một cách rộng rãi. Cho đến nay, không có thỏa thuận vũ khí quan trọng nào được đặt lên bàn đàm phán.
Trên bình diện này thì nhiều vũ khí của Việt Nam lại có nguồn gốc Nga, gây nên mối quan ngại về khả năng tương thích về mặt công nghệ nếu Việt Nam kết hợp vũ khí Nga với vũ khí Mỹ. Hơn nữa, còn có mối quan ngại về quyết tâm thực thụ và phương tiện mà Mỹ huy động vào việc chống Trung Quốc khi xẩy ra chuyện.
Giáo sư Heydarian đi đến kết luận : Rốt cuộc, Hà Nội rất sợ khả năng bị bỏ rơi về mặt chiến lược nếu liên minh rõ ràng hơn với Mỹ và các cường quốc có cùng quan điểm (với Mỹ). Do vậy, rất khó mà nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác đầy hứa hẹn hiện nay sẽ trở thành một liên minh toàn diện chống lại Trung Quốc.
GS Dũng vẫn chờ hồi âm vụ Bộ trưởng Nhạ
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phản hồi với BBC về ý kiến của Giáo sư Vũ Minh Giang xoay quanh vụ ông tố Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ ‘đạo văn’.
Hôm 6/3, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt qua email, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cho hay:
“Tôi vẫn đang chờ đợi sự trả lời chính thức từ phía Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về vụ ông Nhạ, và muốn biết xem họ có làm việc nghiêm túc và báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không.”
“Mặt khác, tôi cũng đã gửi các báo cáo qua đường khác đến thủ tướng, nên nếu Hội đồng này không báo cáo đến ông Phúc thì sẽ thấy sự thiếu nghiêm túc của tổ chức này, nên chắc là họ cũng sẽ phải báo cáo thôi, còn báo cáo kiểu gì thì chưa rõ.”
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.
Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’
Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’
Hôm 01/3/2018, Giáo sư Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, nêu quan điểm với BBC: “Trong tiếng Việt, ‘đạo’ là một từ có gốc Hán, thì có nghĩa là ‘ăn cắp’, ‘ăn trộm’ của người khác.”
Vấn đề quan trọng nhất là thật hay giả. Nếu là đạo văn, là giả khoa học, thì càng nhiều điểm công trình càng dễ chứng tỏ một sự gian dối, không xứng đáng với tư cách của một nhà khoa học và giáo dục chân chính.giáo sư Nguyễn Tiến Dũng
“Thế thì chữ ‘đạo’ ở đây dùng không thỏa đáng và tôi nghĩ chữ đó hơi có tính là ‘xúc phạm cá nhân'”
“Theo quy chế hiện hành của Việt Nam, tổng số điểm của ông Phùng Xuân Nhạ khá cao, gấp mấy lần tiêu chuẩn cho một giáo sư.”
“Nếu nói là không đạt tiêu chuẩn, thì thiếu căn cứ.”
‘Thiếu nghiêm túc’
Đề cập về ý kiến của GS. Vũ Minh Giang mà BBC đã đăng tải, ông Dũng nói:
“Có thể Giáo sư Vũ Minh Giang chưa kịp đọc báo cáo mới nhất tôi gửi Hội đồng Chức danh Giáo sư trong đó có đưa ra các bằng chứng rõ ràng về việc ông Phùng Xuân Nhạ có đạo văn của những người khác. Tôi hy vọng rằng chỉ riêng các bằng chứng đó cũng sẽ đủ để ông Giang thay đổi quan điểm của mình về tính chính danh của ông Nhạ.”
“Nếu tính điểm công trình, thì ngày xưa bà Elena Ceausescu là một nhà bác học vĩ đại, dù thực ra bà ta không biết gì về khoa học. Tất cả các công trình là do có những người khác viết cho. Vấn đề quan trọng nhất là thật hay giả. Nếu là đạo văn, là giả khoa học, thì càng nhiều điểm công trình càng dễ chứng tỏ một sự gian dối, không xứng đáng với tư cách của một nhà khoa học và giáo dục chân chính.”
“Ông Giang có thể chưa kịp biết, sau khi một giáo sư ở Đại học Quốc gia Hà Nội liên hệ với tạp chí ASS để làm rõ sự việc, ASS đã công nhận là ông Nhạ đã gửi bài “duplicate” đến ASS, và như thế trái với nguyên tắc của ASS…
“Sau khi bị phát hiện như vậy, ông Nhạ đã thông báo với ASS là rút bài năm 2013 khỏi tạp chí khác đã đăng và sửa bài năm 2014 ở ASS…”
“Tất nhiên có thể trích lại các kết quả cũ của mình, và nâng cấp cho nó tốt hơn, trình bày lại cho dễ hiểu hơn, hoặc gộp nhiều kết quả nhỏ lại thành tổng thể. Trong mọi trường hợp, việc “nâng cấp” đó phải đi kèm với việc trích dẫn rành mạch rằng những chỗ nào là có từ trước (và thông thường không thể trích với tỷ lệ quá lớn nếu là một bài nghiên cứu mới).
“Đằng này bài báo 2014 của ông Nhạ không hề nhắc đến sự tồn tại của bài báo 2013, giả vờ như bài 2014 là kết quả mới, tuy rằng nó trùng với bài 2013.”
“Khái niệm “self-plagiarism” là khái niệm được giải thích rõ ràng ở những nguồn tham khảo về vấn đề đạo văn (plagiarism). Tôi dịch từ đó sang tiếng Việt là “tự đạo văn”, và hầu hết mọi người đều hiểu ngay nó có nghĩa là gì.
“Nếu ông Giang không đồng ý với từ đó, xin đưa ra cụm từ tiếng Việt khác thay thế với nghĩa là “self-plagiarism” trong tiếng Anh. Dù là cụm từ nào được dùng, thì self-plagiarism cũng thuộc loại hành vi bị thế giới khoa học nghiêm túc lên án.”
“Ngoài ra, có một hành vi ngụy khoa học khác của ông Phùng Xuân Nhạ mà tôi có viết trong báo cáo sơ bộ ngày 18/2/2018 với nhiều chứng cớ rõ ràng, là hành vi “trích dẫn khống”. Tôi không thấy ông Giang nói gì đến hành vi này để bảo vệ ông Nhạ.”
Rà soát lại danh sách
Vào hôm 6/3, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm chủ tịch, đã chính thức công bố danh sách 1.131 người được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017.
Đây là kết quả sau khi tiến hành rà soát toàn bộ 1.226 hồ sơ đã được công bố đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư trước đó.
Theo danh sách mới nhất, có 95 người trước đó được công bố đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải chờ kết quả rà soát tiếp theo.
Thường trực Chính phủ đã thống nhất yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ và Hội đồng chức danh “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm.
Danh sách mới nhất có 74 tân giáo sư và 1.057 tân phó giáo sư, giảm 95 người so với danh sách thông báo đầu tháng 2/2018.
Theo truyền thông Việt Nam, danh sách mới nhất không còn tên nhiều cán bộ quản lý như ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên GS Lê Quân – thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Vấn đề bằng tiến sĩ và cơ chế phong giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam thường xuyên thu hút các ý kiến khác nhau trên những diễn đàn mạng của giới trí thức Việt Nam sống trong nước và ở nước ngoài.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43297592
Công bố danh sách giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam
Việt Nam vừa cho công bố quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cho 1.131 ứng viên, ít hơn 95 người so với danh sách ban đầu.
Thông tin này chính thức được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố vào ngày 5/3 và được truyền thông trong nước loan đi.
Theo ông Bùi Văn Ga, phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư cho biết, việc rà soát 1.226 hồ sơ ứng viên đã xác định 1.131 hồ sơ đủ tiêu chuẩn và đảm bảo điều kiện công nhận đạt chuẩn, không có đơn thư tố cáo. Còn 95 hồ sơ còn lại thuộc diện có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần được xác minh thêm.
Đây cũng là con số kỷ lục trong hơn 40 năm qua, khiến cho dư luận lo ngại về chất lượng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có công văn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát nghiêm túc lại quá trình xét duyệt để đảm bảo chất lượng.
Xin nhắc lại, năm 2017, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố 1.226 giáo sư và phó giáo sư, đây là con số được truyền thông trong nước cho là tăng đột biến và gây ra nhiều nghi vấn trong dư luận. Hiện tại, hội đồng này mới chỉ thừa nhận 1 phó giáo sư duy nhất chưa đủ tiêu chuẩn.
Các giám mục Việt Nam đến Vatican
Các giám mục Việt Nam vào ngày 5 tháng 3 được giáo hoàng Phan Xi Cô, người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã tiếp tại Vatican.
Tin cho biết 33 vị giám mục Việt Nam thực hiện chuyến đi thăm mộ hai vị thánh tông đồ Phê rô và Phao lô thường được gọi theo tiếng La Tinh là ‘ad limina’. Trong chuyến đi này họ được giáo hoàng tiếp kiến và nghe báo cáo về tình hình giáo phận mà họ đang coi sóc.
Chuyến ‘ad limina’ gần nhất của các vị giám mục Công giáo Việt Nam được cho biết vào tháng 6 năm 2009. Lúc đó người tiếp hàng giáo phẩm Công giáo trong nước là giáo hoàng Bê nê đíc tô thứ 16.
Trong chuyến thăm lần này, vào ngày 3 tháng 3 vừa qua, giám mục Nguyễn Chí Linh, hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, phát biểu trong thánh lễ được tiến hành tại nguyện đường gần mộ Thánh Phê rô về lòng trung thành của giáo dân Việt Nam với giáo hội và đức giáo hoàng.
Thống kê cho thấy trong số dân hơn 96 triệu của Việt Nam hiện nay, số tín hữu Công giáo La Mã chỉ chiếm chừng 6,6%. Tỉ lệ này thấp hơn số 10% được ghi nhận trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Hiện nay giáo hội Công Giáo La Mã tại Việt Nam có 26 giáo phận, hơn 2220 giáo xứ. Tất cả thuộc 3 tổng giáo phận. Số linh mục được cho biết là 2668 vị.
Thêm nữ tù chính trị bị chuyển đến trại xa
Nữ tù chính trị Trần Thị Nga bị chuyển từ trại giam ở Hà Nam đến trại Dak Trung, tỉnh Dak Lắc từ tuần trước mà người thân không được thông báo.
Facebooker Lương Dân Lý, người phối ngẫu của bà Trần Thị Nga, thông báo tin vừa nêu sau khi đi thăm bà này về vào ngày 5 tháng 3 vừa qua.
Theo đó thì khi đến trại tạm giam công an tỉnh Hà Nam, ông này nhận được thông báo tù nhân Trần thị Nga đã bị chuyển vào trại giam Đắc Trung, tỉnh Daklak từ tuần trước. Trại giam từ chối không nhận đồ mà ông này gửi vào cho tù nhân Trần Thị Nga.
Vào chiều ngày 6 tháng 3, Facebooker Lương Dân Lý xác nhận tin vừa nêu với Đài Á Châu Tự Do:
Mình đi gởi đồ thì họ nói đã chuyển Chị ấy đi rồi, thế là mình đem đồ về. Mình hỏi chuyển Chị ấy đi trại nào thì họ nói chuyển đi trại Đak Trung, vào đấy mà hỏi.
-Lương Dân Lý
“Mình đi gởi đồ thì họ nói đã chuyển Chị ấy đi rồi, thế là mình đem đồ về. Mình hỏi chuyển Chị ấy đi trại nào thì họ nói chuyển đi trại Đak Trung, vào đấy mà hỏi. Họ nói theo quy định thì họ không có trách nhiệm báo cho mình trước khi chuyển, họ cũng nói thế từ trước, mình chẳng thắc mắc được.”
Trên Facebook cá nhân, blogger Phạm Lê Vương Các, có nhận định về tin tù nhân Trần Thị Nga bị chuyển đến trại xa biết: “Theo luật nhân quyền quốc tế, việc di chuyển một tù nhân đến nơi giam giữ cách xa nơi ở thường trú của họ nhằm mục đích ngăn cản hoặc gây ra khó khăn cho việc thăm nom của thân nhân là cấu thành hành vi đối xử tàn ác hoặc vô nhân đạo.”
Bà Trần Thị Nga, sinh năm 1977, sống tại tỉnh Hà Nam, bị bắt vào tháng 1 năm 2017 và vào tháng 12 năm 2017 bà bị chính quyền Việt Nam tuyên mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1, điều 88 bộ luật hình sự.
Bà Nga thường lên tiếng ủng hộ các dân oan, các tù nhân lương tâm, chống lại những sai trái của nhà cầm quyền địa phương. Bà là một lao động tại Đài Loan bị cả chủ và người môi giới lừa đảo buộc bà phải lên tiếng đấu tranh, và từ sau khi trở về nước bà đã tham gia vào các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo, dấn thân đòi đòi công bằng xã hội.
Ngày 20 tháng 10 năm 2017 bà được tổ chức Ân Xá Quốc Tế vinh danh là một trong 6 phụ nữ can đảm của năm 2017.
Ngoài ra vào năm 2018, bà Trần Thị Nga cũng nhận được giải thưởng “Tinh thần Trần Văn Bá 2018”.
VN khiếu nại với WTO
về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu tấm pin quang điện
Việt Nam vừa đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu tham vấn với Mỹ về mức thuế nhập khẩu 30% đối với tấm pin năng lượng mặt trời, đồng thời đòi phía Mỹ bồi thường, PV Tech trích hồ sơ của WTO cho biết hôm 6/3.
Hà Nội chính thức tham gia khiếu kiện lên WTO cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc để đòi bồi thường về các biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ mới công bố hồi tháng Giêng đối với việc nhập khẩu mô-đun pin năng lượng mặt trời.
Cuối tháng trước, Philippines và Malaysia cũng đã đệ đơn khiếu nại về chính sách mới này sau khi Singapore, Đài Loan và EU đã đâm đơn khiếu nại.
Cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã đề xuất các hạn ngạch và thuế quan đối với việc nhập khẩu các sản phẩm quang điện tinh thể bán dẫn silicon vào thị trường nước này với lý do các sản phẩm nhập khẩu đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất PV quang điện của Mỹ, theo điều tra xác minh của USITC vào cuối tháng Chín.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Động thái này được cho là sẽ đẩy chi phí lắp đặt tấm PV ở Mỹ tăng lên.
Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều công ty sản xuất các sản phẩm quang điện trên thế giới.
Tháng 7 năm ngoái, công ty GCL System Integration Technology của Trung Quốc và công ty Vina Solar của Việt Nam cho biết đã bắt đầu hợp tác sản xuất pin PV tại Việt Nam. Nhà máy chưa được tiết lộ địa điểm này dự kiến sẽ có công suất 600 MW, trong đó có 330 MW dành cho việc sản xuất tế bào quang điện PERC.
Tháng trước, công ty Ecoprogetti của Ý cũng tiết lộ sẽ hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền sản xuất PV với công suất 250 MW tại Việt Nam.
Một số công ty khác cũng công bố kế hoạch xây dựng các dự án PV quy mô lớn ở Việt Nam trong những tuần gần đây. Gần nhất là vào tháng trước, công ty Sunseap có trụ sở ở Singapore loan báo kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời với công suất 168 MW tại Ninh Thuận. Trong khi đó, tập đoàn Sharp của Nhật cũng thông báo sẽ thực hiện một dự án năng lượng mặt trời với công suất 48 MW tại Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam chưa tới 10 MW vào cuối năm 2016.
Trung Quốc là nước có nhiều công ty sản xuất pin quang điện nằm trong top hàng đầu thế giới, kế đó là Hàn Quốc, Mỹ.
Các kế hoạch mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự định tăng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là với sản phẩm nhôm, thép, đã tạo ra một làn sóng phản đối từ các thị trường quốc tế trong những ngày gần đây, khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ xảy ra “chiến tranh thương mại” vì chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ.