Bản tin sáng 5-3-2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin sáng 5-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Trang Thế Giới và Việt Nam bàn về bức tranh nhiều màu ở Biển Đông 2017. Tuy khung pháp lý của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vẫn chỉ là văn bản không cụ thể, Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực trên Biển Đông, nhưng “những gam màu lạc quan” vẫn được duy trì bởi lộ trình “tứ giác kim cương” của liên minh Mỹ – Nhật – Ấn – Úc nhằm duy trì quyền tự do hàng hải và sự ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Về sự kiện cầu siêu cho các liệt sỹ Gạc ma, rất tiếc là nó không được phép diễn ra ở VN, để các phóng viên báo “lề phải” phải lặn lội qua tận bên Nhật làm phóng sự: Tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sỹ Gạc Ma tại Nhật Bản. Những người lính ở “vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã hy sinh vì chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, nhưng các nhà sư, trí thức, sinh viên chỉ dám tưởng niệm họ trên đất Nhật!
Mỹ đi rồi Mỹ lại về…
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đón người Mỹ vào Đà Nẵng, bây giờ đến lượt lãnh đạo CSVN sẵn sàng đón tàu sân bay Mỹ, theo báo Người Lao Động. Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng cho biết: Các cấp lãnh đạo đã lên kế hoạch chi tiết từ hơn nửa năm trước để đón tàu sân bay đầu tiên của người Mỹ cập cảng Việt Nam.
Báo Zing đưa tin: Đoàn công tác liên ngành Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ. Bộ Ngoại giao xác nhận: Đáp lại lời mời của Đại sứ quán Mỹ, đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã đến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong ngày 3 và 4/3/2018, “khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam”.
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài tổng hợp: Cụm tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm Việt Nam, phản ứng và bình luận. Theo cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Kirby, Việt Nam muốn củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, trong tình hình Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa tham vọng bá quyền ở Biển Đông. Biên tập viên tạp chí The Diplomat, Prashanth Parameswaran cho rằng, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson còn có mục đích động viên các nước ASEAN rằng Washington sẽ không để Biển Đông rơi vào tay Bắc Kinh.
TS Đinh Hoàng Thắng nhận định: Nền Ngoại giao “cân bằng động” sẽ sang trang. Theo TS Thắng, tình thế của nước Việt Nam hiện tại đã buộc các lãnh đạo CSVN phải “gác lại quá khứ” với người Mỹ và theo đuổi lộ trình ngoại giao “cân bằng động”, nghĩa là cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của “bạn vàng” và củng cố quan hệ với Mỹ.
BBC đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ? Bài viết nêu quan điểm của nhà báo Bill Hayton về lộ trình ngoại giao “nước đôi” của quan chức CSVN: Họ tiếp đón tàu sân bay Mỹ để “đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”, nhưng họ cũng không muốn làm mất lòng “bạn vàng” và vẫn sẽ không tham gia các liên minh quân sự của người Mỹ.
Nhà báo Bùi Tín viết: Đoàn tàu chiến Mỹ và chiến lược “nhất biên đảo”. Tác giả lưu ý rằng chính TBT Nguyễn Phú Trọng là người theo đuổi chiến lược “nhất biên đảo” trong quan hệ Việt – Trung, “cho nên việc để một đoàn tàu chiến hùng mạnh của Hoa Kỳ vào Đà Nẵng đông dân còn là một hành động đóng kịch để xoa dịu dư luận quần chúng”.
VOA có bài phỏng vấn ông Hiền Trịnh, Trung tá hải quân Mỹ gốc Việt: Tâm sự quân nhân Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ông Hiền có cha là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Vào ngày miền Nam được “giải phóng” hồi năm 1975, ông đã cùng gia đình vượt biên khi ông mới 2 tuổi. Gia đình ông may mắn được một tàu hải quân Mỹ phát hiện, cứu giúp và ông trả ơn cho quê hương thứ hai bằng cách làm tham gia vào Hải quân Hoa Kỳ.
Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: CNN
Quan hệ Việt – Trung
VOA có bài: Việt Nam ‘trấn an’ Trung Quốc vụ tàu USS Carl Vinson. Mặc dù lãnh đạo CSVN chấp nhận tiếp đón tàu sân bay Mỹ, nhưng họ vẫn muốn duy trì tình hữu nghị với “bạn vàng”. Theo hãng tin Reuters, “giới lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội đã và đang thúc đẩy các mối quan hệ an ninh nhằm cân bằng bang giao với Trung Quốc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bình luận về chuyến thăm Việt Nam của tàu USS Carl Vinson rằng: “Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực và là láng giềng tốt của Trung Quốc. Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sự trao đổi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng, thay vì tạo bất ổn”.
Nhân quyền cho Việt Nam
Báo Một Thế Giới đưa tin: Nạn nhân bị đánh oan, mất việc vì tố cáo cảnh sát. Ngày 19/1/2018, tài xế Trịnh Văn Út phản đối chuyện cảnh sát trật tự tỉnh Kiên Giang khống chế và áp giải trái phép tài xế Dương Hồng Hậu. Đại úy Lữ Minh Thái hành hung ông Út, rồi áp giải cả ông Út lẫn ông Hậu. Ông Út làm đơn tố cáo thì bị công ty ép phải rút đơn và xin lỗi viên công an.
Công an tập trung nơi xảy ra sự việc ngày 19/1/2018. Ảnh: MTG
Nữ quyền ở Việt Nam
Chuyện lạ mà không lạ, VTV bàn về nữ quyền qua bài viết: “Nữ quyền” không phải là một xu hướng đến rồi đi. Chuyện này lạ là VTV dám bàn về nữ quyền, nhưng không lạ ở chỗ, bài viết chỉ nói về nữ quyền ở Mỹ, Nhật và các nước khác, không phải nữ quyền ở Việt Nam.
VTV viết: “Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2017 cũng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi ở khắp các quốc gia. Thậm chí, bức tượng một cô gái nhỏ bé còn được dựng đối diện chú bò tót ở phố Wall như một biểu tượng kêu gọi các công ty đối xử bình đẳng với nhân viên nữ và bổ nhiệm thêm nữ giới vào Ban giám đốc“.
Việt Nam là nước thường tổ chức linh đình ngày 8/3, nhưng báo chí không dám viết về “nữ quyền” ở nước này, hay là phụ nữ Việt Nam đã có quá nhiều quyền rồi, không cần phải đòi hỏi thêm?
“Nghề tay trái” của CSGT
Báo Thanh Niên có bài: Quyết… làm ngơ. Theo đó, trước thực trạng “xe ben, xe bồn, kể cả không phép và có phép, lộng hành gây tai họa trong nội thành”, lực lượng CSGT đã chọn giải pháp… làm ngơ. Trong khi những vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng liên quan tới xe bồn, xe ben vẫn tiếp tục diễn ra.
Bài viết nêu câu hỏi liên quan tới lực lượng tuyên truyền vốn quen nói tốt cho CSGT: “Có phải phía sau chuyện xe ben lộng hành ở nội thành TP.HCM gây tai họa cho người dân, là một phần tối trong bóng khuất của lợi ích nhóm mà chẳng thứ ánh sáng công lý nào có thể soi rọi?”
CSGT làm ngơ xe bồn, xe ben, nhưng vẫn hăng say “phạt nguội” các phương tiện nhỏ hơn như xe máy, xe hơi. Báo Người Lao Động viết: Danh sách hơn 35.000 trường hợp bị CSGT TP HCM “phạt nguội”. Có những trường hợp CSGT thu được hàng chục triệu từ chuyện “phạt nguội” xe nhỏ, có lẽ vì xe nhỏ dễ bị bắt nạt hơn xe to.
Quan chức đảng làm kinh tế
Bộ Tài chính thừa nhận: Trong 2 tháng đầu năm 2018, chi thường xuyên lên đến hơn 83% tổng chi ngân sách, theo VOV. Mức chi này đã tăng 2% so với thời điểm cùng kỳ năm 2017, trong đó các khoản chi thường xuyên đạt khoảng 147.783 tỷ đồng, chi trả nợ lãi khoảng 21.990 tỷ đồng. Bài viết bình luận: “Những con số trên cho thấy cơ cấu chi tiêu đang rất đáng lo ngại, khi chi đầu tư phát triển ngày càng nhỏ lại”.
Kết quả đầu tư nghìn tỷ cho các dự án “quả đấm thép”: Luẩn quẩn hồi sinh các dự án “đắp chiếu”, TB Kinh Tế Sài Gòn đưa tin. Theo bài viết, những thông tin do giám đốc nhà máy Đạm Ninh Bình và lãnh đạo Bộ Công Thương cung cấp, thể hiện rằng, chuyện “hồi sinh” nhà máy này “chỉ tương tự như việc duy trì sự sống của một bệnh nhân bằng các ống truyền dẫn oxy và dinh dưỡng mà nếu rút ra thì bệnh nhân sẽ không thể tự thở, tự sống được”.
LS Lê Hòa đặt câu hỏi: Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm về 2 dự án bauxite Tây Nguyên lỗ hàng ngàn tỷ cũng như hậu quả khôn lường của nó về mặt an ninh – quốc phòng – môi trường? Các lãnh đạo làm dự án này đã phớt lờ mọi lời cảnh báo của giới trí thức, thậm chí của một công thần là ông Võ Nguyễn Giáp về hậu quả của chuyện đưa người Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Hậu quả là nguy cơ về chính trị lệ thuộc Trung Quốc, kèm theo gánh nặng về kinh tế, môi trường mà người dân Việt Nam đang lãnh đủ.
Văn hóa tâm linh, lễ hội và cướp giật
Thực trạng đời sống tâm linh ở nhiều địa phương của Việt Nam: Lễ hội đang bị biến tướng, biến dạng ghê gớm, theo VOV. Bài viết bàn về các lễ hội dạng “cướp lộc”, hoặc đâm chém, hành hạ gia súc, thể hiện tư duy cướp giật, thiếu nhân tính. “Do nhiều lý do khi phục hồi lại mà các lễ hội đã bị mất đi cái gốc nguyên thủy nguyên sơ của nó, làm cho lễ hội vô tình mang một ý nghĩa khác đi”.
Báo Dân Việt viết: Tranh cướp lộc vơ vét may mắn về nhà mình, mê muội quá sức!Về chuyện đám đông ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An chen nhau “cướp lộc” trong  lễ hội Làm Chay vì nghĩ làm vậy mang về may mắn. Tác giả bình luận: “Tôi không thấy sự may mắn gì ở đây cả khi con người ta tranh giành, dẫm đạp lên nhau để mang quả chuối, gói bánh, hay thậm chí là cây hương đang cháy dở về nhà”.
Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Vì sao người Việt có thói quen “cứ đi lễ là cầu xin thánh thần“?  Theo bài viết, cuộc sống hiện nay với nhiều biến động, cùng thói tham danh lợi, đã tạo nên tâm lý yếu đuối ở một bộ phận người Việt, khiến họ hành động cuồng tín “với ngộ nhận rằng điều này có thể khiến thánh thần động lòng mà cứu chuộc cho số phận mình”.
Chuyện “kinh doanh tâm linh” trong hành động thả vật phóng sinh: Ngang nhiên trục lợi nơi cửa Phật, theo báo Lao Động. Bài báo đưa tin, bất chấp chuyện giá mua vật phóng sinh ngày càng tăng, nhiều người vẫn chấp nhận bỏ tiền, cũng là chấp nhận rằng “lòng thành” của họ chỉ đáng chừng ấy tiền.
TS Nguyễn Việt Cường cho biết: Chi tiêu cho đồ cúng gấp gần 8 lần đồ chơi và sách truyện trẻ em, báo VietNamNet đưa tin. Số liệu từ kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về “số tiền mà hộ gia đình chi bình quân trong 30 ngày qua cho việc cúng lễ” trong năm 2012 và 2016 đã xác nhận thông tin này:
Biểu đồ so sánh mức chi tiêu cho đồ cúng lễ, vàng mã với sách truyện, đồ chơi của các hộ gia đình của TS Nguyễn Việt Cường. Ảnh: VNN
Báo Đời Sống và Pháp Luật đưa tin: Hiệu trưởng, hiệu phó bị xem xét kỷ luật vì đi đền Bà Chúa Kho trong giờ hành chính. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Vững xác nhận: 2 cán bộ này cùng 2 giáo viên của trường THCS Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã dùng giờ hành chính để đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng vừa qua, khiến lịch học chiều thứ 6 của trường này bị thay đổi đột ngột.
***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Cùng giống nhau ở chỗ độc tài, nên ông Trump ca ngợi Chủ tịch Tập nắm quyền ‘trọn đời’. Chẳng những không lên án chuyện củng cố quyền lực để nắm quyền trọn đời của Tập Cận Bình, mà ông Trump còn khen ngợi: “Giờ ông ấy là chủ tịch trọn đời, chủ tịch trọn đời. Và ông ấy giỏi. Ông ấy có thể làm chuyện đó. Tôi nghĩ thật giỏi. Tôi nghĩ một ngày nào đó có lẽ chúng ta cũng thử làm vậy”, dẫn nguồn từ đoạn ghi âm của CNN đưa tin.
Quan hệ Mỹ – Trung – Đài
VOA đưa tin: Trung Quốc dịu giọng với Đài Loan giữa căng thẳng về dự luật của Mỹ. Một dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua, chỉ cần chữ ký của Tổng thống Mỹ để trở thành luật, cho phép các quan chức Mỹ đến Đài Loan gặp những người đồng nhiệm ở đảo quốc này và ngược lại, cho phép các quan chức cao cấp của Đài Loan được tới Mỹ, gặp gỡ các quan chức Mỹ.
Dự luật này đã làm cho Trung Quốc nổi giận và đe dọa có thể đi đến chiến tranh với Đài Loan. Thế nhưng, dường như Trung Quốc đang chơi chiến thuật “vừa đấm vừa xoa”, khi ông Du Chính Thanh, một quan chức cao cấp thứ tư của Đảng Cộng sản TQ, nói rằng nước này muốn thắt chặt tình hữu nghị với Đài Loan.
Phát biểu tại một hội nghị có khoảng 2000 đại biểu tham dự ở Bắc Kinh, ông Du Chính Thanh nói: “Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn tình đoàn kết và tình hữu nghị với đồng bào của chúng ta ở Hong Kong, Macau và Đài Loan cũng như người Hoa ở nước ngoài“.
Bán đảo Triều Tiên
RFI đưa tin, Hàn Quốc cử đoàn sứ giả cao cấp đến Bắc Triều Tiên. Seoul thông báo, ngày 5/3/2018, phái đoàn Hàn Quốc do cố vấn An Ninh Quốc Gia, Chung Eui Yong làm trưởng đoàn, sẽ đến Bắc Triều Tiên làm việc với các lãnh đạo Bình Nhưỡng trong hai ngày. Phái đoàn gồm 10 người, ngoài ông Chung, còn có mặt hai quan chức cao cấp khác là lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon và thứ trưởng bộ Thống Nhất Chun Hae Sung.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết, tại Bình Nhưỡng, “đoàn sứ giả của tổng thống Moon Jae In sẽ chú trọng thảo luận về những hồ sơ để tạo cơ sở cho đối thoại giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ mở đường cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ Liên Triều”.
***
***