Tin Việt Nam – 05/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 05/03/2018

Đón hàng không mẫu hạm Mỹ,

Việt Nam đi dây giữa Washington và Bắc Kinh

Thanh Hà

Sự kiện Đà Nẵng đón hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson hôm nay, 05/03/2018 vừa được coi là một biểu tượng mạnh trong quan hệ chiến lược Việt-Mỹ, vừa cho thấy tính phức tạp trong quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh.

Hàng không mẫu hạm Mỹ cùng hai tàu hộ tống với trên dưới 6.000 thủy thủ, phi công… “đổ bộ” vào Đà Nẵng, cảng nằm không xa đảo Cá Voi Xanh nơi tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ đang khai thác và nhất là sát cạnh khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh chắc chắn là theo dõi sát các hoạt động của USS Carl Vinson trong 5 ngày chiếc tàu neo đậu tại Đà Nẵng.

Theo một số các nguồn tin thông thạo được hãng tin Reuters trích dẫn, để trấn an Trung Quốc, từ nhiều tháng qua Hà Nội đã điều các chuyên gia đến Bắc Kinh để giải thích với nước láng giềng phương Bắc về triển vọng tăng cường hợp tác Việt-Mỹ. Các giới chức ngoại giao và quân sự Việt Nam đã liên tục nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại độc lập của Hà Nội và mong muốn mở rộng quan hệ quốc tế, duy trì mối bang giao ổn định với Bắc Kinh, bất chấp những tranh chấp ở Biển Đông.

Cần nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ hiện diện trong vùng Biển Đông. Từ đầu năm 2018, trước khi ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chiếc Carl Vinson đã ghé cảng Manila vào giữa tháng 2/2018. Phó đề đốc, chỉ huy hải đội tác chiến Carl Vinson John Fuller, trong cuộc họp báo tại Philippines khi đó, đã nhấn mạnh đến “một sự hiện diện có trọng lượng” của Hải Quân Hoa Kỳ, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục mở rộng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa. Đấy là những nơi đang có tranh chấp chủ quyền, mà Việt Nam là một trong những bên liên quan.

Tại Bắc Kinh, một số chuyên gia cho rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc là yếu tố để quốc gia Bắc Á này tăng tốc các chương trình xây dựng tại vùng biển mà Trung Quốc đã xem là ao nhà. Dù vậy, về mặt chính thức, từ khi hay tin chiếc USS Carl Vinson sẽ đến thăm Đà Nẵng, Bắc Kinh tỏ ra chừng mực. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng giao lưu Mỹ-Việt “mang tính xây dựng”.

Trên thực tế, theo như ghi nhận của một chuyên gia về an ninh quốc phòng tại đại học Lĩnh Nam – Hồng Kông -, được Reuters trích dẫn, Bắc Kinh giờ đây hiểu rõ hơn chính sách của Hà Nội cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Vẫn theo chuyên gia này, “ngành ngoại giao của Việt Nam đã thành công trong mục đích trấn an Bắc Kinh”. Trong mắt nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc việc Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, Trung Quốc biết chắc là Việt Nam muốn đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, nhưng sẽ không dám thách thức Bắc Kinh.

Sau cùng, cũng có ý kiến cho rằng, thái độ chừng mực của Trung Quốc trước việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Đà Nẵng có thể cho thấy là Bắc Kinh chấp nhận việc Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, với điều kiện là sự hiện diện đó “góp phần xây dựng hòa bình và ổn định khu vực” như chính phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng tuyên bố.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180305-don-hang-khong-mau-ham-my-viet-nam-di-day-giua-washington-va-bac-kinh

 

USS Carl Vinson đến VN:

Quan hệ Mỹ – Việt ‘trưởng thành’

Tiến sĩ Jonathan T. ChowGửi cho BBC Tiếng Việt từ Macau

Việc một hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu cập cảng Việt Nam sau hơn bốn thập kỷ có ý nghĩa quan trọng, tuy đây chỉ là dấu hiệu mới nhất cho một xu hướng rộng hơn trong quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ ngày một nồng ấm.

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã cải thiện quan hệ ngoại giao, chính trị và quốc phòng.

Dưới chính sách “tái cân bằng sang châu Á” của chính quyền Obama, Hoa Kỳ và Việt Nam ký một hiệp định đối tác toàn diện năm 2013. Tháng 05/2016, chính quyền Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Cho đến thời điểm chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đều cam kết theo đuổi TPP như một cách gắn kết hai nền kinh tế chặt chẽ hơn.

Tàu sân bay Mỹ vào Vịnh Đà Nẵng

Tại sao VN tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ?

USS Carl Vinson tới Đà Nẵng: ‘Bước đi chiến lược’

Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng

Từ 2010, Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam đã thực hiện các đợt hoạt động hải quân hàng năm, tập trung vào các kỹ năng phi tác chiến như cứu hộ, an ninh hàng hải, và tập huấn Quy tắc cho Các cuộc đụng độ Trên biển Không định trước.

Các tàu hải quân Mỹ cũng từng cập cảng của Việt Nam từ khi tàu khu trục Mỹ USS Vandegrift tới Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2003 – chuyến thăm đầu tiên của một tàu hải quân Mỹ tới Việt Nam kể từ khi Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.

Sự kiện này không nhằm chuyển tải một thông điệp về sức mạnh quân sự Mỹ, mà quan trọng hơn, là nhằm trấn an Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác rằng Hoa Kỳ vẫn có mặt ở khu vực này.

Sự kiện này không nhằm chuyển tải một thông điệp về sức mạnh quân sự Mỹ, mà quan trọng hơn, là nhằm trấn an Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác rằng Hoa Kỳ vẫn có mặt ở khu vực này.Ông Jonathan T. Chow

Tổng thống Donald Trump gửi một thông điệp lẫn lộn tới các nước châu Á về cam kết của Hoa Kỳ cho an ninh khu vực và hợp tác kinh tế. Trong ngày đầu nhậm chức, ông ký lệnh rút nước Mỹ ra khỏi TPP.

Mặc dù đây là một hiệp định thương mại, chính quyền Obama từng coi TPP là một cách Mỹ thể hiện cam kết lâu dài cho thương mại và hợp tác an ninh với các nước dọc Vành đai Thái Bình Dương. Việt Nam rất thất vọng khi Mỹ rút khỏi TPP, đặc biệt khi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nước này. Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson cho thấy mặc dù có những thay đổi về chính sách, quan hệ an ninh giữa Mỹ và Việt Nam đang tiếp tục trưởng thành.

Biển Đông: Philippines không bỏ phán quyết PCA

Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ

Carl Vinson ‘tập trận với Nhật ở Biển Philippines’

Lẽ dĩ nhiên, chuyến thăm của tàu Carl Vinson còn có ý nghĩa tượng trưng đối với tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông. Philippines, quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đã mạnh mẽ khi kiện Trung Quốc ra tòa dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III.

Năm 2016, Việt Nam được sự ủng hộ lớn cho tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết ủng hộ Philippines đối với “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền ở Philippines tháng 06/2016, ông đã tìm cách ve vãn đầu tư và thương mại của Trung Quốc, mở các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông, gây đồn đoán về khả năng hai bên cùng thăm dò dầu khí hơn là thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài.

Việc hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Việt Nam sẽ nhiều khả năng được Hà Nội chào đón như một dấu hiệu yên tâm rằng Mỹ vẫn cam kết đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông.Ông Jonathan T. Chow

Hôm 1-3, Philippines tuyên bố nước này đang đàm phán với một công ty nhà nước của Trung Quốc về khả năng cùng thăm dò và khai thác nhiên liệu ở Biển Đông. Tổng thống Duterte thậm chí còn nói về vụ hợp tác tiềm năng này giống như “quyền đồng sở hữu” của vùng lãnh thổ tranh chấp.

Mặc dù hiện chưa rõ thương vụ này có thành hiện thực không, giọng điệu mềm mỏng hơn của Philippines đối với Trung Quốc đã cản đà Việt Nam phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Vì vậy, việc hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Việt Nam sẽ nhiều khả năng được Hà Nội chào đón như một dấu hiệu yên tâm rằng Mỹ vẫn cam kết đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông.

Cuối cùng, tôi cảnh báo các bạn đừng nhìn sự kiện này đơn thuần qua lăng kính của sự cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ hay Trung Quốc – Việt Nam. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam nhập nhiều hàng hóa của Trung Quốc hơn từ bất cứ quốc gia nào khác và hai nước vẫn tiếp tục hợp tác trong một loạt các lĩnh vực.

Điều mà Việt Nam đang cố gắng thực hiện là đa dạng hóa quan hệ để không quá phụ thuộc vào bất kỳ nước nào. Vì thế, chúng ta thấy Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong khối ASEAN, thực hiện vai trò chủ tịch hiệp hội này một cách ấn tượng năm ngoái. Chủ tịch Trần Đại Quang đang thăm Ấn Độ, tiếp theo chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hồi 2016 và tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế và quốc phòng.

Phi cơ quân sự TQ bay trên vùng biển có tranh chấp

Chúng ta cũng đã thấy Việt Nam dùng Cảng Quốc tế Cam Ranh như một cách chào đón và bảo dưỡng tàu hải quân từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật và Pháp. Điều đáng chú ý là mặc dù chuyến thăm của USS Carl Vinson có ý nghĩa lớn, Việt Nam chỉ cho cho phép các tàu hàng hải nước ngoài vào Việt Nam mỗi năm một lần. Ngoại lệ duy nhất là Nga, với tàu của nước này được phép vào Vịnh Cam Ranh nhiều lần mỗi năm nếu báo trước, theo một thỏa thuận ký hồi 2014.

Điều này thực ra đã gây quan ngại cho Washington khi có tiết lộ rằng các máy bay ném bom Nga bay gần đảo Guam đã được tiếp nhiên liệu từ các tàu chở dầu đậu ở Vịnh Cam Ranh. Mặc dù Mỹ muốn cho các tàu hải quân của mình được vào Vịnh Cam Ranh nhiều hơn, Việt Nam vẫn lưỡng lự.

Cho tàu hải quân Mỹ có đặc quyền giống các tàu hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh [trong tương lai] sẽ là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ sự trưởng thành của quan hệ Việt – Mỹ.

*Tiến sĩ Jonathan T. Chow là giảng dạy ở Khoa Hành chính Công và Chính phủ tại Trường Đại học Macau. Bài thể hiện quan điểm và ý kiến riêng của tác giả.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43287385

 

Ông Trần Quốc Vượng

chính thức làm thường trực Ban Bí thư

Các ý kiến bình luận với BBC sau khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng giữ chức thường trực Ban Bí thư thay ông Đinh Thế Huynh đang tiếp tục chữa bệnh dài hạn.

Hôm 5/3, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson vừa cập cảng Đà Nẵng, trang Thông tin Chính phủ công bố tin ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên Thường trực Ban Bí thư giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

Ông Đinh Thế Huynh, người giữ chức vụ này trước đây được trang tin chính thức của Chính phủ Việt Nam loan báo “tiếp tục chữa bệnh dài hạn.”

Ông Đinh Thế Huynh ‘điều trị bệnh’

Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang

Việt Nam: Mới mẻ trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm?

GS Nguyễn Phú Trọng là ‘tấm gương sáng của Đảng’

‘Xa Mỹ gần Trung’

Hôm 5/3, trả lời BBC, cây bút tự do Nguyễn An Dân ở TPHCM nói: “Thực ra nhiều người đã biết trước tin ông Trần Quốc Vượng làm luôn chức thường trực Ban Bí thư, nhưng về mặt tổ chức thì đảng cũng cần chính thức thông qua.”

Hà Nội muốn “ngầm nói” với Bắc Kinh rằng dù có liên kết quân sự với Mỹ thì đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “mềm mại về chính trị” theo mong muốn của Trung Quốc.cây bút tự do Nguyễn An Dân

“Cái đáng quan tâm là cuộc họp thay đổi nhân sự của Bộ Chính Trị diễn ra từ ngày 2/3/2018 nhưng đến hôm nay, là ngày Hàng không Mẫu hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam thì Đảng mới công bố. Tôi cho là Hà Nội muốn ngầm nói với Bắc Kinh rằng dù có liên kết quân sự với Mỹ thì đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ‘mềm mại về chính trị’ theo mong muốn của Trung Quốc.”

“Bởi vì ông Vượng chính là người đã từng ra sân bay đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Apec 2017,” ông Nguyễn An Dân bình luận.

‘Cánh tay thép’

Cũng trong hôm 5/3, một luật sư gốc Việt ở Bắc Mỹ đề nghị ẩn danh nói với BBC: “Thực ra thì sự nghiệp của ông Đinh Thế Huynh đã chấm dứt từ sau chuyến đi Mỹ hồi tháng 10/2016.”

“Là nhân vật thứ 5 trong Đảng, được cơ cấu để thay thế ông Trọng và dường như còn được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry thời điểm đó đánh giá là người “đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ Việt – Mỹ.”

“Ông Kerry còn cho biết rằng ông muốn thảo luận với ông Huynh về nhiều vấn đề hợp tác song phương nhân chuyến thăm năm đó.”

Ông Vượng kém hơn ông Trọng 10 tuổi và trong bối cảnh khủng hoảng lãnh đạo cấp cao như hiện nay trong bộ chính trị thì liên minh Trọng-Vượng là thiết yếu để kềm chế các đối thủ khác.một luật sư gốc Việt ở Bắc Mỹ

“Nhưng chỉ một vài tháng sau, tháng 5/2017, ông Huynh mất dạng luôn trên vũ đài chính trị Hà Nội.”

“Ông Trần Quốc Vượng là người được thăng tiến từ trong những bậc thang của bộ máy Đảng. Ông được cho là “cánh tay thép” của ông Trọng trong việc chống tham nhũng vì trước đây, ông đã từng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nên nắm rất nhiều hồ sơ quan trọng liên quan đến tham nhũng.”

“Việc chính thức hóa chức vụ cho ông Vượng vào ngay thời điểm này chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng đang kiểm soát tốt tình hình. Ông Vượng kém hơn ông Trọng 10 tuổi và trong bối cảnh khủng hoảng lãnh đạo cấp cao như hiện nay trong bộ chính trị thì liên minh Trọng-Vượng là thiết yếu để kềm chế các đối thủ khác,” luật sư từ Bắc Mỹ muốn giấu tên nói.

Bản tin của báo chí Việt Nam ngày 5/3 cũng cho hay phó chủ tịch phụ trách Hội đồng Lý luận trung ương, Nguyễn Xuân Thắng, sẽ giữ chức chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Sinh năm 1953 ở Thái Bình, ông Trần Quốc Vượng có bằng thạc sĩ luật, là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2007 – 2011.

Tháng 5/2013, ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư và được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng 12 năm 2016.

Tháng Tám 2017, ông được phân công tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh trong lúc vẫn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43240611

 

‘Tự đạo văn’ thực sự nghĩa là gì?

Một Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam bác bỏ cáo buộc “tự đạo văn” và “thiếu trình độ” đối với Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam ông, Phùng Xuân Nhạ.

Trong cuộc trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 01/3/2018, Giáo sư Vũ Minh Giang nêu quan điểm với BBC về quan niệm ‘tự đạo văn’ và một tranh luận có liên quan, ông nói:

“Trong tiếng Việt, ‘đạo’ là một từ có gốc Hán, thì có nghĩa là ‘ăn cắp’, ‘ăn trộm’ của người khác.

Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

“Ở đây, tôi nghĩ không có khái niệm tự đạo văn của mình rồi chỉnh sửa, rồi nâng cấp, đăng ở một tạp chí khác, đấy vẫn là văn của người ta.

“Thế thì chữ ‘đạo’ ở đây dùng không thỏa đáng và tôi nghĩ chữ đó hơi có tính là ‘xúc phạm cá nhân'”,

Ông Vũ Minh Giang, ở cương vị Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hội đồng Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học nhiệm kỳ 2014-2019, là người đầu tiên nêu quan điểm tương đối chính thức về vụ việc trên truyền thông – qua cuộc phỏng vấn của BBC về vụ liên quan đến ông Phùng Xuân Nhạ:

“Theo quy chế hiện hành của Việt Nam, tổng số điểm của ông Phùng Xuân Nhạ khá cao, gấp mấy lần tiêu chuẩn cho một giáo sư.”

“Nếu nói là không đạt tiêu chuẩn, thì thiếu căn cứ,” Giáo sư Giang nói với BBC hôm thứ Năm.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43281095

 

Đồng Nai tạm dừng chương trình ‘Sữa Học Đường’

sau khi 73 trẻ ngộ độc tại 2 trường

Giới chức ngành giáo dục ở Đồng Nai vừa yêu cầu tạm dừng chương trình “Sữa Học Đường” mà tỉnh này đang tiến hành, sau khi có 73 học sinh mẫu giáo và tiểu học phải vào bệnh viện, với triệu chứng ngộ độc sau khi uống sữa trong bữa ăn sáng tại trường.

Truyền thông trong nước đưa tin, vào buổi sáng Thứ Sáu 2 tháng 3, bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú tiếp nhận 73 học sinh từ hai trường tiểu học Phạm Văn Đồng và mẫu giáo Phú Lộc, huyện Tân Phú. Theo giám đốc bệnh viện là bác sĩ Nguyễn Thanh Quang, buổi sáng các em ăn sáng rồi uống sữa tại trường. Sau đó, các em có những triệu chứng đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi… nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến chiều tối cùng ngày, các em cho về nhà.

Đến nay các mẫu sữa nghi gây ngộ độc vẫn đang trong tiến trình xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Báo mạng của đài VOV hôm Thứ Bảy cho biết, Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Đồng Nai đã có chỉ thị gửi các phòng giáo dục tại các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, yêu cầu tạm dừng cho trẻ uống sữa thuộc chương trình “Sữa Học Đường”.

Chương trình này được tỉnh Đồng Nai tiến hành từ cuối năm 2014. Theo đó, tất cả học sinh tại các trường mầm non và học sinh lớp 1 tại một số huyện được uống sữa miễn phí tại trường.

Năm 2017, hơn 2 triệu trẻ em Việt Nam bị còi, và 1.2 triệu em bị thiếu cân. Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, khoảng 5,000 trẻ bị cho là sẽ chết mỗi năm ở Việt Nam vì những chứng bệnh liên quan tới suy dinh dưỡng.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/dong-nai-tam-dung-chuong-trinh-sua-hoc-duong-sau-khi-73-tre-ngo-doc-tai-2-truong/

 

Việt Nam nhận gạo cứu trợ từ Nam Hàn

Việt Nam tiếp tục là xứ sở của những nghịch lý. Là một trong hai quốc gia xuất cảng gạo lớn nhất thế giới, nay Việt Nam phải đi nhận gạo viện trợ của Nam Hàn.

Báo Thanh Niên đưa tin, vào ngày 3/3 cho biết, Nam Hàn vừa viện trợ khẩn cấp cho VN 10,000 tấn gạo. Lý do đưa ra là gạo này dùng để cứu trợ khẩn cấp cho dân miền Trung bị thiên tai bão lụt năm ngoái.

Trong ngày 3.3, tàu biển đã chở đợt gạo đầu tiên 5.300 tấn gạo đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Số gạo này sẽ được phân phát cho các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

Theo kế hoạch, vào ngày 17/03 đợt gạo viện trợ thứ 2 4,700 tấn sẽ đến cảng Đà Nẵng, để phân phát đến các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, năm nay, Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo. Trong hai tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu được 861,000 tấn gạo với 419 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Gạo thừa để xuất cảng, vậy mà dân miền Trung vẫn đói.  ĐCSVN vẫn sẵn sàng ngửa tay nhận viện trợ gạo từ những quốc gia không phải là xứ sở gạo như Nam Hàn, và tiếp tục tự nhận mình là tổ chức duy nhất được phép lãnh đạo đất nước.

Đoàn Hưng / SBTN

https://www.sbtn.tv/viet-nam-nhan-gao-cuu-tro-tu-nam-han/