Tin khắp nơi – 04/03/2018
Bầu cử Quốc Hội ở Ý: kết quả khó đoán
Người dân Ý sắp bỏ phiếu sau một chiến dịch vận động chia rẽ vì những quan ngại về nhập cư và kinh tế.
Các phóng viên nói rằng thật khó để nói ai sẽ giành được số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử không thể đoán trước.
Phong trào 5 Sao – một đảng dân túy, đảng Dân chủ cầm quyền và liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đều dự đoán chiến thắng.
Người Ý bỏ phiếu trước đề xuất cải tổ lớn
Trump gặp Giáo Hoàng và lãnh đạo Ý
Thủ tướng Italy Matteo Renzi đệ đơn từ chức
Ông Trump nói đảng Dân chủ ‘khinh suất’ nên bị tấn công tin tặc
Tuy nhiên, ông Berlusconi, 81 tuổi, không thể điều hành cho tới năm sau vì ông bị kết tội trốn thuế.
Người đã có bốn nhiệm kỳ làm thủ tướng đã liên minh với đảng chống nhập cư – ủng hộ Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani là lựa chọn của ông để lãnh đạo đất nước.
Các cuộc thăm dò ý kiến bị cấm trong hai tuần cuối cùng của chiến dịch vận động nhưng các cuộc khảo sát trước đó cho thấy liên minh của ông Berlusconi có ưu thế nhưng sẽ không giành được đa số.
Phong trào 5 Sao được trông đợi sẽ gây bất ngờ.
Những vấn đề chính là gì?
Nhập cư
Hơn 600.000 di dân đã thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm từ Libya qua Địa Trung Hải để đến Ý từ năm 2013.
Lượng di dân quá lớn khiến nhiều người dân Ý lo lắng. Các chính trị gia phát ngôn cứng rắn hơn về vấn đề này.
Ông Berlusconi mô tả sự hiện diện của người di cư bất hợp pháp là “quả bom hẹn giờ” và cam kết sẽ trục xuất hàng loạt.
Chiến dịch của ông chứng kiến các cuộc đụng độ dữ dội giữa những người ủng hộ cực hữu và người chống phát xít.
Kinh tế
Kinh tế Ý bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy vậy, GDP của Ý vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng 5,7%.
Năm 2016, khoảng 18 triệu người tại Ý có nguy cơ đói nghèo, và tỷ lệ thất nghiệp là 11%.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43240607
Trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích
lực lượng thân chính phủ Syria ở Afrin
Afrin, Syria. (Reuters)- Hôm qua 2 tháng 3, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ công bố đoạn băng video cho thấy phi cơ trực thăng của họ bắn thẳng vào lực lượng YPG, PKK và quân du kích Hồi giáo ở Afrin, miền tây Syria. Thông tấn xã Anadolu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nói 9 thành viên YPG bị thiệt mạng.
Còn theo Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền Syria đặt văn phòng tại Anh, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công lực lượng thân chính phủ Syria tại một ngôi làng ở phía bắc Afrin vào lúc nửa đêm, làm chết 17 người. Trong số này có 3 thành viên của lực lượng người Kurd Syria YPG và còn lại là lực lượng ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad, đã tiến vào Afrin tuần rồi để giúp đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng theo Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc một trại lính ở Kafr Jina trong lần thứ ba của đợt tấn công kéo dài 48 tiếng đồng hồ, nhắm vào lực lượng ủng hộ Assad tại Afrin.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho hay quân đội của ông đã chiếm thị trấn Rajo do quân du kích kiểm soát. Trong khi Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền nói quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát khoảng 70% thị trấn cách thành phố Afrin khoảng 25 cây số về phía Tây Bắc. (Song Châu)
https://www.sbtn.tv/truc-thang-tho-nhi-ky-oanh-kich-luc-luong-than-chinh-phu-syria-o-afrin/
Trung Cộng cam kết tăng cường giao hảo với Đài Loan
sau khi Hoa Kỳ thông qua dự luật du lịch
Bắc Kinh, Trung Cộng. (Reuters) – Một vị lãnh đạo cao cấp, là nhân vật đứng hàng thứ tư của đảng cộng sản cầm quyền, tuyên bố rằng Trung Cộng thực sự muốn tăng cường mối giao hảo với Đài Loan.
Tuyên bố được đưa ra vào sáng nay 3/3 theo giờ Bắc Kinh, chỉ một ngày sau khi giới truyền thông đại chúng cảnh báo rằng Trung Cộng có thể tiến hành một cuộc chiến tranh với Đài Loan, nếu một dự luật của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với hòn đảo này được ký trở thành luật.
Báo chí trong nước số ra hôm qua đăng tin rằng Trung Cộng rất tức giận vì dự luật này của Hoa Kỳ. Phía Bắc Kinh nói thẳng với Đài Bắc rằng cả hòn đảo này sẽ bị đốt ra tro nếu tìm kiếm sự dựa dẫm vào chính phủ ngoại quốc. Lời cảnh báo được giới truyền thông đại chúng chuyển ngữ thành một nguy cơ của chiến tranh. Nhưng trong buổi khai mạc cuộc họp ở Quốc Hội Trung Cộng vào sáng nay, ông Yu Zhengsheng xuất hiện trước ống kính phóng viên với một bộ mặt thân thiện hơn, và hoàn toàn không đề cập tới dự luật của Mỹ. Ông nói với hơn 2 ngàn đại biểu tham dự Hội Nghị Tư Vấn Chính Trị ở Bắc Kinh rằng Trung Cộng sẽ tăng cường tình bằng hữu với cư dân Đài Loan.
Dự luật du lịch đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua, chỉ cần chữ ký của Tổng Thống Trump là trở thành luật. Dự luật cho phép viên chức các cấp đi du lịch tới Đài Loan để gặp đối tác Đài Loan của họ, cũng như cho phép viên chức cao cấp Đài Loan vào Hoa Kỳ “dưới các điều kiện được tôn trọng” để gặp gỡ các viên chức Mỹ. (Mai Đức)
Ukraine sẽ có đầy đủ khí đốt khi Nga ngưng cung cấp
Kiev Ukraine. (Reuters)- Hôm qua 4 tháng 3, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho hay sự thiếu hụt nguồn khí đốt của nước này xuất phát từ sự tranh chấp với công ty Gazprom của Nga sẽ được bù đắp đầy đủ.
Cùng ngày nói trên, công ty khí đốt khổng lồ của Nga, Gazprom tuyên bố bắt đầu chấm dứt tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt đã ký kết với công ty Naftogaz của Ukraine. Kiev nói cho đến nay, không có dấu hiệu cho thấy họ bị ảnh hưởng sau khi Gazprom cắt nguồn cung cấp khí đốt, thông qua đường ống dẫn dầu đến Liên Âu. Tổng thống Poroshenko tuyên bố rằng Ukraine sẽ nhận được nguồn cung cấp khí đốt của Ba Lan, Slovakia, và Hungary để thay cho nguồn khí đốt bị thiếu hụt vì quyết định của Gazprom.
Loan báo của Gazprom đánh dấu tình hình căng thẳng leo thang vì cuộc tranh chấp kéo dài giữa Moscow và Kiev. Ukraine đã vất vả tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt chạy máy sưởi để chống chọi với thời tiết lạnh giá. Liên Âu cũng xác nhận rằng sự kiện này có thể đe doạ nguồn khí đốt cung cấp cho toàn lục địa Âu châu.
Đại công ty Nga Gazprom hôm Thứ Sáu nói rằng họ dự tính kết thúc tất cả các hợp đồng, sau khi toà án trọng tài ở Thuỵ Điển vừa phán quyết rằng họ phải thanh toán hơn 2.5 tỉ Mỹ kim cho công ty năng lượng Ukraine Naftogaz. (Song Châu)
https://www.sbtn.tv/ukraine-se-co-day-du-khi-dot-khi-nga-ket-thuc-hop-dong/
Dự luật cấm súng AR-15
không được thượng viện Florida thông qua
Tallahassee, Florida. (CBS) – Một lệnh cấm 2 năm đối với việc bán, giao và chuyển súng trường AR-15 được thông qua trong cuộc bỏ phiếu miệng tại Thượng Viện tiểu bang Florida. Nhưng chỉ vài phút sau đó, đề nghị được xem xét lại và cuối cùng bị đảo ngược trong cuộc bỏ phiếu, với 17 phiếu thuận và 21 phiếu chống.
Đảng Dân Chủ giới thiệu lệnh cấm 2 năm như là một sửa đổi, để mở rộng dự luật về cải tổ súng do đảng Cộng Hòa dẫn đầu. Dự luật của đảng Cộng Hòa đặt ra các biện pháp bảo vệ để những người bị bệnh tâm thần, những người có thể tự làm hại mình hay người khác, không thể mua súng, đồng thời tăng cường kiểm tra lý lịch vào thời điểm bán, cùng một số điều khác.
Học sinh và những người khác ở Florida kêu gọi các biện pháp kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn, sau vụ nổ súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas, làm 17 người bị thiệt mạng vào tháng Hai.
Cuộc chiến về các biện pháp kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn cũng đang diễn ra tại Capitol Hill, khi Quốc Hội gặp khó khăn để xác định tổng thống Trump muốn gì. Tổng Thống Trump tuyên bố ông muốn kiểm tra lý lịch kỹ hơn, hạn chế tiếp cận súng đối với những người bị bệnh tâm thần, và khả năng trang bị súng cho giáo viên. Ông Trump cũng bày tỏ quan tâm tới việc tăng tuổi tối thiểu để mua một số loại súng lên thành 21 tuổi.
Nhưng một ngày sau khi ông Trump bày tỏ sự sẵn sàng hạn chế súng trong cuộc họp lưỡng đảng với các nhà lập pháp, tổng thống lại gặp NRA. Giám đốc điều hành NRA Chris Cox nhắn tin trên Twitter vào hôm Thứ Năm rằng, trong cuộc họp ông Trump không theo đuổi việc kiểm soát súng. Giới truyền thông dòng chính nói rằng tổng thống Trump hiện nay không có một chính sách nào cụ thể. Hôm nay ông nói thế này, thì ngày mai ông lại nói khác. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/du-luat-cam-sung-ar-15-khong-duoc-thuong-vien-florida-thong-qua/
TC Lập Mặt Trận Thống Nhất Buộc Kiều Bào Theo Đảng;
GS Bardy Vạch Trần Âm Mưu Chiếm Biển Đông
Bị TC Sách Nhiễu
WELLINGTON – Sách nhiễu chống lại 1 học giả đả kích các hoạt động của Trung Cộng tại Biển Đông đưa tới tín hiệu cảnh báo tại thủ đô New Zealand.
Tin của Atimes từ Sydney cho hay New Zealand đã tham gia hội thảo về ảnh hưởng của Trung Cộng mở rộng tại Biển Đông và Thái Bình Dương.
1 nữ học giả than phiền với cảnh sát: nhà riêng bị xâm nhập 5, 6 lần và người vô danh để lại thư đe dọa. Đó là giáo sư Anne-Marie Brady, chuyên gia của University of Canterbury và The Wilson Center (Washington D.C.), là học giả đuợc mời thuyết trình tại QH Australia về can thiệp từ bên ngoài, cụ thể là của Beijing, tại hệ thống chính trị New Zealand. Bà Brady xác nhận: nhà tư bị xâm nhập hồi Tháng 12, và mới tuần này quân gian lại xâm nhập, trộm 3 máy laptop và điện thoại – cảnh sát Wellington đang điều tra.
Thủ Tướng Jacinda Ardern đã chỉ thị cho cơ quan công lực xem xét các vụ việc xẩy ra sau khi các phụ tá của giáo sư Brady bị Bộ công an Trung Cộng chất vấn.
Phúc trình của học giả Brady đuợc Wilson Center ấn hành hồi Tháng 9 với tựa đề đại ý “Vũ khí kỳ diệu: các hoạt động ảnh hưởng chính trị của Trung Cộng dưới quyền Tập Cận Bình” – tài liệu này mô tả chi tiết các chiến thuật của Trung Cộng gây ảnh hưởng tại nam Thái Bình Dương dưới bình phong Mặt Trận Thống Nhất (hay UFWD), là cánh tay nối dài của đảng CS Trung Hoa. UWFD buộc Hoa Kiều ngoài nước tán đồng các chủ thuyết của đảng toàn trị, vô hiệu hoá các thành phần chống chế độ
Beijing, nuôi dưỡng các nhân vật có thể vận động các mục tiêu của Trung Cộng trong hệ thống chính trị tại chỗ. 1 trong các chi nhánh của UFWD đuợc biết với danh xưng Australia Council for the Peaceful Reunification of China đã gửi tiền hiến tặng quỹ tranh cử cho các nhà lập pháp bản xứ.
Năm 2017 có tin tiết lộ Yian Yang, 1 dân biểu QH New Zealand, là huấn luyện viên của 1 trường điệp báo Hoa Lục trước khi di cư.
Giáo sư Brady tin rằng Beijing chú tâm vào New Zealand vì là thành viên của nhóm “5 mắt” chia sẻ thông tin tình báo, gồm Hoa Ky, Australia, New Zealand, Canada và vương quốc UK.
Là nước nhỏ trên trường quốc tế, nhưng New Zealand có ảnh hưởng với các quốc đảo Thái Bình Dương, trực tiếp chịu trách nhiệm quốc phòng và ngoại giao của Cook Islands, Niue, Tokelau, và quan hệ văn hoá với Tonga, Samoa, Tuvalu.
Hôm Thư Tư, cơ sở nghiên cứu Australia Strategic Policy Institute nhận 1 phần tài trợ từ Bộ quốc phòng hô hào 2 lân bang tái củng cố quan hệ ngoại giao và mặt trận chung chống lại các hoạt động của Trung Cộng tại Thái Bình Dương.
Mỹ, Nhật Lo Tăng Vũ Trang
TOKYO/WASHINGTON — Cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều lo chạy đua vũ trang…
Bản tin NHK ghi lời Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Onodera Itsunori nói máy bay chiến đấu F-35B nằm trong nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực của tàu boong phẳng Izumo thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên biển.
Ông Onodera trả lời câu hỏi của một nghị sỹ đảng đối lập tại Thượng viện hôm thứ Sáu.
Nghị sỹ này hỏi liệu nghiên cứu có bao gồm luôn cả máy bay F-35B hay không. Máy bay F-35B có khả năng cất cánh nhanh và hạ cánh theo phương thẳng đứng.
Ông Onodera trả lời rằng nghiên cứu có bao gồm cả 2 loại máy bay không người lái. Ông nói thêm rằng các máy bay đang được nghiên cứu, nhưng chưa có kế hoạch triển khai.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Abe Shinzo nói chính phủ vẫn chưa xem xét kế hoạch cụ thể nhằm chuyển đổi tàu Izumo, vốn chở các trực thăng, thành tàu sân bay. Nhưng ông nói thêm rằng nghiên cứu gia tăng công dụng của thiết bị thuộc Lực lượng Phòng vệ (SDF) là việc làm bình thường.
Trong khi đó, bản tin Sputnik của Nga ghi rằng Pentagon nói rằng Bộ Quốc Phòng Mỹ đang tiến hành công việc trong lĩnh vực công nghệ siêu thanh. Các chuyến bay thử vũ khí loại này sẽ được bắt đầu vào năm 2019.
“Chúng tôi hiểu rằng mình đang cạnh tranh với các nước như Nga và Trung Quốc”, người đứng đầu Văn phòng Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (DARPA), ông Stephen Walker cho biết.
Ông lưu ý rằng ngay từ hồi mùa thu cơ quan này đã yêu cầu tăng ngân sách dành cho các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ siêu thanh.
Hôm thứ Năm, khi đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về việc chế tạo hệ thống Avangard, có khả năng bay trong các tầng bầu khí quyển dày đặc với tầm xa liên lục địa với tốc độ siêu âm vượt quá con số Mach hơn 20 lần.
https://vietbao.com/a278247/my-nhat-lo-tang-vu-trang
Vua Qatar Sẽ Đến Mỹ
Bàn Khủng Hoảng Vùng Vịnh Arap
DOHA – Vua Qatar hoan nghênh lời mời của TT Trump để viếng thăm Hoa Kỳ trong tháng tới, và để thảo luận khả năng giải quyết tranh chấp với các nước vùng Vịnh Arap.
Thông tấn chính thức QNA đưa tin: trong cuộc điện đàm giữa 2 quốc trưởng, các phương cách phát triển quan hệ chiến luợc phục vụ quyền lợi 2 nuớc đã đuợc thảo luận.
Thông cáo báo chí từ Bạch Ốc cho biết 2 vị đã thảo luận các nỗ lực của Qatar nhằm tăng cường hợp tác với các nước vùng Vịnh Arap, đối đầu các hoạt động can thiệp của Iran, đánh bại khủng bố và các phe nhóm cực đoan.
Hôm 24-2, Bạch Ốc đã báo tin: các nhà lãnh đạo của Qatar, UAE và Saudi Arabia sẽ gặp TT Trump trong vài tháng tới để tìm giải pháp chấm dứt cuộc phong toả chống lại Qatar từ Tháng 5-2017.
https://vietbao.com/a278246/vua-qatar-se-den-my-ban-khung-hoang-vung-vinh-arap
Trump dọa đánh thuế xe hơi Châu Âu,
leo thang khẩu chiến thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên các đối tác thương mại hôm thứ Bảy, đe dọa áp thuế nhập khẩu lên các nhà sản xuất xe hơi của Châu Âu nếu EU trả đũa kế hoạch của ông định áp thuế lên nhôm và thép.
Dòng tweet của ông Trump cho thấy ông không chịu lùi bước trước các lợi ích kinh doanh của Mỹ và các đối tác thương mại lo lắng về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại, vốn đã làm kinh động thị trường tài chính trong tuần này.
“Nếu EU muốn tăng thêm thuế nhập khẩu đã hết sức to lớn của họ và các rào cản đối với các công ty Mỹ làm ăn ở đó, thì chúng ta sẽ chỉ cần áp thuế lên xe hơi của họ đang ồ ạt đổ vào thị trường Mỹ,” ông Trump viết trên Twitter. “Họ làm xe hơi của chúng (và những thứ khác nữa) không bán được ở đó. Bất bình đẳng thương mại lớn!”
Đe dọa của ông Trump được đưa ra giữa lúc căng thẳng bùng lên ở hai bờ Đại Tây Dương về thương mại.
Hôm thứ Năm, ông Trump nói Mỹ sẽ áp mức thuế 25 phần trăm đối với thép nhập khẩu và 10 phần trăm đối với nhôm nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Ngày hôm sau, Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker nói trên truyền hình Đức rằng “Chúng tôi sẽ áp thuế lên Harley-Davidson (xe môtô), rượu bourbon và quần jean xanh của Levi’s.”
Canada cũng nói rằng họ sẽ trả đũa bất kỳ mức thuế nhập khẩu nào của Mỹ đối với thép và nhôm.
Ông Trump hôm thứ Sáu tweet rằng chiến tranh thương mại là điều tốt và “dễ thắng.” Thị trường tài chính ở Mỹ chao đảo ngay sau đó.
Vào tháng 1 năm 2017, ông Trump đã cảnh báo các công ty sản xuất xe hơi của Đức rằng ông sẽ áp đặt một khoản thuế biên giới 35 phần trăm lên xe nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Cơ quan Mật vụ nói
một người tự bắn mình bên ngoài Nhà Trắng
Cơ quan Mật vụ cho biết một người đàn ông đã tự bắn chết mình bên ngoài Nhà Trắng hôm thứ Bảy khi ông ta đứng gần hàng rào phía bắc của Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đang ở Florida khi vụ việc xảy ra. Nhà Trắng cho biết ông Trump đã được báo cáo về vụ việc.
Nhà chức trách đang tìm cách thông báo cho người thân của người đàn ông này và vẫn chưa công bố danh tính của ông ta.
Phát biểu thay mặt cơ quan Mật vụ, Mason F. Brayman nói rằng người đàn ông này đến gần hàng rào vào lúc gần trưa và bắn vài phát đạn từ một khẩu súng ngắn. Ông Brayman cho biết không có phát nào bắn về phía Nhà Trắng.
Các nhân viên Mật Vụ đã lập khu vực cách li quanh khuôn viên Nhà Trắng vào chiều thứ Bảy, hạn chế tiếp cận và chuyển hướng khách du lịch trong khi họ tiến hành điều tra.
Putin thách Mỹ trưng bằng chứng
cho thấy Nga can thiệp bầu cử
Tổng thống Nga Vladimir Putin bảo Washington hãy gửi cho ông bằng chứng cụ thể cho thấy công dân nước ông đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, chế giễu những cáo buộc tới thời điểm này là những lời “la ó và hò hét trong Quốc hội Hoa Kỳ.”
Văn phòng của công tố đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller tháng trước đã cáo buộc 13 người Nga và ba công ty can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 trong điều được gọi là âm mưu nhằm hỗ trợ Donald Trump và dè bỉu Hillary Clinton.
“Trước hết tôi phải xem họ đã làm gì cái đã. Đưa tài liệu, đưa thông tin cho chúng tôi xem nào,” ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NBC phát sóng vào cuối ngày thứ Sáu, theo phần lồng tiếng bằng tiếng Anh.
“Chúng tôi không thể hồi đáp nếu họ không vi phạm luật pháp của Nga,” ông Putin nói với người dẫn chương trình Megyn Kelly của NBC, khi được hỏi liệu Moscow sẽ có hành động nhắm vào các cá nhân được nêu tên hay không.
Kelly liệt kê một số cáo buộc Nga can thiệp bầu cử mà văn phòng của ông Mueller và các quan chức Mỹ khác đã đưa ra, kể cả cáo buộc Nga lan truyền thông tin sai trái trên mạng.
“Với tất cả sự tôn trọng dành cho cá nhân cô, với tất cả sự tôn trọng dành cho Quốc hội, phải có những người có bằng luật, cô thì 100 phần trăm là có rồi,” ông Putin cười nói.
Ông nói nhà chức trách Mỹ nên gửi một yêu cầu chính thức cho tổng công tố viên của Nga.
“Phải đi qua các kênh chính thức chứ không phải thông qua báo chí hay la ó và hò hét trong Quốc hội Hoa Kỳ,” ông Putin nói.
Cuộc phỏng vấn được phát sóng một ngày sau khi ông Putin loan báo một loạt các loại vũ khí hạt nhân mới trong một trong những bài diễn văn với giọng điệu hung hăng nhất của ông trong những năm qua. Ông nói rằng chúng có thể tấn công hầu như bất cứ điểm nào trên thế giới và tránh được lá chắn phi đạn do Mỹ xây dựng.
Ông Putin đang tái tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 18 tháng 3 mà các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy ông sẽ chiến thắng một cách dễ dàng.
Cảnh sát Michigan bắt giữ sinh viên
nghi bắn chết cha mẹ trong trường
Một sinh viên bị tình nghi bắn chết cha mẹ của mình trong khuôn viên Đại học Central Michigan ở bang Michigan của Mỹ đã bị bắt giữ mà không có sự cố nào sau một ngày truy lùng, giới hữu trách cho biết sáng ngày thứ Bảy.
Nghi can, James Eric Davis, Jr., 19 tuổi, bị nhìn thấy và báo cáo bởi một người ngồi trên một đoàn tàu chạy qua rìa phía bắc của khuôn viên trường đại học không lâu sau nửa đêm, Đại học Central Michigan cho biết trong một thông cáo. Các nhân viên chấp pháp đã phản ứng và bắt giữ anh ta.
Davis Jr. bị buộc tội sát hại cha mẹ của anh ta trong một vụ nổ súng bên trong một tòa nhà ký túc xá, một phát ngôn viên cảnh sát của trường đại học cho hay.
Các quan chức tại Đại học Central Michigan nói hai người thiệt mạng là James Davis, Sr. và Diva Davis, cả hai đều 47 tuổi, từ bang Illinois. Giới hữu trách ở Illinois nói ông Davis Sr. là cảnh sát bán thời gian ở bang này.
Khuôn viên trường đại học bị phong tỏa vào sáng thứ Sáu và sinh viên mắc kẹt trong lớp học và ký túc xá cho đến giữa chiều, trong khi cảnh sát lùng sục khắp nơi tìm tay súng bị tình nghi và tuần tự đưa sinh viên ra khỏi các tòa nhà của trường.
Vụ nổ súng sáng thứ Sáu diễn ra khi các cha mẹ đến trường để đón con cái của họ nghỉ giữa kì. Trường cho biết hơn 23.000 sinh viên hiện đang theo học tại trường
Vụ nổ súng xảy ra giữa lúc đang có một cuộc tranh luận gay gắt về súng ống theo sau một vụ xả súng gây chết người hồi tháng trước tại một trường trung học ở bang Florida.
Quốc hội hiện đang xem xét liệu có nên ban hành các biện pháp kiểm soát súng khắt khe hơn hay không, bao gồm mở rộng kiểm tra lí lịch, nâng độ tuổi mua súng hợp pháp và cấm các thiết bị bump stock giúp biến vũ khí bán tự động thành vũ khí tự động.
FIFA bật đèn xanh đưa “trọng tài video”
vào Cúp Bóng đá Thế giới 2018
Trong cuộc họp thường niên ngày 03/03/2018 tại trụ sở của Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Tế FIFA ở Zurich -Thụy Sĩ, ban phụ trách luật bóng luật bóng đá thế giới (International Football Association Board IFAB) đã nhất trí cho sử dụng công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) tại Cúp Bóng Đá Thế giới 2018 (14/06-15/07) tại Nga.
VAR đã được thử nghiệm ở Đức, Ý, cũng như tại một số giải đấu ở Anh. Theo IFAB, hệ thống VAR cho phép « can thiệp tối thiểu nhưng mang lại lợi ích tối đa », qua đó giảm được số lượng những lỗi rõ ràng hoặc tình tiết nghiêm trọng bị bỏ sót trong bóng đá. Đối với cơ quan này, VAR là « một bước tiến lịch sử cho sự công bằng trong bóng đá ».
Theo IFAB, VAR chỉ sẽ được sử dụng trong 4 trường hợp mà thôi : các bàn thắng gây tranh cãi, phạt đền hay không, phạt thẻ đỏ hay không và các lỗi phạt nhầm. Khi dùng công nghệ “trọng tài video”, trọng tài chính sẽ bước ra sân sau các tình huống để xem video, rồi mới đưa ra quyết định.
IFAB cũng cho phép các đội được thay thêm cầu thủ thứ tư trong trường hợp phải đá hiệp phụ.
FIFA sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng VAR ở World Cup nhân cuộc họp hội đồng vào ngày 16/03 tới đây tại Bogota, thủ đô Colombia.
Tuy nhiên, ngay từ hôm qua, ông Gianni Infantino, chủ tịch người Ý của FIFA đã lên tiếng ủng hộ việc sử dụng công nghệ video, và nêu bật những điểm tích cực mà video hỗ trợ trọng tài có thể mang lại. Đối với ông, mọi sự sẽ không hoàn hảo 100%, nhưng « một Cúp Bóng Đá Thế Giới không thể bị định đoạt bằng một sai lầm có thể có của trọng tài ».
Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và thế giới nổ ra
Nếu nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với một phần còn lại của thế giới, ai được, ai thua ? Đó có phải là một cuộc chiến vừa “tốt, vừa dễ thắng” cho Hoa Kỳ như lời tổng thống Trump đã khẳng định hay không ?
Nguyên nhân chiến tranh thương mại?
Từ một tuần qua, chính quyền Trump đơn phương thông báo kế hoạch đánh thuế 25 % và 10 % nhắm vào thép và nhôm bán sang Mỹ. Tất cả các đối tác thương mại của Washington đều phẫn nộ. Nhiều bên đòi kiện Hoa Kỳ ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Liên Hiệp Châu Âu báo trước, “đáp trả một cách tương xứng” và đã chuẩn bị danh sách một loạt các mặt hàng của Mỹ nhập sang châu Âu sẽ bị áp thuế. Trung Quốc nhấn mạnh sẽ có “những biện pháp cần thiết để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu” của nước này.
Chiến tranh thương mại ảnh hưởng gì đến kinh tế toàn cầu ?
Một phần lớn tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào các hoạt động giao thương. Tổng thống Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017, rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định TPP đòi xét lại một loạt các thỏa thuận tự do mâu dịch với các đồng minh thân thiết nhất như Canada, Hàn Quốc …
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế liên tục khuyến cáo Nhà Trắng tránh dùng các biện pháp bảo hộ làm phương hại tới tăng trưởng của toàn cầu và của bản thân nước Mỹ. Tân thống đốc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ ông Jerome Powell bằng một ngôn ngữ rất ngoại giao cho rằng “tăng thuế nhập khẩu không là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ kinh tế Mỹ”.
Chính sách bảo hộ gây thiệt hại cho người tiêu dùng
Tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm đẩy giá thành các sản phẩm cần sử dụng hai loại nguyên liệu này lên cao. Hãng xe Nhật Toyota báo trước : các nhà máy của Toyota tại Mỹ mà phải mua nhôm và thép đắt hơn, giá thành của mỗi chiếc xe bán ra trên thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cao, bất lợi cho người Mỹ. Giá cả đắt đỏ hơn, người tiêu dùng nản lòng. Không có tiêu thụ, tăng trưởng của Mỹ qua đó bị tác hại lây.
Bảo hộ, biện pháp “tốt đối với nước Mỹ”?
Ngày 02/03/2018 để biện minh cho quyết định tăng thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm, Donald Trump trên Twitter viết : “Chúng ta cần bảo vệ đất nước và người lao động Mỹ”. Đây là một “cuộc chiến vừa tốt, vừa dễ giành thắng lợi”.
Tại Hoa Kỳ, năm 2016 có khoảng 83.000 người làm việc trong các nhà máy sản xuất thép và nhôm. Trong khi đó, những ngành công nghệ và công nghiệp sử dụng nhôm và thép bảo đảm công việc làm cho 6,5 triệu người lao động Mỹ. Ai được, ai thua ?
Tổng thống Trump chưa chính thức ban hành sắc lệnh về thuế nhập khẩu nhôm, thép, Hiệp hội nông gia Mỹ than phiền, Nhà Trắng muốn bảo vệ các nhà máy nhôm, thép mà quên mất rằng các đối tác thương mại của Hoa Kỳ có thể trả đũa, ngưng mua vào nông phẩm made in USA hay đánh thuế lúa mì, thịt bò, ngũ cốc … của Mỹ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua vào đậu tương của Mỹ.
Trong thời gian từ tháng 3/2002 đến cuối 2013, trong 18 tháng, chính quyền Bush tăng thuế đánh vào thép bán cho Mỹ. Hậu quả là 200.000 người lao động Hoa Kỳ bị vạ lây, theo như nghiên cứu của viện Kinh Tế Oxford.
Đàm phán lại NAFTA : Bài toán thêm nan giải
Từ tháng 8/2017, Hoa Kỳ và Canada-Mêhicô đàm phán lại Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA vốn có hiệu lực từ 1994. Các bên đã trải qua sáu vòng đàm phán gay go mà kết quả vẫn chưa đi tới đâu. Vào lúc các bên họp lại lần thứ 7 ở Mêhicô, phái đoàn Mỹ đang đau đầu vì nhiệm vụ của họ càng khó được hoàn thành khi mà tổng thống Trump tuyên chiến trên mặt trận nhôm và thép với Canada và cả Mêhicô. Canada là nguồn cung cấp số 1 cho nước Mỹ còn Mêhicô đứng hàng thứ tư.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180304-khi-cuoc-chien-thuong-mai-no-ra-tren-the-gioi
Syria : Pháp nỗ lực vận động ngừng bắn cho đông Ghuta
Giao tranh khốc liệt tại đông Ghuta. Trong cuộc điện đàm chiều ngày 03/03/2018 với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình tại đông Ghuta, sát cạnh cửa ngõ Damas, nơi 400.000 thường dân đang bị kẹt giữa hai làn đạn của phe nổi dậy và quân đội chính phủ.
Ngoại trưởng Pháp, chiều qua đã có một loạt các cuộc điện đàm với đồng sự Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordanie và nhiều đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu như Anh, Đức để khởi động lại tiến trình hòa bình cho Syria, để Damas tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn tại đông Ghuta được quy định trong nghị quyết 2401 của Liên Hiệp Quốc về.
Trong hai ngày sắp tới (05 và 06/03/2018), ngoại trưởng Pháp sẽ lần lượt đến Teheran và Matxcơva kêu gọi Iran và Nga, hai điểm tựa chính của Syria, đòi tổng thống Bachar al-Assad tuân thủ lệnh hưu chiến vì lý do nhân đạo.
Về tình hình tại chỗ, lực lượng của chính phủ và đồng minh ngày hôm qua đã chiếm được nhiều khu vực bao quanh Ghuta. Xung đột ngày càng trở nên khốc liệt.
Thông tín viên trong khu vực của RFI, Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin :
Lực lượng tinh nhuệ, đặt dưới sự chỉ huy của tướng Souhail al-Hassan được các đồng minh hỗ trợ cùng tiến vào khu vực đang do phe nổi dậy chiếm đóng ở phía đông nam Ghuta, theo các nguồn tin do cả bên quân đội của Damas lẫn phe đối lập Syria cung cấp.
Sau nhiều đợt giao tranh khốc liệt làm hàng chục người chết và bị thương cho cả đối bên, phe chính phủ chiếm lại được 5 địa điểm trong khu vực này, siết chặt thêm vòng vây tại một khu vực trải rộng trên diện tích 700 km2. Tại đó, vẫn còn khoảng 20 ngàn chiến binh cầm súng chiến đấu và 400 ngàn thường dân bị mắc kẹt.
Trong vòng 48 giờ tình hình có vẻ lắng dịu, nhưng vào hôm qua các chiến dịch trên bộ đã tăng tốc. Xe tăng và bộ binh của chính phủ đẩy lui được phe nổi dậy và các nhóm thánh chiến, vốn đã rất mệt mỏi sau hai tuần lễ bị dội bom liên tiếp.
Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria , thân với phe đối lập, tối qua cho biết quân đội Damas đã chiếm lại được 10 % vùng Đông Ghuta. Chiến sự đã bùng lên trở lại sau lệnh ngừng bắn thể theo yêu cầu của Nga, có hiệu lực trong 5 giờ đồng hồ.
Trong sáu ngày liên tiếp, chỉ có hai đứa trẻ không có người lớn đi kèm, thoát ra khỏi khu vực đang bị bao vây bằng ngả an toàn đã được quân đội Syria mở ra.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180304-syria-phap-no-luc-van-dong-ngung-ban-cho-dong-ghuta
Đức: Đa số đảng viên đảng SPD
ủng hộ liên minh với đảng CDU/CSU
Theo kết quả chính thức vừa được công bố vào trưa nay, 04/03/2018, với một đa số rộng rãi, các đảng viên đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD đã thông qua quyết định liên minh trở lại với đảng cánh hữu Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU/CSU của thủ tướng Angela Merkel để cầm quyền.
Tỷ lệ các đảng viên đảng SPD ủng hộ việc tham gia một chính phủ liên hiệp mới với đảng CDU/CSU chiếm 66,02% trong tổng số 463.723 đảng viên đủ tư cách bỏ phiếu. Tỷ lệ các đảng viên tham gia bỏ phiếu cũng rất cao, đạt 78,4% tổng số đảng viên SPD
Phát biểu ngay sau khi có kết quả, quyền chủ tịch đảng SPD đã tỏ ý vui mừng trước « quyết định sáng suốt » của các đảng viên. Phải nói là trong nhiều tuần lễ qua, giới lãnh đạo đảng SPD, từ cựu chủ tịch đảng Martin Schulz cho đến bà Andrea Nahles, lãnh đạo nhóm nghị sĩ SPD tại Quốc Hội Đức đã nỗ lực vận động cho câu trả lời thuận.
Về phần mình, thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thở phào nhẹ nhõm, và tuyên bố rằng chính phủ liên hiệp giữa hai đảng SPD và CDU/CSU là một điều tốt cho đất nước Đức.
Quyết định của các đảng viên SPD như vậy đã giúp cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu này thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 09/2017.
Với rào cản cuối cùng trong tiến trình thành lập chính phủ mới tại Đức được tháo gỡ, bà Angela Merkel sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư liên tiếp của mình, mà công việc đầu tiên sẽ là thành lập nội các mới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180304-duc-da-so-dang-vien-dang-spd-ung-ho-lien-minh-voi-dang-cducsu
Hàn Quốc cử đoàn sứ giả cao cấp đến Bắc Triều Tiên
Seoul thông báo ngày mai, 05/03/2018, cố vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống Moon Jae In và lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc dẫn đầu phái đoàn 10 người tới Bình Nhưỡng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, mở đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện đối thoại giữa Seoul với Bình Nhưỡng là tâm điểm các cuộc trao đổi đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Hàn Quốc với Bắc Triều Tiên.
Thông cáo của phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 04/03/2018 cho biết phái đoàn Hàn Quốc lên đường đến Bắc Triều Tiên vào chiều mai, làm việc tại Bình Nhưỡng trong hai ngày. Trưởng đoàn là cố vấn An Ninh Quốc Gia, Chung Eui Yong. Ngoài ra còn có mặt hai quan chức cao cấp khác là lãnh đạo cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon và thứ trưởng bộ Thống Nhất Chun Hae Sung.
Bản tin của AFP lưu ý : Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, ông Suh Hoon là một người rất am tường về tình hình Bắc Triều Tiên. Nhân vật này từng đóng một vai trò then chốt trong đối thoại liên Triều, dẫn đến các cuộc họp thượng đỉnh hồi năm 2000 và 2007.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, tại Bình Nhưỡng, “đoàn sứ giả của tổng thống Moon Jae In sẽ chú trọng thảo luận về những hồ sơ để tạo cơ sở cho đối thoại giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ mở đường cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ Liên Triều”.
Hãng tin Mỹ AP cho biết thêm là trong chương trình nghị sự, phía Hàn Quốc sẽ thảo luận trực tiếp với “các quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên”.
Sau hai ngày làm việc tại Bình Nhưỡng, các sứ giả Hàn Quốc sẽ trở lại Seoul trước khi lên đường sang Hoa Kỳ để tường trình lại với các quan chức cao cấp Mỹ về chuyến công tác đầu tiên tại Bắc Triều Tiên sau nhiều năm đối thoại trực tiếp giữa Seoul và Bình Nhưỡng bị gián đoạn.
Giới quan sát đánh giá chuyến công tác đầu tiên của một phái đoàn cao cấp Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng sau Thế Vận Hội Pyeongchang là “sự tiếp nối” trong chính sách chìa bàn tay thân thiện với Bắc Triều Tiên được tổng thống Moon khởi xướng.
Theo một chuyên gia Hàn Quốc được AFP trích dẫn, chuyến công tác của phái đoàn Hàn Quốc “không cho phép đôi bên đạt được một thỏa thuận quan trọng”, nhưng ít ra đây là bước đầu để tìm cách hạ nhiệt tình hình, “tránh để Bắc Triều Tiên lại thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa”.
Bình Nhưỡng lại dọa Washington
Tuy nhiên khả năng Bắc Triều Tiên và Mỹ cùng ngồi vào bàn đàm phán còn xa vời. Hôm 03/03/2018, Bình Nhưỡng lại dọa trả đũa Washington nếu như Hoa Kỳ “quyết tâm tập trận chung với Hàn Quốc và duy trì các biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên”.
Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cho biết thêm là Mỹ sẽ phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm” trong việc phá hoại những nỗ lực đối thoại giữa hai nước Triều Tiên. Sau cùng, vẫn theo các nguồn tin được KCNA trích dẫn, chế độ Kim Jong Un “không chấp nhận bất kỳ một điều kiện tiên quyết nào để đối thoại với Mỹ”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180304-han-quoc-gui-dac-su-den-bac-trieu-tien