Tin Việt Nam – 03/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 03/03/2018

Tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

bằng cung cách tình huynh đệ chi binh

Trong tuần vừa qua, nền văn nghệ Việt Nam mất đi một tên tuổi lớn, đó là nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Trên các phương tiện truyền thông của người Việt hải ngoại, trên Facebook rất nhiều người đã bày tỏ niềm xúc động về sự ra đi của ông. Có người đã chia sẻ rằng  “Bên cạnh nét tài hoa, nghệ sĩ, Ông còn là một Kẻ Sĩ, một Sĩ Quan cao cấp của nước Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã từng giữ những chức vụ từ một Trung Đội Trưởng tác chiến, đến người nghiên cứu và đề ra kế hoạch phối trí quân đội của bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.Tay súng, tay đàn, người Lính Nguyễn Văn Đông vừa bảo vệ quê hương, vừa bảo vệ và phát huy nền nghệ thuật của quốc gia”.

Tang lễ của ông được cử hành tại tư gia. Lễ hỏa táng tại lò thiêu Binh Hưng Hòa ngày 2/3/18.

Trong buổi tiễn đưa ông về với cát bụi thì hình ảnh có lẽ xúc động nhất là hình ảnh những cựu Thiếu sinh quân Việt Nam Cộng hoà chào vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bằng cung cách tình huynh đệ chi binh VNCH, được đăng tải bởi ông Quang Cầu Muối và nhanh chóng đuọc chia sẻ rất nhiều trên trang Facebook. Một người chia sẻ trên Facebook: “Cho dù ngày nay chính quyền có cố gắng bôi xoá, hạ nhục đến độ nào đi nữa, thì nhân cách của con người trí thức Quốc Gia mãi sáng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam”.

Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn đông đã đem đến vườn hoa âm nhạc Miền Nam một hương vị ngọt ngào.

Xin tiễn biệt ông, tiễn biệt một nhạc sĩ lớn, với một nhân cách lớn.

Jimmy Thái Nhựt / SBTN

https://www.sbtn.tv/tien-biet-nhac-si-nguyen-van-dong-bang-cung-cach-tinh-huynh-de-chi-binh/

 

‘Chính Trị Bình Dân’

và nhận thức chính trị của người trẻ Việt Nam

Mạng xã hội Facebook những ngày qua lan truyền bản điện tử cuốn sách Chính Trị Bình Dân của blogger Phạm Đoan Trang viết và hoàn thành vào năm 2017.

Những người tìm đọc và chia sẻ cho nhau thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều bạn trẻ. Liệu điều đó có cho thấy nhận thức về tương quan chính trị với đời sống xã hội đã đi vào cuộc sống người trẻ ở Việt Nam?

Từ thực tiễn và trực diện

Hệ thống giáo dục Việt Nam đã dành hẳn một môn học được gọi là môn Chính trị và Lý luận chính trị ở chương trình đại học. Và chính tác giả Phạm Đoan Trang cũng dành hẳn một chương để mô tả về “Chính trị là gì?” Trong đó, có một đoạn tác giả định nghĩa: “Chính trị có mặt trong tất cả các hoạt động xã hội, tương tác xã hội. Chính trị hiện diện ngay trong gia đình, trong mọi nhóm người, mọi cộng đồng, mọi quốc gia.”

Những người quan tâm đến các diễn biến trong xã hội, sau khi chia sẻ thường hay có câu bình luận rằng “Cứ thờ ơ với chính trị đi, chính trị sẽ ‘quan tâm’ đến bạn rất chu đáo”.

Có một nhóm bạn trẻ ở Việt Nam hiện tại, họ tìm đến và hiểu về chính trị không phải bằng những bài giảng của môn Chính trị học, mà chính từ những trải nghiệm thực tiễn trong cuộc sống.”

Bạn trẻ Huy Jos, người có tiếng nói mạnh mẽ cùng với người dân miền Trung phản đối Formosa là một trong những bạn trẻ ấy. Anh cho biết với suy nghĩ của anh, chính trị là ‘bộ máy chính quyền’. Và người dân thì rất ít cơ hội để hiểu về nó. Chính bản thân anh cũng thế.

“Em chỉ trải qua cuộc sống thì mới biết về chính trị là nhiều, còn sách thì đọc qua ít. Mình thấy những bất công, mà trước tiên mình cũng không nhận thức được chính trị qua những bất công đó, nhưng dần dần tham gia vào những hoạt động, tìm hiểu thêm rồi mình mới biết nó như thế nào. Lúc nhỏ, đâu biết gì là chính trị đâu.”

Va chạm thực tiễn, rồi sau đó kết nối, truyền đạt cho nhau. Đó là cách mà người trẻ trong nước đang sử dụng để học và hiểu về chính trị.

Em chỉ trải qua cuộc sống thì mới biết về chính trị là nhiều, còn sách thì đọc qua ít. Mình thấy những bất công, mà trước tiên mình cũng không nhận thức được chính trị qua những bất công đó, nhưng dần dần tham gia vào những hoạt động, tìm hiểu thêm rồi mình mới biết nó như thế nào. Lúc nhỏ, đâu biết gì là chính trị đâu. – Huy Jos

Cô Nguyễn Xoan, con dâu của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, tức facebooker Lỗ Ngọc, người hiện đang bị giam giữ với cáo buộc là có hành vi ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, cho biết cô nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ khi họ nhận ra những bất công trong xã hội.

“Họ nhận thức được, họ biết được và họ dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình và của mọi người. Nhìn 1 người nào đó, mình nói với họ. Ví dụ người chạy taxi chẳng hạn, mình có thể giải thích với họ là giá xăng tăng như thế, quyền lợi của họ sẽ bị thiệt thòi như thế nào. Ít nhiều họ cũng hiểu.”

Bên cạnh những người tìm đến chính trị vì chính những va chạm thực tiễn, hoặc những lần chứng kiến tận mắt sự bất công trong đời sống xã hội, hoặc chính quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng, thì có một nhóm người khác nhận thức chính trị thông qua tin tức trên mạng xã hội.

Đặc biệt là Facebook trở thành công cụ truyền tin có sức lan toả bật nhất, thì hầu như bất kỳ những sự việc xấu, tốt nào diễn ra trong đời sống hàng ngày đều được truyền đến người dân một cách chi tiết và thẳng thắn nhất. Từ giá xăng dầu, giá điện, giá vé qua trạm BOT, giá bán hoa trái dịp Tết… cho đến những tấm bằng giáo sư nặng ký, hay thảm hoạ ô nhiễm môi trường, tất cả đều được cập nhật nhanh chóng đến người dân trong nước.

Bạn trẻ Nguyễn Xung Lâm, một giáo dân ở Cồn Sẻ chia sẻ ý kiến rằng Facebook chính là một tác động vô cùng rộng lớn. Từ facebook của những nhà hoạt động, nhà đấu tranh, lần lượt có nhiều người tò mò tìm hiểu và biết được thế nào là ‘quyền lợi của người công dân’.

“Chứ thật sự ra để quan tâm chính trị trực diện, nghĩa là họ chủ động tìm đến chính trị khi họ biết vai trò của họ là có quyền quan tâm đến chính trị thì hầu như không có. Cái điều tác động đến các bạn trẻ trực diện nhất hiện tại chính là facebook, tiếng nói của các nhà hoạt động, những người đấu tranh.”

Chính trị bình dân – ngòi nổ ban đầu

Theo nhận xét của Nguyễn Xung Lâm, tuy mỗi ngày, số người bị bắt bớ, giam cầm chỉ vì cất lên tiếng nói ngày càng nhiều, nhưng trên thực tế, số người quan tâm đến chính trị, đặc biệt là những người trẻ, chưa phải là nhiều. Qua cái nhìn của anh, những người ấy vẫn còn bị đóng khung trong một đời sống cá nhân quá chặt. Họ chỉ tìm đến và chủ động tìm hiểu chính trị khi họ biết mình có quyền, có vai trò, có trách nhiệm với quốc gia.

‘Chính trị bình dân’ là 1 cơ sở. Không phải nói là ít, mà là cũng có nhiều cuốn về chính trị, những bài giảng về chính trị nhưng những tài liệu ấy họ ít tiếp cận. Chỉ có những bạn trẻ họ hoạt động trong xã hội công giáo thì không quan ngại. – Nguyễn Xung Lâm

Với Huy Jos, anh cũng nhận thấy vẫn còn rất nhiều người thờ ơ trong nhận thức về chính trị:

“Đa số những người công nhân, học sinh chỉ đi làm rồi đi học, đi chơi làm gì biết đến chính trị như thế nào. Nhắc đến còn sợ. Không khéo nghe mình nói người ta còn chạy.”

Do đó, để trả lời cho câu hỏi về vai trò của những cuốn sách như “Chính Trị Bình Dân” trong việc nâng cao nhận thức và tương quan chính trị của mỗi người dân là như thế nào? Huy Jos nói rằng:

“Nếu nói về chính trị, nếu người dân đọc được quyển sách này thì người dân sẽ nhận thức ra được.”

Nếu nói về chính trị, nếu người dân đọc được quyển sách này thì người dân sẽ nhận thức ra được. Huy Jos

Nguyễn Xung Lâm bày tỏ rằng tuy chưa nhiều, nhưng các bạn trẻ trong nước đã bước đầu hiểu về chính trị bằng sách vở, bài viết trên mạng xã hội.

Và trong những hiệu ứng ấy, ‘Chính trị bình dân’ của blogger Phạm Đoan Trang là một cơ sở, giữa nhiều những tài liệu về chính trị khác.

“Giới trẻ Việt Nam, cái tương quan của họ với chính trị không được thoải mái và nhạy bén. ‘Chính trị bình dân’ là 1 cơ sở. Không phải nói là ít, mà là cũng có nhiều cuốn về chính trị, những bài giảng về chính trị nhưng những tài liệu ấy họ ít tiếp cận. Chỉ có những bạn trẻ họ hoạt động trong xã hội công giáo thì không quan ngại.”

Anh gọi cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” như một “ngòi nổ ban đầu” để châm lên ngọn lửa soi đường dẫn các bạn trẻ tìm đến những định nghĩa về quyền công dân, quyền con người, quyền sống…Tất cả đều được gom góp trong hai từ “chính trị”.

Rất nhiều những hình thức có vai trò dẫn nhập nhận thức và tương quan chính trị đến với người dân, như mạng xã hội, thực tiễn, sách vở, môi trường sống…

Nhưng qua những người bạn trẻ chúng tôi tiếp xúc, họ đều có chung một nhận định, đó là cho dù mạng xã hội là công cụ mạnh nhất, nhưng chính thực tiễn va chạm mới chính là động lực bộc phát mạnh nhất và rõ ràng nhất về tương quan chính trị trong nhận thức của người trẻ hiện nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Politics-for-common-people-and-political-awareness-of-young-people-in-vn-03022018123128.html

 

Đảng có kiểm soát nổi kinh tế thị trường?

PGS. TS. Phạm Quý ThọHọc Viện Chính sách & Phát triển

Trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường, ổn định thể chế chính trị Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, thì câu hỏi lớn xuyên suốt là liệu Đảng kiểm soát thị trường được không và như thế nào?

Thực tế hơn 30 năm đổi mới Việt Nam vẫn ‘dò đá qua sông’ trong từng giai đoạn do thiếu nền tảng lý luận. Sự vận hành một thể chế ‘pha trộn’ chế độ độc đảng cai trị và kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn những bất cập, thậm chí bất ổn đe dọa sự tồn vong chế độ. Từ Đại hội 12 đầu năm 2016 Đảng nỗ lực củng cố tổ chức, chống tham nhũng để tập trung quyền lực., nhưng liệu lần này Đảng có thể kiểm soát thị trường?

Vì sao nhiều ngân hàng nước ngoài tháo chạy khỏi VN?

Chủ tịch Quang thăm Ấn Độ, mẫu hạm Mỹ ghé Đà Nẵng và thực chất?

Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?

Biểu hiện bất ổn đỉnh điểm, được coi là mối ‘đe dọa chính trị’ đối với Đảng tại Hội nghị 6 khóa 11 năm 2012 khi Bộ chính trị và Ban chấp hành TƯ không đồng thuận quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính phủ, được gọi né là ‘đồng chí X’PGS. TS. Phạm Quý Thọ

‘Bất cập bộc lộ’

Quá trình chuyển đổi càng sâu thì bất cập thể chế càng bộc lộ rõ.

Thập kỷ đầu tiên sau đổi mới (1986-1996) được coi là giai đoạn ‘cởi trói’, xóa bỏ bao cấp, giải phóng nguồn lực, đặc biệt là lao động và đất đai trong nông nghiệp… đã tạo ‘đột phá’ cứu nguy cho nền kinh tế sắp sụp đổ.

Mười năm tiếp theo (1997-2006) Đảng bắt đầu thận trọng vận dụng các nguyên tắc thị trường. Đây là thời kỳ được đánh giá là thành công khi nền kinh tế mở cửa tích cực hội nhập, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 7% trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế khu vực, bắt nguồn từ sụp đổ thị trường bất động sản và tài chính tại Thái Lan năm 1997. Báo chí khi đó có bình luận về ‘con hổ mới’ ở Đông Nam Á.

Đứng đầu chính phủ gần hai nhiệm kỳ này là Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành. Gần đây, ông được ca ngợi là ‘Thủ tướng kỹ trị, Thủ tướng chuyên nghiệp’, cởi mở, luôn lắng nghe chuyên gia, để lại dấu ấn với Luật doanh nghiệp 2005, nguyên thủ Việt Nam đầu tiên đến Mỹ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ… Ông đã đóng góp vào những thành công kinh tế và đối ngoại cho đất nước.

Một chi tiết đáng quan tâm khi báo điện tử nhà nước Vietnamnet.vn hôm 21/02/2018, đưa tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lâm bệnh nặng, trong bài có trích lời ông vì sao từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm (2006): “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu”.

Văn hóa chính trị ở nhiều nước đảng toàn trị khó minh bạch. Bỏ qua những đồn đoán rằng ông bị nhiều sức ép của bộ máy quan liêu. Song rõ ràng, ông đã nhận ra những bất cập của thể chế và hiểu rằng ông không có nhiều quyền đối với tất cả các vấn đề của Chính phủ.

Bất ổn thể chế

Việt Nam: ‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị khép tội’

Việt Nam: Ý kiến về ‘phá sản ngân hàng’?

Kinh tế VN: ADB cảnh báo nợ xấu ngân hàng

Hai nhiệm kỳ tiếp theo 2006-2016 là thời kỳ ‘sóng gió’, từ ‘bất ổn kinh tế vĩ mô’ đến ‘bất ổn thể chế’. Chính sách tăng trưởng nóng, bất tuân các nguyên tắc thị trường và yếu kém quản lý không chỉ làm cho kinh tế tổn thất nặng nề, mà các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội xuống cấp nghiêm trọng, mất phương hướng.

Các dự án lớn đang ‘đắp chiếu’ và thua lỗ kéo dài đang được nghiên cứu trình lên Bộ chính trị để quyết định phương án cuối cùng. Giới phân tích quan ngại về sự kiểm soát này liệu có tuân theo nguyên tắc thị trường?PGS. TS. Phạm Quý Thọ

Biểu hiện bất ổn đỉnh điểm, được coi là mối ‘đe dọa chính trị’ đối với Đảng tại Hội nghị 6 khóa 11 năm 2012 khi Bộ chính trị (với 16 lãnh đạo cao nhất) và Ban chấp hành TƯ (175 ủy viên chính thức) không đồng thuận quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính phủ, được gọi né là ‘đồng chí X’.

‘Lỗi hệ thống’ có thể là lý do ngụy biện. Phương thức ‘Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý’, ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm’, ‘phân công phân quyền’ vốn là những nguyên tắc vận hành của thể chế chính trị độc đảng, tỏ ra không còn phù hợp, nhất là khi kinh tế thị trường có độ mở cao.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi khác đặt ra là liệu tập trung quyền lực giúp Đảng kiểm soát thị trường?

Đại hội 12 bắt đầu cho nhiệm kỳ 2016-2021. Sau ‘bất ổn’, củng cố tổ chức và chống tham nhũng đang mạng lại quyền lực lớn hơn cho Đảng. Quyền lực được tập trung cao hơn cho Tổng bí thư, Bộ chính trị và Ban bí thư.

Điều đó liệu có giúp Đảng kiểm soát được thị trường?

Trước hết, Đảng gửi ‘thông điệp’ mạnh mẽ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự họp phiên cuối năm của Chính phủ ngày 28/12/2017. Sự kiện được đánh giá là chưa có tiền lệ.

Đảng bổ nhiệm các ủy viên trung ương là những lãnh đạo địa phương để nắm giữ vị trí đứng đầu các tổ chức kinh tế lớn. Tháng 12/2017 bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tháng 2/2018 bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng được quyết định làm Chủ tịch Uỷ Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong một động thái khác, các dự án lớn đang ‘đắp chiếu’ và thua lỗ kéo dài đang được nghiên cứu trình lên Bộ chính trị để quyết định phương án cuối cùng.

Giới phân tích quan ngại về sự kiểm soát này liệu có tuân theo nguyên tắc thị trường, khi bộ máy quản lý thêm cồng kềnh, chồng chéo, sự thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế của cán bộ đảng, sự thiếu thuyết phục về phương thức hoạt động của các tổ chức này…

Đảng kiểm soát thị trường bằng cách trên liệu có mang lại hiệu quả và thúc đẩy cải cách?

‘Thách thức cải cách còn lớn’

Ngân hàng sa thải 2 cán bộ ‘vụ Bí thư Thăng’

Đảng CS: 12 đại án của năm 2017

Việt Nam: ‘Minh bạch là thang thuốc tốt nhất’

Từ Trịnh Xuân Thanh đến Trầm Bê, Hồ Thị Kim Thoa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi động chính phủ ‘kiến tạo’ bằng bộ máy, nhân sự hiện có với chính sách thực dụng là phục vụ doanh nghiệp và người dân nhằm loại bỏ các rào cản thủ tục hành chính, ‘giấy phép’ lớn nhỏ đang tồn tại trong cơ chế.

Ông truyền cảm hứng cho các địa phương, lắng nghe các doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp với các hành động kịp thời, kiên quyết. Điều đó đã huy động các nguồn lực xã hội tạo nên những kết quả ban đầu về tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh.

Ngoài rào cản thể chế, sức ỳ bộ máy và cán bộ, từ việc thúc đẩy tự do kinh doanh đến tự do kinh tế là chặng đường dài đầy thách thức để cải cách.

Theo Báo cáo ‘Chỉ số tự do kinh tế 2018’ xếp hạng 180 nền kinh tế, Việt Nam xếp hạng 141/180 với 53,1/100 điểm. Trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hạng 35, sau cả Lào, Myanmar và Campuchia.

Bằng cách loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế, thị trường sẽ được giải phóng khỏi quyền lực cưỡng chế đóMilton Friedman

So với năm trước, Việt Nam đã tăng 0,7 điểm nhờ nỗ lực cải cách chính sách thuế, tăng cường chính phủ liêm chính và hiệu quả của bộ máy pháp luật. Tuy nhiên, các chỉ số tự do thương mại, quyền tư hữu và tự do lao động đạt điểm thấp.

Chỉ số tự do kinh tế được Quỹ Heritage công bố hàng năm từ 1995. Nó đánh giá bốn nhóm lĩnh vực gồm luật pháp, quy mô chính phủ, hiệu quả điều tiết và thị trường tự do với 12 tiêu chí kinh tế: quyền tư hữu, hiệu quả tư pháp, chính phủ liêm chính, gánh nặng thuế, chi tiêu công, tình hình tài chính, tự do kinh doanh, tự do lao ðộng, tự do tiền tệ, tự do thýõng mại, tự do ðầu tý và tự do tài chính.

Và để khép lại bài viết này, có thể nói rằng tự do kinh tế liên quan mật thiết tới tự do chính trị và “Tự do chính trị nghĩa là không có sự cưỡng ép của một người đối với những người xung quanh…

“Bằng cách loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế, thị trường sẽ được giải phóng khỏi quyền lực cưỡng chế đó. Điều này cho phép sức mạnh kinh tế trở thành thứ kiểm soát quyền lực chính trị hơn là sự củng cố cho chính nó,” như nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, khôi nguyên giải Nobel năm 1976, Milton Friedman, đã khẳng định rõ ràng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43271658

 

Thương gia mất $10 triệu

từ chối nhận tiền ‘tạm ứng’ hơn $640,000 từ Eximbank

Bà Chu Thị Bình, thương gia bị một giới chức ngân hàng Eximbank trộm số tiền gửi hơn 10 triệu Mỹ kim, quyết định từ chối nhận số tiền “tạm ứng” 14.8 tỉ đồng (hơn 640,000 Mỹ kim) do ngân hàng này đề nghị.

Báo Pháp Luật Online hôm Thứ Bảy 3/3 dẫn lời bà Bình giải thích rằng, sở dĩ bà không nhận tiền “tạm ứng”, là vì Eximbank không đề cập gì tới tổng số tiền bà bị mất. Ngoài ra, bà Bình cho biết ngân hàng còn ra điều kiện là bà phải “bảo mật thông tin để giữ uy tín cho ngân hàng”, và đây cũng là điều kiện bà không chấp nhận. Bà Bình nói với tờ Pháp Luật Online rằng, khách hàng “đòi tiền của mình một cách minh bạch thì sao phải bảo mật?”.

Được biết vào sáng ngày 27 tháng 2 vừa qua, bà Bình đã có buổi làm việc với hội đồng quản trị Eximbank để tìm cách giải quyết việc bà bị trộm số tiền lớn gửi tại ngân hàng này. Theo tờ Pháp Luật Online, số tiền “tạm ứng” mà Eximbank đưa ra trùng với con số hơn 14.8 tỉ đồng trên giấy ủy nhiệm chi, mà cảnh sát điều tra của Bộ Công An đã xác định là mang chữ ký giả của chủ trương mục lẫn người được ủy quyền. Về số tiền còn lại, ngân hàng nói sẽ chờ phán quyết của tòa.

Từ năm 2013, nữ thương gia Chu Thị Bình gửi tiền tại Eximbank chi nhánh Sài Gòn. Do số tiền gửi rất lớn, nên bà được đối xử theo tư cách VIP. Tất cả các giao dịch với bà Bình cho đến đầu tháng 2 năm 2017 đều do phó giám đốc chi nhánh Eximbank Sài Gòn là ông Lê Nguyễn Hưng trực tiếp thực hiện. Ông Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình ủy quyền cho ông trong mọi giao dịch, để làm văn bản rút tiền từ trương mục của bà trong suốt những năm qua. Ông này đã bỏ trốn khỏi Việt Nam hồi năm ngoái. Do cuộc điều tra của ngân hàng và công an kéo dài cả năm không đi tới đâu, bà Bình hồi tháng 2 quyết định công bố vụ mất trộm tiền gửi ngân hàng cho báo chí.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/thuong-gia-mat-10-trieu-tu-choi-nhan-tien-tam-ung-hon-640000-tu-eximbank/

 

Người Việt Nam chi tiền cho vàng mã nhiều gấp 8 lần sách cho trẻ em

Người Việt Nam chi tiêu cho vàng mã và những đồ cúng không phải là thực phẩm nhiều gấp 8 lần cho đồ chơi và sách truyện trẻ em.

Báo Thanh Niên hôm Thứ Bảy 3 tháng 3 cho biết đó là theo tính toán của tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Cứu Phát Triển Mêkông ở Hà Nội, thực hiện dựa trên số liệu khảo sát mức sống của các gia đình do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cung cấp. Trong cuộc khảo sát về mức sống gia đình của Tổng Cục Thống Kê, có câu hỏi về số tiền mà một gia đình trung bình chi ra trong 30 ngày qua cho những đồ cúng lễ, bao gồm vàng mã, nhang đèn và không bao gồm các thực phẩm. Từ đó, tiến sĩ Cường tính toán và thấy rằng vào năm 2012, trung bình mỗi gia đình tại Việt Nam chi 575,000 đồng cho đồ cúng lễ. Con số này tăng lên tới 654,000 đồng vào năm 2016. Nếu nhân con số này với tổng số gia đình trên cả nước thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13 ngàn tỉ đồng năm 2012, và tăng lên khoảng 16 ngàn tỉ đồng năm 2016.

Theo tiến sĩ Cường, có một điều đáng kinh ngạc từ cuộc phân tích này, là khoản chi tiêu cho đồ cúng của người Việt cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Theo các con số thống kê từ năm 2010, người Việt Nam mỗi năm đốt khoảng 50,000 tấn vàng mã. Người dân Hà Nội đi đầu cả nước về đốt nhiều vàng mã, ước lượng lên tới 17.6 triệu Mỹ kim mỗi năm.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-nam-chi-tien-cho-vang-ma-nhieu-gap-8-lan-sach-cho-tre-em/