Mỹ và cuộc đua quyền lực nước lớn
Trật tự toàn cầu phổ biến được xây dựng dựa việc nhận thức rằng có đồng minh đồng nghĩa với thỏa hiệp với ý chí chủ quyền khác. Nước Mỹ giờ phải quyết định xem thỏa hiệp đó có đáng giá để duy trì một trật tự hay thay vào đó, tranh đấu với Nga và Trung Quốc để giành được thiện cảm từ các nước và các khối.
Hình minh họa |
Nước Mỹ đang đối diện với một thế giới có nhiều hiềm khích bất hòa, với sự chia rẽ thay vì đoàn kết giữa các cường quốc. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kết luận: “Nga đang làm mọi việc có thể để đạt được mục tiêu gây đứt gãy tuyệt đối”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi hành động đơn phương chống lại các đối thủ của Mỹ. Phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội, Trump nói: “Nếu chùn bước trước vai trò lãnh đạo, thực sự chúng ta đang gây đe dọa tới lợi ích của đất nước này”.
Cách đây 71 năm, dưới tác động của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự xuất hiện hình thái cạnh tranh nước lớn nguy hiểm khiến giới hoạch định chính sách Mỹ chấp nhận quan điểm cần mở rộng can dự để bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho nước Mỹ. Điểm then chốt là tạo lập các liên minh dân chủ, độc lập, vững chắc ở Tây Âu và châu Á có đủ sức ngăn chặn các mối đe dọa và tham vọng từ các đối thủ. Mỹ nhờ đó có thể bảo vệ được các lợi ích an ninh và kinh tế mà không cần phải dựa vào quân sự. Tầm nhìn đó được duy trì trong suốt và sau Chiến tranh Lạnh, dù là dưới chính quyền đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Chính quyền của Trump đang tự mâu thuẫn với chính mình khi một mặt đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, mặt khác tiếp tục theo đuổi ý tưởng giành phần thắng trong cuộc đua với các cường quốc khác.
Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ đã thiết lập nhiều thiết chế lớn mà vẫn có vai trò định hình thế giới ngày nay, một trật tự từ lâu giúp duy trì lợi ích hòa bình và thịnh vượng cho Mỹ. Liên hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) vốn là tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày nay, Liên minh châu Âu (EU) đều được hình thành trong giai đoạn 1945-1949. Tuy nhiên, Trump hiện lại coi những thiết chế đa phương này là mối đe dọa đối với chủ quyền Mỹ. Trump coi WTO là “thảm họa” với lời đe dọa sẽ tái đàm phán hoặc là rút khỏi tổ chức này. Với NATO và EU, Trump xem đây là các thiết chế hoặc là “lỗi thời”, hoặc nặng nề hơn là “sai lầm lịch sử”.
Những nhân vật chóp bu trong chính quyền hối thúc duy trì trật tự quốc tế hiện hành như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn đều được các nước bạn bè, đối thủ xem là “những người theo đuổi chủ nghĩa quốc tế”. Tuy nhiên, những người sáng lập trật tự như Ngoại trưởng George Marshall, người kế nhiệm Dean Acheson và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế Will Clayton lại là những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn. Họ không chịu chấp nhận hy sinh của cải và chủ quyền Mỹ để thúc đẩy các lợi ích bên ngoài. Họ can dự vào một sứ mệnh tham vọng nhằm thiết lập một trật tự do Mỹ lãnh đạo dựa trên nền tảng tối thượng là một chính quyền dân chủ và tự do trao đổi kinh tế.
Kế hoạch Marshall là chiến lược được Chính quyền của cố Tổng thống Mỹ Harry S.Truman đề ra nhằm hoàn tất việc rút 3 triệu quân khỏi châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng không cho phép bất kì một quyền lực nào ở châu lục khống chế lục địa Á-Âu. Điểm then chốt nhất là tạo lập một khối liên kết Tây Âu nhờ sự hỗ trợ tài chính dồi dào của Mỹ. Đó là bước can dự đầu tiên và thiết yếu nhất trong đại chiến lược “kiềm chế Liên Xô”.
Để bảo vệ lợi ích thiết yếu trong việc duy trì tiếp cận các thị trường công nghiệp quan trọng và ngăn cản Liên Xô kiểm soát các tuyến hàng hải trọng yếu đe dọa an ninh Mỹ, Washington xem việc tạo dựng các liên minh độc lập vững chắc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Thay vì việc phái hàng triệu quân quay trở lại châu Âu với mức phí tổn quá lớn, Truman chọn cách “viện trợ 20-30 tỷ USD” trong 4 năm để “giữ hòa bình”. Con số cuối cùng chỉ là 13,2 tỷ USD (tương đương 135 tỷ USD thời giá hiện hành). Đó là khoản tiền được chi tiêu đúng đắn. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong Kế hoạch Marshall không phải là tiền mà là hội nhập châu Âu. Trái với các bình luận sai lầm của Trump về lịch sử, ý tưởng Liên minh Kinh tế châu Âu do Bộ Ngoại giao Mỹ thúc đẩy không xuất phát từ lo ngại châu Âu sẽ tước đoạt lợi ích của Mỹ về thương mại.
Kế hoạch thành công lớn, không chỉ đưa đến “kỉ nguyên vàng” về tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, mà còn tạo ra hợp tác bền chặt xuyên Đại Tây Dương. Đến năm 1989, tức là 40 năm sau khi NATO ra đời và tính từ thời điểm Acheson cương quyết khẳng định quan điểm Mỹ phải có đồng minh, không thể là đối tác trung lập, các liên minh của Mỹ vẫn đứng vững, trong khi liên minh của Moskva tan rã.
Ông Mattis đã đúng khi đặt mình vào Nội các đứng cùng Marshall hay Acheson. Ông Mattis kịch liệt phản đối lời kêu gọi của Trump về cắt giảm ngân sách ngoại giao. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố: “Nếu các ngài không cung cấp tài chính đầy đủ cho Bộ Ngoại giao, tôi buộc phải mua thêm nhiều vũ khí”. Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ với đặc trưng “Nước Mỹ trước tiên” là sự pha trộn không dễ dung hòa giữa quan điểm của Marshall, Acheson hay Truman và tầm nhìn tranh cử của Trump. Một mặt, nó đề cập nhiều đến tầm quan trọng của liên minh, ca ngợi những thành tựu ngoại giao trong thế kỷ 20, nổi bật là sự ra đời của Kế hoạch Marshall. Mặt khác, nó cũng “đặt nước Mỹ trên hết là nhiệm vụ của chính quyền và là nền tảng của quyền lực lãnh đạo Mỹ”, chỉ trích các nước khác đã “bóc lột các thiết chế quốc tế mà Mỹ góp công xây dựng’.
Trật tự toàn cầu phổ biến được xây dựng dựa việc nhận thức rằng có đồng minh đồng nghĩa với thỏa hiệp với ý chí chủ quyền khác. Nước Mỹ giờ phải quyết định xem thỏa hiệp đó có đáng giá để duy trì một trật tự hay thay vào đó, tranh đấu với Nga và Trung Quốc để giành được thiện cảm từ các nước và các khối.
Theo Tạp chí “Foreign Affairs”
Anh Thư (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
http://www.tintuchangngayonline.com/2018/03/my-va-cuoc-ua-quyen-luc-nuoc-lon.html