Tin khắp nơi – 02/03/2018
Trump áp thuế nhập thép, đối tác muốn trả đũa
Các đối tác thương mại chính của Mỹ đã phản ứng giận dữ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Canada và EU, cả hai đồng minh quan trọng của Mỹ, nói họ sẽ đưa ra các biện pháp đối phó.
Mexico, Trung Quốc và Brazil cũng cho biết họ đang cân nhắc các bước trả đũa.
Ông Trump đăng trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã bị “thiệt hại bởi các phi vụ thương mại không công bằng và các chính sách tồi tệ”.
Ông cho biết nhập khẩu thép sẽ phải đối mặt với thuế 25%, và nhôm 10%.
Thép VN ‘xuất xứ TQ’ bị Mỹ trừng phạt
Mỹ điều tra thép TQ ‘đội lốt Việt Nam’
Trung Quốc làm gì nếu có cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Tuy nhiên, các nhà phê bình lập luận rằng thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ và mà chỉ tăng giá lên người tiêu dùng.
Tuyên bố của ông Trump ảnh hưởng mạnh đến thị trường Mỹ, với chỉ số Dow Jones giảm 1.7%.
Các nước phản ứng ra sao?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, mức thuế của Mỹ sẽ làm cho hàng ngàn việc làm ở châu Âu gặp rủi ro.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên trong khi ngành công nghiệp của chúng tôi bị đối đãi bởi những chính sách không công bằng. EU sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ và thích đáng để bảo vệ lợi ích của chúng tôi.”
Tại Canada, nguồn cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Francois-Philippe Champagne cho biết bất kỳ mức thuế nào cũng “không thể chấp nhận được”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chrystia Freeland cho biết Canada sẽ có “biện pháp đáp trả” nếu những áp chế này được áp đặt nhưng không cho biết rõ chi tiết.
Brazil, cũng là nước xuất khẩu thép lớn sang Mỹ, đã đe dọa sẽ có hành động “đa phương hoặc song phương” để bảo vệ lợi ích của nước này.
Hiệp hội thép của Đức, WV Stahl, cho biết các biện pháp của Hoa Kỳ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường thép của Đức.
Phản ứng của Trung Quốc
Nước sản xuất hơn một nửa lượng thép trên thế giới chưa có phản ứng chính thức nào nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nó đang xem xét một số biện pháp trả đũa.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất thép của Mỹ nói rằng thép Trung Quốc vẫn được vận chuyển sang Mỹ thông qua các nước thứ ba như Việt Nam.
Trước đó vào tháng 12, 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế trừng phạt lên một số sản phẩm thép từ Việt Nam bị cho là có xuất xứ Trung Quốc.
Hoa Kỳ cho rằng 90% giá trị sản phẩm thép nhập từ Việt Nam vào Hoa Kỳ bắt nguồn từ Trung Quốc.
Thép cuộn cán nguội Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá của Mỹ là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ đối mặt với mức thuế 238%.
Năm 2016, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ áp lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ, với mức thuế 266% với sản phẩm thép.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, cố vấn kinh tế của ông Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc, đã gặp chính phủ của Trump hôm thứ Năm để thảo luận “thẳng thắn và xây dựng”.
Trump đã nói gì?
Ông Trump cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Hoa Kỳ mà ông cho là phải chịu sự đối xử “đáng xấu hổ” từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ.
“Khi đất nước chúng ta không thể sản xuất nhôm và thép … chúng ta hầu như không còn có đất nước nữa”, ông nói.
“Chúng ta cần các nhà sản xuất thép tuyệt vời, các nhà sản xuất nhôm tuyệt vời cho quốc phòng.”
Tuyên bố của ông Trump đã bị trì hoãn một lúc vì có sự bất đồng giữa các cố vấn của ông về vấn đề này.
Hơn một chục giám đốc điều hành của ngành công nghiệp thép, bao gồm đại diện từ US Steel Corp và Arcelor Mittal, đã đứng bên cạnh vị tổng thống khi ông tuyên bố.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Trump nói rằng các nước khác đang “đổ một lượng lớn thép vào nước Mỹ, làm giết chết các nhà sản xuất thép và các công ty thép [Hoa Kỳ]”.
Kể từ khi nhậm chức, ông cho biết thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang làm tổn hại đến sự tồn tại của ngành công nghiệp thép ở Mỹ.
Hiện trạng ngành công nghiệp thép ở Mỹ
Mỹ nhập khẩu thép gấp bốn lần xuất khẩu và phụ thuộc vào thép từ hơn 100 quốc gia.
Bộ Năng lượng Mỹ cho hay ngành thép đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhưng nó là một ngành công nghiệp yếu khi bước vào đầu thiên niên kỷ này. Năm 2000, Mỹ sản xuất 112 triệu tấn thép – con số này đã giảm xuống còn 86,5 triệu tấn vào năm 2016.
Năm 2000, có 135.000 người lao động trong ngành công nghiệp – một con số giảm xuống còn 83.600 vào năm 2016.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43252183
Bộ trưởng bộ Gia cư
hủy đơn mua bộ bàn ăn giá 31.000 đôla
Bộ trưởng Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ Ben Carson đã hủy đơn hàng trị giá khoảng 31.000 đôla (khoảng 700 triệu đồng) để mua bộ bàn ăn cho cơ quan của ông.
Một phát ngôn viên của Bộ Phát triển Gia cư và Đô thị (HUD) cho biết họ đang ”hủy đơn đặt hàng”.
Các quan chức của HUD nói rằng việc mua bán đắt tiền này được thực hiện mà Bộ trưởng Carson không hay biết.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ủy ban Giám sát của Quốc hội mở cuộc điều tra về việc tân trang văn phòng của HUD.
Người phát ngôn của HUD, Raffi Williams, cho biết “cơ quan đang tiến hành việc hủy bỏ đơn mua bộ bàn ăn này,” theo yêu cầu của ông Carson.
Ông Carson nói trong một bản tuyên bố: “Tôi cũng rất ngạc nhiên như bất cứ ai khi phát hiện việc bộ bàn ăn trị giá 31.000 đôla đã được đặt mua.”
Theo cơ quan chức năng, ông Ben Carson chỉ biết việc mua màn cửa cho văn phòng của mình có chi phí ít hơn 5.000 đôla.
Ông Carson, gửi ra một tweet hôm thứ Tư rằng “chúng tôi không làm điều gì không trung thực hay sai trái cả”.
Johnny Depp tiêu xài ‘2 triệu USD một tháng’
Liệu pháp chống cơn nghiện mua sắm
Đơn đặt hàng đồ nội thất nói trên bị huỷ bỏ sau khi người đứng đầu Ủy ban giám sát của Hạ viện Hoa Kỳ, ông Trey Gowdy, gửi một bức thư tới văn phòng của ông Carson yêu cầu đưa ra các tài liệu liên quan đến việc đặt mua để xem “liệu HUD có tuân thủ các giởi hạn về ngân sách”.
Theo CNN, bộ bàn ăn bao gồm một bàn bằng gỗ gụ, phớt, và 10 chiếc ghế bọc nhung xanh.
Những tiết lộ về sự tân trang của HUD được tiết lộ sau khi một cựu nhân viên đưa đơn kiện cáo buộc cô bị giáng cấp vì đã từ chối phê chuẩn việc mua đồ đạc để trang trí lại văn phòng của ông Carson.
Helen Foster, người từng là giám đốc điều hành của cơ quan quản lý trong suốt quá trình chuyển đổi nội các của Tổng thống Trump, đệ đơn khiếu nại vào tháng 11, cho Văn phòng Công tố viên Đặc biệt, là cô được bảo phải phê duyệt ngân quỹ cho việc tân trang, dù vượt quá giới hạn 5.000 đôla cho chi phí trang trí.
Cơ quan này nói rằng họ không chi tiêu nhiều hơn quy định ngân sách cho việc tân trang.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Sarah Sanders, khẳng định rằng HUD sẽ không mua bộ bàn ăn này nữa, trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm.
Bà cho biết thêm, cơ quan này đang tìm “một phương án khác có trách nhiệm hơn với tiền của người đóng thuế”.
Bà bác bỏ các tin rằng Tổng thống Donald Trump đang tìm cách sa thải ông Carson hoặc các thành viên khác trong nội các của ông dính líu tới các vụ bê bối chi tiêu gần đây.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43252424
Vụ giết nhà báo Jan Kuciak chấn động Slovakia
Rob CameronBBC News, Bratislava
Tiêu đề trên một trang báo “Mafia Ý trong lòng Slovakia, vòi bạch tuộc đã chạm đến thượng tầng chính trị”.
Bài báo chưa được hoàn tất của tác giả Jan Kuciak, ra mắt vào nửa đêm không chỉ trên trang tin tức – aktuality.sk – mà còn trên rất nhiều tờ báo khác.
Phóng viên điều tra Jan Kuciak (27 tuổi), và vợ chưa cưới của anh là Martina Kusnirova bị bắn chết tại nhà riêng vào hôm Chủ Nhật 25/2.
Đây được xem vụ giết người đầu tiên đối với một nhà báo trong lịch sử Slovakia.
10 năm vụ ám sát Benazir Bhutto
Các vụ ám sát và bắt cóc của Bắc Hàn
Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?
YouTube cắt hợp đồng với vlogger ‘rừng tự sát’
Cảnh sát cho hay vụ tấn công này có dấu vết của một vụ giết thuê, khiến cho cả quốc gia đang “choáng váng”.
Bài báo cuối cùng của Jan Kuciak – xuất bản ngay sau khi anh bị ám sát – cáo buộc những mối liên hệ giữa mafia Ý và những nhân vật thân cận với thủ tướng Slovakia, Robert Fico.
Tên và một bức ảnh màu nhỏ của tác giả được đặt trên hàng đầu tiên của bài báo. Bên cạnh đó, một bức ảnh đen trắng với kích cỡ rộng hơn được dựng lên trên một bức tường, xung quanh là nến và hoa, được đưa lên đầu trang.
Kuciak cáo buộc một số doanh nhân người Ý có quan hệ khăng khít với tổ chức tội phạm vùng Calabrian, ‘Ndrangheta của Ý sang hoạt động ở phía đông Slovakia.
Theo nhà báo này, băng đảng từ Ý đã có nhiều năm lập ra các dự án ma để biển thủ tiền trợ cấp của quỹ Liên minh châu Âu (EU) dành cho tương đối nghèo giáp biên giới Ukraine này.
Những người mà Kuciak cáo buộc, có những mối liên kết kinh doanh với các quan chức cấp cao, bao gồm một số nhân vật có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Slovakia.
Một trong số đó là cựu người mẫu nổi tiếng Maria Troskova, cho đến hôm thứ Tư (28/2) vẫn là “cố vấn của Thủ tướng”.
Một người khác là cấp trên của bà Troskova, ông Viliam Jasan, từng là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Slovakia.
Tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để thuyết phục người dân rằng Slovakia không phải là một nhà nước mafia
Cả hai tuyên bố rằng họ sẽ rút khỏi vai trò của họ trong chính phủ ngay lập tức cho tới khi vụ án được điều tra.
Mùa xuân Prague và cuộc đàn áp đẫm máu
Những người lao động nước ngoài rời Anh vì Brexit
Cựu đảng viên CS sắp làm Thủ tướng Czech
Họ tuyên bố những nỗ lực “của một vài chính trị gia và truyền thông nhằm móc nối tên của họ với vụ án này” là không thể chấp nhận được. Họ quyết định rút ra khỏi chính phủ do vậy mà tên của họ sẽ không thể bị sử dụng trong cuộc đấu tranh chính trị chống lại ông Fico.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Marek Madaric, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SMER)của ông FICO, cũng đã từ chức.
Ông Madaric nói ông thấy lựa chọn duy nhất cho mình là rời ghế bộ trưởng sau vụ giết người.
Vào thời điểm bài viết lên mạng (01/02), Phủ thủ tướng của ông Fico không đáp lại yêu cầu đề nghị bình luận của BBC.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo bất thường hôm thứ Ba (27/2), khi phát biểu bên chiếc bàn chất khoảng một triệu euro tiền mặt – phần thưởng của chính phủ cho thông tin những kẻ giết người – ông Fico có vẻ rất kiên quyết.
Ông Fico nói với những nhà báo: “Đừng móc nối những người vô tội mà không có bất cứ bằng chứng nào được đưa ra trong vụ giết người này,”
“Nó đang vượt quá giới hạn. Nó không còn vui nữa,” ông tiếp tục, chỉ trích phe đối lập và truyền thông sử dụng bi kịch này cho động cơ chính trị.
Đối với Monika Todova, một phóng viên điều tra của tờ báo cạnh tranh “Dennik N” và là một người bạn của Jan Kuciak, ba ngày vừa qua là khoảng mờ.
Cô mất không cảm xúc, dễ vội vã và cố giữ vẻ chú tâm vào công việc, nhưng không dấu được quầng đen dưới mắt.
“Những tố cáo này [về sự dính líu với mafia] mới nghe thì giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng,” cô nói với tôi tại văn phòng biên tập tờ ”Dennik N”.
“Nhưng nó cũng giống như một giấc mộng tiếp tục khi tôi tỉnh dậy vào sáng thứ Hai và nghe được thông tin Jan đã qua đời, và ai đó đã giết chết anh ấy tại nhà riêng. Tôi không thể tin được. Chúng tôi hoàn toàn bị sốc.”
Todova giải thích rằng mặc dù làm việc cho những tờ báo cạnh tranh nhau, cô và Kuciak thường xuyên trao đổi liên lạc và thông tin, và cùng có một vài điểm chung.
Tổng biên tập của cô, Matus Kostolny đồng tình với thủ tướng rằng mọi chuyện đang vượt quá giới hạn.
Nhưng ông nói rằng giờ đây đó cũng là trách nhiệm của chính phủ, cảnh sát và luật pháp để đảm bảo quốc gia này đẩy lùi giới hạn đó.
Kostolny nói với BBC:
“Đây là cơ hội cuối cùng để thuyết phục người dân rằng Slovakia không phải là một quốc gia nơi mà nhà báo bị giết chỉ vì tác nghiệp bình thường, và không thể có chuyện đó xảy ra.”
“Nơi mà những nhà chính trị gia có thể là một phần của các bê bối tham nhũng, và không có việc gì xảy đến, họ vẫn được giữ lại trong chính phủ này” ông tiếp tục.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng để thuyết phục người dân rằng Slovakia không phải là một nhà nước mafia.”
Tại một điểm tưởng niệm phóng viên và vợ chưa cưới bị giết cạnh bức tường nhà thờ địa phương, những người qua đường dừng lại.
Có người quỳ gối trước cả biển nến đỏ trong trời giá buốt.
Một người đàn ông đứng đó khoảng 20 phút và tôi chỉ thấy môi của ông ta khẽ đọc lời cầu nguyện.
Thủ tướng Fico và chính phủ của ông vốn có dính líu tới một vụ bê bối liên quan đến một nhà đầu tư bất động sản gian lận thuế đã bị các cuộc biểu tình trước đó phản đối.
Nhưng các nhà chính chị gia đang chuẩn bị phải ứng phó với một làn sóng biểu tình mới có thể còn rộng lớn hơn rất nhiều.
Có lẽ đồng minh lớn nhất của họ chỉ có thể là thời tiết ban ngày vào hôm thứ Sáu (2/3), khi sinh viên lên kế hoạch biểu tình ở thủ đô, thì nhiệt độ là khoảng -4 độ C.
Nhưng vẫn có một cảm giác không thực tế tại quốc gia nhỏ bé thuộc EU và khối NATO này.
Thêm một vụ hỏa hoạn
Nhiều giờ sau tin tức về vụ giết người gây chấn động, một ngọn lửa bùng phát đốt cháy mái một toà nhà tại Kosice, phía đông Slovakia, nơi có sự hiện diện của cơ quan thuế.
Ngọn lửa khiến cho đội cứu hoả mất đến 24 giờ để dập tắt.
Các quan chức nhấn mạnh với công chúng rằng vụ hỏa hoạn chỉ là một sự cố.
Cơ quan thuế, họ nói, được đặt tại một tầng thấp hơn; không có tài liệu nào bị mất, không có hồ sơ nào về trợ cấp của Liên minh Châu Âu bị đốt cháy.
Nhưng đây là những ngày kì lạ ở Slovakia.
Hai người trẻ tuổi bị giết chết và không một ai tin đây chỉ là sự tình cờ.
Tin mới nhất cho hay cảnh sát Slovakia đã bắt bảy người hôm thứ Năm trong cuộc điều tra về vụ sát nhân. Ba người trong số này được cho là công dân Ý.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43258370
Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Hoa Kỳnới lỏng luật
với Đài Loan
Trung Quốc vào ngày 2 tháng 3 tiếp tục lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ vi phạm nguyên tắc một nước Trung Quốc khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật mang tên Du lịch Đài Loan, cho phép các viên chức Mỹ gặp gỡ những người đồng cấp trong Chính phủ Đài Bắc, và những quan chức Đài Loan có thể đến Mỹ gặp gỡ một cách thỏai mái những viên chức Mỹ ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, trích tuyên bố như trên của phát ngôn nhân văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Hoa Lục, ông An Phụng Sơn. Ông An cũng cảnh cáo Đài Loan là đừng dựa vào những thế lực nước ngoài mà mang vạ vào thân.
Xin nhắc lại là từ năm 1979, Hoa Kỳ chỉ chính thức công nhận một nước Trung Quốc là Trung Hoa Lục địa, nhưng những quan hệ kinh tế và quân sự với Đài Bắc vẫn được duy trì.
Trung Quốc thì coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể thu hồi bằng võ lực nếu cần thiết. Vào năm 2016, Đài Loan có một vị Tổng thống mới là bà Thái Anh Văn có khuynh hướng đại diện cho những người Đài Loan muốn lãnh thổ này độc lập với Bắc Kinh.
Tờ Trung Hoa Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết vào hôm thứ Sáu 2/3/2018 rằng dự luật Du lịch Đài Loan của Mỹ sẽ khuyến khích bà Thái theo đuổi mục tiêu độc lập như thế.
Châu Á lo ngại chiến tranh thương mại
sau khi Trump lên kế hoạch đánh thuế nhôm thép
Mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại sẽ xảy ra sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố thuế suất đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ vào tuần tới.
Tin liên quan cũng khiến giá cổ phiếu của các nhà sản xuất và cung cấp thép cho thị trường Mỹ bị sụt giảm.
Theo đó, việc đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm sẽ được thông báo chính thức vào tuần tới, mặc dù các quan chức Nhà Trắng có trấn an rằng một số chi tiết cụ thể cần được xem xét lại.
Bộ Trưởng Thương Mại Austraila, ông Steven Ciobo, cho rằng việc áp thuế như thế này sẽ làm méo mó thương mại và gây ra tình trạng thất nghiệp.
Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 2% lượng thép nhập khẩu của Mỹ nhưng việc mở rộng ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc đã sản xuất ra một lượng lớn thép dư thừa khiến giá thép trên thế giới giảm.
Các nhà sản xuất Châu Á lo ngại rằng chính sách thuế của Hoa Kỳ có thể dẫn đến việc thị trường trong nước của họ tràn ngập các sản phẩm thép dư thừa không thể tiêu thụ.
Hàn Quốc, nước xuất khẩu thép lớn thứ ba sang Hoa Kỳ sau Canada và Brazil, cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các quan chức Mỹ cho đến khi kế hoạch thuế của Washington được chính thức thực hiện.
Ấn Độ cũng nêu lên những lo ngại về việc sử dụng các điều khoản về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, theo điều được gọi là điều tra Mục 232.
Canada, Brazil và EU cho biết họ sẽ xem xét hành động đối với chính sách thuế quan.
Thép đã trở thành một quan tâm lớn của tổng thống Trump, người cam kết khôi phục ngành công nghiệp của Mỹ và trừng phạt những gì mà ông coi là những thực tiễn thương mại không công bằng, đặc biệt từ Trung Quốc.
Chính quyền Trump nêu ra những lợi ích an ninh quốc gia khi thực hiện chính sách thuế này và cho biết Hoa Kỳ cần nguồn cung cấp nhôm thép nội địa để sản xuất xe tăng và tàu chiến.
Robert Carnell, chuyên gia nghiên cứu tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ING, Singapore cho biết: “Thế giới đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến thương mại sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố về mức thuế quan đối với thép và nhôm – và điều này có thể đẩy nền kinh tế dẫn đến suy thoái.
Thị trường chứng khoán hôm 01/03 đã chứng kiến sự sụt giảm 2.5 của chỉ số Nikkei của Nhật Bản. Các nhà sản xuất thép Châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất là POSCO của Hàn Quốc và Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp của Nhật Bản.
Hoa Kỳ và Nga tranh cãi
về vũ khí siêu thanh ‘bất khả chiến bại’
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/3 lên tiếng cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp định có từ thời kỳ chiến tranh lạnh sau khi Tổng thống Nga Putin cho biết nước Nga đã chế tạo các vũ khí đời mới mà ông gọi là vũ khí siêu thanh bất khả chiến bại và tàu ngầm.
Tại một trung tâm triển lãm gần Kremli hôm thứ năm, Tổng thống Putin đã cho trình chiếu một loạt các video cho thấy các tên lửa bay qua núi, biển, bay qua Đại Tây Dương trước khi bắn vào bờ phía đông của Mỹ. Ông Putin nhắc lại điều ông đã nói hồi năm 2004 rằng nước Nga sẽ phát triển một thế hệ vũ khí mới, và giờ đây điều đó đã được thực hiện.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với báo giới rằng việc Tổng thống Nga Putin cho chiếu các video đó là một hành động không có trách nhiệm. Bà nói ông Putin đã xác nhận điều mà chính phủ Mỹ bấy lâu nghi ngờ về kế hoạch của Nga, mà trước đó nước này đã bác bỏ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga đã phát triển các hệ thống vũ khí này trong hơn một thập kỷ qua, trực tiếp vi phạm các nghĩa vụ của hiệp ước về tên lửa tầm trung ký năm 1987 (gọi tắt là INF).
Hoa Kỳ từ lâu đã cáo buộc Nga vi phạm INF nhưng vẫn khẳng định Hoa Kỳ tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.
Điện Kremli hôm thứ sáu ngày 2/3 lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng nước này đang phát triển các vũ khí mới trong hơn một thập kỷ qua.
Người phát ngôn điện Kremli, Dmitry Peskov nói với báo giới tại cuộc họp báo hôm thứ sáu rằng Nga bác bỏ các cáo buộc rằng Nga đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước INF. Ông Peskov cũng bác bỏ cáo buộc rằng bài phát biểu của Tổng thống Putin sẽ khiến Nga thêm cô lập trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định bài phát biểu không nhằm bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang.
Trước đó, trong bài phát biểu của mình trước các quan khách tại triển lãm ở Moscow khi trình chiếu những video vũ khí mới, Tổng thống Putin nói đại ý rằng không ai muốn nghe nước Nga trước kia nhưng bây giờ thì đã khác.
Nam Hàn sắp gởi đặc sứ tới Bắc Hàn
Seoul, Nam Hàn. (Reuters) – Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm Thứ Năm 1 tháng 3, đã gọi điện thông báo với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng, Seoul sẽ gởi một đặc sứ tới Bắc Hàn, nhằm đáp lại chuyến thăm của đại diện miền bắc Kim Yo-jong.
Hai vị tổng thống cũng đồng ý tiếp tục đi theo các tiến triển hiện tại trong vấn đề đối thoại liên Triều, và tiếp tục nỗ lực để tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, theo thông cáo của văn phòng Tổng Thống Moon tại Seoul. Ông Moon Jae-in trước đây đã định dùng sự kiện Olympics Mùa Đông PyeongChang để mở ra cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, nhằm xoa dịu căng thẳng hạt nhân giữa 2 nước, vốn đã gây lo ngại về an ninh toàn cầu. Tổng Thống Moon, người lâu nay vẫn ưu tiên dùng cách đối thoại để giảm căng thẳng với Bắc Hàn, vào đầu tuần đã kêu gọi Washington nên giảm bớt các giới hạn về đàm phán với Bình Nhưỡng. Trong cuộc họp với tướng Bắc Hàn Kim Yong-chol vào Chủ Nhật vừa qua, ông Moon cũng thúc giục Bắc Hàn nên đối thoại với Hoa Kỳ một cách sớm nhất có thể.
Kim Jong Un đã đáp lại rằng, nước này hiện sẵn sàng tổ chức đàm phán. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn bác bỏ mọi khả năng thương lượng, trước khi Bắc Hàn có hành động cụ thể để giải trừ hạt nhân. Các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã không có tiếp xúc gì trong suốt kỳ Thế Vận Hội tại PyeongChang. Vào tuần trước, Washington đã ban hành một loạt các lệnh trừng phạt, mà Tổng Thống Trump gọi là các hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhắm vào chính phủ Bình Nhưỡng. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/nam-han-sap-goi-dac-su-toi-bac-han/
TT Trump:
‘Chiến tranh thương mại là tốt, và dễ thắng’
Một ngày sau khi công bố mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/3 viết trên Twitter rằng “Các cuộc chiến thương mại là tốt, và dễ thắng”.
“Khi một nước (Mỹ) thua thiệt hàng tỷ đôla trong quan hệ thương mại với hầu như mọi nước khác mà nó có quan hệ làm ăn, các cuộc chiến thương mại là tốt, và dễ thắng”, ông Trump viết trên Twitter. “Ví dụ, khi chúng ta sụt giảm 100 tỷ đôla với một quốc gia nào đó và họ hưởng lợi, đừng làm ăn nữa – chúng ta thắng lớn. Dễ thôi!”
Lo sợ về chiến tranh thương mại leo thang đã gây ra đợt bán tháo trên Phố Wall, cũng như ở châu Á và châu Âu, tác động nhiều nhất đến giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép cung cấp cho thị trường Mỹ.
Ông Trump tin rằng thuế quan sẽ bảo vệ việc làm của người Mỹ, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng tác động của việc tăng giá đối với những người sử dụng thép và nhôm, như ngành công nghiệp ô tô và dầu khí, sẽ gây hại đến công ăn việc làm nhiều hơn tác dụng hạn chế nhập khẩu.
Hôm 2/3, bộ trưởng thương mại Australia nói các biện pháp này có nguy cơ gây ra hành động trả đũa từ các nền kinh tế khác và có thể gây hại tới công ăn việc làm, cùng lúc, Trung Quốc dự đoán có những tác hại đến thương mại nếu các nước khác theo chân Hoa Kỳ.
Tại Brussels, Ủy ban châu Âu gọi bước đi này là một sự can thiệp trắng trợn cấu thành chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, ủy ban không đề cập đến việc trả đũa, mà thay vào đó họ nói về các biện pháp đối trọng tuân theo với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-chien-tranh-thuong-mai-la-tot-va-de-thang/4277671.html
Đại sứ Mỹ tại Mexico từ chức giữa lúc quan hệ căng thẳng
Đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico, Roberta Jacobson, sẽ từ nhiệm vào tháng 5, bà cho hay hôm 1/3, trở thành một người nữa tham gia danh sách ngày càng dài gồm các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chức trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.
Quyết định của bà Jacobson được đưa ra cùng lúc mối quan hệ giữa hai nước láng giềng đang ở giai đoạn trầm, do những đe doạ của ông Trump về việc từ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và buộc Mexico phải trả tiền cho bức tường biên giới.
Bà Jacobson nói bà không biết ai sẽ thay thế mình.
Sáng hôm 1/3, tờ Reforma của Mexico đưa tin ông Trump dự định đề cử cựu giám đốc điều hành AT & T, Ed Whitacre, làm đại sứ tiếp theo tại Mexico.
Được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, bà Jacobson trở thành đại sứ tại Mexico vào tháng 5/2016, sau khi giữ chức Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề Tây bán cầu.
Nhiều người đã tiên liệu ông Trump sẽ nhanh chóng loại bỏ bà Jacobson vì mối liên hệ của bà với chính quyền ông Obama, và vì bà thường mạnh miệng bày tỏ sự khác biệt về một số tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ, như đề xuất của ông về bức tường biên giới.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, bà ngày càng bị coi là hữu danh vô thực, với việc các nhà ngoại giao Mexico chọn cách trao đổi về chính sách ngoại giao với Hoa Kỳ thông qua kênh các cố vấn của Tòa Bạch Ốc, đặc biệt là con rể của ông, Jared Kushner.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-my-tai-mexico-tu-chuc-giua-luc-quan-he-cang-thang/4277435.html
Phe Cộng hòa chưa muốn
hành động về luật súng dù Trump hối thúc
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Năm tỏ dấu hiệu cho thấy họ do dự nghe theo lời của Tổng thống Donald Trump kêu gọi những thay đổi sâu rộng đối với luật về súng ống, bao gồm các biện pháp thường được phe Dân chủ ủng hộ.
Ông Trump gây sốc cho các nghị sĩ đồng đảng hôm thứ Tư khi ông ủng hộ một loạt các hạn chế đối với việc bán súng để đáp lại vụ xả súng ngày 14 tháng 2 tại một trường trung học phổ thông ở Parkland, bang Florida, khiến 17 người thiệt mạng.
Nhưng ông phó thác vấn đề này cho Quốc hội, và ông không nói ông sẽ gây áp lực mạnh tới mức nào trong nội bộ đảng của ông để thúc đẩy các biện pháp mà nhiều người Mỹ xem là vi phạm quyền hiến định của họ là được sở hữu súng.
Lãnh đạo Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell nói rằng luật về ngân hàng – không phải súng ống – sẽ đứng đầu nghị trình tuần sau, và nói quá trình cho các dự luật liên quan tới súng vẫn đang được thảo luận.
Ông McConnell nói rằng ông hy vọng cuối cùng sẽ nhìn thấy cuộc tranh luận về một dự luật có phạm vi hạn hẹp từ Thượng nghị sĩ John Cornyn của bang Texas, nhân vật số 2 của phe Cộng hòa trong Thượng viện, mà sẽ củng cố cơ sở dữ liệu về những người không được phép mua súng hợp pháp.
“Chúng tôi muốn làm điều đó vào một thời điểm nào đó. Tôi hy vọng có một con đường tiến về phía trước,” ông McConnell nói.
Phe Dân chủ Thượng viện thì nói họ muốn có cuộc tranh luận về kiểm tra lí lịch tại các hội chợ súng và những vụ mua bán súng trên mạng, cùng những biện pháp khác, nhưng nói ông Trump cần phải hối thúc các đồng nghiệp của mình.
“Một cuộc họp công khai sẽ không khép lại các lỗ hổng kiểm tra lí lịch,” Lãnh đạo Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer nói. “Những ngày sắp tới sẽ chứng minh liệu những lời của Tổng thống ngày hôm qua có phải là những lời bất thường hay không – tôi hy vọng là không.”
Nhà Trắng dự kiến sẽ đưa ra một danh sách các biện pháp chính sách mà ông Trump ủng hộ, nhưng phát ngôn viên Sarah Sanders hôm thứ Năm mô tả quá trình này là một “cuộc thảo luận đang diễn tiến.”
Ông Trump hôm thứ Tư dường như ủng hộ một số biện pháp bị phản đối bởi Hiệp hội Súng trường Quốc gia, một tổ chức vận động cho quyền sở hữu súng có nhiều thế lực và từng công khai ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Ông đã lên tiếng ủng hộ nâng độ tuổi mua súng hợp pháp từ 18 lên 21 tuổi và bày tỏ quan tâm đến các luật cấp bang cho phép cảnh sát tạm thời tịch thu súng từ những người được cho là nguy hiểm.
Ông Duterte tuyên bố không hợp tác với Báo cáo viên LHQ
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẽ không hợp tác với các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đang xem xét những vụ giết người ngoài vòng pháp lý đã được thực hiện dưới quyền cai trị của ông.
Đó là phản ứng của ông Duterte sau khi chính phủ Philippines tuyên bố Manila sẵn sàng dón tiếp một Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tới Philippines để tìm hiểu một loạt vụ giết người xảy ra trong khuôn khổ của chiến chống ma túy của ông Duterte.
Ông Duterte nói:
“Khi báo cáo viên về nhân quyền hay là gì gì đó tới đây, thì lệnh của tôi cho quý vị là, đừng trả lời… Họ là ai, ông là ai mà đòi can thiệp vào cách tôi điều hành đất nước tôi chứ?”
Ông Duterte trong thời gian qua là người chỉ đạo một chiến dịch diệt trừ các hoạt động ma túy mà các tổ chức giám sát nhân quyền nhận định là cấu thành các tội ác chống nhân loại.
Cảnh sát Philippines cho biết họ đã giết chết hơn 4000 nghi can buôn bán ma túy, nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng số tử vong vượt quá 12,000 người.
https://www.voatiengviet.com/a/duterte-tuyen-bo-khong-hop-tac-voi-bao-cao-vien-lhq/4277616.html
Triều Tiên phủ nhận hợp tác với Syria về vũ khí hóa học
Triều Tiên bác tin họ hợp tác với Syria về vũ khí hóa học và gọi đó là sự xuyên tạc của Mỹ nhằm gây áp lực lên nước này, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin cuối ngày thứ Năm.
Thông tấn xã nhà nước KCNA dẫn lời một phát ngôn viên tại viện nghiên cứu Mỹ của bộ ngoại giao nói rằng Mỹ đưa ra “lập luận phi lý” rằng Triều Tiên đã giúp Syria sản xuất vũ khí hóa học.
“Như chúng tôi đã nói rõ ràng nhiều lần, nước cộng hòa của chúng ta không phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học và chúng tôi chống lại vũ khí hóa học,” phát ngôn viên này nói, thông qua KCNA.
Robert Wood, đại sứ Hoa Kỳ tại Hội nghị Giải trừ quân bị, cho biết mối quan hệ giữa Triều Tiên và Syria liên quan đến hoạt động phi đạn và các thành phần vũ khí hóa học đã tồn tại từ lâu.
Hai lô hàng của Triều Tiên gửi tới một cơ quan chính phủ Syria chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hóa học của nước này đã bị chặn lại trong sáu tháng qua, theo một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc về những vi phạm chế tài của Triều Tiên.
Triều Tiên đã bị Mỹ áp đặt chế tài từ năm 2006 về các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân và Hội đồng Bảo an đã tăng cường các biện pháp nhằm đáp lại sáu cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và một số vụ phóng phi đạn tầm xa.
Cơ quan giám sát vũ khí hóa học của thế giới ở The Hague đã mở một cuộc điều tra hôm Chủ nhật về các vụ tấn công nhắm vào khu vực bị bao vây do phiến quân kiểm soát ở Đông Ghouta nhằm xác định xem liệu vũ khí bị cấm có được sử dụng hay không, các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters.
Syria đã ký lệnh cấm vũ khí hóa học quốc tế vào năm 2013, như một phần trong thỏa thuận do Moscow làm trung gian điều giải để ngăn các cuộc không kích trả đũa của Mỹ sau vụ tấn công bằng khí độc giết chết hàng trăm người mà Washington quy trách cho Damascus. Trong những năm sau đó, trữ lượng khí độc bị cấm mà Syria khai ‘báo đã bị tiêu hủy bởi các giám sát viên quốc tế.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-phu-nhan-hop-tac-voi-syria-ve-vu-khi-hoa-hoc/4277131.html
Chính phủ Đức bị tấn công mạng
để tìm ‘dữ liệu nhạy cảm’
Đợt tấn công mới nhất vào các trang mạng của chính phủ Đức liên quan đến các phần mềm độc hại phức tạp và nhằm vào những dữ liệu nhạy cảm hơn so với cuộc tấn công năm 2015 vào Quốc hội, Reuters dẫn lời một thành viên hàng đầu trong đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel cho biết hôm 1/3.
Ông Patrick Sensburg, một thành viên của Ủy ban Quốc hội giám sát các Cơ quan tình báo Đức, nói với đài ZDF rằng phải cần thời gian để phân tích vụ việc mà chính phủ Đức hôm thứ Tư tuyên bố là đã kiểm soát được.
Ông nói hãy còn quá sớm để khẳng định cuộc tấn công mạng có liên quan đến một nhóm hacker Nga có tên là APT28, như truyền thông Đức tường thuật, mặc dù ông nói có đủ bằng chứng cho thấy nhóm này có liên kết với một cơ quan tình báo của Nga.
Đức hôm thứ Tư cho biết các giới chức an ninh đang điều tra một vụ tấn công độc lập vào các mạng máy tính của chính phủ, nhưng vụ việc đã được kiểm soát. Đức không xác nhận liệu bộ ngoại giao và quốc phòng có bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công này.
Theo lời ông Sensburg, có tin đồn về một vụ tấn công mạng chính phủ, nhưng ủy ban cấp cao của ông không được các giới chức chính phủ thông báo về vụ tấn công.
Cuộc chiến trên mạng
“Đang có một cuộc chiến diễn ra trên mạng”, Reuters dẫn lời ông Sensburg nói và cho biết thêm rằng vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ dữ liệu nào bị đánh cắp trong vụ tấn công hay không, và nếu có, thì đó là loại dữ liệu nào.
Tuy nhiên, ông Sensburg nói vụ tấn công rõ ràng tập trung vào các dữ liệu nhạy cảm hơn so với vụ tấn công năm 2015 vào Hạ viện, dẫn tới việc mất 16 gigabyte dữ liệu, mà các giới chức Đức đổ lỗi cho nhóm hacker APT28, còn được gọi là Fancy Bear hay Sofacy.
Nhật báo Bild tường thuật rằng các giới chức an ninh Đức đã bị bất ngờ bởi sự tinh vi của cuộc tấn công, vượt quá mức độ từng gặp trước đó, và đưa ra giả định rằng vụ tấn công không phải từ nhóm hacker đã thực hiện vụ tấn công năm 2015.
Trong khi đó, Benjamin Read, người đứng đầu bộ phận phân tích gián điệp mạng của FireEye, một công ty an ninh mạng có trụ sở ở Mỹ, nói vụ việc ở Đức có thể là một phần trong loạt tấn công do APT28 thực hiện chống lại các thực thể liên quan đến chính phủ Mỹ và châu Âu trong năm 2016 và 2017.
Các quan chức tình báo Đức từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang hồi năm ngoái.
Các chính phủ phương Tây và các chuyên gia an ninh nói APT28 có liên kết với một cơ quan tình báo Nga, và đổ lỗi cho nhóm hacker này đã thực hiện vụ tấn công hệ thống mạng của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Moscow trước đây phủ nhận rằng họ không có dính dáng gì với các cuộc tấn công mạng vào hệ thống chính trị Đức.
Nhà lập pháp bảo thủ Roderich Kiesewetter của Đức nói với tờ Die Welt rằng cuộc tấn công cho thấy các cơ quan chính phủ cần có nhiều nguồn tài chính và nhân sự hơn để đối phó với các cuộc tấn công.
Các quan chức tình báo hàng đầu nước này kêu gọi các nhà lập pháp trao cho họ nhiều quyền hạn về pháp lý hơn để “phản công” trong trường hợp các cuộc tấn công mạng xuất phát từ các cường quốc nước ngoài.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-duc-bi-tan-cong-mang-de-tim-du-lieu-nhay-cam/4276223.html
Thái Lan : Gần 40 đảng đăng ký tranh cử
Ngay trong ngày đăng ký đầu tiên hôm nay 02/03/2018 tại Bangkok, có đến gần 40 đảng chính trị mới thành lập làm thủ tục tham gia cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào đầu năm 2019. Đây là lần đầu Thái Lan tổ chức bầu cử, sau vụ quân đội đảo chính năm 2014.
Ủy Ban Bầu Cử Thái Lan cho AFP biết, đã có 38 đảng đăng ký tham gia. Có thể kể đảng Dân Chủ Xiêm, đảng Đoàn Kết Thái Lan…với các biểu trưng (logo) mới và hầu hết những người đứng đầu chưa từng tham chính. Chủ tịch các đảng này xuất thân từ giới doanh nhân, giảng viên đại học, và cũng có những đảng do nông dân thành lập, thậm chí có cả một ngôi sao YouTube.
Hạn chót đăng ký cho các đảng là cuối tháng Ba, và Ủy ban bầu cử có 30 ngày để xét duyệt. Tập đoàn quân sự cầm quyền từ bốn năm qua vẫn chưa ấn định ngày bầu cử cụ thể, nhưng cho biết trễ nhất là tháng 02/2019.
Gần 20 năm qua, đời sống chính trị Thái Lan do đảng Puea Thai thống trị. Đảng này chiến thắng tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001, nhưng nay đang yếu đi vì các thủ lãnh là bà Yingluck và ông Thaksin Shinawatra đang phải sống lưu vong.
Từ khi lên nắm quyền, giới quân nhân luôn lo ngại gia tộc Shinawatra quay lại. Trên thực tế, sau vụ đảo chính năm 2006, gia đình Shinawatra cũng đã thắng cử ngay sau đó. Lần này bên quân đội chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Theo Hiến Pháp mới, họ có quyền kiểm soát Quốc Hội, và Thượng Viện hoàn toàn được chỉ định.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180302-thai-lan-gan-40-dang-dang-ky-tham-gia-tranh-cu
Quốc Hội Trung Quốc có trên 100 tỉ phú đô la
Các hãng tin AFP và Reuters hôm nay 02/03/2018 trích dẫn danh sách của tạp chí Hồ Nhuận (Hurun) cho biết, trong số các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc hiện có trên 100 tỉ phú đô la. Tuy số lượng không tăng, nhưng tổng tài sản những người siêu giàu tại đất nước cộng sản này lại nhiều hơn năm ngoái.
Trong số 5.100 đại biểu Quốc Hội (gồm hai cơ quan là NPC và CPPCC), có 102 tỉ phú đô la, theo bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc của Hurun. Đứng đầu là Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), chủ tịch tập đoàn Tencent Holdings với 295 tỉ nhân dân tệ (trên 46 tỉ đô la).
Tại Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc (NPC), cơ quan lập pháp nhưng thực chất do đảng Cộng Sản điều khiển, sẽ họp từ thứ Hai 05/03, có thể kể thêm các ông Lôi Quân (Lei Jun), chủ công ty sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi; ông Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tập đoàn xe hơi Geely (Cát Lợi).
Tại Hiệp Chính Hội (CPPCC), cơ quan tham vấn gồm các đại biểu của 8 «đảng dân chủ» và Mặt Trận Tổ Quốc sẽ họp phiên thường niên từ ngày mai, có ông chủ tập đoàn địa ốc Evergrande là Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin); ông Lý Ngạn Hoành (Robin Li), chủ tập đoàn internet nổi tiếng Baidu (Bách Độ), Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), sở hữu tập đoàn thương mại điện tử JD.com.
Theo tính toán của Reuters, nhìn chung tài sản của trên 100 tỉ phú đô la kiêm đại biểu Quốc Hội này đã tăng lên một phần ba trong 12 tháng qua.
Bên cạnh đó, có 153 đại biểu sở hữu tài sản trên 2 tỉ nhân dân tệ (trên 310.000 đô la). Tổng tài sản của những người này là 650 tỉ đô la, gấp đôi tổng sản phẩm nội địa của Ailen. Năm ngoái số đại biểu đạt ngưỡng này có đến 209 người, nhưng tổng tài sản chỉ có 507 tỉ đô la.
Sự hiện diện của các doanh nhân trong Quốc Hội được hoan nghênh, vào lúc Bắc Kinh muốn chuyển đổi nền kinh tế sang khu vực dịch vụ và công nghệ mới. Nhưng từ vài tháng qua, chính quyền Trung Quốc đã siết chặt gọng kềm đối với một số tập đoàn tư nhân như HNA, Wanda, Anbang, do vấn đề nợ nần và mua lại các công ty của nước ngoài.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180302-quoc-hoi-trung-quoc-co-tren-100-ti-phu-do-la
Hoa Kỳ đòi LHQ điều tra
về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria
Hoa Kỳ yêu cầu Hội Đồng Bảo An mở một cuộc điều tra mới về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria sau khi có những báo cáo về các vụ tấn công bằng khí chlore tại vùng Đông Ghouta.
Theo hãng tin AFP, hôm qua, các nhà ngoại giao đã họp lại để thảo luận về dự thảo nghị quyết của Mỹ sau khi Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria tố cáo đã có 14 trường hợp bị ngạt thở, trong đó có một trẻ em bị chết, rất có thể là do một cuộc tấn công bằng khí chlore vào tháng Hai.
Theo bản dự thảo nghị quyết được đệ trình lên Hội Đồng Bảo An hôm thứ Tư, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc trong vòng một năm sẽ điều tra để xác định danh tính những kẻ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cho rằng rất có thể là Matxcơva, đồng minh của Damas, sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết của Mỹ.
Hôm nay, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève một cuộc « thảo luận khẩn cấp » về tình hình nhân đạo tại vùng Đông Ghouta, theo yêu cầu của Anh Quốc. Một dự thảo nghị quyết của Anh sẽ được 47 nước thành viên Hội Đồng biểu quyết. Văn bản yêu cầu thi hành nghị quyết mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vừa thông qua hôm thứ Bảy tuần trước về một lệnh ngừng bắn trong 30 ngày ở Đông Ghouta.
Lệnh ngưng bắn này cho tới vẫn không được tuân thủ. Hôm qua, Hoa Kỳ đã kêu gọi Nga gia tăng áp lực để buộc chế độ Bachar Al Assad tôn trọng lệnh ngưng bắn ở Đông Gouta. Hiện giờ, hơn 40 xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo vẫn chưa thể vào được vùng này, theo thông báo của trưởng nhóm hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về Syria, Jan Egeland.
Trong khi đó, hôm qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tổn thất nhân mạng nặng nề, với 8 lính thiệt mạng và 13 quân nhân khác bị thương, trong chiến dịch chống một lực lượng dân quân Kurdistan ở vùng Afrin, tây bắc Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180302-syria-my-doi-lhq-dieu-tra-ve-viec-su-dung-vu-khi-hoa-hoc
Bầu cử Quốc Hội Ý :
Berlusconi kêu gọi dồn phiếu cho liên minh trung hữu
Chỉ còn hai ngày nữa là đến kỳ bầu cử, trong lúc nhiều cử tri Ý vẫn chưa biết bầu cho ai, liên minh trung hữu hôm qua 01/03/2018 đã đưa ra lời kêu gọi hãy dồn phiếu cho mình. Các đảng liên kết lại dưới sự điều khiển của Silvio Berlusconi hứa hẹn tăng cường an ninh, kiểm soát nhập cư và giảm thuế. Đây là đề tài tâm đắc của cựu thủ tướng 81 tuổi, đang hy vọng phục thù.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Treca cho biết thêm chi tiết :
Bị mất chức vì sự kiện mà ông cho là một vụ đảo chính, bị hạ nhục vì bản án cấm tham chính do trốn thuế, Silvio Berlusconi không ra tranh cử nhưng ông đã trở lại, và chính ông là lãnh đạo đối lập cánh hữu. Ngồi giữa các đồng minh, Berlusconi ngự trị với vẻ an nhiên. Sau bữa tiệc ông cũng nói đùa vài câu, đó là lúc duy nhất mà ông cười.
Berlusconi đọc lại văn bản, đưa ra những con số, hứa hẹn giảm thuế, ít quan liêu hơn, ít áp lực tư pháp hơn. Bản thân ông cũng còn nhiều rắc rối với tòa án.
Irène, một phụ nữ lớn tuổi nằm trong số những khách mời hiếm hoi có mặt, cho biết chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Berlusconi. Bà nói : « Không có gì ở ông ấy mà không tuyệt vời, về mọi mặt. Ông là một người tự lập, một người đàng hoàng, không làm giàu bằng chính trị mà lại cống hiến tài sản của mình cho chính trị, và rất nhiệt tình. Tôi cho rằng Berlusconi là người tử tế nhất nước Ý ».
Đảng của ông Berlusconi liên kết với phe Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tại Nghị Viện Châu Âu, tuy vậy lại ra tranh cử cùng với Matteo Salvini, thuộc phe cực hữu, gần giống như Mặt Trận Quốc Gia của Marine Le Pen (ở Pháp). Làm thế nào họ có thể cùng lãnh đạo ? Tất cả đều khẳng định là không có vấn đề gì. Và ai sẽ là thủ tướng ? Không có câu trả lời. Điều quan trọng đối với họ là cùng sát cánh bên nhau, để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.