Bản tin sáng 1-3-2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin sáng 1-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đặt câu hỏi: Thỏa thuận ‘ngầm’ cho người ‘ngoài cuộc’ khai thác dầu khí ở Biển Đông? Bài viết bàn về hiện tượng các quốc gia đứng ngoài tranh chấp Biển Đông đến thăm dò dầu khí ở vùng biển này “bằng cách ký hợp đồng với một trong các chính phủ có tuyên bố chủ quyền”.
TS Ngô Hữu Phước trả lời phỏng vấn báo Đất Việt: Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài. TS Phước cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài “không chỉ có tác động tới các bên tranh chấp là Philippines và Trung Quốc, mà còn tác động đến những quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông và trên thế giới”.
Nhân quyền cho Việt Nam
Facebooker Trang Nguyễn viết: Thông tin mới nhất về tù nhân chính trị, mục sư Nguyễn Trung Tôn. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Tôn cho biết: “Những vết thương từ lần bị đánh đập trước đã không thuyên giảm mà còn đang trở nên nghiêm trọng hơn do không được thăm khám và điều trị”.
Bài viết đưa tin, hồi tháng 2/2017, mục sư Tôn đã bị an ninh bắt cóc tại Quảng Bình. Bọn bắt cóc đã dùng xe ô tô 7 chỗ đưa ông đến một khu rừng thuộc miền núi Hà Tĩnh rồi hành hung ông trong nhiều giờ liền. Sau đó nhóm này lột hết quần áo và tài sản, ném ông ngoài bìa rừng.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Ảnh: FB Trang Nguyễn
Blogger Phạm Đoan Trang nói quyết ở lại Việt Nam để chống độc tài, theo RFA. Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của blogger Phạm Đoan Trang, cho biết: “Không bao giờ Trang đi nước ngoài. Trang khẳng định chắc chắn điều đó. Ở Việt Nam người ta nói cột đèn cũng biết đi, chừng nào cột đèn cuối cùng của Việt Nam rời ra nước ngoài thì Trang mới đi”.
RFA có bài: Cựu nữ tù chính trị kể chuyện trại giam. Bà Cấn Thị Thêu chia sẻ: “Những tù nhân chúng tôi đoàn kết với nhau để chống lại chế độ hà khắc trong tù. Có người chịu án rất cao, có người án thấp nhưng chị em chúng tôi cũng bảo nhau tuyệt thực tập thể”.
Bà Mai Thị Dung, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, hai lần bị kết án với tổng cộng 11 năm tù, kể: “Bị bệnh thì không được trị bệnh, họ đối xử với mình còn thua một con thú. Khi mà họ chuyển tui ra Trại giam Xuân Lộc thì nhốt chung tui với những tù nhân xì ke ma túy”.
Vấn đề đất đai
RFA bình luận: Đất đai mãi là vấn đề nhức nhối trong xã hội chủ nghĩa. Theo bài viết, những bất ổn trong chính sách đất đai ở Việt Nam khiến các vụ nông dân đấu tranh giữ đất như trường hợp ở xã Đồng Tâm, vụ ông Đoàn Văn Vươn, vụ ông Đặng Văn Hiến… có khuynh hướng ngày càng tăng chứ không giảm.
Ông Trịnh Bá Phương, một trong những người nông dân kiên trì giữ đất ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, bình luận về chuyện ông Hiến nổ súng giữ đất ở Đắk Nông: “Công ty Long Sơn và chính quyền địa phương cấu kết với nhau, cố tình cướp đoạt đất đai, không giải quyết khiếu nại của ông Đặng Văn Hiến”.
Vụ sai phạm trong đền bù giải tỏa đất ở xã Điện Bàn, Quảng Nam: Kỷ luật 6 cán bộ liên quan vụ đền bù khống hàng tỉ đồng, theo báo Dân Trí. Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận chuyện một số cán bộ xã này đã tiến hành đền bù sai quy định, lập hồ sơ khống gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng, trong dự án khu dân cư – dịch vụ du lịch làng chài Điện Dương.
Giám sát luật, nhưng vi phạm luật
Công an là nhân viên công lực, tức là những người giám sát việc thi hành luật pháp của người dân, nhưng chính công an lại là kẻ vi phạm luật pháp: Công an đi ô tô biển số giả gây tai nạn chết người, theo báo Tiền Phong.
Trưa 16/2/2018, thượng úy công an Phạm Cao Hoàng đã lái xe mang biển số giả, đâm chết cụ ông Nguyễn Sỹ Ngụ, rồi tìm cách bỏ chạy và đổ tội cho nhân chứng Nguyễn Hữu Nam, là người đã tìm cách giữ ông Hoàng tại hiện trường. Biết được vụ việc, người dân liền tụ tập phản đối.
Trang An Ninh Tiền Tệ có bài: Cán bộ công an thừa nhận điều khiển xe mang biển giả gây tai nạn chết người. Bài báo cho biết, người nhà nạn nhân đã dựng rạp giữa đường để phản đối chuyện chiếc xe gây tai nạn bị tháo biển số. Trang VietNamNet lưu ý một số tình tiết mới vụ công an đi xe biển giả gây tai nạn chết người. Theo đó, chiếc xe gây tai nạn đã hết hạn kiểm định.
Kết quả là, gia đình bị hại xin giảm nhẹ cho công an đi xe biển giả đâm chết người, theo VietNamNet. Đại tá Trần Sinh Tố, Trưởng Công an huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, cho biết: Thượng uý Phạm Cao Hoàng, là người đã điều khiển xe đeo biển số giả gây chết người ngày 16/1/2018, sẽ “chỉ bị xử phạt hành chính về 2 lỗi là điều khiển xe ô tô mang biển số giả và điều khiển xe đã hết hạn kiểm định”.
Chiếc xe thượng uý công an Phạm Cao Hoàng điều khiển gây tai nạn. Nguồn: VNNN
Người dân thường chẳng may dính đến án giết người, dù là án oan, như trường hợp tử tù Hồ Duy Hải, phải trải qua 10 năm đấu tranh với tòa án nhưng vẫn chưa được giải quyết, theo phân tích của TC Luật Khoa. Còn trong vụ án xe biển giả gây chết người ở huyện Can Lộc, bằng chứng ở hiện trường đã xác định tội danh giết người, nhưng hung thủ chỉ phải chịu phạt nhẹ, lại còn được giảm án. Phải chăng đây là “đặc quyền” dành cho công an “nhân dân”?
Bạo hành trẻ em
Báo Công An TP HCM đưa tin: Bé trai bị chú xích cổ đi lang thang ngoài đường. Theo đoạn video clip lan truyền trên Facebook chiều 28/2/2017, một bé trai ở xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá, 14 tuổi, đã bị xích cổ bằng nhiều vòng dây xích sắt. Người dân đã báo công an xã sau khi phát hiện cháu bé này lang thang ngoài đường.
Mời xem clip bé trai bị xích cổ:
Có vẻ như phía cơ quan công quyền vẫn đồng tình với cách hành xử này, với lý do: Cháu bé phạm tội, trộm cắp tiền của người nhà, chơi game, nên phải bị trừng trị. Báo Dân Việt viết: Sự thật về clip cháu bé bị “xích cổ” ở Thanh Hóa. Bài báo cho biết, người chú quyết định xích cổ cháu bé lại để bà nội dễ “trông nom”.
Dựng lại niềm tin, liệu còn kịp?
Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Người Đô Thị về chuyện dựng lại niềm tin: Kiểm soát quyền lực. Bài viết nêu các ý kiến của ông Nguyễn Sự, cựu bí thư thành ủy Hội An, bàn về hiện tượng “thái tử Đảng”, chuyện tạo dựng phe cánh và tham nhũng quyền lực. Ông Sự cho rằng, các quy định của pháp luật cần phải chặt chẽ hơn, nhưng lại quên rằng dù có chặt chẽ đến mấy thì pháp luật Việt Nam vẫn nằm trong vòng kiểm soát của đảng cộng sản.
Từ lễ hội “thề không tham nhũng” ở Hải Phòng, trang VietNamNet đặt câu hỏi: Quan chức có dám thề? Về chuyện không một quan chức nào tham gia Lễ hội Minh Thề ở làng Hòa Liễu, huyện Kiến Thụy, bài viết so sánh hai luồng ý kiến: Một số lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy cho rằng, đảng viên phải noi gương ông Hồ chứ không theo thần linh, còn một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho biết, sẽ vận động cán bộ đến “thề”, nhân chiến dịch “đốt lò”.
Tranh minh họa của họa sĩ Lê Phương (Leo)/ VNN
“Tinh thần trách nhiệm” của cán bộ
Vụ 7 viên chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định đi lễ đền Trần trong giờ hành chính, lãnh đạo KBNN quyết định đình chỉ phó giám đốc kho bạc đi lễ giờ hành chính, theo Zing. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, hành vi này đã vi phạm công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu KBNN tiến hành kỷ luật nghiêm.
Đoàn cán bộ, công chức KBNN thành phố Nam Định đi lễ trong giờ hành chính. Ảnh do Zing cắt từ video clip của VTV
Thêm lãnh đạo đi hỏi “ơn thần linh” trong khi đang nhận “ơn đảng”: Đình chỉ công tác Giám đốc Điện lực Bình Lục đi lễ giờ hành chính, VTV đưa tin. Theo đó, Công ty Điện lực Hà Nam xác nhận có chuyện Giám đốc Điện lực Bình Lục Nguyễn Hữu Nghị và một số viên chức đi lễ Đền Trần trong giờ hành chính.
Báo Lao Động bàn về vụ cán bộ bỏ nhiệm sở vì bị đòi nợ: Tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Về chuyện cán bộ Gia Lai làm thêm nghề “tín dụng đen”, UBND tỉnh thừa nhận, chuyện 2 nhân viên Sở Nội vụ Gia Lai xin nghỉ việc không có lý do vì bị đòi nợ, đồng thời yêu cầu giám đốc sở này báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 15/3/2018.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Khởi tố kế toán UBND 1 xã tham ô tài sản. Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Anh Tuấn, do hành vi lập hồ sơ khống rút tiền để tham ô trong làm đường giao thông nông thôn mới ở xã Thạch Sơn.
Ngân hàng ở Việt Nam
Trang VnExpress đặt câu hỏi: Những vụ khách VIP mất tiền tỷ trong ngân hàng, bây giờ ra sao? Bên cạnh vụ doanh nhân thủy sản mất 245 tỷ tiền gửi tại ngân hàng Eximbank vừa diễn ra gần đây, bài báo điểm một số trường hợp tương tự như: Vụ nữ doanh nhân mất 26 tỷ khi gửi tiết kiệm ở VPBank, vụ 43 tỷ đồng “bốc hơi” từ sổ tiết kiệm của một gia đình ở VietABank. Tất cả các trường hợp này đều chưa được giải quyết bồi thường.
Vụ doanh nhân Chu Thị Bình mất 245 tỷ: Luật sư riêng của bà Bình lên tiếng, theo báo Pháp Luật TP HCM. LS Phan Trung Hoài chia sẻ: Bà Bình vẫn đang chờ quyết định của Eximbank về cách thức và số tiền bồi thường, sau khi từ chối phương án tạm ứng hơn 14 tỷ. Theo đại diện Eximbank, phương án này “được ngân hàng đưa ra để giảm bớt căng thẳng trong thời gian chờ quyết định của tòa”.
Về phiên xử sai phạm ở ở ngân hàng Navibank: Sếp, lính đều kêu oan và đổ lỗi cho nhau, theo báo Dân Trí. Trong phần xét hỏi chiều 28/2/2018, cựu Tổng giám đốc Navibank và Trưởng phòng nguồn vốn đều cho rằng họ bị oan và đổ trách nhiệm cho nhau. Các bị cáo khẳng định họ không được hưởng lợi gì và làm việc chỉ vì lợi ích ngân hàng.
Đạo văn trong trong giới khoa bảng
Tiếp tục chuyện Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước rà soát chức danh GS, PGS: Nhiều hồ sơ phải để lại tiếp tục xem xét, báo Lao Động đưa tin. Sau cuộc họp ngày 27/2/2018, HĐCDGSNN thống nhất tạm gác lại những hồ sơ “có vấn đề” hoặc đang trong quá trình khiếu kiện, khiếu nại, đồng thời tiếp tục xin Chính phủ lùi hạn rà soát đến tháng 3. Theo bài viết, có cả hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong danh sách cần được xem xét lại.
Thông Tấn Xã Việt Nam có bài: Tranh cãi việc hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế ở diện xem xét lại. GS Phùng Đắc Cam khẳng định, bà Tiến hoàn toàn đủ tiêu chuẩn về trình độ, cống hiến để được giữ chức danh giáo sư. Tuy nhiên, HĐCDGSNN vẫn quyết định kiểm tra lại hồ sơ được cho là “đủ tiêu chuẩn” này.
GS Phạm Gia Khánh chia sẻ với báo Thanh Niên: ‘Chúng tôi rất suy nghĩ khi bỏ phiếu cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến’. GS Khánh lặp lại hầu hết những thông tin từ GS Cam và không trả lời được câu hỏi: Tại sao cũng với chừng ấy thành tích, bà Tiến bị trượt trong đợt xét GS, PGS cách đây khoảng 4 năm, nhưng lại đậu trong đợt xét năm 2017.
Trang VietNamNet đặt câu hỏi: Giáo sư và phó giáo sư 2018: Tiêu cực hay là xã hội mất lòng tin? Bài viết cho rằng: “Chuyện phong chức danh ở nước ta mới dừng lại ở chuyện vinh danh. Đó không phải là các vị trí khoa học theo đúng nghĩa”, vì quy định hiện hành chưa xác lập được “chức trách của các chức danh trong cơ cấu tổ chức và hoạt động ở các cơ sở đào tạo”.
GS Nguyễn Tiến Dũng viết: “Vấn đề không chỉ là anh ấy chị ấy có bao nhiêu công trình, đổi ra thành bao nhiêu điểm. Vấn đề quan trọng hơn là anh ấy, chị ấy có thực làm những cái đó không hay thuê ai làm hộ, copy từ ai. Anh ấy chị ấy có thực sự biết trong đó viết gì không. Có những vị, tôi nghĩ nếu là làm được thực sự 1/2 những gì trong danh sách vị đó đưa ra thì quá xứng đáng để phong tước rồi. Mấu chốt nằm ở chỗ ‘thực hay giả‘.”
Báo Tiền Phong đưa tin: Rà soát hơn 1.200 PGS, GS 2017: Phát hiện 1 người không đủ tiêu chuẩn. Theo kết quả họp ngày 27/2/2018 của HĐCDGSNN, mới chỉ có 1 trường hợp không đạt trong số 1.200 GS, PGS từ đợt “lạm phát” năm 2017. Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng khẳng định: Chỉ 20% trong số 90 GS, PGS không làm việc ở các trường đại học “có công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc, được các giải thưởng lớn”.
***
***
Thêm một số tin Việt Nam: Cải cách thể chế ở Việt Nam quá chậm chạp? (BBC). – Hà Nội đưa Hoa Kỳ ra WTO về biện pháp với cá da trơn Việt Nam nhập khẩu (RFA). – Tỷ giá “leo thang”, có lo lạm phát tăng tốc? (BizLive). – Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3 (VNE). – Hàng ngàn cán bộ sắp… rời ghế (NLĐ). – Bắt giữ 5 xe công nông vận chuyển hàng chục m3 gỗ trái phép (GT). – Hủy kết quả chấm phúc khảo vụ “thủ khoa” có nguy cơ trượt viên chức (NĐT). – Hủy kết quả chấm phúc khảo thi tuyển viên chức sau khi thí sinh khiếu nại (TN). – Xài bằng giả… Tổng giám đốc Công ty CT thủy lợi Hải Dương thôi chức (KT).

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Sau vụ xả súng hàng loạt vào ngày 14/2 ở một trường trung học thuộc tiểu bang Florida, giết chết 17 học sinh, người ta phát hiện viên cảnh sát  Scot Peterson đã không hành động khi xảy ra vụ xả súng. Ông Peterson đã từ chức nhưng nói rằng, ông tưởng súng nổ bên ngoài trường học và ông hành động như đã được huấn luyện.
Ông Peterson đã bị TT Trump gọi là kẻ hèn nhát và nói rằng, nếu ông Trump là Peterson, ông ta “có thể tay không” chống súng để ngăn thảm sát ở Florida. Phát biểu của ông trump đã dấy lên làn sóng chỉ trích hai ngày qua, rằng một kẻ giả vờ bị gai xương như Trump để trốn quân dịch tới năm lần, tiếp tục khoác lác rằng sẽ dùng “tay không đấu với súng”!
Tổng thống bị “gai xương” chạy ngược lại phía có tiếng súng. Biếm họa của BillDay
VOA có bài: Đa số dân Mỹ đánh giá ông Trump kỳ thị chủng tộc. Khảo sát của hãng tin AP, phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu NORC thuộc Đại học Chicago, cho biết: “Hơn phân nửa dân Mỹ, gồm phần lớn người gốc Phi và gốc Latin, cho rằng Tổng thống Donald Trump kỳ thị chủng tộc… Cứ 10 người được hỏi thì có hơn 9 người không tán thành cách ông Trump làm Tổng thống. 90% cho rằng nước Mỹ đang đi sai đường và 3/4 những người được hỏi cho rằng đường hướng đó đã tệ đi trong năm qua“.
Jared Kushner, con rể tổng thống Mỹ mất quyền tiếp cận thông tin mật. Do lo ngại Jared Kushner bị các nước bên ngoài thao túng, nên các quan chức cao cấp tòa Bạch Ốc đã tước quyền tiếp cận thông tin mật của con rể tổng thống.
Bài viết có đoạn, “có ít nhất 4 nước đang xem xét khả năng thao túng Jared Kushner: Trung Quốc, Israel, Mêhicô và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Mạng lưới công ty chằng chịt của Jared Kushner, khó khăn tài chính, sự thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao của nhân vật này đã biến ông thành một mục tiêu dễ thao túng, ngay trong giới thân cận với tổng thống Mỹ”. 
VOA có clip, loạn đả trong trại giam ở Mỹ:
Tin Bắc Hàn
BBC có bài: Cha con Kim Jong-un ‘từng dùng hộ chiếu Brazil giả’. Dẫn nguồn từ hãng tin Reuters cho biết, các chuyên gia an ninh Tây Âu nói với Reuters rằng, hai cha con Kim Jong-il và Kim Jong-un đã từng sử dụng hộ chiếu Brazil giả để xin visa vào các nước phương Tây hồi thập niên 1990.
Một nguồn tin ẩn danh của một viên chức an ninh cao cấp phương Tây nói với Reuters: “Họ sử dụng những cuốn hộ chiếu Brazil này, có rõ ảnh của ông Kim Jong-un và Kim Jong-il, để tìm cách xin thị thực từ sứ quán các nước. Điều này cho thấy mong muốn được đi nước ngoài và chỉ dấu nỗ lực xây dựng một con đường tẩu thoát của gia đình cầm quyền“.
Trung Quốc
Liên quan tới chuyện Trung Quốc muốn thay đổi Hiến pháp để bỏ giới hạn nhiệm kỳ, giúp Tập Cận Bình cầm quyền vĩnh viễn, BBC đặt câu hỏi: Liệu ông Tập có rời sân bóng sau 2023? Ông Lý Đại Đồng, cựu tổng biên tập Băng Điểm (Freezing Point), một tuần báo thuộc Nhật báo Đoàn Thanh niên, đã bị đuổi việc từ năm 2006, nói rằng:
Là công dân Trung Quốc, tôi có nghĩa vụ phải cho các đại biểu Quốc hội biết quan điểm của mình. Tôi không quan tâm các đại biểu có hành động gì hay không. Nhưng không thể mặc định là cả nước đều đồng ý với kiến nghị sửa Hiến pháp. Người ta chỉ bị buộc im lặng. Tôi không thể chịu được việc này nữa. Tôi đã thảo luận với các bạn bè và chúng tôi đều bực bội. Chúng tôi muốn nói lên sự phản đối của mình”.
***
***

 

Thêm tin thế giớiKhôi nguyên Nobel HB giục bà Suu Kyi chấm dứt diệt chủng Rohingya (VOA). – Cam Bốt: Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ (RFI). – Campuchia “sốc” vì Mỹ “khinh thường”, cắt viện trợ (VOA). – Tổng thống Philippines sẵn sàng từ chức trước nhiệm kỳ (GT). – Tổng thống Philippines có thể từ chức sớm, Nga chuyển tên lửa hạt nhân về thủ đô (NA). – Cuba: Lui về ở ẩn, Raul Castro tiếp tục nhiếp chính từ hậu trường (RFI). – Thành phần sống sót không dự cuộc gặp mặt ‘kẻ khủng bố và nạn nhân’ (RFA). – Nhà báo chống tham nhũng bị bắn chết gây chấn động châu Âu (ANTĐ). – Trung tâm văn hóa Hungary ở Ukraina bị bom: Budapest phản đối Kiev (RFI).

Bản tin sáng 1-3-2018