Hiệp định Paris 1973 chưa chết?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hiệp định Paris 1973 chưa chết?

Hiệp định Paris được ký‎ kết ngày 27.1.1973, cách đây 45 năm, giữa 4 bên: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (CSBV), Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam VN. Ngoài bốn bên tham chiến k‎ý kết, bản hiệp ước còn được Liên Hiệp Quốc và 12 nước cùng ký tên “bảo đảm” sự thi hành.

Chưa đọc nội dung bản hiệp định, chỉ mới nhìn vào “bốn bên” ký‎ tên đã thấy có điều không ổn: Hoa Kỳ và CSBV ký ngang nhau, VNCH chỉ được ký hàng dưới, ngang với bọn VC ở miền Nam, một con ma mà ai cũng biết do CSBV vẽ ra.

Trong hơn bốn năm thương thuyết, cũng chỉ có Kissinger (HK) và Lê Đức Thọ (CSBV) đi lại với nhau, trả giá với nhau cho đến khi đẻ ra cái quái thai được gọi là “Hiệp Định Chấm dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam” (Agreement on Ending the War and Restoring peace in Vietnam).

Trong gần 5 năm Hoa Kỳ và CSBV điều đình với nhau, VNCH bị đặt ra ngoài và đã bị đồng minh Hoa Kỳ ép buộc phải ký vào một “hiệp định hòa bình” mà TT Nguyễn Văn Thiệu gọi là “hòa bình của nấm mồ”.

Chuyện gì xảy ra sau đó và số phận của bản “hiệp định” ấy ra sao thì mọi người đã biết. Nay, sau 45 năm, biết bao nhiêu “nước đã chảy qua cầu”, bao nhiêu nước mắt và máu của dân Việt Nam vẫn còn tiếp tục chảy, thì Luật sư Lê Trọng Quát đã nhân danh “Thủ tướng Chính Phủ Pháp Định Việt Nam Cộng Hòa” viết cho TT Hoa Kỳ Donald Trump một bức thư (đề ngày 1.2.2018), có đồng kính gửi Tổng Thống, Thủ Tướng Pháp, Anh, Canada, Nga, Nam Dương, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Nguyên văn bức thư được dịch ra Việt ngữ và được phổ biến trên mạng điện tử như sau:

Kính thưa Tổng Thống,

Tình hình Biển Đông Á Châu càng ngày trầm trọng. Bên cạnh thái độ hung hãn của Chủ tịch Bắc Hàn Kim Yong Un hăm dọa phóng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử vào lãnh thổ Hoa Kỳ, Trung Cộng tăng cường quân sự hóa Trường Sa và Hoàng Sa bất chấp cảnh cáo của Hoa kỳ, hoành hành trong vùng biển thuộc nhiều quốc gia, làm suy giảm sự tin cậy của các nước trong Vùng với HK, điển hình là Phi Luật Tân

Ảnh hưởng xấu này đang lan tràn đến các nước vốn là đồng minh của HK nay dần dần ngả về TC trong kế hoạch TC kéo họ tham gia chương trình Ngân Hàng Á Châu Đầu Tư Hạ tầng Cơ Sở (Asia Investment in Infrastructures Bank) và chương trình xây dựng « Đường Tơ Lụa Mới » New Silk Road Funds xuyên Á – Trung Đông đến tận Phi Châu « One Belt One Road » (OBOR) nhằm phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Cộng trong một vùng rộng lớn bao trùm 68 quốc gia, 4,4 tỷ người, 62 % tổng lợi tức GDP thế giới và chất chứa 75% dự trữ năng lượng biết được.

Chủ trương bành trướng lãnh thổ và kinh tế vĩ đại này không gặp một sự cản trở nào, ngay cả tại vùng kế cận Đông Nam Á Châu. Sự kiện lạ lùng này đã rõ, bắt nguồn từ những sai lầm lớn lao của chính sách đối ngoại của đảng Dân Chủ Hoa Kỳ trong 72 năm nay.

– Thật vậy, đảng Dân Chủ Hoa Kỳ với Tổng Thống Harry Truman đã bỏ rơi nhiều dân tộc ở Đông Âu trong vòng tay của lãnh tụ cộng sản Staline sau Đệ Nhị Thế Chiến rồi tệ hại hơn nữa, bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc năm 1949 cho cộng sản Mao Trạch Đông trong lúc quốc gia này đã cùng chiến đấu với Hoa Kỳ chống Nhật và trở thành một trong 5 cường quốc thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từ sau khi Đồng Minh chiến thắng Nhật ở Thái Bình Dương, tháng 8, 1945.

– Tiếp đến là Tổng thống John F.Kennedy với những trách nhiệm nặng nề qua hai lỗi lầm quan trọng: sách lược quân sự “ bờ đê ngăn chận” đánh trả hạn chế, đánh địch nhưng không chủ trương thắng địch, của bộ trưởng Quốc Phòng MacNamara khiến cho cuộc chiến kéo dài cho đến khi Hoa Kỳ bỏ cuộc trong lúc có thể kết thúc thắng lợi cuộc chiến bất cứ lúc nào để củng cố vững chắc con đê ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng ở Đông Nam Á.

– Chính phủ Kennedy cũng đã tạo nên cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11, 1963 phá sập nền Đệ Nhất Cộng Hòa VN, và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người lãnh đạo hữu hiệu nhất của nước này, mở đường cho bộ đội Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập ồ ạt Miền Nam, làm suy yếu hẳn năng lực chống Cộng của VNCH khiến cho Hoa Kỳ phải đưa liên tục nhiều trăm ngàn quân vào Miền Nam, tham chiến từ 1965 đến 1973 với vô vàn tổn phí và hy sinh nhân mạng để cuối cùng thất bại.

– Thật vậy, tiếp tục thi hành chính sách đánh nhưng không được thắng, sau cuộc dội bom dữ dội các mục tiêu quân sự của CSBV trong suốt hai tuần trước lễ Giáng Sinh 1972, Hà Nội đã sẵn sàng đầu hàng nhưng Hoa Kỳ ngưng tấn công để vài tuần sau ký Hiệp Định Paris ngày 27 tháng 1, 1973, bán đứng VNCH cho CSBV. Riêng về vụ này, tổng thống Nixon muốn giữ lời hứa mang lại hòa bình cho Việt Nam, đã hứa với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ can thiệp mạnh và tức thời nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp Định, tấn công VNCH. Sự cam kết bằng nhiều văn thư chính thức của TổngThống Nixon đã không được thực hiện vì ông đã buộc phải từ chức bởi vụ Watergate và vì đa số nghị sĩ đảng Dân Chủ ở Quốc Hôi Hoa Kỳ đã ngăn cấm mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam.

– Vừa đây một số cựu giới chức tình báo Hoa Kỳ với ông Ted Gunderson đã tiết lộ công khai rằng Hà Nội đã xin đầu hàng tếp theo vụ dội bom trước Giáng Sinh 1972 nhưng Hoa Kỳ đã dấu nhẹm để tiếp tục hiệp thương với Hà Nội như ghi trên. Đây là một trường hợp đặc biệt cần được Tổng Thống cho điều tra để làm sáng tỏ một vụ hết sức quan trọng vì nếu thật như vậy thì không phải là một lỗi lầm mà rõ ràng là một hành động phản bội trắng trợn Đồng Minh VNCH và 57.000 chiến sĩ Hoa kỳ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam.

-Sau cùng cũng chính Đảng Dân Chủ Hoa Ký, qua đa số của họ ở Quốc Hội, đã ngăn cấm quân đội Hoa kỳ can thiệp chống lại các cuộc tấn công của quân đội cộng sản Bắc Việt, vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris 27 tháng 1, 1973 mà Định Ước chung quyết (Acte final) ngày 2 tháng 3 được chính phủ Hoa Kỳ ký kết với 11 chính phủ khác trước sự chứng giám của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, một sự can thiệp mà chính Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon đã chính thức cam kết thực hiện với Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu như đã ghi trên.

Tệ hại hơn nữa, với đa số ở quốc Hội, đảng Dân Chủ đã không cho tháo khoán 375 triệu đô-la còn lại trong ngân sách quân viện để quân đội VNCH tăng cường phương tiện chiến đấu trong trận chiến quyết định số phận của đất nước họ.

– VN là một tiền đồn án ngữ sự bành trướng của Trung Cộng về Đông Nam Á Châu nên không thể nào nằm mãi trong tay của CSVN, một đàn em của chính TC. Bởi những lệ thuộc chặt chẽ về nhiều mặt: giáo điều chủ nghĩa, công ơn của TC hỗ trợ tối đa cho CSVN trong cuộc xâm lăng VNCH, đảng CSVN không thể nào thoát ra được sự kiềm tỏa của TC, chưa kể Hiệp Ước Thành Đô năm 1990 đang dần dần thực hiện cho đến năm 2020 thì VN sẽ trở thành một Vùng Tự Trị của Trung Cộng.

– Để bảo vệ chính sinh mạng của quốc gia Việt Nam liên hệ mật thiết với an ninh và hòa bình của toàn vùng Đông Nam Á Châu và Thái Bình Dương, chúng tôi , Chính Phủ Pháp Định VNCH phản ảnh ý nguyện của dân tộc VN trong nước và ở hải ngoại, long trọng và thiết tha kêu gọi Tổng Thống Donald Trump vì quyền lợi chính đáng của Hoa Kỳ, đại cường của Thế Giới và đặc biệt của vùng Thái Bình Dương đang dậy sóng, ngăn chận cụ thể sự bành trướng đại qui mô của TC như kể trên và chế tài các hành động của chúng : bất chấp luật pháp quốc tế như vụ xâm chiếm và quân sự hóa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chiếm đoạt các vùng biển đảo của các nước khác trong vùng, kiểm soát các tuyến lưu thông trên không và trên biển, ngăn cản đe dọa các hoạt động đánh cá và khai thác dầu hỏa trên biển Đông Nam Á.

– Mặt khác, chúng tôi thỉnh cầu Tổng Thống cho thi hành đạo luật của Quốc Hội Hoa Kỳ PL 93-559-DEC.30, 1974 khoản 4 “phục hoạt Hội Nghị Paris nhằm thực hiện toàn vẹn các điều khoản của Hiệp Định Paris 27 tháng 1, 1973 về phần các đối tác Việt Nam….” mà VNCH chúng tôi là một đối tác chính.

– Với hiệu lực của đạo luật này và hiệu lực vĩnh viễn của Hiệp Định Paris – một hiệp định quốc tế không bị triệt tiêu bởi thời gian và không bị bỏ quên vì nhân dân Miền Nam VN và chính phủ VNCH trước và sau 1975, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, liên tục đòi hỏi và tranh đấu bằng mọi cách trong khả năng của mình để phục hoạt Hiệp Định – chúng tôi tin rằng một giải pháp công bằng, hợp lý, đúng với công pháp quốc tế có thể thành tựu đặng dân tộc Việt Nam hành sử được quyền tự quyết của mình, giải thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài toàn trị và góp phần xứng đáng vào công cuộc ngăn chận làn sóng đỏ tuôn tràn xuống miền Đông Nam Á Châu.

– Để thi hành sứ mạng này đồng thời tái thiết và phát triển toàn diện đất nước của mình từ Bắc chí Nam, Việt Nam Cộng Hòa tương lai sẽ hợp tác chặt chẽ, bền vững với ưu tiên cao nhất với quý quốc trong mọi lãnh vực, hai nước cùng có lợi , an ninh và hòa bình được củng cố trong vùng địa lý chiến lược này của thế giới.

– Chúng tôi chắc rằng Tổng Thống đã nhận thấy những sai lầm cực kỳ tai hại của đảng Dân Chủ từ 7 thập niên qua như đã trình bày,và thỉnh cầu Tổng Thống giải quyết những hậu quả đang còn di lụy cho Việt Nam và các vùng khác trên địa cầu vì chính quyền lợi chính đáng thiết thực của Hoa Kỳ và sự cần thiết chu toàn sứ mạng lịch sử của Hiệp-Chủng-Quốc Hoa Kỳ góp phần thiết yếu bảo vệ tự do của nhân loại và hòa bình của thế giới.

– Với khả năng đặc biệt của Tổng Thống chỉ trong một năm chấp chánh đã thực hiện sự gia tăng thịnh vượng của Hoa Kỳ, chúng tôi tin tưởng Tổng Thống sẽ chu toàn sứ mạng cao quí này.

– Một khi giải thoát xong khỏi đảng CSVN lệ thuộc Trung Cộng, dân tộc VN chúng tôi, non 100 triệu người như một, sẽ tạo nên một thành trì vững chắc chống lại mọi kẻ thù xâm lược từ phương Bắc và góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ an ninh và hòa bình cho toàn cõi Á Châu -Thái Bình Dương.

Trân trọng kính chào Tổng Thống và xin Ngài nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa nhất của dân tộc Việt Nam chúng tôi, một dân tộc khao khát tự do, công lý và dân chủ.

(ngưng trích)

Đạo luật PL 93-559-DEC.30, 1974 là cái gì và Khoản 4 nói gì? Và cũng chưa biết TT Donald Trump sẽ trả lời LS Lê Trọng Quát ra sao. Trong khi chờ đợi, tưởng cũng nên nhắc lại cuộc phỏng vấn mà TT Nguyễn Văn Thiệu đã dành cho tờ báo Đức Spiegel năm 1979 sau khi Kissinger viết những điều dối trá về Hiệp định Paris trong hồi ký của ông ta. Bài phỏng vấn này khá dài, dưới đây là đoạn kết qua bản dịch của Nhà văn Phạm Thị Hoài:

________________________________________

Spiegel: Khi Mỹ đã rút, còn Hà Nội thì được phép tiếp tục đóng quân ở miền Nam, chắc ông phải thấy là ông đã thua trong cuộc chiến này?

Nguyễn Văn Thiệu: Không hẳn, nếu chúng tôi tiếp tục được sự trợ giúp cần thiết từ phía Mỹ, như chính phủ Mỹ đã hứa khi chúng tôi đặt bút ký hiệp định. Ngay cả khi ký, tôi đã coi đó là một nền hòa bình tráo trở.

Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể chống lại bất kỳ sự xâm lăng nào của Bắc Việt. Vì hai lý do: Chúng tôi có lời hứa chắc chắn bằng văn bản của Tổng thống Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng quyết liệt, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định. Thứ hai, chúng tôi được đảm bảo là sẽ có đủ viện trợ quân sự và kinh tế cần thiết để chống Bắc Việt xâm lược. Nếu chính phủ Mỹ thực lòng giữ lời hứa thì chiến tranh có thể kéo dài, nhưng miền Nam sẽ không bị Bắc Việt thôn tính.

Spiegel: Về điều này thì ông và Kissinger ít nhiều đồng quan điểm. Ông ấy viết rằng chiến lược toàn cục có thể sẽ thành công, nếu Mỹ đủ khả năng hành động trước bất kỳ một vi phạm nào của Hà Nội và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho miền Nam. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Kissinger quy lỗi cho vụ Watergate, vì sau đó Tổng thống Mỹ không còn đủ uy tín. Ông có nghĩ rằng vụ Watergate thực sự chịu trách nhiệm, khiến tất cả sụp đổ không?

Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không phải là người Mỹ. Tôi không muốn quét rác trước cửa nhà người Mỹ. Nhưng nếu người Mỹ giữ lời hứa thì đó là sự cảnh cáo tốt nhất, khiến Bắc Việt không tiếp tục xâm lăng, và chiến tranh có thể sẽ dần chấm dứt.

(hết trích)

“Nhà người Mỹ” hiện nay cũng đang có nhiều “rác”, nào DACA, nào MEMO, nào FISA…

Ký Thiệt

http://bacaytruc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=18703:hip-nh-paris-1973-cha-cht&catid=34:din-an-c-gi&Itemid=53